PHẦN 3

VIỆC VIẾT THÀNH SÁCH TÂN ƯỚC

Ngày nay người ta được biết rõ về công việc viết sách Tân Ước hơn là so với thời xưa, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm không chắc chắn lắm và nhiều tháng năm vẫn còn nghi vấn. Nhưng các học giả phần đông đồng ý một điều: lá thư thứ nhất của Phao-lô gửi người Tê-sa-lô-ni-ca, viết từ thành Cô-rinh-tô vào khoảng năm 50 sau Chúa là bản văn Tân Ước lâu đời nhất thuộc Tân Ước, còn giữ nguyên được bản chính. Thư đó và những thư Phao-lô viết tiếp theo sau đã khởi đầu sự hình thành sách Tân Ước. Phao-lô và những Hội Thánh nhận thư tín của ông cũng chưa ai coi những lời truyền thông ấy là kinh điển, vậy mà khi mọi người nhận biết đó là những lời phát biểu chính thức của niềm tin Cơ-Đốc thì những tài liệu ấy trở thành kinh điển, họ biết những lời đó được Đức Chúa Trời soi dẫn.
Công cuộc truyền giáo của Phao-lô giữa dân ngoại, theo lời truyền lại đã chấm dứt vào năm 64 sau Chúa là năm Phao-lô và Phi-e-rơ cũng bị tử đạo cùng với nhiều Cơ-Đốc nhân khác trong thời Nê-rô hành hại. Khi tiếng của các Sứ Đồ im bặt thì những chứng nhân thế hệ sau càng ngày phải căn cứ vào những nguồn tài liệu để tìm ra các sự kiện đã làm căn bản cho Tin Lành về Đấng Christ. Trong thời kỳ này, người ta gom góp, chép và chuyền cho nhau xem trong vòng các Hội Thánh, các thư của Phao-lô và vào năm 150 sau Chúa, khi quyển sách cuối cùng của Tân Ước được viết xong, tác giả dã minh định rằng các thư của Phao-lô quả là kinh điển (IIPhi 2Pr 3:15-16).
Thêm vào những thư nói trên, Hội Thánh cũng sưu tập những mẩu chuyện, những lời phán của Chúa Giê-xu, cùng những việc đã xảy ra trong khi Ngài sống trên đất. Người ta cũng gom góp những bản văn Cựu Ước có liên hệ đến sứ mạng của Ngài. Thế rồi những tài liệu ấy được viết ra minh bạch để các vị truyền giáo và giáo sư có thể dùng làm căn bản niềm tin. từ những bản văn như thế và từ ký ức những người đã được chính tai nghe lời các Sứ Đồ giảng dạy, chúng ta được biết là sách Phúc Âm Mác đã hoàn thành vào khoảng các năm 65 đến 75. Sau đó một thời gian ngắn hai tác giả khác đã duyệt lại sách Mác thêm vào một số tài liệu riêng họ đã tìm ra và trình bày một cách thích đáng cho những thính giả đặc biệt của họ.
Các sách Phúc Âm Ma-thi-ơ và Lu-ca cũng được viết ra cách tương tự. Rồi có lẽ gần cuối thế kỷ thứ nhất, ông Giăng, một nhà truyền giảng thứ tư, đứng trên một quan điểm độc lập, trích rất ít tài liệu từ ba sách Phúc âm kể trên, viết ra sách Phúc Âm Giăng, theo sự hướng dẫn của Thánh Linh. Cả bốn sách Phúc Âm nói trên và sách Công Vụ không viết bằng ngôn ngữ A-ra-ma-ích như người ta trông chờ, vì tiếng A-ra-ma-ích là ngôn ngữ mà Chúa và các môn đồ Ngài sử dụng, nhưng lại viết bằng tiếng Hy Lạp, là ngôn ngữ thông dụng khắp đế quốc La Mã trong 2 thế kỷ đầu tiên. Chắc chắn là các tác giả đã dịch một số tài liệu từ A-ra-ma-ích ra. Quả vậy, một vài tiếng A-ra-ma-ích còn sót lại trong các sách Phúc Âm. Nhưng ngày nay cũng có một số học giả tin rằng các sác Phúc Âm đầu tiên được viết bằng tiếng A-ra-ma-ích. Nhưng chúng ta biết là các sách Phúc Âm, sách Công Vụ, và các thư của Phao-lô được viết cho Hội Thánh dân ngoại, nói tiếng Hy Lạp, mục đích là để trình bày Chúa Christ cho người sống trong thế giới La Hy (La Mã, Hy Lạp)