NHIỀU người tưởng rằng Kinh Thánh Cựu Ước là phần dành cho người tin Chúa lâu năm.
Nhiều người khác dù thừa hiểu tầm quan trọng của Kinh Thánh Cựu Ước, lại không thèm ngó ngàng tới vì cho rằng Cựu Ước khó hiểu và chán ngắt.
Trong giới dạy Kinh Thánh Cựu Ước có người thấy chỉ có thể quanh quẩn giảng giải bối cảnh và nội dung của sách rồi tổng hợp sứ điệp này cùng những bài học chính của sách chớ khó lòng tiến xa hơn. Do đó quyển sách này được biên soạn nhằm chứng minh rằng Kinh Thánh Cựu Ước thật ra: (1) Rất lý thú. (2) Rất thực tế. (3) Rất dễ hiểu.
• Nếu là người phục vụ trong tư cách tín hữu bạn có thể dùng sách này làm sách nghiên cứu bồi linh trong 39 ngày hoặc 39 tuần.
• Nếu đang hướng dẫn người khác học Kinh Thánh, bạn có thể giúp học viên nắm vững Kinh Thánh Cựu Ước.
• Nếu mới bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh, nhờ sách này bạn có thể gặt hái được những hiểu biết căn bản về Kinh Thánh Cựu Ước.
• Nếu đã có vốn liếng nhiều về Kinh Thánh, nhờ sách này bạn có thể tập tành nghiên cứu Kinh Thánh theo chủ đề và có hệ thống.
• Nếu đang dạy lớp Kinh Thánh Chúa Nhật, bạn có thể dựa vào sách này mà soạn 39 bài dạy để dùng trong 39 Chúa Nhật.
• Nếu đang làm mục sư, bạn có thể dùng sách này làm tư liệu để soạn 39 bài giảng.
• Nếu đang dạy trong trường Kinh Thánh, bạn có thể dùng sách này làm sách giáo khoa đại cương.
• Nếu đang làm truyền giáo, giáo sĩ, bạn có thể chuyển ngữ sách này và cải biên cho thích hợp với đối tượng độc giả tại những nơi thiếu sách giáo khoa về Cựu Ước.
Nếu không định tuần tự nghiên cứu trọn bộ Cựu Ước, bạn có thể chọn ra những sách đáp ứng những vấn đề trong thực tế của bạn. Ở cuối sách, trong bảng mục lục có liệt kê “đối tượng” mà sách này phục vụ. Thí dụ bạn thấy mình đang trăm phần ngậm đắng nuốt cay mà chẳng hiểu vì lý do gì, bạn nên và cần đọc sách Gióp.
Hoặc nếu bạn đang gánh vác công việc nhà Chúa nhưng vừa không thấy kết quả gì cả vừa phải đối đầu với những chống đối, bạn nên đọc sách Nê-hê-mi. Hoặc nếu bạn thuộc thành phần thiểu số đang bị bắt bớ chắc chắn sách Ê-xơ-tê đáp ứng hoàn cảnh của bạn. Mỗi chương trong sách này khảo sát một cách súc tích và rành mạch một quyển sách trong Cựu Ước.
Mỗi chương gồm 4 phần: Tản mạn. Thâm nhập. Trọng tâm. Thực hành.
-Tản mạn: Phần dẫn nhập giúp độc giả nắm bắt chủ đề của sách.
-Thâm nhập: Tóm lược nội dung sách, nhưng vẫn đặc biệt chú trọng đến đề cương (có nêu đề phụ), nhằm tránh vướng mắc vào quá nhiều tiểu tiết.
-Trọng tâm: Gói gọn bài học chính trong 1, 2 câu ngắn. Học thuộc lòng phần trọng tâm là việc quan trọng vì chúng ta cần thường xuyên ôn lại để nhờ đó mà đời sống của chúng ta được thay đổi.
-Thực hành: Nêu ra đường hướng áp dụng các bài học chính. Nhớ là cần dành thời gian suy ngẫm cầu nguyện và xin Đức Chúa Trời hướng dẫn bạn tìm ra cách áp dụng những bài học này vào đời sống của mình một cách cụ thể.
Nếu sử dụng sách này vào việc dạy hoặc giảng, hẳn nhiên là bạn muốn soạn lại phần Tản mạn và phần Trọng tâm cho phù hợp với trình độ và nhu cầu của học viên hoặc của hội chúng. Xin xem trang Đôi Lời Với Giáo Viên và Giảng Viên ở trang áp chót sách về những gợi ý giúp bạn thực hiện việc này.
SÁNG THẾ KÝ
Tác giả: Ông Môi-se. Thời kỳ hình thành sách: Sau biến cố xuất hành.
Mục đích: Dạy cho dân Đức Chúa Trời biết rằng họ là tuyển dân của Ngài.
Đối tượng: Người cần đặt nền móng cho niềm tin Cơ Đốc.
Tản mạn
Thế giới này chìm đắm trong đau thương khốn khó
– Thế mà chúng ta lại đang sống trong thế giới này
– Vì sao?
Có thể đưa ra hai câu giải đáp cho vấn đề này.
Câu giải đáp thứ nhất là: Chúng ta hiện diện trên địa cầu này là do tình cờ. Câu trả lời này dựa vào sách của ông Charles Darwin: “Nguồn Gốc Của Các Chủng Loại” (The Origin of the Species). Lần đầu tiên đọc sách này, ông Karl Marx, cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản tỏ ra vui mừng vô hạn. Ông nhận biết rằng thuyết tiến hóa đem lại căn bản khoa học để ông xây dựng học thuyết vô thần của mình.
Câu trả lời thứ hai nằm trong Sáng Thế Ký. Tác giả là ông Môi-se quả quyết rằng con người được dựng nên theo ý muốn của Đức Chúa Trời chớ không phải do ngẫu nhiên may rủi.
Do ngẫu nhiên hoặc do chủ ý sáng tạo của Đức Chúa Trời? Thủy tổ là con vượn hoặc ông A-đam? Chỉ một trong hai khả năng này mà thôi, chớ không thể cả hai. Không có Sáng Thế Ký thì toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước tan rã vì thiếu cơ sở. Chính vì vậy mà trong thế kỷ vừa qua người không tin Chúa tập trung mọi nỗ lực bài bác Sáng Thế Ký. Không thông qua Sáng Thế Ký, chúng ta không hiểu các sách Phúc Âm. Ngày nay Hội Phiên Dịch Kinh Thánh chuyển ngữ Sáng Thế Ký trước các sách Phúc Âm trong Tân Ước. Trước tiên con người phải nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo rồi mới nhận biết Ngài là Đấng Cứu Chuộc. Con người phải hiểu lý do Đức Chúa Trời tạo dựng nên họ rồi họ mới có thể hiểu lý do Ngài cứu chuộc họ. Như vậy, vì sao Đức Chúa Trời lại tạo dựng con người? Phải chăng để con người làm tôi tớ cho Ngài? Sáng Thế Ký có dạy như thế không? Đừng vội buông sách, tiếp tục tìm hiểu, rồi bạn sẽ rõ…
Thâm nhập
Ông Môi-se viết sách Sáng Thế cho người Do Thái trong thời gian họ đi quanh quẩn trong sa mạc sau khi thoát ra khỏi xứ Ai Cập. Ông phải viết để bày tỏ cho họ biết về mối liên hệ đặc biệt giữa họ với Đức Chúa Trời. Không những Ngài là Đấng Cứu Chuộc họ mà còn là Đấng tạo dựng nên họ nữa. Tuy nhiên, Ngài dựng nên họ để làm gì? Phải chăng để đày ải hành hạ họ, làm cho họ đau đớn khốn khổ? Không phải đâu, mà là để ban phước hạnh cho họ. Nhưng sao Ngài lại chọn người Do Thái để ban phước? Câu trả lời là câu chìa khóa của sách này:12:1-3 (Sáng Thế Ký một – hai, một – hai – ba thật là dễ nhớ!) Đức Chúa Trời phán với ông Áp-ra-ham: “Ta sẽ ban phước cho ngươi… và các chi tộc trên thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”. ( 22:18). Về sau Đức Chúa Trời cũng lặp lại lời hứa này với ông Y-sác là con trai (26:4) và với ông Gia-cốp là cháu nội của ông Áp-ra-ham (28:14). Đức Chúa Trời chọn người Do Thái để ban phước cho bao người khác.
I. Đầu tiên hưởng phước hạnh (1-2) Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài, rồi Ngài chúc phước cho tất cả (1:22). Ngài dựng nên người nam và người nữ rồi Ngài chúc phước cho cả hai (1:28). Sáng Thế Ký không mở đầu với dòng dõi dân Hê-bơ-rơ mà với nhân loại, loài người. Không phải Đức Chúa Trời chỉ quan tâm chúc phước cho người Do Thái mà thôi -Ngài luôn luôn mang nặng ưu tư đối với toàn thể nhân loại. Đáng buồn là người Do Thái thường quên đi điểm này nên sinh ra tự thị tự mãn. Mong sao hội thánh của Chúa không bao giờ rơi vào lỗi lầm này.
II. Mất quyền hưởng phước hạnh (3-5) Ông A-đam và bà Ê-va không vâng lời Đức Chúa Trời nên ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Vì vậy họ đánh mất phước hạnh và bị rủa sả (3:16-19). Con cháu của họ và hậu duệ của các thế hệ về sau càng dấn sâu vào con đường tội ác đến nỗi Đức Chúa Trời quyết định là không dung thứ cho họ nữa.
III. Ưu tiên hưởng phước hạnh (6-9) Đức Chúa Trời gây ra một trận lụt làm cho tất cả dân cư trên địa cầu đều chết chìm. Nhưng một ông kia tên là Nô-ê được Đức Chúa Trời ưu đãi (6:8). Ngài bảo ông Nô-ê đóng một con tàu. Rồi ông đưa vợ, ba người con trai, cùng với ba con dâu, tổng cộng tám người vào tàu, cùng với các loài thú và các loài chim, mỗi loài một cặp. Tất cả đều sống sót qua trận lụt. Họ sống sót nhờ họ tin Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài. Đức Chúa Trời chúc phước cho ông Nô-ê và các con trai và bảo họ lo tăng số dân cho địa cầu (9:1).
IV. Đối tượng hưởng phước hạnh (10-11) Một lần nữa loài người tỏ ra bất phục tòng Đức Chúa Trời. Họ nỗ lực xây một cái tháp tại Ba-bên để biểu dương và làm biểu tượng cho năng lực và sự hợp nhất của họ. Đức Chúa Trời đem đến sự rối loạn giữa vòng loài người bằng cách làm cho họ nói đủ thứ ngôn ngữ khác nhau. Thế là loài người tản mác khắp địa cầu, hợp quần theo từng nhóm người cùng một ngôn ngữ. Những nhóm nhỏ này sản sinh ra tất cả các giống người trên địa cầu ngày nay. Các giống người này sản sinh ra những đối tượng mà Đức Chúa Trời muốn ban phước…
V. Bền tâm chờ phước hạnh (12-24) Một lần nữa, Đức Chúa Trời chọn một người làm công cụ cho Ngài để Ngài ban phước cho nhân loại. Đó là ông Áp-ra-ham. Ngài hứa với ông ba điều lớn lao: một vùng đất (rất rộng), một dân tộc (rất đông) và một danh rất nổi tiếng (Sang The Ky 12:1-2). Thông qua ba điều này, Đức Chúa Trời chúc phước cho ông Áp-ra-ham và khiến ông trở thành một nguồn phước cho các dân tộc trên địa cầu (12:3). Đức Chúa Trời thử ngiệm đức tin của ông Áp-ra-ham nhiều lần. Đôi lúc đức tin ông bị nao núng. Nhưng qua hầu hết mọi trường hợp ông đều vững tin nơi Đức Chúa Trời, do đó ông được kể là công chính (15:6). Nhờ tin Đức Chúa Trời như vậy ông trở nên nguồn phước cho người khác. Một trường hợp cụ thể là khi ông giải thoát gia đình của ông Lót, là cháu gọi bằng bác, khỏi hoàn cảnh hiểm nguy, ông nhất định không lấy tiền công hoặc tiền thưởng (14:1-24). Khi nào ông tỏ ra trung tín tin cậy Ngài thì Ngài đều ban phước cho ông (14:19-20). Ông lập bàn thờ tại nhiều nơi trong xứ thánh (12:7-8); 13:18 22:9) để chứng tỏ lòng ông tin chắc rằng rồi đây Đức Chúa Trời sẽ ban xứ đó lẫn phước hạnh cho ông. VI. Mắc mưu vì phước hạnh (25-26) Phải chờ đợi lâu năm ông Áp-ra-ham mới có được một mụn con. Rốt cuộc khi ông đã già nua Đức Chúa Trời ban cho ông một cậu con trai tên là Y-sác. Rồi ông Y-sác cũng tin rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông con trai nối dõi dù bà Rê-be-ca bị hiếm muộn. (25:21). Có lẽ nhờ lòng tin kính của ông mà Đức Chúa Trời ban cho ông hai cậu con trai sinh đôi. Ê-sau được sinh ra trước là con trưởng nam, người có quyền thừa kế gia sản và nhận phước hạnh dành cho người con nối dõi. Nhưng khi lớn khôn ông Ê-sau bán quyền trưởng nam cho em là Gia-cốp với cái giá là một tô súp đậu. Như vậy ông tỏ ý xem rẻ rúng quyền trưởng nam (25:34). Về sau ông Gia-cốp lại gạt cha mình để phỗng tay trên phước hạnh đáng lẽ dành cho ông Ê-sau. Ông dọn mời cha một món ăn mà cha ưa thích nhất với mục đích là cha sẽ chúc phước đặc biệt cho mình. Khi cha ăn xong (27:19), vì cớ già nua và mù lòa nên ông Y-sác tưởng Gia-cốp là Ê-sau, nên đã chúc phước lành cho Gia-cốp. Như vậy ông Y-sác bị gạt trong việc chúc phước cho con nối dõi. Thay vì chúc phước cho ông Ê-sau thì lại chúc phước cho ông Gia-cốp (27:27-29).
VII. Lừa đảo vì phước hạnh (27-36) Khi phát hiện ra chuyện lừa đảo của ông Gia-cốp, ông Ê-sau tức giận đến nỗi muốn giết em mình. Thế là ông Gia-cốp trốn ra ngoại quốc lánh nạn. Ở tại nhà cậu La-ban và làm công cho cậu. Thông qua ông Gia-cốp Đức Chúa Trời ban phước cho gia đình ông La-ban. Nhưng ông La-ban lại mưu mô quỷ quyệt hơn cả ông Gia-cốp. Ông La-ban hứa gả Ra-chên là thứ nữ nếu ông Gia-cốp chịu làm công trong bảy năm. Nhưng đến đêm tân hôn, ông La-ban tráo trưởng nữ vào chỗ thứ nữ, khiến cho ông Gia-cốp ăn nằm với Lê-a thay vì Ra-chên (29:23). Sau đó, ông La-ban gả luôn Ra-chên cho ông Gia-cốp với điều kiện là bảy năm làm công nữa. Trong thời gian hai mươi năm ông Gia-cốp sinh sống tại nhà ông La-ban. Đức Chúa Trời dần dà thay đổi ông Gia-cốp từ một người ích kỷ trở nên một công cụ đem phước hạnh cho những người khác. Để đánh dấu cho sự biến đổi này Đức Chúa Trời đặt cho ông một tên mới – I-xơ-ra-ên – trong cuộc hành trình về quê hương của ông.
VIII. Tha thứ vì phước hạnh (37-50) Qua hai người vợ, bà Lê-a và bà Ra-chên và hai nàng hầu là bà Bi-la và bà Xíp-ba, ông Gia-cốp có mười hai người con trai. Từ mười hai người này sản sinh ra mười hai chi phái I-xơ-ra-ên. Ông Giô-sép là con trai cưng nhất của ông Gia-cốp. Khi còn trẻ ông này ngây thơ, ăn nói vô tư khiến cho các anh càng thêm tị hiềm thù ghét. Họ âm mưu với nhau để trừ khử ông và bán ông cho đoàn lái buôn nô lệ trong khi đoàn này đang trên đường đi qua Ai Cập (37:28). Tại Ai Cập, Đức Chúa Trời đặc biệt ban cho ông Giô-sép khả năng hiểu các điềm chiêm bao. Khi Pha-ra-ôn thấy chiêm bao mà không một ai có thể giải nghĩa, ông Giô-sép được triệu đến. Ông giải nghĩa chính xác điềm chiêm bao, tức là sắp tới sẽ có bảy năm được mùa, rồi tiếp theo là bảy năm mất mùa. Pha-ra-ôn cử ông Giô-sép đặc trách công tác thu gom nông phẩm trong bảy năm được mùa để chuẩn bị cho bảy năm mất mùa tiếp theo. Khi nạn đói diễn ra trong bảy năm này, các anh em của ông Giô-sép đi đến Ai Cập để tìm mua thực phẩm. Trong một buổi gặp gỡ đầy xúc động ông Giô-sép tiết lộ gốc gác của mình cho các anh em và tha thứ cho họ về hành vi tàn nhẫn năm xưa (50:20). Như vậy ông Giô-sép đã trở nên nguồn phước chẳng những cho đại gia đình của mình, mà còn cho toàn thể nhân dân Ai Cập cùng các dân tộc láng giềng nữa. Sách Sáng Thế kết thúc với lời ông Gia-cốp chúc phước cho ông Giô-sép (48:15 49:25-26) cho mười hai chi phái (49:28), cho hai con trai của ông Giô-sép (48:16,20) và cho cả Pha-ra-ôn nữa.
Trọng tâm
Đức Chúa Trời tạo dựng nên bạn để ban phước lành cho bạn; và chọn bạn để bạn làm nguồn phước cho thế giới.
Thực Hành
Nhiều người dành thời gian dài củng cố mối liên hệ giữa họ với Đức Chúa Trời. Chúng ta trông mong Đức Chúa Trời ban phước cho mình đến độ quên rằng chúng ta phải là nguồn phước cho người khác. Chúng ta nghe Đức Chúa Trời phán rằng: “Ta sẽ ban phước cho con” mà không nghe câu kế tiếp là “để thông qua con ta sẽ ban phước cho nhiều người khác”. Lắm Cơ Đốc nhân đánh võng từ thái cực này qua thái cực nọ. Họ bận rộn túi bụi vì vương quốc của Đức Chúa Trời đến nỗi không còn thời gian để gặp vua của vương quốc. Họ muốn làm nguồn phước cho người khác đến độ quên rằng trước tiên họ phải kinh nghiệm phước hạnh của Đức Chúa Trời dành cho họ. Phước hạnh của Đức Chúa Trời gồm những gì? Không như những phước hạnh mà ông Áp-ra-ham được hưởng, phước hạnh dành cho chúng ta phần lớn nằm trong lãnh vực thuộc linh. Đức Chúa Trời hứa cho chúng ta một đời sống sung mãn (Giang 10:10) niềm vui, lòng bình an và tình yêu thương (Galati 5:22). Ngay cả thành phần trọn thời gian phục vụ trong hội thánh, cũng có thể bị cuốn hút vào tình trạng lo lắng (trái ngược với lòng bình an), âu sầu (trái ngược với niềm vui) và cay đắng (trái ngược với tình yêu thương). Sự sống sung mãn là chính Chúa Giê-xu (Giang 14:6). Hằng ngày chúng ta cần thấm đẫm trong mối liên hệ với Ngài. Ông Áp-ra-ham, ‘cha đẻ của trung gian đem phước hạnh’ đã hiểu chân lý này. Ông Gia-cơ diễn đạt điều này như sau: “Ông Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, nên ông được kể là công nghĩa; và được gọi là bạn của Đức Chúa Trời” (Giaco 2:23 so sánh Sang The Ky 15:6). Nhưng phải chăng chúng ta cũng là nguồn phước cho người khác? Cho những người phân nửa địa cầu phía bên kia? Thử viết thư khích lệ họ, nên chăng? Hoặc gởi cho họ một gói quà tỏ lòng quan tâm cứu giúp, nên chăng? Hoặc đem biếu hàng xóm một món ăn ngon, được không? Chúng ta cần gieo tình yêu thương, sự bình an và niềm vui của Chúa Giê-xu cho mọi người chung quanh chúng ta. Bạn có là nguồn phước cho mọi người chung quanh chưa? Họ có thể nhận định như vậy chưa?
SÁNG THẾ KÝ
Ý chính : Thời khai nguyên của phước hạnh.
Chủ đề chính : Phước hạnh.
Cụm từ chính : “…các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.” (6 lần)
Câu chính : “Hãy ra khỏi… đến xứ mà Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (12:1-3).
Bài học chính : Đức Chúa Trời tạo dựng chúng ta để ban phước cho chúng ta. Đức Chúa Trời chọn chúng ta để chúng ta làm nguồn phước cho thế giới.
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ
Tác giả: Ông Môi-se.
Thời kỳ hình thành sách: Sau cuộc xuất hành.
Mục đích: Để nhắc nhở dân I-xơ-ra-ên về quyền năng của Đức Chúa Trời trước khi họ đánh chiếm