5 Chúa ôi, Bối Rối quá!
6 Có phải Chúng Mình là Của Nhau không?

Chúa ôi, Bối Rối quá!

Một ngày kia, Pete đến gặp tôi với thái độ nghiêm trọng và căng thẳng. Thưa bà, Dory là người Chúa chọn cho em, em có được phép có giờ tự do với cô ấy không ạ?” (giờ tự do là thì giờ đặc biệt mà Trường Kinh Thánh chúng tôi dành cho những đôi bạn đang yêu và đang tìm hiểu nhau).

Tin hay quá! Tôi đáp lời cậu ta. Nhưng em có chắc không?

Dạ chắc ạ, thưa bà, em ra- ắt chắc ạ, tay cậu ta đấm mạnh trong không khí chứng tỏ sự đoan chắc.

Thế em cầu nguyện cho cô ấy bao lâu rồi? tôi hỏi tới

. Dạ… một tháng ạ, lần này thì cậu ta có vẻ hơi lúng túng.

Thế em đã quen Dory được bao lâu? tôi hỏi rõ hơn.

Từ khi mới nhập học ạ, cậu ta đáp. Tôi nhẩm tính chỉ mới hai tháng.

Một khoảnh khắc im lặng.

Pete này, tôi cố gắng nói thật nhẹ nhàng, tôi không phải là người chống lại ý chỉ của Chúa, nhất là trong vấn đề tình cảm rất tế nhị này. Nhưng tôi mong em hãy tỏ ra khách quan với Dory và với chính mình. Mới có hai tháng quen biết và một tháng để cầu nguyện đối với tôi dường như quá ngắn ngủi để có thể xác định cô ấy chính là người Chúa chọn cho em. Sao em không đợi thêm một tháng nữa? Trong lúc ấy, hãy để ý Dory kỹ hơn, khách quan hơn. Có thật cô ấy là người em muốn lấy làm vợ không? Sau một tháng, hãy trở lại và cho tôi biết kết quả nhé.”

Pete cuối xuống nhưng gật đầu đồng ý. Riêng tôi, tôi rất thích cô ấy với em, tôi động viên cậu ta, nhưng vấn đề quan trọng là tìm biết xem có thật cô ấy đến với em theo ý của…” tôi chỉ lên trời. Có phải không?

Cậu ta lại gật, rồi đi. Tôi biết đó là một quyết định khó khăn đối với Pete. Tình cảm cậu ấy đang nồng nàn hướng về khuôn mặt dễ thương của cô bạn cùng lớp. Nhưng cậu ta vẫn làm theo lời tôi. Sau đó không lâu, cậu ta quay lại gặp tôi với một nụ cười gượng gạo.

Khoẻ chứ? tôi chào.

Bà đã nói đúng, thưa bà, Cậu ta bắt đầu. Tìm hiểu kỹ hơn, em thấy mình không thích Dory lắm. Xin cám ơn lời khuyên của bà, dù lúc ấy em không thích bà vì đã cho em lời khuyên ấy”.

Thế còn ý Chúa ra sao rồi? tôi nhắc khéo.

Cậu ta chỉ nhe răng cười. Bây giờ thì cậu ta đã hiểu rõ hơn rồi. Ý Chúa, chúng ta thường lạm dụng những từ nầy và đó chính là sự phạm thượng đối với Chúa. Trong nhiều cuộc tình, người Cơ đốc hay dùng từ ấy để dán cái nhãn thánh thiện lên những đam mê luông tuồng, vô lối. Andy và Rita từng yêu nhau theo ý Chúa và cũng bởi ý Chúa họ xa nhau. Bây giờ cũng lại là ý Chúa khi Andy là bạn trai của Cora, còn Rita là người yêu của Rico. Liệu đó có phải là ý Chúa không khi họ đang sắp lập gia đình với hai người ngoại?

Chúa đối với chúng ta bằng sự trân trọng và yêu thương. Ngài không đối xử với chúng ta cách hời hợt. Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi…” (Giang 1:17). Thế mà một thanh niên Cơ đốc lang thang từ vòng tay người này sang vòng tay người khác mà miệng cứ xưng danh Chúa thì đó là một kẻ phạm thượng, cũng là một kẻ dối trá. Anh ta sẽ phải trả lời trước mặt Chúa về sự giả dối của mình.

Zac Poonen nói: Một Cơ đốc nhân không bao giờ nên đùa với tình cảm. Tình yêu phải phát xuất từ tâm trí chứ không phải từ cảm xúc – vì cảm xúc thường lừa dối chúng ta”. Nói thế không có nghĩa trong tình yêu hoàn toàn không có cảm xúc, nhưng đúng hơn là cảm xúc phải tuỳ thuộc vào sự chọn lựa và quyết định tỉnh táo của chúng ta. Ông Poonen nói tiếp là điều ấy chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta để cho Thập Tự Giá hành động liên tục trong đời sống, tiêu huỷ tất cả những dục vọng và chỉ tiếp nhận ý muốn của Chúa.

Mỗi khi bạn gặp một người khác phái mà mình cảm thấy bị thu hút, bạn phải để cho Thập Tự Giá hành động cách cương quyết trên cảm xúc đó để rồi bạn có thể giữ mình tránh bị dây dưa tình cảm (dù kín đáo) với cô ấy hay anh ấy. Chỉ khi đó bạn mới ở trong tình trạng thích hợp để nhận biết rõ ràng ý chỉ của Chúa. Bạn phải kềm chế sự quan hệ tình cảm cho đến khi bạn đã tìm ra ý Chúa. Nếu không, bạn sẽ thấy cảm xúc của bạn làm mờ lý trí và rồi cuối cùng bạn sẽ đi chệch hướng.” (Zac Poonen, tình yêu, tình dục và hôn nhân, Gospel Literature Service: Bombay).

Cầu nguyện là bước đầu tiên để tìm biết ý Chúa trong những vấn đề liên quan đến người bạn đời tương lai của chúng ta. Chúng ta bền lòng cầu nguyện trước khi phán đoán xem người nào đó xứng đáng với tình cảm và sự quan tâm trọn vẹn của mình. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa kiểm soát và hướng dẫn tình cảm mình, để những cảm xúc không dẫn chúng ta đến những quan hệ không cần thiết chỉ đem lại đau lòng và hối tiếc. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa giúp mình đừng yêu quá sớm khi chưa sẵn sàng bước vào hôn nhân. Chúng ta cầu nguyện, để đến đúng thời điểm và theo cách của Chúa, Ngài sẽ bày tỏ rõ ràng người chồng hay người vợ Ngài đã chọn cho chúng ta.

Bà cho rằng Chúa quan tâm đến người chồng tương lai của em à? một nữ sinh viên xinh đẹp hỏi cách ngờ vực.

Ôi, em thấy bối rối lắm khi cầu nguyện về việc ấy!

Một cô khác vừa cười rút rích, vừa chọc vào hông bạn, Nếu Chúa đã chuẩn bị sẵn một người vợ cho em, giọng lè nhè của một cậu đeo kính ngồi cuối lớp, thì cô ấy là ai? Cậu ta đứng lên, kéo trễ cặp kính xuống chóp mũi rồi nhìn quanh với vẻ băn khoăn.

Một giọng nữ cất lên: Ở đây nè!

Tất cả phá ra cười. Việc chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện chuyên tâm cho vấn đề tìm người bạn đời tương lai, thật sự là một điều quan trọng mà nhiều bạn trẻ Cơ đốc cần biết. Trong số mười cô gái, chỉ có một hoặc hai người cầu nguyện cách rõ ràng cho người chồng tương lai. Số còn lại chỉ bắt đầu cầu nguyện sau khi đã được nhắc nhở. Còn với các bạn trai thì có lẽ không ngoa khi nói rằng họ còn ít cầu nguyện hơn nữa!

Lấy thí dụ trường hợp cô Trân Châu, một nữ tín hữu Trung Quốc. Cô ấy không đẹp nhưng thông minh và duyên dáng. Ở tuổi 25, là một nhà truyền giáo qua tài liệu, sách báo có nhiều kinh nghiệm, cô đã đi rất nhiều nơi.

Vốn quen biết cô khá lâu, tôi thân mật hỏi cô: Em có bạn trai không?

Dạ không, cô đáp, nhưng ở nhà có một anh để ý em.

Thế em có cầu nguyện cho việc lập gia đình hay cầu nguyện cho anh ấy không?” Tôi hỏi tiếp.

Dạ, chắc là không, cô trả lời tôi với ánh mắt láu lỉnh.

Có quan trọng lắm không? Đợi từ từ cũng được, phải không ạ?” Cô cười cười nói như vậy.

Người đàn ông bạn sẽ gọi là chồng suốt cuộc đời có là vấn đề quan trọng đối với Chúa không ư? Anh ta sẽ là cha của con bạn. Anh ta sẽ là chủ của gia đình và bạn sẽ phải thuận phục anh ấy như lời Chúa dạy. Anh ta sẽ là người mà bạn sẽ gắn bó cả cuộc đời trong mối quan hệ thân thiết nhất, gần gũi nhất. Thế thì anh ta có quan trọng không?

Còn nếu bạn là một thanh niên, bạn cho rằng Đức Chúa Trời không màng đến người sẽ là vợ bạn, sẽ là mẹ của con cái bạn sao? Người phụ nữ này, bất cứ cô ta là ai, hoặc sẽ gây dựng hoặc sẽ làm tan nát đời bạn. Cô ta có ảnh hưởng lớn lao nhất và sâu đậm nhất đối với bạn. Và bất kể tốt hay xấu, bạn cũng phải giữ lời hứa sẽ mãi yêu thương cô ta. Vì vấn đề quan trọng đến thế nên bạn cần dành thì giờ cầu nguyện trình dâng cô ta cho Chúa, tìm kiếm ý chỉ và sự xác quyết của Ngài. Hôn nhân phải đợi là đúng thôi. Nhưng không có lúc nào là quá sớm để cầu nguyện trong khi chúng ta chờ đợi ngày trọng đại ấy. Cơ đốc nhân cầu nguyện cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống – học hành, tài chánh, nghề nghiệp. Nhưng vì sao có nhiều người lại lặng thinh về cuộc sống tình cảm của mình? Nếu chúng ta thật sự nhận Chúa Jesus Christ làm chủ đời mình, chúng ta sẽ tâm sự với Chúa nỗi buồn khổ và cô đơn của chúng ta trong nếp sống độc thân, và khao khát có được một vòng tay yêu thương che chở. Chúng ta cũng sẽ tâm sự với Ngài về người yêu của mình (nếu chúng ta cảm nhận rõ ràng sự hướng dẫn của Ngài trong mối quan hệ này), về những kế hoạch chúng ta toan tính với nhau, cũng như những hy vọng trong tương lai. Có điều gì quá riêng tư hay quá ngăn trở khiến chúng ta không thể nói cho Cha mình nghe chăng? Vậy vì sao chúng ta lại bối rối vì những vấn đề của con tim?

Điểm chính yếu là có những Cơ đốc nhân cũng cầu nguyện – nhưng cầu nguyện quá trễ. Trước khi xin Chúa chọn cho mình, họ đã tự chọn rồi. Làm sao Chúa có thể cho biết ý muốn của Ngài trong hoàn cảnh ấy? Sự cầu nguyện của chúng ta là một việc làm vô ích trừ phi chúng ta có thể sẵn sàng từ bỏ người mình đang đặt vấn đề cầu nguyện, nếu chúng ta nhận biết đó là ý Chúa bày tỏ cho chúng ta. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta lại không sẵn lòng vâng theo ý Chúa. Và thế là chúng ta cứ cầu nguyện – nhưng không phải để tìm biết ý Chúa, mà để ép Chúa chấp nhận sự chọn lựa của mình.

Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp những bạn trẻ rất nghiêm túc nhưng lại rơi vào tình trạng đang có quan hệ với những người không xứng hiệp do không biết, không hiểu hay không xử sự dựa trên sự hiểu biết chương trình của Chúa. Có thể trước khi họ tin Chúa, họ đã đính ước với người nào rồi. Cũng có thể trước khi họ ý thức được tầm quan trọng của việc tìm kiếm ý Chúa, họ đã có quan hệ tình cảm sâu đậm. Vì đây thực sự là một vấn đề xảy ra cho một số bạn, chúng ta sẽ bàn sau. Điều chúng ta cần nhớ là: hôn nhân, cũng giống như tin nhận Chúa, là việc hệ trọng suốt đời. Chúng ta không nên hối thúc Chúa trả lời trong khi bản thân chúng ta chưa thích ứng với đời sống gia đình. Thay vì để mình bị ám ảnh bởi vấn đề nầy, chúng ta nên tập trung vào những mục tiêu hữu ích quanh mình như việc học, việc làm và vô số công tác trong sự phục vụ Chúa, những điều đó sẽ mang lại niềm vui trọn vẹn cho chúng ta trong những năm tháng còn độc thân.

Có Phải Chúng Mình là Của Nhau không?

Câu hỏi chúng ta phải tự hỏi trước khi cặp bồ không phải chỉ là Có phải cô ấy là người thích hợp với tôi không? hoặc Tôi có phải là chàng trai dành cho cô ấy không?” mà là Chúng tôi có phải là của nhau không?” Câu hỏi nhấn mạnh đến sự tìm hiểu ý Chúa từ cả hai phía. Vì có thể một bên thấy được ý Chúa là như vầy nhưng bên kia lại thấy ngược lại. Dĩ nhiên, hai người bất đồng ý kiến không thể nào đi chung với nhau được.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Poonen khi ông nói: Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể dẫn bạn đến với người bạn đời thích hợp nhất. Thật sự, Chúa rất muốn làm điều ấy nếu bạn sẵn sàng lắng nghe Ngài”. Vì vậy, vấn đề quan trọng là bạn sống gần với Chúa, cầu nguyện, chờ đợi và học hỏi lời Ngài. Sau đây là vài câu hỏi chúng ta cần xem xét trước khi đi đến quyết định. Những bảng chỉ đường này được rút ra từ Kinh Thánh và từ kinh nghiệm cá nhân của những người đã từng đương đầu với những tình huống khó xử tương tự.

Bảng chỉ đường 1 Cả hai bạn đều có mối tương giao riêng tư sống động và thiết yếu với Chúa Jesus Christ chứ? Câu Kinh Thánh Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin” rất là rõ ràng, không có cách nào để quanh co cả. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Đấng Christ và Bêlian nào có hoà hiệp chi, hay là kẻ tin có phần với kẻ chẳng tin?” (IICorinhto 6:14, 15). Sự tương phản Phaolô đưa ra càng làm nổi bật sự không hợp lẽ của việc kết hôn giữa tín hữu và người không tin Chúa. Căn bản là giữa họ không có một điểm chung nào cả. Algernon Black đã nói rằng khi một người nam và người nữ khác nhau trong niềm tin cùng những tiêu chuẩn tôn giáo tức là họ đã thực sự khác nhau trong lối sống.

Một phụ nữ có gia đình đã khuyên người bạn trong vấn đề hóc búa lập-gia-đình-với-người-khác-tín-ngưỡng như sau:

Tôi không thể đòi hỏi gì hơn nơi chồng tôi, ngoại trừ sự khác biệt về tôn giáo, mà đó lại là vấn đề ảnh hưởng trên mọi chuyện (ngay cả trong việc nấu ăn). Anh ấy tử tế, chu đáo, biết phụ tôi lo cho các cháu, chỉ thích vui vẻ với mẹ con tôi. Chúng tôi đã có những giờ phút tốt đẹp bên nhau. Nhưng đến Chúa nhật, tôi lại ngồi lẻ loi trong nhà thờ… Vâng, chúng tôi có nhau, nhưng tôi không bao giờ có thể hoà hợp trọn vẹn với chồng như tôi muốn…

Có nhiều va chạm xảy ra giữa tôi và anh ấy đến độ chúng tôi hầu như không dám nghĩ đến bạn bè nữa. Tôi trở nên dễ bị tổn thương khi biết những gì người ta bàn tán về anh ấy và tôi. Chồng tôi không có chung sở thích với những người bạn Cơ đốc của tôi, còn bạn tôi lại ngại mình không được hoan nghênh lắm tại nhà tôi. Không, chúng tôi không hề muốn vậy, tự nó xảy ra thế thôi, nhưng đó lại là cơn ác mộng mà tôi không thoát ra được.

Quyết định của bạn là quyết định gay go nhất, tôi biết thế. Xin Chúa cho bạn có sự khôn ngoan để quyết định đúng đắn. Người ta có thể lập gia đình vì yêu, nhưng hôn nhân là một chuỗi ngày sống chung. Tình yêu có thể làm phong phú mối quan hệ vợ chồng, nhưng không thể khắc phục những trở ngại không thể vượt qua được. Cách đây không lâu tôi suýt mất cháu trai nhỏ của chúng tôi. Cháu phải nằm trong lồng kính cầm cự với sự chết. Bây giờ cháu đã khoẻ, nhưng trong lúc cháu đau, tôi phải qua lại phòng cháu nhiều lần trong đêm, để xem thử cháu có khá hơn không. Chắc bạn cũng thấy nếu sức khoẻ của cháu đối với tôi còn quan trọng như vậy, thì phần tâm linh của cháu còn hệ trọng tới đâu. Tôi thật xót xa khi nhìn thấy những gì đang xảy ra đối với con cái.

Bạn ơi, tình yêu đòi một cái giá khá đắt đấy. Tôi xin bạn hãy dừng lại và suy tính thiệt hơn. Đừng bán rẻ quyền lợi của các con như tôi đã làm.

Tôi không định bảo bạn phải làm gì, chỉ muốn bạn biết những gì sẽ xảy ra thôi. Đó không phải chỉ là những gì bạn gây ra cho chính mình, nhưng còn là những điều bạn sẽ đem đến những người bạn thương yêu, và điều đó càng làm cho tình thế bi đát hơn.

Bi kịch đang là một mối đe doạ ngấm ngầm nhưng chắc chắn đối với những tín hữu nào dự tính kết hôn với người khác niềm tin. Tình yêu lãng mạn hiện tại có thể khiến bạn thấy vấn đề dường như xa vời hoặc không quan trọng, dầu vậy nó vẫn hiện diện. Khi đã quá muộn để quay lại thì những nguy cơ sẽ trở nên lớn hơn điều chúng ta tưởng nhiều. Câu Kinh Thánh Nếu một nhà tự chia nhau thì nhà ấy không thể còn được. (Mac 3:25) vẫn còn là một nhận xét có giá trị. Và câu cách ngôn sau đây cũng vậy, Gia đình nào cùng nhau cầu nguyện sẽ khắng khít với nhau. Chấp nhận lời tỏ tình của một thanh niên người ngoại hay theo đuổi một thiếu nữ không tin Chúa nhằm mục đích đem họ về với Chúa sau này là phương cách truyền giảng đáng nghi ngại. Động cơ thực hiện điều đó là vị kỷ và vì thế sai lầm. Để rồi hầu như chúng ta chỉ nhận được một sự tin Chúa giả tạo. Thử hỏi có chàng trai đang yêu nào lại không cố gắng tham dự những sinh hoạt tôn giáo của bạn? Có cô gái nào đang mê mẩn vì bạn mà lại không sẵn sàng nhất trí về tất cả những gì bạn nói?

Có người chỉ ra cặp này cặp kia đang hạnh phúc vì chính người tín hữu đã có thể dắt đưa người kia về với Chúa. Những trường hợp như vậy rất hiếm hoi và lại càng không phải là điển hình để noi theo. Nhiều người rơi vào trường hợp tương tự sẽ kể cho bạn nghe những tháng năm đầy nước mắt, đau lòng, cô đơn, mâu thuẫn trước khi nhờ ơn thương xót của Chúa họ được hoà hợp làm một. Chúng ta cũng phải nhớ rằng, tôn giáo cũng như nhiều lãnh vực khác trong cuộc sống là một vấn đề của họ tộc. Ngay cả khi người chồng hay người vợ không tin Chúa của bạn không gây áp lực với bạn thì gia đình của họ sẽ làm. Nhiều tín hữu đã phải chịu khuất phục hay thoả hiệp để được yên thân.

Bảng chỉ đường 2

Cả hai bạn có mong muốn đặt Chúa trên hết trong cuộc sống cá nhân và trong quan hệ với nhau không? Việc cả hai bạn đều là con cái Chúa không có nghĩa là các bạn đương nhiên được dành cho nhau. Các bạn còn phải có cùng một trình độ thuộc linh nữa. Điều ấy không có nghĩa là tỏ ra ngoan đạo, hay nhiệt tình tham gia mọi sinh hoạt ở nhà thờ. Cũng không có nghĩa là coi những tối nhóm cầu nguyện như cái cớ để hẹn hò nhau. Điều đáng buồn nhưng có thật là có nhiều cặp đã biến nhà thờ thành một nơi dành cho những cuộc hẹn hò bất chính dưới danh nghĩa những buổi nhóm thanh niên, những buổi tập hát hay những sinh hoạt khác.

Một bạn trai nhạy cảm đã thú nhận: Mỗi lần em muốn gặp cô gái em để ý, em phải suy đi tính lại. Có những lần em viện cớ đến gặp cô ấy để bàn luận trước những kế hoạch cho nhóm sinh viên mà cả hai cùng phụ trách, thật ra chỉ vì em muốn gặp cô ấy thôi. Con tim đã dễ dàng lừa dối em khiến em mang nặng mặc cảm có lỗi”. Vấn đề ở đây là bạn phải thành thật cố gắng suy nghĩ, nói năng và hành động giống như Chúa, trong khi chỉ có một mình hay có mặt người khác.

Bảng chỉ đường 3

Bạn có thật sự chấp nhận con người của nhau không? Câu hỏi này nhằm giả định rằng các bạn đã biết nhau khá lâu. Dành thời gian hai hay ba năm kết thân nhau trong tình bạn, đồng thời suy xét trong sự cầu nguyện giúp chúng ta có lợi thế hơn khi đánh giá lẫn nhau. Chấp nhận con người của nhau nghĩa là yêu nhau vì chính con người thật của nhau – với những mụt mụn trên mặt và tất cả những điều khác nữa! Và chúng tôi không chỉ nói về khía cạnh diện mạo. Nếu bạn có thể thấy và nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của nhau, cũng như khám phá và sửa đổi những điều chưa tốt cho nhau, thì có thể các bạn đúng là được dành cho nhau.

Một tình yêu trưởng thành sẽ sáng suốt hơn là mù quáng. Bạn phải chấp nhận một thực tế là với hai con người khác biệt, các bạn có hai cá tính khác biệt. Có nghĩa là tính khí, thái độ, cung cách và quan điểm của các bạn sẽ khác nhau. Vì vậy bạn không nên uốn nắn người yêu thành bản sao của mình, của mẹ mình hoặc của người bạn yêu thích nhất. Ngược lại, hãy để người kia hoàn toàn tự do được sống thật với con người mình. Và hơn thế, các bạn hãy tập thích nghi với những sự khác biệt của nhau. Chấp nhận ưu và khuyết điểm của nhau là bằng chứng của một mối tương giao chín chắn.