Thành và Thu quen nhau hơn bốn năm mới làm đám cưới và từ ngày cưới đến nay mới được nửa năm nhưng hai vợ chồng cứ có chuyện bất hòa với nhau hoài. Hễ chồng nói thì vợ không đồng ý, vợ nói thì chồng không đồng ý.
Sau khi thực sự chung sống dưới một mái nhà, đôi vợ chồng trẻ mới khám phá ra là hai người có cái nhìn khác nhau trong nhiều vấn đề, và đó là lý do tại sao hai người có nhiều điều bất đồng ý kiến với nhau. Vì không biết đây là điều bình thường, hai vợ chồng thật là buồn, không hiểu tại sao mình yêu nhau nhiều và trông mong được sống hạnh phúc với nhau dưới một mái nhà, nhưng bây giờ đời sống chung chẳng có gì là vui vẻ, hạnh phúc. Trong bài trước đây, chúng tôi có nói về vấn đề xung đột hay bất hòa trong hôn nhân, đây là điều bình thường, không tránh được trong đời sống vợ chồng. Có lẽ một số quý vị đang trải qua kinh nghiệm tương tự như đôi vợ chồng kia mà không biết giải quyết thế nào. Có người tin rằng vợ chồng không hòa thuận với nhau là vì khắc khẩu hay vì tuổi không hợp nhau. Ðây là điều không đúng. Chúng ta cần nhớ rằng vợ chồng dù thương nhau bao nhiêu vẫn không tránh được những lúc xung đột hay bất đồng ý kiến với nhau.
Vợ chồng bất đồng ý kiến với nhau là chuyện bình thường, không thể tránh được. Ðiều quan trọng là chúng ta cần tìm biết tại sao mình có bất đồng ý kiến và làm thế nào để giải quyết những bất đồng ý kiến đó. Như chúng ta đã biết, mỗi chúng ta được Ðức Chúa Trời tạo dựng một cách đặc biệt, không ai giống ai. Chúa cũng ban cho mỗi người chúng ta những tính tình và khả năng khác nhau. Thêm vào đó, mỗi chúng ta được nuôi dạy trong một gia đình khác nhau, lớn lên với những truyền thống và nề nếp khác nhau. Vì được trưởng dưỡng trong những gia đình khác nhau, với những kinh nghiệm sống khác nhau, mỗi chúng ta có những sở thích, suy nghĩ, ý kiến, quan điểm khác nhau, từ đó chúng ta có những trông mong, chọn lựa và quyết định khác nhau. Khi bước vào hôn nhân, hai con người khác nhau đó kết hợp làm một và chia xẻ cùng một đời sống, vì thế vợ chồng không thể nào tránh được những lúc bất đồng ý kiến hay xung đột với nhau.
Lúc mới bước vào hôn nhân, tình yêu chúng ta dành cho nhau còn đậm đà, mới mẻ, hai vợ chồng sẵn sàng chiều nhau và nhường nhau nên ít có vấn đề. Nhưng dần dần tình yêu phai nhạt, đời sống thay đổi, có nhiều lo lắng và nhiều trách nhiệm hơn, Khiến tinh thần chúng ta cũng căng thẳng hơn. Chúng ta dần dần mất đi lòng kiên nhẫn và không muốn chiều nhau hay nhường nhau nữa, từ đó xung đột và bất hòa bắt đầu xảy ra. Nếu không hiểu nguyên nhân và không biết cách giải quyết, những bất hòa đó sẽ gia tăng, khiến tổ ấm của chúng ta biến thành địa ngục trên trần gian.
Những điều nhỏ nhặt sau đây có thể đưa đến bất hòa giữa vợ chồng: Hai vợ chồng có tính tình và thói quen khác nhau như: một người có tính nói nhiều người kia ít nói, người thì thích thức khuya làm việc, người thì thích đi ngủ sớm và dậy sớm làm việc. Người thì cái gì nói là phải làm ngay, người thì thích từ từ hẵng làm hay khi nào hứng thì làm. Người thì đi đâu cũng phải đúng giờ, một khi đã quyết định không được thay đổi, người kia thì việc gì cũng từ từ, đi đâu trễ một chút cũng không sao, việc đã tính rồi vẫn có thể thay đổi và nếu cần, bỏ qua lời đã hứa cũng không sao. Người thì làm việc gì cũng kỹ càng, tỉ mỉ, làm đến nơi đến chốn; người thì cái gì cũng qua loa hời hợt, không để ý đến tiểu tiết; không chu đáo mà còn lại hay quên. Người thì lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp, người thì đi đến đâu bày bừa đến đó, miễn sao cho thoải mái là được. Người thì siêng năng hay làm, người thì thích nhàn nên có vẻ như lười biếng. Người thì thích bạn bè, đám đông, người thì thích yên tịnh, không muốn tiếp xúc với ai, v.v… Tất cả những khác biệt này khi chưa sống chung chúng ta không nhìn thấy và nếu có thấy thì cũng không ảnh hưởng đến tình cảm của hai người. Tuy nhiên, càng sống bên nhau lâu, những khác biệt này càng ảnh hưởng đến tình cảm giữa vợ chồng, khiến chúng ta thấy khó chịu, không chấp nhận và dần dần những điều đó trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng buồn giận nhau.
Trong đời sống hôn nhân, chúng ta trải qua những giai đoạn khác nhau. Trong những giai đoạn đó chúng ta đối diện với những vấn đề khác nhau, với nhiều trách nhiệm và ưu tư, lo lắng, khiến vợ chồng dễ có điều bất hòa với nhau. Những giai đoạn mỗi gia đình thường trải qua gồm có:
1. Khi có đứa con đầu lòng
Khi người vợ trẻ có thai và bị yếu mệt, hạnh phúc gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Người chồng trẻ cần thông cảm với vợ; chăm sóc vợ và sẵn sàng giúp đỡ công việc nhà chứ đừng buồn phiền hay bực bội vì vợ không thể lo cho mình như trước. Ðứa con đầu lòng chào đời sẽ đem lại niềm vui cho vợ chồng nhưng đây cũng là lúc vợ chồng dễ phiền giận nhau vì những thay đổi và những ràng buộc do đứa con đem lại. Ðứa con cũng có thể là nguyên nhân khiến vợ chồng bất đồng ý kiến với nhau vì mỗi người có một ý khác nhau trong cách chăm sóc con. Ngoài ra, đời sống gia đình lúc đó cũng bị xáo trộn, vợ chồng không có những thì giờ yên tĩnh riêng tư với nhau như trước vì thế dễ cảm thấy xa cách nhau. Trong thời gian mới có con đầu lòng, đôi vợ chồng trẻ thường lúng túng trong việc chăm sóc con, mệt mỏi vì phải thức khuya lo cho con, ăn uống lại thất thường; không những thế, lại còn phải tiếp những khách đến thăm, hoặc có bà con đến ở trong nhà để giúp đỡ. Thiếu ngủ, mệt mỏi, đời sống bị xáo trộn, chúng ta dễ bực bội, cau có. Trong lúc này, chỉ một bất đồng ý kiến nhỏ cũng có thể khiến vợ chồng giận nhau, to tiếng với nhau. Ðây là lúc tinh thần người vợ rất yếu, dễ buồn, dễ xúc động; người chồng thì cảm thấy cô đơn, thấy như mình đã bị bỏ quên nên cũng dễ buồn. Chúng ta cần biết những điều này để cảm thông nhau, đối xử với nhau cách tế nhị, yêu thương; nâng đỡ nhau thay vì phiền trách hay buồn giận nhau.
2. Khi có đứa con thứ nhì
Khi đứa con thứ nhì ra đời, nhất là nếu đứa con đầu còn quá nhỏ, một lần nữa, hai vợ chồng lại phải thích ứng với hoàn cảnh mới và những bận rộn mới. Nếu gia đình có người giúp thì sự thích ứng dễ chịu hơn nhưng nếu phải tự lo tất cả, đây cũng là giai đoạn khó khăn. Tuy hai vợ chồng đã quen với việc chăm sóc con nhưng vì mỗi người phải lo cho một đứa nên vợ chồng hầu như không còn thì giờ để chăm sóc nhau hay trò chuyện với nhau. Nỗi lo lắng về kinh tế gia đình trong thời gian này có thể gia tăng và đưa đến căng thẳng trong tâm trí, khiến vợ chồng dễ bất hòa với nhau. Ðây là lúc chúng ta cần cẩn thận và tế nhị với nhau, tránh nói hay làm những điều gây tổn thương cho nhau. Ðiều các bà mẹ trẻ cần nhớ là đừng vì quá lo cho con mà quên chồng, vì chồng cũng cần sự chăm sóc của mình. Các ông cha trẻ thì cần trưởng thành hơn, đừng ích kỷ chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình mà ganh với con. Các ông không nên đòi hỏi vợ phải chăm sóc mình như khi chưa có con nhưng nên tự lo lấy những gì có thể lo được, để vợ có thì giờ cho con, cũng đừng quên giúp vợ lo cho con. Khi cùng giúp nhau chăm sóc con vợ chồng sẽ có cơ hội ở bên nhau và có thì giờ cho nhau nhiều hơn.
3. Khi con bị đau
Có con và chăm sóc con là công việc chiếm mất nhiều thì giờ của vợ chồng, nhưng dần dần hai vợ chồng cũng quen với những bận rộn đó. Tuy nhiên, khi con bị đau, phải đưa đi bác sĩ, phải thức đêm chăm sóc nhiều hơn khiến vợ chồng bị mệt mỏi, buồn nản, lo lắng. Tâm trạng này cũng dễ khiến tinh thần và cảm xúc của chúng ta thay đổi, dễ buồn giận và phiền trách nhau. Có những ông chồng mỗi khi con đau là đổ lỗi cho vợ, bảo rằng vì vợ không chăm sóc con chu đáo. Chuyện con cái bị ốm đau là điều bình thường và tự nhiên, đó là một phần trong tiến trình tăng trưởng của các em. Vì thế khi con đau chúng ta không nên đổ lỗi cho nhau nhưng chấp nhận và hết lòng giúp nhau chăm sóc con. Những tốn kém về thì giờ, tiền bạc khi con đau cũng có thể khiến vợ chồng bực bội và cắn đắng nhau. Ðây là những điều chúng ta cần biết để đối xử với nhau cách tế nhị và giữ được hòa khí trong gia đình. Chúng tôi xin tạm ngưng Câu Chuyện Gia Ðình, đề tài bất hòa trong hôn nhân, hôm nay, trước khi từ biệt, chúng tôi xin gởi đến quý vị nguyên tắc ứng xử Kinh Thánh dạy khi chúng ta có bất đồng ý kiến giữa người này với người kia. Sứ đồ Phao-lô viết: Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với kẻ khác, thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi điều đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành (Cô-lô-se 3:13-14). Nhường nhịn và tha thứ nhau trong tình yêu thương là điều vô cùng cần thiết khi vợ chồng có điều bất hòa với nhau (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành