“Ấy là vì công việc của Đấng Christ mà người đã gần chết, liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi” (câu 30).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ép-ba-phô-đích là ai? Ông đã phục vụ Sứ đồ Phao-lô trong tinh thần nào? Tâm tình của ông đối với Hội Thánh Phi-líp ra sao? Những điều này quan trọng thế nào trong việc gây dựng sự hiệp một trong Hội Thánh?
Ông Ép-ba-phô-đích là một ủy viên của Hội Thánh Phi-líp và được gửi đến La Mã để đem tặng phẩm đến Sứ đồ Phao-lô, báo cáo tình hình, và lưu lại để giúp đỡ Sứ đồ Phao-lô. Trong thời gian này, ông đã bị bệnh rất nặng, và sau đó được Sứ đồ Phao-lô gửi về lại
Phi-líp. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điểm nổi bật của ông Ép-ba-phô-đích chính là sự quan tâm đến người khác. Trong điều kiện phục vụ Chúa không thuận lợi, phải xa gia đình, phục vụ một tù nhân, và chính ông cũng đau ốm, nhưng Sứ đồ Phao-lô nói rằng, dù “vì công việc của Đấng Christ mà người đã gần chết” thì vẫn “liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi” (câu 30).
Ép-ba-phô-đích trong tiếng Hy Lạp là tên của thần Aphrodite, một Nữ Thần Tình Yêu và cũng là Thần Cờ Bạc. Thời bấy giờ, khi người ta gieo xúc xắc thì thường kêu lên “Ép-ba-phô-đích!” để cầu may mắn. Và Sứ đồ Phao-lô đang chơi chữ khi nói Ép-ba-phô-đích “liều mình,” vì chữ “liều” cũng là một từ ngữ dành cho việc cờ bạc. Nhưng con bạc “liều” để kiếm lợi cho mình, còn ông Ép-ba-phô-đích “liều” để đem lại ích lợi cho người khác, đó chính là Sứ đồ Phao-lô và Hội Thánh Phi-líp. Ông Ép-ba-phô-đích sẵn sàng đứng vào những việc khó khăn, những việc mà người khác không thể làm (câu 30). Ông sẵn sàng từ bỏ những tiện nghi cho mình để dấn thân phục vụ.
Ngay trong cơn thử thách vì bệnh gần chết, thì ông Ép-ba-phô-đích vẫn quan tâm “lo về anh em nghe mình bị đau ốm” (câu 26). Cụm từ này có nghĩa là “rất buồn rầu,” như sự đau buồn của Chúa Giê-xu tại
Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:37). Dù bệnh gần chết nhưng mối quan tâm hàng đầu của ông Ép-ba-phô-đích là sợ Hội Thánh tại Phi-líp lo lắng cho ông! Cho dù rất buồn rầu, ông vẫn lưu lại La Mã và không đòi trở về. Ông đã không nặng lòng về những khó khăn của mình, vì vậy ông có thì giờ nghĩ về nhu cầu của người khác.
Có người nói tôi không biết làm gì để góp phần gây dựng Hội Thánh? Chúng ta không thấy những nhu cầu để dự phần vì chúng ta không thật sự quan tâm đến Hội Thánh, đến công việc Chúa, đến người khác. Phân đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta thấy hình ảnh ông
Ép-ba-phô-đích đã quan tâm đến Hội Thánh Phi-líp, bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy Sứ đồ Phao-lô quan tâm đến ông Ép-ba-phô-đích, và chính Hội Thánh Phi-líp lại quan tâm đến Sứ đồ Phao-lô. Đây chính là bức tranh đẹp đẽ của sự hiệp một trong Thân Thể Chúa.
Bạn có quan tâm đến công việc Chúa và nhu cầu của anh chị em trong Hội Thánh không?
Lạy Chúa, xin cho con trở nên một Ép-ba-phô-đích của Chúa và Hội Thánh, sẵn lòng mang lấy tâm tình yêu thương, quan tâm đến người khác, và hy sinh cho công việc Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Các Vua 5.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien