Hôm đi đám cưới Hoa và Diện, tôi được ngồi gần bên chị Hiên, một con cái Chúa ở chi hội München. Tôi vốn rất thích ngồi gần mấy cô mấy bà người Hà Nội, để có dịp trổ cái tài “biết” Hà Nội của mình.
Sự thật thì tôi sinh trưởng trong miền Nam, là dân Sài Gòn chính hiệu con nai vàng. 

Nhưng vì thuở còn đi học, cứ được ngồi gần mấy nhỏ bạn người miền Bắc, được chúng nó mời về nhà ăn các món ăn chơi của miền Bắc mà má chúng làm. Rồi cả một tuổi thơ cùng với cô em gái dằm thắm trong văn chương của Ba Mươi Sáu Phố Phường, nên tôi rất yêu Hà Nội. Phát âm tiếng Việt, lại cứ thích cái chuẩn chính tả hỏi ngã của người Hà Nội, nên tôi bắt chước tài tình, khiến không ít người cứ tưởng lầm tôi là dân Hà Nội!

Tôi biết chị bạn người Hà Nội nầy cách đây 2 năm, tại một buổi Hội Đồng ở Mühlacker. Lúc đó, chị để một kiểu tóc khác và có vẻ đẫy đà hơn bay giờ. Nhưng tôi trông chị đẹp hẳn ra. Bạn có thể không tin, nhưng tôi có thể làm chứng với bạn rằng, sự trưởng thành trong đời sống tâm linh của một con người có ảnh hưởng rất nhiều đến diện mạo của người đó. Tôi bảo chị đẹp, nhưng hoàn toàn khôn phải do son phấn đâu nhé. Vì hôm đó rõ ràng là chị không hề trang điểm. Tôi gợi chuyện Hà Nội với chị ngay.

-Chị phải là dân Hà Nội không?

-Đúng. Tớ sống ở đây với con trai. Mẹ con tớ tin Chúa, lại làm chứng cho bố nó ở bên nhà. Bây giờ anh ấy cùng tin Chúa và đang nhóm với Hội thánh Hà Nội.

Thật là sướng, vì từ bấy lâu nay, tôi vẫn thầm mong ước được nghe những tin tức về công việc Chúa ở nước nhà, mà nhất là tại Hà Nội. Tôi vẫn theo dõi tin tức trên các báo chí, văn phẩm Cơ-đốc, nên cũng biết hồi Noel năm rồi, qua các cuộc truyền giảng, có nhều đồng bào Việt Nam ta đã trở lại tiếp nhận Chúa. Giờ biết đâu qua chị, tôi lại càng rõ hơn. Chúng tôi lại được dịp ôn lại những phước hạnh lớn mà Chúa ban cho. Chị bảo tôi:

-Cậu biết không, tớ vừa được một ơn lớn lắm. Vừa rồi tớ cứ tưởng đâu là toi cả rồi đấy chứ. Việc Chúa làm thật là lạ lùng!

Tôi đang tròn mắt ngạc nhiên thì chị kể tiếp:

-Cậu biết không, hồi ba năm trước đây, lúc tớ vừa mới đến xin tị nạn ở Tây Đức nầy, lúc đó cũng như tất cả mọi người trong trại tị nạn, tớ cũng được nhận trợ cấp để sống, chờ xin việc làm. Thì đùng một cái, đứa con tớ bên nhà bị ốm nặng. Tớ bèn vay tiền để gửi vè cho bố nó chạy chữa. Chuyện đâu đó xuôi chảy, đến giờ tớ đã trả xong hết nợ và cũng quên hết cả rồi. Thì đùng một cái, tớ được giấy gọi mời lên hầu tòa. Hồn phi, phách tán, tớ chả hiểu cớ sự ra sao, chỉ biết cầu nguyện Chúa. Té ra sau đó mới vỡ lẽ: Cơ quan xã hội Đức truy nguyên nguồn gốc số tiền mà tớ đã gửi về Việt Nam qua giấy tờ nhà băng vào thời điểm đó. Họ hỏi tớ tiền đó ở đâu ra? Vì sao tớ đang sống trong trại tị nạn, mỗi tháng chỉ được ngần ấy tiền trợ cấp, mà lại có được số tiền to như thế để gỉ về cho gia đình? Tớ bảo mình mượn. Nhưng họ không tin, và hỏi, nếu mượn ai thì cũng phải có bằng cớ. Tớ mới đến nhà vợ chồng cái anh chàng ân nhân đã cho tớ vay tiền cái lúc túng ngặt đó, và bảo anh ta làm ơn viết giùm cho tờ giấy nợ. Lúc anh ta cho mình mượn nợ là lúc anh ta cũng nghèo và chân ướt chân ráo trên cái đất Đức nầy. Khi người ta nghèo, người ta cư xử dễ dàng hơn và ít có những cái lo sợ hơn …

Tiếng nhạc đám cưới ồn ào làm cho tiếng chị kể vọng vào tai tôi một cách khó khăn. Những tôi có thể tưởng tượng ra được cái bằng chứng gian dối, ngây thơ mà chị và anh chàng ân nhân cũ của mình sắp sửa dựng ra. Lúc bị rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, người ta dẽ dàng bị cám dỗ để làm bậy. Tôi bùi ngùi bụng bảo dạ: Thế Chúa ơi, sao Ngài lại để cho con cái Ngài rơi vào những tình cảnh oái oăm như thế nầy? Chị Hiên vay tiền chữa bệnh cho con có gì là xấu đâu! Tôi hỏi chị:

-Thế bây giờ anh ta làm gì hả chị?

-Bây giờ nó làm chủ nhà hàng. Vợ chồng nó làm ăn khá lắm, cho nên nó sợ không dám viết cái tờ giấy nợ ấy, cậu ạ!

-Chết, rồi chị làm sao?

-Tớ năn nỉ mãi, cuối cùng thì nó chịu viết …

Tôi thấy khoái trong bụng, vì tưởng đâu câu chuyện tới đó đã hết. Nhưng không, nó mới chỉ là bắt đầu. Pháp luật là pháp luật. Đâu dễ gì người ta bỏ qua chuyện điều tra cho ra lẽ những chuyện như vậy, trong cái xứ mà một penny khi cần thiết, có thể có giá trị tương đương với những rắc rối lôi thôi về luật pháp. Cũng phải thôi, vì không ít những người đang tìm mọi cách để ăn bám dài lâu vào đồng tiền xã hội, lợi dụng cái tài khoản trợ cấp càng ngày càng yếu mỏn của nhà nước Đức nầy – tôi thoắt nhớ đến gánh nặng mà nhà nước Đức phải gánh, kể từ khi bức tường Đông-Tây Bá Linh sụp đổ. Để xây dựng lại phần đất nước bị phá sản bởi chế độ cộng sản, ngày nay người dân Tây Đức hằng năm phải đóng thêm một khoản thuế (việc nầy ở Việt Nam mình không có. Hoàn cảnh lịch sử của mình không cho phép dân mình làm những nghĩa cử cao đẹp như thế để giúp nhau. Hồi Sài Gòn được giải phóng, dân miền Nam bị tuyên truyền làm hiểu sai mọi thực tế về miền Bắc, và miền Bắc đã đến miền Nam với tư thế của người chiến thắng!). Tôi thoắt nhớ đến con số dân tị nạn Việt Nam từ Nga và các quốc gia cộng sản Đông Âu cũ tràn đến Đức. Tôi nhớ đến những người Đức bị để lại nước Nga sau thế chiến thứ hai, mà nhà nước Đức đang ra đạo luật để đưa họ trở lại cố quốc, dù đa số những người trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba, có thể sau 50 năm hậu chiến, đã không còn nói được tiếng Đức như đời cha mẹ hay ông bà của họ nữa. Nhà nước Đức, dù vậy vẫn không quên những đứa con dân tộc lạc loài mà sai lầm của thế kỷ đã gây ra, họ đã ra những đạo luật dành mọi ưu tiên để đưa con dân họ về bến bờ tổ quốc. Những người Nga gốc Đức ấy, khi hồi hương là có ngay nhà xã hội để ở, một khoản trợ cấp nho nhỏ vừa đủ sống. Họ còn được tạo cho mọi thuận lợi để học nghề và để làm lại từ đầu. Họ thật sướng hơn bao nhiêu so với những người Việt đang tị nạn ở Đức nầy hay đang sống lang thang hồ hải ở các quốc gia Đông Âu! Về lại Việt Nam cũng khổ mà ở lại cũng chẳng sung sướng gì!

Tôi trở lại với những người Việt Nam tị nạn tại Đức. Người Đức xét duyệt lại từng trường hợp, ai có đủ chứng cớ để được tị nạn thì sẽ được giấy tờ tị nạn. Ai không chứng minh được tình trạng tị nạn của mình sẽ bị họ lên một chương trình để trả về lại Việt Nam. Dù họ có ở Đức 10 hay 15 năm chăng nữa cũng không ăn thua gì. Họ có công ăn việc làm và đóng thuế nhà nước đàng hoàng cũng không làm luật thay đổi được. Ngay khi tôi viết những dòng chữ nầy, thì mẹ con chị Hiên, dù có công ăn việc làm, chỗ ăn ở hoàn toàn tự lập, không phải nhờ tí nào vào trợ cấp xã hội, vẫn phải cứ ba tháng một lần đi xin gia hạn cư trú trở lại. Mọi lỗi lầm nhỏ của họ dính dáng tới luật pháp đều có thể dẫn tới việc bị tống giam và trục xuất ngay trong khi bị giam cầm mà không cần tới xét xử, như trường hợp của một số anh em người Việt ở đây.

Thấy tôi thừ người ra suy nghĩ, chị Hiên tiếp:

-Một tuần sau, anh chàng ân nhân tớ nhận được giấy gọi ra tòa!

Tôi trợn mắt biết lần nầy có chuyện chẳng lành rồi. Cái máu thích đọc chuyện trinh thám, chuyện hình sự đã khiến tôi không lạ gì với việc người ta dùng một phương pháp hiện đại để định tuổi một bản văn, một nét mực nào đó.

Úi chà, thế thì hỏng bét cả rồi! Vào thời điểm đó, những người Việt Nam qua Đức du học trước năm 75 vốn không ưa gì dân Việt Nam khố rách áo ôm chạy tị nạn từ các nước Đông Âu qua! Cũng dễ hiểu, lý do là có một số “làm bậy” thật. Báo chí Đức đăng tải đầy những băng mafia thuốc lá Việt Nam ở Berlin thanh toán lẫn nhau vì dành khách, dành chỗ, vì lường gạt nhau … khiến ai đọc cũng thấy hãi hùng. Ra đường gặp cái mặt vàng nào cũng muốn tránh chứ không muốn dây vào. Nghĩ cũng tội, vì có phải tất cả mọi người đều là mafia cả đâu! Mà băng đảng mafia thì đủ các loại trên cái đất Đức nầy, từ băng đảng người Nga hay người Ba lan, chuyên đi trộm xem Đức đem về cố quốc bán, những băng Thổ Nhỉ Kỳ đấu tranh với nhau, choảng nhau ngay trên đất Đức, làm phương hại không biết bao nhiêu! Thế nhưng người mình mà có tội, thì hấp một cái,vào tù ngay và đợi xong thủ tục để bị đưa về Việt Nam. Số phận mẹ con chị Hiên vẫn còn như treo trên sợi chỉ mành. Họ chưa được chấp nhận cho tị nạn, mà nhà nước Đức đang lăm le trả họ lại quê nhà. Nếu vướng vào vụ án nầy, dù không có tính cách tội phạm như chuyện các băng thuốc lá, nhưng chắc chắn sẽ là cái cớ để họ mạnh tay với trường hợp của chị hơn.

Tôi hỏi chị:

-Rồi chị làm sao?

-Anh chàng và cô vợ đến nhà bảo với tớ rằng, ngày mai khi ra tòa, họ sẽ nói là họ không hề cho tớ vay tiền, họ sẽ bảo rằng tớ đã ép họ viết giấy nợ chứ thực tế tớ không hề vay! Đến lúc nầy thì thật là nghiêm trọng đấy cậu ạ! Tớ lầm lỗi, tớ chịu, không sao. Còn cái anh chàng giúp mình mà lỡ có chuyện gì cho nó thì mình ân hận không chỗ nói!

-Cơ khổ!

-Anh chàng đến và cằn nhằn làm tớ đau hết cả đầu! Tớ thấy rõ ràng có sự cáo trách của Chúa về sự không ngay thật của mình. Tớ nhớ lời Chúa dạy: “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va và nờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy”, và rằng: “Tội các ngươi dầu đỏ như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên”, cho nên tớ đã ăn năn và cầu nguyện xin Chúa tha thứ tội cũng như xin Chúa cho mọi việc được thuận lợi cho anh chàng ân nhân của mình. Tớ bảo anh ta: “Cậu nghĩ gì thì ngày mai ra tòa cứ nói đúng như ý của cậu, còn tôi thì cầu nguyện và sám hối cùng Chúa, tôi tin là Chúa sẽ tha tội và sửa dạy tôi theo ý của Ngài.” Chị ngưng nói một chút, nhìn vào cái mặt tò mò có vẻ ngu ngơ của tôi rồi hỏi:

-Cậu có biết chuyện gì xảy ra không?

-Sao nữa hở chị?

Hôm ra tòa, tớ thưa với họ rằng giấy nợ đó là giấy giả mạo, nhưng mọi việc về vấn đề vay mượn là có thật, và rằng người Châu Á chúng tôi chỉ lấy lòng tin làm đủ chứ không hề viết giấy nợ.

Tôi cảm phục sự ngay thật, can đảm đó của chị.

-Rồi họ bảo sao, hở chị?

Con mắt chị hân hoan và hãnh diện:

-Tớ bảo: “Bây giờ tôi đã là Cơ-đốc nhân, tôi không muốn tiếp tục làm chuyện gian dối. Các ngài giờ đã rõ mọi sự, có muốn xử tôi sao cũng được, tôi sẵn sàng chấp nhận!”

Tôi bị cuốn hút vào cái bàn cuộc mà chị đặt vào đó cả hy vọng lồng trong nỗi lo lắng và tuyệt vọng của mình. Ừ nhỉ! Tại sao lại không? Chị là Cơ-đốc nhân, chị có Chúa. Mọi hy vọng sẽ không mất. Mọi sai trật đều có thể sửa lại được. Chị đón nhận cả hậu quả của sai trật đó nữa. Bây giờ là việc làm của Chúa, của may mắn. Chị bảo tôi trong tiếng ồn ào như chợ vỡ:

-Ông quan tòa đứng lên bắt tay tớ và bảo rằng ông đã hiểu ra mọi sự và chỉ chờ đợi có thế!

Tôi thở ra nhẹ nhõm. Cám ơn Chúa đã cho mọi sự được tốt lành. Chị tiếp:

-Không một chút khó khăn gì nữa cậu ạ. Tớ cứ nghĩ là họ sẽ tiếp tục hạch hỏi, làm khó dễ. Tớ sợ cả cho cái anh chàng chủ nợ. Nhưng khi Chúa làm, thì mọi sự bình yên cả, cậu ạ!

Thế còn cái anh chàng chủ nợ, tôi muốn biết anh có bị khó dễ gì không, nên hỏi:

-Cái bữa anh chàng ra tòa không khai gì hết sao chị?

-Anh ta chuẩn bị cả rồi, nhưng họ lại không hỏi một câu nào. Thế mới kinh chứ! Nếu họ hỏi, thì bắt buộc anh chàng phải khai ra dủ thứ những cái không thuận lợi và không cần thiết. Cậu thấy sự gìn giữ và thương yêu của Chúa chưa? Sau buổi tòa xử, tớ càng yêu mến Chúa nhiều hơn, vì lời Chúa hứa là thành tín. Chúa đã làm phép lạ cho vụ xử án nầy và tớ được trắng án!

Tôi chợt nhớ đến những cơn gió thổi ập vào chiếc thuyền chài bé nhỏ, trên đó có Chúa Giê-su và các môn đồ khi xưa. Gió đã lặng rồi, nhờ ơn Chúa chị bạn của tôi đã bình yên đi qua cơn bão.

-Em mừng cho chị!

-Tớ cảm ơn cậu.

Lòng biết ơn Chúa lắng sâu trong đôi mắt chị. Chị sung sướng lắm khi nhắc lại câu chuyện đó. Chúa yêu chị nhiều. Chúa giải cứu chị, chị không vui sao được!

Trên sân khấu, tôi lại được nghe giới thiệu:

-Bây giờ, sẽ có một chị bạn xin được hát tặng cô dâu chú rễ một bài trong ngày vui hôm nay, xin mời chị ….

Tôi đi lên, với tay lấy cây đàn ghi-ta. Bữa tiệc cưới ở Ca-na chắc cũng vui và ồn như bữa nay. Tôi sẽ hát một bài đám cưới cổ điển, lòng nghĩ đến người bạn sống tha hương, xa chồng con, một mình làm lụng vất vả. Có lẽ đêm nay cũng là dịp chị nghĩ đến hạnh phúc gia đình …

“Lối đi đầy hoa chờ mong bước chân người

Đưa hai chúng ta về nơi chốn cao vời …”

Hát xong, tôi lại xuống ngồi bên chị. Người Việt ở xứ Đức nầy cách nhau xa xôi quá. Tôi ớ cách chị đến gần 200 cây số. Gặp nhau vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi ở đây. Rồi phải đến khi có trại đâu đó mới gặp lại lần nữa. Có khi cả năm không thấy nhau được lần nào, vì có phải lần nào có trại cũng hân hạnh được tham dự!

-Chị Hiên ơi, kỳ tới gặp nhau, bọn mình hát Thánh Ca dân ca nhé!

Tôi biết chị ngâm thơ đã tài mà hát dân ca Bắc Bộ thì thật ngọt.

-Ừ mình làm nhé!

Rồi cứ như một lời hẹn rơi vào quên lãng. Chúng tôi còn có thì giờ để đợi. Vì những bài Thánh Ca dân ca mà chúng tôi muốn hát vẫn chưa có đủ để làm một buổi Thánh Nhạc! Cầu cho mấy ông nhạc sĩ có hứng để viết ra những làn điệu dân tộc hầu chúng tôi có mà tôn vinh Chúa. Sống ở xứ người, lâu lâu nghe một câu Kiều ngâm nga hay một làn ca dao tựa như nghe gió mát rót vào tim. Vì sao lại không phải là những bài thánh ca có âm hưởng dân ca? Thôi thì mình cứ hẹn vậy chị Hiên nhé! Nhưng lần nầy được chị kể chuyện làm chứng, tôi đã thấy vui lắm rồi.

Tôi viết lại bài làm chứng nầy, gửi một người đưa xuống cho chị sửa lại vài chi tiết. Mấy năm nay, các Hội thánh ở Đức nầy không ngớt cầu nguyện cho tình trạng long đong của một số con cái Chúa ở đây. Tôi đã viết phía trước : “dù cho họ có công ăn việc làm ổn định, không hề nhờ cậy vào trợ cấp xã hội cũng không làm thay đổi luật được ..”. Thế nhưng cảm tạ ơn Chúa, cuối năm 1999, đã có một đạo luật mới cho phép định cư những người đến Đức từ năm 91 có công ăn việc làm và không can án. Chị Hiên viết thư bảo tôi: Tạ ơn Chúa đã cho tòa xử chị trắng án lúc đó. Nhờ vậy, chị đã không gặp khó khăn gì khi hoàn tất thủ tục giấy tờ định cư tại Đức.

Về lời mời tôn vinh Chúa bằng các bài có làn điệu dân ca, tôi được chị viết tặng cho bài Lời Lơ mà chị đã sáng tác và hát tôn vinh Chúa ở Hội thánh của mình:

“Cảm ơn Cha rọi sáng

Cuộc đời tăm tối của con ngày xưa

Bởi vì con chưa biết được Cha

Giờ nầy con cất vang lời ca i hì hi

Ngợi khen, hen là ngợi khen Cha thiên thượng

Sống lại rồi ai ơi i hì i ới i hi hì (đàn đệm)

Sương mai rơi lóng lánh

Chập chờn tôi nhớ tới lời Cha

Vội vàng tôi lấy Thánh Kinh ra

Học nhiều cho đến thuộc lời Cha i hì hi

Lớn khôn, khôn sinh trưởng

Sinh trưởng trong vòng tay Cha i hì i ơi hi hì (đàn đệm)

Cám ơn Ngài đã, tình là, Ngài đã cứu chuộc con

Cuộc đời con vui thỏa nỗi ước mong i hì hi

Sống vui, vui là sống vui hòa thuận

Hòa thuận với mọi người trong tình yêu thương

I hì i ơi hi hì (đệm)

Ta cùng nhau đi học cho đúng giờ

Ta quyết một lòng chung lưng

Cùng nhau ca hát, ngợi khen Chúa Trời i hi i hì i hi

Đừng có nói nhiều con ơi

Con ơi thời đừng có nói nhiều

Chứ mẹ thời đây là đây đã quyết, quyết định rồi con ơi, ơi a nói

Nói mời Cha làm chủ cuộc đời i hi i í hì i

Làm chủ cuộc đời, cuộc đời đổi thay

Một lòng theo Cha ơi a, nói ai ơi

Ai ơi thời đừng có, có chần chừ

Chứ theo thời Cha mà cuộc sống an bình yên vui ới a nói

Đừng có chần chừ

Tôn kính danh Ngài ơi ì a

Nói chúng con thời tôn kính danh Ngài

Chứ quyết thời tâm đi học i ời a mà để đúng giờ

Chứ đúng giờ ai ơi ơi nói ai ơi đừng có lý do gì

Ngày nghỉ của Cha ơi a

Hôm nay là ngày nghỉ của Cha

Chúng thời, con má cùng nghỉ đi tôn vinh Ngài

Ơi a nói cuộc đời nầy là tạm bợ đấy người ơi

Chưa chắc sướng đâu ơi a

Nói tiền nhiều thời chưa chắc sướng đâu

Chứ lo thời toan và tính toán

Mà để tìm ra nhiều tiền

Chứ tìm ra nhiều tiền

Xong rồi chẳng biết đến Cha

Chứ chết đi rồi cũng chẳng ai mang được gì ì i hi i ơi i hì”.

Chị như một nghệ sĩ nghiệp dư, chỉ viết lời cho tôi mà không viết nhạc. Đọc xong, tôi nhớ lại cái bài dân ca rất khôi hài của ông Phạm Duy Nhượng, bài “Ba Bà Đi Bán Lợn”, mà gần nửa bán thế kỷ làm say mê bao người với sự trình bày của ban nhạc ABC. Tôi đánh liều ca đại …

Stuttgart

Bảo Phúc

www.hoithanhstge.de

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/