Chương 3: Đặt Câu Hỏi Thích Đáng (Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Bằng Cách Nào? H. Công thức hóa học của muối là gì? Đ. Bạn có thể lấy muối khỏi một bình đựng muối vào một ngày ẩm ướt nếu như bạn bỏ trước một ít hạt gạo vào bình. H. Hệ thống tàu ngầm có thể chứng tỏ lợi ích như thế nào? Đ. Cách tốt nhất để đi từ Grand Central đến Broadway và Phố 110 là hãy đón một chiếc xe buýt đến công trường Times Square và một chiếc xe tốc hành về hướng Bắc với hai đèn đỏ. Hỏi và Đáp thế nào đó đã không ăn khớp với nhau. Một lý do khiến cho những câu trả lời trở nên vô nghĩa bởi vì chúng là những câu trả lời dành cho những câu hỏi không được hỏi đến. Chúng có lẽ là những câu trả lời rất tốt nếu như câu hỏi là “Làm thế nào lấy được muối khỏi một bình đựng muối vào ngày ẩm ướt?” hoặc “Làm thế nào để đi từ Grand Central đến Broadway và Phố 110 bằng xe điện ngầm?” Phần lớn công việc của chúng ta khi tiếp cận Kinh Thánh là hãy học cách đặt những loại câu hỏi đúng, những câu hỏi mà các câu trả lời của Kinh Thánh sẽ là những câu trả lời xác thật. Thật vô nghĩa khi hỏi các tác giả Kinh Thánh như vầy: H. Làm sao để chứng minh sự hiện diện của Đức Chúa Trời? Đối với các truớc giả Kinh Thánh, loại câu hỏi nầy hoàn toàn nằm bên ngoài mục tiêu. Họ không nói về ý tưởng “điều gì đó ở đâu đó” có thể hay không thể tồn tại, mà đang nói đến một Đấng Thực hữu hằng sống là Đấng đối diện với họ, đã làm thay đổi đời sống họ, đã bước vào mối quan hệ với họ. Cố gắng để “chứng minh sự tồn tại của Ngài” chẳng khác nào bạn và Joe thảo luận câu hỏi: “Fred có thật sự tồn tại không?” ngay trước mặt Fred, Fred có lẽ thỉnh thoảng đóng góp vào cuộc thảo luận. Bạn phải coi sự hiện diện của Fred là điều đương nhiên, bởi vì bạn đã biết anh ta rồi. Đó chính là điều các tác giả Kinh Thánh đã làm với Đức Chúa Trời. Ngài là yếu tố đầu tiên và cuối cùng của đời sống họ. Họ chẳng mất thì giờ để ra sức “chứng minh” Ngài; họ đang tìm cách để xem Ngài tự bày tỏ chính mình Ngài như thế nào, và những gì Ngài truyền bảo họ. Vì vậy, muốn hiểu câu trả lời của Kinh Thánh chúng ta phải đặt câu hỏi phải lẽ: H. Đức Chúa Trời tự bày tỏ chính mình Ngài bằng cách nào? Như thế chúng ta sẽ đến được chỗ nào đó. Kinh Thánh Trả Lời Câu Hỏi Này Như Thế Nào Ngày xưa một nhóm người nô lệ không phải Do Thái đã cố gắng để tìm hiểu về Đức Chúa Trời của dân Do Thái. Nhưng điều nầy dường như tuyệt vọng. Họ kêu lên rằng: “Ngài thật là Đức Chúa Trời ẩn mình” (EsIs 40:15). Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời ẩn mình! Đối với nhiều người, đó là kết thúc vấn đề. Tuy nhiên vẫn còn có một ý nghĩa nữa để kêu gào. Bởi vì mặc dầu những người nô lệ nhận biết rằng Đức Chúa Trời thật là Đấng ẩn mình, họ biết nơi nào để tìm được Ngài. Ngài phải được tìm thấy trong Ysơraên. Họ muốn nói rằng nếu bạn muốn biết nơi nào Đức Chúa Trời ẩn mình nầy được mặc khải, hãy xem xét các biến cố trong đời sống và lịch sử của dân tộc Do Thái, vì chính tại đó, Đức Chúa Trời đã tỏ mình. Đối với người Ysơraên: “Thật Đức Chúa Trời ở giữa ngươi; ngoài Ngài chẳng có ai khác, không có Đức Chúa Trời nào nữa. Hỡi Đức Chúa Trời của Ysơraên, là Cứu Chúa, Ngài thật là Đức Chúa Trời ẩn mình! ” (45:14, 15). Thật ra nói như thế là muốn bảo rằng: “Nếu bạn muốn biết Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài như thế nào, hãy xem xét những biến cố lịch sử của dân Do Thái, bạn sẽ thấy Ngài hành động tại đó, và bạn sẽ thấy Ngài tỏ mình ở đó, chứng tỏ cho những người ấy Ngài là Đấng nào, Ngài như thế nào, Ngài truyền bảo họ điều gì, Ngài hứa với họ điều gì.”Vì vậy mà Kinh Thánh cho chúng ta lịch sử của dân tộc Ysơraên đó, và cuối cùng (trong Tân ước) câu chuyện của một nhân vật mà qua Đấng đó, Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài cách trọn vẹn nhất. Đây là điều cực kỳ gây ngạc nhiên. Thậm chí gây bàng hoàng. Bởi vì dân Do Thái nầy không phải là một dân tộc “lớn” như các dân khác. Họ là một dân nhỏ bé, luôn luôn bị cai trị bởi các dân tộc lớn, bị hoạn nạn, bị đẩy vào trong tình trạng lưu đày, các thành, làng mạc và dân sự của mình cứ không ngừng bị nhổ khỏi chỗ và bị hủy diệt từ lúc nầy đến lúc khác. Trên sân khấu của lịch sử thế giới, họ là một tấm thảm trên nó các đế quốc lớn chùi ủng -khó mà là một nơi thích hợp để mong được thấy Đức Chúa Trời hành động! Nếu chúng ta lên kế hoạch thực hiện công việc, nhất định chúng ta sẽ chọn cách khác. Nhưng không phải chúng ta hoạch định các sự việc, vì vậy chúng ta phải lắng nghe lời tuyên bố của Kinh Thánh, đó là cách Đức Chúa Trời đã hoạch định, và hãy xem vì sao Ngài đã làm điều đó theo cách của Ngài chứ không phải theo cách của chúng ta. Vậy thì đâu là câu trả lời của Kinh Thánh cho thắc mắc: “Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài như thế nào?.” Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Điều đầu tiên phải được nói không rõ ràng như nó có thể xuất hiện. Kinh Thánh tỏ rõ rằng Đức Chúa Trời bày tỏ chính mình Ngài . Ngài không chỉ tiết lộ những thông tin về chính mình. Nói một cách khác, những gì chúng ta tìm được trong Kinh Thánh không phải là một mớ các dữ kiện về Đức Chúa Trời, mà là một Đức Chúa Trời hằng sống trong mối quan hệ sống động với những con người sống. Những người nầy không tự sức mình đưa họ vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ làm chứng rằng Đức Chúa Trời đã chủ động tìm kiếm họ. Công việc của họ là đáp ứng lại, nhưng phần chủ động nằm ở phía Ngài. Ngài bày tỏ cho họ không phải chỉ những ý tưởng hoặc những thông tin mà là chính mình Ngài. Trên thực tế, đây là phương cách duy nhất có thể được thực hiện để dẫn đến mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người. Hãy xem xét điều đó theo cách nầy. Một học sinh trung học mới đang tiến vào cửa. Một cách độc lập, bạn có thể biết được khá nhiều về cậu ta: mười lăm tuổi, tóc nâu, cùng học chung một trường với bạn, cởi xe đạp thành thạo, mang chiếc găng tay sặc sỡ của người chơi bóng chày ở hàng tiền đạo, khỏang hai lần một tuần, thường nhận những bức thư sực nức mùi thơm nằm trong những bao thư tô màu, được viết bằng nét chữ viết tay mảnh dẻ của con gái, Tất cả những yếu tố nầy bạn có thể khám phá bởi một chút điều tra kiên nhẫn. Tuy vậy bạn có thật sự biết rõ anh ấy không? Tất nhiên là không. Làm thế nào để bạn có thể biết anh ta? Chỉ bằng một cách, trong sự phân tích vừa rồi, nếu người bấy bằng lòng tỏ mình cho bạn biết , nếu anh ta sẵn sàng chủ động bước vào mối quan hệ với bạn để rồi qua mối quan hệ ấy, anh ta tiết lộ chính mình cho bạn. Nếu điều nầy xảy ra, bạn không những chỉ biết những sự việc về anh ấy, mà bạn còn sẽ biết chính người ấy . Bạn và anh ta sẽ gặp nhau trong sự gặp gỡ sống động. Điều nầy phần nào cũng giống như lời tuyên bố mà Kinh Thánh đã nói về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời được nhận biết bởi cùng một loại gặp gỡ sống động, qua đó chúng ta hiểu biết một con người sống. Nếu Ngài không mặc khải chính Ngài thì Ngài vẫn mãi mãi ẩn dấu đối với chúng ta. Chúng ta không thể biết Ngài thật sự nếu tất cả những gì chúng ta có chỉ là những thông tin về Ngài. Chúng ta không thể bước vào mối quan hệ với những thông tin về Đức Chúa Trời; chúng ta chỉ có thể bước vào mối quan hệ với chính Đức Chúa Trời. Vì vậy Kinh Thánh không phải là một cuốn sách giáo khoa gồm những lời tuyên bố mang tính giáo lý (mặc dầu những lời tuyên bố mang tính giáo lý có thể rút ra từ Kinh Thánh) – Kinh Thánh là một lời ký thuật về một cuộc gặp gỡ giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Qua Các Sự Kiện Lịch Sử Chúng ta thấy Đức Chúa Trời hành động ở đâu? Tại đây Kinh Thánh nói rất rõ. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài ngay nơi con người sống -giữa những hy vọng và những thù ghét của họ, những ưa thích và sợ hãi của họ, những công việc và tranh chiến của họ, tức là trong các sự kiện lịch sử, và đặc biệt là trong các sự kiện lịch sử của dân tộc Do Thái. Khi những con người mà đối với họ, Đức Chúa Trời là thực hữu trong quá khứ, hiện tại và tương lai, họ tìm thấy niềm tin của mình đặt nơi Ngài được khẳng định, được làm sáng tỏ, và đôi khi được sửa đúng. Ngài làm các công việc – lịch sử là nơi làm việc của Ngài. Ngài ban cho bằng chứng ngay nơi con người đang sống Ngài là Đấng thế nào và điều Ngài sẽ làm. Mặc dầu đây vẫn luôn là một điều bí ẩn, chỗ mà ý nghĩa nào đó bước vào sự bí ẩn, chỗ mối quan hệ thật thay thế điều chỉ là thông tin, luôn nằm giữa tình huống thực của con người. Lời tuyên bố Đức Chúa Trời đang hành động ngay nơi con người sống là một tuyên bố có ý nghĩa lớn lao. Có nghĩa là muốn biết Chúa và được Ngài biết, bạn không cần phải chìm vào một tình trạng hôn mê huyền bí, tự tách mình khỏi loài người, hay cứ luôn ở trong nơi ẩn dật. Đức Chúa Trời ở ngay nơi bạn sống, ở trong tình huống của bạn, không phải nơi nào khác. Hãy xem xét ba ví dụ về việc Chúa gặp gỡ loài người trong những tình huống lịch sử của chính họ: VÍ DỤ MỘT: Khi Con cái Ysơraên cuối cùng đã thoát khỏi các đội quân Pharaôn đuổi theo, và băng qua Biển đỏ, họ đã không tự hào về kế hoạch khôn khéo của chính mình. Trái lại, họ dâng lời cảm tạ Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu họ khỏi kẻ thù. Sự giải thích biến cố đó tác động đến toàn bộ lịch sử về sau nầy của họ. Đức Chúa Trời đã giải cứu họ trong giờ phút hiểm nghèo; Ngài đã hành động ngay nơi họ đang có mặt, ở với họ trong giờ khủng hoảng. VÍ DỤ HAI: Nhiều thế kỷ sau đó cũng chính những người Ysơraên nầy đã bị đánh bại hoàn toàn bởi người Babylôn, bị bắt làm phu tù. Tuy nhiên ngay cả trong toàn bộ biến cố đau buồn của sự thất bại và lưu đày của mình họ vẫn có thể thấy Đức Chúa Trời đang bày tỏ chính mình Ngài, tỏ cho họ thấy hậu quả của việc họ không làm theo ý muốn Ngài. Họ đã khám phá Ngài đang khi làm việc, không phải bởi họ quay lưng lại với lịch sử, mà ngay giữa lịch sử. VÍ DỤ BA: Cuối cùng, khi Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua đời sống của một con người, thì điều nầy cũng đã xảy ra ngay nơi con người đang sống. Những lời ký thuật về sự ra đời của Chúa Jêsus nhắc nhở chúng ta về điều đó. Cơ hội nhìn thấy con trẻ Cứu Thế không được ban cho những người chăn chiên đang khi họ thực hiện một chuyến hành hương hoặc thậm chí khi họ đang ở trong nhà thờ, nhưng đang khi họ đang làm công việc thích hợp của mình, đó là chăn giữ bầy chiên. Cùng một tin mừng đã đến với những Nhà Thông thái ngay nơi họ ở, bận rộn với công việc thích hợp của họ, đó là quan sát bầu trời. Chúa Cứu Thế chính là một phần của lịch sử chúng ta. Ngài đã ra đời “trong đời vua Hêrốt trị vì.” Ngài đã chịu khổ “dưới tay Bônxơphilát.” Cuộc đời của Ngài đã được xác định niên đại. Những cuộc gặp gỡ giữa loài người và Đức Chúa Trời xảy ra ngay nơi con người sống, trên vũ đài lịch sử loài người. Lưu Ý Dành Cho Những Độc Giả Thận Trọng : Nhưng ở đây có một vấn đề rắc rối. Nhiều người bảo rằng: “Đức Chúa Trời mặc khải chính mình qua thiên nhiên , đó chính là nơi tôi tìm thấy Ngài.” Đúng là thế giới tự nhiên, công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời, cho chúng ta một số những dấu chỉ về tâm tánh của Đấng Tạo Hóa. “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời; bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi Tv 19:1). Nhưng tác giả Thithiên lẫn các trước giả Thánh Kinh đều không hề dùng thiên nhiên để tranh luận về Đức Chúa Trời như thể nhờ thiên nhiên bạn có thể nhận biết Đức Chúa Trời theo đức tin Thánh Kinh là Đấng thế nào. Lấy thế giới tự nhiên để biện luận rằng “phải có” một Đức Chúa Trời, hoặc thiên nhiên ấy “chứng minh” sự tồn tại của Đức Chúa Trời, là mang lấy một công việc đáng nghi ngại. Bởi vì nếu thiên nhiên đem lại ánh hoàng hôn đáng yêu thì nó cũng mang lại ung thư, những trận bão lốc và những con cọp hung dữ cấu xé lẫn nhau. Đức Chúa Trời không thể được “giải thích” bởi thiên nhiên. Đó là một cách khác. Bởi vì họ đều đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời vì những lý do khác, nên các trước giả Kinh Thánh có thể nhìn thấy bằng chứng về Đức Chúa Trời trong trật tự được tạo dựng của Ngài. Nhưng vũ đài thật sự của cuộc đối đầu giữa Đức Chúa Trời và con người không phải chỉ là thế giới thiên nhiên, mà là thế giới của các biến cố loài người, nơi con người đau khổ, tranh đấu, yêu, ghét, sống và chết. Đức Chúa Trời Mặc Khải Chính Mình Ngài Qua Những Con Người . Làm thế nào chúng ta biết hoạt động của Đức Chúa Trời trong thế giới các biến cố loài người? Chúng ta không thể chỉ xem xét một nhóm các “biến cố” phức tạp và đi đến kết luận về Đức Chúa Trời từ nơi chúng, cũng như chúng ta không thể xem xét thiên nhiên và kết luận về Đức Chúa Trời từ nơi đó. Điều chúng ta tìm được trong Kinh Thánh, khi đối mặt với nan đề nầy, không phải chỉ là vấn đề thuật lại lịch sử mà là cách giải thích lịch sử. Lời tuyên bố Đức Chúa Trời hành động trong lịch sử dân Do Thái, chẳng hạn, là một cách giải thích dựa trên lịch sử đó bởi những con người xem xét nó từ một quan điểm đặc biệt. Ý nghĩa nội tại của tình tiết Biển đỏ là một ý nghĩa được truyền đạt cho chúng ta bởi những con người mà niềm tin của họ đặt nơi Đức Chúa Trời khiến họ hiểu được sự kiện ấy theo cách rất đặc biệt. Chúng ta thấy rằng đối với một số người dường như Đức Chúa Trời ban cho họ sự hiểu biết đặc biệt. Qua họ, ý muốn và mục đích của Ngài gần gũi với chúng ta hơn là qua những người khác trong cùng trường hợp đó. Những người nầy được gọi là “các tiên tri.” Chúng ta thường nghĩ đến một vị tiên tri như là một người nói trước tương lai, như thể người ấy có được quả cầu thủy tinh được bảo đảm bởi Thượng Đế. Mặc dầu đúng là các tiên tri trong Cựu ước thường nói về tương lai và điều tương lai mang lại, tầm quan trọng chính của họ là tư cách phát ngôn nhân của Đức Chúa Trời, những người báo trước về ý định của Đức Chúa Trời cũng như nói trước về tương lai. Và họ nói với uy quyền. Họ không nói một cách nhút nhát. “Đối với tôi dường như một khả năng hợp lý đó là trong những hoàn cảnh nhất định chúng ta chỉ có thể giải thích ý muốn của Đức Chúa Trời là vì vậy-cho nên,” Không, khi phải nói điều gì, họ nói như sấm truyền: “GIÊHÔVA ĐỨC CHÚA TRỜI PHÁN NHƯ VẦY!” và sau đó công bố ý muốn của Đức Chúa Trời cho tình huống riêng biệt đó. Các tiên tri báo cho dân sự điều Đức Chúa Trời sắp sửa làm, và điều mà Ngài sẽ làm vào thời điểm đó; họ chỉ rõ rằng Đức Chúa Trời đang hành động, rằng họ dự phần vào, rằng họ không ngồi yên và để mặc cho mọi sự xảy ra. Và vì vậy bởi việc chứng kiến một Đức Chúa Trời hành động, họ đã là và vẫn là một phương tiện để qua đó Đức Chúa Trời mặc khải cho những người còn lại trong chúng ta. Chúng ta sẽ xem xét những sự hiểu biết của các tiên tri nầy khá chi tiết khi đọc cuốn sách nầy. Còn bây giờ chỉ hãy lưu ý Đức Chúa Trời, Đấng mà các tiên tri đã cho chúng ta được làm quen với, là như thế nào. Ngài là Đức Chúa Trời của sự công bình nghiêm nhặt, Đấng đã truyền rằng chúng ta phải công bình nghiêm túc trong mọi cách giao tiếp xử sự của con người mình (Amốt); Ngài cũng là Đức Chúa Trời đầy lòng thương xót và nhân từ, không sẵn sàng từ bỏ dân sự dầu họ đáng bị từ bỏ (Ôsê); Ngài là thánh, cao trọng và được cất nhắc, là Đấng “khác biệt” với chúng ta (Êsai). Phần lớn hiểu biết riêng của chúng ta về Đức Chúa Trời là kết quả những lời tuyên bố gây thu hút của các vị tiên tri. Đức Chúa Trời Mặc Khải Chính Mình Ngài Cách Tối Thượng Qua Một Thân Vị – Chúa Cứu Thế Jêsus . Toàn bộ Cựu ước đều hướng về điều nầy. Một số các nhà tiên tri đã nói đến Đấng Chịu Xức Dầu (“Mêsia” là từ Hybá) Đấng sẽ đến từ Đức Chúa Trời để tỏ cho loài người biết Đức Chúa Trời là Đấng nào, và Ngài truyền dạy họ điều gì. Nói cách khác, giữa tất cả những gì đã xảy đến trong lịch sử Do Thái, một điều xảy ra có ý nghĩa hơn bất cứ điều nào khác; giữa vòng tất cả những nhân vật lịch sử Do Thái, sẽ xuất hiện một con người quan trọng hơn bất cứ con người nào khác, và qua các biến cố của đời sống con người nầy, sự mặc khải của Đức Chúa Trời sẽ được làm trọn vẹn hơn là đã được bày tỏ trước đây. Cựu ước chờ đợi “kỳ trọn vẹn” khi mọi sự nầy sẽ xảy đến. Vào một thời kỳ, dân chúng kêu khóc với Chúa qua một hình ảnh thật sống động: “Ôi! Ước gì Ngài xé rách các từng trời, Ngài ngự xuống” (EsIs 64:1). Lời tuyên bố của Tân ước chính là sự đáp lời cho tiếng kêu ấy. Đức Chúa Trời đã đến cùng con người, bởi vì con người không thể đến với Đức Chúa Trời. Ngài đã đến bằng phương cách duy nhất mà họ có thể hiểu được, là một con người, giống như chính họ. Điều nầy, cũng là điều mà đức tin Cơ Đốc xưng nhận, là sự bày tỏ tuyệt đỉnh của Đức Chúa Trời cho con người: Đức Chúa Trời tỏ bày chính mình Ngài cách trọn vẹn nhất trong những sự kiện tập hợp lại chung quanh một Chúa Jêsus, được gọi là Đấng Christ. (“Christ là tiếng Hy lạp tương đương với từ Mêsia” trong tiếng Hêbơrơ. Những từ nầy có thể dùng thay thế cho nhau). Trong khi Cựu ước nói bằng những thuật ngữ chung chung về lời Đức Chúa Trời, hoặc quyền năng sáng tạo của Đức Chúa Trời, thì Tân ước nói bằng những thuật ngữ hết sức cụ thể khi xem xét Chúa Cứu Thế Jêsus: “Ngôi lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta” (GiGa 1:14). Những hàm ý của lời tuyên bố trọng yếu nầy, điều ngạc nhiên nhất từng được thực hiện, sẽ chiếm phần lớn sự chú ý của chúng ta suốt quyển sách nầy. Điều chúng ta phải nhìn thấy rõ ràng ở tại điểm nầy đó là khi Kinh Thánh phán về Đức Chúa Trời thì không chỉ nói về Đức Chúa Trời; mà Kinh Thánh tỏ cho chúng ta Đức Chúa Trời hành động trong bối cảnh loài người, trong đời sống một con người. Như vậy Đức Chúa Trời tỏ mình cho chúng ta bằng cách nào? Cuối cùng và mang tính quyết định, Đức Chúa Trời đã tự bày tỏ mình bằng cách chính Ngài đã đến với chúng ta qua Chúa Cứu Thế Jêsus, là Đấng bước vào mối tương giao với chúng ta, mang lấy trên chính mình Ngài những giới hạn của kiếp người, thậm chí chịu khổ và chịu chết như là sự bày tỏ tối hậu của tình yêu và sự khao khát Đức Chúa Trời dành cho chúng ta để bước vào mối thông công trọn vẹn hơn với chúng ta. Chúng ta hãy quyết định điều phải làm với Ngài. Đức Chúa Trời Bày Tỏ Chính Mình Ngài Qua Đời Sống Của Một Cộng Đồng Những người quyết định những tuyên bố về Ngài là đúng đã họp thành cái được gọi là Hội Thánh Cơ Đốc. Và trong sự sống của Hội Thánh, Đức Chúa Trời tiếp tục hành động, sống động, để mặc khải chính mình Ngài. Trước khi khảo sát ý niệm này, chúng ta phải nhắc nhở chính mình rằng Hội Thánh không chỉ đột ngột xuất hiện và tồn tại “từ ban đầu” vào khoảng năm 30 S.C. Trên thực tế, những Cơ Đốc Nhân đầu tiên, thường ám chỉ mình như là “dân Ysơraên mới” gợi ý rằng họ đứng vào chỗ tiếp nối với Ysơraên cũ. Người Ysơraên cũ, như chúng ta đã thấy, là một dân tộc được kêu gọi, được biệt riêng, qua họ Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài. Những người Ysơraên đã đến chỗ hiểu rằng họ phải là “ánh sáng cho các dân tộc” (EsIs 42:6), có nghĩa là đến phiên họ phải làm cho thế giới còn lại biết Đức Chúa Trời là Đấng đứng cùng họ trong mối quan hệ thân mật đó. Bây giờ đây chính xác là công tác mà Tân ước tuyên bố nấy trên Hội Thánh Cơ Đốc. Những Cơ Đốc Nhân đầu tiên đã tìm cách rao truyền “tin mừng” của điều Đức Chúa Trời đã thực hiện qua Đấng Christ cho mọi người sống trên khắp trái đất. “Dân Ysơraên mới” đã mang lấy trên chính họ công việc mà Ysơraên cũ đã không thực hiện bởi vì Ysơraên cũ không chấp nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsia của lời hứa. Vì vậy, từ quan điểm Cơ Đốc, công tác của dân Do Thái đã được tìm thấy và trở thành công tác của Hội Thánh Cơ Đốc. Lời tuyên bố nầy là, qua lịch sử của cộng đồng được nối tiếp đó, như đã được ký thuật trong cả Cựu lẫn Tân ước, hành động của Đức Chúa Trời hằng sống vẫn tiếp tục được mặc khải. Một cái nhìn lướt qua sách Côngvụ chẳng hạn, một trong những tài liệu đáng phấn khích nhất trong toàn bộ văn phẩm, sẽ cho bạn thấy thể nào qua đời sống của cộng đồng Cơ Đốc, quyền năng và sự hiện diện của Đức Chúa Trời hằng sống tiếp tục được bày tỏ ra bằng những cách mới. Bởi vì Đức Chúa Trời đang sống chứ không chết, nên hoạt động của Ngài không ngừng lại ở bất kỳ thời điểm nào, mà cứ tiếp tục qua ống dẫn sự chỉ định của Ngài – là mối thông công của các Cơ Đốc Nhân, được biết là Hội Thánh. Đức Chúa Trời Mặc Khải Chính Mình Ngài Qua Một Quyển Sách . Làm sao chúng ta biết tất cả những điều đó? Chúng được chép trên các trang giấy in trong Kinh Thánh của chúng ta. Vì vậy Kinh Thánh chính là một phương tiện để Đức Chúa Trời bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, bởi vì nhờ đọc Kinh Thánh mà chúng ta thấy Ngài đối mặt với mình. Nhưng chúng ta phải cẩn thận ở đây. Có sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời với những lời tuyên bố về Đức Chúa Trời. Những lời tuyên bố trong Kinh Thánh ra từ các sự kiện lịch sử mà Kinh Thánh mô tả, và những tuyên bố nầy được tập hợp lại với nhau, được viết lại, được nối kết với nhau, và được dịch bởi con người. Chúng ta tin rằng những người nầy được cảm động bởi quyền năng và Thánh Linh của Đức Chúa Trời một cách riêng lẻ, nhưng điều nầy không khiến họ không còn là con người. Vì vậy chúng ta sẽ nghe lời của con người trong Kinh Thánh cũng như lời của Đức Chúa Trời. Có thể một vài minh họa sẽ làm rõ điều nầy. Hãy hình dung bạn mua một chiếc đĩa hát, trên nhãn hiệu có câu “Âm thanh Bậc Thầy” khi lắng nghe đĩa hát bạn nghe được tiếng của người nghệ sĩ bậc thầy-Caruso, Flagstad hoặc thậm chí của Bing Crosby. Tuy nhiên không phải chỉ có giọng người nghệ sĩ bậc thầy. Còn có những tiếng ồn khác – tiếng xào xào do đĩa hát được chế tạo bởi con người. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta không nghe được tiếng của bậc thầy, nhưng đơn giản là chúng ta phải cẩn thận để phân biệt giữa những âm thanh của chủ nhân và những tiếng động trên bề mặt của đĩa hát. Với Kinh Thánh cũng vậy, chúng ta luôn phải đối diện với trách nhiệm phân biệt giữa những âm thanh do tiếng nói của Vị thầy, và những gì là tình huống con người khi viết lại những lời mà hiện nay chúng ta có. Hoặc hãy thử tưởng tượng bạn đang đứng trước một bức tường gạch. Chỉ khi nào có một chiếc cửa sổ trên tường thì bạn mới có thể nhìn xuyên qua tường được. Thậm chí lúc ấy, nếu chỉ nhìn vào khung cửa sổ, bạn cũng không thể thấy quang cảnh ở đàng xa. Vì vậy bạn phải nhìn qua khung cửa sổ và tập trung sự chú ý của mình vào những gì nằm ở đàng xa. Tương tự như vậy, Cơ Đốc Nhân không được nhìn quá nhiều vào Kinh Thánh cho bằng qua Kinh Thánh để thấy những cuộc đối mặt giữa Đức Chúa Trời với loài người được mô tả trên các trang giấy in. Chúng ta không thể thấy gì cả nếu không có những trang giấy in nầy. Nếu chúng ta chỉ nhìn Kinh Thánh, những lời tuyên bố và những đề nghị của Kinh Thánh, thì hình ảnh bên kia có thể bị mù mờ; chúng ta không đến chỗ biết Đức Chúa Trời trọn vẹn như phải biết. Nhưng nếu chúng ta nhìn xuyên qua Kinh Thánh, thì nó phục vụ như một loại cửa sổ mà nhờ đó Đức Chúa Trời và Chúa Cứu Thế được đưa vào đúng trọng tâm. Như vậy Kinh Thánh là phương tiện để Đức Chúa Trời tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ của Ngài trên chúng ta ngày nay. Kết Toán Như vậy đây là điều được cộng thêm: Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua các sự kiện lịch sử. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua những con người. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài cách tối thượng qua một nhân vật – Chúa Cứu Thế Jêsus. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua đời sống của một cộng đồng. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình Ngài qua một quyển sách. Công việc tiếp theo của chúng ta là cố gắng tìm biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời, Đấng đã mặc khải chính mình Ngài bằng những phương cách lạ lùng nầy. Chương 4: Đức Chúa Trời, Sáng Thế Ký và Gia Phả (Mọi Sự Từ Đâu Mà Có? ) Bảo rằng hầu hết mọi người đều muốn biết rõ Đức Chúa Trời là điều vô lý. Bảo rằng hầu hết chúng ta đều muốn trốn tránh Đức Chúa Trời và muốn Ngài để mặc chúng ta, là điều gần với sự thật hơn. Ít ra đó là điều Kinh Thánh phán và là một ý tưởng khá ngạc nhiên. Làm Thế Nào Để Trốn Đức Chúa Trời Qua Bốn Bài Học dễ Dàng Chúng ta biết câu chuyện về một tác giả Kinh Thánh ra sức trốn khỏi Chúa, và điều gì đã xảy ra. Lời ký thuật nầy được chép trong Thi Tv 139:1-24. Đây là chỗ thích hợp để bắt đầu nghiên cứu về Đức Chúa Trời của Thánh Kinh, bởi vì nó sẽ giữ chúng ta không “quá tình cảm” khi nghĩ về Ngài. Đức Chúa Trời đã đến quá gần tác giả, là người bị kinh khủng bởi ý tưởng Đức Chúa Trời của trời và đất đang ở rất gần. Nếu bạn có một người bạn có thể “nhìn thấu lòng bạn” khi bạn lừa dối, và là người biết bạn hầu như rất rõ, bạn phần nào hiểu được cách tác giả nầy cảm nhận, bởi vì ông khám phá Ngài biết ông quá rõ: “Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, kìa hỡi Đức Giêhôva, Ngài đã biết trọn hết rồi (c. 4). Thật là một tình huống khá khó chịu! Vì vậy, sự gần gũi của Đức Chúa Trời khiến ông bối rối, ông quyết định đặt một khoảng cách lớn giữa chính mình và Đức Chúa Trời. Đây là điều con người vẫn thường làm theo nhiều cách khác nhau khi Đức Chúa Trời hằng sống trở nên quá gần. (Chỉ có những vị thần “dễ bảo” mà tự tay chúng ta đã làm ra thì sự hiện diện của họ mới làm cho chúng ta cảm thấy dễ chịu.) Đức Chúa Trời hằng sống thường truyền các mệnh lệnh. Vì vậy tác giả Thithiên tưởng tượng bốn cách để trốn tránh: 1. Ông sẽ “lên trời,” tìm nơi trú ẩn, trongng một thế giới mà dường như có hoạch định kỹ càng để Đức Chúa Trời trở nên thừa thải, một “bầu trời” thật sự theo trí tưởng tượng riêng của người ấy. Nhưng không hiệu quả. Đức Chúa Trời có ở đó. 2. Vì vậy người ấy quyết định đặt giường mình nằm tại “Âm phủ,” là nơi người đó biết chắc Đức Chúa Trời không có mặt. Nhưng, xui xẻo thay, Đức Chúa Trời có ở đó, ngay tại nơi Ngài không có việc gì để ở! 3. Bấy giờ tác giả kinh hoảng, vì vậy ông quyết định chạy thật xa đến các đầu cùng của đất,: “Ở tại cuối cùng biển.” Đức Chúa Trời không thể nào theo kịp người ấy. Người ấy sẽ qua mặt Chúa! Không may. Đức Chúa Trời có ở đó trước ông. 4. Cuối cùng người ấy quyết định bao phủ mình bằng“sự tối tăm.” Một lần nữa, Đức Chúa Trời tìm thấy ông. Không lối thoát. Không chỗ trốn tránh. Bài học: Bạn Không Thể Trốn Khỏi Đức Chúa Trời Điều nầy thật không chịu đựng nỗi! Dầu tác giả Thithiên đi đến đâu Đức Chúa Trời cũng có ở đó trước. Điều tác giả đã nói ban đầu rốt lại là đúng: “Chúa bao phủ tôi phía sau và phía trước, đặt tay Chúa trên mình tôi.” Người ấy đã bị mắc kẹt. Không thể thoát ra được. Trong cuộc đeo đuổi không khoan nhượng nầy, Đức Chúa Trời theo sát ông dầu ông có ra sức trốn tránh đến đâu. Như vậy rõ ràng tác giả Thithiên đã nhận biết rằng ông bị kẹt vào một cuộc chiến nắm chắc phần thua. Ông không thể nào trốn khỏi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nhất định kiểm soát cuộc đời của ông. Một ý nghĩ lạ lùng, có lẽ đây là đời sống thực sự. Có lẽ ông đã được biến trở thành một người đầu phục, để thừa nhận Đức Chúa Trời, để thay đổi và gặp gỡ Ngài, thay vì trốn chạy khỏi Ngài. Và vì vậy một ghi nhận mới đã bước vào Thithiên nầy (c.13). Tác giả đi từ sợ hãi sang ngợi khen. Và bây giờ những tư tưởng của Đức Chúa Trời, thay vì đáng sợ trở nên “quý báu” (c.17). Thay vì trốn khỏi Đức Chúa Trời vì sợ hãi, ông sẽ phải được tái tạo, ông trở lại với Chúa trong sự tin cậy phó thác trọn vẹn và xin được tái tạo: Đức Chúa Trời ơi , xin hãy tra xét tôi , và biết lòng tôi ; Hãy thử thách tôi và biết tư tưởng tôi ; Xin xem thử tôi có lối ác nào chăng , xin dắt tôi vào con đường đời đời ! (Thi Tv 139:23, 24). Ghi chú dành cho độc giả thận trọng: Các câu 19-22 trong Thithiên nầy , như bạn sẽ thấy trong Kinh Thánh của mình , thật nóng nảy và cay đắng . Tác giả ghét những kẻ thù của Chúa “thật là ghét ” và cầu cho chúng bị hủy diệt . Đây là một sự nhắc nhở thích đáng cho chúng ta về tính người của tác giả Thithiên . Ông phản ứng rất giống chúng ta (hãy nghĩ đến kẻ thù tồi tệ nhất của Chúa mà bạn biết và xem có phải không dễ để nói những câu như vậy về họ chăng ). Vì vậy những câu Kinh Thánh nầy nhắc nhở chúng ta rằng thậm chí trong giây phút có sự hiểu biết thuộc linh cao độ , chúng ta vẫn có thể làm hỏng sự nhận biết ấy . Điều nầy làm cho các câu 23, 24 càng quan trọng hơn . Nguy Hiểm, Khó Khăn, Chỉ Thị, và Lời Chẩn Đoán Kinh nghiệm nầy của tác giả Thithiên khiến chúng ta phải coi chừng việc nói hấp tấp về Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Vì vậy chúng ta hãy luôn nhớ một vài điều sâu xa hơn. Thứ nhất, một sự nguy hiểm . Có điều gì đó hết sức ngạo mạn trong phỏng đoán của chúng ta cho rằng mình có thể hiểu hoặc (thậm chí tồi tệ hơn) viết về Đức Chúa Trời. Bởi vì chúng ta luôn rơi vào sự nguy hiểm của việc hạ thấp Đức Chúa Trời thành một “vật thể,” thành một “cái gì đó” để chúng ta có thể mô tả hoặc vẽ đồ thị. Cũng vậy, chúng ta cần phải nhớ rằng mình chưa có được “toàn bộ câu chuyện về Đức Chúa Trời,” thậm chí khi đã nói tất cả những gì có thể nói, chúng ta cũng mới chỉ cào trên bề mặt mà thôi. Không ai có được một cái nhìn đầy đủ không bị cản trở về sự oai nghi tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Câu chuyện Môise chỉ được phép nhìn thấy “phía sau” Đức Chúa Trời mà thôi là một nỗ lực hết sức sớm sủa để làm rõ quan điểm nầy. (Xem XuXh 33:17-23) Vì vậy chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể thu nhỏ Đức Chúa Trời thành một loạt những lời tuyên bố hoặc thành bốn đoạn trong một cuốn sách. Thứ nhì, sự khó khăn . Chúng ta thấy thật khó để suy nghĩ về Đức Chúa Trời ngoại trừ bằng những gì đến từ kinh nghiệm con người. Vì vậy chúng ta mô tả Đức Chúa Trời bằng những gì dường như khiến Ngài giống như chúng ta – to lớn hơn, có lẽ, và lâu đời hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, có thể với bộ râu dài, ngự trên một chiếc ngai. Kiểu giới hạn Chúa trong những ý niệm của trường sơ cấp là điều nhất định phải tránh. Tuy nhiên, mặt khác của sự lập luận nầy, chúng ta có thể lưu ý những phạm trù rút ra từ kinh nghiệm của chính chúng ta chỉ là những gì qua đó chúng ta có thể suy nghĩ, và nếu chúng ta không khẳng định quá nhiều về chúng, một số trong những phạm trù con người mà chúng ta sử dụng có thể gần với tiêu chuẩn nhiều hơn là những phạm trù phi thân vị. Chẳng hạn khi chúng ta nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng “có thân vị,” chúng ta không hàm ý rằng Ngài là một “con người” như chúng ta, có hai tay, hai chân, móng tay, mà là, bất cứ điều gì khác chúng ta có thể nói về Ngài, Ngài ít nhất là một con người chúng ta có thể có mối tương giao cá nhân và thông công. Ngài có thể còn hơn nhiều (và nhất định như vậy), nhưng bởi vì chúng ta bước vào mối tương giao với những con người chứ không phải với đá, chúng ta sử dụng các phạm trù về con người chứ không phải về địa chất học để nói đến mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Mọi nỗ lực nhằm “phô diễn Đức Chúa Trời bằng lời” đòi hỏi một phương cách truyền đạt không chuẩn, bởi vì chúng ta đang cố gắng mô tả bằng chính kinh nghiệm của mình một Đấng vĩ đại hơn tất cả những kinh nghiệm của mình. Chúng ta phải công nhận sự thiếu kém của các biểu tượng loài người đồng thời chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng chúng – bởi vì chúng ta không có phương tiện khác. Cũng giống như người họa sĩ cố gắng mô tả ba chiều kích ở trên khung vải hai chiều kích của mình. Chúng ta hãy nói rằng bức tranh của người ấy có những đường xe lửa bị khuất ở chân trời. Thật vậy, đường xe lửa thì song song ngay với chân trời, nhưng trên khung vải chúng không song song. Chúng hướng vào nhau và cuối cùng nối với nhau. Khi chúng ta thấy bức vẽ nầy trong một phòng triển lãm tranh, người họa sĩ thành công trong việc nói cho chúng ta sự thật (các đường xe lửa song song với nhau) bằng cách vẽ một điều khác (các đường xe lửa của người ấy không song song). Ngôn ngữ về Đức Chúa Trời cũng rất giống như vậy. Bởi vì chúng ta cũng giống như người họa sĩ đang cố gắng đưa vào chiều kích kinh nghiệm của chính mình điều bao la hơn kinh nghiệm chính mình có thể hiểu đầy đủ. Thứ ba, một lời chỉ dẫn . Chúng ta hãy nhớ rằng sự hiểu biết Đức Chúa Trời của Kinh Thánh luôn lưu lại một cảm nhận về sự bí mật. Thành ngữ của người La tin, mysterium tremendum phải quen thuộc với bất cứ ai ra sức nói, viết, hoặc nghĩ về Đức Chúa Trời. Luôn có một yếu tố của sự kinh sợ, kỳ diệu, của điều gì đó gần gần với sự sợ hãi nhưng không phải hoàn toàn giống như sự sợ hãi. Những từ mô tả cái “lạnh” không lột tả được điều nó hàm ý, nhưng một câu trích từ Gió Lùa Trong Rặng Liễu làm cho ý nghĩa trở nên tuyệt vời. Có lẽ bạn còn nhớ lúc Con Chuột Xù (Rat) và con chuột chủi (Mole) đang tìm kiếm con Portly, một con rái cá con đã bị lạc mất. Chúng bị sững sờ bởi âm nhạc huyền bí của “người thổi sáo tại các cổng bình minh,” thần thú vật Pan. Chúng bèn tìm đường hướng đến nơi phát ra tiếng nhạc. Thình lình con Chuột Chủi chợt cảm thấy một nỗi Kinh Sợ ập lên mình, nỗi kinh sợ khiến cho các bắp thịt nó tan thành nước, đầu nó cúi xuống, và hai chân nó cắm rễ trong lòng đất. Đó là một nỗi sợ hãi kinh khiếp – Thật sự nó cảm thấy bình an và hạnh phúc một cách tuyệt vời – nhưng đó là một nỗi kinh sợ đã thu hút và cầm giữ nó, dù không thấy, nó biết đó chỉ có nghĩa là có một Sự Hiện Diện oai nghiêm nào đó hết sức gần. Cuối cùng con chuột Chủi đã dám ngẩng lên và thấy mình đang ở trước sự hiện diện của “Người Bạn Hữu và Cứu Giúp”, ở với người ấy được an toàn và thỏa mãn, là con rái cá con. “Chuột xù!” Nó lấy lại hơi thở để thì thào, run rẩy: “Anh có sợ không?” “Sự ư?” Con chuột Xù lẩm bẩm, cặp mắt nó sáng ngời tình yêu không thể nói ra được: “Sợ Ngài ư? Ô không bao giờ! Không bao giờ! A, tuy nhiên -vâng-chuột Chủi à, tôi sợ.” Trong kinh nghiệm “ngoại giáo” nầy, Kenneth Grahame đã lột tả cách đáng nhớ một ghi nhận đáng tin cậy của Kinh Thánh, một ghi nhận đã được bày tỏ qua các đoạn Kinh Thánh như là EsIs 6:1-8; 40:1-31; 45:1-25; Exe Ed 3:1-27 Giop G 42:1-6 và vô số những đoạn khác. Thứ tư, một sự chẩn đoán . Chúng ta phải đối diện với một sự kiện gây bối rối đó là, có những khái niệm khác nhau về Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, đặc biệt là trong Cựu ước. Nhiều lúc Ngài dường như là một nhà chuyên chế tàn bạo, ưa thích sự chết của những người nam và người nữ. Những lúc khác, Ngài là hiện thân của lòng thương xót và sự tha thứ. Nhiều lúc Ngài chỉ là một vị thần giữa vòng nhiều thần, Những lúc khác nữa, Ngài lại là Đức Chúa Trời duy nhất. Chúng ta có thể nói gì về điều nầy? Đơn giản chúng ta phải nhớ rằng Cựu ước đến từ đời sống và kinh nghiệm của hằng trăm năm lịch sử Do Thái, trong đó ý thức dân tộc trở nên sâu nhiệm hơn, và qua quá trình đó, Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài đầy đủ hơn cho họ khi họ có thể tiếp thu và đáp ứng với Ngài. Đức Chúa Trời mặc khải chính mình cho con người ngay hơi họ sống, chứ không phải nơi nào khác. Ngài đến với tầm nhìn còn mờ đục của họ, ở giữa những nền văn hóa chưa hoàn hảo của họ, trong chỗ tội lỗi và thờ hình tượng của họ, và họ đáp ứng trước các mạng lệnh của Ngài khi họ hiểu chúng , lúc ấy và tại đó. Sự đáp ứng của họ cũng chưa trọn vẹn, bởi vì họ là con người chứ không phải là Đức Chúa Trời. Kết quả là họ truyền lại cho chúng ta những sự hiểu biết không có giá trị và không đủ tầm quan trọng. Cơ Đốc Nhân, người đã nhìn thấy quá trình mặc khải nầy đến cao điểm của nó qua Chúa Cứu Thế, có thể xem Ngài như là “chiếc thước đo” để qua đó phán xét mọi biến cố trong sự mặc khải của Kinh Thánh. Chúng ta không muốn bắt chước những điều tàn bạo mà người Ysơraên đã làm để đáp ứng trước điều họ cảm nhận là ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho họ. Nhưng ít ra chúng ta cũng học tập từ nơi họ điều này-cũng giống như họ tìm cách vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời khi lời Ngài đến với họ trong thời điểm của họ, chúng ta có bổn phận tương tự là phải vâng theo ý muốn của Chúa khi lời Ngài đến với chúng ta trong thời đại của mình. Tương tự như vậy, khi tình cờ thấy những câu có liên quan đến “các thần khác” trong các sách ban đầu của Thánh Kinh, chúng ta phải đặt niềm tin nầy trong bối cảnh của niềm tin Do Thái đã được thiết lập vững chắc về sau nầy rằng chỉ có một Đức Chúa Trời và một mà thôi, và rằng mọi người phải có lòng trọn thành đối với Ngài. “Hỡi Ysơraên! Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai” (Phục. 4) là lời khẳng định căn bản niềm tin trưởng thành của Cựu ước. Tất cả những niềm tin khác phải được phán xét trong ánh sáng của niềm tin ấy. Vì vậy trong những gì tiếp theo, chúng ta hãy nhớ sự nguy hiểm, sự khó khăn, sự chỉ dẫn, và sự chẩn đoán. Câu chuyện về “sự tiệm tiến” của các ý tưởng về Đức Chúa Trời là một câu chuyện thú vị, nhưng đó không phải là mối quan tâm của chúng ta ở đây. Chúng ta phải tìm cách để nhìn thấy Đức Chúa Trời hằng sống bước vào đời sống của những người trong Thánh Kinh, ngõ hầu chúng ta có thể được chuẩn bị để Ngài cũng bước vào đời sống mình. Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa Trong lịch sử lâu dài, xoắn theo đường trôn ốc qua đó dân tộc Do Thái đã đến chỗ nhìn biết Đức Giêhôva, chủ nghĩa độc thần (niềm tin nơi một Đức Chúa Trời ) cuối cùng đã trở thành nền tảng tuyệt đối. Và một khi dân Do Thái nhận biết rằng có một Đức Chúa Trời và chỉ một mà thôi, một hệ quả hết sức quan trọng của niềm tin nầy trở nên rõ rệt đối với họ: Đức Chúa Trời có một, Đấng tể trị tất cả mọi sự, cũng là Đấng tạo dựng mọi vật. Mối quan hệ giữa các ý tưởng nầy được minh họa cách đầy ấn tượng qua một khúc Kinh Thánh trong Êsai, được viết trong thời kỳ Lưu đày Babylôn. Vì Đức Giêhôva, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền vững, chẳng phải dựng nên là trống không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: “Ta là Đức Giêhôva , không có Đấng nào khác .” EsIs 45:18). Lời ghi nhận nầy được lập đi lập lại nhiều lần trong các đoạn về sau của sách Êsai. Những đoạn nầy, cùng với Sángthếký đoạn 1 và 2 (trong hình thức hiện nay của chúng cũng xuất phát từ thời kỳ Lưu đày), là các nguồn phương tiện chính của chúng ta để hiểu biết Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, là Đấng Tạo Hóa. Các Câu Chuyện của Sángthếký – với Những Bổ Sung Một sự kiện khác về Kinh Thánh mà “đứa trẻ đi học nào cũng biết” là các đoạn đầu của Sángthếký, thuật lại sự sáng tạo thế giới. Thật ra, không phải đứa trẻ đi học nào cũng biết là có hai lời ký thuật về Sự Sáng Tạo, một ở trong SaSt 1:1; 2:4a và một ở trong SaSt 2:4b đến câu 25. Trước khi đọc tiếp, bạn hãy dành năm phút để đọc hai khúc Kinh Thánh trên, và năm phút nữa để suy nghĩ về chúng. Tầm quan trọng về mặt tín ngưỡng đích thực của các câu chuyện nầy là gì? Khi cố gắng trả lời câu hỏi đó, chúng ta khám phá rằng các lời ký thuật sâu nhiệm hơn ngoài bề mặt nhiều. Sau đây là một số điểm bắt đầu: 1. Các câu chuyện nầy , trước hết là những câu chuyện về Đức Chúa Trời . Chúng phà khắp bầu không khí sự oai nghiêm, quyền phép, và sự thánh khiết của Ngài. Cụm từ “thánh khiết” trong Kinh Thánh gợi lên ý niệm về “ sự khác biệt”; tức là Đức Chúa Trời là khác hơn, lớn hơn trật tự được sáng tạo. Sử dụng một từ dài dòng hơn, Đức Chúa Trời là “Đấng siêu việt hơn”; tức là, Ngài không bị bó hẹp bên trong thế giới nầy, nhưng vượt lên trên, vượt ra ngoài, lớn hơn những gì Ngài đã tạo dựng. Sự hiểu biết nầy về Đức Chúa Trời được hàm ý xuyên suốt câu chuyện Sángthếký và được tuyên bố hết sức rõ ràng dứt khoát trong sách Êsai, là sách được viết vào cùng khoảng thời gian. Nhà tiên tri của thời Lưu đày đã tỏ rõ quan điểm của ông bằng vẻ đẹp không thể ví sánh được: Ai đã lấy lòng bàn tay mà lường biển , lấy gang tay mà đo các từng trời? Ai đã lấy đấu mà đong bụi đất? Ai đã dùng cân mà cân núi , và dùng thang bằng mà cân gò? … Kìa , các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng , và kể như là một mảy bụi rơi trên cân ; nầy , Ngài giở các cù lao lên như đồ vật nhỏ . Rừng Liban chẳng đủ đốt lửa , những thú vật ở đó chẳng đủ làm của lễ thiêu . Mọi dân tộc ở trước mặt Đức Giêhôva thảy đều như không , Ngài xem như trống không và hư vô vậy … Các ngươi không biết sao? Vậy thì các ngươi không nghe sao? Người ta há chưa dạy cho các ngươi từ lúc ban đầu? Các ngươi há chẳng hiểu từ khi dựng nền đất? Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất nầy . Các dân cư trên đất như cào cào vậy . Chính Ngài là Đấng giương các từng trời ra như cái màn , Ngài giương ra như trại để ở . Chính Ngài là Đấng làm tiêu diệt các quan trưởng và làm cho các quan xét trên đất ra hư không . EsIs 40:12, 15-17, 21-23). Đó chính là Đức Chúa Trời của sự sáng tạo – Đức Chúa Trời của sự oai nghi, quyền năng, siêu việt, trước mặt Ngài chúng ta phải đứng trong sự kinh sợ. Điều nầy có nghĩa người nào biết suy nghĩ đúng Kinh Thánh, sẽ không thể nào “thờ lạy thiên nhiên,” hoặc tin rằng thiên nhiên là Đức Chúa Trời. Niềm tin ấy (được gọi là “chủ nghĩa phiếm thần,” tức là mọi sự đều là Đức Chúa Trời) là một niềm tin ngoại giáo, đã bị bác bỏ bởi sự nhấn mạnh của Kinh Thánh rằng Đức Chúa Trời dựng nên thiên nhiên, Ngài vượt trên thiên nhiên, vượt xa thiên nhiên. Một trong các Thithiên đã phân biệt rõ điều nầy: Thuở xưa Chúa lập nên trái đất , các từng trời là công việc của tay Chúa . Trời đất sẽ bị hư hoại , song Chúa hằng còn ; Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống ; Chúa sẽ đổi trời đất như cái áo , và nó bị biến thay ; Song Chúa không hề biến cải , các năm Chúa không hề cùng . (Thi Tv 102:25-27). 2. Điều thứ hai mà chúng ta học được từ các câu chuyện Sáng tạo đó là mọi sự đều lệ thuộc vào Đức Chúa Trời . Tôi không phải “chủ nhân số phận mình” hoặc là “vị chỉ huy linh hồn mình.” Mà chính là Đức Chúa Trời. Chúng ta không đặt chính mình vào đây. Mà chính là Chúa. “Chính Ngài đã dựng nên chúng tôi, chúng tôi thuộc về Ngài” (100:3). Sự sống không phải là điều chúng ta kiếm được hoặc xứng đáng được, mà là điều đã được ban cho chúng ta. Đó là một món quà. Chúng ta không cầu xin để có nó, hoặc kiếm được nó. Chúng ta chỉ nhận lãnh sự sống. Cô gái mà bạn đang yêu, bậc cha mẹ đang chăm sóc bạn – đều là những sự ban cho của Đức Chúa Trời Đấng Tạo Hóa. Mọi sự đều có ý nghĩa và tầm quan trọng bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Ngài không những là Đấng tạo dựng vũ trụ mà còn là Đấng nâng đỡ vũ trụ. Hãy ngừng lại một chút để suy gẫm từ mới được nói. Tin nơi sự sáng tạo theo ý nghĩa của Kinh Thánh là phải tin rằng vào mọi thời điểm , trật tự sáng tạo phải lệ thuộc vào Đức Chúa Trời để được duy trì. Không có Ngài, trật tự nầy sẽ ngưng tồn tại. Sẽ là không đủ khi chỉ nghĩ về Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng thế gian “ngày xưa” rồi ngồi xuống bảo rằng: “Còn bây giờ! ta hãy để cho thế giới nầy tự vận chuyển.” Kinh Thánh nhấn mạnh rằng công trình sáng tạo là hoạt động không ngừng nghỉ của Đức Chúa Trời “Cha Ta đã làm việc cho đến bây giờ, Ta đây cũng làm việc như vậy” (GiGa 5:17) là cách Chúa Jêsus kết luận. 3. Các câu chuyện Sáng tạo nhấn mạnh hết sức rõ ràng rằng công trình sáng tạo là tốt lành , bởi vì đó là công việc tay Đức Chúa Trời làm. Chủ đề nầy được nhấn mạnh đặc biệt trong câu chuyện đầu tiên của Sángthếký. Có bốn lần lời nhận định tương tự về công trình sáng tạo được sử dụng: “Và Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành.” (Đối chiếu với SaSt 12:1-20; 21:1-34; 24:1-67) Đức Chúa Trời cũng thấy rằng “sự sáng là tốt lành” (câu 4) và trong phần kết luận chúng ta tìm thấy một tuyên bố tổng kết: “Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành” (câu 31). (Phản ứng tự nhiên: “Vậy còn về tất cả các điều ác trên thế giới nầy thì sao?” Chúng ta sẽ bàn đến trong Chương 11 và 12.) Như vậy thế giới của Đức Chúa Trời là tốt lành. Điều nầy có nghĩa chúng ta phải có một thái độ tích cực đối với thế giới nầy. Chúng ta không phải “từ chối” thế giới nầy, hay đưa hai tay lên trời trong sự tuyệt vọng trước ý tưởng làm được điều gì có ý nghĩa cho nó. Không ai hiểu tính tốt lành của sự sáng tạo cách nghiêm túc lại có thể nói rằng: “Thế giới nầy gian ác đến nỗi tôi phải trốn khỏi nó,” hoặc “con người quá xấu xa đến nỗi tôi ghét hết thảy họ,” hoặc: “Chẳng còn ý nghĩa gì để sống nữa.” Niềm tin của Kinh Thánh là một trong những “sự khẳng định thế giới” chứ không phải “chối bỏ thế giới,” chính xác bởi niềm tin ấy đặt nơi sự tốt lành của sự sáng tạo. (Chúng ta sẽ hiểu điều nầy rõ hơn trong các chương về sau nói về các nguyên tắc đạo đức của Kinh Thánh.) 4. Cuối cùng, các câu chuyện Sáng tạo nhắc nhở chúng ta rằng bởi vì Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới, nên nó có các ý nghĩa và mục đích nằm ở phía sau. Thế giới mà chúng ta đang sống trong đó không “tình cờ” mà có. Cũng không phải đơn giản là sản phẩm của cơ hội hay số phận, mà vũ trụ nầy là kết quả của hoạt động có mục đích của Đức Chúa Trời. Chúng ta không phải “bị mắc kẹt” trong một vũ trụ không thân thiện và thù địch. Mà thay vào đó, Đức Chúa Trời có một chương trình và một phương hướng cho nó. Vì vậy, công tác chính của chúng ta là phải tìm cách khám phá kế hoạch đó và làm cho đời sống mình hài hòa với kế hoạch ấy, hầu cho chúng ta được cùng làm việc với Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, thay vì chống nghịch Ngài. Chúng ta phải giúp mang lại, thay vì cản trở những công việc mà Đức Chúa Trời đã dự định khi Ngài tạo dựng thế gian. “Nhưng Còn Về Sáng thếký Và Bảng Gia Phả? Hẳn bạn sẽ dễ chịu khi bỏ mặc vấn đề nầy ở đó. Đây có thể là một chương ngắn. Chúng ta có thể cảm thấy rằng mọi sự đã kết quả khá tốt đẹp. Nhưng không may, chúng ta không thể bỏ mặc vấn đề nầy ở đây. Bởi vì các phần mở đầu nầy của Sángthếký là đề tài của nhiều sự tranh cãi đến nỗi chúng ta không thể làm ngơ sự kiện nầy. Sự khó khăn nổi lên cách đây khoảng 100 năm khi các nhà khoa học bắt đầu tỏ rõ rằng thế giới đã có đến hàng triệu, hoặc có thể hàng tỉ năm để tiến hóa thành hình thái hiện nay của nó. Những tín hữu trung thành với Kinh Thánh nói rằng điều nầy là phạm thượng. Há không phải Kinh Thánh đã dạy rằng Đức Chúa Trời dựng nên thế giới trong “sáu ngày” hay sao? Không ai sẽ bảo họ rằng: Sáu ngày = 1 000000000 năm (hoặc tương tự). Ai đúng – những nhà “sùng đạo” hay các nhà khoa học? Đặt câu hỏi theo cách nầy (như chúng ta vẫn thường làm) là đi trệch mục tiêu. Tốt hơn trước hết chúng ta hãy hỏi xem các câu chuyện Sáng tạo nầy muốn nói gì và không muốn nói gì. Như chúng ta thấy, đó là những câu chuyện ngợi khen Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Trời vĩ đại đến nỗi đã tạo dựng vũ trụ. Chúng giải quyết thắc mắc của niềm tin: “Vì sao?” Vì sao có thế giới? Bởi vì Đức Chúa Trời trong sự vĩ đại và yêu thương của Ngài đã cho thế giới có mặt. Bây giờ, để làm cho điều nầy trở thành một vấn đề niềm tin có ý nghĩa sâu sắc, các tác giả nói đôi điều về việc Đức Chúa Trời đã thực hiện toàn bộ điều đó “như thế nào,” và chính ở đây, chỉ ở đây thôi, khoa học đã dấy lên một số thắc mắc. Bởi vì khoa học khảo sát những câu trả lời dành cho câu hỏi: “Bằng cách nào?” Các tác giả của những câu chuyện Sáng tạo đặt các câu chuyện của họ một cách tự nhiên hoàn toàn trên những thông tin chính xác có sẵn cho họ vào khoảng năm 500 T.C. Sự kiện hiểu biết khoa học của chúng ta đã thay đổi một cách đáng kể kể từ đó không làm hỏng hoặc chứng minh những sự hiểu biết về mặt tôn giáo của các tác giả là sai. Hiện nay không có “xung đột” thực sự trong việc tin vào tính chính xác mang tính khoa học của thuyết tiến hóa hiện đại đồng thời tin vào tính chính xác mang tính tôn giáo của các câu chuyện trong Sángthếký. Hai Lối Nghĩ Chúng ta phải hiểu rõ ràng rằng khi bàn đến những vấn đề tôn giáo và những vấn đề khoa học, là chúng ta đang bàn đến hai cách mô tả sự thật khác nhau, và hai điều nầy không được lẫn lộn. Sángthếký không phải là lời ký thuật mang tính khoa học về sự Sáng tạo, vì vậy mà không được giải thích theo cách ấy. Sángthếký bàn đến vấn đề “Tại sao?” và câu trả lời của nó là “Đức Chúa Trời.” Khoa học hiện đại xem xét thế giới và hỏi: “Bằng cách nào?” Và câu trả lời của nó là thế giới tiến hóa từ từ – một câu trả lời mà không hề nhằm phá hoại niềm tin đặt nơi Đức Chúa Trời. Sau đây là bốn tuyên bố: 2 + 2 = 4 Tôi yêu bạn Babe Ruth đã ghi được 619 điểm trong sự nghiệp liên đoàn chính của anh Tôi cũng yêu bạn. Rõ ràng câu 1 và câu 3 thuộc về một trật tự khác so với câu 2 và câu 4. Câu 1 và câu 3 có thể chứng minh bằng thực tiễn: “bạn có thể kiểm tra chúng.” Câu 2 và câu 4 không thể “được chứng minh một cách tương tự; nhưng đối với cuộc sống ý nghĩa, thì chúng có thể “đúng sự thật hơn” nhiều so với bất cứ con số nào của cái gọi là những tuyên bố “căn cứ trên sự thật.” Hãy xem xét vấn đề nầy theo một cách khác, bởi vì nó quan trọng. Trong vở kịch As You Like It của Shakespeare, chúng ta được biết có “… những cái lưỡi trong cây, những cuốn sách trong các dòng suối nhỏ đang chảy, những bài giảng trong các tảng đá.” Diễn giả muốn nói rằng có những bài học phải được học từ rừng cây. Các phép ẩn dụ giúp nhấn mạnh lẽ thật trong tuyên bố của người ấy. Nhưng lời tuyên bố thì rõ ràng là không “đúng” như một tập hợp các sự kiện theo đúng nguyên văn. Hãy để một người đọc sửa văn có đầu óc thực tiễn cầm lấy vở kịch của Shakespeare, và anh ta lập tức sẽ sắp xếp lại vở kịch của Shakespeare! Anh ta sẽ đổi lại như vầy: Các cành trong cây, những hòn đá trong dòng suối đang chảy, các bài giảng nằm trong những quyển sách. Chúng ta sẽ sửa như vầy: “Các cành trong cây, những hòn đá nằm trong dòng suối đang chảy, các bài giảng ở trong những quyển sách.” Như vậy mới đúng sự thật, song lại hoàn toàn chẳng quan trọng. Câu nói của Shakespeare là một sự mô tả có giá trị về các cánh rừng, trong khi câu nói của người đọc sửa văn thì vô vị mặc dầu chính xác về mặt khoa học. Bây giờ hãy trở về với các câu chuyện Sáng tạo. Ý nghĩa của các câu chuyện Sáng tạo không được làm sáng tỏ bởi một cuộc tranh cãi ầm ĩ về số giờ trong mỗi “ngày” (và chúng ta phải nhớ rằng Kinh Thánh nói “một ngày trước mặt Chúa như một ngàn năm,” vì vậy thật sự không có xung đột từ quan điểm đó). Điều quan trọng đó là Đức Chúa Trời đã tạo dựng . (Hãy đọc lớn câu in nghiêng nầy hai lần nhấn mạnh từng từ.) Cho dầu công cuộc sáng tạo có được thực hiện trong 24 giờ hay 24 ngàn năm hay 24 ti năm, đó hoàn toàn là vấn đề bên lề. Nói cách khác, chúng ta chấp nhận những gì khoa học phải cho chúng ta biết bên trong lãnh vực điều tra hợp pháp của nó (là lãnh vực đang trả lời cho câu hỏi “Bằng cách nào?”) Và không bị bối rối khi chúng ta quay sang lãnh vực điều tra mang tính tôn giáo (là lãnh vực liên quan đến câu hỏi “Tại sao?”). Tranh cãi duy nhất của chúng ta với những người tuyên bố rằng khoa học có tất cả những câu trả lời là khoa học có thể trả lời cho câu hỏi “Tại sao?” cũng như cho câu hỏi “Bằng cách nào?” không? Nhà khoa học hoàn toàn có quyền cho chúng ta biết thế giới nầy bao nhiêu tuổi, và nó đã hình thành như thế nào, bằng cách phân tích các cấu trúc của đá, các vòng của cây và v.v.. Nhưng nếu người ấy cố gắng cho chúng ta biết vì sao thế giới tồn tại, thì người ấy lập tức rơi vào một lãnh vực vượt quá bằng chứng giới hạn mang tính khoa học. Như vậy các câu chuyện của Sángthếký, là sản phẩm của sự tận hiến mang tính tôn giáo để suy gẫm về ý nghĩa của công trình Sáng tạo, và chỉ rõ lẽ thật về mặt tín ngưỡng không thể trốn tránh được và sự xác đáng của nó cho chúng ta.   Tác giả: Robert Mc Afee Brown