Chúng tôi có một người bạn trong Hội-thánh tại Đà-lạt tên là Huỳnh-Thanh. Anh là một người hiền lành và dễ thương mà tất cả các thánh-đồ đều yêu mến.
Một người đáng được sống
Nhưng một ngày kia, chúng tôi nhận được một tin đáng ngạc nhiên: anh Huỳnh-Thanh đang bị vi-rút não và mặc dù đã được chuyển vào Saigon để điều trị, nhưng anh lại sắp qua đời trong bệnh viện. Tất cả chúng tôi đều bàng-hoàng và không biết tại sao chuyện nầy lại xảy ra. Nếu nhìn theo mắt của loài người, thì có lẽ anh là người đáng được sống hơn tất cả chúng tôi. Dù biết rằng sau khi qua đời thì anh sẽ được về với Chúa, nhưng chúng tôi vẫn mong cho anh được sống vì không muốn xa anh. Bởi vậy, rất đông các thánh đồ đã kéo nhau đi thăm anh trong bệnh viện mà trong lòng không biết phải làm gì. Chính mắt tôi đã nhìn vào phòng và thấy anh đang nằm ngửa trong trạng thái mê-man với đôi mắt mờ đục. Tôi chưa hề nhìn thấy một người sống nào lại giống như vậy. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh đang ở trong tình trạng nguy kịch và không ai có thể nói được điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi chỉ cảm thấy buồn và ra về trong sự hối-tiếc để chuẩn bị cho buổi nhóm cầu-nguyện tối.
Những kẻ muốn “chôn” anh Huỳnh-Thanh
Khi các thánh-đồ đã nhóm lại, trước tiên, chúng tôi dành thời gian để tương-giao về những gì đang chất chứa trong lòng mỗi người. Mọi truyền thống đều bị bỏ qua, chúng tôi không còn quan tâm tới những nghi-thức của buổi nhóm mà chỉ muốn nói về những gì vừa chứng-kiến. Chúng tôi có nên cầu nguyện để xin Chúa chữa lành cho anh không? Làm sao để chúng tôi biết được ý muốn của Chúa? Cầu nguyện không phải là một chuyện qua loa, vì mỗi khi Chúa không đáp lời, thì đó chẳng phải là một sự hổ thẹn cho chúng ta sao?
Một người trong buổi nhóm thuật lại cho chúng tôi rằng: một số người trong Hội-thánh đã âm thầm lên một kế hoạch để “chôn” anh Huỳnh-Thanh. Họ đã hoạch định lộ trình cho xe tang và cũng dự định luôn những người sẽ giảng trong tang lễ. Chúng tôi có cảm thấy phẫn-nộ trong tâm linh khi nghe được nguồn tin nầy. Dù rằng tình trạng của anh Huỳnh-Thanh là rất nguy kịch, nhưng không có một người nào yêu thương anh mà lại muốn nghĩ tới chuyện “chôn” anh trong thời điểm nầy. Vả lại, chúng tôi cũng chưa hề cầu hỏi ý muốn của Chúa.
“Sao chúng ta không cầu nguyện?”
Bỗng một phụ-nữ trong vòng chúng tôi lên tiếng: “Sao chúng ta không cầu nguyện để xin Chúa chữa lành cho anh Huỳnh-Thanh?” Đương nhiên là mọi người đều hiểu câu hỏi đó, nhưng làm thế nào để chúng ta biết được ý muốn của Chúa? Người phụ-nữ nói tiếp cách quả quyết: “Em tin rằng hễ chúng ta cầu nguyện là Chúa sẽ nhậm lời, trong Kinh-thánh có nói như vậy mà!” Đương nhiên là trong Kinh-thánh có nói như vậy, nhưng ai có được đức-tin đó để cầu-nguyện đây? Người phụ nữ nhắc lại những lời mình nói, và mặc dù cô là một người mới tiếp nhận Chúa chỉ được vài năm, nhưng long-lanh trong mắt cô là câu giải đáp cho những gì mà chúng tôi đang suy nghĩ: cô chính là người có đức-tin đó để nhận được sự chữa lành!
Thật ra thì cô không phải là một phụ-nữ tầm thường mà là một người rất tin-kính trong Hội-thánh. Khi tiếp xúc với cô, mọi người đều nhận được niềm vui qua cách cư xử thật-thà và giản-dị của cô. Một tia hi vọng bắt đầu chớm lên trong buổi nhóm và tôi đề nghị một chương trình cầu nguyện 24/24 giờ để tìm kiếm ý Chúa. Đây không phải là một ý tưởng tình cờ, mà chính là gương-mẫu của một số Hội-thánh khi được Chúa thăm viếng trên thế giới. Hễ nơi nào có Chúa hiện diện, thì nơi đó có sự cầu nguyện không mệt-mỏi của các thánh đồ. Tối hôm đó, tất cả mọi người đều hài lòng và sẵn sàng tham gia để nắm bắt lấy tia sáng cuối cùng nầy.
Một người phản đối sự cầu nguyện
Bỗng một người đang ngồi tại đó lên tiếng. Tự nãy giờ anh ta chỉ ngồi yên để nghe chúng tôi và bây giờ lại muốn phát biểu như một người cao kiến: “Tôi phản đối sự cầu nguyện của các bạn. Tôi không bao giờ cầu nguyện để xin Chúa chữa lành cho một người nào, mà chỉ xin cho ý Chúa được nên”.
Nghe qua thì có vẻ như một người hiểu biết Kinh-thánh, nhưng nó lại bộc lộ một tính cách khô-khan và máy-móc của những người không từng trải. Thật là lạ, một người chỉ luôn cầu nguyện “xin cho ý Chúa được nên” mà không cần biết gì về “ý Chúa” là nghĩa làm sao? Đang khi Chúa muốn chúng ta tìm kiếm ý Ngài, nhưng chúng ta không thèm đếm xỉa tới, mà lại cứ cầu nguyện “xin cho ý Chúa được nên” là nghĩa gì vậy? Thật chẳng khác nào như một người nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn làm gì thì làm, con không cần biết tới!”
Tôi bèn nói thẳng với anh ta giữa buổi nhóm rằng: “Xin lỗi, cầu nguyện như anh cũng chẳng khác chi với một kẻ không cầu nguyện”, nhiều người đã thở ra cách nhẹ nhàng để tỏ ý tán đồng về điều đó. Sau đó, tôi trưng dẫn cho anh em thấy lời trong Kinh-thánh chép rằng: Hội-thánh đầu tiên đã cầu nguyện thâu đêm cho Phierơ dù họ không biết số phận của ông sẽ ra sao (Công vụ.12:5-17). Vậy thì ngày nay chúng ta lại không thể cầu nguyện thâu đêm cho anh em mình để tìm kiếm ý muốn của Chúa hay sao? Anh ta đã ngồi im không thể trả lời được trong khi tất cả mọi người đều vui-vẻ và hiệp ý như một người. Khi buổi nhóm kết thúc thì chúng tôi cũng đã bắt đầu ghi danh những người đăng ký vào chương trình cầu nguyện 24/24 giờ và hầu hết các khoảng trống đều được lấp đầy.
Sự cầu nguyện 24/24 giờ
Chính người chị em khi nãy, đã đăng ký vào giờ “găng” nhất là khoảng 1-2 giờ sáng. Cũng có những thì giờ thuận tiện mà nhiều người đăng ký cùng một lúc, nhưng điều làm cho chúng tôi vui mừng là sau một ngày đi vận động thêm, thì toàn bộ các giờ trong ngày đã được lấp kín. Chúng tôi nhắn nhủ mọi người rằng: “Hãy giữ vững vị trí của mình. Hãy dốc đổ trong sự cầu-nguyện vào giờ mà mình đăng ký. Khi bạn vừa mới đứng lên khỏi chỗ cầu nguyện, thì đã có một người khác quì xuống để nối tiếp bạn trong sự cầu nguyện. Như vậy thì Hội-thánh sẽ cầu nguyện 24/24 giờ trong mỗi ngày, cho tới khi nào chúng ta biết được ý muốn của Chúa”.
Sự cầu nguyện của chúng tôi đã có kết quả thật nhanh chóng. Chỉ một vài ngày sau, người chị em kêu gọi sự cầu nguyện, đã thông báo cho chúng tôi một tin vui rằng: “Trong khi em vừa khoanh tay cầu nguyện và đi đi lại lại trong nhà vào giờ rạng sáng cho đỡ buồn ngủ, thì em đã nghe được tiếng Chúa. Chúa phán với em rằng: Ta đã nhậm lời cầu nguyện của các con. Em mừng vui lắm và em tin rằng anh Huỳnh-Thanh sẽ được chữa lành”.
Điều mà cô ấy nói cũng giống như một nguồn tin trong bệnh viện mà chúng tôi đã nhận được trong vài ngày sau đó: bệnh tình của anh Huỳnh-Thanh đã giảm đi đáng kể. Một vài ngày sau, chúng tôi lại nhận được tin rằng: anh Huỳnh-Thanh ngày càng khả quan và có một bác sĩ Tin-lành người Mỹ cũng sắp vào thăm anh trong bệnh viện. Chúng tôi cảm thấy vui mừng vì mọi việc đang diễn ra rất tốt đẹp và sự cầu nguyện xem như đã đạt được mục đích. Có một người vui tính nói rằng: “Nếu bác sĩ Việt-Nam mà chữa trị được như thế, thì huống hồ gì có bác sĩ Mỹ tới thăm”. Chỉ trong một ngày hôm đó, mặc dù không ai bảo ai, nhưng sự cầu-nguyện đã dừng lại giữa vòng các thánh đồ.
Một lời quở trách tỏ tường
Một vài ngày sau lại là tới buổi nhóm cầu nguyện, chúng tôi đã hí- hửng đến với buổi nhóm và không ngờ lại nhận được một nguồn tin hoàn toàn khác: “Bệnh tình của anh Huỳnh-Thanh đã trở nặng và anh sắp qua đời”. Chúng tôi nhìn nhau với vẻ mặt hớt-hãi rồi cúi đầu mà không biết phải làm gì. Nhưng bỗng người chị em ấy lên tiếng, người đã kêu gọi sự cầu nguyện, mà cũng là người đã nghe được tiếng nói của Chúa lúc rạng sáng: “Vì các anh đã tự ý ngưng lại sự cầu nguyện, cho nên mới xảy ra điều nầy!” Chúng tôi có hơi ngạc nhiên, vì làm sao mà cô biết rằng chúng tôi đã không còn cầu nguyện nữa? Nhưng điều còn đáng ngạc nhiên hơn là thái độ và lời nói của cô. Từ trước tới nay, cô là một người vui vẻ và hiền hòa giữa chúng tôi. Nhưng tối hôm ấy, cô đã khoanh tay và nói những lời nghiêm nghị mà chúng tôi chưa hề biết. Thật ra thì đó là một lời quở trách và chúng tôi phải thừa nhận rằng nó hoàn toàn chính xác cho tình trạng của chúng tôi. Người chị em ấy nói tiếp: “Các anh phải ăn-năn với Chúa và cầu nguyện cho tới khi nào anh Huỳnh-Thanh được hết bịnh!” Chúng tôi không còn nghe thêm một lời nào nữa, vì tất cả mọi người đều quì gối xuống và xưng ra tội-lỗi của mình.
Các anh em Ngũ-tuần cũng tham gia
Lần nầy, chúng tôi không dám ỷ lại vào bất cứ một hiện-tượng bên ngoài nào, nhưng cứ tiếp tục cầu nguyện cả ngày lẫn đêm cho anh Huỳnh-Thanh. Đời sống của anh không những đáng để cho chúng tôi phải dốc đổ như vậy, mà ngay cả các giáo phái Tin-lành khác cũng quan tâm. Có lần tôi tình cờ gặp một mục-sư Ngũ-tuần và nghe anh ấy nói rằng: “Chúng tôi có dốc đổ trong sự cầu nguyện cho anh Huỳnh-Thanh”. Tôi nói: “Cảm ơn các bạn, còn chúng tôi thì đang cầu nguyện cho anh ấy 24/24 giờ”. Tôi không bao giờ quên được vẻ kinh ngạc của vị mục-sư Ngũ-tuần khi anh nhìn tôi. Những người Ngũ-tuần vốn nổi tiếng về sự cầu nguyện, nhưng dường như anh chưa bao giờ nhìn thấy một sự cầu nguyện nào giống như thế.
Những người giản-dị
Điều đáng nói là hầu hết những người tham gia vào sự cầu nguyện lần nầy đều là những người bình-dị trong Hội-thánh. Dù vậy, sự cầu nguyện vẫn được tiếp tục cách bền-đỗ và ngày càng lôi cuốn thêm nhiều thánh-đồ.
Chính người đã phản đối sự cầu nguyện của chúng tôi hôm nọ, lại là người sốt sắng trong việc thăm-viếng và mua thuốc cho anh Huỳnh-Thanh, theo toa của bác sĩ. Mức độ đức tin của chúng tôi chỉ đến đó, nghĩa là có ai làm được điều gì cho anh Huỳnh-Thanh thì cứ làm. Không có một luật-lệ nào được áp đặt ở đây, vì Chúa không có nói gì với chúng tôi về điều ấy. Trong tương lai, có thể chúng tôi sẽ được kinh-nghiệm về Chúa ở một mức độ khác hơn. Nhưng giờ đây, chúng tôi chỉ biết bước đi theo sự hướng dẫn của Ngài mà không có một thắc-mắc chi cả.
Anh Huỳnh-Thanh được xuất viện
Khoảng một tuần sau, chúng tôi nhận được tin rằng bệnh tình của anh Huỳnh-Thanh đã giảm đi rất nhiều. Nghe vậy, chúng tôi không dám chủ quan, nhưng vẫn cứ tiếp tục cầu nguyện cho anh. Một vài ngày sau, chúng tôi lại nghe nói rằng anh Huỳnh-Thanh sắp được xuất viện. Các anh em vào thăm anh đã kể lại những mẩu chuyện vui-vẻ cho chúng tôi nghe, kể cả sự kinh ngạc của vị bác sĩ điều trị cho anh. Vậy à? nhưng chúng tôi không muốn nghe thêm, ngược lại, chúng tôi vẫn cứ tiếp tục cầu-nguyện vì anh Huỳnh-Thanh vẫn chưa được lành bệnh hoàn toàn. Độ một tuần sau chúng tôi được tin rằng anh Huỳnh-Thanh đã xuất viện và được xem như một “phép lạ” hiếm có đối với giới y-học. Cảm ơn Chúa, nhưng chúng tôi vẫn không ngưng lại sự cầu nguyện, vì chính mắt chúng tôi chưa nhìn thấy anh được lành bệnh …
Trẻ đi có đến mười tuổi
Vài ngày sau, chúng tôi ghé thăm anh tại nhà riêng của một thánh đồ. Anh Huỳnh-Thanh đang ở nơi đó với người vợ chăm sóc cho anh trong sự vui vẻ. Tôi không bước vào nhà mà chỉ đứng ở ngoài cổng nhìn vào, nhưng tôi thấy anh Huỳnh-Thanh rất rõ và hầu như không tin được vào mắt của mình. Tôi nhìn anh trân-trối vì không ngờ anh lại tươi vui và trẻ trung đến thế. Phải, anh trẻ đi có đến mười tuổi và đang vui vẻ nói chuyện với các thánh đồ. Điều gì xảy ra vậy? Tôi cũng không biết! Nhưng lạ quá, nét mặt của anh giờ đây giống như trẻ thơ và dễ thương cho đến nỗi không ai muốn dời mắt đi chỗ khác. Tôi không biết các thánh đồ đã nói gì với anh, nhưng khi bước ra ngoài thì một người kể lại cho tôi nghe: “Trước khi bị bệnh thì anh ấy lãng tai một bên, nhưng bây giờ thì cả hai tai đều nghe rõ. Ngày trước chúng ta thấy anh đeo mắt kính vì cận thị, nhưng giờ đây thì anh không cần phải đeo kính nữa. Tôi đã thử bằng cách đưa cho anh một tờ báo và yêu cầu anh đọc những hàng chữ nhỏ nhất. Khi thấy anh đọc một cách trôi chảy, thì tôi mới biết rằng mắt anh đã được lành mạnh”.
Trở về Đà-lạt trong hạnh-phúc
Như vậy thì anh Huỳnh-Thanh đã “được chữa lành nhiều thứ bệnh cùng một lúc” và sự cầu nguyện của chúng tôi xem như đã đạt được mục đích của nó. Dù vậy, chúng tôi vẫn còn tiếp tục cầu nguyện thêm, cho đến khi cuộc sống của anh ấy đã được ổn định trở lại ở Đà-lạt. Những người đã tham gia vào sự cầu nguyện 24/24 giờ không có gì để nói cả, thậm chí họ không dám nhắc lại những gì đã xảy ra, để không bị lừa dối rằng mình đã “có công” trong đó.
Tinh-thần phi giáo-phái
Nhiều năm về sau nầy, chúng tôi được biết rằng anh Huỳnh-Thanh vẫn khỏe mạnh và tiếp tục sống cho Chúa giữa các giáo phái Tin-lành. Các mục-sư Ngũ-tuần cũng đã gặp lại anh tại Đà-lạt và đầy vui mừng về sự lành bệnh của anh . Trước khi bị bệnh, thì dẫu đang sống trong hệ phái nào, nhưng anh vẫn luôn xem tất cả những con cái Chúa là anh em. Huống hồ gì ngày nay, khi anh đã được Chúa chữa lành, nhờ tình yêu thương và sự cầu nguyện của các anh em trong nhiều hệ phái Tin-lành.
Người thuật chuyện:
Sơn Hà Cẩm Tú
*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:
” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”
________________________________________________________________________