Lời Mở Đầu
“Một cuốn sách nói về Kinh Thánh” có thể là một cái bẫy và là một sự lừa dối. Người ta có thể nghĩ rằng nếu đã đọc “một cuốn sách nói về Kinh Thánh” thì không cần phải đọc Kinh Thánh nữa. Thật ra, quyển sách nầy cũng giống như giúp bạn đọc về vị tổng thống của Hoa Kỳ (hoặc nhà quán quân của Liên Đoàn Quốc Gia) để biết về tổng thống trước khi bạn thật sự gặp ông. Những cuốn sách nói về Kinh Thánh giúp bạn biết Kinh Thánh một cách gián tiếp. Mục tiêu duy nhất của những quyển sách đó là thúc đẩy bạn tìm đến với Kinh Thánh, giục bạn cầm Kinh Thánh lên và đọc. Những quyển sách này cũng giúp bạn những thông tin và hiểu biết cần thiết để khi thật sự đọc Kinh Thánh, bạn sẽ không bỏ cuộc ngay từ đầu vì cảm thấy chới với trong các câu “người nầy sanh ra người kia” cứ lập đi lập lại.
Như chúng ta sẽ thấy trong các trang kế tiếp, Kinh Thánh không phải “chỉ là một cuốn sách như bao nhiêu quyển sách khác” có nhiều thông tin thú vị về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chính là quyển sách cho người ta thấy Đức Chúa Trời “sống động,” bày tỏ đường lối Ngài cho con người và truyền dạy họ làm những điều liên quan đến Ngài. Ngài không phải là một Đức Chúa Trời “vô hại” hay “dễ bảo,” ngự trị an toàn sau các chắn song của thiên đàng xa xôi. Ngài có phương cách tỏ mình gây khó chịu nhất, ít ra là khi chúng ta cần Ngài; để đối mặt với chúng ta trong những cách lạ lùng nhất. Ngài thường hóa ra lại rất khác so với loại Thượng Đế mà chúng ta tự nghĩ ra. Chúng ta phải chuẩn bị cho những điều ngạc nhiên và những tin tức bất ngờ.
Nếu đã được chuẩn bị cho những sự ngạc nhiên, bạn sẽ thấy tin bất ngờ nầy xuất hiện ở khắp mọi nơi, và khi bạn trở lại với các sách khác uyên thâm hơn quyển sách nầy để có thêm các thông tin ( sách chú giải và những sách thuộc loại đó), cuối cùng bạn sẽ phải quay lại với chính Kinh Thánh và để Kinh Thánh phán với mình, như Kinh Thánh cũng từng phán với nhiều người trước bạn. Nếu bạn làm như vậy, có thể Đức Chúa Trời không còn chỉ là một “ý tưởng,” mà Ngài sẽ trở thành một thực hữu đối với bạn. Bởi vì bạn sẽ tìm gặp Ngài chính ở chỗ Ngài vẫn luôn tìm kiếm bạn từ đầu.
Lời Tri Ân
Rất nhiều người đã giúp tôi thực hiện cuốn sách nầy. Dù có nguy cơ bỏ sót nhiều người, tôi vẫn phải nhắc đến một số người. Cuốn sách nầy có thể sẽ không bao giờ được bắt đầu nếu không có sự sẵn lòng của Tiến sĩ Charles J. Turck, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Macalester, đã làm nhẹ đi gánh nặng dạy dỗ của tôi tại đó trong một quý để tôi có được nhiều thời gian hơn biên soạn cuốn sách nầy. Không phải tất cả các hiệu trưởng Cao Đẳng đều có sự cảm thông hiểu biết như vậy. Ngoài ra tôi cũng đã lấy nhiều ý tưởng từ các sách vở khác, và mặc dầu tôi không hình dung người nào có thể tránh được điều đó, một số trong những ý tưởng mà tôi đã sử dụng rõ ràng là lệ thuộc vào những sáng tạo của người khác mà tôi phải tri ân. Câu chuyện “The man from Mars” trong Chương VI được chuyển thể từ Campus Gods on Trial của Chad Walsh (The Macmillan Company), và câu chuyện Hội Thánh Đầu tiên tại San Francisco trong Chương 15 được chuyển thể từ cuốn The Shape of the Liturgy của Dix.(The Dacre Press) Những ví sánh về chiếc đĩa hát và ô kính cửa sổ trong Chương 3 có nguồn gốc từ các tác phẩm của Emil Brunner. Có nhiều “vay mượn” khác nữa, nhưng phần kể trên là rõ nhất. Cũng xin ghi nhận rằng tôi đã nhận được sự giúp đỡ không kể xiết từ các chủ bút của Ban Chấp Hành Hội Trưởng Lão Ngành Giáo Dục Cơ Đốc và Nhà Xuất Bản Westminster. Nếu vẫn còn có những cụm từ tẻ nhạt và những câu văn khó hiểu trong các trang tiếp theo đây, điều đó không phải lỗi của họ, mức độ hoàn thành của họ trên hai bản thảo đầu tiên cũng đã tuyệt vời một cách lạ lùng rồi.
Điều nầy đúng đối với tôi (nói theo một ẩn dụ mà tôi đã thấy được quy gán một cách khác nhau cho Coleridge, Newton, Herbert, và Perrault) nếu tôi thấy được bất cứ khải tượng nào ở chân trời thuộc linh, đó là vì tôi đã được mang trên vai của những người khổng lồ. Nhưng, điều này cũng đúng nữa, nếu khải tượng bị che mờ và khó phân biệt, là do tôi đã bị buộc phải xem cảnh đẹp bằng chính cặp mắt của mình thay vì của họ.
Robert Mc AFee Brown
Chương 1: Tìm Thấy Phương Hướng
(Kinh Thánh Là Gì? )
HỌC VIÊN (càng lúc càng quyết liệt ): Nhưng tại sao tôi lại phải bận tâm với một quyển sách đã được viết ra hàng ngàn năm trước cơ chứ! Tôi chỉ quan tâm đến những gì đang xảy ra hiện bây giờ! Việc người ta giải quyết nan đề của họ vào năm 700 T.C. thì có tạo được khác biệt gì cho tôi cơ chứ! Tôi đã có những vấn đề phải giải quyết ngay bây giờ rồi. Còn bận tâm đến việc đọc Kinh Thánh làm gì?
GIÁO VIÊN TRƯỜNG CHÚA NHẬT ( rõ ràng đã không chuẩn bị cho loại sự việc nầy ): Thôi được…
Đó là một câu hỏi có lý. Đó cũng là một câu hỏi gay go. Không câu trả lời mang tính lý thuyết suông nào có thể giải đáp được. Và nếu có thì nó phải xuất phát từ đời sống và tình huống của con người ngày nay. Dưới đây là một câu trả lời (và là một câu trả lời đúng) có thể cho chúng ta một sự trợ giúp nào đó. Chúng ta sẽ gọi đó là
Sự Phục Sinh Giữa Thái Bình Dương
Một tàu chiến mang theo 1500 lính thủy đánh bộ, là những người được đưa từ Nhật Bản trở về Hoa Kỳ để giải ngũ. Vào ngày thứ hai, một nhóm nhỏ trong số họ đến gặp vị mục sư tuyên úy và trước sự ngạc nhiên hết sức của ông ta, xin ông hướng dẫn họ học Kinh Thánh mỗi buổi sáng. Nén sự kinh ngạc của mình, vị mục sư tuyên úy đón lấy cơ hội.
Gần cuối hải trình, nhóm người nầy đang học đến Giăng đoạn 11, là đoạn thuật chuyện sự sống lại của Laxarơ. Vị tuyên úy gợi ý rằng sự kiện này đã làm sống động điều Chúa Jêsus phán trong trường hợp đó: “Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin Ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết rồi. Còn ai sống và tin Ta thì không hề chết.” Điều quan trọng hơn cả sự sống lại của một tử thi vào năm 30 S.C chính là vấn đề lời tuyên bố của Chúa Jêsus có đúng vào năm 1946 S.C. (hoàn cảnh lúc ấy) hay không.
Ông kể cho họ câu chuyện của Raskolnikov, người đàn ông trong tác phẩm Crime and Punishment của Dostoevsky, là người tự hủy hoại chính mình bằng hành động giết một người khác, nhưng ông ta thật sự đã được hồi sinh khi được nghe những lời này của Chúa Jêsus.
Mọi người thảo luận chút ít. Một vài câu hỏi được đưa ra. Nhưng nói chung thì không có gì cho vị tuyên úy thấy rằng ông đã trình bày quan điểm của mình hiệu quả lắm.
Khi cuộc thảo luận kết thúc, một lính thủy mang cấp bậc hạ sĩ theo vị tuyên úy vào phòng. Sau một vài lời mở đầu lúng túng, anh đi thẳng vào vấn đề. Anh nói: “Thưa mục sư, tôi cảm thấy như thể mọi sự chúng ta đọc buổi sáng hôm nay nhằm thẳng vào tôi. Tôi đã sống trong địa ngục trong suốt sáu tháng qua, và lần đầu tiên tôi cảm thấy được giải phóng.”
Trong khi anh ta kể, câu chuyện trở nên rõ ràng. Vừa xong trung học anh được gọi vào quân ngũ. Anh đã trải qua thời gian dài trong các lực lượng đóng quân tại Nhật bản. Anh ngày càng chán chường. Cuối cùng một buổi tối nọ anh đã đi chơi với một số bạn bè và vướng phải rắc rối. Một rắc rối nghiêm trọng. May mắn thay (anh nghĩ như vậy) không ai biết chuyện đó. Nhưng chính anh biết rõ. Anh biết chắc rằng Đức Chúa Trời cũng biết. Anh cảm thấy mặc cảm tội lỗi, tội lỗi khủng khiếp. Mỗi ngày khi chiếc tàu càng gần đến San Fransisco, thì cảm nhận ấy lại gia tăng, rằng anh đã hủy hoại cuộc sống của mình và sẽ không bao giờ có thể đối mặt với gia đình khi trở về nhà.
Dầu vậy, đó vẫn chưa phải là kết thúc. Anh cứ tiếp tục lập đi lập lại ý tưởng này nhiều lần: “Mãi cho đến trước ngày hôm nay, thưa mục sư tôi vẫn là một kẻ chết. Tôi cảm thấy bị chính mình, bị gia đình tôi (nếu họ biết), và bị Đức Chúa Trời lên án hoàn toàn. Tôi đã chết , nhưng bây giờ, sau khi đọc câu chuyện của Chúa Jêsus và Laxarơ, tôi biết mình đã được sống lại. Sự tha thứ của Đức Chúa Trời có thể vươn đến, thậm chí với tôi. Rốt lại, Chúa Jêsus phục sinh đang nói về một điều thực hữu, ngay lúc nầy.”
Khi viên hạ sĩ rời phòng, rõ ràng là anh vẫn còn rất nhiều nan đề phải trang trải, và sự việc không tự động trở nên dễ dàng trong “đời sống mới,” nhưng khi vị tuyên úy dõi mắt nhìn anh ta bước đi, ông ta biết rằng vào ngày hôm ấy, trên chiếc tàu ấy, ở giữa Thái Bình Dương, phép lạ về sự phục sinh đã xảy ra. Hoàn toàn rõ ràng, lời của Chúa Jêsus là đúng: “Người nào tin Ta thì sẽ sống mặc dầu đã chết.”
Điều Gì Đã Xảy Ra?
Bây giờ chúng ta hãy đối diện với điều đó. Xét theo bề ngoài thì đối với một người lính thủy bị dày vò trong linh hồn đang ngồi trên đống dây thừng trên chiếc tàu chiến, dường như câu chuyện người chết sống lại vào thế kỷ thứ nhất hoàn toàn chẳng liên quan gì đến anh. Nhưng vì một lý do lạ lùng nào đó, câu chuyện không phải không có liên quan. Câu chuyện như thế nào mà sau khi đọc nó người lính thủy có thể nói rằng anh đã chết mà nay được sống? Điều xảy ra chính là chân lý sống trong câu chuyện đã trở nên chân lý sống cho chính anh . Đó không phải là một câu chuyện xưa cổ trong lịch sử, mà đó chính là câu chuyện của anh . Một lời ký thuật về chính tình trạng của anh ta . Sứ điệp của sự sống mới đã vượt qua các trang giấy và đến được với anh, nắm lấy anh, và đã biến đổi anh. Kinh Thánh không chỉ tuyên bố điều gì đó đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất mà Kinh Thánh còn tuyên bố điều đang xảy ra trong thế kỷ thứ hai mươi.
Giả sử như, và đây cũng là điều hoàn toàn có khả năng, vị tuyên úy đã bỏ sót “vấn đề quan trọng” trong câu chuyện của Laxarơ (và tôi biết rõ khả năng nầy lắm bởi vì tôi đã từng là một mục sư tuyên úy), dầu vậy quyền năng của sứ điệp Kinh Thánh “đã xuyên thấu” vào người lính thủy nầy, bằng sứ điệp chữa lành và ban sự sống mới của Kinh Thánh.
Đây không phải là một trường hợp đơn lẻ. Những chuyện như vậy đã xảy ra cho con người kể từ khi Kinh Thánh được viết ra. Sự thật là khi người ta tự cởi mở chính mình trước sứ điệp của Thánh Kinh, sự việc bắt đầu xảy ra.
• Con người hành động một cách dạn dĩ.
• Nhiều cuộc đời được biến đổi.
• Những kẻ nhút nhát trở nên can đảm
• Một Hội Thánh chết trở nên sống động trở lại
Chúng ta hãy chọn bừa ba tên tuổi trong lịch sử Hội Thánh: Thánh Augustine, nhà kiến trúc của tư tưởng Cơ đốc Tây phương; Martin Luther, người đi đầu trong số những nhà Cải chánh Tin lành vĩ đại; và John Wesley, nhà sáng lập điều ngày nay chúng ta gọi là Hội Giám lý. Mỗi người trong số ba nhân vật nầy đều đã đến chỗ trưởng thành trong đức tin Cơ Đốc bằng con đường khó khăn. Không có sự chuyển tiếp dễ dàng từ “ tôn giáo thời thơ ấu” hay bất cứ điều gì tương tự như vậy đối với họ, mà đó là một cuộc chiến gay go, gian khổ. Đối với mỗi người, chính sự tiếp xúc với sứ điệp sống của Kinh Thánh cuối cùng là nhân tố quyết định khiến họ ủng hộ Kinh Thánh.
Điều tương tự cũng đang xảy ra ngày nay. Không những chỉ khuấy động những người lính thủy, mà cả đến những người nam người nữ ở khắp mọi nơi. Thật vậy, điều có ý nghĩa nhất trong hai mươi lăm năm qua về sự sống của Hội Thánh Tin lành chúng ta là điều có thể được gọi là “việc tái khám phá Kinh Thánh.” Người ta đang nhận ra rằng Kinh Thánh không phải là một cuốn sách lỗi thời, nhưng nó thức thời một cách đáng ngạc nhiên, và khi họ trở lại với Kinh Thánh, Kinh Thánh ngày càng soi rọi ánh sáng tươi mới trên những hoàn cảnh của chính họ vào các năm 1946, hoặc 1955, hoặc 1964.
Kinh Thánh Là Gì?
Nếu đúng như vậy, thì có một vấn đề xác thực cần phải được nêu lên một lần nữa: “Như vậy Kinh Thánh là gì? Vì sao Kinh Thánh tiếp tục có được thứ ảnh hưởng mạnh mẽ như vậy? Vì sao người ta tiếp tục được biến đổi bởi Kinh Thánh?” Chúng ta hãy tìm hiểu xem.
Nếu bạn được trao cho một cuốn Kinh Thánh lần đầu tiên trong đời, và có vài giờ để ghi xuống một số những cảm tưởng, thì có thể bạn sẽ kết thúc với một bảng danh sách như sau:
Một quyển sách QUÁ dài
hai phần chính (Cựu ước và Tân ước – những thuật ngữ ấy có nghĩa gì?)
thật ra, Kinh Thánh không phải chỉ là một quyển sách mà gồm nhiều sách (66 quyển) một số rất dài, một số khác chưa đến một trang.
• thuộc đủ loại:
• lịch sử.
• chuyện ngắn
• kịch
• thơ ca trữ tình
• triết lý
• các điều luật
• các bức thư chân tình
• một số điều làm tôi bị lúng túng hoàn toàn
• dường như chủ yếu viết về người Do Thái và về sau viết về một người trong số họ một cách đặc biệt (nhân vật Giêxu).
• Nếu bạn đi thêm một chút xíu nữa vào trong lịch sử của bản thân Kinh Thánh bạn sẽ kết luận với một vài sự kiện nữa:
• sách đã được viết ra cách đây rất lâu – khoảng 1000 năm
• phần đầu được viết bằng tiếng Hybá, phần thứ hai bằng tiếng Hylạp, một ít tiếng Aram (là ngôn ngữ gì?)
• kể từ đó nhiều phần trong Kinh Thánh đã được dịch ra trên 1000 THỨ TIẾNG!!
• Bản dịch mới nhất (sang tiếng Anh) được gọi là “cuộc mạo hiểm xuất bản lớn nhất trong lịch sử.”
Tất nhiên, những thông tin trên không bắt đầu trả lời cho câu hỏi: Kinh Thánh là gì? Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục xem xét các thông tin đó, cuối cùng bạn sẽ đưa ra một điều gì đó như một vài đoạn tiếp theo sau đây.
Sẽ là không đủ khi bảo rằng Kinh Thánh là lời ký thuật việc con người tìm kiếm Đức Chúa Trời , một lời tường thuật về cuộc tìm kiếm khổ sở, chậm chạp, tiến dần từ những sự bắt đầu sơ khai đến chủ nghĩa độc thần (niềm tin nơi một Đức Chúa Trời )phát triển cao. Thật vậy, có nhiều ví dụ về sự phát triển khái niệm về Đức Chúa Trời khi nó trở nên thuần khiết và cao quý trong quá trình lịch sự của người Do thái. Nhưng là một phương tiện để hiểu biết Kinh Thánh, thì điều đó chưa đủ. Bảo rằng Kinh Thánh là lời ký thuật của việc Đức Chúa Trời tìm kiếm loài người thì gần với sự thật hơn. Xuyên suốt Kinh Thánh, con người dường như lúc nào cũng có khuynh hướng trốn tránh Đức Chúa Trời. Mặc dầu vậy, Đức Chúa Trời tiếp tục tìm kiếm những con người đó, không chịu bỏ cuộc, tiếp tục đeo đuổi bất chấp vô số những sự từ chối và né tránh.
Kinh Thánh có tất cả sự thú vị và hồi hộp của một câu chuyện trinh thám, trong đó viên thám tử không ngơi ngớt rượt đuổi kẻ tội phạm từ chương nầy sang chương khác. Cùng một loại đeo đuổi không khoan nhượng ấy chi phối lời giải thích mà người Do thái đã trình bày với quá khứ lịch sử của họ trong Cựu ước. Cuộc tìm kiếm kết thúc trong Tân ước, nơi có lời tuyên bố rằng Đức Chúa Trời, vì quá mong muốn có được mối tương giao với con người đến đỗi không những đã sai các sứ thần, những vị khâm sai hay các tiên tri hoặc những người đại diện – mà qua Chúa Cứu Thế Jêsus, chính Ngài đã đến! Đây chính là lời tuyên bố gây kinh ngạc hơn hết đã từng được phán ra. Đây chính là tuyên bố lạ lùng nhất từng được công bố. Nếu như có một tin tức bất ngờ nào, thì đó chính là Tin lành.
Dầu vậy thậm chí còn có nhiều điều lớn lao như thế nữa. Kinh Thánh không những cho biết Đức Chúa Trời đã tìm kiếm dân Ngài trong quá khứ; mà Kinh Thánh còn là một phương tiện để Ngài tìm kiếm chúng ta ngày nay . Kinh Thánh không chỉ là quá khứ tẻ nhạt; mà nó còn là hiện tại sống động. Ta không thể đọc Kinh Thánh mà không ý thức mình tham dự vào. Bởi vì những kinh nghiệm của các nhân vật trong Kinh Thánh chính là kinh nghiệm của chúng ta. Họ đặt những câu hỏi:
• Nếu con người chết đi, liệu có sống lại không? (Giop G 14:4).
• Bạn nghĩ gì về Chúa Cứu Thế? (Mat Mt 22:42).
• Lạy Chúa, Ngài là ai? (Cong Cv 9:5).
• Lạy Chúa, tôi phải làm gì? (22:10).
• Vì sao con đường của kẻ ác được thạnh vượng? (Gie Gr 12:1).
• Hỡi linh hồn ta, cớ sao ngươi sờn ngã? (Thi Tv 42:5).
• Và chúng ta cũng đặt những câu hỏi tương tự, dù cách dùng từ hơi khác:
• Điều gì xảy đến cho tôi khi qua đời?
• Liệu Chúa Jêsus có thật sự vĩ đại hơn những con người vĩ đại không?
• Đức Chúa Trời là ai?
• Niềm tin nơi Đức Chúa Trời sẽ tạo ra điều gì khác biệt?
• Mấu chốt của việc “sống tốt” là gì?
• Vì sao cuộc sống đôi khi dường như phù phiếm khủng khiếp?
Tới mức độ đã thật sự đặt những câu hỏi trên (phải có can đảm để nêu những câu hỏi ấy một cách thành thật), chúng ta phát hiện mình có liên quan đến việc đặt và trả lời những điều có trong Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng chúng ta sẽ không tìm thấy những câu trả lời có sẵn trên chiếc đĩa bạc, các câu trả lời cũng không được ban cho các nhân vật trong Kinh Thánh trên một chiếc đĩa bạc. Những câu trả lời họ có đã được nhấn mạnh cho họ qua “ máu, sự lao khổ, nước mắt và mồ hôi” của một lịch sử đau buồn. Những câu trả lời đó đã không ra từ nghiên cứu của một nhà triết học, hay thậm chí từ một lớp học Trường Chúa Nhật. Chúng nổi lên từ những gian khổ và mất mát của cuộc sống, và chính trong những gian khổ và mất mát đó chúng ta khám phá sự giải đáp của Kinh Thánh xác thực như thế nào.
Nhưng không phải chỉ qua các câu hỏi và trả lời mà chúng ta thấy Đức Chúa Trời tìm kiếm chúng ta trong Kinh Thánh. Không những các mạng lệnh và lời hứa của Chúa đã được đem đến gần chúng ta, mà chính mình Đức Chúa Trời “trở nên sống động,” và phán với chúng ta khi chúng ta đọc Kinh Thánh nghiêm túc. Chính vì lý do đó mà các Cơ Đốc Nhân gọi Kinh Thánh là “Lời của Đức Chúa Trời.” Điều nầy không có nghĩa những “lời” của Đức Chúa Trời được ghi lại trong Kinh Thánh như thể có ai đó đã có một chiếc máy thâu băng siêu phàm và rồi đã sao chép lại sứ điệp ấy ra trên giấy. Bởi vì, như chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời “phán” với con người, không nhiều qua những lời tuyên bố cho bằng qua hoạt động sáng tạo của Ngài ngay nơi con người đang ở. Sự mặc khải siêu nhiên của “Lời” Ngài, là quyền phép sáng tạo của Ngài, chính là “sự kiện” Chúa Cứu Thế Jêsus, qua đời sống, sự chết, và sự phục sinh của Ngài – “Ngôi lời đã trở nên xác thịt,” như sách Phúc âm Thứ Tư đã chép. Và rồi, Kinh Thánh cho chúng ta biết những thời điểm Đức Chúa Trời hành động trên đời sống của con người, khi chúng ta đọc Kinh Thánh, là tạo khả năng Chúa có thể phán trực tiếp với chúng ta qua các sự kiện và hành động ấy. “Kinh Thánh là một bức thư đặc biệt được gởi với tên và địa chỉ của bạn trên đó” là một cách mô tả Kinh Thánh. Vì vậy Kinh Thánh hơn cả một lời ký thuật; là một tiếng gọi, một lời mời gọi, một sứ điệp khẩn cấp dành cho chúng ta.
Việc Sử Dụng Kinh Thánh
Nếu đúng như vậy, thì bây giờ có một câu hỏi hàng đầu cần phải được nêu lên: Tôi có thể sử dụng Kinh Thánh bằng cách nào ngõ hầu Kinh Thánh sẽ phán với tôi theo cách ấy? Chúng ta hãy xem xét một số phương cách qua đó các Cơ Đốc Nhân đã thử để trả lời cho câu hỏi nầy.
1. Một phương pháp mà người ta đã sử dụng từ rất sớm, đặc biệt với những câu Kinh Thánh khó, đó là giải thích Kinh Thánh bằng ngụ ngôn . Ngụ ngôn là một câu chuyện có những ý nghĩa ẩn tàng không xuất hiện ở bề mặt. Ví dụ nếu tôi viết: “con gấu trúc mắc một cái dằm trong móng vuốt của nó cho đến khi đến được bờ sông,” đây có thể là cách nói ngụ ngôn của tôi hàm ý rằng Cơ Đốc Nhân (gấu trúc) dính líu vào trong tội lỗi (cái dằm) cho đến khi người ấy được báp tem (bờ sông), và tôi có lẽ đang cố gắng một cách nghiêm túc để viết về niềm tin Cơ Đốc bằng hình thức chuyện ngụ ngôn về loài vật.
Nhiều người trong số các Giáo phụ của Hội Thánh Đầu Tiên đã giải thích các đoạn Kinh Thánh bằng cách nầy. Hãy lấy ví dụ của Chúa Jêsus về câu chuyện người Samari Nhơn lành, minh họa điều hàm ý một người lân cận tốt là thế nào ( xem LuLc 10:25-37 nếu bạn đã quên diễn tiến của câu chuyện). Thánh Augustine đã dựng nên một ngụ ngôn từ câu chuyện nầy, sau khi cho mỗi chi tiết một ẩn ý. “Có một người” chính là Ađam. Giêrusalem là thành của thiên đàng. Những kẻ cướp là ma quỷ và các quỷ sứ nó. Người Samari là Chúa Jêsus. Quán trọ là Hội Thánh. Chủ quán là sứ đồ Phaolô. Và vân vân. Câu chuyện về người Samari Nhơn lành đã được biến đổi từ một câu chuyện về lòng tử tế thật thành một chuyện ngụ ngôn của kịch nghệ Cơ Đốc về sự cứu rỗi.
Bởi vì ngôn ngữ tôn giáo luôn phải tận dụng lối nói hình tượng, phương pháp giải thích bằng ngụ ngôn đôi khi rất hữu ích. Sự nguy hiểm ở chỗ một người không phải là học giả và chuyên gia có thể “bóp méo” một câu chuyện để nói lên điều mình muốn, như vậy không những ý nghĩa thực sự của câu chuyện có thể bị đánh mất, mà những ý nghĩa sai trật hoàn toàn có thể bị “hiểu”.
2. Tương phản hoàn toàn với phương pháp ngụ ngôn là quan điểm Kinh Thánh phải được diễn dịch theo nghĩa đen , kèm thêm tuyên bố từng lời đã được hà hơi trực tiếp, nên mọi lời đều có lợi ích và giá trị ngang bằng nhau. Phương pháp giải thích Kinh Thánh này mới hơn phương pháp ngụ ngôn rất nhiều. Ví dụ, Luther, nhà Cải chánh Tin lành đầu tiên, phân biệt rõ ràng giữa các sách khác nhau của Kinh Thánh, đã gọi sách Giacơ là một “thơ tín ít giá trị,” và bảo rằng ông thấy có ít giá trị niềm tin trong sách Khảihuyền. Nhận định của ông đúng hay không tạm thời không quan trọng cho bằng ông cảm thấy tự do để đưa ra những nhận xét đó. Nhưng những nhà Cải chánh về sau, đã tiếp tục cùng với Luther để bác bỏ thẩm quyền tuyệt đối của giáo hoàng và quay sang đặt niềm tin nơi thẩm quyền tuyệt đối của Thánh Kinh ngày càng nhiều hơn, giải thích rằng là Cơ Đốc Nhân nghĩa là người tin lời Kinh Thánh, những lời tuyên bố chứa đựng bên trong hai bìa của sách, đúng theo nghĩa đen trong mọi chi tiết. Điều nầy nẩy sinh nan đề ra sao?
Vì một điều, thật sự là ngôn ngữ tôn giáo cần phải dùng đến chủ nghĩa biểu tượng, sự tượng hình, và cách mô tả có chất thơ trong những trường hợp nhất định, việc sử dụng ngôn ngữ như vậy đánh mất ý nghĩa tôn giáo nếu xét theo nghĩa đen. Ví dụ khi Chúa Jêsus bảo chúng ta hãy trở nên như con trẻ, không có nghĩa Ngài hàm ý chúng ta phải mang tã.
Có một khó khăn về đạo lý trong quan niệm mà“những người giải thích theo nghĩa đen” đôi khi tán thành, cho rằng tất cả các phần trong Kinh Thánh đều đúng và được thần cảm như nhau. Có – hoặc phải có – một sự khác biệt rõ ràng giữa thái độ của Thi Tv 127:1-5 đối với kẻ thù: “Phước cho người bắt con nhỏ ngươi, đem chà nát chúng nó nơi hòn đá!” (câu 9) với thái độ của Chúa Jêsus với kẻ thù của Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết điều mình làm” (LuLc 23:34). Hai câu ấy rõ ràng không cùng một mức độ giá trị thuộc linh như nhau. Đặt mọi câu Kinh Thánh trên cùng một mức quan trọng như nhau là đưa chính mình vào chỗ khó khăn giống như người mở Kinh Thánh hú họa để tìm lời khuyên trong lúc gặp khó khăn, và chuốc lấy họa khi tưởng được soi sáng bằng những lời nầy: “Giuđa đi ra và treo cổ.” Chưa thỏa mãn với lời an ủi lạnh lùng ấy, anh ta thử lại một lần nữa, lần nầy anh mở ra trúng chỗ: “Hãy đi và làm y như vậy.”
Kinh Thánh không phải là một bộ sưu tập cố định gồm những câu trả lời có bằng chứng giáo khoa, được sử dụng theo kiểu đó. Hiểu như vậy, sẽ thấy thật khó khăn khi tiếp cận Kinh Thánh như một loạt các lời tuyên bố mà mỗi lời đều đúng theo nghĩa đen và có giá trị bằng nhau. Vấn đề là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh có thực sự chọn cách nầy để mặc khải chính mình Ngài hay không. Dầu còn đeo đuổi vấn đề nầy trong chương kế tiếp, chúng ta vẫn lập lại một lần nữa điều đã được nói, đó là qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời không mặc khải chính mình Ngài qua các lời tuyên bố nhiều cho bằng qua các sự kiện, các nhân vật, và các hành động. Nói cách khác, Ngài là một Đức Chúa Trời có thân vị, ra sức bước vào mối tương giao cá nhân với con cái Ngài. Chúng ta không thể bước vào mối tương giao cá nhân với một cuốn sách phi thân vị nhưng chúng ta có thể bước vào mối tương giao cá nhân với một con người, với Chúa Cứu Thế Jêsus. Và vì vậy, chính về nhân vật đó mà sách nầy được viết ra, chứ không phải vì bản thân quyển sách, Ngài là chủ thể và đối tượng của đức tin chúng ta. Những người Tin lành tin chắc nơi “thẩm quyền của Kinh Thánh,” bởi vì Kinh Thánh đưa họ mặt đối mặt với Chúa Cứu Thế Jêsus. Đức Chúa Trời đã đối diện họ bằng một thân vị sống, không phải chỉ qua những thông tin về những nhân vật đó.
Điều nầy phần nào cũng giống như một bức thư của một người bạn. Bạn không quý trọng bức thư nhiều vì những cụm từ hoặc văn phong của nó cho bằng vì nó đưa người ấy đến gần bạn hơn và giúp bạn hiểu rõ người ấy hơn. Sự hiện diện liên tục của lá thư có lẽ cũng tốt, nhưng đó là một sự thay thế khá tồi so với sự hiện diện liên tục của người bạn. (Bất cứ ai đã từng yêu thì sẽ hiểu điều nầy.) Luther đã làm rõ điểm nầy – nếu chúng ta có thể thay đổi ý tưởng của mình hơi đột ngột – khi ông nói: “Kinh Thánh là chiếc nôi mà Đấng Christ nằm ở trong.”
3. Một cách sử dụng Kinh Thánh khác nữa đó là giải thích Kinh Thánh trong tinh thần phê phán , tức là từ quan điểm nghiên cứu văn chương Kinh Thánh. Suốt một thời gian dài, các học giả đã nghiên cứu các thủ bản Kinh Thánh đầu tiên, từ cách xác định các sách trong Kinh Thánh được viết ra vào lúc nào, ai viết và viết cho ai, hoàn cảnh nào các sách ra đời, và v.v..Bởi vì con người đôi khi chế nhạo cách giải thích Kinh Thánh nầy, nên phải nhấn mạnh rằng Cơ Đốc Nhân ngày nay mắc nợ lớn đối với các học giả ấy. Nhờ những nỗ lực của họ, ngày nay chúng ta có những công cụ để hiểu Kinh Thánh tốt hơn bao giờ hết có thể có được. Để biết được cuốn sách đã được viết ra lúc nào, do ai, dành cho ai, ý định của tác giả là gì? – tất cả điều nầy ngày nay đã có được cách rõ ràng.
Vì vậy khó khăn chính với phương pháp nầy không phải là vì nó sai trật hoặc thiếu sự tôn kính, nhưng bởi bản thân nó chưa đầy đủ. Ví dụ thật thú vị khi biết rằng có hai câu chuyện sáng tạo trong Sáng Thế Ký, và thật thú vị để so sánh những tương đồng và những khác biệt của chúng. Nhưng điều nầy chỉ có giá trị như một công cụ để giúp chúng ta hướng đến các vấn đề nền tảng hơn: ý định của các câu chuyện sáng tạo này là gì? Chúng cho ta biết gì về sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta? Những hàm ý của ý tưởng Đức Chúa Trời đã dựng nên trái đất, và đặc biệt là Ngài đã dựng nên chúng ta, là gì? Bản thân phương pháp phê bình không cho chúng ta những câu giải đáp dành cho những thắc mắc ấy.
4. Vậy thì những phương cách trên chưa phải là cách đầy đủ hoàn toàn để hiểu biết và sử dụng Kinh Thánh. Có cách nào có ý nghĩa hơn không? Phương cách được đề nghị ở đây (và sẽ được bao hàm xuyên suốt phần còn lại của sách nầy) là chúng ta hãy đọc Kinh Thánh như các diễn viên tham gia vào vở kịch Kinh Thánh trong công cuộc Đức Chúa Trời tìm kiếm loài ngươì.
Chúng ta là một phần của vở kịch nầy. Chúng ta không thể tách mình khỏi vở kịch đó. Chúng ta không thể hiểu Kinh Thánh như một thủ bản cổ chủ yếu vì lòng quan tâm của một người chuyên sưu tầm đồ cổ hoặc người bảo quản viện bảo tàng.
Chúng ta phải hiểu Kinh Thánh như một cuốn sách sống được viết cho chúng ta, trong đó chúng ta làm một với những người ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời và những người nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Lỗi lầm chết người đó là đọc Kinh Thánh như một người đứng ngoài xem xét chứ không phải như một người tham dự, và đưa ra một giả định sai lầm rằng chúng ta có thể ngồi trong rạp hát theo dõi vở kịch, trong khi thật sự chúng ta phả ở trên sân khấu dự phần trong vở kịch.
Điều đó có nghĩa khi Amốt lớn tiếng cảnh báo dân chúng thành Bêtên rằng họ đang phạm những điều sai trái, thì chúng ta cũng đang nghe ông phán cùng mình. Không những ông chỉ cho chúng ta biết điều gì sai trật ở tại Bêtên – là ông cũng cho chúng ta biết điều sai trật ở tại Minneapolis, Houston hay Grover Corner hoặc bất cứ nơi nào chúng ta đang sống.
Khi Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: “Còn người ta nói ta là ai?” đó cũng chính là câu hỏi đang được nhắm vào chúng ta. Chúng ta nói Ngài là ai? Chúng ta đang được hỏi để quyết định, cũng như các môn đồ đang được hỏi để quyết định.
Như vậy, hoặc Chúa Jêsus nói: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng ta,” hay Ngài nói: “Các ngươi bề ngoài ra dáng công bình, nhưng trong lòng thì chan chứa gian ác và tội lỗi,” là Ngài đang nói với chúng ta cũng như nói với các thính giả ở thế kỷ đầu tiên.
Như thế, chúng ta đang trở thành những diễn viên hoặc người tham dự không phải chỉ vì biết đôi điều về tình huống lịch sử mà trong đó có lời được phán ra hoặc một sự kiện diễn ra, mà chính bởi hiểu rằng lời hoặc sự kiện đó có liên quan đến hoàn cảnh của mình, ngõ hầu lời ấy trở thành lời phán dành cho chúng ta, sự kiện ấy là sự kiện có ý nghĩa cho chính chúng ta. Chúng ta dự phần vào những mạng lịnh và những lời hứa mà Đức Chúa Trời phán truyền, trong niềm hy vọng và kính sợ của dân sự Ngài khi họ trải qua các trang sách nầy. Câu chuyện của họ hiện nay là câu chuyện của chúng ta. Bởi vì họ là “dân sự Ngài,” chúng ta cũng vậy.
Sau đây là một ví dụ về cách Kinh Thánh hoạt động. Không lâu sau khi Đức Quốc Xã chiếm đóng Hòa Lan trong Thế chiến II, một nhóm những Cơ Đốc Nhân Hòa Lan bị mật vụ Đức bỏ tù. Vài tháng sau, khi một người trong số họ được thả, anh sẵn lòng để mang tin đến cho các gia đình của những người khác. Họ nên nói gì đây? Một người trong số họ cuối cùng đã gởi một lá thư, lời dịch thô thiển như sau:
Xin hãy cố gắng hiểu rằng điều đã xảy đến cho chúng tôi thật sự đã đem kết quả đến cho sự tấn tới của đạo Tin lành, bởi vì những người lính gác tù và tất cả những người còn lại ở đây đều đã đến chỗ nhận biết Chúa Cứu Thế. Thật vậy, chúng tôi nghe rằng nhiều người trong anh em bên ngoài đã có được sự can đảm vì cớ việc chúng tôi bị tù và đang nói về lẽ thật dạn dĩ hơn bao giờ hết.
Chúng tôi hy vọng rằng mình sẽ không cần phải xấu hổ vì lời chứng của mình nhưng mong cho mình được dạn dĩ đủ hầu cho ảnh hưởng của Chúa Cứu Thế sẽ được lan truyền bởi chúng tôi, dầu chúng tôi sống hay chết.
Những lời này hẳn phải mang một âm điệu quen thuộc. Bởi vì điều tác giả lá thư đã làm là dự phần bức thư Phaolô đã viết trong khi ông ở tù 1900 năm trước đó (Phi Pl 1:12-20), và coi những lời đó là của chính mình. Những Cơ Đốc Nhân Hòa Lan, khi gởi lá thư nầy, đã làm chứng rằng, kinh nghiệm của Phaolô chính là kinh nghiệm của họ, sứ điệp của Phaolô cũng là sứ điệp của họ, Đức Chúa Trời của Phaolô cũng là Đức Chúa Trời của họ.
Họ là những người dự phần trong vở kịch Kinh Thánh.
Tác giả: Robert Mc Afee Brown