Ông Esope kể câu chuyện ngụ ngôn sau: Người chủ kia chất những bao lúa lên xe rồi tra một con lừa và một con ngựa vào để kéo. Con lừa đang bệnh. Chỉ một đoạn đường ngắn mà nó đã đuối sức. Lừa xin với ngựa rằng: “Anh ngựa ơi, anh còn khỏe, cố gắng kéo mạnh một chút, đỡ phần gánh nặng giùm tôi.”

Ngựa hí vang rồi nói: “Hai đứa như nhau, đều phải kéo xe nặng, chuyện ai nấy làm, anh làm như tôi nhẹ nhàng hơn anh không bằng!” Lừa ra sức nài nỉ: “Nếu anh không kéo giúp, e rằng kiệt sức quá, tôi sẽ chết, lúc ấy có khi chủ bắt anh phải kéo một mình, thì tội nghiệp cho anh.” Nhưng con ngựa vẫn khăng khăng không chịu đỡ đần cho bạn. Đường càng xa, xe càng nặng, con lừa không chịu nổi, tắt thở! Ngựa phải kéo xe một mình, nào những thế thôi, trên xe còn chở thêm cái xác của con lừa tội nghiệp. Lúc ấy, ngựa bèn than thở rằng: “Tôi thật ngu dại, không nghe lời kêu cứu của bạn, bây giờ khổ thân.”
Những câu chuyện ngụ ngôn bao giờ cũng miêu tả cuộc sống con người trong những khía cạnh hết sức tinh tế, cùng với những bài học sâu sắc. Có lẽ Esope đã quá chán ngán cái cảnh con người sống hững hờ, ngay cả khi người khác kêu cầu sự giúp đỡ, vì thế ông đã viết nên mẩu chuyện nầy. Chúa biết, là con người, ai cũng yêu chính mình! Vì thế Ngài đã lấy điều đó làm tiêu chuẩn cho mối quan hệ đối với đồng loại: “Hãy yêu kẻ lân cận như mình.” – “Hãy làm cho người khác những gì chúng ta muốn họ làm cho mình.” Như thế, Ngài cho phép chúng ta yêu mình, nhưng phải biết yêu mình có chừng mực. Một số tội lỗi bắt đầu xuất hiện khi có sự mất cân bằng giữa việc yêu mình và yêu người, giữa hy sinh và ích kỷ, giữa bác ái và tự ái. Những Cơ Đốc nhân có tình yêu Chúa sẽ có thể vui với cái vui và khóc với nỗi buồn của người, cảm được tâm trạng của họ, bằng cách tự đặt mình vào tình cảnh. Có như thế chúng ta mới biết mình cần phải làm gì để san sẻ gánh nặng của những ai cần đến, Hãy tập sống quên mình và hy sinh như cách Chúa đã đối với chúng ta.
“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.” Ga-la-ti 6:2.
Trích “Chắp Cánh Cho Tâm Hồn Bay Cao”
– Của Dương Quang Thoại.
Ðừng Làm Phiền Tôi
“Không lời nào trong từ vựng của tôi diễn tả được lòng căm ghét sâu sắc hơn là từ can thiệp. Nhưng Cơ Ðốc Giáo đã đặt ngay tại trung tâm chính điều mà hồi đó đối với tôi dường như là Kẻ Can Thiệp siêu việt”.
Lúc còn trẻ, C.S. Lewis từ bỏ niềm tin thời ấu thơ nơi Ðức Chúa Trời và tuyên bố không tin vào tôn giáo, bảo rằng tôn giáo toàn là huyền thoại do con người đặt ra. Nhiều năm sau, khi nhìn nhận Chúa Giêxu là Con Ðức Chúa Trời và là Cứu Chúa của mình, Lewis đã viết về thời gian đó trong tác phẩm Surprised By Joy [Ngạc nhiên Vì Vui Mừng]. Ông nói: “Không lời nào trong từ vựng của tôi diễn tả được lòng căm ghét sâu sắc hơn là từ can thiệp. Nhưng Cơ Ðốc Giáo đã đặt ngay tại trung tâm chính điều mà hồi đó đối với tôi dường như là Kẻ Can Thiệp siêu việt. Không có vùng nào kể cả tận đáy sâu kín nhất trong tâm hồn, có ai giăng được một hàng rào kẽm gai với lời cảnh báo À Không Ðược Phép Vào.” Mà đó chính là điều tôi mong muốn; một vùng nào đó, dù nhỏ bao nhiêu, mà tôi có thể nói với mọi người khác, À Ðây là chuyện riêng của tôi và chỉ của riêng tôi thôi,'” Mọi người đều có quyền nói với Ðức Chúa Trời, “Hãy để tôi yên. Ðừng làm phiền tôi.” Nhưng Chúa có quyền theo đuổi chúng ta bằng sự nhân từ kiên trì của Ngài. Ðối với hội thánh tự mãn tại Laođixê, Ðấng Christ phục sinh phán” “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, Ta sẽ vào dùng bữa với người và người với Ta” (Khải Huyền 3:20). Bởi ân sủng Ngài, Chúa vẫn tiếp tục gõ, sẵn sàng đổ đầy tình yêu vào đời sống chúng ta.
Tình yêu Ðức Chúa Trời thật kiên trì nhưng không bao giờ áp đặt.
David McCasland (LHS)
Mỗi Ngày Một Niềm Vui
Thư Gia Cơ 1:19-21
“Người nào cũng phải mau nghe chậm nói, chậm giận; vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời. Vậy hãy bỏ đi mọi điều ô uế, và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì, nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em”. Đây là lời của sự sống, chứa đựng những chân lý quí báu, thôi thúc người theo Chúa tiến đến đời sống có kết quả tốt, vì lời Chúa có sức sống phong phú mãnh liệt, như con sông có nước sự sống, cứ tuôn tràn đưa chúng ta đến mé nước bình tịnh.
1. MAU NGHE: tức là nghe cách nhanh chóng, được diển tả trong hình ảnh của con chim bay nhanh, chỉ về sự thính tai, nhạy cảm nghe, không phải là sự phản xạ của cảm thính giác, nhưng nghe với sự hiểu biết của người được tái sanh, nghe để phân định phải trái, hầu biết hành sự cách đúng đắn và họp lý.
2. CHẬM NÓI: Chỉ về sự cầm giữ miệng lưỡi, để nói lời đánh phải nói, hầu xứng họp với người được tái sanh, nói những lời xây dựng, đem lợi ích cho người nghe”. Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
3. CHẬM GIẬN: Chỉ về sự cầm giữ tánh tình, để có hành động đúng. Nóng giận thuộc về bản tánh của xác thịt, của con người củ, nên cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời. Lời Chúa Dạy:”Lúc nóng giận, đừng để cơn giận đưa anh em đến chỗ phạm tội. Đừng giận cho đến chiều tối”. Ca dao Việt Nam có câu: “Chồng giận thì vợ làm lành. Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?”
4. NHẬN LẤY LỜI: đón nhận và thực hành Lời Chúa dạy để có kết quả tốt đẹp, thể hiện bông trái của Thánh Linh: “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”.

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com