Trước khi về trời Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một mạng lịnh: Ma-thi-ơ 28:18-20. Hội
Thánh trải các đời gọi đây là Đại Mạng Lịnh. Đây cũng là di chúc của Chúa dành cho bạn và tôi.
Tôi tin rằng sở dĩ công việc Chúa giữa cộng đồng người Việt Nam chưa phát triển đúng mức như lòng chúng ta mong muốn phần lớn là vì chúng ta chưa hiểu biết hết ý nghĩa mạng lịnh của Chúa đã truyền. Chúng ta chưa hiểu hết giá trị về phương pháp Chúa đã dạy và muốn chúng ta áp dụng. Chúng ta theo gương của người mà không theo gương của Chúa. Chúng ta phí quá nhiều thì giờ cho việc phụ mà quên mất việc chính của Hội Thánh.
Việc chính của chúng ta là thi hành Đại Mạng Lịnh của Chúa. Là ra đi tìm và cứu người đang bị mất. Mạng lịnh nầy dành cho mỗi người tin Chúa. Không phân biệt Mục Sư hay tín hữu. Sứ đồ Phao-lô ý thức việc nầy khi ông viết: “Ấy đó là điều đạo Tin Lành vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phước dạy dỗ, mà sự truyền đạo đó đã giao phó cho ta” (1 Ti-mô-thê 1:11).
Mạng lịnh truyền giáo của Chúa rất rõ ràng và đầy đủ để chúng ta thi hành ngay. Mỗi người phải thi hành, không thể tiếp tục khoán trắng cho người khác. Chúa hứa ở cùng và ban ơn để chúng ta hoàn thành mạng lịnh Chúa giao. Mỗi người có thể nắm lấy lời hứa nầy của Chúa. Lý do chúng ta không làm thường là vì chúng ta không hiểu. Khi đã hiểu chúng ta sẽ muốn làm và cố gắng làm. Muốn hiểu chúng ta phải học. Chúng ta phải dành thì giờ học đến mức hiểu và hiểu đến mức làm theo.
Giống như Môi-se ngày xưa, chúng ta không muốn làm theo lệnh truyền của Chúa và chúng ta đã nêu ra rất nhiều lý do để khước từ. Chúng ta thấy mình không đủ khả năng? Chúng ta thấy công tác quá to lớn? Chúng ta không có thì giờ? Nhưng cũng giống như Môi-se đã được Chúa dùng để đưa dân Do Thái thoát ra khỏi ách nô lệ, ngày nay Chúa vẫn muốn dùng người Việt cứu người Việt ra khỏi ách tội lỗi. Chúng ta có thể thành công khi biết tin cậy và vâng lời Chúa. Với Chúa không có việc gì khó khăn, không có việc gì Chúa không làm được. Tôi tin Chúa đang giao việc “tìm và cứu” người Việt hư mất cho mỗi người Việt chúng ta, cho bạn và tôi. Chúng ta không thể khước từ mạng lịnh Chúa giao. Chúng ta không thể tiếp tục giao việc nầy cho người dân tộc khác …
Vậy chúng ta hãy ngồi lại học lần nữa, học kỹ hơn, học để hành.
Tôi thích loạt bài học nầy, vì tác giả là người bạn lớn của tôi, Tiến Sĩ Ted Lindwall. Ông là cựu giáo sĩ ở Guatamala (Nam Mỹ) trong rất nhiều năm. Ông là người có kinh nghiệm và có kết quả truyền giáo. Những bài học ở đây là thực tế và đơn giản. Chỉ cần quyết tâm áp dụng, chúng ta sẽ thành công. Chúc bạn thành công. Amen.
-Mục Sư Nguyễn Văn Huệ
Bài 1
Chúng Ta Là Những Người Có Một Sứ Mạng Trong Cuộc Sống
Tại sao chúng ta sinh ra trên đời này? Hầu hết mọi người trên khắp thế giới trải qua cả
cuộc đời mình mà không trả lời được cho câu hỏi này. Việc không nhận biết Chúa hay mục đích của Ngài cho đời sống mình giống như bước vào một cuộc hành trình mà không biết đường đi hay không biết đích đến của cuộc hành trình ấy. Những cuộc đời như thế thật vô nghĩa, hầu hết là không kết quả dù họ nỗ lực cách vô ích và hậu quả đời đời của họ thậm chí còn bi thảm hơn.
Chúa Giê-su nói về những người này như là những “kẻ bị mất.” (Lu-ca 19:10)
Vậy thì, các bạn Cơ Đốc Nhân, tại sao các bạn cần được tái sanh? Thông thường các tín hữu sẽ nói là “hầu cho tôi được tha tội và được lên thiên đàng.” Họ dường như không nhận thấy rằng câu trả lời này thật ích kỷ. Mặc dù là đúng, nhưng nó chỉ cho thấy được lợi ích của bản thân mà không xem xét đến mục đích của Đấng đã cứu chuộc họ bằng cái giá rất đắt đó là chính mạng sống Ngài. Nếu chúng ta hỏi Chúa, “Tại sao Ngài cứu con?” thì câu trả lời của Ngài sẽ là gì?
Cảm tạ Chúa là chúng ta có được những lời giải đáp cho câu hỏi này trong Kinh Thánh. Hãy lắng nghe Chúa Giê-su, Ngài nói rằng: “Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn.” (Giăng 15:16)
Thảo luận: Hãy chọn câu trả lời đúng dựa trên lời của Chúa Giê-su:
Bạn tiếp nhận Đấng Christ vì Ngài đã kêu gọi bạn cách cá nhân.
Một người có thể được cứu chuộc mà không nhận được sự kêu gọi của Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su kêu gọi mỗi người được Ngài cứu chuộc cho mục đích đặc biệt của Ngài.
Chúa Giê-su không quan tâm nếu đời sống Cơ Đốc của chúng ta có kết quả hay không.
Chúa Giê-su cứu chuộc chúng ta với mục đích để chúng ta ra đi và kết quả cho Ngài.
Bông trái mà Chúa Giê-su ban cho chúng ta sẽ luôn kết quả.
Cũng như sứ đồ Phao-lô, chúng ta phải nhấn mạnh một điều đó là chúng ta được cứu chỉ
bởi ân điển và sự thương xót của Đức Chúa Trời chứ không bởi bất cứ việc làm nào của chúng ta. Chúng ta không tìm cách lên thiên đàng bởi những việc chúng ta làm hay không làm. (Hầu hết các tôn giáo sai trật và nhiều “Cơ Đốc nhân” tin rằng Chúa sẽ cứu chuộc họ, ít nhất là một phần nào đó, dựa trên những gì mà họ làm để hưởng được sự cứu chuộc ấy.)
Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh
em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình. (Ê-phê-sô 2:8-9)
Nhận xét: Theo các câu Kinh Thánh này thì một người cần có gì để được cứu? Chúa ban cho
chúng ta điều gì cách nhưng không?
Vì chúng ta được cứu không bởi việc làm của mình nên nhiều người dễ tin rằng những gì họ làm trong cuộc sống của họ thì không quan trọng với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên trong câu Kinh Thánh kế tiếp, Ê-phê-sô 2:10, sứ đồ Phao-lô đã nhanh chóng sửa trách ý tưởng sai trật này, “vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo”
Hãy đánh dấu câu trả lời đúng và thảo luận các câu trả lời:
Bạn không tự cứu mình nhưng bạn được cứu là bởi công tác sáng tạo của Chúa trong bạn.
Một người không cần phải tin nơi Đấng Christ để được cứu mà chỉ cần sống tốt là đủ – có
nhiều con đường để đến với Đức Chúa Trời.
Lý do mà Chúa tái tạo nên bạn trong Đấng Christ là để bạn có thể làm công việc lành mà Ngài đã chọn cho bạn.
Lý do chính mà Chúa cứu bạn là để bạn được thoát khỏi địa ngục.
Chúa có một chương trình cho cuộc đời bạn. Ngài tạo ra những công tác đặc biệt để bạn thực hiện.
Đáng buồn là hầu hết Cơ Đốc Nhân dường như không hề biết được điều tuyệt vời mà
Chúa đã hành động trong cuộc đời của họ khi Đấng Christ trở thành Đấng Cứu Chuộc họ khỏi tội lỗi và là Chúa trong cuộc đời họ. Họ có một vị thế hoàn toàn mới đối với Chúa và với muôn loài vạn vật. Nếu Đấng Christ cứu bạn khỏi tội lỗi của bạn thì điều sau đây là đúng cho bạn:
Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân
thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. (I Phi-e-rơ 2:9)
Chọn câu trả lời đúng và cả lớp hãy thảo luận về mỗi câu trả lời:
Mỗi chúng ta được Đấng Christ chọn cách cá nhân, giống như cách Ngài đã chọn các môn đồ Ngài.
Chúng ta là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời với quyền được đến gần Ngài trong sự cầu thay cho những người khác và cho chính chúng ta, và để rao giảng với người khác trong danh của Ngài.
Hiện tại chúng ta đang là công dân của Nước Trời, là một dân thánh khiết của Đức Chúa Trời.
Chúng ta bước vào Nước Trời bởi việc xưng nhận tội lỗi của chúng ta, tin nhận Đấng Christ, và dâng cuộc đời và ý chí của mình cho Đấng Chirst.
Có một điều gì đó trong đời sống tái sinh của chúng ta trong Đấng Christ khiến chúng ta ghét những gì đồi bại, ích kỷ và tội lỗi.
Chúng ta có thể sống cách tự do theo ý muốn theo những điều tội lỗi của thế gian.
Chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời và lệ thuộc nơi Ngài.
Mục đích mà Đức Chúa Trời cứu chuộc chúng ta là để chúng ta truyền rao sự ngợi khen Đức Chúa Giê-su Christ là Đấng đã chết cho chúng ta và kêu gọi chúng ta ra khỏi sự tối tăm.
Ý kiến: Làm thế nào để chúng ta truyền rao sự ngợi khen về Đấng Christ?
Chúng ta làm chứng cho những người khác về những điều mà Đấng Christ đã làm cho chúng ta.
Là các thầy tế lễ nhà vua, chúng ta công bố sứ điệp về Đấng Christ là Đấng đã đến để cứu chuộc và đem đến sự biến đổi cho những ai tiếp nhận Ngài làm Chúa và Đấng Cứu Chuộc của mình.
Chúng ta chứng tỏ việc Đức Chúa Trời đã tha thứ cho chúng ta cách nhưng không qua việc tiếp tục sống đời sống tội lỗi.
Chúng ta thể hiện quyền năng của Đấng Christ qua đời sống mới của chúng ta trong Ngài.
Có rất nhiều điều chúng ta sẽ học được nơi Đức Chúa Trời từ chương trình mà Ngài dành
cho mỗi đời sống chúng ta và về những công việc tốt lành mà Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta để thực hiện. Vấn đề là chúng ta sẽ dành cả cuộc đời còn lại của chúng ta để khám phá những chương trình này. Chúng ta sẽ là những học trò, “những môn đồ” của Đức Chúa Giê-su Christ cho đến hơi thở cuối cùng của chúng ta trên đất này. Tuy nhiên, có hai điều rất quan trọng cần được bắt đầu ngay từ thời điểm này và vào thời điểm khởi đầu của mỗi đời sống Cơ Đốc.
Trong cuộc trò chuyện sau cùng của Chúa Giê-su với Mười Hai Sứ Đồ, ngay trước khi Ngài bị bắt và đóng đinh trên thập tự giá, Chúa đã ban cho họ điều đáng được gọi là “Đại Điều
Răn.” Sau khi ra khỏi hầm mộ, Ngài dành những lời quan trọng nhất cho đến giây phút cuối
cùng, ngay trước khi Ngài được cất lên đám mây trước sự chứng kiến của các sứ đồ. Những lời này được biết đến như là “Đại Mạng Lịnh.” Mỗi tân tín hữu cần được học biết hai Mạng Lịnh đặc biệt này của Đấng Christ vì nó cho biết điều cốt yếu trong mục đích của Đức Chúa Trời cho mỗi chúng ta là những người thuộc về Ngài. Phần còn lại của khóa học này sẽ khiến bạn không còn nghi ngờ gì về ý nghĩa của Đại Mạng Lịnh cho cuộc đời bạn và mục đích của Viện Truyền Giáo là để huấn luyện bạn hoàn thành tốt Mạng Lịnh ấy.
Mặc dù vậy, trước tiên bạn phải suy nghĩ về Đại Điều Răn vì nó giải thích thái độ mà bạn cần phải có khi muốn thực hiện thành công Đại Mạng Lịnh. Đây là điều răn của Ta: Hãy yêu
mến lẫn nhau. (Giăng 15:17)
Câu phát biểu nào thể hiện sự hiểu biết của bạn về điều răn này?
Chúa Giê-su nói về tình yêu thương vị tha và vị kỷ mà chúng ta có thể nhìn thấy khi Ngài còn sống trên đất.
Nếu Chúa Giê-su phán dạy chúng ta phải yêu thương lẫn nhau thì Ngài có thể ban cho chúng ta năng quyền thiên thượng để thực hiện điều này.
Tình yêu thương chân thật sẽ cất đi lòng hận thù, sự tự kiêu và những lời tranh cãi vô bổ.
Tình yêu thương chân thật sẽ đem đến cho chúng ta lòng thương xót, sự chấp nhận và tha thứ.
Cũng giống như “Đức Chúa Trời là tình yêu thương” thì các môn đồ của Chúa Giê-su cũng
được nhận ra bởi tình yêu thương chân thành, là điều đến với chúng ta qua tấm lòng của Đức Chúa Trời.
Ở đây Chúa Giê-su đang nói về tình yêu lãng mạn.
Chúng ta được cứu chỉ khi nhận ra tình yêu của Đấng Christ dành cho chúng ta và chúng ta tin cậy Ngài trong cuộc sống của mình.
Sức mạnh của Cơ Đốc Giáo không phải là chính trị, tài chính, hay quân sự, nhưng là tình yêu thương lan tỏa trong cuộc đời của người người theo Chúa Giê-su.
Bài 2
Đại Mạng Lịnh Là Sứ Mạng Trong Cuộc Đời Bạn
Nhiều Cơ Đốc Nhân tin rằng Đại Mạng Lịnh là một điều gì đó được ban cho một số
người được Chúa kêu gọi để làm giáo sĩ. Tuy nhiên, mạng lịnh cuối cùng của Đấng Christ không chỉ dành cho một vài người, nhưng cho tất cả những ai đã được Ngài mua chuộc bằng chính huyết của Ngài trên thập tự giá. Chúng ta là những người đã được mua chuộc bởi huyết của Đấng Christ, Ngài là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, và những mạng lịnh của Ngài, như là Đại Mạng Lịnh, được áp dụng cho mỗi chúng ta là những người đã được Ngài cứu chuộc.
Khi hiểu được điều này thì chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn đến những lời được đề
cập đến trong Đại Mạng Lịnh, và cố gắng tìm hiểu xem những lời này được ứng dụng thế nào trong cuộc sống của chúng ta. Đây có thể là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn từng nghiên cứu và học hỏi. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xem xét chính lời phán dạy của Chúa Giê-su. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét những cách thức đơn giản và thực tế để Đại Mạng Lịnh có thể trở thành một điều thật sự mạnh mẽ trong cuộc sống của bạn. Đừng chấp nhận Đại Mạng Lịnh như là một bổn phận khốn khổ mà bạn phải thực hiện trong cuộc sống này nhưng hãy để nó giúp bạn kinh nghiệm được năng quyền trọn vẹn của một đời sống có sự hiện diện đầy dẫy của Đức Chúa Trời. Cuộc sống này sẽ bắt đầu nhận được từ nơi Đức Chúa Trời sự đầy tràn Đức Thánh Linh với sự vui mừng và bình an là những điều chỉ có thể được ban cho bởi Đức Thánh Linh.
Đức Chúa Giê-su đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: “Hết cả quyền phép ở trên trời
và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Ma-thi-ơ 28:18-20
Phân đoạn Kinh Thánh này giống như một cái bánh mì kẹp thịt! Chúng tôi có ý gì khi nói
điều này? Chúa Giê-su đã bắt đầu mạng lịnh bằng cách đề cập đến chính Ngài và về quyền năng tối cao đã được ban cho Ngài, rồi Ngài kết luận bằng việc nói về chính Ngài một lần nữa, và về sự hiện diện đầy năng quyền của Ngài, đặc biệt là với những ai sẽ thực hiện mạng lịnh của Ngài.
Phần chính giữa của năng quyền Đấng Christ và sự hiện diện của Ngài là phần “nhân” của Đại
Mạng Lịnh. Trong phần này, Chúa Giê-su nói về bạn và tôi và về cuộc đời của chúng ta sẽ như thể nào dưới thẩm quyền cùng với sự hiện diện đầy năng quyền của Ngài. Nếu nghiên cứu phân đoạn Kinh Thánh này theo phương pháp quy nạp thì chúng ta có thể trả lời được những câu hỏi sau đây:
Thẩm Quyền Của Đấng Christ
Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta
Thảo luận: Theo bạn, Chúa Giê-su có thẩm quyền gì để ban mạng lịnh này cho tất cả những ai thuộc về Ngài?
Đức Chúa Cha đã ban cho Ngài thẩm quyền tuyệt đối trên muôn loài vạn vật ở trên trời và dưới đất, trong đó có cả chính tôi.
Thật không công bằng khi Chúa Giê-su mong đợi quá nhiều nơi tôi – tôi chỉ muốn sống sót là đủ rồi.
Nếu tôi thuộc về Đấng Christ thì Ngài có toàn bộ thẩm quyền trên tôi, còn nếu tôi không
thuộc về Đấng Christ thì tôi sẽ làm bất cứ điều gì tôi muốn.
Thẩm quyền của Chúa Giê-su đến từ sự hy sinh cao cả của Ngài trên thập tự giá mà bởi đó Ngài bảo đảm cho chúng ta sự sống đời đời.
Chúa Giê-su không đòi hỏi nơi chúng ta điều gì mà chính Ngài chưa thực hiện khi Ngài còn sống trên đất.
Mạng Lịnh Ra Đi
Vậy, hãy đi đến mọi dân ở khắp mọi nơi
Vào thế kỷ thứ nhất, quyền năng của Tin Lành lan truyền cách nhanh chóng khắp mọi nơi
trên thế giới. Ngày nay, Tin Lành vẫn tiếp tục được rao truyền, nhưng ở tại nhiều nơi việc này được thực hiện chỉ với tốc độ của một con ốc sên. Xung quanh chúng ta vẫn còn nhiều cá nhân và gia đình chưa bao giờ được dạy dỗ những điều cơ bản nhất về Chúa Giê-su và cuộc đời mà Ngài đã sống trên đất. Tin Lành đã được rao truyền xuyên qua các đại dương nhưng có thể việc băng qua đường để nói về Tin Lành lại khó hơn. Dường như Chúa Giê-su đã dự đoán trước được vấn đề này ngay từ ban đầu vì mạnh lịnh đầu tiên của Ngài là hãy đi ra và rao truyền Tin lành chứ không chỉ đơn giản là giữ chặt lấy Tin Lành ấy.
Hãy dịch cụm từ này theo cách mà bạn hiểu:
Chúng ta phải “đi” không phải đến nhiều nơi mà là đến với nhiều người.
Chúng ta phải đến với mọi người bất cứ nơi nào chúng ta tìm thấy họ.
Chúng ta chỉ phải đến với những người mà chúng ta cảm thấy thoải mái hay những người
giống như chúng ta.
Chúng ta phải đến với những người ở khắp mọi nơi vì Chúa Giê-su có mọi thẩm quyền để sai chúng ta đến với họ và Ngài cũng có thẩm quyền tại nơi của họ.
Nếu chúng ta ra đi với thẩm quyền thiên thượng thì chúng ta không phải cảm thấy xấu hổ hay hối tiếc.
Vấn đề thật sự quan trọng đó là chúng ta ở trong Hội Thánh của mình và ít liên hệ với thế giới tội lỗi bên ngoài.
Chúa Giê-su và các Sứ Đồ đến với những người trong thế giới hư mất và cứu họ bất cứ nơi nào họ được tìm thấy.
Những người hư mất luôn cư xử rất mực tôn trọng với Chúa Giê-su và các Sứ Đồ và tiếp nhận sứ điệp của họ ngay lập tức.
Việc ra đi rao truyền Tin Lành trong thế giới hư mất thật sự là một cuộc mạo hiểm mà chúng ta phải luôn lệ thuộc vào sự hiện diện đầy năng quyền của Chúa Giê-su cùng với chúng ta.
Mạng Lịnh Môn Đồ Hóa
Và khiến họ trở nên môn đồ Ta
Ý tưởng của Chúa Giê-su thật khác với suy nghĩ của chúng ta! Trong thế giới Tin Lành
“hiện đại” của chúng ta ngày nay, có bao nhiêu người tin rằng công tác đứng vị trí số một của Cơ Đốc Nhân là môn đồ hóa các dân tộc trên thế giới? Giỏi lắm là chúng ta nghĩ rằng cần phải thuyết phục những người xung quanh để họ đáp ứng “vâng” với Chúa sau câu tuyên bố mang tính giáo điều mà chúng ta gọi là “kế hoạch cứu rỗi” và rồi hy vọng rằng sau đó một số người sẽ trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Chúng ta đã làm ngược lại mọi tiến trình! Chúa Giê-su phán bảo với chúng ta phải đi ra ngoài thế giới hư mất và khiến những người chưa từng quyết định tin nhận Chúa Giê-su trở nên môn đồ của Ngài. Khi Chúa Giê-su gọi bốn người đánh cá đi với Ngài, trước hết Ngài đã không ban cho họ một “kế hoạch cứu rỗi.” Đối với những người chưa biết Chúa Giê-su là Chúa và là Đấng Cứu Thế thì Ngài chỉ nói với họ rằng, “Hãy theo Ta, Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người.” Liệu họ có hiểu được những gì Ngài đã nói chăng?
Chắc chắn là không, nhưng họ sẵn lòng để theo Ngài và để khám phá ra điều này. Với Ma-thi-ơ, Chúa Giê-su chỉ nói, “Hãy theo Ta,” và Ma-thi-ơ đã đứng dậy, để lại sau lưng mình chiếc bàn vương vãi tiền, và bước đi theo Chúa Giê-su. Đến thời điểm thì các môn đồ sẽ hiểu được Chúa Giê-su là ai và việc tin nơi Ngài có ý nghĩa gì, nhưng tất cả tiến trình đều cần có thời gian. Khi cuối cùng họ đã quyết định sống cho Đấng Christ thì đó không còn là một quyết định mang tính giáo điều hay cảm tính hời hợt nữa – nhưng là một lòng theo Ngài, thậm chí phải chết nếu điều đó là cần thiết.
Mạng lịnh này có ý nghĩa gì với chúng ta?
Trước khi kêu gọi người khác “quyết định tin nhận Đấng Christ” thì họ cần phải biết về Ngài, những yêu cầu và lời hứa của Ngài.
Trở thành một “môn đồ” là dành thời gian để học biết về Đấng Christ.
Chúa Giê-su phán bảo chúng ta phải môn đồ hóa những người chưa phải là Cơ Đốc Nhân và kiên nhẫn dạy dỗ và giúp đỡ để họ tin cậy nơi Đấng Christ.
Bạn thường có thể khiến người khác trở thành môn đồ của Đấng Christ chỉ trong vòng mười lăm phút đồng hồ.
Người ta sẽ được môn đồ hóa bởi những người sẵn lòng dạy dỗ họ.
Khái niệm về truyền giảng của Chúa Giê-su là dành thời gian để dạy dỗ và khích lệ người
khác giống như Ngài đã làm.
Chúng ta không nên ngạc nhiên khi có nhiều người hư mất mở lòng ra để học biết về Đấng Christ và bởi đó mà Ngài ban phước thật nhiều cho họ.
Mạng Lịnh Làm Báp-Tem
Hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ
Rất nhiều phương pháp truyền giáo hiện đại không nhấn mạnh đến việc làm báp-tem. Lý
do là hầu hết những người đưa ra “quyết định tin nhận Đấng Christ” một cách hời hợt thì không quan tâm đến việc được làm báp-tem và sẽ thấy ngạc nhiên nếu được cho biết rằng sau khi “tiếp nhận Đấng Christ” thì họ sẽ được làm báp-tem. Nhiều người truyền giảng theo cách thức này thường xem việc làm báp-tem như là một trở ngại cho việc tiếp nhận Đấng Christ và tránh đề cập đến điều này. Chúa Giê-su đã đặt lễ báp-tem như một phần quan trọng trong phương pháp truyền giáo của Ngài mặc dù thực tế việc làm báp-tem không phải là phần cốt lõi trong sự cứu rỗi. (Một ví dụ điển hình ở đây là về tên trộm trên thập tự giá đã được Chúa hứa sẽ được vào nước thiên đàng khi anh ta chưa được làm báp-tem hay làm bất cứ việc lành nào mà chỉ ăn năn và tuyên xưng đức tin của mình nơi sự đắc thắng chắc chắn của Đấng Christ.) Tại sao theo phương cách của Đấng Christ thì việc làm báp-tem thật sự quan trọng trong việc đem người hư mất trở về với Ngài và với sự cứu rỗi?
Việc làm báp-tem thời Tân Ước, tức là việc dìm mình hoàn toàn vào trong nước, là một
sự công khai ăn năn tội lỗi, chết đi con người cũ, “được chôn” với Đấng Christ và sống lại một đời sống hoàn toàn mới với Ngài (Rô-ma 6). Việc làm báp-tem như thế là phương cách của Đấng Christ để một người tuyên xưng đức tin và kết ước với Ngài. Việc giơ tay lên để đáp ứng với sự kêu gọi của diễn giả có thể giúp xác định những ai quan tâm đến Đấng Christ, nhưng nếu họ không muốn bày tỏ cho người khác biết mình là người đã được đổi mới trong Đấng Christ bởi sự thể hiện cách công khai dìm mình trong nước thì sự hời hợt trong quyết định của họ là quá rõ ràng.
Quyết định của bạn về việc làm báp-tem như là một mục tiêu quan trọng trong việc môn đồ hóa:
Tôi tin rằng đức tin cứu rỗi cần có sự ăn năn tội lỗi và trở thành đức tin công khai nơi Đấng Christ.
Tôi tin rằng tất cả những điều cần có là một quyết định mang tính cảm tính “để Chúa Giê-su bước vào trong tấm lòng của một người.”
Tôi tin rằng nếu Chúa Giê-su bước vào tấm lòng của một người thì Ngài cũng là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc của họ.
Tôi tin rằng ngay cả ma quỷ cũng tin và run sợ trước Chúa Giê-su nhưng chúng không tin cậy Ngài đến mức xoay bỏ khỏi tội lỗi và đầu phục ý chí của mình trước Đấng Christ.
Tôi tin rằng mạng lịnh của Chúa Giê-su để môn đồ hóa và hướng dẫn mọi người đến với việc làm báp-tem công khai không phải là một điều chúng ta có thể quên được khi đến vớingười hư mất.
Tôi tin rằng sự cải đạo chân thật trở lại với Đấng Christ, qua đó ảnh hưởng đến nhiều người khiến họ cũng trở lại với Ngài thì xứng đáng hơn một trăm lần sự cải đạo giả tạo.
Mạng Lịnh Dạy Dỗ Họ Vâng Phục Đấng Christ Trong Mọi Sự
Và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi
Khi chúng ta mời gọi những người hư mất trở nên môn đồ Đấng Christ và bắt đầu tìm
hiểu về Ngài, cũng như bày tỏ cho họ cuộc sống mà Ngài đã chuẩn bị sẵn cho họ thì chúng ta chỉ mới bắt đầu nhiệm vụ mà Chúa giao cho chúng ta! Chúng ta phải dạy dỗ họ cho đến khi họ trở nên môn đồ của chính Chúa Giê-su và tin cậy Ngài như là Chúa và Đấng Cứu Chuộc của họ. Kế tiếp, chúng ta phải làm báp-tem cho họ và qua đó đem họ vào trong sự thông công toàn diện với thân thể của Đấng Christ là Hội Thánh. Tuy nhiên, nhiệm vụ dạy dỗ của chúng ta chỉ mới bắt đầu. Kể từ lúc này trở đi, chúng ta phải dạy họ vâng giữ hay làm tất cả mọi điều mà Đấng Christ đã ban truyền. Đó là một công tác trọn đời và là trách nhiệm của mỗi Hội Thánh đối với mọi thành viên của mình. Động từ “dạy” ở đây có ý nghĩa là huấn luyện mọi người làm những gì mà Đấng Christ đã phán truyền. Kiến thức là cần thiết nhưng quan trọng hơn là việc giúp đỡ các Cơ Đốc Nhân thực hành một đời sống mà Đấng Christ đã dạy dỗ và làm gương. Chúng ta cần phải dạy họ làm điều gì? Rất nhiều điều, nhưng chắc chắn là cần phải thi hành Đại Mạng Lịnh trong đời sống của họ. Điều này này hình thành một chu kỳ hoàn hảo cho việc môn đồ hóa: (1) Ra đi vào trong thế giới hư mất, (2) Môn đồ hóa những người ở đó, (3) giúp họ kết ước với Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh qua việc làm báp-tem, (4) dạy họ làm những gì mà Đấng Christ đã phán dạy, bao gồm cả (1) Ra đi vào trong thế giới hư mất, (2) Môn đồ hóa những
người ở đó, (3) làm báp-tem cho họ và (4) dạy họ làm những gì mà Đấng Christ đã phán dạy.
Sứ đồ Phao-lô giải thích nguyên tắc này cho môn đồ của mình là Ti-mô-thê: Những điều
con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác. 2 Ti-mô-thê 2:2
Phao-lô muốn Ti-mô-thê làm gì?
Ti-mô-thê không giữ theo những gì đã học được nơi Phao-lô.
Ti-mô-thê dạy người khác theo cách mà chính ông đã được dạy dỗ.
Ti-mô-thê nên huấn luyện những người khác vào sau đó những người này sẽ huấn luyện lại cho những người khác nữa.
Ti-mô-thê cần phải giữ lại cho chính mình mọi điều mà ông đã học được nơi Phao-lô.
Theo bạn những câu nói nào sau đây là đúng?
Chúng ta học cách sống đời sống Cơ Đốc qua những điều mà chúng ta nhìn thấy và nghe thấy nơi những người dạy dỗ chúng ta.
Chúng ta phải dạy lại cho người khác theo như cách mà chúng ta đã được dạy.
Đức Chúa Trời không mong đợi tôi dạy lại người khác bằng lời nói hay gương mẫu của tôi.
Đức Chúa Trời muốn mỗi Cơ Đốc Nhân sẽ trở thành người dạy dỗ những người khác.
Tôi phải dạy lại cho những người muốn học hỏi từ tôi rằng Chúa mong đợi họ cũng sẽ trở nên người dạy dỗ những người khác.
Sự Hiện Diện Quyền Năng Của Chúa Giê-su
Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế
Ý kiến: Lời hứa này liên hệ như thế nào đến Đại Mạng Lịnh?
Những ai ra đi vào trong thế giới hư mất để môn đồ hóa đều cần đến sự hiện diện năng quyền của Chúa Giê-su.
Đấng Christ quan tâm một cách đặc biệt đến công tác được thực hiện bởi Cơ Đốc Nhân trong việc hoàn thành Đại Mạng Lịnh.
Đây là một công tác cần phải được thực hiện cho đến thời kỳ cuối cùng.
Hiện tại chúng ta đang sống trong một thời đại mà Đại Mạng Lịnh không còn cần thiết nữa.
Bài 3
Vậy, Hãy Đi
Giờ đây bạn đã có một cái nhìn tổng thể về Đại Mạng Lịnh. Phần còn lại của khóa học
này sẽ giúp bạn hiểu một cách chi tiết hơn về mỗi yếu tố trong Đại Mạng Lịnh nhằm đưa ra
những hướng dẫn thiết thực cho đời sống bạn trong Đấng Christ.
Lời phán dạy của Chúa Giê-su thường không đem đến sự thoải mái! Chúng ta vừa cảm
thấy vui khi biết rằng Ngài sẽ luôn ở cùng chúng ta thì Chúa lại phán: “Vậy, hãy đi!” Ngài không gây ảo tưởng cho chúng ta với lời hứa của Ngài nhưng dùng những lời hứa ấy để thúc giục chúng ta đứng lên, ra khỏi căn phòng mà chúng ta đang xem ti-vi, ra khỏi khu vườn nhỏ của chúng ta, hay thậm chí ra khỏi thành phố, tiểu bang, hay quốc gia của chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ đi đâu? Và làm thế nào chúng ta có thể quyết định được? Trong
bài học này, bạn sẽ được giúp đỡ để trả lời cho những câu hỏi này. Chúa phán với chúng ta:
“Vậy, hãy đi đến với muôn dân ở khắp mọi nơi.” (Ma-thi-ơ 28:19) Qua lời phán này Chúa đang nói với chúng ta rằng bất cứ nơi nào có con người thì Ngài muốn gởi các giáo sĩ của Ngài đến những nơi đó. Tuy vậy, với tư cách là một cá nhân hay một Hội Thánh, bạn phải lựa chọn trong số tất cả các dân tộc trên thế giới nơi nào mà Chúa muốn bạn sẽ đến. Lời của Chúa Giê-su trong Công Vụ 1:8 có thể giúp đỡ bạn trong vấn đề này: Các ngươi sẽ làm chứng về ta tại thành Giê- ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. Trong trường hợp này, Chúa Giê- su phán với các môn đồ của Ngài hãy bắt đầu ngay tại nơi mà họ đang ở, rồi ra đến thành phố của họ, sau đó đến những vùng lân cận, và cuối cùng là “đến cùng trái đất.”
Nhiều người rất hăng hái đi ngay đến những nơi tận cùng của trái đất nhưng họ không
biết phải làm gì một khi đã đến đó! Chúng ta có thể dẫn ra lẽ thật của Chúa như thế này: Cuộc hành trình truyền giáo của chúng ta bắt đầu ngay tại con đường đối diện. Khi chúng ta đã biết cách môn đồ hóa những người hàng xóm của mình, là những người nói cùng ngôn ngữ và mua sắm cùng cửa hiệu với chúng ta thì lúc đó chúng ta mới có những ý tưởng hay để thực hiện điều này ở ngoài thành phố hay ngoài quốc gia của chúng ta. Nếu một phương pháp không áp dụng được tại quê nhà thì đừng mong đợi là nó sẽ có tác dụng với một nền văn hóa khác, ngay cả khi những con người tại nơi đó tiếp đón bạn một cách nồng hậu. Nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới rất muốn gặp người Mỹ, và họ cũng lịch sự đáp ứng với việc rao giảng Tin Lành ngay cả khi họ chưa nắm bắt được những lẽ thật thuộc linh cao sâu đã được trình bày cho họ trong khoảng thời gian vài phút đồng hồ. Nếu muốn biết bạn có thật sự thành công hay không thì hãy hỏi các giáo sĩ hay các Cơ Đốc Nhân địa phương để họ cho bạn biết kết quả chính xác sau khi bạn trở về nhà trong vòng một tuần.
Thảo luận: Hội Thánh của bạn có truyền giáo cho mọi người theo những cách thức
giống như bạn đang thực hiện tại cộng đồng của mình hay không? Bằng chứng nào cho thấy những nỗ lực truyền giáo của Hội Thánh có thể tồn tại lâu dài? Làm thế nào Hội Thánh có thể đánh giá được cách tốt nhất kết quả của những nỗ lực truyền giáo của mình?
Xác Định Đối Tượng Mà Bạn Tiếp Cận
Vậy, trước hết chúng ta hãy suy nghĩ về việc làm thế nào để làm một giáo sĩ ngay tại thành phố của bạn. Tại thành phố của bạn, mọi người đến từ nhiều nơi khác nhau. Trong mỗi cộng đồng có nhiều loại người khác nhau và họ sống trong nhiều khu vực khác nhau.
Hãy thảo luận cách ngắn gọn những câu hỏi sau đây:
Nhóm người nào có khả năng muốn lắng nghe bạn nhiều nhất?
Những nguyên nhân gây khó khăn nhiều nhất trong cộng đồng này là gì và đối
tượng nào phải chịu đựng nhiều nhất? Nhóm người hay những nhóm người nào khó có thể tiếp nhận Chúa nhất?
Những nhóm người nào trong cộng đồng có thể được Hội Thánh bạn giúp đỡ
hay phục vụ cách dễ dàng nhất?
Có những ngôn ngữ và nhóm dân tộc nào tại thành phố và họ có những cơ hội
nào để biết về Tin Lành?
Những câu hỏi này và các câu hỏi khác sẽ đưa đến những cơ hội khác nhau. Bạn có thể
tìm thấy một nhóm người chưa biết Tin Lành nhưng rất khó để tiếp cận họ. Một số nhóm khác có thể tương đối dễ dàng trong việc tiếp cận nhưng họ có thể không “thích hợp” lắm với Hội Thánh của bạn, và họ cần một hội chúng thật sự thích hợp cho họ. “Nhu cầu lớn lao” có thể là vật chất, nhưng hầu hết các trường hợp, nhu cầu thiết yếu nhất xuất phát từ đời sống không có Đấng Christ làm chủ. Trong một số cộng đồng, những người giàu có nhất có thể là những người có nhu cầu nhiều nhất, nhưng nhu cầu thật sự của họ là gì và làm thế nào bạn có thể giúp đỡ họ?
Nhận Biết Phương Cách Tiếp Cận Đối Tượng
Có hai phương cách để tạo mối liên hệ với mọi người ở bất cứ nơi nào. Trước hết, hãy gia
nhập với họ tại nơi ở của họ. Hai là, hãy giúp họ gia nhập bạn tại nơi mà bạn chọn.
Gia nhập với họ tại nơi ở của họ: Các tín hữu sẽ đến thẳng nhà những người bạn hư mất
của mình và trò chuyện với họ về một chủ đề gây chú ý, trong đó đề cập đến những giải pháp Kinh Thánh liên quan đến các nan đề thường gặp. Nếu (những) người đó học thử một bài và cảm thấy thích thì sẽ tiếp tục học với (những) người bạn Cơ Đốc của mình. Khi họ bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề thuộc linh, người tín hữu sẽ mời gia đình này đến dự buổi học Kinh Thánh nhỏ tại\ nhà của một ai đó. Các thân hữu sẽ được biết Đấng Christ và mối thông công Cơ Đốc và chẳng bao lâu sẽ gia nhập Hội Thánh với những người khác. Đây là một nỗ lực tăng tiến – trước hết, đến với người khác tại nơi ở của họ và khi đã chinh phục được họ thì mời họ gia nhập tại nơi ở của các tín hữu, và không lâu sau đó họ sẽ gia nhập vào Hội Thánh.
Một vị chấp sự Hội Thánh Báp-tít gần đây cảm thấy lo lắng cho những thanh thiếu niên
tại thành phố của mình. Những người trẻ này bỏ ra hàng giờ đồng hồ để uống rượu trên đường phố, nói chuyện và la lối lẫn nhau cho đến tận sáng. Người chấp sự cũng để ý thấy nhiều người trong số này đi đến một công viên vào mỗi thứ bảy để chơi đá bóng. Anh quyết định đến với họ và cùng chơi bóng với họ và họ nhanh chóng cho anh gia nhập hội. Sau khi đã gây dựng được tình bạn với họ, anh đề nghị lập ra một đội. Những người này theo anh và lập anh làm trưởng nhóm thể thao của họ. Anh đề ra một chương trình: Tối thứ sáu, họ sẽ gặp nhau và học thêm về một số điều liên quan đến bóng đá, bao gồm cả một thời gian ngắn học Kinh Thánh. Thứ bảy, luyện tập đá bóng, và Chủ Nhật, họ sẽ đá với những đội bóng khác. Đây là khoảng thời gian mà trước đây họ thường dành ra để thực hành những thói xấu. Theo quy định mà chính họ tự lập ra thì không một ai có hơi rượu hay thuốc phiện được phép đá bóng, và dần dần họ cho biết rằng đã bỏ được những thứ này. Buổi gặp tối thứ sáu hàng tuần được chuyển vào Hội Thánh và một nhóm gồm nhiều thanh thiếu niên tụ họp tại đây, bắt đầu đi nhà thờ và tiếp nhận Đấng Christ làm Chúa của họ.
Giúp họ gia nhập với bạn tại nơi mà bạn chọn: Tại một cộng đồng khác, hai thành viên
trong Hội Thánh quyết định tổ chức một khóa Thánh Kinh Hè tại một bãi đất trống. Nhiều trẻ em đã đến cùng với các bà mẹ của chúng. Hai tín hữu đã quyết định tổ chức những hoạt động tương tự mỗi tuần một lần, nhiều em tiếp tục tham dự, và từng em một đã tiếp nhận Đấng Christ là Chúa của mình. Cuối cùng hoạt động này đã giúp lập ra một Hội Thánh mới ở gần đó. Hội Thánh này mạnh mẽ và tiếp cận được với nhiều gia đình.
Nhận định: Phương pháp nào có thể áp dụng được tại cộng đồng của bạn? Có những phương pháp nào khác có thể được áp dụng để trước hết đến với những người khác tại nơi ở của họ và sau đó giúp họ gia nhập bạn tại nơi ở của bạn?
Cầu Nguyện Và Theo Chúa
Bạn và những người khác trong Hội Thánh có thể cảm thấy Chúa đang kêu gọi bạn làm
giáo sĩ tại thành phố của bạn, nhưng các bạn chưa biết bắt đầu từ đâu hay phải làm gì.
Nếu bạn quyết định chỉ dựa trên ý riêng của mình thì công tác có thể thất bại. Đấng
Christ là “Chủ của Mùa Gặt” và Ngài sẵn lòng dẫn dắt bạn đến với những người cần bạn và cần Ngài, và Ngài sẽ giúp bạn biết cần phải làm gì. Vì điều này, bạn phải cầu nguyện luôn luôn vớitinh thần khiêm nhường, hứa nguyện sẽ đến nơi nào mà Ngài dẫn dắt bạn. Vào thời điểm của Chúa, bạn sẽ nhận biết một cách xác quyết nơi bạn sẽ đi và điều bạn sẽ làm, và Ngài sẽ đi trước bạn với quyền năng và thẩm quyền lớn lao, và chuẩn bị trước cho bạn những người mà bạn sẽ gặp. Hãy học biết cách tìm hiểu người khác để nhận ra nhu cầu lớn lao và sự đói khát thuộc linh
của họ, và hãy tự đặt câu hỏi xem bạn có thể có cơ hội nào để trở thành bạn của họ và khiến họ
trở nên môn đồ của Chúa Giê-su. Hãy tìm hiểu các nhóm người khác nhau trong thành phố của
bạn. Hãy suy nghĩ về nhu cầu của họ và làm cách nào bạn có thể giúp đỡ họ. Sau đây là danh
sách một số nhóm người có thể có tại cánh đồng truyền giáo tại chỗ của bạn:
Trẻ em, sau giờ học và suốt những ngày hè buồn chán
Các bà mẹ có con nhỏ, họ có thể nhớ các mối quan hệ với bạn bè của mình
Những người lớn tuổi nhưng gia đình họ không sống cùng nhau, hay họ phải đối
diện với những khó khăn mới trong cuộc sống
Các bà mẹ đơn thân phải vất vả nuôi con một mình
Những người nhập cư nói tiếng Anh chưa tốt và đang muốn hòa nhập vào xã hội.
Những người góa bụa đang cảm thấy chơi vơi trong cuộc sống
Những người làm kinh doanh đang vất vả duy trì việc làm ăn của mình
Các bậc phụ huynh có con cái nghiện ngập hay tù tội
Các giáo viên đang phải đối diện với những hoàn cảnh vượt tầm kiểm soát
Những người nghiện ngập rượu chè, ma túy, cờ bạc hay tranh ảnh khiêm dâm và
biết rằng họ đã mất phương hướng trong cuộc sống
Các tù nhân, những người khuyết tật, các sinh viên, các quân nhân
Những người dân tộc thiểu số và những người nước ngoài.
Hãy Xem Xét Đến “Sa-ma-ri” và “Những Nơi Tận Cùng Trái Đất”
Sau khi bạn đã biết rõ hơn làm thế nào để là một giáo sĩ tại chính cộng đồng của mình thì
bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn để hiểu được nhu cầu của các cộng đồng khác, thậm chí của những
cộng đồng tại những vùng đất xa xôi. Hầu hết những nỗ lực truyền giáo bởi các nhóm đến từ Mỹ
sẽ thành công nhất khi họ hỗ trợ cho các Hội Thánh địa phương trong công tác truyền giáo, cùng
cộng tác với các nhân sự của Hội Thánh địa phương. Một nhóm truyền giáo thường chỉ dành
khoảng một tuần tại một cộng đồng nào đó, nhưng Hội Thánh địa phương ở đó luôn luôn. Hội
Thánh địa phương nói được ngôn ngữ và hiểu được văn hóa và con người ở tại nơi đó. Nhóm
đến thăm viếng có thể gây được sự chú ý lớn nhưng không củng cố được công tác đang tiếp diễn
tại Hội Thánh hay các Hội Thánh địa phương và ảnh hưởng của nhóm này rồi cũng sẽ qua đi.
Nếu bạn và Hội Thánh của bạn có cơ hội để đi đến một nơi xa thì hãy đến nơi nào mà bạn
tự tin có thể giúp được các Hội Thánh quốc gia có cùng khải tượng truyền giáo với bạn. Công tác
của bạn sẽ là mở những cánh cửa tại cộng đồng nơi đó cho họ. Bạn sẽ lập nên những gương mẫu
cho họ và khích lệ họ thực hiện công tác để liên tục thu hút mọi người đến với Đấng Christ và
Hội Thánh của Ngài.
Đáp ứng trong sự cầu nguyện: Hội Thánh của bạn có thể phục vụ cho các nhóm người nào
trong số các nhóm liệt kê trên đây? Các sinh viên cảm thấy Chúa muốn họ giúp đỡ cho nhóm hay
các nhóm người nào?
Bài 4
Và Hãy Dạy Họ Trở Nên Môn Đồ Ta
Đây chắc chắn là phần gây tranh luận nhiều nhất trong Đại Mạng Lịnh của Chúa Giê-su
và nó cũng rất khác biệt với truyền thống Tin Lành hiện tại. Nhưng trên hết, phần này một lần nữa cho thấy đây là cách thức thành công nhất để biến đổi những cộng đồng của người hư mất và sống trong tối tăm để trở thành những làng quê hay thành thị của ánh sáng. Chúng ta không phải ngạc nhiên khi Chúa Giê-su biết rõ Ngài đang đề cập đến vấn đề gì.
Phần này gây tranh cãi vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì đây không phải là cách thông
thường mà chúng ta thường thực hiện. Chúng ta nói rằng: 1. Ra đi, 2. Truyền giáo cho mọi
người. Nhưng chỉ có thế thôi. Chúng ta không đề cập đến việc làm báp-tem cho họ. Chúng ta chỉ hy vọng rằng họ sẽ bắt đầu đi nhà thờ hay một ai đó sẽ chăm sóc và “môn đồ hóa” cho họ. Chúa Giê-su phán rằng: 1. Hãy ra đi, 2. Môn đồ hóa những người hư mất, mang họ trở lại với Đấng Christ, 3. Báp-tem cho họ và 4. Dạy họ làm những điều Chúa truyền. Theo cách truyền thống, mục tiêu của chúng ta là việc “tuyên xưng đức tin.” Chúng ta ra đi và khăng khăng cho rằng những người lạ phải nói là họ tin Chúa trong khi họ biết rất ít về Đấng Christ. Ngược lại, Chúa Giê-su đã nhẹ nhàng nói rằng: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” Ma-thi-ơ 11:29. Chúa Giê-su kêu gọi người khác học theo Ngài trước khi yêu cầu họ tin nơi Ngài. Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được điều này vì hầu hết chúng ta đã tìm hiểu rất nhiều về con người và bản tính của Chúa Giê- su rất lâu trước khi chúng ta đầu phục và dâng cuộc đời mình cho Ngài. Quá trình này có thể diễn ra nhanh hơn nhưng khó tránh được.
Hai Phương Cách Để Môn Đồ Hóa Những Người Hư Mất
Làm thế nào chúng ta môn đồ hóa những người hư mất? Có hai phương cách cơ bản
thường được thực hiện cùng nhau. Trước hết, chúng ta phải phục vụ họ, thậm chí đến mức như Chúa Giê-su đã phục vụ mọi người. Hai là, chúng ta phải dạy cho họ và họ phải sẵn lòng để học hỏi.
Phục Vụ Họ
Chúa Giê-su cho biết mục tiêu của cuộc đời Ngài và cuộc đời chúng ta khi phán rằng:
“Kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, Con người đã đến, không phải
để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá
chuộc nhiều người” Ma-thi-ơ 20:27-28. Trong sự tự cao của mình, chúng ta không thích nghĩ rằng chúng ta là tôi mọi của một ai đó. Chúa Giê-su nói rằng sự cao trọng thật là hạ mình để làm tôi mọi cho người khác. Đây là tiêu chuẩn cho cuộc đời của chính Ngài và nếu bạn theo Chúa thì đó cũng phải là tiêu chuẩn cho cuộc đời bạn. Đây là một quyết định lớn lao, khởi đầu cho công tác môn đồ hóa của bạn.
Nhưng bạn sẽ phục vụ người khác như thế nào? Trước hết và trên hết, bạn cần phải có
lòng thương xót và cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện cho họ: Loạt bài học kế tiếp sẽ đưa ra nhiều đề nghị thiết thực về việc làm
thế nào để cầu nguyện cho người khác sao cho lời cầu nguyện của bạn sẽ bắt đầu thay đổi cuộc đời họ, hướng họ đến với Chúa và giúp họ học hỏi về Ngài qua bạn. Chúng tôi gọi đây là “Mục Vụ Chăn Bầy Nhỏ Của Bạn.” Điều này có nghĩa là bạn phải xác định rõ nhóm người mà Chúa kêu gọi bạn đặc biệt hướng tới để phục vụ. Đây là những người mà bạn sẽ thường xuyên cầu nguyện và khích lệ, cũng như chuẩn bị để dạy cho họ sứ điệp về sự hy vọng và sự sống trong Chúa Giê-su Christ.
Có một số nguyên nhân mà việc môn đồ hóa của chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc cầu
nguyện cho nhóm người đặc biệt mà Chúa có thể giúp họ trở nên môn đồ của chúng ta. Trước hết, điều này giúp cho đời sống và chức vụ của bạn tập trung vào nhóm người này. Hai là, khi chúng ta cầu nguyện cho họ thì qua lời cầu nguyện của chúng ta Chúa sẽ bắt đầu hành động trực tiếp trong tấm lòng của họ. Trong sự cầu nguyện, bạn sẽ trở thành một “người đồng công” với Đức Chúa Trời để chinh phục những con người này. Ba là, bạn sẽ hỏi xem bạn có thể cầu nguyện cho họ được không, và hầu hết mọi người sẽ đồng ý với ý định và lời đề nghị này. Bạn sẽ hỏi họ về những nhu cầu cụ thể và giữ liên lạc với họ để xem Chúa hành động trong họ như thế nào. Bằng cách này họ bắt đầu nhận ra rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến họ và bạn là người hầu việc Chúa và cũng là người phục vụ họ. Bốn là, khi những người này bắt đầu mở lòng ra với Chúa và Lời Ngài thì cả bạn và họ sẽ biết rằng đây là việc làm của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, Chúa sẽ đáp lời cầu nguyện của bạn cho họ, và họ sẽ xoay khỏi tội lỗi và tiếp nhận Đấng Christ là Chúa. Điều này không xảy ra vì khả năng thuyết phục của bạn hay việc bạn truyền giáo cách khôn khéo. Điều này chính là công tác của Đức Chúa Trời và Ngài sẽ nhận lấy mọi sự vinh hiển.
Chúng ta tìm kiếm những cuộc đời được biến đổi chứ không phải sự tuyên xưng đức tin hời hợt.
Chúa sẽ thực hiện điều này. Sự cầu nguyện là chìa khóa cho vấn đề.
Phục vụ họ theo những cách đơn giản. Có thể có những cách đơn giản mà bạn có thể giúp
người khác bên cạnh sự cầu nguyện cho họ. Điều này sẽ giúp mở ra những cánh cửa để bạn có thể dạy dỗ cho họ, và tất nhiên dạy dỗ là một phương cách rất tốt để phục vụ họ như Chúa Giê-su đã thực hiện trước đây. Bạn có thể phục vụ họ trong những việc đơn giản như bất cứ một người bạn nào sẽ làm cho một người bạn. Bạn có thể phát triển một chức vụ mà trong đó bạn phục vụ người khác hay ít nhất là phục vụ một số người trong danh sách cầu nguyện của bạn. Chẳng hạn như một chức vụ thiếu nhi thú vị nào đó mà bạn mời các em thiếu nhi cùng tham gia. Bạn cũng có thể dạy người khác cách cải thiện cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng có thể bạn tư vấn cho một cặp vợ chồng đang có nan đề hay giúp đỡ cho các thanh niên đang gặp khó khăn. Hay bạn cũng có thể giúp sửa chữa vài thứ trong nhà của một người mẹ đơn thân hay của một đôi vợ chồng già.
Có hàng ngàn phương cách mà người khác có thể cần đến sự giúp đỡ của bạn. Bạn cần tìm hiểu rõ các nhu cầu và xem cách nào tốt nhất mà bạn có thể giúp đỡ họ.
Lấy ví dụ của một thiếu nữ Cơ Đốc xinh đẹp, cô đã hỏi người thợ làm tóc của mình xem
cô có thể dạy họ một vài cách trang điểm và chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài hay không, cũng như dạy họ “Sắc Đẹp Thật” là loạt bài dùng sáu câu chuyện Kinh Thánh để bày tỏ những bí quyết của vẻ đẹp bề trong. “Được” là câu trả lời của họ, và chẳng bao lâu sau đó, sáu phụ nữ tại viện thẩm mỹ đã tham gia học với cô vào giờ nghỉ của họ. Vào đúng thời điểm thì tất cả họ đều trở thành Cơ Đốc Nhân tái sinh. “Sắc Đẹp Thật” là một bài học trong loạt bài học về Các Sự Kiện
Trong Kinh Thánh.
Một tín hữu tại một Hội Thánh đến gặp Mục Sư của mình và nói rằng anh có thể dạy
bóng đá và qua đó có thể thu hút các gia đình hư mất xung quanh họ. Vị Mục Sư đồng ý. Họ làm sạch cỏ dại tại một cánh đồng để làm sân bóng đá và có rất nhiều thiếu niên và người lớn tham gia. Đến thời điểm, Hội Thánh nói trên đã phát triển nhanh chóng nhờ vào những người lúc đầu chỉ đến để chơi bóng đá. Đội bóng của họ cũng đã đoạt cúp khu vực ngay trong năm đầu tiên họ thi đấu!
Trong Danh Ta. Một nguy cơ nghiêm trọng trong việc thực hiện các “chức vụ” theo thị
hiếu của cộng đồng đó là khuynh hướng không đề cập đến Đấng Christ hay sứ điệp của Ngài.
Chúng ta được yêu cầu phải môn đồ hóa và dùng mọi cơ hội để làm điều này. Một tổ chức Cơ Đốc nổi tiếng đã nói với các giáo sĩ của mình rằng công tác của họ tại quốc gia này là “chức vụ đơn thuần.” Qua điều này họ có ý muốn rằng sẽ không có việc giảng dạy Kinh Thánh hay chú trọng điều gì liên quan đến Kinh Thánh hay tôn giáo. Trong việc này họ giống như một tổ chức thế tục, và họ thấy rằng đây là bằng chứng của việc không có “những động cơ kín giấu” và vì thế họ có “chức vụ đơn thuần.”
Chúa Giê-su rất rõ ràng về vấn đề này: Còn ai nhân danh ta mà cho các ngươi một chén
nước,… người ấy sẽ không mất phần thưởng mình đâu. Mác 9:41 Nếu chúng ta phục vụ vì
Đấng Christ thúc giục chúng ta thì chúng ta nên dâng cho Ngài sự vinh hiển chứ không phải bản thân chúng ta hay tổ chức của chúng ta. Đáng buồn là có nhiều chức vụ được thực hiện bởi các Hội Thánh, Cơ Đốc Nhân, và các tổ chức Cơ Đốc mà trong đó Chúa không được vinh hiển, và cũng không có một nỗ lực nào được thực hiện để ít nhất tạo ra nền tảng cho tiến trình môn đồ hóa, là một điều rất quan trọng trong tấm lòng của Đấng Christ vì Ngài thương xót những con chiên bị hư mất và không có người chăn.
Thảo luận: Các học viên trong lớp đã quan sát thấy những loại chức vụ nào có thể giúp người khác ít nhất là có những bài học mang tính tương tác ngắn gọn và dùng Kinh Thánh làm nền tảng? Có những chức vụ mới nào có thể giúp thực hiện được điều này?
Dạy Họ
Việc dạy người khác để họ được tăng trưởng trong đức tin và đến với Chúa là một việc
làm lớn lao nhất mà bạn có thể thực hiện cho bất kỳ ai. Phục vụ và dạy dỗ là hai phần của cùng một chức vụ thánh. Với bốn người đánh cá đang làm sạch lưới, Chúa Giê-su phán rằng: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” Ma-thi-ơ 4:19. Với Ma-thi-ơ, Ngài chỉ đơn giản phán: “Hãy theo Ta.” Người liền đứng dậy, mà theo Ngài. Ma-thi-ơ 9:9
Những người đàn ông này có thật sự biết Chúa Giê-su là ai không? Họ có biết được kế hoạch cứu rỗi không? Họ có phải là những Cơ Đốc Nhân không? Không, không, không. Nhưng họ có sự khao khát trong lòng và họ nghĩ rằng Chúa Giê-su có thể đáp ứng cho họ. Thực tế Chúa Giê- su đã phán rằng: “Hãy theo Ta, và tìm thấy chính mình.”
Chúa Giê-su phán với chúng ta: “Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy”
Giăng 20:21. Chúng ta được sai đi bởi cùng một Cha, cùng một mục đích, để làm việc gần như cùng một phương cách như Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã mời gọi người khác hãy học hỏi nơi Ngài thì chúng ta chắc chắn cũng sẽ làm theo cách như thế. Một người khiêm nhường giả tạo sẽ ngẩng đầu mà nói rằng: “Tôi là ai mà dạy dỗ người khác?” Câu trả lời của Chúa Giê-su đó là Ngài đã sai bạn; bạn ra đi với thẩm quyền của Ngài, và quyền phép của Ngài tác động cả trên trời lẫn dưới đất. Ngài đã phán bảo bạn rằng hãy đi để tạo ra thêm nhiều học viên! Còn điều gì cần phải nói thêm ở đây nữa?
Có một người nói: “Nhưng sẽ không có ai lắng nghe tôi đâu,” và một người khác lại nói:
“Tôi không biết dạy thế nào.” Và người thứ ba nói rằng: “Tôi không biết phải dạy gì.” Cả ba
dường như đều là những lý lẽ chính đáng! Đó là lý do mà bạn thật sự cần được huấn luyện để trở thành giáo sĩ. Tuy nhiên, bạn sẽ không phải chờ đợi quá lâu trước khi bạn có được câu trả lời thích đáng cho ba lý lẽ biện minh trên, và bạn sẽ môn đồ hóa và dạy dỗ họ, và họ sẽ đến với Đấng Christ, trở nên tạo vật mới trong Ngài, và họ sẽ gia nhập như những người giáo sĩ cùng đồng công với bạn. Ngay cả trong chương này những nghi ngờ của bạn cũng có thể bắt đầu được giải đáp.
Đề Xuất Những Khóa Học Mà Người Khác Mong Muốn. Nhiều người rất sẵn lòng tham gia
những khóa học mà họ thích. Đối với những người muốn biết nhiều hơn về Chúa Giê-su, họ có có thể rất thích học tập sách “Những Người Biết Chúa Giê-su.” Tập sách này kể sáu câu
chuyện về Chúa Giê-su và những điều diễn ra cho những người đã được gặp gỡ Ngài. Điều hay nhất đó là các câu chuyện này không giống như những bài giảng, nhưng các học viên có thể đọc lớn tiếng và sau đó trả lời những câu hỏi đơn giản nhằm giúp chính họ hiểu rõ hơn về những lẽ thật được bày tỏ ở đây. Đối với những người đang đối diện với một sự khủng hoảng trong đời sống thì bốn bài học trong tập sách “Có Hy Vọng” sẽ được họ đón nhận. Những người huấn luyện môn đồ sẽ mời họ tham gia “Chiến Dịch Đọc Kinh Thánh Toàn Quốc” và họ sẽ tự tìm hiểu để biết rằng Kinh Thánh thật thú vị. Chiến dịch này sẽ được giải thích rõ ràng hơn trong những phần sau. Các tài liệu được dạy cách dễ hiểu đến nỗi chúng tôi thấy những người hư mất tham gia học và sau đó dạy lại cho chính gia đình họ! Điều này giống như mời một ai đó cùng học một khóa học hàm thụ và việc viết bài sẽ không thật sự cần thiết.
Còn rất nhiều vấn đề trong cuộc sống mà người ta rất muốn được tâm sự nhưng có rất ít
cơ hội để họ thực hiện điều này. Có nhiều loạt bài thảo luận dựa trên các câu chuyện Kinh Thánh bạn có thể tìm thấy trong Loạt Bài Sự Kiện Kinh Thánh. Các thảo luận này được phân theo các chủ đề thông thường, chẳng hạn như Sống Sót Sau Stress, Chúa Ở Đâu Khi Tôi Cần Ngài,
Vượt Qua Sự Cô Đơn, Một Cuộc Hôn Nhân Hạnh Phúc và nhiều chủ đề khác. Sau khi đọc
xong câu chuyện Kinh Thánh, những câu hỏi quan trọng sẽ được đặt ra với một số câu trả lời gợi ý, học viên sẽ chọn câu trả lời của họ và trình bày ý kiến của mình. Đức tin sẽ dần dần được gây dựng và Kinh Thánh sẽ trở nên một quyển sách quý giá.
Trẻ em thường cảm thấy bị quên lãng và phải tự lo cho bản thân mình. Chúng thích
những người lớn hay những thanh niên vui vẻ có thể đến kể cho chúng nghe những câu chuyệnmà chúng có thể tương tác. Sẽ thật ích lợi nếu các em được học về những câu chuyện Kinh Thánh, từng bài một, về tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng và thấy được hành động dũng cảm của những người đã đối diện với những thử thách lớn lao trong cuộc sống. Chiến Dịch Đọc Kinh Thánh Toàn Quốc cung cấp một tập sách bao gồm 260 câu chuyện Kinh Thánh thuộc thể loại giúp các em có thể tương tác và các học viên có thể tham gia minh họa cho bài học.
Trên đây là những ví dụ về những phương cách tiếp cận có thể dùng để môn đồ hóa theo
yêu cầu. Họ sẽ đáp ứng với lời mời gọi, ham thích kinh nghiệm đầu tiên, và hầu hết là họ sẽ tiếp tục kinh nghiệm thêm, được gặp gỡ Đấng Christ, được làm báp-tem trong Hội Thánh, và được sẵn sàng cho chương trình huấn luyện giáo sĩ, như Chúa Giê-su đã phán bảo!
Ý Kiến: Nhóm người nào trong cộng đồng của bạn có thể quan tâm để tham gia vào các khóa học Kinh Thánh liên quan đến các nhu cầu trong cuộc sống? Những người về hưu, các bà, các chị hàng xóm ở nhà cả ngày, các trẻ em ở gần nhà, các thanh niên hay phụ nữ trong giờ nghỉ trưa, các học sinh sau giờ học, các tù nhân trong tù hay trại giam ở địa phương.
Bài 5
Làm Báp-tem Cho Họ
Chúng ta thấy rằng mạng lịnh sai đi của Chúa Giê-su mang tính tiệm tiến: 1. ra đi đến với
thế giới hư mất; 2. tạo ra những môn đồ tại nơi đó, và bây giờ, chúng ta thấy là 3. làm báp-tem cho họ trong danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.
Công tác truyền giáo hiện tại không chú trọng nhiều đến việc làm báp-tem và lời mời gọi
truyền giảng thường gia giảm để ít bị chống đối nhất. Chúng ta hỏi rằng: “Bạn có tiếp nhận Chúa Giê-su vào lòng của bạn không?” Có vị sứ đồ nào từng kết thúc sứ điệp của mình với những lời lẽ như thế không? Ngược lại, Phi-e-rơ đã nói rằng: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” Công Vụ 2:38. Lời truyền giảng của ông không phải kêu gọi người khác để có một cảm giác tốt đẹp về Chúa Giê-su, nhưng để họ dừng lại, xoay khỏi đời sống tội lỗi, và cho thế giới thấy được sự chân thành trong quyết định của một người qua hành động dìm mình trong nước cách công khai. Hành động này thể hiện việc chết đi đời sống cũ và sống lại một đời sống mới trong Đấng Christ. Bất kỳ nỗ lực nào khiến lời mời gọi Tin Lành thiếu đi yếu tố này đều là dị giáo!
Yêu Cầu Về Sự Ăn Năn Và Đức Tin
Dĩ nhiên nhiều người đã cố gắng dùng câu Kinh Thánh này để chứng minh rằng việc làm
báp-tem là cần thiết đối với sự cứu rỗi, và nếu câu này đứng riêng rẽ trong Kinh Thánh thì chúng ta có thể tự hỏi liệu họ có đúng hay không. Có rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh khẳng định rằng người ta nhận được sự cứu rỗi qua sự ăn năn và đức tin mà không đề cập đến việc làm báp-tem.
Phao-lô giải thích điều này trong những lời sau: Tôi giảng cho người Giu-đa như cho người
Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời, và đức tin trong Đức Chúa Giê-su là Chúa
chúng ta. Công Vụ 20:21
Lớp học hiểu câu Kinh Thánh này như thế nào?
Cần thiết để có đức tin trọn vẹn nơi Chúa, ăn năn tội lỗi để được cứu.
Thật hơi quá khi nói rằng cả sự ăn năn lẫn đức tin đều cần thiết.
Trong những lời cuối cùng của Chúa Giê-su có những lời như thế này: “Ngài phán: Có
lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn dường ấy, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại, và người ta sẽ nhân danh Ngài mà rao giảng cho dân các nước sự ăn năn để được tha tội, bắt đầu từ thành Giê-ru-sa-lem.” Lu-ca 24:46-47
Bạn hiểu câu Kinh Thánh này có nghĩa gì?
Sự cứu rỗi tùy thuộc vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ và sự phục sinh của Ngài.
Sự tha thứ của Đức Chúa Trời đối với bất cứ ai đều dựa trên sự ăn năn tội (quyết định xoay khỏi đời sống tội lỗi.)
Hai yếu tố quan trọng này là cơ sở cho sứ điệp của Đức Chúa Trời cho toàn thế gian.
Chỉ có những người cuồng tín mới tin rằng một người cần phải xoay khỏi đời sống tội lỗi để được tha thứ tội và được cứu.
Si-môn Phi-e-rơ trong bài giảng thứ hai của mình với người Do Thái đã tuyên bố về Chúa
Giê-su như sau: Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên bên hữu Ngài, làm Vua và Cứu Chúa, để ban lòng ăn năn và sự tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên. Công Vụ 5:31
Trả lời những câu sau:
Đức Chúa Trời đã đặt Chúa Giê-su bên tay hữu của mình với quyền phép lớn lao.
Cơ hội để ăn năn và được cứu được xem như là một món quà từ Đấng Christ.
Sự ăn năn không có liên hệ gì đến sự cứu rỗi, vì hầu hết mọi người đều không bao giờ ăn năn.
Sự ăn năn và sự tha thứ tội cần thiết phải đi cùng nhau. Không có sự ăn năn tức là không có sự tha thứ tội.
Vậy mối quan hệ giữa sự ăn năn, đức tin, và phép báp-tem là gì? Hãy cố gắng hình dung
hình ảnh sau đây: Một người hư mất đang bước xuống con đường mà anh ta đã chọn cho cuộc đời mình. Anh ta chịu trách nhiệm cho đời sống mình – Đức Chúa Trời không can thiệp vào đời sống của anh ta. Anh ta làm bất cứ điều gì anh ta muốn thay vì làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, và đây là căn bản của mọi tội lỗi. Khi càng tiến xa hơn trên con đường riêng của mình thì anh ta càng gặp rắc rối, cô đơn và buồn bã. Anh ta có thể đi đến mức chán ghét những gì mình đã làm và sợ hãi không biết con đường mình đang đi sẽ dẫn đến đâu. Anh ta bị lạc phương hướng và bước vào cõi đời đời mà không có Đức Chúa Trời.
Anh ta bắt đầu nghe thấy tiếng của Chúa Giê-su ở phía sau mình. Ngài muốn ban cho anh
sự tha thứ tội và đặt anh vào con đường dẫn đến thiên đàng. Người này quyết định xoay lại và bước đi trên con đường của Chúa Giê-su, theo Ngài cả cuộc đời mình cho đến khi vào thiên đàng. Khi người này xoay lại thì anh ta đã xoay khỏi con đường bất kính và ích kỷ của mình để tin cậy nơi Chúa Giê-su là Đấng đã ban cho anh sự cứu rỗi trọn vẹn. Sự xoay đổi như thế gọi là “sự cải đạo.” Việc xoay khỏi đời sống cũ của anh gọi là “sự ăn năn” và việc anh tin cậy nơi Đấng Christ gọi là “đức tin.” Thật ra, sự ăn năn và đức tin là hai yếu tố của cùng một hành động. Ăn năn là điều mà người này xoay khỏi, còn đức tin là Đấng mà người này hướng tới khi anh tin nhận Đấng ấy.
Phép báp-tem là một hành động tuyên bố sự cải đạo cách công khai của một người. Và nó
phác họa cùng một vấn đề nhưng theo một cách khác. Khi người này được dìm mình dưới nước thì cho thấy rằng người ấy đã chết với đời sống mà bản ngã làm chủ và đã được “chôn đi.” Khi người ấy ra khỏi nước thì làm chứng rằng người ấy sống một đời sống mới có Đấng Christ làm chủ. (Tham khảo: Rô-ma 6)
Có nhiều cách mà một người có thể làm chứng về việc được cải đạo như thế. Một số
người có thể yêu cầu anh ấy hay cô ấy giơ tay lên, hay đứng dậy, hay cầu nguyện lớn tiếng, hay ký vào một tấm thiệp. Đây là những phương cách thiết thực để thể hiện quyết định của một người nhưng vẫn còn thiếu điều mà Chúa Giê-su đã yêu cầu. Ngài phán bảo chúng ta: “Hãy làm báp-tem cho họ!” Tại sao người ta cần được báp-tem nếu họ đã được cứu bởi sự ăn năn và đức tin chứ không phải bởi nước báp-tem?
Phép báp-tem qua sự dìm mình (là phép báp-tem duy nhất được thực hành bởi các Sứ đồ)
là một hành động công khai triệt để. Phép báp-tem này không nên được làm cách kín giấu – đây là một lời chứng công khai về quyết định dâng đời sống của một người cho Đấng Christ. Đây là một hành động để lại ấn tượng cho cả người tân tín hữu lẫn bất kỳ ai đã chứng kiến – và không dễ dàng quên được giống như việc giơ tay lên. Bất kỳ phép báp-tem nào không bao gồm sự dìm mình thì không thể hiện được những gì đã diễn ra về mặt thuộc linh đối với người được báp-tem.
Vậy nếu một người không thể dìm mình được thì sao? Tên trộm trên thập tự giá là một ví
dụ. Có những tù nhân tại một vài nơi trên thế giới ngày nay không được phép để làm báp-tem.
Một số người đã tiếp nhận Chúa trên giường bệnh khi họ sắp chết và không thể dìm mình được.
Vậy họ có được cứu bởi sự ăn năn và đức tin không? Những câu Kinh Thánh mà chúng ta vừa đọc bảo đảm với chúng ta rằng họ sẽ được cứu. Tuy nhiên, điều này không để biện minh cho những ai có thể làm báp-tem mà lại chọn để không thực hiện. Điều này cũng cho thấy rằng người ấy chưa thật sư ăn năn tội lỗi hay thật sự tin nhận Đấng Christ để được cứu rỗi. Một người được cứu qua việc xoay khỏi việc làm chủ chính mình và để Đấng Christ làm chủ, tin cậy nơi lời hứa của Ngài về sự sống đời đời. Mạng lịnh đầu tiên cho một người như thế là được làm báp-tem.
Nếu người ấy nói: “Không, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ vâng phục Chúa Giê-su trong mạng lịnh đó” thì rõ ràng là sự ăn năn thật chưa diễn ra.
Đối với nhiều người, đây là một sự phân tách dứt khoát với những lời mọi gọi truyền
giảng “dễ dãi.” Chúng ta có nhiều tập tục khác với những lời giảng dạy đơn thuần của Chúa. Vào Ngày Phán Xét, việc làm của chúng ta sẽ bị thử nghiệm bởi lửa (I Cô-rinh-tô 3:10-15). Công tác truyền giáo vững chắc phải đặt cơ sở trên những lời giảng dạy đáng tin cậy theo Kinh Thánh.
Thảo luận: Tại sao lớp học nghĩ rằng Chúa Giê-su phán bảo phải làm phép báp-tem?
Phép Báp-Tem Cho Con Trẻ Và Phép Báp-Tem Cho Tín Hữu
Nhiều người trên thế giới đã được “báp-tem” khi còn bé và hỏi họ nên làm gì đối với
những lời dạy của Tân Ước về phép báp-tem. Họ có thể thấy việc làm báp-tem qua sự dìm mình khi là một tín hữu trong Đấng Christ là một điều gì đó đáng được mong ước về mặt Kinh Thánh, nhưng đồng thời cũng cảm thấy thiếu tôn kính cha mẹ họ là những người bởi đức tin đã xin làm báp-tem cho con cái của mình.
Việc làm báp-tem đã thay đổi trải qua nhiều thế kỷ. Sai lầm đầu tiên đó là tin rằng phép
báp-tem cần thiết cho sự cứu rỗi. Sau khi tư tưởng đó trở nên phổ biến trong nhiều năm, các nhà thần học cho rằng tốt nhất là mọi người cần được báp-tem và thực hiện khi họ còn là con trẻ. Sự thay đổi cuối cùng được thực hiện khoảng 1000 SC khi những người Tây Âu quyết định báp-tem cho trẻ em qua việc đổ hay rảy nước chứ không phải dìm mình. Rõ ràng là Cơ Đốc Giáo đã thay những lời dạy rõ ràng của Kinh Thánh về phép báp-tem thành việc áp dụng các tập tục và truyền thống mới được tôn sùng bởi hàng triệu người. Tuy nhiên, cuối cùng thì người ta phải quyết định xem họ sẽ sống bởi các tập tục tôn giáo của con người hay bởi những gì mà Thánh Kinh chỉ dạy cách rõ ràng.
Tuy vậy, điều này không có ý bất kính đối với quyết định của các bậc phụ huynh đã cho
con họ “làm báp-tem” theo cách mà họ hiểu là phép báp-tem. Một số bậc phụ huynh đã thực hiện điều này sau khi đã nghiên cứu những gì Kinh Thánh nói về phép báp-tem, và đối với họ, họ đã đem con mình đến nhà của Đức Chúa Trời để dâng chúng lên cho Chúa và cầu xin Chúa ban phước cho chúng. Ít ra thì điều này giống như hành động của bà An-ne khi dâng Sa-mu-ên là con đầu lòng của mình cho Đức Chúa Trời và cho công việc Ngài, và Sa-mu-ên đã trở thành một người mạnh mẽ của Đức Chúa Trời (1 Sa-mu-ên 1).
Tất cả phụ huynh cần được khích lệ để dâng con mình lên cho Đức Chúa Trời, cầu
nguyện rằng chúng sẽ trở thành những người hầu việc Chúa trung tín. Chúng ta tôn trọng những người đã thực hiện điều này qua nghi lễ của phép báp-tem cho con trẻ. Đây là một di sản đẹp đẽ để biết rằng cha mẹ của một người nào đó đã có ý định dâng họ lên cho Đức Chúa Trời từ khi họ còn bé. Điều này không bảo đảm cho sự cứu rỗi nhưng đây là một hành động đức tin được thực hiện bởi cha mẹ. Các Cơ Đốc Nhân thời Tân Ước không làm báp-tem cho con trẻ nhưng trước mặt Hội chúng họ dâng con cái và chính mình cho Đức Chúa Trời.
Nếu một người được “báp-tem” theo cách này thì anh ấy hay cô ấy nên cảm ơn Chúa và
cha mẹ của mình về hành động đức tin về phần của họ. Nhưng khi một người được biết Chúa cách cá nhân thì anh ấy hay cô ấy nên bắt đầu hành động dìm mình để công bố niềm tin cứu rỗi của mình nơi Chúa.
Ý kiến: Bạn sẽ hướng dẫn một tân tín hữu như thế nào khi người ấy đã được làm báp-tem khi còn nhỏ?
Bài 6
Huấn Luyện Họ Làm Theo Mọi Điều Chúa Đã Truyền
Đây là mục tiêu cuối cùng của Đại Mạng Lịnh: …và dạy họ giữ hết mọi điều mà ta đã
truyền cho các ngươi (Ma-thi-ơ 28:20a). Điều này hoàn tất chu kỳ chiến lược của những hành động mà Đấng Christ sẽ biến đổi thế giới qua chúng ta là các môn đồ của Ngài. Chúng ta không dám đọc những lời này nếu không có sự tập trung hay hiểu biết. Xin Chúa hướng dẫn chúng ta vào lúc này.
“Dạy” theo ý nghĩa ở đây là “huấn luyện” vì Chúa Giê-su phán rằng chúng ta phải dạy
những người đã được báp-tem để làm mọi điều mà Ngài đã truyền. Đây không phải là sự chú trọng đến việc “dạy Kinh Thánh” hay “dạy giáo lý” mặc dù cả hai đều rất quan trọng. Ngài đang nói về việc thật sự huấn luyện các tín hữu để họ LÀM tất cả những gì mà Ngài đã phán bảo chúng ta LÀM. Trong Hội Thánh chúng ta có thể có nhiều sự dạy dỗ, và có lẽ có cả việc cấp chứng chỉ, nhằm trang bị cho tâm trí và tấm lòng chúng ta với những kiến thức quý báu. Đây là việc quan trọng nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng của Đấng Christ đối với việc dạy dỗ của chúng ta. Mục tiêu ở đây là giúp người của chúng ta LÀM, thể hiện, và sống theo MỌI ĐIỀU mà Chúa đã truyền cho chúng ta làm. Trong hầu hết các trường học, việc giảng dạy có hiệu quả hay không được đánh giá bởi các kỳ thi và xác định bởi các con số hay các chữ cái trong thang điểm.
Tại Trường học của Đấng Christ, chúng ta sẽ được đánh giá bởi những gì chúng ta thật sự LÀM với cuộc đời của chúng ta.
Cuộc Đại Cải Cách và sự ra đời của phong trào Tin Lành đã đem phần lớn Cơ Đốc Giáo
trở lại với sự hiểu biết các giáo lý căn bản về niềm tin cách đúng đắn và có cơ sở Kinh Thánh hơn. Điều này quan trọng đối với việc gìn giữ Phúc Âm và sự hợp lý về mặt thuộc linh của Cơ Đốc Giáo. Việc giảng dạy chính yếu của các Hội Thánh Tin Lành đã chú trọng đến ý nghĩa và sự ứng dụng của Kinh Thánh vào trong cuộc sống. Đây là mối quan tâm chính đáng đến tính chính thống của Kinh Thánh. Việc chúng ta cần phải chính thống (orthodox = chính thống, orthos =
thẳng hay đúng, doxa = ý kiến) khi liên hệ đến Kinh Thánh và ý nghĩa của Kinh Thánh là rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong mạng lịnh mà chúng ta gọi là “Đại Mạng Lịnh” thì Đấng Christ đang
kêu gọi chúng ta đến orthopraxy, việc thực hành đúng đắn. Như Chúa Giê-su đã nói: “…đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia” (Ma-thi-ơ 23:23).
Giáo lý đúng đắn sẽ dẫn đến việc thực hành đúng đắn. Và trong lời cuối cùng của Ngài trên đất, Chúa Giê-su đã truyền cho môn đồ của Ngài LÀM những điều đúng để công tác cứu chuộc của Ngài trên đất sẽ đến với muôn dân mà Ngài đã chết thay. Có lẽ đúng khi nói rằng hầu hết các Hội Thánh của Chúa Giê-su Christ trên khắp thế giới đang không thực hiện Đại Mạng Lịnh trong và ngoài cộng đồng của họ theo cách thức hay mức độ mà Chúa Giê-su mong muốn. Vấn đề này phần lớn là do việc không chú trọng đến ý nghĩa thực tiễn của Đại Mạng Lịnh và chủ yếu là do việc thiếu huấn luyện để biết phải thực hiện Mạng Lịnh này NHƯ THẾ NÀO. Hầu hết Cơ Đốc Nhân hoặc là không hiểu Đại Mạng Lịnh liên hệ đến họ như thế nào, hoặc là không biết thực hành Mạng Lịnh này cách hiệu quả như thế nào trong thế giới của họ.
Ý Kiến Lớp Học: Theo kinh nghiệm của lớp học, họ đã nhìn thấy các Hội Thánh Tin Lành chú
trọng nhiều đến niềm tin đúng đắn hay sự thực hành đúng đắn? Hãy giải thích câu trả lời.
Khóa học này chỉ là một phần của công tác huấn luyện trong một chiến lược thực tiễn
nhằm giúp cho các Hội Thánh và các thành viên trong Hội Thánh trở thành những lực lượng
truyền giáo mạnh mẽ tại nhà cũng như tại cánh đồng truyền giáo của họ. Việc bạn tham gia loạt bài học này là phần khởi đầu cho công tác huấn luyện này. Đây là một chiến lược cho Đại Mạng Lịnh, được xây dựng dựa trên bốn phần riêng biệt trong Đại Mạng Lịnh của Đấng Christ trong Ma-thi-ơ 28:18-20. Đây là một phong trào nhằm giúp các Hội Thánh Tin Lành trỗi dậy và bắt đầu đi vào cộng đồng của họ và xa hơn thế để môn đồ hóa bất cứ nơi nào mà họ đến. Chúa Giê-su xác định rõ ràng việc huấn luyện để LÀM những gì Ngài phán truyền phải là một nỗ lực không ngừng của các Hội Thánh. Ngài cho biết rằng nhu cầu to lớn của các cánh đồng sẵn cho mùa gặt là cần có nhiều thợ gặt hơn. Những việc này không nên chỉ thỉnh thoảng mới thực hiện hay huấn luyện nhưng nỗ lực này cần phải tiếp diễn luôn luôn. Các tân tín hữu cần phải nhanh chóng gia nhập các nỗ lực trong công tác huấn luyện vì đây là thời điểm họ quyết
định cần phải làm gì khi đã là một tín hữu. Các tín hữu lâu năm có thể khó gia nhập hơn, nhưng nhiều người trong số họ từ lâu đã cảm nhận được sự kêu gọi của Chúa trên đời sống của họ, chỉ là họ không biết phải bắt đầu như thế nào.
Có bốn cách mà mỗi Hội Thánh Trên Đường Tiến (Church on the March) có thể huấn
luyện nhân sự của mình để hoàn thành Đại Mạng Lịnh:
Hướng dẫn cách thức: Cách thức tự nhiên nhất để học là quan sát những người đang phục
vụ. Chúa Giê-su biết rất rõ điều này và kêu gọi người khác đơn giản là hãy theo Ngài. Một khi đã theo Ngài, họ nhìn thấy được cách mà Ngài trò chuyện và giúp đỡ những người khác. Nếu bạn là một nhân sự Cơ Đốc muốn nhân rộng mục vụ của mình qua đời sống của những người khác thì hãy cầu nguyện để Chúa dẫn dắt bạn gặp gỡ một hay nhiều người sẽ là những người huấn luyện môn đồ của bạn, và bạn mời họ đi cùng vào những lúc bạn làm việc. Hãy luôn có một hoặc vài môn đồ đồng hành trong chức vụ của bạn. Và hãy để một người mà bạn huấn luyện thường xuyên thay thế cho vị trí của bạn trong chức vụ. Dần dần, bạn giao trách nhiệm cho các môn đồ của mình và nhờ thế bạn sẽ được tự do hơn. Sau đó, mời gọi họ làm những gì bạn đang làm, bạn sẽ quan sát và hỗ trợ họ trong chức vụ của họ. Cuối cùng, bạn sẽ giúp họ làm chức vụ một cách riêng biệt với bạn. Khi làm điều này, hãy cho họ biết rằng họ phải nhanh chóng tìm một ai đó sẽ học như họ đã từng học. Đây không phải là một ý tưởng mới mẻ! Hãy lắng nghe lời dạy của Phao-lô cho Ti-mô-thê: Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác (2 Ti-mô-thê 2:2).
Ý kiến: Một người thợ mộc sẽ dùng phương pháp nào để dạy một người học việc? Tại sao
phương cách này cũng rất quan trọng trong việc huấn luyện các nhân sự Cơ Đốc?
Học Theo Nhóm: Một khía cạnh quan trọng trong công tác của Hội Thánh Trên Đường
Tiến (Church on the March) là sự thành lập các nhóm “Hòn Đá”. Đây là những nền tảng cơ sở của một Hội Thánh Trên Đường Tiến thật sự. Họ nhận lấy cảm hứng từ Chúa Giê-su là Đấng đã tạo nên Hòn Đá đầu tiên khi Ngài kêu gọi mười hai người cùng tham gia và đi theo Ngài. Một “Hòn Đá” là một nhóm bao gồm nhiều nhất là mười hai người trong Hội Thánh. Họ sẽ cầu nguyện, gặp nhau và làm việc với nhau để huấn luyện nên những môn đồ trên thế giới. Một nhóm Hòn Đá cần phải gặp nhau một lần một tuần để cùng cầu nguyện và thảo luận về các chức vụ mà họ dự phần. Họ mời gọi những người khác tham gia vào nhóm Hòn Đá và để các thành viên của nhóm trình bày cách thức thi hành chức vụ và tìm ra các chức vụ của riêng mình.
Thay vì gặp nhau vào một buổi tối khác trong tuần thì sẽ thuận tiện hơn nếu nhóm Hòn
Đá gặp nhau vào buổi tối cầu nguyện tại Hội Thánh. Sau khi tham dự phần đầu tiên của buổi nhóm cùng với những người khác, nhóm Hòn Đá sẽ đi vào một phòng riêng để cùng cầu nguyện với nhau. Trong các buổi họp của Hòn Đá, các nhân sự có thể đề cập đến các nhu cầu mà họ biết về các nhân sự khác và nhóm cần cầu nguyện, bàn luận và suy nghĩ về những người mà họ có thể mời để nhận lấy các cơ hội này. Họ thảo luận với nhau về các cơ hội và những thử thách cần phải đối diện, và khích lệ lẫn nhau để thực hiện công tác cách hiệu quả hơn. Mỗi Hòn Đá cần có một trưởng nhóm khôn ngoan và có kinh nghiệm, và là người được Mục Sư chấp thuận.Trong các Hội Thánh của chúng tôi, chúng tôi có thể nỗ lực để khích lệ các tín hữu bước vào các chức vụ thực tiễn. Tuy nhiên, hầu hết các tín hữu sẽ không thật sự làm điều này trừ khi họ là thành viên của một nhóm nhỏ thường xuyên nói chuyện, cầu nguyện và cùng nỗ lực để đến với người hư mất cho Đấng Christ. Những “Hòn Đá” không phải là một ban nhóm thường có trong các Hội Thánh Cơ Đốc, mặc dù đây là phương cách của Đấng Christ. Điều này có thể giải thích tại sao các Hội Thánh Cơ Đốc đã không hiệu quả trong việc vận động các thành viên của mình làm việc tại các cánh đồng truyền giáo hiện có của Hội Thánh. Loạt bài học có tựa đề “Hội Thánh Trên Đường Tiến” sẽ đưa ra những hướng dẫn rất thực tế trong việc làm thế nào để lập ra và áp dụng các nhóm Hòn Đá trong một Hội Thánh.
Điều này giúp chúng ta hiểu được tại sao những lời trong Đại Mạng Lịnh là những lời cuối cùng của Chúa Giê-su Christ trên đất này. Chúng ta hãy cùng sống tận hiến cho Đại Mạng Lịnh này và sống trong năng quyền lớn lao của sự hiện diện của Ngài.