Chương 2: Những Sự Kiện Và Những Con Số
(Kinh Thánh Đến Từ Đâu? )
Như vậy, chúng ta có cuốn Kinh Thánh đầy đủ – đã được in, được đóng thành tập, sẵn sàng để được đọc. Nhưng hãy hỏi bất cứ ai làm thế nào Kinh Thánh xuất hiện trong hình thức ngày nay, bạn sẽ thấy rắc rối. Thay vì tìm được cách giải đáp, bạn rất có thể sẽ tạo nên một mớ các câu hỏi hỗn độn. Giống như vầy:
• Ai đã viết Kinh Thánh?
• Ngũ kinh là gì?
• Ai quyết định điều phải được viết trong Kinh Thánh?
• Vì sao lại có 66 sách?
• Ngụy kinh là gì?
• Vì sao người ta vẫn tiếp tục dịch Kinh thánh?
• Có phải bản dịch nầy cũng tốt như bản dịch khác không?
• Tại sao tất cả các bản Kinh Thánh đều không đồng ý với nhau?
• Tại sao lại có Kinh Thánh Công giáo và Kinh Thánh Tin lành?
• Bộ “Kinh điển” là gì?
• Tại sao Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hybá và Hylạp?
• Những con số nhỏ hàm ý gì?
Chúng ta phải cố gắng sắp xếp mớ hỗn độn nầy cho trật tự. Chỉ khi nào biết rõ đôi điều làm thế nào quyển sách nầy xuất hiện trong hình thức hiện nay chúng ta mới có thể hiểu đúng Kinh Thánh được.
Hai Điểm Khởi Đầu
Trước hết chúng ta cần nhớ hai điều.
Điều thứ nhất . Kinh Thánh không phải là một quyển sách “từ trời rơi xuống” hoàn toàn từ đầu đến cuối. Tin vào một điều như vậy có lẽ là giáo lý tuyệt vời của Mohamet, bởi vì người Hồi Giáo tin rằng kinh Koran xuất hiện trong hình thức đã hoàn tất; đó có thể cũng là giáo lý tuyệt vời của Mormon, bởi vì những người Mormon tin rằng sách Mormon được ban cho như là một sản phẩm hoàn tất cho Joseph Smith nhưng đó không phải là giáo lý tuyệt vời của người Cơ Đốc, bởi vì Cơ Đốc Nhân nhận biết rằng Kinh Thánh không phải đột nhiên xuất hiện, toàn bộ đã được hoàn tất, nhưng đó là một tác phẩm được“thực hiện trong một thời gian lâu dài” – hơn 900 năm! Hãy đóng cuốn sách nầy lại và suy nghĩ trong hai phút về sự kiện Chúa Jêsus có thể đọc cái chúng ta gọi là Cựu ước, và khi Ngài đọc Cựu ước, là cách đây gần 2000 năm, thì chưa hề có sách nào trong Tân ước được viết ra.
Điểm thứ hai . Kinh Thánh không phải được viết ra bằng tiếng Anh. Kinh Thánh chúng ta là một bản dịch. Chúa Jêsus không nói tiếng Anh. Môise cũng không nói chuyện bằng giọng Boston. Luca chưa bao giờ đọc tác phẩm của Shakespear. Và trừ khi bạn học tiếng Hybá và Hylạp cùng với một chút tiếng Aram nữa (là điều mà vài độc giả của sách nầy có khả năng thử trong tương lai gần), bạn sẽ không bao giờ đọc được Kinh Thánh bằng ngôn ngữ mà các tác giả đã viết nó. Kinh Thánh tiếng Anh của chúng ta chỉ là một nỗ lực để cho ra đời một bản dịch chính xác các dữ kiện mà khởi đầu đã được viết bằng những ngôn ngữ khác.
Toàn Bộ Kinh Thánh Bắt Đầu Như Thế Nào
Để tranh luận, giả sử có điều gì đó tuyệt vời vừa xảy đến với bạn.
• Bạn vừa đạt điểm tối đa trong bài thi đại số mà bạn biết chắc mình sẽ hỏng.
• Hoặc bạn vừa tìm được một việc làm tốt cho mùa hè.
• Hoặc bạn đã yêu.
Bạn phải làm gì? Bạn phải chia sẻ tin tức với một người nào đó. Điều nầy không có nghĩa nhất định bạn phải khoe khoang. Bạn chỉ để cho niềm vui của mình “tràn sang” người nào đó.
Bây giờ giả sử, để tranh luận, có điều gì đó thậm chí còn tuyệt vời hơn nữa đã xảy ra.
• Bạn gặp phải nhiều phức tạp rắc rối về ý nghĩa của đời sống mình, và một kinh nghiệm đã làm sáng tỏ chúng.
• Hoặc bạn cứ từng hồi từng lúc cố gắng cầu nguyện và một ngày nọ phát hiện ra rằng không phải bạn đang cầu nguyện với một Vị Thần Không Nghe Không Thấy nhưng đang tương giao với một Đức Chúa Trời Hằng Sống.
• Hoặc bạn trải qua một bi kịch cay đắng và khám phá ra rằng bạn không cô độc nhưng Đức Chúa Trời đã có ở đó với bạn.
Bạn làm gì đây?
Mặc dù thoạt đầu bạn có lẽ hết sức cả thẹn về điều đó, nhưng sớm hay muộn bạn sẽ khám phá rằng một lần nữa bạn sẽ phải chia sẻ tin vui với một người nào đó. Cuộc sống thật có ý nghĩa, rằng Đức Chúa Trời là thật, rằng bạn không cô độc – đây là những điều quan trọng đáng ghi nhớ đến nỗi bạn không thể nào giữ yên lặng về chúng một khi bạn biết sự thật.
Bây giờ giả sử, một lần nữa, để tranh luận, đó là Đức Chúa Trời yêu thương ấy, Đấng mà bây giờ bạn biết, đã tỏ rõ cho bạn rằng Ngài muốn sử dụng bạn để khiến Ngài và ý muốn của Ngài trở nên thực hữu hơn đối với những người ở gần bên bạn.
Lần nầy bạn làm gì đây?
Mặc dầu có lẽ thoạt đầu bạn nhút nhát và sợ hãi, nhưng cuối cùng bạn sẽ phải nói. Và phải chia sẻ tin mừng với tất cả những người chịu lắng nghe. Bạn thấy chính mình ở vào cùng tình huống như tiên tri Amốt: “Khi Chúa Giêhôva đã phán dặn, thì ai thì chẳng nói tiên tri” (AmAm 3:8).
Nếu bạn có thể tưởng tượng đặt chính mình vào trong các tình huống ấy, thì có thể bạn sẽ bắt đầu hiểu vì sao và bằng cách nào mà Kinh Thánh đã được viết ra. Nếu người ta có những tin vui họ chia sẻ ra. Nếu họ gặp chuyện buồn họ cũng san sẻ. Và nếu họ ý thức Đức Chúa Trời là thật, và nếu họ hiểu cuộc đời bằng những mạng lệnh và những lời hứa của Ngài, họ sẽ phải chia sẻ quan điểm ấy, cùng toàn bộ những gì lời Chúa hàm ý, với những người khác.
Đây chính là loại sự việc mà chúng ta thấy xảy ra trong Kinh Thánh. Một số các trước giả Kinh Thánh thấy rằng Đức Chúa Trời đã buộc họ phải lấy danh Ngài mà công bố. Những người nầy chúng ta thường gọi là “các tiên tri.” Và những điều họ nói quan trọng đến nỗi chúng phải được viết xuống để cho người khác đọc. Hoặc một biến cố lớn xảy ra trong lịch sử Do Thái (chiến thắng kẻ thù chẳng hạn) và một bài hát được soạn ra cho trường hợp đó. Bài hát giải thích biến cố như là một sự chứng quyết về quyền năng và sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, vì vậy nó trở thành điều quan trọng trong sự hiểu biết của con người về cách Đức Chúa Trời can thiệp vào đời sống của họ. Hoặc một sự kiện đau buồn xảy ra ( dân tộc bị buộc phải lưu đày) và ai đó có được sự hiểu biết Chúa ban để nhìn thấy đây là phương cách tình yêu của Chúa phải được bày tỏ ra đối với những kẻ chống nghịch Ngài. Sứ điệp nầy được giữ lại và người ta bắt đầu hiểu rằng toàn bộ lịch sử phải được nhìn xem như một nhà hát nơi đó Đức Chúa Trời là diễn viên chính. Hoặc các bài hát được viết ra để việc họ thờ phượng Chúa công khai trở thành một phương tiện qua đó sự hiện diện của Đức Chúa Trời được nhận biết ngay cả khi họ không ở trong Đền thờ – vì vậy các bài hát cũng đã được giữ gìn và được viết lại cùng với những tác phẩm thánh khác.
Vấn đề là tất cả những tác phẩm nầy đều là một sự đáp ứng đối với hành động và sự quan tâm của Chúa với dân sự Ngài -và qua nhiều thế kỷ một tập hợp văn phẩm có tầm cỡ đã được hình thành. Tác phẩm nầy mang lấy tầm quan trọng chính xác là vì nó đã hình thành bằng phương thức dần dần nầy, bởi vì nó tỏ rõ rằng Đức Chúa Trời liên hệ với loài người tại nơi họ sống, ngay trong những tranh chiến và những nỗi khổ của lịch sử xương máu thật sự của họ.
Việc Ghi Chép Lại – Với Diễn Tiến Theo Bảng Mẫu Tự Chữ Cái
Cựu ước của chúng ta là sản phẩm cuối cùng của quá trình hình thành dần dần nầy. Và sự hiểu biết của chúng ta về các nội dung Kinh thánh có thể được nâng cao nhờ nhận biết quá trình “ghi chép lại” nầy đã được thực hiện ra sao để có được hình thức hiện nay của Kinh Thánh. Tất nhiên chúng ta vẫn có thể nhận được ích lợi khi đọc các sách này mà không có sự hiểu biết mở rộng về nguồn gốc của chúng, nhưng để biết các lời ký thuật nầy đan quyện với nhau như thế nào thường bổ ích khi chúng ta đọc qua hai hoặc ba lời ký thuật khác nhau về cùng một sự kiện. (Bạn không cần nhớ từng chi tiết của những gì tiếp theo, nhưng nó sẽ giúp ích nếu bạn có thể giữ được một bức tranh tổng quát trong đầu.) Chúng ta hãy xem sáu sách đầu tiên của Cựu ước (được gọi là “Hexateuch” theo ý nghĩa Hylạp là “sáu cuộn”) được hình thành như hình thức hiện nay của chúng bằng cách nào.
Dưới đây là cách chúng được hình thành. Có lẽ từ rất lâu vào năm 900 T.C (cách đây gần 3000 năm!) Một tác giả đầu tiên đã soạn một loạt những câu chuyện về các chi phái ở tại miền Nam Palettin, và một thời gian sau đó, những bổ sung đã được thêm vào lời ký thuật nầy hầu cho các chi phái phía Bắc không bị bỏ sót trong lịch sử. Trong những lời ký thuật nầy, từ Hybá được sử dụng cho chữ Đức Chúa Trời là một từ mà chúng ta phải viết là “Yahweh,” và từ nầy trong tiếng Hy bá là YHWH (hoặc như thỉnh thoảng từ nầy được viết, là JHVH). Vì lý do đó, tài liệu này được gọi là “J” và nơi JHVH xuất hiện trong phần đầu của Cựu ước, chúng ta có thể khá chắc chắn rằng các đoạn Kinh Thánh đang được bàn bạc là từ tài liệu “J.”
Về sau (có lẽ khoảng giữa năm 750 – 700 T.C) một tác giả khác đã viết một lời ký thuật tương tự về lịch sử, lần nầy với sự nhấn mạnh chính vào các chi phái phía Bắc. Bởi vì ông không tin rằng “danh” của JHVH đã được biết đến cho tới thời Môise, nên ông đã sử dụng một từ Hybá khác dành cho Đức Chúa Trời, là Êlôhim. Tài liệu của ông vì vậy hiện nay được biết là tài liệu “E.” Về sau những lời ký thuật nầy được đan kết với nhau, để hình thành điều mà bạn có thể đoán được gọi là tài liệu “JE”.
Các chi phái phía Bắc, nay đã trở thành một vương quốc, gặp phải một thảm bại lớn về mặt quân sự vào năm 722 T.C và trong những hỗn loạn theo sau từng trải nầy, một nhóm người đến chỗ nhận biết rằng tai họa nầy chính là do sự thờ phượng Đức Chúa Trời sai trật. Kết quả là họ đã viết một lịch sử nữa, đặc biệt nhấn mạnh về cách thờ phượng phải được tiến hành. Khoảng một trăm năm sau thất bại ấy, năm 621 T.C, tài liệu nầy đã được khám phá trong Đền thờ. Điều đó dẫn đến những cải cách rộng lớn. Phần lớn của tài liệu nầy dường như được chứa đựng trong cái mà ta gọi là “Phục truyền luật lệ ký,” vì vậy mà khá tự nhiên, nó được gọi là tài liệu “D,” trở thành hết sức quan trọng đến nỗi được kết hợp vào các lời ký thuật mang tính lịch sử khác, để hình thành tài liệu “JED.”
Còn một bước cuối cùng. Vương quốc phía Nam cũng vậy, đã bị đánh bại về mặt quân sự, và dân chúng bị đẩy vào tình trạng lưu đày. Một lần nữa, họ đã viết lịch sử của mình, lần nầy với sự nhấn mạnh đặc biệt về tầm quan trọng của Giêrusalem như là trung tâm sự thờ phượng, về các thầy tế lễ cùng những người chỉ đạo đời sống tôn giáo của dân chúng. Bởi vì sự nhấn mạnh “mang tính tế lễ” của nó mà tài liệu nầy được biết như là tài liệu “P.” Bốn tài liệu được đan quện với nhau để hình thành tài liệu “JEDP,” và chính từ sự kết hợp nầy mà sách Sáng Thế Ký qua Giôsuê đã có mặt. Ví dụ trong các đoạn mở đầu của sách Sáng Thế Ký, lời ký thuật về sự sáng tạo trong SaSt 1:1; 2:4 là từ tài liệu “P,” trong khi lời ký thuật trong đoạn 2:4 trở đi là từ tài liệu “J.”
Các tác giả khác nhau nầy đôi khi nhấn mạnh những yếu tố khác nhau trong lịch sử các dân tộc của họ, nhưng chúng thống nhất trong niềm tin của họ, cho rằng lịch sử dân tộc họ chỉ có thể hiểu được bởi quyền tối cao của Đức Chúa Trời tể trị trên lịch sử. Lịch sử như là nơi làm việc của Đức Chúa Trời -đó là chủ đề của họ. Đức Chúa Trời phán với họ qua các biến cố lịch sử, và họ đến chỗ hiểu biết ý muốn của Ngài khi đọc các sự kiện ấy trong ánh sáng của niềm tin đó.
Quá trình hình thành ở tại Jamnia .
Trong khi toàn bộ điều nầy cứ tiếp tục, các sách khác đang được viết ra, hầu cho đến khoảng năm 200 T.C hầu hết các tài liệu Cựu ước đã được tập hợp lại với nhau. Ngoài bộ sách Hexateuch còn có những lời thuật truyện mang tính lịch sử khác, các sách của các tiên tri, một sách thơ ca, một truyện ngắn, một cuốn sách mang lời ai ca, các quy định từ chỗ thờ phượng cho đến cách giết các sinh vật được chấp nhận, và v.v.. Tính đa dạng được đề cập dưới ba tiêu đề. Tiêu đề thứ nhất được biết như là Luật pháp , bao gồm năm sách đầu tiên của Cựu ước. Các tiên tri đã soạn nhóm thứ hai, không những bao gồm các tiên tri nhỏ và tiên tri lớn, mà còn nhiều sách lịch sử, như là Giôsuê, Cácquanxét v.v..Các sách còn lại chỉ được biết như là các Tác phẩm .
Bộ sưu tầm nầy, đã hình thành 39 sách tất cả, ngày càng được chấp nhận rộng rãi hơn, và một hội nghị của các Rabi Do Thái nhóm tại Jamnia, Palettin, vào khoảng năm 90 hoặc 100 S.C đã quyết định rằng không còn một sách nào được phép xen vào trong nhóm các tác phẩm thánh nầy.
Bản Dịch Đầu Tiên
Xin nhớ rằng, ngoại trừ một vài câu lác đác bằng tiếng Aram, các sách nầy đều được viết bằng tiếng Hybá. Lúc bấy giờ bộ chữ cái Hybá không có nguyên âm và không có hệ thống chấm câu. Hơn nữa, tất cả các chữ cái đều đi liền nhau. Nếu bạn viết theo kiểu ấy trong tiếng Anh, bạn sẽ được một thứ giống như vầy: MTHLRDYRGD WHBRGHT ITSTHLNSGIP.
TIFTHHFSBNDGISHLLHVNTHRTDSBFRM
Nếu bạn có thể đoán được vị trí của các nguyên âm, và chúng là gì, làm thế nào để phân chia các từ đã tìm được, cuối cùng bạn có thể đoán ra câu ấy được đọc như vầy:
TA LÀ GIÊHÔVA ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI, ĐÃ RÚT NGƯƠI KHỎI XỨ ÊDÍPTÔ, LÀ NHÀ NÔ LỆ. TRƯỚC MẶT TA, NGƯƠI CHỚ CÓ CÁC THẦN KHÁC. (XuXh 20:2, 3)
Mặc dầu việc bỏ sót những nguyên âm tiết kiệm được chỗ trống, song rõ là khó khăn khi đọc loại chữ viết như vậy, để gải quyết vấn đề này, “ các giá trị nguyên âm” bắt đầu được sử dụng trên các thủ bản về sau, các ký hiệu nhỏ đặt bên dưới hoặc bên trên các nguyên âm để biểu thị nguyên âm nào phải được lồng vào chỗ nào.
Khi thời gian trôi đi, ngày càng có nhiều người Do Thái học tiếng Hylạp, và ngày càng ít người đọc được tiếng Hybá một cách chính xác. Vì vậy bắt đầu khoảng năm 270 TC và trải rộng suốt Kỷ nguyên Cơ Đốc, các học giả Do Thái đã dịch Cựu ước từ tiếng Hybá sang tiếng Hylạp. Tài liệu nầy chính là những bản dịch được các Cơ Đốc Nhân đầu tiên sử dụng, là bản Bảy Mươi (từ chữ septuaginta = bảy mươi) bởi vì theo một lời truyền khẩu, bảy mươi (-hai) học giả đã xuất bản bản dịch nầy trong bảy mươi (-hai) ngày.
Khoảng mười hai sách trong bản Bảy mươi không được kể vào Kinh Thánh được chuẩn thuận của người Do Thái bởi Hội nghị ở tại Jamnia. Các sách nầy được gọi là Ngụy kinh (nghĩa là “ẩn dấu” hoặc “tối nghĩa”). Cựu ước của chúng ta không gộp chúng vào, bởi vì nó dựa trên các tài liệu của người Hêbơrơ, chúng được gộp vào Kinh Thánh của Công Giáo La Mã, bởi vì bản dịch chính thức của Công Giáo La Mã đã tận dụng mở rộng bản Bảy mươi nầy.
Một Giao ước “Mới”
Phải mất tới 700 năm để ghi chép Cựu ước. Tân ước, trái lại, được hoàn thành trong khoảng 100 năm. Các sách Tân ước không được viết bằng tiếng Hybá mà bằng tiếng Hylạp, không phải ngôn ngữ Hylạp tiêu chuẩn trịnh trọng của Plato mà là ngôn ngữ bình thường nơi chợ búa, được gọi là koine. Ở đây, các sách Tin lành tượng trưng cho một loại “bản dịch,” bởi vì Chúa Jêsus và các môn đồ Ngài nói tiếng Aram, chứ không phải tiếng Hylạp, và ngôn ngữ nói Aram của họ phải được dịch sang ngôn ngữ viết Hylạp. Có thể tìm thấy một vài thành ngữ Aram trong bốn sách Phúc âm như tiếng kêu của Chúa Jêsus trên thập tự giá: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, lam-ma-sa-bách-ta-ni” (Mac Mc 15:34), và lời Ngài phán cùng một bé gái: “Ta-li-tha cu-mi” (5:41).
Nhiều người không nhận ra rằng các tác phẩm Tân ước sớm sủa nhất không phải là các sách Phúc âm, mà là các bức thư của Phaolô. Lá thư đầu tiên trong số nầy, I Têsalônica, có lẽ ra đời rất sớm vào năm 50 S.C. Phaolô không hề có tư tưởng cho rằng ông đang viết “thơ thánh”; các lá thư của ông là những “bức thư ngẫu nhiên,” viết ra để giúp các Hội Thánh xử lý những nan đề cụ thể. Chúng hầu như luôn được lưu hành giữa vòng các Hội Thánh Cơ Đốc đầu tiên và một bộ sưu tập các lá thư đó dần dần được triển khai. Chúng hình thành một phần chủ yếu Tân ước của chúng ta.
Phần còn lại của các sách Tân ước (trừ các sách Phúc âm sẽ được thảo luận trong Chương 9) rơi vào hai loại chính. Một số các sách nầy được viết ra trong thời kỳ bắt bớ, như lá thư gởi cho người Hêbơrơ, thư I Phierơ, và (mặc dù bạn có thể không đoán được nếu nhìn sơ qua) sách Khảihuyền. Trong các sách nầy, chúng ta có được lời chứng rõ ràng về lòng can đảm của các Cơ Đốc Nhân đầu tiên vì đã đứng vững vàng chống lại thế giới ngoại giáo thù địch.
Các lá thư khác chiến đấu chống lại tà giáo, là điều phổ biến cuối thế kỷ thứ I. (“Tà giáo không phải là một niềm tin hoàn toàn sai; mà là niềm tin nhấn mạnh quá đáng một phần lẽ thật, và vì vậy có thể tự coi chính nó là chân lý.”) Tà giáo chính trong thời kỳ nầy là quan điểm cho rằng mặc dầu Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời nhập thế, Ngài vẫn không là một con người hoàn toàn, mà chỉ dường như có một thân thể loài người. Vì vậy mà niềm tin nầy được gọi là “Docetism,” theo nghĩa Hylạp là “có vẻ như.” Không cần nói, chúng ta cũng biết rằng nếu niềm tin nầy thắng thế trong thời đó, nó sẽ hủy diệt đức tin Cơ Đốc, bởi vì toàn bộ giá trị của niềm tin Cơ Đốc chính xác là lời tuyên bố mà thuyết Docetism đã phủ nhận, đó là trong Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời cư ngụ trọn vẹn đời sống của một con người, và rằng đó là đời sống con người thật sự, chứ không phải giả tạo. Tình huống nầy giúp chúng ta hiểu đầy đủ hơn sự nhấn mạnh của sách Phúc âm Thứ Tư về “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ,” và những lời tuyên bố tương tự trong ba bức thư của Giăng.
II Phierơ và các phần trong các “Thư Tín Mục Vụ” (I & II Timôthê, Tít) chống lại tà giáo nầy và những quan điểm sai lệch khác.
Điều nầy không hàm ý rằng các sách Tân ước chỉ là tiêu cực, nhưng chỉ để chúng ta hiểu được sứ điệp tích cực của Tân ước một cách đầy đủ hơn nếu chúng ta cũng biết điều mà Tân ước đang tìm cách phủ nhận.
Sự Phát Triển của “Bộ Kinh Điển” (Canon)
Marcion, một người theo tà giáo đầu tiên, đã đi đến một kết luận sai lầm rằng Cựu ước và Tân ước nói về hai Đức Chúa Trời khác nhau. Ông quyết định thảo ra một danh sách các tác phẩm thánh đáp ứng được sự tán thành của ông. Ông bắt đầu bằng cách loại bỏ toàn bộ Cựu ước, và trong Tân ước của ông chỉ gộp vào sách Phúc âm Luca và mười bức thư của Phaolô mà ông cảm thấy là “an toàn.”
Vì những trò hề như vậy, và vì sự phổ biến của các tà giáo khác, Hội Thánh Đầu tiên dần dần bắt đầu triển khai một bảng danh sách tiêu chuẩn các tác phẩm được chính thức chấp nhận, danh sách bao gồm Cựu ước, tất nhiên, sau khi thấy trong đó sự chuẩn bị cho các công việc quyền năng của Đức Chúa Trời được ứng nghiệm trong Tân ước qua Chúa Cứu Thế Jêsus, mà họ dần dần đạt đến sự thỏa thuận về các sách, trong số nhiều tác phẩm Cơ Đốc mới, được chuẩn thuận. Cho đến năm 200 S.C. có một sự đồng tình khá phổ biến về các sách Tin lành, sách Côngvụ, và các thư tín của Phaolô. Các tác phẩm khác đều “nằm ngoài lề” trong một thời gian, nhưng đến năm 367 S.C. một danh sách đã được chuẩn thuận bao gồm 27 sách hợp thành Tân ước hiện nay của chúng ta. Các sách nầy đến chỗ được biết như là “bộ kinh điển,” (“canon”) đến từ một từ Hylạp có nghĩa là “nguyên tắc,” hay “tiêu chuẩn,” bởi vì chúng là tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc cho đức tin Cơ Đốc và vẫn là như vậy cho đến nay.
Giao ước = Giao Kèo = Quy Ước
Lúc này, chúng ta đã làm rõ một bí mật nhỏ.
Từ “giao ước” đã bị đưa lén vào cuộc thảo luận nầy một số lần, mà không làm rõ ý nghĩa của nó. Trên thực tế, chỉ ý nghĩa của nó thôi thì cũng không dễ giải thích, bởi vì đây là cách dịch kém cỏi một từ Hybá. Từ tiếng Anh đầy đủ hơn phải là từ “giao ước,” một từ đúng Kinh Thánh, và cực kỳ quan trọng (như chúng ta sẽ thấy ở Chương 15) là điều hàm ý sự thỏa thuận hoặc mối quan hệ được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và loài người. “Giao ước Cũ” (cái chúng ta gọi là Cựu ước) là một ký thuật về giao kèo giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. “Giao ước Mới” (cái chúng ta gọi là Tân ước) là một ký thuật về mối quan hệ mới được thiết lập giữa Đức Chúa Trời và con người qua thân vị của Chúa Cứu Thế Jêsus. Vì cớ Tân ước làm trọn Cựu ước chứ không phải xóa bỏ Cựu ước, cho nên cả hai giao ước hoặc cả hai giao kèo nầy đều được đưa vào trong Kinh Thánh hiện nay của chúng ta.
Jerome Cho Ra Đời Bản Vulgate
Đến thế kỷ thứ 3 S.C. bạn có thể có một bản Kinh Thánh Hylạp (bản Bảy Mươi) hoặc một bản tiếng Hylạp và Hybá.
Nhưng có lẽ bạn không đọc được tiếng Hylạp, nói chi đến Hybá. Ngôn ngữ duy nhất mà bạn biết là tiếng Latin. Bởi vì hầu hết những người học thức đều nằm trong tình huống tương tự, nên giáo hoàng đã ủy nhiệm cho một học giả tên là Jerome dịch Kinh Thánh sang tiếng Latin. Bản dịch nầy, được thực hiện giữa năm 385 và 475S.C., được gọi là bản bản Vulgate (từ La-tin vulgatus có nghĩa là “bình thường” hoặc “phổ biến”) bởi vì đây là ngôn ngữ phổ thông hoặc “bình thường” của dân chúng. Nó trở thành bản dịch chính thức của Giáo hội Công Giáo La Mã.
Có một kết quả thú vị mà bản dịch nầy để lại trên lịch sử Hội Thánh về sau, minh họa nan đề của việc dịch Kinh Thánh. Từ Hylạp được sử dụng trong Mat Mt 4:17 là mentanoite , là từ mà chúng ta có thể dịch sang tiếng Anh là “ăn năn, quay trở lại, bắt đầu lại, có một khởi đầu mới.” (Hãy ăn năn và tin đạo Tin lành.”) Từ Latin mà Jerome đã sử dụng là poenitentiam agite có thể được dịch là “ăn năn,” nhưng cũng là từ có thể được dịch là “sám hối ăn năn,” và đó chính là ý nghĩa mà mạng lệnh của Chúa Jêsus đã được hiểu trong Cơ Đốc Giáo giới thời Trung cổ. Vì vậy mà những lời dạy của Chúa Jêsus đã trở thành: “Hãy ăn năn sám hối và tin đạo Tin lành,” chúng cũng đã được dịch như vậy cho đến ngày nay trong bản Tân ước Douay (Công Giáo La Mã). Chung quanh ý niệm nầy, nghi lễ sám hối đã được triển khai cùng với niềm tin cho rằng chúng ta phải làm những điều nhất định để giành được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Khi các học giả Tin lành quay trở lại với tiếng Hylạp nguyên gốc thay vì ngừng lại ở tại tiếng Latin, họ phát hiện ra rằng không có cơ sở rõ ràng cho nghi lễ sám hối trong câu Kinh Thánh này, và nó đã bị hủy bỏ khỏi các nghi lễ của người Tin lành.
Luther Mang Kinh Thánh Đến Cho Dân Chúng
Đến cuối thời Trung cổ, chỉ các linh mục và những người có học vấn cao (không nhất thiết là đồng nghĩa) mới có thể đọc và hiểu được tiếng Latin. Bấy giờ những bản dịch mới trong các ngôn ngữ bình thường mà dân chúng nói thật cần thiết, đặc biệt từ khi cuộc Cải Chánh Tin lành đã đưa Kinh Thánh trở lại vị trí trung tâm trong đời sống của người Cơ Đốc.
Khi một nhóm các bạn hữu của Martin Luther gấp rút đưa ông đến chỗ ẩn núp, vào một thời điểm tính mạng ông gặp nguy hiểm, có lẽ họ không hề có ý tưởng mối quan tâm của họ dành cho sự an toàn của ông sẽ dẫn đến một trong những ảnh hưởng lớn nhất của toàn bộ việc dịch Kinh Thánh. Luther, ẩn náu ở tại Lâu đài Wartburg, đã sử dụng thời gian buộc phải rãnh rỗi của mình để dịch Tân ước sang tiếng Đức (1522, ) cũng như về sau ông đã tiếp tục thực hiện cho phần Cựu ước (1534).
Người dân Đức không hề có Kinh Thánh đầy đủ bằng chính ngôn ngữ của họ trước thời điểm nầy, và Luther đã thực hiện công việc dịch thuật của ông tuyệt vời đến nỗi Kinh Thánh đã trở thành một cuốn sách sống họ có thể hiểu được. Thay vì tiến hành việc dịch thuật theo nghĩa đen cứng đơ, ông đã cố gắng truyền đạt hương vị của các sự kiện, hầu cho người dân có thể hình dung những sự kiện đó đang xảy ra ngay trong nơi họ sống. Có những tên cướp trên con đường nằm giữa Giêrusalem và Giêricô – hẳn cũng nguy hiểm như khi băng qua Khu Rừng Đen vào ban đêm! Khi Luther dịch Thi Tv 46:1-11 (“Đức Chúa Trời là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi”) ông đã truyền đạt ý tưởng nầy bằng cách gợi lên hình ảnh của một lâu đài thời Trung cổ đồ sộ với những bức tường dày, một đường hào rộng, an toàn và mạnh mẽ được bảo vệ, và cũng cho Thithiên nầy một tựa đề phụ: “ Chúa vốn bức thành kiên cố ta.” Người Đức biết rõ điều đó hàm ý gì! Để bảo đảm rằng họ có thể hiểu được những quy định về của lễ trong Lêviký một cách đúng đắn, Luther đã kiểm tra tài liệu nầy với người bán thịt.
Những Thoáng Nhìn Ban Đầu về Một Cuốn Kinh Thánh tiếng Anh
Nhưng Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Anh như thế nào?
Truyền thuyết kể rằng vào thế kỷ thứ bảy một con người đáng tin cậy ở tại Whitby là Caedmon đã hát các phần nói về câu chuyện Sáng tạo và cuộc đời của Chúa Jêsus bằng tiếng Anh, và vào thế kỷ thứ tám một thành viên vĩ đại của giáo hội được biết là “Phó giám mục Bede” đã dịch sách Phúc âm Thứ Tư sang tiếng Anh.
Tuy nhiên bản dịch Anh văn hoàn tất đầu tiên đến từ ngòi bút của John Wycklife (hoặc Wiclif hay Wyclif hay Wickliffe-vào thời đó người ta không chú ý chi tiết đến cách đánh vần đúng.) Cùng với một số học giả, ông đã hoàn tất Tân ước vào năm 1380 và phần còn lại của Kinh Thánh vào năm 1382, sử dụng bản Vulgate của Jerome làm tài liệu gốc. Tất cả các bản sao, tất nhiên đều có mặt bằng chữ thường viết tay, Wicklife đã sai phái các nhóm người được gọi là Lollards đọc các bản Kinh Thánh nầy và giải thích chúng cho người dân trong các nơi chợ. Trên cơ sở những gì phát hiện được trong Kinh Thánh, Wicklife đã chống lại nhiều nguyên lý trong Cơ Đốc Giáo thời Trung cổ, và ông cũng là một người đi trước của Phong trào Tin lành. Kết quả là, các tác phẩm của ông của ông đã bị lên án, và các sách của ông bị đốt. Bởi vì Wicklife đã vô tình chết trước khi họ thiêu sống ông, giới cầm quyền đã đào xương ông lên và thiêu chúng. Đó là cái giá mà một người phải trả khi đưa Kinh Thánh đến cho dân chúng.
Mang Lén Vì Sự Vinh Hiển của Đức Chúa Trời
Dịch giả kế tiếp, William Tyndale, kém may mắn hơn, bởi vì Tyndale vẫn còn sống khi giới cầm quyền áp đặt sự kiểm soát chặt chẽ hơn trên ông. Ông đã bị bóp cổ và xử tử bằng hình thức thiêu sống. Nhưng Tyndale có hai lợi thế trong việc thực hiện các bản dịch của mình mà Wicklife đã không có được. Johann Gutenberg đã sáng chế máy đánh chữ di chuyển được vì vậy mà bản dịch của Tyndale có thể được in với số lượng lớn. Và một học giả người Hà Lan là Erasmus đã xuất bản một ấn bản có tính học thuật của bản Tân ước Hylạp, vì vậy Tyndale có thể đặt cơ sở bản dịch của mình trên ngôn ngữ gốc, thay vì bị lệ thuộc vào bản Latin.
Khi sự việc đã trở nên quá nguy hiểm cho Tyndale ở tại Anh Quốc, ông đã sang Đức và in Kinh Thánh tiếng Anh tại đó. Sau đó các cuốn Kinh Thánh nầy được đưa lén vào nước Anh trong các kiện vải lớn. Một giám mục tức giận đã mua rất nhiều Kinh Thánh Tân ước của Tyndale và đốt chúng trước công chúng. Tyndale đã lấy số lợi nhuận có được từ việc mua Kinh Thánh của vị giám mục và in một ấn bản mới!
Một Làn Sóng Các Bản Dịch Mới
Mặc dầu Tyndale đối diện với cái chết của người tuận đạo, ảnh hưởng mạnh mẽ của công việc ông đã được nhận biết, và nó dường như trở nên an toàn hơn để xuất bản một quyển Kinh Thánh tiếng Anh ở tại Anh quốc. Năm 1535, chỉ mười năm sau khi bản Tân ước của Tyndale xuất hiện, cuốn Kinh Thánh được in đầy đủ lần đầu tiên bằng tiếng Anh đã có mặt, là công việc của Miles Coverdale, người đã sử dụng phần lớn bản dịch của Tyndale nhưng đã hoàn tất phần Cựu ước, là phần màTyndale mới chỉ thực hiện một ít. Hầu hết các phầnKinh Thánh được sử dụng trong Book of Common Prayer (Sách Của Lời Cầu Nguyện Chung ) hiện nay của các Giám mục đều đặt nền tảng trên bản dịch của Coverdale.
Các bản dịch mới xuất hiện dày đặc và nhanh chóng trong những năm kế tiếp đó. The Great Bible (Quyển Kinh Thánh Lớn năm 1539) có được sự chuẩn thuận của triều đình, và mang tên gọi này vì tầm cỡ của nó. Các bản sao được ràng bằng xích trong các nhà thờ. Về sau một nhóm những người Thanh giáo đã trốn đến GenevaThụy sĩ, để thoát khỏi bách hại trong đời trị vì của “Mary Khát Máu” (gọi như vậy bởi vì sự bắt bớ của bà đối với những người Tin lành,” và trong khi ở tại đó, họ đã xuất bản Kinh Thánh Geneva (1560), là cuốn Kinh Thánh đầu tiên có các câu Kinh Thánh đánh số. Cuốn Kinh Thánh nầy không được ưa chuộng giữa vòng các giám mục Anh quốc, bởi vì các dịch giả đưa những lời giải thích theo khuynh hướng của Calvin vào hai bên lề Kinh thánh. Các Giám mục đã phản đối lại bằng cuốn Kinh Thánh của các Giám mục (1568, Bishops’ Bible) nhưng cuốn Kinh Thánh nầy không bao giờ được ưa chuộng trừ ra giữa vòng các giám mục.
Bản dịch nổi tiếng nhất trong số các bản dịch tiếng Anh là cuốn Authorized Version, thường được gọi là bản King James (1611). Bốn mươi bảy học giả được chỉ định bởi Vua James I Anh quốc để thực hiện một bản dịch mới dựa trên các ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh và sử dụng tất cả những bản dịch tiếng Anh hiện có lúc bấy giờ. Mặc dầu có nhiều bản Kinh Thánh đã được dịch sang tiếng Anh kể từ lúc đó, không bản dịch nào trong số đó thách thức nghiêm trọng được tính quần chúng của bản King James, mãi cho đến gần đây.
Nhu cầu Về Một Bản Dịch Mới
Vì sao phải bận tâm với các bản dịch mới nếu chúng ta đã có bản King James, với lời văn xuôi tiếng Anh tuyệt vời không thể so sánh được của nó? Dưới đây chỉ là một vài lý do:
1. Việc sử dụng các từ tiếng Anh đã thay đổi rất nhiều kể từ năm 1611. Vào năm 1611 từ “prevent” (ngăn ngừa) có nghĩa là “precede” (đến trước). Vào năm 1611, câu Kinh Thánh trong Phi Pl 4:14 được dịch như vầy: “Ấy thế mà nghĩa cử của anh em càng nổi bật vì anh em đã chia sẻ cùng tôi trong cảnh hoạn nạn.” Câu ấy có thể rõ ràng trong năm 1611, nhưng không còn rõ lắm gần đây. Câu ấy chỉ hàm ý rằng: “Nhưng anh em giúp tôi trong cơn hoạn nạn thì đã làm điều thiện.”
2. Một lý do cơ bản hơn nữa về một bản dịch mới đó là các nguồn phương tiện sẵn có cho các dịch giả vào năm 1611 thật nghèo nàn đáng thương khi so sánh với những bản hiện có. Những dịch giả của bản King James có khoảng hai mươi bốn thủ bản Hylạp chưa hoàn hảo, không bản nào sớm hơn thế kỷ thứ mười, và nguyên bản Tân ước của họ đã có trên 5000 lỗi của người sao chép.
3. Những khám phá mới đây của ngành khảo cổ học đã làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về những phần chủ yếu của các nguyên bản Kinh Thánh. Ngày nay có hàng ngàn thủ bản đã được đào lên ở tại Palettin và Aicập, và nhờ việc so sánh với các bản nầy, các dịch giả có thể hiểu được ý nghĩa gốc của các đoạn Kinh Thánh gây tranh cãi rõ ràng hơn. Ví dụ vào năm 1948, trong một cái hang ở gần Biển chết, một mớ những thủ bản đã được khám phá, một số trong đó được viết vào giữa thế kỷ thứ hai và thế kỷ thứ nhất T.C. Đây là thủ bản xưa cổ không thể so sánh được -1000 năm xưa cổ hơn các thủ bản hiện có khác – và cuộn da bao gồm Sách Êsai đã làm rõ những khúc Kinh Thánh mà cho đến lúc ấyvẫn luôn tối nghĩa.
Bản Dịch Mới Nhất
Vì những lý do đó cũng như những lý do khác nữa, một bản dịch tiếng Anh đáng tin cậy, cập nhật, mới mẻ, mới đây đã được hoàn tất – sản phẩm của 14 năm làm việc cật lực bởi các học giả nổi tiếng. Tân ước đã xuất hiện vào năm 1946, và Cựu ước vào năm 1952. Nếu bạn đã từng bị bối rối, ví dụ, vì những câu Kinh Thánh khó hiểu ở đầu Thithiên thứ 8 trong bản King James: “Nhưng vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và các con đương bú, mà lập nên năng lực Ngài, đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng” thì bạn sẽ thấy khó khăn nầy được giải quyết trong bản Kinh thánh Revised Standard Version:
Đến trẻ con miệng còn thơm sữa cũng tung hô ca ngợi thánh danh khiến quân thù thẹn thùng câm nín.
Dưới đây là những ví dụ khác về sự làm sáng tỏ tương tự:
• Bản Kinh James: Đừng suy nghĩ về đời sống các ngươi (Mat Mt 6:25).
• Bản Kinh Thánh RSV: Đừng lo lắng về đời sống mình
• Bản King James: Chớ có tư tưởng cao quá lẽ (RoRm 11:2)
• Bản Kinh Thánh RSV: Chớ kiêu ngạo
• Bản King James: Hỡi anh em anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa vinh hiển chúng ta thì chớ có tây vị người nào. (Gia Gc 2:1)
• Bản Kinh Thánh RSV: Thưa anh em, anh em tự nhận mình là thuộc về Chúa Cứu Thế Jêsus là Chúa vinh quang, sao còn thiên vị giàu nghèo.
Việc Dịch Sẽ Còn Tiếp Tục .
Bản Kinh Thánh “RSV” có lẽ sẽ trở thành bản dịch tiêu chuẩn trong đời của chúng ta, mặc dầu bản King James vẫn tiếp tục được sử dụng cùng với nó, với sự phong phú rộng lớn. Nhưng các bản dịch mới sẽ được tiến hành, và sẽ tiếp tục được thực hiện, bao lâu mà con người còn đọc Kinh Thánh. Bởi vì cách sử dụng sẽ thay đổi, và các thủ bản mới sẽ được khám phá là điều sẽ làm sáng tỏ thêm ý định của các trước giả ban đầu. Vì vậy sẽ không bao giờ là đúng khi “làm tê liệt” quá trình dịch và cho rằng, ví dụ, bản King James, được bọc trong bìa da đen và được in trên loại giấy mỏng mới chính là bản Kinh Thánh “đích thực.” Cho đến cuối cùng, con người sẽ tham gia vào một trong những cuộc theo đuổi có giá trị nhất – đó là nỗ lực để trình bày lời Đức Chúa Trời bằng những lời lẽ thích hợp nhất hầu làm cho Đức Chúa Trời trở nên sống động trong trái tim và tâm trí của con người.

 

Tác giả: Robert Mc Afee Brown