“Thật vậy, tôi không có ai như người đồng tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em: ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Giê-xu Christ” (câu 20-21).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ti-mô-thê được Sứ đồ Phao-lô giới thiệu như thế nào? Những phẩm chất nào cần thiết cho việc gây dựng Hội Thánh? Bạn học hỏi gì nơi ông Ti-mô-thê để tự gây dựng những phẩm chất ấy?
Tên Ti-mô-thê có nghĩa là Người Tôn Kính Chúa, và cuộc đời ông hoàn toàn đúng với tên gọi đó. Sứ đồ
Phao-lô giới thiệu ông Ti-mô-thê là người “lo về việc anh em” (câu 20). Cụm từ này có nghĩa là quan tâm, lo lắng về lợi ích của người khác đến nỗi trở thành một gánh nặng trong lòng. Sự quan tâm đến Hội Thánh và công việc Chúa của ông Ti-mô-thê là “thật lòng,” không giả dối, không vì động cơ cá nhân, mà vì yêu anh em mình. Ông Ti-mô-thê đã kinh nghiệm Chúa yêu mình, chết thay vì mình, và nhìn thấy tấm gương yêu thương Hội Thánh và sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh của ông Phao-lô, là người thầy, người cha thuộc linh của mình, do đó ông cũng đã sống cuộc đời yêu Chúa và yêu Hội Thánh như vậy. Nhiều người trong chúng ta đang góp phần trong những công việc khác nhau của Hội Thánh địa phương, nhưng ngay giờ phút này hãy tự hỏi chính mình: “Tôi làm những điều này vì động cơ nào? Có phải vì yêu Chúa và yêu anh chị em mình cách thật lòng không?”
Ông Ti-mô-thê còn được biết đến vì “sự trung tín từng trải của người” (câu 22a). Cuộc đời và sự phục vụ Chúa của ông đã được chứng thực qua thời gian chứ không phải là phong trào trong một giai đoạn. Nhiều người có thể coi ông Ti-mô-thê chỉ là “cái bóng” của Sứ đồ Phao-lô, lại là một người trẻ tuổi, nên coi thường. Vì vậy, Sứ đồ Phao-lô đã nói rằng: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi” (I Ti-mô-thê 4:12a). Bất chấp những điều đó, ông Ti-mô-thê vẫn luôn trung tín phục vụ Chúa và yêu thương anh em. Thái độ và phản ứng của người khác không khiến ông thôi yêu thương họ, và hoàn cảnh khó khăn không khiến ông rời bỏ sự phục vụ Chúa. Không dừng ở đó, Sứ đồ Phao-lô nói rằng Hội Thánh Phi-líp “biết người là trung thành với tôi về việc Tin Lành, như con ở với cha vậy” (câu 22b). Cụm từ “trung thành với tôi” có nghĩa là “cùng tôi trung thành với.” Ông Ti-mô-thê đã cùng với thầy mình là Sứ đồ Phao-lô phục vụ cho Phúc Âm trong ý muốn Chúa. Ông đã sẵn sàng trong mọi công tác để gây dựng Hội Thánh và truyền bá Phúc Âm.
Điều nổi bật nơi con người ông Ti-mô-thê không phải là những ân tứ nổi trội, những công tác vĩ đại để tiếng tăm cho đời, hay quyền cao chức trọng, nhưng là một cuộc đời yêu Chúa, yêu Hội Thánh, khiêm nhường, tận tâm phục vụ trong tinh thần thuận phục và sẵn sàng.
Bạn có sẵn sàng để trở nên một Ti-mô-thê cho Đức Chúa Trời và cho Hội Thánh không?
Tạ ơn Chúa vì tấm gương của một người âm thầm phục vụ Chúa, một người yêu thương Hội Thánh hết lòng, một người sẵn sàng cho công tác Phúc Âm của ông Ti-mô-thê. Xin giúp con là một Ti-mô-thê trên hành trình theo Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Các Vua 4.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien