Kinh Thánh: Châm-ngôn (Proverbs) 4:23-27
Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra. Con hãy dẹp ra sự gian tà của miệng, và bỏ cách xa con sự giả dối của môi. Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con. Hãy ban bằng cái nẻo của chơn con đi, và lập cho vững vàng các đường lối con, chớ xây qua bên hữu hay bên tả; Hãy dời chơn con khỏi sự ác.

Watch over your heart with all diligence, for from it flow the springs of life. Put away from you a deceitful mouth and put devious speech far from you. Let your eyes look directly ahead and let your gaze be fixed straight in front of you. Watch the path of your feet and all your ways will be established. Do not turn to the right nor to the left; Turn your foot from evil.

Dưỡng linh:

Trong đời sống có những điều chúng ta cần phải giữ và cũng có những điều chúng ta sẵn sàng để mất. Những gì chúng ta thấy quý báu thì giá nào chúng ta cũng giữ, thậm chí ngay cả hy sinh mạng sống để giữ và bảo vệ nó. Trong đời sống tinh thần, con người chúng ta thường hay nói đến sự hy sinh để bảo vệ tự do (liberty) cho đất nước và dân tộc. Điều này thường được xem là cao quý và thiêng liêng nhất của một công dân đối với đất nước của mình. Về phương diện vật chất, con người cũng đã đổ biết bao nhiêu công sức và mạng sống để bảo vệ những gì mình có mặc dầu đôi khi điều chúng ta bảo vệ không quý báu bằng chính mạng sống của mình. Có khi đến cuối cùng con người khám ra rằng điều mình hy sinh để bảo vệ cũng chẳng thuộc về chính mình hay có chẳng tương xứng với điều mình đã hy sinh! Nhưng ít ai nói đến việc phải giữ tấm lòng của chính mình hơn tất cả những gì con người có. Lý do rất đơn giản: con người luôn xem trọng những gì mình thấy được, nâng niu và trân quý những gì có giá trị bằng vật chất hơn là những gì thuộc lãnh vực tinh thần hay tâm linh.

Tác giả Châm Ngôn là vua Sa-lô-môn có một cái nhìn sâu xa hơn chúng ta vào trong chân giá trị thật của những gì con người chúng ta cần phải giữ và bảo vệ. Đó là “tấm lòng” chính là điều đáng phải giữ vì nó là quý báu hơn hết. Trong nguyên nghĩa Kinh Thánh Cựu Ước, động từ “giữ” có nghĩa là canh chừng thường xuyên với thái độ luôn luôn thức tỉnh đối với sự tấn công của kẻ thù. Và từ ngữ “tấm lòng” bao gồm trong đó lý trí, ý chí, tình cảm. Tấm lòng là nơi điều khiển và xuất phát ra mọi hành vi, lời nói, cung cách sống, nhân cách v.v… Vì thế tác giả Châm ngôn nói: “vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” Ma quỷ luôn luôn tìm đủ mọi cách để tấn công tấm lòng của chúng ta vì nó biết rõ rằng đó là “sào huyệt” và “tổng hành dinh” của cả con người chúng ta. Nếu đánh gục và chiếm hữu tấm lòng con người thì sẽ điều khiển cả con người đó! 

Tấm lòng chính là cả con người của chúng ta (being) và đi với chúng ta vào cõi đời đời. Tất cả những gì vật chất con người chiếm hữu chỉ là tạm thời nhưng tấm lòng sẽ tồn tại đời đời và bất diệt. Nếu chúng ta biết canh giữ tấm lòng của mình mỗi ngày thì chắc chắn rằng đời sống của chúng ta cũng sẽ theo đó được phước, vui thỏa, nhẹ nhàng bước đi với Chúa trong sự thánh khiết, yêu thương, công chính. Còn nếu chúng ta không biết canh giữ tấm lòng của mình cách cẩn thận thì chắc chắn rằng đời sống chúng ta sẽ gặp những điều khốn khổ, đau buồn, và hủy diệt. Khi chúng ta chỉ lo chú tâm vào việc canh giữ tấm lòng thì chúng ta sẽ xem nhẹ những gì thuộc về vật chất của đời này. Nhưng khi chúng ta quá chú trọng đến vật chất của đời này thì chúng ta sẽ xem nhẹ giá trị vĩnh cửu và không quan tâm đến việc canh giữ tấm lòng của chúng ta.

Tác giả Châm Ngôn cho thấy người biết canh giữ tấm lòng của mình thì sẽ thực hiện một số hành động sau đây: 

1. Tránh xa những lời nói lừa đảo và giả dối của miệng. Sự không thành thật, giả dối và xảo trá là kẻ thù nguy hiểm nhất của tấm lòng con người. Muốn hủy hoại một cuộc đời, ma quỷ cám dỗ người đó bước vào trong con đường của sự gian dối, nói những điều không chân thật, và làm những việc không ngay thẳng. Khi một người buông mình vào con đường tội lỗi thì chắc chắn rằng bước đầu tiên của người đó là sẽ nói và làm những điều không chân thật. Từ một việc nhỏ không chân thật sẽ dẫn đến những việc lớn và sẽ tàn phá cuộc đời của người đó cách dễ dàng. Khi một người nói điều gian dối thì người đó đã có tấm lòng không ngay thẳng bên trong từ lâu. Lời nói chỉ là sự biểu lộ của tư tưởng bên trong của tấm lòng con người. 

2. Xây dựng cho mình một thái độ sống, cái nhìn công chính và ngay thẳng. Chẳng những người biết giữ tấm lòng của mình cho thanh sạch bằng cách không nói những lời gian dối, xảo trá, nhưng người đó còn phải xây dựng cho chính mình một thái độ sống, cái nhìn dựa trên sự công chính và ngay thẳng của Lời Chúa dạy. Quan điểm của người biết giữ tấm lòng của mình phải được xây dựng trên một nền tảng vững chắc để rồi sẽ không bị chao đảo hay thay đổi, cuốn hút vào những điều xảy ra chung quanh mình. Lối sống của con người là sự biểu hiện của nhân sinh quan và thế giới quan của người đó. Vì vậy, người biết giữ tấm lòng của mình sẽ hoàn toàn đặt nền tảng trên Lời hằng sống không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời. Rất dễ dàng cho chúng ta khi sống trong thế gian đầy dẫy những điều sai trái và băng hoại, rồi dần dần đi đến chỗ nhân nhượng và dung hòa trong quan điểm sống giữa Lời hằng sống của Đức Chúa Trời và tiêu chuẩn sống của thế gian. Chỉ có những người can đảm sống theo tiêu chuẩn của thiên đàng mới có thể thích hợp với thiên đàng và cõi đời đời.

3. Tránh xa con đường gian tà của ma quỷ. Người biết giữ tấm lòng của mình sẽ không nộp mình vào trong những điều gian tà và tội lỗi của ma quỷ. Người đó sẽ nhờ ơn Chúa tránh xa “điều gì tựa như điều ác”. Có nhiều điều ở trần gian này khiến cho Cơ-đốc nhân cảm thấy khó chịu lúc ban đầu nhưng rồi lần lần quen dần với chúng. Vì vậy, đối với tội lỗi và điều ác chúng ta cần phải có một thái độ dứt khoát, thẳng thắn ngay từ đầu. Bằng không, chúng ta rất dễ dàng bị rơi vào trong cạm bẫy của ma quỷ và xa rời con đường công chính và thánh khiết của Đức Chúa Trời.

Tấm lòng phải là điều quan tâm hàng đầu của đời sống Cơ-đốc nhân. Chúng ta có thể hy sinh những gì tạm bợ của trần gian này để giữ lấy sự thanh sạch và ngay thẳng của tấm lòng vì nó sẽ còn lại đời đời. Người hầu việc Chúa không giữ tấm lòng của mình ngay thẳng, thánh sạch trước mặt Đức Chúa Trời thì sẽ không có quyền phép trong sự giảng dạy và nếp sống đạo để thi hành chức vụ của mình. Con dân Chúa không giữ tấm lòng của mình hơn hết thì sẽ dễ dàng sa vào biết bao nhiêu thứ tội lỗi và bất khiết của thế gian này, và cuối cùng đi đến chỗ mất linh hồn và sự cứu rỗi như Ê-sau ngày xưa. Chúng ta cũng cần lắng nghe lời khuyên của tác giả Hê-bơ-rơ như sau: “Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Ðức Chúa Trời, kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng. Hãy coi chừng, trong anh em chớ có ai gian dâm, cũng đừng có ai khinh lờn như Ê-sau, chỉ vì một món ăn mà bán quyền con trưởng. Thật vậy, anh em biết rằng đến sau, người muốn cha mình chúc phước cho, thì lại bị bỏ; vì dẫu người khóc lóc cầu xin, cũng chẳng đổi được ý cha mình đã định rồi” (12:15-17). Như thế, chất chứa nỗi cay đắng trong lòng, nuôi dưỡng tính gian dâm trong con người, và buông mình vào lòng tham mê của xác thịt để được thỏa mãn sự đòi hỏi của nó cũng là những điều làm hoen ố tấm lòng của Cơ-đốc nhân. Tấm lòng và mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời phải là điều đáng phải giữ hơn hết trong đời sống tạm bợ trên đất này vì nó sẽ còn lại đời đời. 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, xin giúp cho thấy được sự cao quý của tấm lòng và mối quan hệ của con với chính Ngài để rồi con bằng lòng hy sinh và xem nhẹ tất cả mọi điều ở trần gian này. Xin giữ tấm lòng con luôn xu hướng về Ngài và có thái độ dứt khoát với những gì có thể làm hoen ố tấm lòng của con và suy bại đời sống tâm linh con. Chúa ôi! xin cho con luôn đặt mối quan hệ giữa con với Ngài và sự thanh sạch của tấm lòng là điều quan trọng hơn hết để con sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mắt con thấy, tai con nghe, và cảm xúc con có thể bị cuốn hút vào đó hầu có thể sống tuyệt đối cho Ngài. Amen!

SUU TAM 


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com