Trong vòng một tuần lễ hai cái chết đã xảy ra mà cả thế giới đều nhắc đến. Tuần trước chúng ta đã nói về cái chết của công nương Diana, hôm nay chúng ta sẽ nói về cái chết của Mẹ Teresa, nói về đời sống của bà thì đúng hơn.
Thật vậy, như lời một nhà báo đã nói, bà đã đi rồi nhưng chúng ta sẽ tiếp tục trông thấy bà trong cõi vĩnh hằng! Tôi muốn nói đến Mẹ Teresa trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay vì bà là nhân chứng của Phúc Âm. Người ta ca tụng Mẹ Teresa và việc làm của bà nhưng bà đã nói gì? Người ta nói bà và những cộng sự viên là những người làm việc xã hội nhưng bà phản đối điều đó. Bà nói, “Chúng tôi không phải là công tác viên xã hội, nhưng chúng tôi là những người phục vụ Chúa. Chúng tôi hầu việc Chúa Giê-xu 24 giờ mỗi ngày!”
Động cơ thúc đẩy Mẹ Teresa sống cuộc đời như bà đã sống là lời dạy của Chúa Giê-xu. Chúa phán, “Khi các con đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta ấy là đã làm cho chính mình Ta vậy!” Đúng như vậy, mỗi khi Mẹ Teresa chăm sóc người đau, người bị bỏ rơi, rửa vết thương cho họ, chuẩn bị họ cho cái chết, bà luôn luôn nghĩ trong trí, “Đó là Chúa Giê-xu, tôi đang làm việc nầy cho Chúa Giê-xu.”
Khẩu hiệu của đời sống bà là theo Chúa. Bà nói, “Tôi theo Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời của tôi, là sự sống của tôi, là tình yêu của tôi. Chúa Giê-xu là tình yêu duy nhất của tôi. Chúa là tất cả.”
Bà nhấn mạnh về tình thương nhưng không phải vì vậy mà bà yên lặng trước những bất công và sai quấy ở đời. Trong một buổi nói chuyện tại Washington một vài năm trước với sự hiện diện của cả tổng thống và phó tổng thống Mỹ cùng với các phu nhân, bà đã thắng thắn lên án tệ nạn phá thai, bà thách thức giới trẻ bày tỏ tình thương cụ thể với gia đình, với cha mẹ, bà lên án những người chủ trương niềm tin mà thiếu hành động thiết thực trong đời sống. Bà là một phụ nữ nhỏ bé, yếu đuối nhưng cuộc đời bà đã bày tỏ một sức mạnh vô biên. Bí quyết của sức mạnh đó như lời tuyên bố của bà trước đây, “Tôi chỉ là cây viết chì nhỏ bé trong bàn tay của Thiên Chúa. Chúa suy nghĩ, Chúa viết ra, cây viết chì chỉ để yên cho Chúa hành động.”
“Tôi là cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa.” Đây cũng phải là tâm niệm của mỗi chúng ta đang khi đi qua trên cõi đời nầy. Câu nói nầy trước hết nói lên ý thức Thiên Chúa là Tạo Hóa, tạo dựng nên chúng ta, chúng ta là tạo vật của Ngài. Thiếu đi ý thức đầu tiên và quan trọng nầy sẽ khiến chúng ta trở thành những con người kiêu ngạo, thiếu tình thương. Bạn có biết mình là con người do Thiên Chúa tạo dựng không? Tôi thật ngạc nhiên khi thấy những người hoàn toàn phủ nhận sự kiện dĩ nhiên nầy. Họ cho rằng con người và cả cõi vũ trụ nầy tự sinh, tự dưỡng và tự diệt? Nhưng tôi cũng trông thấy mâu thuẫn chính trong những con người đó vì cũng chính họ là những người ca tụng vẻ đẹp của thiên nhiên và kêu gọi người khác chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó. Chiêm ngưỡng thiên nhiên mà không nhìn thấy Thiên Chúa trong thiên nhiên thì thật là một thiếu sót lớn. Lời Chúa dạy, “Điều gì có thể biết về Thiên Chúa thì đã trình bày ra cho họ, Thiên Chúa đã tỏ điều đó cho họ rồi bởi vì những điều trọn lành của Ngài mắt không thấy được thì từ buỏi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài.” “Xem xét công việc của Chúa” từ ngàn cây nội cỏ, đến nhịp đập của con tim, tiếng khóc của trẻ thơ… Tất cả đều cho thấy bàn tay nhiệm mầu của Đấng Tạo Hóa, chúng ta là tạo vật của Thiên Chúa, là cây viết chì trong bàn tay của Ngài. Bạn có ý thức như vậy không?
Đời sống của Mẹ Teresa là cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa chẳng những trong ý nghĩa Tạo Hóa và tạo vật nhưng cũng hàm ý tùy thuộc và vâng phục. Nói rằng con người phải tin, phải tùy thuộc nơi Đấng Tạo Hóa, người ta dễ nghĩ rằng mình là con người hèn yếu, nhu nhược. Hèn yếu nhu nhược thật nếu chúng ta sống một đời sống lười biếng, ỷ lại vào người khác. Nhưng sống tùy thuộc nơi Thiên Chúa là điều tự nhiên, như con đến với cha, như đứa bé trong vòng tay của người mẹ, có gì là hèn yếu hay nhu nhược đâu nhưng đó là yêu thương, đó là tự nhiên. Thiếu lòng tin và tùy thuộc nơi Thiên Chúa, đó mới là điều đáng lo ngại.
Mẹ Teresa đã một đời tận hiến cho Thiên Chúa vì trước hết bà ý thức mình là tạo vật của Chúa, mình tùy thuộc nơi Chúa và những người khác đồng thời cũng là tạo vật của Ngài vì tất cả mọi người đều được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa như Lời Chúa đã dạy. Tức là chúng ta mang trong người những đặc tính mà chỉ con người mới có. Đó là lý trí để suy luận, ý chí để quyết định và ý thức đạo đức để phân biệt thiện lành, phải trái. Sâu thẳm trong tâm hồn, chúng ta biết rõ điều đó. Chính vì vậy mà phủ nhận Thượng Đế là chúng ta tự dối mình.
Mẹ Teresa đã để cho cuộc đời mình nằm trong bàn tay của Thiên Chúa và để cho Ngài sự dụng vì bà ý thức về một quyền năng tối thượng. Chính bà không thể làm những việc bà đã làm và bà cho đã mọi người thấy sức mạnh của bà đến từ Thiên Chúa, không phải của bà. Bà nói đến tình yêu tuyêt đối bà dành cho Chúa và nhờ đó bà có thể yêu thương người khác như yêu chính Chúa. Và đây chính là căn bản của Phúc Âm. Tự ta, ta không thể làm gì cả, nhưng một khi tình yêu và sự sống của Chúa chan hòa trong chúng ta, chúng ta trở thành khí cụ trong bàn tay của Chúa.
Mẹ Teresa sống một cuộc đời khắc khổ, tận hiến và người ta nhìn thấy chính Chúa Giê-xu trong cuộc đời của bà. Điều nầy đã xảy ra vì chính bà cũng đã nhìn thấy Chúa trong người khác. Bà tâm niệm rằng, bất cứ việc gì mình làm là làm cho Chúa chứ không phải cho một ai khác. Bà thấy Chúa trong người khác và người khác thấy Chúa trong bà. Đây thật là một quân bình cần thiết giữa xã hội đầy đau thương nầy. Mẹ Teresa phục vụ cho người nghèo tại Ấn Độ trong những khu ổ chuột. Nhưng bà cho rằng cái đau khổ của con người trong những khu ổ chuột đó cũng đáng thương như những đau khổ tinh thần và tâm linh. Bà nói, “Nhiều người trên thế giới nầy đói vì bánh nhưng còn nhiều người hơn nữa đói tình thương. Cái nghèo khổ của xã hội Tây phương, Mẹ Teresa nói, chẳng những là nghèo vì cô đơn nhưng cũng là cái nghèo tâm linh. Người ta đang đói khát tình thương cũng như người ta đang đói khát Thiên Chúa.”
Chúng ta có thể không thiếu thốn miếng cơm manh áo trong xã hội nầy nhưng bao nhiêu người giờ nầy có thể nói rằng mình vui thỏa? Cái đói khát của tâm hồn mới là điều đáng sợ và Chúa Cứu Thế đã hứa Ngài sẽ ban cho kẻ đói được no lòng.
Chúng ta vừa cùng nhau nhìn lại cuộc đời của Mẹ Teresa và những gì bà đã nói, cũng là phương châm và thực hành của đời sống bà. Chúng ta chắc không thể sống cao đẹp được như Mẹ Teresa, một vị thánh sống, dù bà đã chết. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thực hành và sống theo phương châm của bà, phương châm làm cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa.
Làm cây viết chì trong bàn tay của Thiên Chúa là ý thức mình là vật thọ tạo của Thiên Chúa. Là sống tùy thuộc nơi Chúa, để cho Ngài dìu dắt, hướng dẫn, sử dụng. Nhưng trước khi có thể làm điều đó, chúng ta cần có sự sống, cần có tình thương của Chúa chan hòa trong cuộc đời của chúng ta. Tình thương đó đến với chúng ta bằng niềm tin chân thành nơi Thiên Chúa. Niềm tin thể hiện trong lời cầu nguyện. Mẹ Teresa cũng đã nói, “Không cầu nguyện, chúng ta không thể nào sống thánh thiện và tiếp tục đời sống, tăng trưởng trong đức tin.”
Chúa Giê-xu đã làm gì mà tạo một ảnh hưởng sâu xa trong cuộc đời của Mẹ Teresa như vậy? Chúa là Thiên Chúa toàn năng đã đến trần gian nầy chịu chết thế cho bà, cho tôi, cho quý vị, cho mỗi chúng ta. Sống một đời sống tận hiến như vậy chỉ là báo đáp phần nào ân sủng Chúa dành cho chúng ta.
Người ta nói rằng đời sống là một cuộc hành trình và có những người ta chỉ gặp gỡ một lần trong chuyến đi đó. Mẹ Teresa đã vào đời để chúng ta nhìn thấy chính Thiên Chúa cũng đã vào đời và trong lần gặp gỡ nầy, ta hãy để cho tình thương của Thiên Chúa thấm nhuần vào tâm hồn chúng ta. Tình thương đó đến với chúng ta bằng niềm tin thể hiện trong lời cầu nguyện. Mẹ Teresa nói, “Tôi luôn luôn bắt đầu cầu nguyện trong yên lặng. Chính trong cái yên lặng của con tim Thiên Chúa nói với lòng của chúng ta. Chúng ta cần yên lặng bởi vì không phải chúng ta nói gì nhưng là Chúa nói gì với ta và qua ta, đó mới là điều quan trọng. Máu cần cho thân xác thể nào, cầu nguyện cũng cần cho linh hồn như vậy.”
Bạn có muốn yên lặng đến cầu nguyện với Chúa giờ nầy không?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành.
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com