PHẦN 2
MỘT NIỀM TIN KHÁC THƯỜNG XUẤT HIỆN
Đông đảo người Do Thái gia nhập phong trào mới, tự nhiên họ như bị thu hút bởi tính cách sáng tạo tâm linh và tinh thần nhân đạo trong đó. Họ xúc động khi nghe Phúc Âm do các Sứ Đồ giảng và họ tin chắc rằng trong Chúa Cứu Thế, sự khải thị của Đức Chúa Trời cho dân Ysơraên đã vượt đến tột đỉnh. Nhưng có một số người Do Thái không muốn nhận Chúa Giê-xu là Đấng Mê-si-a (Messiah) là Chúa vì họ sợ rằng cách dạy dỗ mới mẻ này sẽ phá đổ thay vì làm cho trọn vẹn niềm tin cũ của họ. Không bao lâu sau đó, lòng sợ hãi ấy đã dồn cả vào Ê-tiên, là một tín đồ Do Thái, giỏi tiếng Hy Lạp.
Kinh Thánh gọi ông là một người ‘Chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp (Hellenist). Các Sứ Đồ đã nhận Ê-tiên để giúp rao giảng Tin Lành cho người Hy Lạp đồng hương với Ê-tiên. Vào lúc đó có lẽ Ê-tiên là người đã hiểu rõ hơn những người Cơ-Đốc Giáo Do Thái ở Giê-ru-sa-lem vốn nói tiếng A-ra-ma-ich (Aramaic). Ê-tiên hiểu rằng những điều Chúa Giê-xu dạy dỗ hoặc minh bạch, hoặc hình bóng đều là những lời Ngài phán với mọi dân tộc. Lệnh Ngài là :’Hãy đi dạy dỗ muôn dân’ (có nghĩa là ‘Hãy khiến muôn dân là môn đồ ta’ (Mat Mt 28:19). Lệnh ấy đe dọa tính chất riêng tư của niềm tin Do Thái.
Có một số người lên tiếng cãi với Ê-tiên thì họ không thắng nổi sự thông sáng và lời lẽ hùng biện của Ê-tiên khi ông bàn cãi về Chúa Cứu Thế. Họ nổi giận, xúm vào bắt Ê-tiên và đưa ra tòa công luận. Ê-tiên tự bệnh vực mình bằng những lời giải thích lịch sử xuất sắc nhưng đến khi nói họ hãy ngắm xem Chúa Giê-xu vinh hiển đứng bên hữu Đức Chúa Trời’ (Cong Cv 7:56), thì những lời đó đã gây ra hỗn loạn tại phiên tòa. Những người Do Thái cho những lời Ê-tiên nói là phạm thượng, kéo Ê-tiên ra ngoài tường thành và ném đá cho đến chết.
Sau-lơ bấy giờ còn niên thiếu, trung thành với Do Thái giáo đến như cuồng tín, đứng xem trận ném đá giết Ê-tiên lấy làm đắc ý. Nhưng có thể lời cầu nguyện ‘Lạy Chúa, xin đừng để tội này trên họ’ của Ê-tiên để xin tha thứ cho những kẻ giết mình, đã ám ảnh Sau-lơ. Cũng có thể, theo như Thánh Augustine nhận định sau này : ‘Nếu Ê-tiên không cầu nguyện lời đó, Hội Thánh đã chẳng có được Sau-lơ’. Kế đó, trên đường đi Đa mách (Damascus) Sau-lơ trở lại tin Chúa Cứu Thế và đổi tên mới là Phao-lô, ông tiếp tục công việc của Ê-tiên mở rộng ranh giới Cơ-Đốc Giáo.
Người Cơ-Đốc trở lại đạo đầu tiên là lời chứng minh chân lý trong câu nói của Tertullian, nhà thần học nổi danh đầu thế kỷ thứ ba :’Huyết kẻ tử đạo là hạt giống của Hội Thánh’. Sau khi Ê-tiên chết và trong cơn bắt bớ liền theo sau đó, nhiều người Cơ-Đốc nói tiếng Hy Lạp trốn khỏi Giê-ru-sa-lem và khởi sự giảng Tin Lành của Chúa Cứu T hế ra các vùng Giu-đê, Sa-ma-ri, Phê-ni-xi (Phoenicia), Chíp-rơ (Cyprus) và An-ti-ốt. Lúc đầu lời giảng của họ là để kêu gọi người Do Thái trở về cùng Chúa, nhưng sau này các dân khác gốc cũng được nghe Phúc Âm của Ngài.
Theo sách Công Vụ Các Sứ Đồ, nhờ lời giảng của Phi-e-rơ mà người ngoại đầu tiên tin Chúa. Sự kiện này gây ra nhiều chỉ trích mạnh mẽ của số tín đồ tại Giê-ru-sa-lem (Cong Cv 10:1-11:18). Vào thời sơ khai Hội Thánh đã phải đối diện với một vấn đề gây chia rẽ sâu đậm. Khi những người Cơ-Đốc Do Thái hội hiệp với dân ngoại, ăn chung với họ thì câu hỏi đặt ra là những người này có là phạm luật pháp hay không? Khi một người ngoại muốn trở thành tín đồ Chúa thì trưóc hết có phải làm theo luật pháp Do Thái trọn vẹn chăng?
Trong vòng 10 năm sau khi Ê-tiên tử đạo, những môn đồ được tương đối bình an ở lại Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem là thành của giao ước cũ, họ lại càng tôn kính thành ấy vì là thành Thánh, nơi mà Chúa Cứu Thế đã lập giao ước mới, nơi mà Ngài đã chết và Phục Sinh, nơi mà Thánh Linh đã được ban cho cộng đồng của những người theo Chúa. Chính giữa cơn bắt bớ dữ dội trong thời Vua Ac-rip-ba (Agrippa) đệ nhất, là cháu vua Hê-rốt (Năm 42 – 44 SC) mà Sứ Đồ Gia-cơ bị chặt đầu và Phi-e-rơ bị bắt và tống giam. Sau những biến cố tàn bạo đó, những môn đồ đầu tiên bị tản lạc, và sách Công Vụ không theo dõi vết tích của họ nữa. Thành An-ti-ốt và La Mã đều nhận Phi-e-rơ là người sáng lập. Hội Thánh Ê-phê-sô thì liên hệ nhiều đến Sứ Đồ Giăng, và Hội Thánh Mar Thoma ở An Độ tiếp tục tôn Sứ Đồ Thô-ma là người sáng lập. Tại Giê-ru-sa-lem, công việc lãnh đạo Hội Thánh được trao cho Sứ Đồ Gia-cơ, là em của Chúa Giê-xu. Vào năm 49 sau Chúa, ông tổ chức Giáo hội nghị đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, trong đó ông đề nghị nên có một sự thỏa thuận giữa những người Cơ-Đốc gốc Do Thái và nhóm người Cơ-Đốc không phải gốc Do Thái, nhóm này tuy nhỏ nhưng đang gia tăng nhanh chóng (Cong Cv 15:1-29). Sự thỏa thuận này khiến cho những người hoạt động không còn bị bó buộc trong những đòi hỏi nghi lễ của luật pháp Do Thái, những đòi hỏi đã ngăn trở nhiều người ngoại tin nhận Cứu Chúa. Kết cục của sự thỏa thuận này là dần dần họ cởi bỏ đưọc cái ách Do Thái đè trên cộng đồng Cơ-Đốc.
Nhiều người đàn ông và đàn bà có tên hay không có tên ghi trong sách Tân Ước đã rao truyền sứ điệp của Cứu Chúa đến các người ngoại. Dĩ nhiên ông Phao-lô là người nổi danh hơn cả. Trong những chuyến du hành truyền giáo rất xa, ông luôn luôn dẫn đầu phong trào Cơ-Đốc, dù ở An-ti-ốt, nơi các tín đồ lần đầu tiên được gọi là Cơ-Đốc nhân, hay ở đảo Chip-rơ, Tiểu Á, Hy Lạp, hoặc La Mã, những người Do Thái và cả những người Cơ-Đốc Do Thái cũng chê trách ông là đã bỏ đường lối đã theo xưa nay. Nhưng vì đã được giáo dục trong vòng người Pha-ri-si, được huấn luyện làm thầy dạy luật, quen thuộc với tư tưởng Hy Lạp, được hiểu sự dạy dỗ của các Sứ Đồ và trên hết đầy lòng trung tín với Chúa, nên dù phải đối đầu với sự chống báng, ông càng hiểu sâu sắc lời dạy dỗ, cũng như ý nghĩa về Chúa Cứu Thế hơn, có lẽ hơn bất cứ ai trong hàng những người lãnh đạo ban đầu.
Phao-lô tin chắc rằng ‘dân Y-sơ-ra-ên là dân đã được nhận làm con nuôi, được sự vinh hiển, lời giao ước, được ban cho luật pháp, sự thờ phượng và lời hứa, là dân sanh ra từ các tổ phụ và theo phần xác thì thuộc về dòng dõi của Chúa Cứu Thế’. (RoRm 9:4-5). Phao-lô và các nhà truyền giáo đầu tiên trưóc hết đã mang Tin Lành của Chúa đến các anh em của họ, thuộc dòng giống của họ. Họ thăm viếng các nhà hội rải rác khắp nơi sau thời kỳ dân Do Thái bị lưu đày, để cố gắng thuyết phục mọi người rằng sự khải thị của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên đã đạt cao điểm nơi Chúa Cứu Thế. Nơi nào ông không thuyết phục nổi người Do Thái, thì họ quay lại chốn nghịch và thóa mạ ông như đã xảy ra tại An-ti-ốt xứ Bi-xi-đi (Pisidia) (Cong Cv 13:14-17) lúc bấy giờ ông mới xây qua người ngoại, vì vậy sứ mạng truyền giáo của ông càng ngày càng hướng về người ngoại. Mặc dầu ông đã gây dựng nhiều Hội Thánh quanh bờ biển Địa Trung Hải, ông luôn luôn cố san bằng những dị biệt giữa những người này và những người Cơ-Đốc Do Thái tại Giê-ru-sa-lem. Có một lần ông viết thư bày tỏ ‘Sự buồn phiền lớn không nguôi’ khi ông thấy mình không thắng được sự cứng lòng thuộc dòng giống của chính ông, không đem được họ về niềm tin trong Đấng Christ là Đấng Mê-si-a của họ. Ông đã rất đau lòng khi viết rằng: ‘Thà tôi cầu nguyện xin chính mình tôi bị rứt bỏ, lìa khỏi Đấng Christ, vì anh em bà con tôi theo phần xác’ (9:3). Bản thân ông vẫn là một người Do Thái trung thành với truyền thống cũ, và đoạn sách 21:15-16 tường thuật cho ta rõ hành vi sau chót của ông là một người tự do làm trọn nghi lễ luật pháp Do Thái (Câu 19 và 24)
Ông đã giảng một Phúc Âm về Chúa Cứu Thế vượt trên Do Thái Giáo và luật pháp của tôn giáo này. Ông viết ‘Không phải tôi sống nữa mà Đấng Christ sống trong tôi’. Ông lại thêm ‘Vả anh em ai đã chịu phép Báp Têm trong Đấng Christ đều đã mặc lấy Đấng Christ vậy, tại đây không còn chia ra người Do Thái hoặc người Hy Lạp, không còn tôi mọi hoặc tự chủ, không còn đàn ông hoặc đàn bà vì trong Chúa Christ anh em thảy đều là một. Lại nếu anh em thuộc về Đấng Christ thì anh em là dòng dõi của Ap-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa ‘ (GaGl 2:20; 3:27-29)