Lòng ghen tị cũng giống như sự chết sẽ đem lại sự chia lìa trong mối quan hệ yêu thương. Sự chết cướp đi những người thân yêu của chúng ta thế nào thì lòng ganh tị cũng phá hủy hạnh phúc trong hôn nhân như vậy, bởi vì nó tạo nên thái độ không tin cậy, ích kỷ và phá hủy sự tự do trong hôn nhân.
MỘT SỐ ĐIỀU NGĂN TRỞ TÌNH YÊU VÀ HẠNH PHÚC TRONG HÔN NHÂN
Lòng ghen tị và thái độ đòi hỏi
“Vì ái tình mạnh như sự chết,
Lòng ghen hung dữ như âm phủ” (Nha Ca 8:6)
Lòng ghen tị cũng giống như sự chết sẽ đem lại sự chia lìa trong mối quan hệ yêu thương. Sự chết cướp đi những người thân yêu của chúng ta thế nào thì lòng ganh tị cũng phá hủy hạnh phúc trong hôn nhân như vậy, bởi vì nó tạo nên thái độ không tin cậy, ích kỷ và phá hủy sự tự do trong hôn nhân – tự do để hành động và cư xử một cách tự nhiên bởi vì người vợ hay người chồng e sợ sẽ làm tổn thương cho người bạn của mình.
Như thế sự ghen tị tạo nên một mối liên hệ không tự nhiên. Sự chết phân rẽ và cướp đi những người yêu dấu của chúng ta. Lòng ghen tị cũng làm những người đang yêu thương nhau phải phân rẽ.
Khi sự chết cướp đi một người yêu dấu nào của chúng ta thì lòng chúng ta bỗng trở nên mềm mại và dịu dàng hơn. Thế nhưng khi bị mất người yêu bởi lòng ghen tị thì con người lại thường trở nên cứng cỏi, lạnh lùng, đầy giận dữ, trách móc, lên án và tự thương hại mình. Lòng ghen tị phá hủy nhân cách, mối quan hệ và cả sự tự tin. Nó cũng phá hủy chương trình của Đức Chúa Trời về một hôn nhân hòa hợp và hạnh phúc.
Ghen tị là một tội lỗi và chúng ta cần được sự tha thứ của Chúa cũng như của người vợ hay người chồng mà chúng ta đã xúc phạm. Những trường hợp trầm trọng cần có sự tham vấn, khuyên bảo, chữa lành và giải cứu. Một người nhạy bén có thể hiểu rằng người chồng hay người vợ của mình cần sự an tâm, tin tưởng. Sự ghen tị và thái độ đòi hỏi bắt nguồn từ sự mặc cảm và thiếu tự tin. Những vấn đề này thường có liên hệ với những hoàn cảnh thời thơ ấu và những kinh nghiệm bị ruồng rẫy trong quá khứ.
Những năm đầu khi chúng tôi mới lập gia đình, nhà tôi thường có khuynh hướng đòi hỏi. Cả hai chúng tôi đều có thái độ ngấm ngầm ghen tị. Thái độ ganh tị của tôi bắt nguồn từ mặc cảm tự ti, còn nhà tôi lại ganh tị bởi vì cảm thấy không yên tâm. Nhà tôi nhìn nhận rằng do được cha mẹ gởi vào trường nội trú rất sớm nên phải sống xa cách với mẹ của mình.
Vì thế tôi trở thành một chỗ dựa về tình cảm cho nhà tôi thay cho tình cảm của người mẹ mà nhà tôi đã không có được khi còn nhỏ. Sau khi cầu nguyện và thông cảm cho nhau chúng tôi đã nhận được sự chữa lành của Chúa và nhờ đó đã đắc thắng những yếu điểm này để có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Tình trạng vỡ mộng
Vỡ mộng có nghĩa là được giải phóng khỏi những ảo tưởng hay nói một cách khác là đối diện thẳng với thực tế.
Có người đã nói rằng phụ nữ đem lòng yêu thương và lập gia đình với chàng hiệp sĩ của lòng mình, để rồi sau khi cưới bỗng khám phá rằng hiệp sĩ của mình chỉ là hiệp sĩ giấy.
Phụ nữ thường có thói quen thêu dệt một hình ảnh rất lý tưởng về người chồng của mình. Suốt thời gian mới lớn, cô gái nào cũng mơ mộng về một người yêu lý tưởng. Những sự mơ mộng như vậy sẽ có thể khiến người phụ nữ bị thất vọng trước thực tế phũ phàng. Người phụ nữ đã mặc cho chàng hiệp sĩ của mình một bộ áo giáp hoàn toàn không phù hợp và đã vỡ mộng.
Làm thế nào để giải quyết tình trạng vỡ mộng ?
Những người vợ hay phàn nàn cần nhớ rằng cả họ nữa cũng không hoàn hảo. Người chồng của các bạn cũng có thể rất đau đớn nhận ra rằng cô thiếu nữ dễ thương ngày nào bây giờ đã biến thành một bà đầm hay cằn nhằn gắt gỏng ! Đôi vợ chồng có thể vượt qua tình trạng vỡ mộng này bằng cách nghĩ đến những phẩm chất tốt đẹp vốn đã lôi kéo hai người bước vào tình yêu với nhau từ lúc ban đầu.
Tình yêu lãng mạn là một thứ kinh nghiệm đầy cảm xúc và khi những bong bóng của sự mơ mộng vỡ tan thì hai người yêu nhau phải đối diện với một thực tế khá chua chát.
Có giải pháp nào cho vấn đề này không ?
Cả hai người cần phải nhìn thẳng vào thực tế của cuộc sống rồi sau đó sẽ thấy tình yêu của họ sâu sắc hơn.
Một ngày kia tôi khá ngạc nhiên khi nhận được một cú điện thoại của một người thanh niên vừa lập gia đình. Bằng một giọng đầy xúc cảm và nghẹn ngào người đó nói: “Vợ tôi đã bỏ tôi !”
Tôi liền hỏi: “Bạn nói thế nghĩa là gì ?”
“Cô ấy nói rằng không còn yêu tôi nữa”.
Tôi cảm thấy lo lắng bởi vì đây là một đôi vợ chồng mới cưới nhau và qua giọng nói tôi hiểu rằng người thanh niên đó rất đau khổ và lo lắng.
Tôi cần trao đổi thêm để hiểu được đầu đuôi câu chuyện. Tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa, tôi cảm thấy không cần lo lắng thái quá về tình trạng bi đát của người thanh niên này và chỉ chú ý nhiều hơn đến tình trạng vỡ mộng có thể đã xảy ra cho đôi vợ chồng trẻ.
Rõ ràng là họ vừa phải đối diện với một nan đề phức tạp ngay sau tuần trăng mật của họ.
Người thanh niên nói tiếp: “Chúng tôi dường như không hưởng được một chút gì hạnh phúc của gia đình cả”.
Tôi hỏi lại: “Tôi chưa hiểu rõ anh muốn nói gì ?”
“Cô ta không muốn tôi đụng đến cô ta. Cô ta không thích chuyện đó”
Tôi không lạ gì những hoàn cảnh như thế này. Khi các nan đề được phóng đại lên thì chắc chắn nó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc ân ái vợ chồng. Đây dường như là một thước đo hạnh phúc gia đình ! Không biết có phải đôi vợ chồng này đã sử dụng tính dục như là một vũ khí hay chỉ là bởi vì họ quá căng thẳng nên không thể đáp ứng một cách thoải mái ? Tôi nghi ngờ rằng cả hai khả năng đều có thể xảy ra. Họ đã nhìn tình yêu bằng cặp kính màu hồng và sự thật đã không như thế. Họ cần một cái nhìn mới mẻ hơn về tình yêu và cần hiểu biết lẫn nhau.
Nhận ra được nhu cầu của đôi vợ chồng này tôi đã sắp xếp ngay lập tức để họ có thể ngồi lại với nhau.
Người vợ trẻ bắt đầu nói: “Vừa mới bước vào nhà là anh ta đã bắt đầu ra lệnh cho tôi phải làm gì”
Người chồng lên tiếng: “Ra lệnh cho em à ?”
Tôi nói xen vào: “Cứ để cho cô ta nói”
Chỉ sau ít phút đôi vợ chồng trẻ đang bực bội và còn thiếu kinh nghiệm trong hôn nhân bắt đầu ngồi xuống và chăm chú lắng nghe. Trong khoảnh khắc đo, tôi bỗng nhận thấy tình yêu mạnh mẽ họ dành cho nhau cũng như thái độ quyết tâm học hỏi và sẵn sàng lại bắt đầu xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Người vợ trẻ cảm thấy tự tin hơn và nói: “Anh ta tỏ vẻ không thích cách tôi ăn mặc. Anh ấy cũng cho rằng tôi không biết quản lý tiền bạc”
Người chồng nói xen vào: “Chúng ta có hơi khó khăn về tài chánh”
“Anh có nói với em là anh xin lỗi mà”. Vừa nói người chồng vừa chăm chú nhìn vào ánh mắt của vợ mình.
Một khoảng yên lặng trôi qua, cả hai đều muốn người kia nói trước.
Tôi nhắc khéo: “Các bạn cần trao đổi tâm sự với nhau”. Người chồng mở lời: “Em cứ nói đi, anh sẵn sàng nghe mà”
Người vợ liền nói: “Bây giờ chúng ta mới bắt đầu sống với nhau mà anh đã đòi hỏi em phải cắt đứt quan hệ với bạn bè cũ. Anh có vẻ như lúc nào cũng ra lệnh cho em phải làm cái này cái kia”.
Với một giọng đầy xúc động, người vợ thốt lên: “Em cảm thấy như bị tù”.
Thế rồi người thiếu nữ trẻ òa lên khóc. Còn người chồng thì đầy lo lắng và bối rối. Chàng thanh niên cầm lấy tay vợ và nàng để im cho anh ta nắm tay.
Tôi nhẹ nhàng gợi ý: “Một trong những nan đề, ấy là người chồng có khuynh hướng hay phê phán và đòi hỏi”
Người vợ trẻ vừa thút thít vừa nói: “Bà nói đúng”. Người chồng không nói gì nhưng có vẻ rất bối rối.
Tôi đã phải dành mấy buổi để làm công tác khuyên bảo cho họ nhưng cuối cùng vấn đề đã sáng tỏ rằng chính người chồng đã không ý thức rằng cách cư xử của anh ta đã khiến cho người vợ trẻ bị tổn thương và cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng phải sống chung cả đời với người chồng như vậy.
Bởi lòng thương xót của Chúa, cặp vợ chồng này đã làm hòa lại với nhau và cùng nhau quyết tâm xây dựng lại mối liên hệ trong sự tôn trọng lẫn nhau và đặt Chúa lên trên hết.
Họ đã thành công một cách tốt đẹp.
Hạnh phúc chỉ có được khi chúng ta giúp đỡ người bạn đời của mình đạt đến sự trọn vẹn. Thật là dại dột nếu chúng ta tìm kiếm một sự hoàn hảo theo kiểu mì ăn liền trong hôn nhân. Nếu cả người chồng hay người vợ hiểu rằng mình cũng bất toàn thì chắc chắn không thể đòi hỏi người bạn của mình phải hoàn hảo. Không hề có một hôn nhân lý tưởng chỉ đơn giản bởi vì không hề có người nào hoàn hảo cả. Tuy nhiên, hôn nhân hạnh phúc là một điều hoàn toàn có thể đạt được nếu người chồng, người vợ cùng nhau xây dựng hạnh phúc đó. Chấp nhận những hạn chế của nhau và quyết tâm nhờ ơn Chúa giúp đỡ nhau trở nên hoàn thiện từ những điều Chúa ban cho mỗi người.
Tình yêu thương không hề hư mất bao giờ. Tình yêu thương không bao giờ thất bại.
Những trở ngại trong vấn đề tính dục
Một người phụ nữ tin Chúa lập gia đình với một người không tin Chúa đã đến gặp tôi và nói: “Tôi nghĩ rằng quan hệ xác thịt là điều ô uế.
altTôi sẽ không chấp nhận điều đó đâu !”Tôi e rằng người phụ nữ này sẽ không bao giờ có thể dắt đưa người chồng của mình đến với Chúa Cứu thế được.
Nhiều phụ nữ coi nhẹ vấn đề tính dục trong hôn nhân. Khi bước vào đời sống hôn nhân họ cho rằng quan hệ tính dục sẽ xảy ra một cách tự nhiên nhưng sau đó họ đã bị vỡ mộng. Điều này có thể xảy ra cho họ ngay trong đêm tân hôn. Người chồng trẻ mong mỏi có quan hệ ân ái để bày tỏ tình yêu của mình trong khi người vợ lại có ý nghĩ sẽ chiều theo ý người chồng để làm vừa lòng anh ta. Tuy nhiên phải chăng người vợ cứ tiếp tục giữ thái độ như vậy mà không cảm thấy khoái cảm gì cả ?
Một vài nguyên nhân dẫn đến sự ngăn trở trong quan hệ tính dục:
Một cặp vợ chồng Cơ Đốc trẻ vừa lập gia đình với nhau và gặp nan đề trong quan hệ tính dục cũng như quan hệ tình cảm với nhau. Họ đến gặp tôi và tâm sự về những quan hệ tính dục mà họ đã có trước khi lập gia đình. Những kinh nghiệm đó đã tạo nên sự sợ hãi và thiếu tin tưởng trong mối quan hệ và đã trở nên trở ngại cho quan hệ tính dục của họ.
Có một thiếu nữ kia vốn đã từng bị ảnh hưởng xấu bởi những phim ảnh đồi trụy nên đã có ấn tượng xấu về vấn đề tính dục. Điều này đã tạo nên một ảnh hưởng rất tiêu cực trong mối quan hệ với người chồng của cô.
Những tổn thương gây nên bởi những kinh nghiệm quan hệ tính dục trong quá khứ, trong tuổi thiếu nhi hoặc kinh nghiệm đau đớn trong trường hợp bị hãm hiếp hoặc bị đổ vỡ trong tình yêu.
Sự thù hận, thiếu tha thứ hoặc mặc cảm phạm tội.
Những vấn đề về sức khỏe có thật hoặc tưởng tượng. (Có khi người vợ giả vờ bị bệnh chỉ là để tránh không quan hệ với chồng)
Những trở ngại này có thể được giải tỏa qua sự trao đổi giữa vợ chồng với nhau. Một người chồng có tình thương đối với vợ có thể giúp người vợ của mình vượt qua được những trở ngại trong quan hệ tính dục. Các bạn có thể tìm sự tham vấn từ các chuyên gia Cơ Đốc hay các bác sĩ. Sự cầu nguyện, giải cứu, xưng thú tội lỗi có thể giúp chữa lành và phục hồi. Những sách vở tốt về vấn đề này cũng có thể giúp đỡ rất nhiều.
Đức Thánh Linh đã đến để giúp chúng ta đắc thắng trong mọi vấn đề của đời sống. Không có điều gì là khó quá đối với Ngài. Hãy để cho Thiên Chúa là Đấng đã tạo thành chúng ta hành động một cách có quyền năng trong cuộc đời chúng ta.
GIỮ SỰ LÃNG MẠN TRONG HÔN NHÂN
Lãng mạn ở đây có thể đồng nghĩa với phiêu lưu, mạo hiểm. Muốn giữ sự lãng mạn trong tình yêu đòi hỏi chúng ta phải có một chút tinh thần phiêu lưu mạo hiểm. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng tìm kiếm những kinh nghiệm hấp dẫn và mới lạ. Như thế sự lãng mạn trong hôn nhân có nghĩa là làm cho quan hệ vợ chồng trở thành kinh nghiệm hào hứng và thú vị.
Không khí lãng mạn không phải tự nhiên mà có được. Cả vợ lẫn chồng cần phải góp phần để tạo nên sự lãng mạn.
Sau đây là một vài gợi ý:
Giường ngủ – cần trang hoàng một cách hấp dẫn, sạch sẽ với ánh sáng dịu và âm nhạc gợi cảm.
Vệ sinh cá nhân – thường xuyên tắm rửa. Giữ thân thể thơm tho.
Lãng mạn trong quan hệ vợ chồng – Sẵn sàng bày tỏ tình cảm của bạn . Nghĩ ra những cử chỉ âu yếm đặc biệt nhất dành cho người chồng của mình khi hai người bắt đầu gần gũi nhau. Hãy thoải mái dâng hiến cho người chồng của mình.
Lời nói – Hãy điện thoại cho chồng và nói: “Em yêu anh lắm” . Hãy viết mấy chữ và nhét vào cặp táp của chồng mình. Hãy viết một lá thư đầy tình cảm gởi cho anh ta.
Hãy chuẩn bị một bữa ăn tối thật ngon – và cũng viết một tờ thực đơn phía dưới có ghi “món tráng miệng:mình thương nhau nhé”
Nhắc nhớ lại – dành thời gian để nhớ lại ơn phước. Vợ chồng cùng nhau nhắc nhớ lại những phước hạnh của Chúa.
Cầu nguyện – Cùng cầu nguyện với nhau, cảm tạ Chúa về đời sống của nhau. Cám ơn Chúa về những điều cụ thể.
Qua sự cầu nguyện, bạn có thể khám phá ra rằng Chúa có ý định làm cho đời sống hôn nhân của bạn thêm phong phú và ý nghĩa. Ngài đã có chương trình tốt đẹp cho bạn ngay từ ban đầu.
Mười điều cần lưu ý nếu bạn muốn đem lại hạnh phúc cho chồng
Khen ngợi ở đây có nghĩa là: đề cao, nhìn nhận những đức tính và giá trị của người chồng.
Bạn có thể khen ngợi chàng. Nhìn nhận những phẩm chất đáng quý của chàng với sự kính trọng. Đánh giá cao về chồng mình.
Nếu bạn coi chồng mình là quan trọng thì người chồng cũng sẽ hết lòng chăm lo đến bạn, vậy nên hãy coi chàng là quan trọng nhất trong gia đình.
Chấp nhận – có nghĩa là bằng lòng tiếp nhận. Khi bạn nói lên lời kết ước trong hôn nhân bạn đã đồng ý tiếp nhận chồng mình như là một phần của đời bạn “khi thịnh vượng cũng như lúc khó khăn”.
Công nhận – có nghĩa là nhìn nhận, ghi nhận. Bạn cần phải công nhận trách nhiệm lãnh đạo của người chồng trên đời sống của bạn và sẵn sàng hỏi ý kiến chồng.
Tán thưởng – khi chồng bạn làm một điều gì tốt cho gia đình hoặc chỉ đơn giản là chàng đã làm việc để cung cấp mọi nhu cầu cho gia đình thì bạn cần bày tỏ cho chàng biết bạn hạnh phúc và biết ơn về điều đó như thế nào. Đừng tỏ ra ơ hờ, vô tình.
Tích cực – Hãy tích cực đáp ứng lại với người chồng trong sinh hoạt tính dục. Hãy chứng tỏ sự nhiệt tình của bạn. Hãy làm cho chàng hiểu rằng bạn là một người vợ rất tuyệt vời.
Trung thành – hãy sống trung thành với những nguyên tắc của hôn nhân và với những lời hứa nguyện của bạn. Hãy hết lòng thủy chung để người chồng của bạn sẽ cảm thấy yên tâm và chắc chắn rằng bạn sẽ không bao giờ làm buồn lòng chồng và buồn lòng Chúa.
Có tinh thần bén nhạy. Là một phụ nữ, bạn được Chúa ban cho bản năng nhận xét bén nhạy. Hãy sử dụng khả năng này trong sự cầu nguyện và với tình yêu thương để kịp thời phát hiện ra những điều có thể đem lại nguy hiểm cho chồng và cho gia đình bạn. Chàng sẽ rất biết ơn bạn về điều đó.
Thuận hiệp – thuận hiệp với nhau ngay cả khi có những ý kiến bất đồng. Hãy có lòng nhân nhượng và chấp nhận những điểm không tương đồng, tránh khăng khăng làm theo ý muốn của mình.
Khen ngợi – khen ngợi là một cách thức tuyệt vời để khích lệ người khác. Hãy tỏ cho chồng của bạn biết rằng bạn rất nể chàng. Luôn khích lệ chồng mình bằng những lời khen ngợi. Hãy nâng đỡ chồng mình. Đừng bao giờ chê bai hoặc khinh thường. Chính tình yêu, sự kính trọng và tin tưởng của bạn dành cho chàng sẽ giúp chồng mình có nghị lực để đối diện với những khó khăn phức tạp của đời thường.
Hãy say mê chàng. Say mê có nghĩa là yêu thương một cách sâu sắc. Hãy nói cho chồng của bạn biết bạn hết lòng yêu mến chàng như thế nào. Không người nào lại không muốn được yêu thương và được nghe những lời âu yếm.
Chúng ta chắc chắn làm được tất cả những điều đó nếu chúng ta sẵn sàng dâng hiến. Tình yêu sẽ làm nẩy sinh tình yêu và chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thất vọng.
Nhà tôi rất khéo trong việc bày tỏ tình cảm một cách tế nhị. Một ngày kia trong tâm trạng hơi buồn, tôi bỗng nhận được một lá thư ngắn của nhà tôi gởi trong thùng thư với những lời lẽ đầy dịu dàng:
“Khi sống với người thật lòng yêu mình, bạn sẽ không cần phải luôn dè dặt, đắn đo. Cứ nói hết những gì trong lòng bạn. Người yêu bạn sẽ biết chọn lọc những điều hay và loại bỏ những rác rưởi”.
Tình yêu là gì:
Tình yêu là kiên nhẫn, chịu đựng mà không một lời than trách, là nhìn thấy những triển vọng bất chấp những khó khăn. Tình yêu thương là sự dịu dàng, nhân từ, khiêm tốn và vô kỷ. Yêu thương là tha thứ, là lịch sự , là không bao giờ giận dữ hoặc trả thù.
Yêu thương là luôn luôn bảo vệ, tin tưởng, hy vọng và không bao giờ thối chí bỏ cuộc. Tình yêu đẹp như ánh sáng cầu vồng trên bầu trời, đầy hy vọng và hứa hẹn.
Tình yêu vượt trổi hơn mọi điều và sẽ tồn tại mãi mãi bởi vì chính Thiên Chúa là tình yêu. Chính Ngài là Đấng vĩnh cửu. Trong Ngài chúng ta sẽ không bao giờ thôi không yêu thương bởi vì tình yêu chân thật chính là món quà lớn lao nhất mà Ngài dành cho chúng ta.
Những điều người chồng mong đợi nơi người vợ
Những ý kiến sau đây được tổng hợp từ các phiếu tham khảo ý kiến được thực hiện bởi 60 người chồng từ 30 quốc gia khác nhau đã từng tham dự các khóa học tại trung tâm dự bị hôn nhân Haggai.
Về thuộc linh
Là một Cơ Đốc nhân nhiệt thành, có các đức tính của Đấng Christ, sốt sắng cầu nguyện, hoạt động tích cực trong Hội thánh.
Trong gia đình
Có óc tổ chức, biết sắp xếp thời giờ, sắp xếp nhà cửa, sạch sẽ trật tự, là một người đầu bếp giỏi, có tinh thần hiếu khách, hết lòng tận tụy với chồng con, sẵn sàng phục vụ, luôn quan tâm đến các nhu cầu riêng tư của người chồng như quần áo, thức ăn …. Là một người mẹ tốt, biết hướng dẫn con cái tiếp nhận Chúa Cứu thế.
Biết sử dụng các khả năng của mình một cách sáng tạo, có tinh thần tiết kiệm và đảm đang.
Coi chồng con là một phần của sự thành đạt.
Các đức tính
Nhịn nhục, yêu thương, kiên nhẫn, thành thật, có kỷ luật, có tinh thần học hỏi, nhã nhặn, dễ thương, không ghen tị, ăn nói nhẹ nhàng, có đầy đủ các đức tính của người phụ nữ của Đức Chúa Trời, quảng đại, thân thiện, dịu dàng.
Sắc diện
Tươi sáng, xinh đẹp, duyên dáng, gọn gàng, ăn mặc phù hợp và đẹp đẽ. Lúc nào cũng xinh tươi và duyên dáng như những ngày đầu.
Thái độ đối với người chồng
Kính trọng, vâng phục, có tinh thần hỗ trợ, cộng tác với chồng trong công việc, trong chức vụ để đạt đến các mục tiêu chung. Nhận biết ưu điểm và khuyết điểm của người chồng. Là một người đáng tin cậy, dễ tha thứ , nhân từ và có tinh thần mẫu tử . Dễ gần gũi giao tiếp nhưng không nói nhiều quá. Tính khí ôn hòa. Sẵn sàng giải quyết những vấn đề một cách hợp tình hợp lý mà không tranh cãi.
Có tinh thần hợp tác.
Có khả năng nhận ra những cơ hội mới. Cùng chia xẻ với chồng về các khải tượng và mục tiêu. Có tinh thần hợp tác trong vấn đề tài chánh, nhạy bén nhận ra những nhu cầu của người chồng cần được yêu thương, ca ngợi và khích lệ. Khiêm tốn và sẵn sàng yên ủi chồng khi cần thiết. Tươi cười và khích lệ khi người chồng cảm thấy mệt mỏi. Là một người tình tuyệt vời.
Chúng tôi cũng thu thập được các ý kiến của quý bà về câu hỏi “Người phụ nữ mong đợi gì nơi người chồng ?”. Thật thú vị khi so sánh các ý kiến của quý ông và quý bà với nhau để thấy rằng chúng rất phù hợp với sự dạy dỗ của Kinh thánh về vai trò của người chồng và người vợ.
Có phải là quá lý tưởng chăng ? Có thể như vậy nhưng, Châm ngôn 31 lại còn đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn nữa !Những điều suy nghĩ và cầu nguyện
Tôi có tha thứ cho chồng khi chàng có thái độ quan liêu hoặc thô lỗ không ?
Tôi có cảm tưởng rằng đã bị lợi dụng và bởi đó cưu mang sự cay đắng, giận hờn đối với chồng không ?
Tôi có tin cậy chồng mình không ? Nếu không, tôi đã có tâm sự về điều đó với người chồng không ?
Tôi có tin vào nguyên tắc của Kinh thánh là vợ cần phải vâng phục chồng không ? Có những khía cạnh nào trong đời sống mà tôi vẫn không muốn vâng phục không ?
Có điểm nào trong cuộc sống gia đình mà tôi cảm thấy cần phải làm tốt hơn không (nên kể ra một cách chân thật)
Cách giải quyết – Sau khi đã trả lời những câu hỏi đó một cách chân thành, hãy cầu nguyện để bạn có thể đắc thắng trong những khía cạnh mà bạn còn thất bại. Hãy cầu xin Chúa tha thứ cho bạn về những điều bạn chưa thực hiện tốt.
Hãy hứa nguyện một cách mới mẻ với Đức Chúa Trời về đời sống cũng như về cuộc hôn nhân của bạn.
Hãy viết một lá thư cho chồng.
Theo SUU TAM