LÊ-VI KÝ
Tác giả: Ông Môi-se.
Thời kỳ hình thành sách: Tại núi Si-nai.
Mục đích: Để kêu gọi dân của Đức Chúa Trời biết giữ mình tách riêng khỏi các dân khác khi họ tiến vào xứ thánh.
Đối tượng: Người được cứu chuộc, cần nhận thức về địa vị khác biệt của mình.
Tản mạn
Năm 1973, chuyến bay 401 của hãng At-lantic Southeastern Airlines sắp sửa đáp xuống sân bay Miami, Florida, Mỹ. Nhưng phi công không rõ bộ bánh xe có bung ra hay chưa. Bởi vì thưởng thường hễ các bánh xe bung ra thì trong buồng lái có ba bóng đèn hiệu sẽ sáng lên. Lúc đó, một trong ba bóng đèn hiệu vẫn không sáng. Vả lại về đêm trời tối quá nên đài kiểm soát không lưu cũng không nhìn thấy gì để xác nhận giùm họ. Toàn bộ tổ lái, viên trưởng và phó phi công lẫn viên kỹ sư lo chúi mũi tìm hiểu nguyên nhân nên sơ hở trong việc cầm lái. Máy bay đâm xuống Everglades, một vùng đầm lầy rộng lớn ngoại vi phi trường Miami. Toàn bộ hành khách lẫn phi hành đoàn trên máy bay đều tử nạn. Cuộc điều tra cho thấy là bộ bánh xe dưới lòng máy bay có bung ra rồi. Chỉ tại cái bóng đèn bị đứt giây. Ngoài ra chẳng có trục trặc nào khác cả. Toàn bộ máy bay tan tành chỉ vì một cái bóng đèn bé tí đáng giá vài Mỹ kim. Có những tội lỗi tưởng chừng vô nghĩa, vô hại, tựa như mảnh bụi của thủy tinh vỡ, nhưng đối với Đức Chúa Trời, tội lỗi ‘tí teo’ đó chẳng khác gì mảnh bụi thủy tinh vỡ rơi vướng trong mắt Ngài. Tội lỗi ‘nhỏ’ kéo theo hậu quả lớn. Lê-vi Ký chép về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và thái độ không dung dưỡng của Ngài đối với tội lỗi.
Thâm nhập
Ông Môi-se viết Lê-vi Ký cho người Do Thái khi họ còn ở trong sa mạc. Ông giúp cho họ hiểu bản tánh của Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo và giải cứu họ (Sáng Thế Ký và Xuất Ê-díp-tô Ký). Sự thánh khiết là bản tánh bày tỏ nhiều nhất về Đức Chúa Trời, và cũng là chủ đề của Lê-vi Ký. Sách dùng đến 87 lần từ ‘thánh khiết’ dưới các dạng khác nhau. Thánh khiết là gì? Đa số Cơ Đốc nhân biết rằng họ phải nên thánh, nhưng lại không biết giải nghĩa nên thánh là gì (giải nghĩa thánh khiết là biệt riêng ra thì chẳng làm sáng tỏ gì hơn). Như vậy thánh khiết là gì? Là trọn vẹn. Trọn vẹn là chuẩn mực mà Đức Chúa Trời yêu cầu nơi chúng ta. Trong bài giảng trên núi Chúa Giê-xu đưa ra yêu cầu này đối với thính giả của Ngài: “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn”(Mathio 5:48). Phải chăng Chúa Giê-xu dạy điều mới mẻ? Xin so sánh với câu chìa khoá của Lê-vi Ký: “Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; Ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh, thì sẽ được thánh. Các ngươi chớ vì một con nào của loại côn trùng trên mặt đất mà làm lây ô uế cho thân mình. Vì Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô đặng làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải nên thánh, vì Ta là thánh.” (Leviky 11:44-45). Có lẽ trong lòng của bạn bùng lên một ý phản bác: “Còn khuya mình mới trở nên trọn vẹn được, làm sao mà trọn vẹn được cơ chứ! Chắc thánh khiết có nghĩa khác đấy thôi”. Đúng vậy, tự thân mình, chúng ta chẳng bao giờ trở nên trọn vẹn ‘trên đất’ này được. Lê-vi Ký dạy chúng ta phương cách trở nên trọn vẹn.
I. Cách nào để trở nên thánh khiết? (1-10) Đức Chúa Trời cho biết phương cách trở nên thánh khiết là dâng của lễ trọn vẹn (Chương 1-7) thông qua một thầy tế lễ trọn vẹn (Chương 8-10). Vì cớ chúng ta là người tội lỗi, chúng ta chỉ có thể trở nên thánh khiết sau khi chúng ta đã được giải tội bằng những của lễ hoàn toàn không bị tì vết hư hỏng nào (1:3 2:1…) do thầy tế lễ tuyển chọn của Đức Chúa Trời dâng lên (1:5; 2:2…). Chính vì vậy mà chúng ta cần đến Chúa Giê-xu. Ngài là thầy tế lễ trọn vẹn. Ngài đã dâng lên một của lễ trọn vẹn (chính mình Ngài). Đây là sứ điệp của thư Hê-bơ-rơ. Sứ điệp của thư này đặt cơ sở trên sứ điệp của Lê-vi Ký. Tự thân chúng ta không thể trở nên thánh khiết. Nếu thật sự hiểu phương cách khiến cho chúng ta được nên thánh thì chẳng ai trong chúng ta còn dám có thái độ tự phụ tự mãn ‘Tôi thánh khiết hơn người’. Rất tiếc là nhiều Cơ Đốc nhân lại giống như người Do Thái trong thời Cựu Ước, họ không hiểu rõ điều này. Không thể tự sức mình giành giật lấy hoặc đạt đến sự thánh khiết nhưng Đức Chúa Trời đã ‘mua’ sự thánh khiết, đã sắm ‘sự thánh khiết’ cho chúng ta.
II. Những gì phải trở nên thánh khiết? (11-15) Phần thứ hai của sách có thể xem là phần ‘Tinh sạch và Ô uế’. Phần này dùng đến 157 lần hai từ đó (‘tinh sạch’ và ‘ô uế’) trong khi ba phần kia của sách chỉ dùng đến 37 lần thôi. Mọi thứ từ thực phẩm đến áo quần, đều được phân loại ‘tinh sạch’ hoặc ‘ô uế’. Thật vậy, ngay cả những đồ vật mà họ đụng đến cũng được phân loại. Mọi thứ đều phải trở nên thánh khiết. Không phải chỉ thánh khiết trong một số lãnh vực của cuộc sống nhưng chúng ta phải thánh khiết trong mọi lãnh vực.
III. Những ai phải trở nên thánh khiết? (16-22) Phần thứ ba mở đầu với ngày chuộc tội (Chương 16-17). Ai là người cần trở nên thánh khiết và cần được tẩy khỏi tội lỗi và mọi điều ô uế? Mọi người kể cả thầy tế lễ thượng phẩm (Leviky 16:6). Những chương sau (18-22) đề ra nhưng luật lệ về sự ô uế của các nhóm người khác (chớ không nói đến đồ vật nữa). Trở nên thánh khiết là một mạng lịnh, mạng lịnh dành cho mọi người chớ không phải riêng ai. IV. Khi nào phải trở nên thánh khiết? (23-37) Dân sự phải thánh khiết vào thời gian nào? Suốt năm. Mấy chương này mô tả những ngày thánh (ngày nghỉ) trong năm theo lịch của người Do Thái. Cần nhớ là vào những ngày đó người ta phải dâng thêm những của lễ khác ngoài những của lễ dậng hằng ngày (Xuat 29:38-42). Ngày lễ là ngày thánh càng triệt để hơn nữa. Ngày Chuộc Tội là ngày thánh hơn cả – ngày nào cũng là ngày thánh cả. Hôm nay đây cũng là ngày thánh, chẳng có thời gian nào dành cho tội lỗi cả. Như vậy chúng ta đã có câu trả lời cho 4 cột: Cách nào? , Những gì? ,Những ai? và Khi nào? trong vấn đề thánh khiết. Dầu vậy chúng ta bỏ sót chưa trả lời một câu hỏi rất quan trọng: Vì sao chúng ta phải trở nên thánh khiết? Câu trả lời nằm trong câu chìa khoá phần hai. “Vì Ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, vốn là thánh”, sách lập lại câu này đến 5 lần (Leviky 11:44-45; 19:2; 20:7,26 cũng xem 21:8,15; 22:9,16,32). Sứ đồ Phi-e-rơ cũng trích dẫn câu này trong thư của mình (). Cụm từ này cũng nằm trong bảng tổng lược ý chính trong sách. Cụm từ “Ta, Giê-hô-va” được dùng đến 48 lần rải rác trong phần thứ hai, ba và bốn của sách (Chương 11-27). Phần thứ nhất trình bày mạng lịnh phải thánh khiết. Phần thứ 2,3,4 trình bày lý do phải thánh khiết. Lý do là Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ lạy là Đức Chúa Trời thánh khiết. (Chú ý là câu chìa khoá: “Hãy nên thánh, vì…” là một mạng lệnh chớ không phải là một đề nghị, mạng lệnh này không miễn trừ ai. Người nào không thánh khiết thì không có phần gì với Ngài cả.)
Trọng tâm
Thánh khiết là một mạng lệnh đối với mọi người chứ không phải là sự lựa chọn của một số người. Thực hành Khi nghe Đức Chúa Trời phán “Hãy nên thánh” một số Cơ Đốc nhân hiểu rằng: “Tất cả các mục sư, các lãnh đạo hội thánh, các cán sự phục vụ trọn thời gian và các Cơ Đốc nhân thành tâm thiện ý hãy nỗ lực trở nên càng thánh càng tốt.” Đa số trong chúng ta tự loại mình ra, cho rằng mình không thuộc lớp người buộc lòng phải sống thánh khiết. Chúng ta tiếp tục sống bất khiết, ‘uốn cong luật pháp’ và phân bua rằng: “Đức Chúa Trời sẽ sẵn sàng tha thứ cho tôi và thông cảm cho nỗi yếu đuối của tôi.” Chúng ta không muốn bạn hàng, bạn cùng sở, bạn đồng công và hàng xóm láng giềng liệt chúng ta vào hạng ‘người thánh thiện’. Hội thánh đang hết sức cần một làn sóng tìm cầu sự thánh khiết. Đừng bao giờ định nghĩa thánh khiết ở chuẩn mực thấp hơn là sự trọn vẹn. Trọn vẹn phải luôn luôn là mục tiêu của chúng ta dù chẳng bao giờ chúng ta có thể đạt mức trọn vẹn khi còn ở trên đời này. Nhưng chúng ta luôn luôn được kể là thánh khiết khi chúng ta xưng tội mình và để huyết của Chúa Giê-xu tẩy sạch chúng ta. Cuộc sống hằng ngày của chúng ta phải phản ánh địa vị của chúng ta ở bên Đấng Cứu Thế. Đừng bao giờ vin vào cớ chúng ta bất toàn để hạ chuẩn mực của Đức Chúa Trời xuống. 19:1-37 trình bày cho chúng ta Mười Điều Răn theo lối nói diễn ý. Thông qua chương này chúng ta có điều răn thứ hai: yêu thương người lân cận như mình (19:18 so sánh Luca 20:27). Một đời sống thánh khiết được biểu lộ qua mối liên hệ giữa chúng ta với người khác. Chúng ta không được phép trộm cắp, nói dối hoặc lừa gạt người khác (câu 11), gian lận người khác (câu 13) đối xử bất công hoặc thiên vị (câu 15), tìm cách trả thù hoặc ôm ấp mối hận thù (câu 18),… Nếu chúng ta có dính dáng đến những tội đó thì chúng ta nên xưng nhận và xin Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta trở nên thánh khiết trở lại. Yêu thương người lân cận như mình. Đừng lê la đây đó, phổ biến những điều chúng ta nghe đồn về người khác. Ý chính xác gói gọn việc này là vu khống, ngồi lê đôi mách (Leviky 19:16). Yêu thương người lân cận như mình. Rồi trong khi chúng ta học tập loại trừ tội lỗi, thậm chí cả những tội ‘bé tí tẹo’ ra khỏi đời sống của mình và trong mối liên hệ với người khác, thì chúng ta có thể duy trì địa vị thánh khiết của chúng ta bên Đức Chúa Trời. Chúng ta được thánh khiết thông qua của lễ của Đấng Cứu Thế. Chúng ta duy trì tình trạng thánh khiết của mình thông qua một đời sống thánh khiết nhờ sức của Đức Thánh Linh. Không phải chúng ta giành được sự thánh khiết nhờ sống thánh khiết, vì chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc này. Một cuộc sống thánh khiết chẳng bao giờ giúp chúng ta đạt đến một đời sống thánh khiết. Nhưng phải luôn luôn sống thánh khiết để duy trì đời sống thánh khiết. Bạn nên thánh đến mức nào? Thánh 30%? 40%? Thật tình tôi không mong là bạn nghĩ như thế. Bạn nên thánh 100% hoặc chẳng thánh gì cả. Bạn đạt được sự thánh khiết nhờ huyết của Chúa Giê-xu Cứu Thế. Vì vậy bạn thánh 100%. Nên giờ đây hãy sống một cuộc sống phản ánh địa vị đó. “Hãy nên thánh” không phải là một đề nghị mà là một mạng lệnh.
LÊ-VI KÝ Ý chính: Thầy tế lễ (và) các ngày lễ.
Chủ đề chính: Thánh khiết.
Cụm từ chính: ‘Hãy nên thánh, vì Ta, Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, vốn là Thánh’ (5 lần.)
Câu chính: “Vì Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; Ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh, thì sẽ được thánh. Các ngươi chớ vì một con nào của loại côn trùng trên mặt đất mà làm lây ô uế cho thân mình. Vì Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô đặng làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải nên thánh, vì Ta là thánh.” (Leviky 11:44-45 )
Bài học chính: Hãy thánh khiết là một mạng lệnh dành cho mọi người chớ không phải điều một số người lựa chọn.
DÂN-SỐ KÝ
Tác giả: Ông Môi-se
Thời kỳ hình thành sách: Trong sa mạc
Mục đích: Để dân sự biết rằng họ sẽ bị hình phạt đích đáng nếu không vâng lời Đức Chúa Trời dù họ là con cái, là dân riêng của Ngài.
Đối tượng: Thế hệ thứ hai trong đức tin cần biết luật pháp của Chúa và biện pháp kỷ luật của Ngài.
Tản mạn
Một thanh niên kia vào tu tại một tu viện. Các tân tòng trong dòng tu này phải hứa nguyện câm lặng. Trong thời gian 20 năm tu luyện đầu tiên, họ được phép nói hai tiếng sau một đợt 10 năm. Cuối đợt 10 năm, chàng tu sinh này đến gặp vị viện trưởng. Ông hỏi: “Sau khi tu ở đây được 10 năm, anh muốn nói hai tiếng nào?” Anh trả lời: “Thức ăn dở” Cuối đợt 10 năm thứ hai, anh ta đến gặp vị viện trưởng một lần nữa. Ông này hỏi: “Sao, lần này anh muốn nói hai tiếng nào?” Anh ta trả lời: “Giường tệ” Cuối đợt 10 năm thứ ba, anh ta đến gặp vị viện trưởng lần thứ ba. Ông này nói: “Hy vọng lần này anh có ý kiến sáng sủa hơn.” Anh ta đáp: “Rút lui”. Ông viện trưởng nhận xét: “Có gì lạ đâu! Từ khi vào đây anh chẳng nói gì ngoài ra than phiền”. Dân-số Ký ghi lại những câu chuyện xảy ra sau khi dân Do Thái tiếp nhận Mười Điều Răn. Họ than phiền về mọi thứ: từ chuyện không có thức ăn hợp khẩu, đến chuyện ông Môi-se được chọn làm lãnh tụ. Khi Đức Chúa Trời đã truyền ra một mạng lịnh, chúng ta chỉ có thể thuận phục hoặc than phiền. Nào, chúng ta tìm hiểu xem người I-xơ-ra-ên đã xử sự ra sao?
Thâm nhập
Ông Môi-se viết sách này để nhắc lại những hậu quả sẽ xảy ra khi dân sự bất phục tùng ý muốn của Đức Chúa Trời. Dù là con cái của chính Ngài – tức là tuyển dân của Ngài – Ngài cũng không dung thứ nếu họ bất phục tùng. Khi con cái của chúng ta có lỗi chúng ta cũng phải đánh đòn chúng nó, huống chi là Đức Chúa Trời. Nhưng thoạt đầu họ không phải là những người chống nghịch, không vâng lời. Thật ra họ rất phục tùng.
I. Kiên trì khi vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời (1-10) Dân tộc I-xơ-ra-ên mới được khai sinh lưu ngụ tại chân núi Si-nai, để chuẩn bị cho cuộc hành trình tiến về Đất Hứa. Đó là thời gian xảy ra những chuyện có ghi trong mười chương đầu của sách Dân Số. Theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời, họ thực hiện một cuộc kiểm tra dân số, sắp xếp đội ngũ tiến quân, biệt riêng dòng Lê-vi và lập thầy tế lễ, và kỷ niệm ngày Vượt Qua đầu tiên. Phần này không ghi lại một tội lỗi nào hoặc một lời than phiền nào hoặc một thái độ chống đối nào. Kết quả ra sao? Lòng ưu ái của Đức Chúa Trời ngự trên họ dưới hình thức trụ mây ngự trên Đền Tạm (9:15-23). Cụm từ chính của toàn bộ sách này là ‘theo mạng (lệnh) của Đức Giê-hô-va’ . Chú ý là từ ‘mạng (lệnh)’ ở dạng số ít. Sách dùng cụm từ này đến 17 lần, nhiều lần nhất so với các sách khác trong Kinh Thánh. Từ ‘mạng (lệnh)’ trong sách Dân Số chỉ về yêu cầu cụ thể mà Đức Chúa Trời truyền cho dân sự để họ làm theo ý muốn của Ngài chớ không chỉ về những điều luật tổng quát. Trong các sách khác nhất là sách Phục Truyền ‘các mạng lệnh’ ở dạng số nhiều chỉ về những điều luật, những luật lệ đó. Câu chìa khoá của phần đầu sách này lập lại cụm từ chính đến ba lần: “Dân I-xơ-ra-ên hạ trại và ra đi tùy theo mạng (lệnh) Đức Giê-hô-va; họ theo chương trình của Đức Giê-hô-va, tùy mạng (lệnh) Ngài đã cậy Môi-se mà truyền cho.” (9:23) Như vậy căn cứ vào nội dung phần sách này thì chúng ta thấy dân I-xơ-ra-ên hoàn toàn kiên trì làm trọn ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng theo nội dung của phần hai thì họ đã đổi khác.
II. Kính sợ khi vâng theo ý muốn Đức Chúa Trời (11-19) Diễn biến chính trong phần hai là sự kiện phái một đoàn trinh thám gồm 12 người vào Đất Hứa. Họ trở về với những tin mừng và bản tường trình đen tối. Tin mừng là đất đai vô cùng màu mỡ đúng như lời Đức Chúa Trời đã phán. Bản tường trình đen tối là vì cư dân thuộc giống dân khổng lồ, còn người I-xơ-ra-ên thì chẳng khác gì cào cào so với họ. Thế là ai nấy than van rền rĩ, mong ước được chết trong sa mạc thay vì chết trong tay dân đó (14:2). Thế là Đức Chúa Trời làm trọn điều họ mong ước (14:28). Về sau, ngoại trừ ông Ca-lép và ông Giô-suê, là hai người sẵn sàng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, mọi người đều chết dần chết mòn trong sa mạc. Dĩ nhiên, ngay lúc đó Đức Chúa Trời dung tha họ vì ông Môi-se cầu thay (14:20). Nhưng giá đau thương mà họ phải trả cho bài học này là sự bất phục tùng đem lại hậu quả nghiêm trọng. Câu chìa khoá của phần này là lời tuyên án của Đức Chúa Trời dành cho dân I-xơ-ra-ên thuộc thế hệ thứ nhất: “Các ngươi… thì chẳng hề được vào xứ” (14:29-30 bản NIV có thêm ý nhấn mạnh.)
III. Không tin khi vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời (20-25) Chương 20 là mốc buồn thảm nhất của sách này vì chương này ghi lại chuyện ông A-rôn và bà Mi-ri-am qua đời. (Cả hai là chị và anh ruột của ông Môi-se và cùng với ông Môi-se lãnh đạo dân I-xơ-ra-ên). Bản thân ông Môi-se cũng phạm tội với Đức Chúa Trời khi ông không hoàn toàn làm theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời là nói với vầng đá. Ông Môi-se đã đập vầng đá hai lần để khiến vầng đá tuôn nước ra như ông đã làm trong lần trước Xuat 17:6). Đương nhiên dòng nước vẫn tuôn ra, nhưng Đức Chúa Trời vẫn tuyên án hình phạt ông Môi-se. Ông sẽ chẳng bao giờ được vào Đất Hứa mà còn sống. (Về sau, Đức Chúa Trời đặc biệt cho phép ông Môi-se được vào xứ khi ông và ông Ê-li hiện ra trên núi hóa hình, bàn bạc với Chúa Giê-xu.) Ngược lại diễn biến chính thứ hai của phần này là chuyện ông Ba-la-am, một tiên tri ngoại đạo triệt để vâng lời Đức Chúa Trời. Khi người ta thuê ông đi rủa sả dân I-xơ-ra-ên, ông Ba-la-am trả lời rằng: “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao? Nầy, tôi đã lãnh mạng chúc phước; Ngài đã ban phước, tôi chẳng cãi đâu” (23:19-20). Hai câu này giữ vai trò chủ chốt trong phần này, mà cũng là đầu mối giúp chúng ta hiểu toàn bộ sách này. Không vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì không thể nào tránh khỏi hậu quả.
IV. Khẳng khái khi vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời . Trong phần thứ tư này người I-xơ-ra-ên thuộc Thế hệ Thứ hai đã chứng kiến và học tập kinh nghiệm của Thế hệ Thứ nhất. Vì vậy sau khi toàn bộ thế hệ này qua đời, họ liên tục gặt hái thắng lợi. Tương tự như phần thứ nhất phần này hoàn toàn vắng bóng những sự than phiền lẫn nổi loạn, chỉ có thái độ và hành động vâng lời mà thôi. Đặc biệt lần này có ghi hành động của chị em nhà Xê-lô-phát bày tỏ niềm tin mãnh liệt đối với lô đất mà gia đình của họ được phép nhận tại Đất Hứa trong tương lai. Việc làm của họ tiêu biểu cho tinh thần và đức tin của toàn bộ thế hệ thứ hai, và cho thấy tin tưởng nơi lời của Đức Chúa Trời có nghĩa là gì? (Xem chương 27 và 36). Diễn biến chính trong phần thứ tư này là công cuộc tiến chiếm vùng đất phía đông sông Giô-đanh, thường gọi là vùng đất phía bên kia sông Giô-đanh (ngày nay vùng này mang tên là ‘Gioóc-đan’ (Jordan)). Sau khi chinh phục dân Ma-đi-an là cư dân tại vùng, giới tướng lãnh của quân đội I-xơ-ra-ên phúc trình với ông Môi-se như sau: “Những kẻ tôi tớ ông đã dựng sổ chiến sĩ, là người ở dưới quyền chúng tôi, và không thiếu một tên” (31:49). Bản NIV có hàm ý nhấn mạnh. Trong chương 14, khi họ không vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì không một người nào còn sống sót. Nhưng trong chương 31, khi họ vâng phục Đức Chúa Trời thì không một người nào tử trận cả. Hầu hết mọi người đều biết Kinh Thánh dạy rằng vâng lời dẫn đến phước hạnh còn không vâng lời sẽ bị kỷ luật, nhưng nhiều Cơ Đốc nhân vẫn tìm cách ‘tự xoay xở rồi tránh né hậu quả’ -chẳng khác gì tinh thần lang chạ xả láng trong phương diện tình dục với niềm tin tưởng rằng chẳng bao giờ mình bị nhiễm AIDS. Nhưng hậu quả sẽ ra sao khi sự thật là hễ lang chạ xả láng hoặc quan hệ tình dục với phường điếm đĩ thì luôn luôn là mắc bịnh AIDS. Có lẽ số người lang chạ xả láng hoặc quan hệ tình dục với phường điếm đĩ sẽ giảm hẳn (Nhưng dù sự thật có nghiêm trọng đến đâu người ta vẫn tiếp tục ăn nằm với điếm đĩ). Cũng vậy, Cơ Đốc nhân phải nhận biết rằng ‘Không vâng lời dẫn đến bị kỷ luật’. Đó là chuyện đương nhiên, chắc chắn chớ không phải chuyện may rủi. Không ngoại trừ một ai cả dù là ông Môi-se cũng vậy. Không vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời luôn luôn phải lãnh hậu quả nghiêm trọng.
Trọng tâm
Cần xác định rằng “vâng lời dẫn đến phước hạnh còn không vâng phục sẽ bị kỷ luật” là lời chắc chắn như đinh đóng cột chớ chẳng phải một câu nói bâng quơ dựa vào chuyện may rủi.
Thực hành
Đa số trong chúng ta đều dễ dàng nhất trí với những lời dạy bảo có tính cách chung chung tổng quát của Đức Chúa Trời. Khi nghe mục sư giảng và khuyến giục chúng ta Đức Chúa Trời và người lân cận của mình thì trong thâm tâm chúng ta đồng ý với ông. Nhưng chúng ta có làm theo lời dạy bảo của Đức Chúa Trời trong những vấn đề cụ thể và chi tiết không? Vì sao sau hai mươi thế kỷ chúng ta vẫn chưa hoàn toàn tuân thủ mạng lệnh cụ thể về việc làm chứng về Ngài cho đến tận những nơi thâm sơn cùng cốc. Chẳng qua là chúng ta lo thiết lập và xây dựng những vương quốc tí hon riêng của mình thay vì nỗ lực mở rộng biên cương vương quốc của Đức Chúa Trời. Vì sao vẫn còn quá đông phụ nữ gánh vác công tác thay cho nam giới trong địa hạt truyền giáo hải ngoại? Chẳng lẽ trong hội thánh của chúng ta đầy dẫy các đấng nam nhi nhắm mắt bịt tai đối với lời kêu gọi của Đức Chúa Trời? Phải chăng vì thế mà hội thánh của chúng ta đang chết dần chết mòn? Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nộp đơn xin nhập học tại thần học viện hoặc nộp đơn cho một hội truyền giáo để xin đi truyền giáo. Có lẽ đã đến lúc phải thôi đừng than phiền hội thánh để bắt đầu tuân theo lời kêu gọi của Đức Chúa Trời và phục vụ Ngài.