Bethlehem còn được gọi là “Thành David” – địa danh quen thuộc qua câu chuyện của những người chăn chiên (David, 1 Sa-mu-ên 17:40) và khung cảnh Chúa Cứu Thế giáng sinh hơn 2000 năm trước (Lu-ca 2:8). Nằm về hướng Tây Nam Jerusalem chừng sáu dặm, Bethlehem là một cổ thành của người Canaanite. Làng quê nhỏ, nhưng liên hệ mật thiết với tổ phụ người Do-thái.

Ra-chên, vợ Gia-cốp, tổ mẫu của 12 chi tộc Israel qua đời và được chôn tại Bethlehem (Sáng thế ký 35:16). Hiện nay, mộ của Ra-chên vẫn được tôn kính và tu bổ trang trọng. Một chi nhánh của gia đinh Caleb sống tại đây. Salma, con trai của Caleb được gọi là “Cha củaBethlehem” (1 Sử ký 2:51). Bethlehem là quê hương của người Lê-vi trẻ tuổi, làm thầy tế lễ cho gia đinh Mi-ca tại vùng đồi núi Ephraim (Các quan xét 17).

Bethlehem cũng là quê hương của vợ bé người Lê-vi sống trên vùng núi Ephraim. Cuộc sống của nàng sôi nổi. Hôn nhân của nàng ly kỳ và kết thúc với cái chết bi thảm tại thành Ghi-bê-a, đất Bên-gia-min. Người đàn bà Bethlehem không tên nầy bị hãm hiếp tập thể và lăng nhục thâu đêm cho đến chết – cái chết ô nhục đau thương là ngòi nổ của cuộc nội chiến ác liệt nhất trong lịch sử Israel (Các quan xét 19:25).

Sau mấy trận đánh đẩm máu, hơn 40 ngàn chiến sĩ Israel bỏ mạng. Về phía Bên-giamin, 25 ngàn quân ngã gục. Thành phố, làng mạc bị phóng hỏa thiêu rụi. Ðàn bà, trẻ con bị lưỡi gươm giết sạch. Chỉ có 600 chiến sĩ Bên-gia-min trốn vào sa mạc sống sót (Các quan xét 20).

Lần đầu tiên thành nhỏ nầy được đề cập đến trong Kinh thánh với tên Ephrath (Ép-ra-ta, Sáng thế ký 35:19), tức là Bethlehem Judah, để phân biệt với Bethlehem Zebulun (chi phái Sa-bulôn, Giô-suê 19:15).

Bethlehem là một làng quê, nằm trên trục lộ Nam Bắc nối liền Jerusalem với Hebron, miền Nam. Tuy nhỏ nhưng Bethlehem là một thành quan trọng vì ở cực Bắc của vùng Nam Judea, giao tiếp với Bắc Judea.

Bethlehem nằm trên vùng cao nguyên Judea, hướng Ðông có nhiều đồng cỏ, nhưng ngay tại Bethlehem đất khô, với những suối nước nhỏ hẹp. Tại đây người ta trồng lúa mạch nhiều hơn lúa mì vì lúa mạch thích hợp với vùng khô (Ru-tơ 2:23). Mặc dầu khô nhưng Bethlehem là vựa lúa của vùng Judea. “ Bethlehem” có nghĩa là Nhà Bánh – House of Bread.

Bethlehem nổi danh vì liên hệ với Chúa Cứu Thế qua người nữ Mô-áp tên Ru-tơ (Ruth) trong thời Cựu Ước. Ru-tơ sinh ra và lớn lên giữa một dân không thờ kính Chúa, nhưng nhờ làm dâu một gia đinh Israel thờ kính Chúa, nàng biết Chúa và thành tâm theo Ngài.

Chồng chết, nàng rời bỏ gia đinh và quê hương, theo Na-ô-mi, mẹ chồng về quê chồng tại Bethlehem – Nhà Bánh. Ru-tơ yêu kính mẹ chồng. Thay vì về với gia đinh mình sau khi chồng chết, Ru-tơ nài nỉ để được gần gủi, chăm sóc mẹ chồng và để theo Chúa: “Xin đừng ép con lìa mẹ, vì mẹ đi đâu, con đi đó. Mẹ ở nơi nào, con sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con. Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (Ru-tơ 1:16).

Na-ô-mi, người đàn bà Bethlehem bất hạnh, tị nạn xa quê, mất chồng, mất con nhưng không mất niềm tin nơi Thiên Chúa thành tín. Bà là một gương mẫu sống đạo sáng ngời, thu hút con dâu và dẫn đưa nàng đến với Chúa.

Ru-tơ là người Mô-áp – không thờ kính Chúa nhưng nàng không để tôn giáo của gia đinh và dân tộc ngăn cản mình đến với Chúa. Thiên Chúa cũng không để thành kiến, tôn giáo con người ngăn cản Ngài chấp nhận Ru-tơ. Chúa chấp nhận người thành tâm theo Ngài và ban phước dồi dào.

Theo sự hướng dẫn và chúc phước của Na-ô-mi, Ru-tơ lập gia đinh lần thứ hai với Bôô, người Bethlehem – cùng thờ kính Chúa (Ru-tơ 1:19, 22; 2:4, 4:11). Ru-tơ trở thành bà cố của vua David và là tổ mẫu của Đấng Mê-si-a.

Gia đinh nổi danh nầy được Kinh Thánh mô tả như sau: “Ða-vít là con ông Y-sai, ở thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đa. Ông có tám con trai. Dưới triều vua Sau-lơ, ông là một trưởng lão có tiếng tăm. Ba người con lớn của ông Y-sai đều theo vua Sau-lơ ra trận. Ða-vít là con út.

Ba anh lớn đi theo vua Sau-lơ, Ða-vít cũng hầu vua, nhưng chàng đi đi về về để chăn chiên cho cha mình ở Bết-lê-hem” (I Sa-mu-ên 17:12-15). Bethlehem là nơi Ða-vít chăn chiên cho cha mình và được tiên tri Sa-mu-ên xức dầu để làm vua thế Sau-lơ” (16:13).

Bethlehem nhỏ nhưng là đất đào tạo anh hùng. Ðây là nơi chôn nhau cắt rốn của vua Ða-vít và cũng là quê hương của các dõng sĩ can trường phò vua. Ba dũng sĩ lừng danh nầy băng ngang trại quân Phi-li-tin, múc nước giếng bên cổng thành đem về dâng lên vua, vì vua buồn, nhớ Bethlehem và thèm nước giếng làng quê thân yêu. David vô cùng cảm xúc, nghẹn ngào không uống nhưng rãy nước ra để dâng lên làm lễ cảm tạ Thiên Chúa và tri ân các dũng sĩ trung thành (2 Sam-mu-ên 23:14-17).

Ða-vít chỉ là một thiếu niên chăn chiên từ làng Bethlehem (như chăn trâu tại Việt nam) nhưng đạt đến đỉnh cao danh vọng – một vị vua oai quyền, đắc thắng. Bên cạnh những thành công rực rỡ, Kinh Thánh cũng ghi lại nhiều lầm lỗi, thất bại nghiêm trọng của Ða-vít.

Tại sao Chúa bảo David là “người theo lòng Ta – a man after my own heart?” Vì Ða-vít luôn nhiệt tình làm hài lòng Chúa. Ông luôn thực hiện chương trình của Chúa theo đúng ý Ngài (Công Vụ 13:22). Ða-vít phạm tội, thất bại nhưng nhanh chóng xưng nhận tội lỗi, ăn năn và thành tâm quay lại với Chúa. Vì ông thành tâm, Chúa tha thứ ông trọn vẹn. Hê-bơ-rơ chương 11 kể ông là một trong những anh hùng đức tin của dòng Sử Thiêng Trên Ðất Thánh.

Nhờ cao hơn mặt biển 2300 feet, địa thế tốt và đồn trại vững chắc, Bethlehem là vùng đất tương đối an toàn, ít bị quân thù quấy nhiểu. Trong thời David, quân Philistines đóng đồn ngay tại đây (2 Sam 23:14; 1 Sử ký 11:18). Sau thời Ða-vít, người Bethlehem chỉ được nhắc đến vì bị quân đội Babylon bắt lưu đày và sau đó, trở về làng cũ (E-xơ-ra 2:21; Nê-hê-mi 7:26).

Danh tiếng Bethlehem bừng sống dậy trong sách Mi-chê 5:2: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi thật nhỏ trong các chi tộc Giu-đa, nhưng từ nơi ngươi sẽ xuất hiện một Người. Người ấy sẽ thay Ta cai trị dân Y-sơ-ra-ên. Gốc tích Người từ thuở trước, từ những ngày xa xưa.”

Bethlehem trở thành đất thánh khi Chúa Cứu Thế Jesus giáng sinh. Người Y-sơ-ra-ên mong đợi Ðấng Mê-si-a sẽ ra đời tại Bethlehem (Mi-chê 5:2; Giăng 7:42; Ma-thi-ơ 2:1; Lu-ca 2:4-7). Câu chuyện Chúa Cứu Thế Jesus giáng sinh được ghi lại trong các sách Phúc âm. Thánh Lu-ca ghi chép khá nhiều chi tiết về sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế. Ông bắt đầu với việc thiên sứ đến viếng trinh nữ Mary, vì Thiên Chúa ban đặc ân cho cô (Lu-ca 2:28).

Thiên sứ cho biết: “Cô sẽ thụ thai và sinh một trai, đặt tên là Jesus. Thánh Linh sẽ giáng trên cô, cho nên Con Thánh sinh ra sẽ được xưng là Con Ðức Chúa Trời. Con đó sẽ nên cao trọng và sẽ được xưng là Con Ðấng Chí Cao. Chúa sẽ ban cho Ngài ngôi vua Ða-vít. Ngài sẽ trị vì nhà Gia-cốp đời đời.”

Trong cuộc kiểm tra dân số thời Hoàng đế La-mã Augustus, Giô-sép thuộc dòng vua David, phải từ thành Nazareth xứ Galilee về làng Bethlehem xứ Judea, quê hương vua David đăng ký cho mình và Mary, vị hôn thê đang có thai (Lu-ca 2:4-5). Mary sinh hạ Jesus, con trai đầu lòng, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không còn chỗ trọ.

Vì Chúa Jesus chào đời bên một vách đá bìa làng Bethlehem, hoàng đế La-mã Constantine xây một đại giáo đường trong thế kỷ thứ tư, tại hang đá nầy để đánh dấu nơi Chúa ra đời. Sang thế kỷ thứ sáu, hoàng đế Justinian đệ I mở mang, xây dựng thêm. Ðại giáo đường nầy được trùng tu nhiều lần cho đến ngày nay (Church of the Nativity).

Trong đêm Chúa vào đời, mấy anh chăn chiên ngoài đồng Bethlehem, thức đêm canh giữ bầy chiên. Thình lình, một thiên sứ của Chúa hiện ra, hào quang Chúa chói lòa khắp nơi. Họ vô cùng kinh hãi, thiên sứ liền trấn an: “Ðừng sợ, tôi đến báo các anh một Tin Mừng. Tin này sẽ đem lại niềm vui lớn cho mọi người. Ðêm nay, Chúa Cứu Thế, Ðấng Cứu Tinh của nhân loại đã ra đời tại Bethlehem.” (Lu-ca 2:8).

Bethlehem nhỏ bé bỗng dưng rực sáng với hào quang thiên thượng. Một đạo thiên binh xuất hiện giữa trời đêm ca ngợi: Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới đất cho người Ngài thương. Mấy người chăn chiên vội vàng vào thành Bết-lê-hem tìm gặp hài nhi thánh, đang nằm trong máng cỏ – để tôn thờ. Họ trở về, tiếp tục tôn vinh, ca ngợi Chúa.

Bethlehem cũng hân hạnh tiếp đón mấy nhà bác học tìm Chúa Cứu Thế. Tại sao họ tìm đến Bết-lê-hem? Vì họ đã thấy ngôi sao Ngài bên Ðông phương nên tìm đến để tôn thờ Ngài (Ma-thi-ơ 2:2). Sau khi dừng lại tại Jerusalem, các nhà bác học tiếp tục lên đường. Ngôi sao họ đã thấy bên Ðông phương lại mọc lên sáng rực, hướng dẫn họ đến tận nơi Con Trẻ ở. Thấy lại ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Vào nhà, thấy Con Trẻ và mẹ Ngài, các nhà bác học liền quỳ thờ lạy Ngài, rồi dâng hiến vàng, trầm hương và nhựa thơm (Ma-thi-ơ 2:9).

Không tìm được Chúa Cứu Thế trong thành Jerusalem chắc họ thất vọng lắm. Không rõ họ thất vọng đến mức nào nhưng tôi học được nơi họ ba điều quý báu. Thứ nhất, người khôn ngoan tìm Chúa. Không bỏ cuộc, không quay về. Ngay trong lúc thất vọng, họ tiếp tục tiến bước cho đến lúc gặp Chúa. Dầu gặp khủng hoảng, khó khăn, người khôn ngoan tìm Chúa. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa ở gần trong những ngày vui, cũng như những năm khốn khó. Bạn làm gì trong cô đơn? Tìm Chúa!

Thứ nhì, người khôn ngoan dâng điều tốt nhất cho Chúa. Các nhà bác học trang trọng dâng Chúa vàng, trầm hương và nhựa thơm – những lễ vật quý giá. Khác cách thông thường của chúng ta – giữ lại những gì tốt nhất khi thất vọng, buồn phiền?

Tôi thích dâng điều tốt nhất khi tôi nhận được điều tốt nhất? Tôi sẽ dâng hiến. Tôi sẽ phục vụ khi tôi có một chỗ ngồi danh dự? Bạn đang dâng điều tốt nhất cho Chúa hay dâng cái gì còn thừa lại? Dâng Chúa lễ vật đầu mùa của thời trẻ trung, mạnh lành, hay dâng củ khoai cuối mùa, xe đạp cũ, đồng bạc lẻ?

Nhiều người ngồi yên một chỗ, chờ Chúa đến tìm mình. Mừng sinh nhật Chúa, không có quà cho Chúa mà mong nhận được nhiều quà! Chúa đã đến tìm bạn và tôi. Chính Ngài là món quà quý giá, ý nghĩa, phước hạnh nhất. Chúa giáng sinh đem ánh sáng vào đời, đem cứu rỗi, hòa bình và tình yêu bền vững.

Món quà giá trị nhất bạn cần hôm nay là Chúa Cứu Thế Giáng Sinh. Mừng sinh nhật Chúa mà không có mối liên hệ nào gần gũi, thân thiết với Chúa thì thiếu sót quá. Mời bạn gặp Chúa ngay hôm nay. Gác việc nhà qua một bên để đến tôn thờ Chúa. Dâng hiến chính mình. Dâng tấm lòng kính yêu, tôn thờ. Dâng tâm trí để tiếp nhận Lời Chúa. Bạn dâng gì cho Chúa hôm nay?

Thứ ba, người khôn ngoan đổi hướng đi khi gặp Chúa. Ma-thi-ơ 2:12: Thiên Chúa bảo họ không được trở lại gặp vua Hê-rốt, nên họ đi đường khác về quê hương. Tại sao các nhà bác học chọn đường khác mà về? Vì qua kinh nghiệm của cuộc hành hương, Chúa dạy họ nhiều điều.

Thiên đàng phước hạnh không ở trong đền vua. Quyền lực chính trị không giải phóng con người. Bằng cấp không đem người đến gần Chúa yêu thương. Chúa bảo: đừng trở lại! Ði đường khác mà về! Về với gia đình, bà con mà loan Tin Mừng. Chúa Cứu Thế đã giáng trần. Hãy đến tiếp nhận Chúa và tôn thờ Ngài.

MS HO XUAN PHUOC