Hậu quả của tội lỗi là sự chết.
Cả nhân loại đều mang cùng một chứng bịnh, đó là “bịnh tội lỗi.” Các chứng bịnh khác chỉ giết thể xác, nhưng “bịnh tội lỗi” giết cả thể xác lẫn linh hồn vĩnh viễn trong hỏa ngục.

Dẫu chỉ có tội tổ tông mà thôi, chúng ta cũng không được vào Thiên đàng, như ly nước, dầu chỉ bị nhiễm thuốc độc từ gàu, cũng không được đổ trở lại giếng. Đã có tội, ắt phải chịu hậu quả, lời Chúa cho biết: “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Khi nói đến sự chết, chúng ta cứ nghĩ rằng tắt thở mới gọi là chết, và chết là hết. Tuy vậy, lời Chúa dạy sự chết gồm có ba giai đoạn:

1) – Chết tâm linh là bị ngăn cách với Đức Chúa Trời. A-đam và Ê-va phạm tội nhưng lại không ăn năn, nên bị tách ra khỏi sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời: “Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn (Ê-đen)” (Sáng-thế Ký 3:24). Từ đó loài người không còn nhìn thấy Ngài nữa: “Ấy là sự gian ác các ngươi làm xa cách mình với Đức Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi” (Ê-sai 59:2).

2) – Chết thể xác là tắt thở. Vì tội lỗi, thể xác chúng ta cũng sẽ chết. Khi A-đam và Ê-va phạm tội, lời Chúa phán: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra, vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế Ký 3:19).

3) – Chết đời đời là bị ngăn cách vĩnh viễn với Đức Chúa Trời. Sự chết kinh khủng nhất là chết đời đời. Kinh Thánh cho biết, dầu thể xác con người bị chết vì tội lỗi, nhưng đến ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ làm mọi người sống lại và bị xét xử. Ai đã khước từ sự cứu rỗi Chúa ban cho thì sẽ bị ngăn cách khỏi Ngài vĩnh viễn. Đó gọi là sự chết đời đời. Trong ngày phán xét, Ngài phán rằng: “Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỷ và những quỷ sứ nó…. Rồi những kẻ này sẽ vào hình phạt đời đời” (Ma-thi-ơ 25:41, 46). Lúc mới tin Chúa, khi đọc đến những chỗ nói về người chết (thể xác) sẽ được sống lại, tôi cho rằng Kinh Thánh viết truyện hoang đường. Về sau, Chúa cho tôi hiểu được điều đó qua hình ảnh của một lon nước: Khi uống xong, lon bị đạp xẹp và vứt bỏ. Nhưng nếu được đưa vào máy tái tạo (recycle), nó sẽ trở thành một lon mới. Nhân loại còn có thể tái tạo vật mình làm ra, thì việc Đức Chúa Trời làm cho người chết sống lại rất dễ dàng. Đã có tội thì chúng ta không thể nào dùng công đức, bác ái để “đổi chác” được, vì:

ĐỨC CHÚA TRỜI: THƯƠNG XÓT VÀ CÔNG BÌNH

Kinh Thánh bày tỏ bản tánh Đức Chúa Trời là yêu thương: “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận, và đầy sự nhân từ” (Thi-thiên 103:8). Dầu chúng ta tội lỗi xấu xa, Ngài vẫn yêu chúng ta và không muốn hình phạt. Nhưng mặt khác, vì là Đấng công bình, thánh khiết, cho nên Ngài phải trừng phạt. Kinh Thánh dạy: “Đức Giê-hô-va, Ngài là công bình, sự đoán xét của Ngài là ngay thẳng” (Thi-thiên 119:137). Người Việt có những câu như: “Ông Trời có mắt,” “Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không ai lọt,” và: “Gieo gió, gặt bão.” Những câu này cũng nói lên quan niệm chung của người Việt rằng, dầu có nhiều đạo giáo, nhưng những tổ chức đó không thể bắt phạt chúng ta. Chỉ có ông Trời mới biết, và có quyền xét xử. Kinh Thánh dạy: “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13). Đức Chúa Trời công bình nên Ngài: “Chẳng kể kẻ có tội là vô tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7). Giả định, bạn là vị quan tòa công bình, chánh trực, nhưng các con của bạn lại là những phạm nhân, được đưa trước mặt bạn, để chịu án tử hình. Bạn sẽ làm gì? Nếu bạn không tìm cách cứu con, để chúng phải chết, thì bạn không phải là người cha yêu thương. Còn bạn không phạt con, hoặc phạt đứa này mà tha đứa kia, thì bạn chẳng phải là quan án công bình. Thật khó cho bạn phải không? Nhưng đối với Đức Chúa Trời thì: “Không việc chi Đức Chúa Trời chẳng làm được” (Lu-ca 1:37).

GIẢI PHÁP CHÚA GIÊ-XU

Để thực hiện được sự công bình và yêu thương, Đức Chúa Trời có một giải pháp tuyệt diệu qua Chúa Cứu-thế Giê-xu. (Con người là loài thọ tạo, do đó không thể tự hiểu biết Đấng Tạo Hóa huyền nhiệm. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể hiểu biết phần nào về Đức Chúa Trời đã được chính Ngài bày tỏ trong Kinh Thánh mà thôi. Chúng ta gặp những từ như Cha, Con, và Thánh Linh để nói về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh bày tỏ: Đấng hoạch định chương trình cứu chuộc là Đức Chúa Cha. Đấng giáng sinh, thực hiện chương trình cứu chuộc là Đức Chúa Con hay là Chúa Giê-xu. Đấng ở cùng loài người để soi sáng, hầu chúng ta hiểu được sự cứu chuộc và ở trong người tín đồ để dạy dỗ, biến đổi đời sống họ là Đức Thánh Linh. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh. Các Ngôi vị có công tác khác nhau để hướng về cùng một mục đích là cứu chuộc nhân loại. Tuy có Ba Ngôi vị, nhưng là một Đức Chúa Trời, Ba Ngôi hiệp một Chân Thần). Nói về Chúa Giê-xu, Kinh Thánh dạy rằng:

Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trong thân xác Con Người

Chúa Giê-xu là Đấng Tạo Hóa. Chính Ngài đã tạo dựng và đang bảo tồn muôn loài, vạn vật: “Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được…. Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị… đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:15-17); “Chúa Cứu-thế, là Đấng trên hết mọi sự, tức là Đức Chúa Trời đáng ngợi khen đời đời” (Rô-ma 9:5). Chúa Giê-xu xác nhận: “Ta từ trên trời xuống” (Giăng 6:38), “Ta với Cha là một” (Giăng 10:30). Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa Trời là Thần” (Giăng 4:24), mà “Thần thì không có thịt xương” (Lu-ca 24:39). Nhưng vì nhân loại được giới hạn trong thể xác, nên Chúa Giê-xu phải tự giới hạn vào trong thân xác như chúng ta để cứu chuộc chúng ta. Tuy nhiên thân xác mà Chúa Giê-xu mang vào rất đặc biệt và duy nhất. Kinh Thánh bày tỏ trinh nữ Ma-ri thụ thai Chúa Giê-xu bởi quyền năng của Chúa, không phải do sự kết hợp của con người: “Thiên sứ bèn nói rằng: Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì ngươi đã được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Nầy, ngươi sẽ chịu thai và sanh một con trai mà đặt tên là Giê-xu…. Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phép Đấng Rất-Cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra, phải xưng là Con Đức Chúa Trời…. Ma-ri thưa rằng: Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” (Lu-ca 1:30-38).

Sự giáng sinh của Chúa Giê-xu rất quan trọng, đã trở thành điểm mốc phân chia lịch sử nhân loại thành hai thời kỳ: Lịch sử nhân loại trước Chúa giáng sinh (BC), và sau Chúa giáng sinh (AD). Tây-lịch (Dương-lịch) đã tính năm thứ nhất là thời điểm Chúa giáng sinh. Giả thử, bạn viết thư và ghi năm 2009, tức là 2009 năm sau điểm mốc Chúa Giê-xu giáng thế thư này mới có. Kinh Thánh thuật lại rất nhiều phép lạ mà Chúa Giê-xu đã làm trên thế gian. Ngài có quyền trên thiên nhiên như: Dẹp yên bão tố, đi bộ trên mặt nước (Ma-thi-ơ 8:23-27; 14:22-33). Ngài có quyền trên thân thể con người như: Chữa lành bệnh tật, làm cho người chết sống lại (Ma-thi-ơ 9:1-35; Giăng 11:1-45). Ngài có quyền trên tà linh như: Đuổi ma quỷ ra khỏi con người (Mác 5:1-20; 9:14-27). Ngài có quyền trên vật chất như: Hóa bánh, cá ra nhiều (Lu-ca 9:10-17). Những phép lạ trên bày tỏ Chúa Giê-xu phải là Đức Chúa Trời. Loài người sinh ra để sống, nhưng Chúa Giê-xu giáng sinh với một mục đích đặc biệt là để chết thế.

Mục đích Chúa Giê-xu Giáng Sinh

 Vì luật pháp của Đức Chúa Trời đã ấn định rằng: “Công giá của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23). Cho nên, bởi tình yêu thương, Chúa Giê-xu đã giáng trần, chịu chết thế để cứu chuộc chúng ta, Kinh Thánh dạy: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Chúa Cứu-thế vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8); “Chính Ngài làm của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (I Giăng 2:2). Nhờ Ngài, chúng ta được tha tội: “Ấy là trong Chúa Cứu-thế, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài” (Ê-phê-sô 1:7). Sự chuộc tội của Chúa Cứu-thế Giê-xu đó là “sự việc” mà tôi đã giới thiệu ở phần đầu. Ấy chính là điều Đức Chúa Trời đã sắm sẵn để giải cứu nhân loại vô vọng.

Chúng ta phải nhớ rằng những ví dụ trong đời sống để minh họa cho vấn đề tâm linh không thể nào hoàn hảo được. Dầu vậy, hy vọng ví dụ trong sách nầy có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào về sự cứu rỗi. Chắc bạn còn nhớ ví dụ về người cha, một mặt yêu thương các con, nhưng đồng thời cũng là vị quan tòa công bình. Người cha đó tượng trưng cho Đức Chúa Giê-xu; và các con tượng trưng cho nhân loại đã phạm tội đang bị án tử hình. Phải trừng phạt con mình, nhưng vị quan tòa có một phương pháp tuyệt diệu để cứu các con. Đó là ông cởi áo quan, và chịu chết thay cho các con. Đây là hình ảnh nói lên việc Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đã trở thành Con Người, và chịu chết thay thế cho chúng ta. Kinh Thánh bày tỏ: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8).

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu

 Dầu phải chịu chết trên thập tự giá để thế chỗ cho chúng ta, nhưng Chúa Giê-xu đã không chết luôn. Ba ngày sau đó, Ngài đã từ cõi chết sống lại, và đến với các môn đồ, Kinh Thánh chép: “Vả, lúc Đức Chúa Giê-xu đến, thì Thô-ma… là một người trong mười hai sứ đồ, không có ở đó…. Các môn đồ khác nói với người rằng: Chúng ta đã thấy Chúa. Nhưng người trả lời rằng: Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài (chỗ bị giáo đâm) thì ta không tin. Cách tám ngày các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà…. Đức Chúa Giê-xu đến…. Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! Đức Chúa Giê-xu phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!” (Giăng 20:24-29). “Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy” (I Cô-rinh-tô 15:6).

Trong suốt thời gian theo Ngài, các môn đồ đã chứng kiến Chúa Giê-xu thực hiện rất nhiều phép lạ. Nhưng họ vẫn chưa biết Ngài là Đức Chúa Trời, cho đến khi Ngài chiến thắng tử thần. Sự phục sinh của Ngài đã làm thay đổi hẳn quan niệm sống của các môn đồ. Trước đó họ sợ sệt, nhưng bây giờ họ sẵn sàng trả giá cho niềm tin của mình, dầu phải chịu bao bách hại. Sự sống lại của Chúa Giê-xu đã chứng minh rằng chỉ có Ngài mới cứu được người khác, vì chẳng ai có thể tự mình sống lại. Đối với những người không thể tự mình sống lại như chúng ta, tự cứu lấy mình còn không được, huống chi đến việc cứu người khác?

Sự thăng thiên và tái lâm của Chúa Giê-xu

 Sau khi Chúa Giê-xu hoàn thành công tác chịu chết để cứu chuộc nhân loại, có nhiều người thấy Ngài còn ở trên trần gian thêm 40 ngày. Rồi Ngài trở về trời, để ban Đức Thánh Linh đến, như lời Ngài từng phán: “Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên-ủi sẽ không đến” (Giăng 16:7). “Đấng Yên-ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26).

Trong tương lai, Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian để đem những người đã tiếp nhận Ngài về Thiên đàng. Chúa Giê-xu bảo: “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3). Kinh Thánh dạy: “Giê-xu nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy” (Công-vụ Các Sứ-đồ 1:11). Lúc ấy mọi người sẽ trông thấy Ngài: “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy” (Khải-huyền 1:7). Câu nầy có thể là khó hiểu đối với những người thời bấy giờ. Nhưng ngày nay với những phát minh của khoa học như ti-vi, máy vi tính, điện thoại di động, vệ tinh truyền hình trực tiếp… mọi mắt sẽ trông thấy Ngài khi Chúa đến. Khi Chúa Giê-xu trở lại, Ngài sẽ làm cho người chết sống lại: “Chớ lấy điều đó làm lạ; vì giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi” (Giăng 5:28). Rồi mọi người sẽ đối diện với Chúa để bị xét xử, giống như một phiên tòa.

Quang cảnh ngày phán xét

 Kinh Thánh dạy, quyền thi hành sự phán xét thuộc về Chúa Cứu-thế Giê-xu, vì chính Ngài là Đức Chúa Trời. Ngoài Ngài ra, không một ai có quyền đó: “Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con (Chúa Giê-xu)” (Giăng 5:27). Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho sứ đồ Giăng thấy trước một phần quang cảnh của ngày phán xét như sau: “Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đương ngồi ở trên…. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy. Biển đem trả những người chết mình chứa, Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải-huyền 20:11-15). Đó là hình ảnh tuyệt vọng của những người đã khước từ ơn cứu rỗi.

Khi sự phán xét cuối cùng đã xong, đây là hình ảnh tuyệt đẹp của những người đã bằng lòng tin nhận sự cứu chuộc: “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Nầy, đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than khóc, kêu ca, hay là đau đớn nữa…. Đấng ngự trên ngôi phán rằng: “Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép; vì những lời nầy đều trung tín và chân thật” (Khải-huyền 21:3-5).

Tin Lành về Chúa Giê-xu

 Đức Chúa Giê-xu không phải là nhà hiền triết, cũng không phải là một vị giáo chủ thành lập “đạo Chúa.” Ngài chính là Đức Chúa Trời đã giáng sinh làm người, và sống một cuộc đời hoàn hảo. Ngài đã làm nhiều dấu kỳ phép lạ để tỏ mình là Đức Chúa Trời, sau đó Ngài chịu chết để cứu chuộc chúng ta, bằng cách mang tất cả tội lỗi của nhân loại trên thập tự giá. Chúa Giê-xu cũng đã chiến thắng sự chết. Sự sống lại của Ngài chứng tỏ rằng Ngài là Đức Chúa Trời, bởi đó Ngài mới cứu nhân loại được. Chắc bạn đã nghe hai chữ “Tin Lành.” Mặc dầu có sự tổ chức, nhưng Tin Lành không phải là một tôn giáo để khuyến khích người tín đồ làm lành lánh dữ. Tin Lành thật ra có nghĩa là một tin tốt, tin vui, về tình yêu của Thiên Chúa ban cho nhân loại vô vọng: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (tức là Chúa Giê-xu), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Chúa Giê-xu chính là Tin Lành. Đây là tin tức mà thiên sứ đã đến báo tin hơn hai ngàn năm trước, không những chỉ cho các mục đồng, nhưng cho mọi người trên thế giới: “Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11). Sứ đồ Phao-lô tuyên bố: “Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin” (Rô-ma 1:16). Chúa Cứu-thế Giê-xu đã hoàn thành sự cứu chuộc cho nhân loại. Chúng ta tiếp nhận ơn cứu rỗi này bởi:

ĐỨC TIN

 Trong ví dụ của vị quan tòa chịu chết thay cho các con, người cha đã làm xong phần của mình, tức là bày tỏ tình thương, cung ứng một phương pháp để giải cứu các con. Phần còn lại tùy thuộc vào cách mỗi người con đáp ứng lại với tình thương và sự giải cứu của cha. Cũng vậy, mặc dầu Chúa Cứu-thế Giê-xu đã chết để cứu chuộc nhân loại, nhưng không vì vậy mà mọi người đều tự động được cứu. Chúng ta phải tin nơi Ngài. Vậy “tin” để được cứu có nghĩa như thế nào? Giả định, người con thứ nhất nói rằng mình không có tội. Dĩ nhiên, không vì nhờ nói như thế mà được tha. Cũng như vậy, dầu tôi có tin Chúa, có đi nhà thờ suốt đời mà tự cho rằng mình không có tội, tin như vậy tôi cũng không được cứu. Lời Chúa cho biết: “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (I Giăng 1:10).

Người con thứ hai lại cho rằng, phạm tội thì chỉ cần xin lỗi là đủ. Dĩ nhiên không vì nói hai chữ “xin lỗi” mà được tha. Cũng vậy, nếu tôi nghĩ rằng từ thứ hai tới thứ sáu tôi cứ phạm tội. Đến thứ bảy hay Chúa nhật tôi đi nhà thờ xưng tội là xong chuyện, rồi lại cứ tiếp tục phạm tội. Con người còn không tha thứ được thái độ như vậy, huống chi Đức Chúa Trời, là Đấng công bình, thánh khiết. Lời Chúa chép: “Ví bằng chúng ta nói mình được giao thông với Ngài (tức là đã tin Ngài), mà còn đi trong sự tối tăm (vẫn tiếp tục phạm tội), ấy là chúng ta nói dối và không làm theo lẽ thật” (I Giăng 1:6). Đức tin nơi hai chữ “xin lỗi” không phải là đức tin cứu rỗi.

Người con thứ ba nhận mình có tội, nhưng lại dùng những việc như sơn sửa nhà cửa cho cha, giúp đỡ các em… để được tha tội, dĩ nhiên là không được. Cũng một lẽ ấy, tôi biết mình có tội, nhưng lại tìm đủ mọi cách như xây nhà thờ, dựng cơ sở tôn giáo, giúp trẻ mồ côi… để đền bù và để được cứu rỗi. Mặc dầu yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau là điều tốt, nên làm và phải làm, nhưng sự chuộc tội phải đến từ lòng thương xót của Thiên Chúa chứ không do công đức của nhân loại. Kinh Thánh dạy: “Ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình” (Ê-phê-sô 2:8-9). Chẳng khác nào, cha mẹ cho các con ăn cơm là do tình yêu thương của cha mẹ, chứ không do sự ngoan ngoãn hay công lao của các con. Đức tin dựa vào công đức, việc từ thiện cũng không phải là đức tin cứu rỗi.

Người con thứ tư nhận mình có tội, biết cha thương và đã hy sinh để cứu mình, nhưng lại nghĩ rằng chính mình cũng cần phải đền tội, hoặc phải làm cho sạch tội, và cần phải có nhiều việc làm tốt để thêm vào với sự giải cứu của cha thì mới được cứu, dĩ nhiên cũng không được. Tương tự như vậy, tôi có thể biết Chúa Giê-xu đã chết thay cho tôi, nhưng lại nghĩ rằng sự chết thế ấy không đủ, nên tôi cần phải cộng thêm vào nhiều công đức mới được cứu. Nhưng nếu chúng ta có thể luyện tội, hay đền tội, hoặc phải nhờ nhiều người cầu thay cho mình để được cứu. Vậy thì Chúa Giê-xu đâu cần phải chết thế cho chúng ta? Sứ đồ Phao-lô khẳng định: “Tôi không muốn làm cho ân điển Đức Chúa Trời ra vô ích; vì nếu bởi luật pháp (dạy chúng ta không được làm điều này hoặc phải làm điều nọ) mà được sự công bình, thì Chúa Cứu-thế chịu chết là vô ích” (Ga-la-ti 2:21). “Vì nếu Ngài đã chết, ấy là chết cho tội lỗi một lần đủ cả” (Rô-ma 6:10). Chúng ta không thể thêm bớt điều gì vào sự cứu chuộc của Ngài: “Bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Giê-xu” (Rô-ma 3:24). Đức tin cộng với việc làm như thế này cũng không phải là đức tin cứu rỗi.

Chỉ có người con thứ năm được cứu, vì nhận mình là người có tội và bằng lòng nhận sự cứu chuộc của cha cho mình. Cũng một lẽ ấy, chỉ có ai ăn năn tội lỗi của mình, quay trở về với Đức Chúa Trời và nhận sự chết thay của Chúa Giê-xu cho chính mình thì mới được cứu. Vì bản án của tội lỗi là hình phạt đời đời nơi hỏa ngục, nên chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để tự cứu được, ngoại trừ nhận sự chuộc tội của Chúa đã ban cho mình. Kinh Thánh dạy: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, và họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Chúa Cứu-thế Giê-xu, là Đấng Đức Chúa Trời đã lập làm của lễ chuộc tội, bởi đức tin trong huyết Đấng ấy. Ngài đã bày tỏ sự công bình mình như vậy, vì đã bỏ qua các tội phạm trước kia… và xưng công bình kẻ nào tin đến Đức Chúa Giê-xu” (Rô-ma 3:23-26). Bạn thấy đó! Không phải chỉ tin có Chúa Giê-xu chết thay cho tội lỗi của mình và đã sống lại là đủ để được tha tội, được cứu rỗi, nhưng chúng ta cũng cần tiếp nhận sự chết thế ấy.

Hãy nhớ rằng, nếu thể xác chúng ta sống được là nhờ Đức Chúa Trời, thì vấn đề tâm linh cũng vậy. Dầu không khí được ban cho để nhân loại sống, muốn sống chúng ta cần phải nhận (hít thở) không khí. Cũng vậy, dầu sự chuộc tội được ban trong Chúa Cứu-thế Giê-xu, muốn được cứu chúng ta cần phải tin nhận Ngài. “Trời sinh voi, sinh cỏ,” nhưng nếu voi không ăn cỏ thì voi không thể trách được Trời không thương voi. Kinh Thánh dạy: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại,” nên Ngài muốn giải cứu chúng ta, chứ không như một số người lầm tưởng rằng người ta xuống hỏa ngục chỉ vì:

ĐỊNH MỆNH

 Thưa bạn! Một số người thường nghĩ rằng tất cả mọi việc xảy ra cho chúng ta đều do Trời định sẵn cả, cho nên có muốn được lên Thiên đàng hay xuống địa ngục chúng ta cũng không có quyền lựa chọn. Kinh Thánh cho biết, có nhiều điều xảy ra là do toàn quyền ấn định của Đức Chúa Trời, như sự ra đời, nơi cư ngụ, ngày sinh, ngày tử… của mỗi người. Lời Chúa chép: “Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi…. Số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy” (Thi-thiên 139:13,16); “Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” (Công-vụ Các Sứ-đồ 17:26).

Tuy vậy, có một số điều khác Chúa định, nhưng đồng thời Ngài cũng ban cho loài người được quyền tự quyết. Như trong vấn đề cứu rỗi, Kinh Thánh bày tỏ rằng: “Vì tình yêu thương” mà Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại Chúa Cứu-thế Giê-xu để cứu chuộc chúng ta. Đây là sự định trước của Đức Chúa Trời, bởi ân điển của Ngài, chứ không do ý muốn hay sự xứng đáng của nhân loại. Dầu vậy, Kinh Thánh cho biết rằng, Ngài cũng ban cho chúng ta quyền tự do, để mỗi cá nhân có quyền tự quyết. Chẳng hạn, Chúa dạy: “Ngươi chớ giết người” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13), hoặc: “Cớ sao ngươi chết trước kỳ định?” (Truyền-đạo 7:17). Nhưng tôi vẫn có quyền tự quyết để không vâng lời, cầm dao đâm người khác chết, hoặc tự tử.

Ngày xưa nơi vườn Địa-đàng (Ê-đen) phước hạnh, A-đam và Ê-va đã dùng quyền tự quyết của mình để không vâng lời Chúa mà ăn trái cấm, họ cũng không ăn năn tội lỗi. Bởi đó nhân loại mới có sự chết. Ngày nay Đức Chúa Trời cũng ban cho chúng ta quyền tự quyết về số phận đời đời của mình. Chúa phán: “Hễ ai tin Con ấy” và “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” thì sẽ được cứu. Một khi chúng ta đã dùng quyền tự quyết, chúng ta phải chấp nhận hậu quả hay kết quả của nó. Nếu tôi khước từ ơn cứu rỗi của Chúa, dĩ nhiên tôi sẽ không được cứu. Đó là quyền tự quyết của tôi, chứ Đức Chúa Trời không muốn tôi bị hình phạt đời đời. Kinh Thánh bày tỏ: “Đức Chúa Trời chẳng định sẵn cho chúng ta bị cơn thạnh nộ, nhưng cho được sự giải cứu bởi Chúa Cứu-thế Giê-xu” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:9). Hiện thời Ngài đang chờ đợi để mỗi người nhận sự ban cho tuyệt diệu này, hầu được tha tội và được cứu rỗi. Kinh Thánh dạy: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (II Phi-e-rơ 3:9). Đức Chúa Trời muốn cho chúng ta ăn năn, tin nhận Chúa Giê-xu để được cứu. Vậy, được cứu phải là:

MỤC ĐÍCH CHÍNH CỦA CHÚNG TA TRÊN ĐỜI NÀY

 Bạn thân mến, sau khi phạm tội mà không ăn năn, Ađam và Eva chẳng khác nào như đã bị rơi giữa biển khơi. Từ đó, con cháu của ông bà cũng chẳng được ở trên bờ. Lênh đênh trên mặt nước, mỗi người chúng ta suy nghĩ, hành động khác nhau. Có người cố gắng vớt lấy của cải cho mình; có kẻ tranh giành địa vị, danh vọng; người thì cố gắng giúp đỡ kẻ khác, dạy bơi kiểu này hay kiểu nọ. Nhưng tất cả những điều đó không phải là mục đích chính của đời sống chúng ta. Mục đích đó phải là tìm cách lên một chiếc thuyền để khỏi bị chết đuối. Sau khi được cứu thoát, chúng ta phải sống với lòng biết ơn, hy sinh phục vụ trong chiếc thuyền đó, và kêu gọi người khác cũng mau lên thuyền để được sống. Trong đời sống chúng ta, những ngày vui vẻ thì dường như rất ngắn, còn những ngày buồn đau lại cảm thấy dài lê thê. Nhưng dầu thế nào đi chăng nữa, tất cả chúng ta rồi cũng phải chết. Trên thực tế, cứ mỗi giây đồng hồ trôi qua là sự sống của ta ngắn lại, chúng ta càng gần với cái chết thêm. Như Hàn Mặc Tử rên xiết, tuyệt vọng trong “Trút Linh Hồn”: “… Ta còn trìu mến biết bao người Vẻ đẹp xa hoa của một trời Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng, Ôi! giờ hấp hối sắp chia phôi!…” Sự chết không miễn trừ một ai. Dù chúng ta tránh, không muốn nhắc đến, nó cũng đến. Bởi vậy, trở về với nguồn cội trước khi thân xác trở về cát bụi phải là mục đích quan trọng nhất trên đời này. Vì tội lỗi, loài người chỉ sống tạm trên đời này trong một khoảng thời gian ngắn. Đây là thời hạn mà Đức Chúa Trời ban cho mỗi người, để chúng ta ăn năn quay trở về và nhận sự cứu chuộc của Ngài, ngõ hầu thoát khỏi hình phạt đời đời. Mục đích của đời sống trên trần gian này không phải để chúng ta tìm kiếm danh lợi, tích lũy vật chất…. Lời Chúa dạy: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26).

LỜI KẾT

 Bạn ơi! Đời người còn lại gì sau khi miếng đất cuối cùng được đắp trên quan tài, và cành hoa sau rốt được đặt xuống? Rồi mọi người cũng lần lượt quay gót. Lúc ấy đời người giống như bài hát “Trở Về Cát Bụi”: “… Này nhà lớn, lầu vàng son Này lợi danh, chức quyền cao sang Có nghĩa gì đâu… sao chắc bền lâu Như nước trôi qua cầu Này lời hứa… này thủy chung Này tình yêu… chót lưỡi đầu môi Cũng thế mà thôi Sẽ mất ngày mai, như áng mây cuối trời Sống trên đời này tựa phù du có đây rồi lại mất. Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen Nào người sang giàu đừng vì tham tiền bỏ nghĩa anh em Người ơi xin nhớ cát bụi là ta… mai này chóng phai Người nhớ cho ta là cát bụi trở về cát bụi Xin người nhớ cho.” Mọi sự trên đời này đều sẽ để lại thế gian, kể cả thân xác rồi cũng để lại dưới nấm mồ đơn lạnh. Nhưng về sau chúng ta sẽ phải đối diện với Đức Chúa Trời để bị xét xử. Tôn giáo chẳng cứu được chúng ta; tu thân, tích đức chẳng giúp được mình.

Ai sẽ cứu chúng ta khỏi sự tuyệt vọng này? Vì loài thọ tạo không tự tạo thì không thể tự cứu. Như xe hơi không thể tự sửa, hay sửa cho nhau; chính loài người tạo nên xe mới sửa được cho xe. Cũng vậy, nhân loại không thể tự cứu hoặc cứu cho nhau; chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng sinh được, dưỡng được, cứu được mà thôi. Kinh Thánh (Sáng-thế Ký 6:8-8:22) cho biết, thuở xưa trong thời Cựu Ước, trước cơn đại hồng thủy, bởi tình yêu thương, Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại chiếc “tàu Nô-ê” được đóng bằng gỗ để cứu con người thoát khỏi chết trong cơn nước lụt vĩ đại này. Tuy vậy, chỉ có gia đình ông Nô-ê được cứu, vì họ đã vâng lời Chúa mà vào trong tàu. Hôm nay cũng vậy, trước ngày phán xét (chung thẩm) xảy đến, bởi ân điển, Đức Chúa Trời cũng đã ban cho nhân loại Đức Chúa Giê-xu để cứu chuộc chúng ta. Chẳng khác nào Ngài ban cho nhân loại một chiếc khác gọi là “Thuyền Yêu Thương” được đóng bằng chính thân xác và dòng máu của Chúa Giê-xu. Ra khơi từ Thiên đàng tuyệt vời, “Thuyền Yêu Thương” đến với chúng ta trong biển đời tuyệt vọng, để cứu vớt chúng ta từ biển chết tâm linh, vượt khỏi biển chết đời đời và đưa ta về bến bờ Thiên đàng vĩnh sinh, phước hạnh. Nhờ đó chúng ta được hòa thuận cùng Đức Chúa Trời và được sống đời đời với Ngài, là Nguồn Sự Sống và là Cha Yêu Thương của chúng ta. Nhưng chỉ những ai vâng lời Chúa vào “Thuyền” thì mới được cứu.

Chỉ có một chiếc “Thuyền Yêu Thương” đem chúng ta từ sự chết đến sự sống mà thôi, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Kinh Thánh cho biết, ngoài Chúa Giê-xu ra, Đức Chúa Trời không ban Đấng nào khác để cứu nhân loại. Lời Chúa dạy: “Chỉ có một Đấng trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu… Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người.” (I Ti-mô-thê 2:5-6). Kinh Thánh quả quyết rằng: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ Các Sứ-đồ 4:12). Chúa đang mời gọi bạn: “Này, ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy” (Khải-huyền 3:20). Ngài đang nói về “cánh cửa lòng” của bạn. Nơi vườn Địa-đàng ngày xưa, “cánh cửa lòng” của loài người đã khép kín với Cha Thiên Thượng. Tuy vậy, vì tình yêu thương, Chúa Giê-xu đã đến để mở “con đường” mới cho bạn trở về nơi phước hạnh. Chính Chúa Giê-xu đã tuyên bố: “Ta là Đường Đi, Chân Lý, và Sự Sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Hãy quay trở về với Đức Chúa Trời để làm hòa với Ngài. Cha Thiên Thượng đang mở rộng vòng tay yêu thương chờ đón bạn đó.

Bạn ạ! Được cứu vào Thiên đàng là điều rất quan trọng. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là được nối kết lại mối tương giao đã bị cắt đứt với Đức Chúa Trời, được phục hồi địa vị làm con. Còn gì vinh hạnh hơn khi được gọi Đức Chúa Trời là Cha, bạn nhỉ? Kinh thánh dạy cách nhận sự cứu rỗi như sau: “Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình (không kể là tội nhân nữa), còn bởi miệng làm chứng (xưng nhận) mà được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:9-10). Nếu bạn nghĩ rằng bạn tin Chúa Cứu-thế Giê-xu nhưng chỉ để trong lòng, miễn là bạn và Đức Chúa Trời biết là được, thì chưa đủ, vì lời Chúa bảo bạn phải xưng ra bởi môi miệng (lời nói). Chúa kêu gọi: “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-rinh-tô 6:2). Mong bạn hãy đáp lại lời mời gọi của Ngài hôm nay.

Đức Chúa Trời là Thần, nên dầu chúng ta ở đâu, Ngài cũng thấy và biết tấm lòng chúng ta. Vậy nếu bạn được Đức Chúa Trời cảm động muốn trở về cùng Ngài, xin bạn hãy thành tâm thưa với Ngài những lời tương tự như sau:

Kính lạy Đức Chúa Trời! Con tên là ___. Con tin rằng Chúa đã tạo sinh ra vạn vật vũ trụ, tạo sinh ra con và ban cho con đồ ăn, nước uống, không khí để sống. Con cảm ơn Chúa đã ban Chúa Cứu-thế Giê-xu xuống trần chịu chết thay để cứu chuộc nhân loại. Ngay giờ phút này, con xin nhận rằng con là người có tội với Ngài. Con bằng lòng tin và nhận Chúa Cứu-thế Giê-xu đã gánh tội lỗi của con và chịu chết thay cho con. Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của con.

tinlanh.org

 

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

www.vietchristian.com/niengiam/