Ở Mỹ có hai ngày lễ lớn, lớn không phải vì đặc biệt nhưng lớn vì nó đánh dấu hai ngày quan trọng trong đời sống hằng năm của người Mỹ. Hai ngày lễ đó là ngày Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, Memorial Day và ngày Lễ Lao Động, Labor Day. Lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong nhằm vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng Năm và lễ Lao Động vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9. Khoảng giữa hai ngày lễ nầy là những ngày nghỉ hè của đa số các trường học và cũng là dịp nghỉ hè của nhiều người. Cuối tuần nầy thường được gọi là cuối tuần cuối cùng của mùa hè. Học sinh, sinh viên bắt đầu đi học lại và đời sống trở lại với những sinh hoạt bình thường.

Đối với những người chưa có dịp nghỉ hè, cuối tuần nầy là dịp để nghỉ. Đối với những người đã nghỉ hè thì một trong những điều khó nhất là trở lại với công việc hằng ngày. Sau khi được nghỉ một thời gian, chúng ta dễ cảm thấy lười biếng và không muốn đi làm trở lại. Chúng ta suy nghĩ ước gì hay giá mà được nghỉ thêm ít lâu nữa thì thích biết mấy, nhưng sự thật vẫn là sự thật, ta phải đối diện với thực tế, phải trở về với việc làm hằng ngày. Thật ra, thái độ của chúng ta, cái nhìn của chúng ta với việc làm mới là điều quan trọng. Khi chúng ta có cái nhìn đúng vào việc làm hằng ngày, ta sẽ không còn thấy đó là điều đáng buồn đáng nản nữa, nhưng sẽ vui vẻ bắt tay với công việc hằng ngày.

Để có một cái nhìn đúng đối với việc làm, ta cần có một triết lý sống đúng và triết lý nầy đặt căn bản trên niềm tin của chúng ta. Đối với những người đặt lòng tin nơi Chúa Cứu Thế, triết lý sống của chúng tôi hay niềm tin của chúng tôi về việc làm như sau:

1. Việc làm là một tiếng gọi

Việc làm là một tiếng gọi nghĩa là thế nào? Việc làm là tiếng gọi nghĩa là coi việc làm là một thiên chức. Nếu có ai hỏi chúng ta, Tại sao anh hay chị đi làm, thì câu trả lời đương nhiên là đi làm để sống. Nhu cầu căn bản của con người là cơm ăn, áo mặc, nhà ở và để có những thứ nầy ta cần phải có tiền. Và để có tiền ta phải đi làm, không ai cho chúng ta tiền luôn bao giờ. Đi làm, dù là làm việc gì cũng đều có cái khó, cái khổ, cái buồn của nó, nhưng ta không thể tránh không làm việc. Thật ra không có việc làm ta sẽ cảm thấy khó chịu vô cùng vì việc làm là một phần của đời sống. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người và trước khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã giao công tác cho con người là trồng và giữ ngôi vườn địa đàng tốt đẹp mà Ngài đã tạo dựng. Làm việc vì vậy là một thiên chức, một phần của đời sống. Ta không thể ăn không ngồi rồi mà tìm thấy ý nghĩa của đời sống bao giờ. Ngoại trừ những trường hợp bênh hoạn hay những người quá già yếu, làm việc bao giờ cũng là một phần của đời sống. Những người lớn tuổi, dù không làm việc nữa vẫn luôn luôn tìm thấy những việc làm nhỏ nhặt, tình nguyện là niềm vui cho đời sống.

Nếu chúng ta biết, nếu chúng ta ý thức việc làm là một phần của đời sống, việc làm là một thiên chức, việc làm là một tiếng gọi, chúng ta sẽ có một thái độ hoàn toàn mới với những gì chúng ta đang làm.

Trước hết chúng ta sẽ bỏ đi thái độ phàn nàn, chán nản, oán trách, cho rằng đi làm là đi cày, là kéo cày trả nợ. Chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta là để chúng ta làm việc chứ không phải để chúng ta ở không. Việc làm là một phần của đời sống. Khi suy nghĩ việc làm là tiếng gọi, là thiên chức, là một phần của đời sống, ta sẽ vui vẻ làm việc dù khó nhọc hay có khi không thích hợp và có những điều khiến chúng ta dễ bực mình.

Trong xã hội học có một thành ngữ tạm dịch là “triết lý làm việc của người Tin Lành” tiếng Anh là, “Protestant work ethics.” Triết lý nầy phát xuất từ những nước Bắc Âu và một số nước khác ở Âu châu chịu ảnh hưởng mạnh của phong trào Cải Cách Giáo Hội trong thế kỷ 16. Người dân ở những nước nầy ý thức sâu xa việc làm là một tiếng gọi, là một thiên chức cho nên làm bất cứ việc gì họ cũng vui vẻ, tận tâm mà làm. Họ không cho rằng mình làm việc cho một cá nhân hay đoàn thể nào, nhưng làm việc theo một tiếng gọi trên cao. Chính nhờ tinh thần đó mà kinh tế ở những nước nầy đã phát triển nhanh và đưa đất nước đến chỗ phú cường. Ngược lại, cũng có những quan niệm khác về làm việc đã khiến cho nhiều xã hội chẳng những không tiến bộ mà còn đi dần đến chỗ thoái hóa.

Như vậy chúng ta thấy rằng chỉ một quan niệm sống, một quan niệm về làm việc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả công việc cũng như sức khỏe tinh thần của người làm việc.

Sau ngày lễ Lao Động, mỗi chúng ta sẽ trở lại với công việc thường nhật, ước mong mỗi chúng ta sẽ nhìn vào công việc của mình với một cái nhìn mới. Hãy nhớ rằng việc làm là một thiên chức. Thiên Chúa đã đặt chúng ta trên quả đất nầy làm việc, không phải để ngồi không. Ý thức như vậy ta sẽ vui với công việc dù không thể nào tránh khỏi những phiền hà nặng nhọc hay khó chịu trong công việc.

2. Chỉ có một điều nầy chúng ta nên nhớ, và đây là điều rất quan trọng. Một mặt, việc làm là thiên chức của con người, mặt khác, làm việc nặng nhọc hay lao động là hình phạt của con người. Thiên Chúa tạo dựng con người, đặt con người trong vườn địa đàng để trồng và giữ vườn, nhưng con người đã bất tuân lời Đức Chúa Trời và hình phạt con người phải chịu là phải làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn. Lao động thật sự không phải là vinh quang nhưng lao động là hình phạt và chỉ trong Chúa Giê-xu là Đấng gánh vác tội lỗi cho chúng ta, chúng ta mới thật sự được an nghỉ.

Nhìn vào việc làm với hai cái nhìn đó sẽ giúp chúng ta một mặt thỏa lòng trong công việc thường nhật, mặt khác giúp chúng ta biết tìm đến với Chúa Cứu Thế để giải quyết vấn đề bất an cho chúng ta bởi vì cỗi rễ của ván đề là tội lỗi và chỉ khi nào vấn đề tội lỗi được giải quyết ta mới thật sự được an nghỉ. Như vậy ta đã thấy hai điều quan trọng về việc làm: (1) Việc làm là thiên chức. (2) Việc làm khó nhọc hay lao động là hình phạt của Thiên Chúa.

3. Sau khi ý thức hai điều trên và đặt lòng tin nơi Chúa, chúng ta sẽ đi đến điểm thứ ba, đó là dù làm việc gì, chúng ta phải nhớ rằng mục đích của chúng ta là làm rạng danh Thiên Chúa. Thánh Kinh dạy: “Anh em hoặc ăn hoặc uống hay là làm bất cứ việc gì hãy làm vì vinh quang của Thiên Chúa.” Ở đời nầy người ta thường có những cái nhìn khác nhau về công việc. Có những nghề được trọng vọng, cũng có những nghề bị coi thường. Nhưng thưa quý vị, dựa vào lời dạy của Chúa, không có nghề nào là hèn hạ bị coi thường cả, chỉ những việc làm gian dối hại người hay bất chính, đi ngược lại với pháp luật và đạo đức mới đáng bị coi thường mà thôi. Vì vậy, dù làm việc gì, ta hãy hãnh diện và làm việc hết mình, coi đó như cách chúng ta làm vinh danh Thiên Chúa.

4. Điểm cuối cùng cũng là điểm rất quan trọng trong vấn đề làm việ c hay việc làm, đó là chúng ta phải trả lời được câu hỏi: “Chúng ta đi làm để được điều gì?”

Dĩ nhiên chúng ta đi làm để có tiền sinh sống, nhưng thưa quý vị, đó không phải là mục đích cuối cùng của việc làm. Chúa Cứu Thế Giê-xu khi còn ở trần gian đã thực hiện một phép lạ, hóa bánh ra cho 5,000 người ăn. Đám người nầy về sau đã theo Chúa để mong luôn có được miếng ăn. Và Chúa đã phán dạy họ những lời như sau: “Hãy làm việc chớ vì đồ ăn hay hư nát nhưng vì đồ ăn chẳng hư nát.”

Chúng ta đi làm đến cuối tuần hay cuối tháng thì được lãnh tiền. Nếu bây giờ thay vì phát tiền, người chủ phát cho chúng ta trái cây và rau cải thật nhiều tương đương với số tiền chúng ta làm. Chắc không ai trong chúng ta muốn lãnh lương như vậy vì số trái cây và rau đó dù ăn nhanh, dù bán đi cũng không hết và sẽ bị hư thối hết. Cũng vậy, không ai làm việc để rồi chỉ nhận lãnh những gì sẽ tàn phai, mai một. Chúng ta muốn đổ công ra sức để nhận được một cái gì trường tồn, vĩnh viễn. Đó chính là ý nghĩa lời Chúa Giê-xu dạy: “Hãy làm việc, đừng vì đồ ăn hay hư nát nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời.” Và Chúa Giê-xu đã cho biết làm việc để nhận được thức ăn còn lại đến đời đời chính là đặt lòng tin nơi Chúa, đeo đuổi những giá trị trường tồn vĩnh cứu trên đời.

Bạn thân mến, cuối tuần nầy chúng ta sẽ nghỉ lễ để rồi tuần tới bắt đầu một năm học mới, một chu kỳ mới của việc làm. Việc làm của chúng ta vui hay buồn, thích thú hay không có lẽ chúng ta không thay đổi được. Nhưng có một điều chúng ta thay đổi được đó là thái độ của chúng ta, cái nhìn của chúng ta vào công việc. Hãy ghi nhớ lời Chúa dạy về việc làm: việc làm là thiên chức, việc làm là tiếng gọi, làm việc là để làm rạng danh Thiên Chúa và ta hãy làm gì để còn lại trong cõi vĩnh hằng, đừng chỉ chăm chú những gì chóng tàn phai ở đời. Trên hết hãy nhớ rằng tội lỗi là nguyên nhân của mọi khổ đau, hãy đến với Chúa để được Ngài ban cho sự an nghỉ đích thực. Mời Bạn đến với Chúa, tìm an nghỉ nơi Ngài và rồi sẽ có cái nhìn đúng vào đời sống và việc làm để rồi Bạn sẽ có thể luôn luôn vui sống dù cuộc đời cực nhọc đến đâu chăng nữa.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

“Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/