PHẦN 12
(Năm 300 Đến 500)
CƠ-ĐỐC GIÁO TRỞ THÀNH TÔN GIÁO CỦA ĐẾ QUỐC LA MÃ
Đầu thế kỷ thứ 4, mặc dầu bị bắt bớ, Cơ-Đốc Giáo đã trở thành một lực lượng sống động trong Đế Quốc. Lúc đầu nó chỉ thu hút được những người nghèo và thiếu học đến khi phẩm hạnh của các đời sống Cơ-Đốc trở nên rõ rệt, thì những người học rộng, trí thức cao bắt đầu giải nghĩa Phúc Âm cho những kẻ đương thời, và những giai cấp cao như là gia đình thượng thư, các sĩ quan trong quân lực, các bậc tỉnh trưởng, và những người thân quyến của Hoàng Đế đều đến tiếp nhận niềm tin mới. Những cộng đồng Cơ-Đốc đã được thiết lập tại các thành phố lớn quanh Địa Trung Hải càng ngày càng thu hút nhiều người và người ta thành lập đưọc nhiều Hội Thánh cả đến những nơi xa của đế quốc. Tác giả Edwyn Bevan viết trong sách ‘Cơ-Đốc Giáo’ như sau:
‘Cơ-Đốc Giáo ngay từ đầu đã có sức thu hút có tính cách xã hội, ít có ai nghĩ tới điều đó. Phúc âm của Cơ-Đốc nếu chỉ là một chân lý lẻ loi đơn độc trôi ra trong không khí thì khó chinh phúc được lòng người. Nhưng kết qủa ấy chính là do nếp sống hợp quần của những nhóm Cơ-Đốc nhỏ sinh hoạt trong những thành thị của thế giới xưa… Những người đã tiếp xúc với một nhóm như thế cảm thấy một bầu không khí không giống ở đâu hết . ‘
Giữa một thế giới độc dữ, những người Cơ-Đốc cư xử tử tế. Trong một hệ thống xã hội căn cứ trên sự phân chia giai cấp quá cách biệt, người Cơ-Đốc coi ai cũng là con của Đức Chúa Trời. Giữa xã hội đầy dẫy những cám dỗ dục tình, người Cơ-Đốc cố gắng sống đời sống thanh sạch, và gia đình họ được hướng dẫn bằng những lý tưởng cao. Họ tin rằng hôn nhân không thể tan rã được và họ coi việc dạy dỗ con cái theo hạnh kiểm Cơ-Đốc là một trong những trách nhiệm chính của họ. Khi thời cuộc đổi thay, kinh tế xáo trộn, người Cơ-Đốc chăm sóc những góa phụ và trẻ mồ côi, người nghèo, người bệnh và người tàn tật. Họ mở rộng cửa tiếp khách lạ thuộc mọi tầng lớp và mọi chủng tộc vì họ tin rằng Hội Thánh là một xã hội rộng rãi bao gồm đủ mọi người. Một người ngoại, xúc động vì tình thân hữu Cơ-Đốc đã thốt lên : ‘Ôi ! Những tín đồ của Đấng Christ thương yêu nhau một cách lạ lùng’ Những người Cơ-Đốc thường thường là những người lương thiện, đáng tin và tốt. Họ đến đâu thì họ đem vui vẻ bình an cho mọi người lân cận. Những người La Mã ngoại đạo, khi đã tỉnh ngộ thấy tôn giáo của họ suy tàn dần, lại hốt hoảng thấy nền văn minh của họ từ từ tan rã, nên họ kêu nhau đông đảo đến các Hội thánh, ở đó họ gia nhập vào một nhóm người có niềm tin vào một quê hương ở trên trời một niềm tin và hy vọng đem lại ý nghĩa cho đời sống.
Năm 200, Ông Tertullian, với lời văn chính xác, đã mô tả Hội Thánh gương mẫu trong quyển ‘Biện Hộ’ của ông như sau :
‘Chúng tôi là một hội, cùng chung một ý niệm tôn giáo, một kỷ luật hợp nhất, có niềm hy vọng chung ràng buộc. Chúng tôi họp nhau cùng đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho các vị Hoàng Đế các bậc thượng thư, những người cầm quyền để thế giới được an ninh, mặt đất được thái bình. Chúng tôi họp nhau để đọc sách của Đức Chúa Trời. Chúng tôi nuôi niềm tin của chúng tôi bằng những lời Thánh ấy ‘.
Danh sách ba kỳ Giáo Hội nghị chứng tỏ công cuộc truyền giáo lan rộng đến phương Tây. Kỳ hội nghị họp năm 256 ở Carthage đã qui tụ được 87 Giám Mục từ Bắc Phi đến dự. 19 Giám Mục và 24 trưởng lão từ các nơi trong xứ Tây Ban Nha, đã nhóm họp tại Elivira (grenada) vào năm 305. 9 năm sau, tại Arles, Đông Nam nước Pháp, có 33 Giám Mục (trong số này có 3 vị từ ba vùng trong Anh quốc đến dự : Londinium, Eboracum và Lindum Colonia) nhóm kỳ giáo hội nghị lớn thứ nhất của Hội Thánh Tây Âu.
Dầu vậy, cho đến năm 311 Cơ-Đốc Giáo vẫn là một tôn giáo bất hợp pháp. Và các cá nhân tín đồ vẫn còn sợ sệt một sự trừng phạt tối đa từ phía chính quyền. Người nối ngôi Hoàng Đế Diocletian là Hoàng Đế Galerius, vì muốn được sự ủng hộ của đám quân sĩ dưới quyền không tin Chúa, đã ra lệnh truy nã Hội Thánh một lần chót. Nhưng khi hấp hối, ông đột nhiên đổi chính sách, ký sắc lênh ‘hòa đồng’, cho phép những tín đồ Cơ-Đốc ‘quyền được sinh hoạt lại và thiết lập những nơi thờ phượng’ sắc lệnh cũng còn ghi thêm rằng các tín đồ phải ‘cầu nguyện Đức Chúa Trời cho chúng ta đưọc qua khỏi’ có thể là vì hấp hối sợ chết nên ông ta đã ra đạo luật nói trên.
Constantine, bấy giờ 23 tuổi làm phu tá Hoàng Đế là người có cao vọng muốn nắm quyền, đã cùng ký. Với sắc lệnh năm 311, Hoàng đế Galerius lại thêm các điều khoản bắt buộc áp dụng chặt chẽ nên được các Cơ-Đốc nhân ủng hộ sốt sắng. Trưóc đó, Hoàng Đế Constantine đã được đạo quân La Mã đóng tại York tôn lên để nối ngôi cha mình là Hoàng Đế Constantius. Nay muốn được lòng toàn Đế Quốc, Constantine phải chiến thắng được những kẻ địch thù trưóc. Sau khi Galerius chết, Constantine dẫn quân sĩ qua núi Alps theo hướng Nam về La mã để dành quyền cai trị Thủ Đô Đế Quốc khỏi tay Maxentius là Hoàng Đế miền Tây, quân Maxentius mạnh hơn ngăn chặn Constantine qua sông. Theo lời sử gia Eusebius, Constantine được xem một sự hiện tháy ‘một thập tự ánh sáng ở trên trời’ và một hàng chữ lửa rao báo ‘In hoc signo vinces’ (Với dấu này, ngươi sẽ chiến thắng). Sáng hôm sau trước khi lâm trận ông vội vã ra lệnh quân sĩ sơn dấu hiêu Cơ-Đốc nhân (hai mẫu tự Hy lạp Chi và Rho) vào mũ trận của ông và các khiên của chiến sĩ, trong số đó hẳn có nhiều người đã tin Chúa. Họ giáp chiến hăng hái và Constantine đã thắng trận, Maxentius bị dìm chết dưới sống Tiber và Constantine làm bá chủ miền Tây.
Trận đánh ở cầu Milvian vào ngày 28 tháng 10 năm 312 đánh dấu một khúc quanh lịch sử Cơ-Đốc Giáo, vì khi Constantine nhớ rằng ông ta đã chiến thắng dưới dấu thập tự thì ông tin rằng Đức Chúa Trời của người Cơ-Đốc đã ở cùng ông và sự thành công của rông là phần thưởng của niềm tin Cơ-Đốc.
Năm 313, Constantine đến Milan dự lễ cưới em gái là Constantia lấy Licinius, Hoàng Đế miền Đông, hai vị Hoàng Đế đã ký chung một sắc lệnh gọi là sắc lệnh Milan nội dung như sau :
‘Những người Cơ-Đốc và tất cả những người khác phái được tự do theo tôn giáo nào họ thích. Họ phải được phép tiếp tục đức tin của họ không bị ngăn trở và không bị quấy rối hoặc hành hạ. Điều đó phải hợp với trật tự của Đế Quốc và sự thái bình của thời đại chúng ta, vậy ai nấy phải đưọc tự do thờ phượng Thượng Đế mình lựa chọn’.
Sự giao hảo giữa Đông và Tây trở nên căng thẳng khi Licinius lại bắt bớ người Cơ-Đốc. Chiến sự bùng nổ vào năm 323 giữa hai Hoàng Đế. Licinius thua trận và bị xử tử. Từ đó Constantine nắm trọn quyền trên Đế Quốc La mã cả hai miền Đông Tây.
Nhận thấy Đế Quốc quá rộng cần có một trung tâm điểm thuộc linh để hoàng thành sự hiệp một, Constantine loại trừ các thần La Mã xưa và công nhận Cơ-Đốc Giáo, cho tín hữu dự phần phục vụ quốc gia. Vì Ông thấy rõ sinh lực cũng như sự đoàn kết của các cộng đồng Cơ-Đốc, về phương diện đạo đức họ cũng vượt hơn các nhóm tôn giáo khác, nên ông hy vọng những đức tính tốt của người Cơ-Đốc sẽ đưọc tiêm nhiễm vào đời sống của Đế Quốc. Do đó ông hành động rất nhanh, thêm quyền và uy tín cho Hội Thánh để Hội Thánh có đủ sức hỗ trợ quyền đôc đoán của ông. Ông bổ nhiệm các Giám Mục Cơ-Đốc và các vị lãnh đạo Hội Thánh từ trong các người thân cận, mướn thầy Cơ-Đốc dạy học các con ; ra lệnh đúc tiền có biểu hiệu Cơ-Đốc, khuyến khích bà Helena là mẹ ông đi thăm đất thánh, mang trên mũ một cái đinh của cây thập tự mà Chúa Giê-xu đã bị treo, mà theo bà Helena là đã được tìm thấy ở thành Giê-ru-sa-lem. Ông trở thành người bảo trợ Hội Thánh rất đắc lực và ra những đạo luật nhân đạo theo nguyên tắc Cơ-Đốc, nhưng ông cũng làm một vài việc ác như giết con trai, giết vợ đầu, khiến người ta khó hiểu ông tin Chúa thế nào.
Phần nào cũng vì thành phố La Mã là thành trì của tôn giáo La Mã xưa đang suy tàn, Constantine di chuyển kinh đô đến Byzantium, trên bờ biển Bosphorus. Năm 330 ông mời các Giám Mục đến dâng thành phố mới này cho Nữ Trinh Phước Hạnh Mary. Thành này sau lấy tên là Constantinople. Tại đây, cũng như tại La Mã, Giê-ru-sa-lem, Bết-lê-hem và nhiều nơi khác, ông sai các kiến trúc sư, họa sĩ và điều khắc gia, xây cất và trang hoàng những cung điện nguy nga làm nơi thờ phượng.
Constantinople cho xây cất 50 nhà thờ mới, ông yêu cầu bạn ông là sử gia Eusebius, cũng là Giám mục ở Sê-sa-rê (Caesarea), tác giả cuốn Lịch Sử Giáo hội (Historia Ecclesiastica), chép ra 50 bản Kinh Thánh lớn. Constantine dặn Eusebius tìm những người chép chuyên nghiệp và phải dùng những nguyên bản nào đáng tin cậy nhất có thể kiếm được. Họ phải chép trên loại giấy Vellum tốt nhất, không được dùng giấy Papyrus mau hư. Ông còn dặn thêm là những sách chép đóng xong phải dễ đọc và thuận tiện mang đi, khi công việc chép sách đóng sách xong xuôi phải chở đến Constantinople trên 2 cỗ xe có một chấp sự đi theo trông coi.
Hai bản Kinh Thánh đẹp nhất còn sót lại từ nửa trên thế kỷ thứ tư, bản Codex Vaticanus được giữ ở thư viện Vatican tại La mã và bản Codex Sinaiticus được giữ ở thư viện Anh Quốc, Luân Đôn, có lẽ là hai bản của Hoàng Gia. Theo chữ viết tay ở hai bản đó, ta có thể biết chắc thời kỳ chép là nửa trên thế kỷ thứ tư, và ta cũng biết người chép phần Tân Ước trong sách Codex Vaticanus cũng đã chép lại một ít của sách Codex Sinaiticus. Hồi đó só văn bản được công nhận làm Tân Ước chưa được hoàn toàn, vì như đã trình bày, sách Codex Sinaiticus có chép cả ‘thư của Barnabas’ và ‘ Đấng chăn chiên của Hermas’ là hai tài liệu sau này bị loại ra.
Constantine sợ rằng sự tranh cãi về giáo thuyết do Arius đưa ra (xin xem chương 11) có thể làm thiệt hại sự hiệp nhất của Hội Thánh, bèn tham gia trực tiếp vào vấn đề có liên hệ đến niềm t in Cơ-Đốc và triệu tập một đại hội đồng Cơ-Đốc lần thứ nhất vào năm 325. Nơi họp là thành phố Nicaea, ở Bắc Tiểu Á, Constantine đích thân long trọng chủ tọa phiên khai mạc với đầy đủ lễ nghi, tỏ ra quyết tâm chỉ huy công việc của Hội Thánh, nghĩ rằng danh hiệu truyền thống La mã ông được mang là Pontifex Maximus (tạm dịch : Đệ Nhất Giáo Chủ) cho ông quyền đó.
Suốt thời kỳ ông trị vì, ông không hẳn là một Cơ-Đốc nhân đúng nghĩa, mà chỉ chuẩn bị làm tín đồ nghĩa là chưa được nhận phép Báp Têm, chần chữ cho đến khi nằm trên giường hấp hối, ông tin rằng làm cách đó thì có thể chết và tha hết mọi tội ác. Ông qua đời năm 337, được chôn ở Hội Thánh các Sứ Đồ tại Constantinople, là nơi ông đã dự bị sẵn mộ mình giữa các kỷ niệm công đức các Sứ Đồ.
Các con của Constantine tiếp tục chính sách của ông. Sau khi những người này chết đi, có người cháu là Julian (361 – 363) mệnh danh là ‘kẻ bội đạo’ là Hoàng đế La Mã cuối cùng công khai theo tà giáo. Mặc dầu ông tìm cách khôi phục việc thờ cúng các thần xưa và rút lại những đặc quyền đã ban hành cho người Cơ-Đốc, ông đã thất bại. Người ta kể lại rằng trước khi chết ông đã kêu lên :’Hỡi người Ga-li-lê! Ông đã thắng’ Đến năm 392, khi Hoàng đế Theodosius I cấm việc cúng bái và tuyên bố tất cả mọi hình thức tôn giáo trái với Hội Thánh là bất hợp pháp bấy giờ Cơ-Đốc Giáo mởi trở thành tôn giáo duy nhất hợp pháp của Đế Quốc.
Sự thắng lợi của Hội Thánh đồng thời cũng đem lại một số vấn đề mới. Phẩm chất của sinh hoạt muốn được hưởng những đặc quyền dành riêng cho tín đồ Cơ-Đốc giảm dần, nhiều người kéo nhau đến xin chịu phép Báp Têm và trở thành những tín đồ chỉ có danh hiệu là tín đồ mà thôi. Hơn nữa quyền lực của Hội Thánh trên các vấn đề nội bộ bị sút giảm vì các Hoàng Đế Đông Phương bắt đầu từ Constantine, không những hay xía vào các vấn đề nói trên lại còn dùng Hội thánh để củng cố chính sách Đế quốc nữa.