Hồ Bê-tết-đa nằm bên mặt đông thành Jerusalem, gần đồn Antonia của đội quân La-mã. Bethesda có nghĩa là “nhà thương xót.” Một suối nhỏ dẫn nước vào hồ. Hồ nằm gần chợ Cửa Chiên, chung quanh hồ có năm vòm cổng vĩ đại, tuyệt đẹp.

Hồ Bê-tết-đa nổi bật trong dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh không phải vì cảnh trí thơ mộng, yên tĩnh nhưng nhờ phép lạ nhiệm mầu Chúa Cứu Thế Jesus thực hiện năm xưa.
Theo Phúc-âm Giăng chương 5, “Rất đông người bệnh tật như mù, què, tê liệt nằm chờ chung quanh hồ. Họ chờ nước giao động để nhảy xuống hồ, vì tin rằng thỉnh thoảng một thiên sứ của Chúa khuấy động mặt nước, lúc ấy người nào xuống hồ đầu tiên, dù mắc bệnh gì cũng được lành.”
Trong số bệnh nhân, có một người đau đã ba mươi tám năm. Chúa Jesus nhìn thấy, biết anh mắc bệnh kinh niên, nên Ngài hỏi: ‘Anh muốn được lành không?’
Người bệnh đáp: ‘Thưa Ngài, chẳng có ai đưa tôi xuống hồ khi nước động. Lúc tôi đến nơi, đã có người xuống trước tôi rồi!’ Chúa Jesus bảo: ‘Anh cứ đứng lên, vác nệm đi về nhà!’ Người bệnh tức khắc được lành, cuốn nệm mang đi. Hôm ấy nhằm ngày thứ Bảy.”
Khám phá gần đây của các nhà khảo cổ xác nhận câu chuyện Chúa chữa lành mầu nhiệm nầy. Hồ Bethesda là hai vũng nước rộng và sâu. Nhờ đào bới sảnh đường thánh Anne (St. Anne Courtyard), người ta tìm được. Các trụ đá đứng thẳng dưới đống gạch vụn dày hơn 25 feet là bằng chứng hùng hồn của công trình kiến trúc độc đáo.
Năm vòm cổng xây trên hàng cột trụ nầy để che mát cho người đau ốm tật nguyền. Hàng trăm người mòn mỏi chờ đợi ở đây mỗi ngày để được chữa lành. Nhờ đống gạch đá đổ xuống hồ và chung quanh hồ bao nhiêu thế kỷ mà hàng trụ đá vẫn còn đứng nguyên.
Cả hai vũng nước rộng và sâu. Người què không thể tự mình bước đi. Nhờ lòng thương xót của gia đình và xóm giềng, anh được đưa đến hồ mỗi ngày. Ngày này qua ngày khác, năm nọ sang năm kia, hy vọng duy nhất của anh để nhào xuống nước trước – là bò càng qua người khác – què quặt, yếu đuối hơn mình.
Chắc anh dơ bẩn, tiều tụy, mòn mỏi thảm thương. Nhưng hôm nay, ngày phước hạnh! Con Trời giáng thế tìm đến tận cửa xà lim để giải cứu anh. Chúa đến một mình. Không có đoàn môn đệ đông đảo đi theo. Không ai biết, không ai thấy, không ai để ý đến Chúa. Nhưng Chúa thấy anh.
Mắt Chúa dừng lại nơi người què đau thương nầy – đã 38 năm ngục tù khốn khổ – đã bao nhiêu lần nước động – chưa một lần nhào xuống nước kịp thời. Nhưng hôm nay – ngày phước hạnh. Gặp Chúa – đời sống anh đổi mới hoàn toàn. Anh đứng dậy mạnh lành, toàn vẹn, cuốn nệm vát trên vai về nhà.
Anh, Chị tưởng tượng – anh đứng dậy, ra về trong bình thản, yên lặng? Tôi không nghĩ vậy! Có lẽ anh hét to lên “Hallelujah, tạ ơn Chúa!” Tiếng nói anh giao động mặt hồ và làm cho hồ nổi sóng.
Nếu là tôi, tôi sẽ hét to hơn: “Bà con ơi, nhìn thấy tôi không? Hồ Xuân Phước què 38 năm đây! Tôi đã được chữa lành. Hallelujah, tạ ơn Chúa!” Có lẽ tôi sẽ đến nhà thờ gia nhập ban nhạc, vui mừng đàn trống, nhảy múa. Tôi sẽ hát vang!
Tại sao Chúa hỏi: “Anh muốn được chữa lành không?” Như một lời châm biếm, mỉa mai! Nếu là tôi, tôi không dám hỏi. Nhưng nếu hỏi, tôi tưởng tượng anh ta sẽ trả lời. “Hai chân què quái ác nầy giam hãm tôi, nhốt tôi trong bóng tối tủi nhục 38 năm dài. Mỗi lần nước động, tôi bò càng qua người khác nhưng chưa lần nào tôi đụng tới nước kịp thời.
Có người chận tôi lại. Có người đẩy tôi qua một bên. Có người chửi vào mặt tôi. Tôi phải nằm đây bởi vì tôi muốn được chữa lành. Tại sao Ngài hỏi tôi muốn được chữa lành không?”
Một câu hỏi châm biếm, xót xa! Nhưng không! Câu hỏi đó là lời mời gọi ân hậu – từ lòng yêu thương cao vời của Cứu Chúa chúng ta. Ðây là câu Chúa hỏi mỗi chúng ta. Nó gói gọn nan đề của đời sống chúng ta. “Con muốn được chữa lành?”
Quý vị có biết – một số người tàn tật không muốn được chữa lành? Con tàn tật nhưng cha mẹ không muốn con mạnh lành. Tại sao không? Nhờ tàn tật mới đi ăn xin, kiếm sống dễ dàng. Nếu được chữa lành? Mất nguồn lợi và phải làm lụng, cày bừa khổ nhọc hơn!
Nhìn quanh hồ thanh tĩnh, người què thấy cỏ xanh, nước tịnh. Anh thấy cả chục người tàn tật, yếu đuối, nằm trốn nắng dưới bóng mát tuyệt vời của năm vòm cổng cao tráng lệ.
Nhìn xa hơn, anh thấy dân chúng làm lụng vất vả dưới ánh mặt trời gay gắt – quằn vai, chai tay, mỏi gối. Nếu được chữa lành, anh phải lao động nặng nhọc đổ mồ hôi– gánh lấy trách nhiệm gia đình và làng xóm.
Ðiều Chúa hỏi liên hệ mật thiết đến anh – tài chánh, thể chất cũng như tâm linh. Nếu bạn chưa phải là người tin theo Cứu Chúa Jesus, xin hỏi bạn. Anh, Chị muốn được chữa lành không? Anh, Chị muốn được tha thứ và đổi mới không? Nếu muốn, Anh, Chị có thể được chữa lành – ngay hôm nay.
Nếu Anh, Chị là người đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Jesus – xin Anh, Chị xét lòng mình. Anh, Chị thật sự muốn được chữa lành không?
Ganh ghét, đố kỵ, cay đắng, giận hờn, xung đột, nghiện ngập – Anh, Chị còn ôm giữ trong người, hay che dấu, tránh né? Hiềm khích đang đè nặng lòng Anh? Tranh chấp, đau thương đang bào mòn ruột gan Chị?
Vui mừng, phước hạnh như tan theo mây khói? Và năng lực của Thánh Linh đang vơi dần trong Anh, Chị, trong gia đình, trong Hội Thánh? Muối đã bớt mặn, đèn không còn sáng lòa. Anh, Chị muốn được chữa lành?
Nếu chúng ta thành tâm khao khát cầu xin Chúa, Chúa sẽ chữa lành. Chúa sẽ chỉ chúng ta những điều cần phải dứt bỏ – cặn bã, tội lỗi, cái tôi đáng ghét, cố chấp, hợm hỉnh, kiêu ngạo, gian dối, tham lam, lừa phỉnh!
Ðiều Chúa hỏi người què – thực sự liên hệ mật thiết đến chúng ta hôm nay. Ðược Chúa tha thứ, giải thoát là cả một phước hạnh vô cùng lớn lao. Có niềm vui nào đầy trọn, ngọt ngào hơn là được Chúa tha thứ, chữa lành!
Muốn được chữa lành tại sao người què trả lời: “Thưa Chúa, khi nước động, không ai giúp đem con xuống nước. Lúc con bò tới nơi, có người đã xuống trước con rồi?”
Anh nhận biết anh không thể tự chữa lấy mình. Ba mươi tám năm bất lực! Anh cần người khác giúp đỡ nhưng không ai giúp đỡ anh. Què quặt tâm linh lại càng nghiêm trọng hơn! Không ai có thể chữa lành chúng ta – ngoài Chúa.
Người què biết anh cần đức tin. Tin cậy Chúa hoàn toàn. Vâng lời Chúa trọn vẹn – anh đứng dậy. Tin Cậy Vâng Lời! Anh khám phá ra, chân mình đứng thẳng và Chúa đã cho anh sức mạnh để bước đi – không cần người dìu dắt, không cần tập vật lý trị liệu. Ôi, nhiệm mầu. Ôi, tuyệt vời! Chúa là Nhà Dìu Dắt. Chúa là Ðấng Chữa Lành. Ha-lê-lu-gia, tạ ơn Chúa!
Anh, Chị và tôi cũng có thể đứng dậy vững vàng và bước đi mạnh mẽ nếu chúng ta tin cậy Chúa hoàn toàn. Muốn được chữa lành, chúng ta cần ý thức rằng mình không thể tự chữa, không thể tự cứu. Chỉ đặt mình trong tay Chúa với tất cả niềm tin chân thành, tha thiết! Ðức tin trọn vẹn dẫn đến mừng vui. Chúng ta có thể nhảy múa vui mừng vì Chúa chữa lành.
Nếu Chúa cho phép – Quý Vị và tôi viếng thăm Israel tháng Mười, năm 2009 nầy – ôn lại Dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh phước hạnh. Anh Chị Em mình sẽ chụp chung một tấm hình kỷ niệm bên hồ Bê-tết-đa.
Ðể đăng báo, gửi bài trên Mạng Lưới Toàn Cầu, websites, tôi nghĩ đến tựa đề “Những người què được Chúa chữa lành. Hình chụp bên hồ Bê-tết-đa.” Anh, Chị đề nghị tựa đề nào khác thích hợp hơn?
Chúa Jesus chữa lành người què trong ngày Sa-bát và bảo anh ta vát nệm về nhà. Người Giu-đa thù ghét Chúa càng hơn. Họ bắt đầu tìm cách giết Ngài.
Nếu nói theo phương diện con người, Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta đã tự dẫn mình đến cái chết đau thương. Chúa yêu thương một người què bất lực, khốn khổ. Anh được chữa lành bên hồ Bê-tết-đa.
Phép lạ bên hồ Bê-tết-đa dẫn Chúa lên thập tự giá. Chúa yêu thương người què nhiều thế đấy. Chúa yêu thương Anh, Chị và tôi biết bao nhiêu! Amen.
MS Hồ Xuân Phước