Tác giả: Sứ đồ Giăng.
Thời kỳ hình thành sách: Khoảng năm 90 SC, thời điểm đầy khó khăn và nguy hiểm đối với những người làm môn đệ Chúa.
Mục đích: Nhằm cảnh báo Hội Thánh về tội lỗi và hoạn nạn
Đối tượng: Những Hội Thánh đang chịu đợt cám dỗ và những cuộc bức hại khốc liệt.

Tản mạn

Ông Stanley Toussaint, một giáo sư tại Viện Thần Học Dallas kể với sinh viên câu chuyện sau đây (Chủng viện Dallas nổi tiếng về việc nghiên cứu sách Khải Thị) :
Một hôm, một nhóm sinh viên chủng viện đến phòng thể dục của trường để chơi bóng rổ. Trong giờ giải lao, một trong số các sinh viên để ý thấy một người lao công ngồi gần đó đọc một quyển sách trông giống như quyển Kinh Thánh. Cậu sinh viên xem kỹ rồi hiểu xem người lao công đang đọc sách gì. Người lao công trả lời: “Tôi đọc sách Khải Thị”.
Cậu sinh viên hỏi tiếp (có lẽ với giọng khá khiêm tốn) : “Ông có hiểu điều ông đang đọc không? Sách Khải Thị nói về điều gì thế?”
Người lao công trả lời: “Tất nhiên là tôi hiểu! Sứ điệp của sách Khải Thị là: Chung cuộc, Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ chiến thắng”.

Thâm nhập

Sứ điệp của sách Khải Thị đơn giản, dễ hiểu nhưng sâu sắc như thế đấy! Chủ đề của Khải Thị là Chiến Thắng – chiến thắng chung cuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu trên mọi sức mạnh và quyền thế. Kết cuộc, Ngài sẽ đắc thắng cả ma quỷ lẫn sự chết. Vào thời đó, đối tượng nhận thư tín của ông Giăng là các tín hữu đang cần gấp sứ điệp này. Phần đông các tín hữu đang phải trải qua cơn bức hại khốc liệt. Chính vì thế mà sứ đồ Giăng, tác giả bức thư, tự nhận mình là bạn cùng chia sẻ hoạn nạn với họ (1:9).
Ông Giăng viết sách này cho bảy Hội Thánh trong vùng thuộc về nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay (1:11). Họ cần biết rằng dù gặp phải thử thách, hoạn nạn, nhưng cuối cùng họ sẽ xuất hiện trong chiến thắng với Chúa Cứu Thế. Các sách khác trong Kinh Thánh Tân Ước cũng viết về sự bức hại. Nhưng trong khi các sách đó, như Hê-bơ-rơ và 2Phi-e-rơ chẳng hạn, dạy Cơ Đốc nhân cách sống trong hoạn nạn vì niềm tin, thì sách Khải Thị dạy Cơ Đốc nhân chuẩn bị sẵn sàng chịu chết vì niềm tin trong cơn bức hại.
Trong Khai Huyen 1:19, Chúa bảo ông Giăng ghi chép những việc ông đã thấy (quá khứ) , những việc hiện nay (hiện tại) , và những việc sắp đến (tương lai) . Câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết cấu trúc của sách Khải Thị. Khải tượng về Chúa Cứu Thế Giê-xu là điều ông Giăng đã thấy (trong quá khứ) . Đây là phần thứ nhất của sách (Chương 1) . Phần thứ hai (Chương 2 và 3) gồm có bảy sứ điệp và bảy Lời Thề Ước hoặc lời hứa cho bảy Hội Thánh trong hiện tại. Phần thứ ba (Chương 4-22) mô tả tính ác liệt của các biến cố sẽ xảy đến trong thời kỳ cuối cùng trên toàn cầu.
I. Khải tượng về chiến thắng (1)
Khải tượng ông Giăng thấy trong Chương 1 là khải tượng về Chúa Giê-xu, Đấng đã sống lại trong vinh quang lẫm liệt. Cần chú ý Chúa mô tả chính Ngài là Đấng đã chết nhưng nay hiện đang sống (Khai Huyen1:18) so sánh (1:5). Ngài cũng là Đấng giữ chìa khoá âm phủ và cõi chết (1:18). Điều này nhằm nhấn mạnh chiến thắng của Ngài trên sự chết, hậu quả của tội lỗi chúng ta (1:5).
Trong lúc đọc chương thứ nhất, nhiều độc giả bắt đầu cảm thấy băn khoăn, bối rối. Họ cảm thấy lo ngại vì những biểu tượng trong các khải tượng của sách này. Chẳng hạn, tác giả mô tả Chúa Giê-xu ở giữa bảy giá đèn bằng vàng (1:13) và tay phải Ngài cầm bảy ngôi sao (1:16). Những biểu tượng này có ý nghĩa gì? Nếu bạn cũng cảm thấy lo ngại tôi xin phép trấn an rằng ý nghĩa của tất cả các biểu tượng đều có trong sách này. Chẳng hạn, bản văn giải thích rằng bảy ngôi sao là bảy thiên sứ / sứ giả của Hội Thánh, và bảy giá đèn bằng vàng là bảy Hội Thánh (1:20). Do đó, vấn đề trọng yếu của khâu giải kinh không phải là ý nghĩa của các biểu tượng.
Thế thì vì sao rất nhiều nhà thần học giải kinh không nhất trí về cách giải luận sách này? Họ không bàn cãi nhiều về ý nghĩa các biểu tượng, nhưng bàn cãi về sự nhận diện các biểu tượng trong lịch sử. Chẳng hạn, tất cả đều đồng ý rằng bảy giá đèn bằng vàng là các Hội Thánh, nhưng họ lại không nhất trí về những Hội Thánh được nói đến. Một số người cho rằng bảy Hội Thánh đó là Hội Thánh phổ thông trong bảy thời kỳ của lịch sử Hội Thánh. Một số người khác lại nói rằng đó là bảy Hội Thánh tại nước Thổ Nhĩ Kỳ trong thời sứ đồ Giăng.
Nhưng có lẽ tốt nhất là tập trung vào sứ điệp gởi cho bảy Hội Thánh này chứ không phải tập trung vào bản thân các Hội Thánh. Nếu sứ điệp nào trong số những sứ điệp này có liên quan tới Hội Thánh chúng ta ngày nay, thì chúng ta nên lo thực hành đúng theo điều đã được viết ra (1:3).
Hiển nhiên, mỗi một sứ điệp trong số bảy sứ điệp đều áp dụng, theo một nghĩa rộng hơn, cho tất cả bảy Hội Thánh. Bản văn xác định như vậy (1:4, 11, 2:7, 11, 17, 29, 3:6, 13, 22). Do đó, chúng ta nên tập trung vào sứ điệp riêng của Đức Chúa Trời gởi cho chúng ta và tránh suy đoán về mối liên quan giữa các biểu tượng và số liệu với những biến cố trong lịch sử.

II. Lời Thề Ước về chiến thắng (2-3)

Phần thứ hai (Chương 2 và 3) gồm bảy sứ điệp gởi cho bảy Hội Thánh. Khi đọc những Chương Thánh Kinh thuộc loại này, thường chúng ta không phát hiện được điểm quan trọng nhất của sứ điệp vì chúng ta quá mải mê với chi tiết. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần nắm được bài học chính bằng cách tìm xem sứ điệp nào được nhắc đi nhắc lại chung cho cả bảy Hội Thánh. Đa số các sứ điệp đều bắt đầu với Lời Khen ngợi, tiếp theo là Lời Khiển trách, và kết thúc với Lời Kêu gọi ăn năn.
Nhưng trong sứ điệp gởi cho Hội Thánh thứ hai và thứ sáu không có Lời Khiển trách lẫn Lời Kêu gọi ăn năn mà chỉ có Lời Khen ngợi. Sứ điệp được nhắc lại chung cho cả bảy Hội Thánh là Lời hứa của Chúa Cứu Thế Giê-xu dành cho mọi người chiến thắng (2:7, 11, 17, 26, 3:5, 12, 21). Các lời hứa dành cho bảy Hội Thánh đều tương tự nhau – tất cả các lời hứa mà Chúa hứa ban cho người chiến thắng đều có liên quan tới phần thưởng đời đời trong đời sau. Nhưng họ phải chiến thắng điều gì? Họ phải thắng sự cám dỗ và thử thách hoạn nạn. Do đó, lời khuyên quan trọng nhất ấy là hãy chiến thắng sự cám dỗ và hoạn nạn. Một lý do nữa khiến cho các lời hứa trở nên chủ chốt là vì cớ tất cả bảy lời hứa đều có lời kêu gọi lắng nghe đi kèm. Hễ khi nào Chúa bảo chúng ta lắng nghe , thì chúng ta phải lắng nghe.
Có thể chia bảy Hội Thánh này làm ba loại: Hội Thánh thứ nhất (Ê-phê-sô) , Hội Thánh thứ năm (Hội Thánh Sạt-đe) và Hội Thánh thứ bảy (Hội Thánh Lao-đi-xê) thuộc loại thứ nhất. Cả ba đều rơi vào tình trạng sa sút thuộc linh từ bên trong. Hội Thánh Ê-phê-sô đánh mất tình yêu ban đầu đối với Đức Chúa Trời. Hội Thánh Sạt-đe rơi vào tình trạng ngủ mê thuộc linh, còn Hội Thánh Lao-đi-xê lại hâm hẩm (tâm linh không nóng cũng không lạnh) .
Hội Thánh thứ hai và thứ sáu (Si-miệc-nơ và Phi-la-đen-phi) thuộc loại thứ hai. Nan đề của họ là họ bị bức hại từ bên ngoài. Điều đáng chú ý là cả hai Hội Thánh này đều không vướng phải bất cứ vấn đề nội tại nào.
Hội Thánh thứ ba và thứ tư (Hội Thánh Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ) thuộc loại thứ ba. Cả hai đều bị ảnh hưởng của sự thờ lạy thần tượng và lối sống vô luân. Nan đề của họ là họ bị ô uế từ bên trong.
Đến khâu áp dụng, chúng ta phải tự vấn xem Hội Thánh chúng ta thuộc loại nào. Chúng ta sa sút, suy sụp từ bên trong, bị bức hại tư bên ngoài, hoặc bị ô uế bề trong? Bảy Hội Thánh này bao trùm toàn bộ phạm vi các vấn đề. Do đó, chúng ta nhận biết rằng ít nhất một trong bảy sứ điệp ấy là dành cho Hội Thánh chúng ta.

III. Diễn biến quyết liệt trước khi chiến thắng (4-22)

Phần thứ nhất nói đến Khải tượng về chính Chúa. Phần thứ hai nói về Lời hứa của Chúa dành cho bảy Hội Thánh. Phần thứ ba nói về chấn động khốc liệt sẽ xảy đến cho toàn thể nhân loại trước khi Chúa giành được chiến thắng cuối cùng. Phần thứ nhất nói đến khải tượng về Vua . Phần thứ hai nói về Mão Triều Thiên mà Đức Chúa Trời hứa ban cho những người chiến thắng. Và phần thứ ba chép về Cuộc chiến cuối cùng giữa thiện và ác. Phần thứ nhất mô tả chiến thắng của nhân chứng thành tín, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu chiến thắng Sự chết và Tội lỗi (1:5). Phần thứ hai mô tả chiến thắng của các thánh đồ đối với Cơn thử thách, hoạn nạn và cám do (2:10). Và phần thứ ba mô tả chiến thắng chung cuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với Ma quỷ và Cõi chết (20:10, 14).
Phần thứ nhất đề cập đến bảy Thần linh của Đức Chúa Trời (tức là Thánh Linh) . Phần thứ hai gồm bảy sứ điệp của Đức Chúa Trời. Còn phần thứ ba mô tả bảy ấn hình phạt, bảy cây kèn hình phạt và bảy bát hình phạt. Hai mươi mốt hình phạt này mô tả thảm hoạ toàn cầu sẽ giáng trên cả thế giới trong thời kỳ cuối cùng. Những hình phạt đó gồm có chiến tranh, đói kém, sự chết và động đất. Tất cả những điều này đã từng diễn ra trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trong thời kỳ cuối cùng các tai hoạ ấy sẽ xảy ra trên khắp hoàn cầu. Với hai cuộc thế chiến trong thế kỷ này, với những thông tin về sự ấm dần của trái đất, và một loại vi-rút như vi-rút E-bo-la, có khả năng giết 1/3 dân số thế giới, những thảm hoạ toàn cầu đó giờ đây không còn là điều khó hình dung nữa. Những hiện tượng đại loại trong thế kỷ hiện nay khiến nhiều người Cơ Đốc tin rằng chúng ta sống rất cận kề ngày tận thế, có thể ngày ấy xảy đến trong thế hệ chúng ta hiện nay.

Nhưng những hình phạt đó nhằm mục đích gì? Đó là hình phạt của Đức Chúa Trời giáng trên thế giới để báo ứng việc họ đã sát hại người Cơ Đốc (6:10) và tạo cho họ cơ hội cuối cùng để ăn năn (9:20-21, 16:9, 11, 21).

Hai mươi mốt hình phạt này diễn ra trong thời kỳ Đại nạn kéo dài khoảng bảy năm (Cựu Ước có nói đến thời kỳ 70 năm Lưu đày, Tân Ước nói về thời kỳ bảy năm Đại nạn) . Sách Khải Thị nhiều lần nhắc đến khoảng thời gian 42 tháng (11:2, 13:5), 1260 ngày (11:3, 12:6) và ba năm rưỡi (12:14). Khi chúng ta đặt sách này bên cạnh sách Đa-ni-ên (Danien 7:25, 9:27, 12:7, 11). Chúng ta có thể thấy toàn bộ bức tranh: bảy năm đại nạn được chia làm hai giai đoạn bằng nhau, mỗi giai đoạn là ba năm rưỡi (42 tháng = 1260 ngày = 3 năm rưỡi) . Trong ba năm rưỡi đầu, kẻ chống lại Chúa Cứu Thế (Antichrist) sẽ nắm quyền và giấu diếm đặc tính thật của nó. Trong ba năm rưỡi sau, nó sẽ bộc lộ bản chất thật và bắt đầu hành hạ dân Đức Chúa Trời, làm 144.000 người chết. Cuối bảy năm, Chúa Cứu Thế trở lại đánh bại Antichrist (gọi là con thú) trong một trận chiến lớn (Khai Huyen 19:19-21). Ngài quăng quỷ vương, kẻ nắm quyền lực, vào vực thẳm trong 1000 năm (20:1-3). Một số nhà thần học gọi 1000 năm ấy là Thiên Hy Niên. 144000 người bị giết vì cớ đức tin. Họ được hưởng đặc ân là cùng cai trị với Chúa Cứu Thế trong Thiên Hy Niên này. Đầu Thiên Hy Niên / 1000 năm, các Cơ Đốc nhân tuận đạo sẽ sống lại để cùng cai trị với Chúa Cứu Thế. Đó là Sự Sống Lại Thứ Nhất (20:5, 6). Cuối 1000 năm, tất cả những người không tin Chúa sẽ được sống lại và bị xét xử tùy theo công việc họ làm trước mặt Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng ngồi trên chiếc ngai lớn và trắng (20:11-15). Đó là Sự Sống Lại Thứ Hai. Vì thế, cuộc xét đoán những người không tin vào cuối Thiên Hy Niên thường được gọi là Cuộc Phán Xét Trước Toà Lớn và Trắng. (Những người tin Chúa sẽ không trải qua sự phán xét này) . Những kẻ chẳng tin cùng ma quỷ, âm phủ và sự chết đều bị quăng xuống hồ lửa (20:10, 14). Vào hồ lửa là chết lần thứ hai (20:14).

Sau đây là chuỗi sự kiện xảy đến cho người không tin Chúa:
1. Ra đời
2. Chết lần thứ nhất
3. Thân thể họ bị chôn dưới đất, còn linh hồn họ đi vào địa ngục
4. Cuối Thiên Hy Niên, họ được sống lại trong Sự Sống Lại Thứ Hai (chỉ có 144000 được dự phần trong Sự Sống Lại Thứ Nhất)
5. Họ bị xét xử trước Toà Lớn và Trắng
6. Họ bị quăng xuống hồ lửa, tức là chết lần thứ hai.

Đối với Cơ Đốc nhân, chuỗi sự kiện diễn ra khác hẳn:
1. Ra đời;
2. Tin nơi Chúa Cứu Thế và được tái sanh;
3. Chết lần thứ nhất như người không tin Chúa;
4. Thân thể họ được chôn dưới đất nhưng linh hồn họ được ở cùng Chúa Giê-xu;
5. Trong thời kỳ Hoan Hỉ (xảy ra đầu bảy năm Đại Nạn) thân thể họ được sống lại, và linh hồn họ mặc lấy thân thể mới, họ được đưa về thiên đàng ở với Chúa Cứu Thế (ITesalnica 4:13-18);
6. Họ trở lại mặt đất sau 1000 năm hoà bình;
7. Họ thoát khỏi Sự Phán Xét Trước Toà Lớn và Trắng, và thoát khỏi Sự Chết Thứ Hai vào cuối Thiên Hy Niên;
8. Họ sống với Chúa Cứu Thế mãi mãi sau khi Trời Mới Đất Mới được dựng nên.
Đối với 144000 người tuận đạo (và có lẽ tất cả những Cơ Đốc nhân tuận đạo khác) , các sự kiện xảy đến cho họ theo một thứ tự đặc biệt:
1. Họ tin Chúa trong bảy năm đại nạn.
2. Họ bị giết hại vì Chúa Cứu Thế Giê-xu.
3. Họ sống lại trong kỳ sống lại lần thứ nhất xảy ra giữa Bảy Năm Đại Nạn và Thiên Hy Niên.
4. Họ cai trị với Chúa Cứu Thế mãi mãi sau khi Trời Mới Đất Mới được dựng nên.
(Dù hầu hết các nhà thần học đều nhất trí về các sự kiện, nhưng họ lại không nhất trí về thời điểm các sự kiện ấy diễn ra) .
Chương 21 và 22, hai chương cuối của sách này, mô tả một thế giới tuyệt hảo. Sách kết thúc với lời cầu chúc Đức Chúa Trời ban phước hạnh cho tất cả những người thuộc về Ngài (Khai Huyen 22:21 xem thêm 22:7, 14).

Trọng tâm
Cuối cùng, Chúa Cứu Thế sẽ chiến thắng.

Thực hành

Sau khi biết mọi điều này, chúng ta cần tự vấn mình: “Rồi sao?” Chúng ta làm gì với tất cả thông tin này? Chúng ta còn nhớ đối tượng nhận thư tín của sứ đồ Giăng không? Họ bị bắt bớ dữ dội, một số người bị bức hại đến mức tuận đạo. Do đó, sách này là một nguồn an ủi, khích lệ rất lớn đối với họ. Nếu ngày nay bạn cũng đang sống trong hoàn cảnh tương tự, bạn có thể chắc chắn rằng dù bạn, hoặc những người thân yêu của bạn, bị giết hại vì tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì bạn sẽ chẳng phải trải qua sự chết lần thứ hai. Tương tự như 144000 người bị giết trong bảy năm đại nạn, Đức Chúa Trời sẽ trút cơn phẫn nộ xuống thế giới suốt bảy năm đại nạn để báo ứng việc họ sát hại bạn. Và chắc chắn bạn được sống lại để cùng cai trị với Chúa Cứu Thế mãi mãi! Bạn phải giống như 144000 người đã tỏ lòng nhịn nhục và trung tín khi bị bắt bớ cực độ (13:10, 14:12).
Sứ điệp của sách này không chỉ dành cho những Cơ Đốc nhân bị bức hại đến nỗi tuận đạo, nhưng cũng dành cho Cơ Đốc nhân nào đã đánh mất tình yêu ban đầu đối với Đức Chúa Trời, đã ngủ mê, hoặc trong tình trạng hâm hẩm. Bên cạnh đó, sứ điệp của sách còn dành cho tín hữu nào bị lôi cuốn vào những thói tục đồi bại và thờ thần tượng. Như vậy, sứ điệp dành cho những hạng Cơ Đốc nhân trên đều như nhau – Hãy chiến thắng.
Nhiều tín hữu phải đương đầu với nhiều nan đề trong đời sống thuộc linh vì cớ họ không sẵn sàng chịu chết cho Chúa của họ. Nếu họ sẵn sàng vì Chúa mà hy sinh tính mạng, thì họ không thể đánh mất tình yêu ban đầu đối với Ngài, hoặc không thể rơi vào tình trạng ngủ mê thuộc linh hoặc hâm hẩm. Nếu họ liên tục được nhắc nhở rằng có thể họ được kêu gọi hy sinh tính mạng cho Chúa Cứu Thế Giê-xu ở bất cứ giờ phút nào, thì họ không thể vướng vào sự thờ lạy thần tượng và lối sống đồi bại.
Do đó, mỗi Cơ Đốc nhân cần phải tự vấn rằng: Tôi có sẵn sàng chết vì Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa tôi không?
Nếu bạn sẵn sàng hy sinh tính mạng cho Chúa Giê-xu, thì có lẽ bạn sẽ sẵn sàng sống cho Ngài.

Khải Thị

Từ chính: CHIẾN THẮNG (VÀ) CHUNG CUỘC
Chủ đề chính: Chiến thắng
Cụm từ chính: ‘kẻ nào thắng/ người nào thắng’ (8 lần)
Câu chính: “Ngài lại phán cùng tôi rằng: Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là đầu tiên và cuối cùng. Người nào khát, ta sẽ lấy nước suối sự sống mà ban cho nhưng không. Người nào thắng sẽ được những sự ấy làm cơ nghiệp, ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con ta.” (21:6-7)
Bài học chính: Chung cuộc, Chúa Cứu Thế sẽ chiến thắng.

GHI CHÚ DÀNH CHO GIÁO VIÊN và NGƯỜI GIẢNG DẠY
SỬ DỤNG SÁCH NÀY

Nội dung hai phần Thâm nhập và Trọng tâm trong sách này được xem luôn luôn phù hợp ở mọi nơi và mọi lúc. Còn nội dung của hai phần Tản mạn và phần Thực hành thì chắc là sẽ phù hợp hơn cho Hội thánh của bạn hoặc học viên của bạn nếu bạn tự soạn. Do đó trong sách này hai phần trên chỉ được xem là mẫu gợi ý.
Khi soạn phần Tản mạn , tức là phần dẫn nhập, bạn nên cố gắng thực hiện ít nhất là hai trong ba điểm sau đây:
(1) Thu hút sự chú ý của độc giả hoặc thính giả.
(2) Làm sao cho thính giả muốn nghe thêm hoặc độc giả muốn đọc thêm.
(3) Giới thiệu đề tài hoặc chủ đề chính.
Bạn có thể đưa vào phần Tản mạn một câu chuyện, một mẫu tin cắt từ báo chí, một bài hát hoặc một tấm hình. Bạn nên chọn tư liệu sao cho phù hợp với độc giả hoặc thính giả.
Cũng nên soạn lại phần Thực hành hoặc phần áp dụng của mỗi chương, vì cớ khi áp dụng Kinh Thánh (ứng dụng bài học Kinh Thánh vào cuộc sống) chúng ta cần tôn trọng hai tiền đề sau đây: Thứ I, một phân đoạn Kinh Thánh chỉ có một ý nghĩa chính xác, nhưng có thể vận dụng sự dạy dỗ của Kinh Thánh vào cuộc sống bằng nhiều hình thức. Tiền đề thứ hai là mặc dù lời của Đức Chúa Trời được rao giảng ra dưới dạng những mệnh lệnh yêu cầu mọi người phải tuân theo, nhưng chúng ta không thể ép buộc người khác phải áp dụng lời Đức Chúa Trời theo hình thức riêng của chúng ta. Chẳng hạn như Chúa dạy rằng tất cả chúng ta phải trở nên nguồn phước cho người khác (phần áp dụng của sách Sáng Thế Ký) , nhưng mỗi người trong chúng ta sẽ trở thành nguồn phước cho người khác thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Khi soạn phần Thực hành , bạn cần lưu tâm đến cảnh ngộ mà thính giả của bạn đang hoặc sẽ trải qua. Đừng quên thính giả của bạn là người công nhân, sinh viên, nông dân, giám đốc doanh nghiệp hoặc nội trợ. Hãy gợi ý cho họ ít nhất 1 hoặc 2 cách chuyển nguyên tắc Kinh Thánh thành kế hoạch cụ thể và khả thi.
Hầu hết các giáo viên và người giảng đạo đều mắc phải một khuyết điểm là áp dụng một cách chung chung. Một số mục sư, truyền đạo tổng quát hoá tới mức lồng tất cả các sách trong Kinh Thánh và các phân đoạn Kinh Thánh vào cùng một khung áp dụng duy nhất: ai nấy phải lo đọc Kinh Thánh và cầu nguyện nhiều hơn. Vì vậy họ đánh mất những bài học sâu sắc, phong phú trong Kinh Thánh. Do đó chúng ta đề ra những phương hướng áp dụng lời Đức Chúa Trời cách cụ thể để giúp thính giả của chúng ta chuyển tất cả lời của Đức Chúa Trời qua khâu thực hành. Một phần Thực hành bổ ích phải xác định 3 điều sau đây:
(1) Điều cần áp dụng
(2) Cách áp dụng
(3) Thời điểm áp dụng
Sau nhiều nỗ lực soạn một vài phần Tản mạn và Thực hành có lẽ bạn nhận thấy rằng trái với suy đoán của bạn lâu nay, là soạn phần Thực hành cho thật tốt khó hơn nhiều so với phần Tản mạn . Nhưng Đức Chúa Trời ban Kinh Thánh cho chúng ta không phải chỉ nhằm cung cấp một số thông tin mà chủ yếu là nhằm biến đổi chúng ta. Do đó chúng ta cần tận tâm tận lực để tìm ra những đường lối Thực hành cho riêng chúng ta.
Nguyện Đức Chúa Trời ban thưởng cách dư dật cho nỗ lực của bạn.

Danh mục

Dành cho bất cứ ai muốn sống cuộc đời có ý nghĩa, thoả lòng và muốn hưởng sự sống đời đời tức là sống hoà thuận với Đức Chúa Trời, với người khác và với chính mình.

Thành phần tín hữu có nguy cơ bị những người cậy sự công bình riêng dẫn đi sai lạc.

Thành phần sợ chịu khổ vì tin Phúc Âm và rao giảng Phúc Âm

1. Thành phần tín hữu cần rao truyền Phúc Âm cho những tội nhân hư mất.

2. Thành phần tội nhân mang nặng mặc cảm tội lỗi không biết chắc Đức Chúa Trời có tha tội cho họ hoặc không.

Thành phần người tin Đức Chúa Trời nhưng không dám chắc là họ có tin Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Thành phần Cơ Đốc nhân cảm thấy phải lo truyền bá Phúc Âm cho thế giới nhưng chưa được động viên (chưa đi đến hành động).

1. Thành phần chưa tin Chúa, tức là những người chưa biết gì về Phúc Âm.

2. Thành phần tín hữu chưa hiểu tường tận về Phúc Âm.

Bất cứ Hội Thánh nào đang rối reng vì những trục trặc nội bộ.

Các tín hữu, các vị mục sư và giáo sĩ bị tố cáo, chỉ trích cách bất công và đang chịu thử thách.

Thành phần tín hữu bị ràng buộc vào một hệ thống tôn giáo duy luật pháp nhưng không dám rời bỏ vì sợ sự bức hại từ phía giới lãnh đạo.

Dành cho bất cứ ai muốn thấy Hội Thánh của mình phát triển mạnh mẽ và trưởng thành.

Các tín hữu (và các nhân sự) đánh mất niềm vui trong công tác phục vụ Chúa giữa Hội Thánh.

Thành phần tín hữu tìm cách tăng trưởng tâm linh thông qua tri thức “đặc biệt” hoặc sự tuân thủ nghiêm nhặt các luật lệ.

Thành phần tín hữu cảm thấy bị từ bỏ, cảm thấy thiếu đức tin, tình yêu thương, niềm hy vọng và sự hiểu biết về giáo lý.

Thành phần tín hữu quá lo âu về sự kiện Chúa tái lâm lẫn các biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng.

Tất cả các tín hữu muốn đảm bảo rằng lãnh đạo Hội Thánh của họ chỉ dạy dỗ những giáo lý lành mạnh.

Các bậc phụ huynh, giáo viên Trường Chúa Nhật, các vị mục sư và bất cứ ai nhận thấy việc giảng dạy Thánh Kinh là cần thiết.

Giới chăn bầy trẻ tuổi, mới nhận nhiệm vụ và giới lãnh đạo Hội Thánh.

Thành phần tín hữu (đặc biệt là giới làm chủ) cần tha thứ cho người đã lừa dối họ.

Thành phần tín hữu có nguy cơ quay trở lại lối sống hoặc tôn giáo cũ của họ vì cớ những gian khổ hoặc sự bắt bớ, hoạn nạn.

Thành phần tín hữu có thể bị đồng hoá với thế gian mà không hề nhận ra điều ấy.

Thành phần tín hữu chịu khổ đau trong tay người cầm quyền, người làm chủ, người lãnh đạo và người làm chồng bất công.

Thành phần tín hữu tiếp cận với các tà đạo về ngày tận thế.

Thành phần tín hữu bị các giáo sư giả dạy rằng họ phải có “tri thức đặc biệt” để được sự sống vĩnh cửu.

Thành phần tín hữu muốn thực hành yêu thương và chân lý đối với các nhà truyền giáo lưu hành.

Các hội chúng có lãnh đạo Hội Thánh sai lạc (chứ chưa tà giáo).

Các Hội Thánh đang chịu cám dỗ cùng cực hoặc chịu bức hại khốc liệt.