ÁP-ĐIA
Tác giả: Ông Áp-đia
Thời kỳ hình thành sách: không rõ
Mục đích: Nhằm tuyên bố bản án của Đức Chúa Trời trên dân Ê-đôm vì đã vui mừng khi dân Do Thái bị huỷ diệt.

 

Đối tượng: Những người chưa tin Chúa có đặc ân nghe sứ điệp của Đức Chúa Trời nhưng không tiếp nhận (lời Ngài).

Tản mạn

Kiến trúc nào cao nhất trong thành phố của bạn? Ở thành phố nơi tôi cư trú, kiến trúc cao nhất là một nhà băng rồi kế đến là một khách sạn. Thế cũng đủ cho bạn hiểu đôi điều về thành phố tôi cư trú, phải không? Nhiều năm về trước, kiến trúc cao nhất trong thành phố cư trú, là một đại thánh đường. Từ xa, người ta có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ. Nhưng bây giờ thánh đường đó chìm giữa biển cao ốc bao quanh. Trong một khía cạnh, độ cao của các tòa kiến trúc ở thành phố quê tôi phản ánh thang giá trị trong dân chúng. Nên chẳng lạ gì khi càng ngày càng có nhiều có nhiều nhà băng nằm trong số những tòa kiến trúc cao nhất thành phố. Dân Ê-đôm cũng rất tự hào về những ‘nhà băng’ của họ. Sự giàu có khiến Ê-đôm trở nên kiêu ngạo vì của cải, vật chất cho họ cảm giác an toàn. Ông Áp-đia dành riêng sách này để cảnh báo dân Ê-đôm về sự hình phạt sắp đến của Đức Chúa Trời. Không một thành trì hoặc một lực lượng quân sự nào có thể bảo vệ họ tránh khỏi sự hình phạt của Đức Chúa Trời.

Thâm nhập

Hầu như chúng ta không biết gì về tác giả hoặc thời kỳ hình thành sách này cả. Nhưng chúng ta biết rất nhiều về đối tượng mà ông Áp-đia nghĩ đến khi viết sách này, dân Ê-đôm. Trong thực tế dân Ê-đôm có họ hàng rất gần với dân Do Thái. Họ hiểu rất rõ Do Thái giáo (Vua Hê-rốt là người Ê-đôm). Thế nhưng thay vì sử dụng mối quan hệ gần gũi đặc biệt với dân Do Thái để tìm kiếm phước hạnh, dân Ê-đôm lại lạm dụng địa vị của họ. Vì thế sứ điệp của ông Áp-đia rất phù hợp với những người hiểu biết Kinh Thánh nhiều nhưng vẫn khăng khăng chối bỏ dân của Đức Chúa Trời và sứ điệp của Ngài. Họ cứ tự cao tự đại và tìm sự an toàn trong của cải, vật chất. Thường thường những người đó là bà con ruột thịt của người tin Chúa, nhưng họ thích ngược đãi, bắt bớ bà con ruột thịt của mình. Trong một khía cạnh, Áp-đia là sách duy nhất trong Kinh Thánh viết cho những người không tin Chúa. Ngay cả sách Na-hum, chủ yếu cũng viết cho dân của Đức Chúa Trời (NaNk 1:15). Đức Chúa Trời nhận thấy cần dành riêng một sách trong Kinh Thánh để nói với thành phần chưa tin nhưng có đặc ân nghe và biết về Ngài thông qua bà con của mình mà vẫn ngang bướng khước từ Ngài.

I. Kiêu ngạo vì của cải (1-14) Mười bốn câu đầu tiên tạo nên phần thứ nhất của sách nhỏ này (sách Áp-đia chỉ có một chương). Tội kiêu ngạo của dân Ê-đôm là trọng tâm của phần này. Có hai nguyên nhân khiến họ kiêu ngạo. Thứ nhất, họ kiêu ngạo vì địa thế đất nước của họ gồm núi cao đồi dốc (câu 3) nên dễ dàng tổ chức phòng thủ. Cho đến ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy tàn tích của thành phố Petra đã vang bóng một thời (cảnh trong phim: ‘Cuộc thập tự chinh cuối cùng’). Hầu như không cách nào đột nhập những đồn lũy này được. Muốn đến đó phải đi qua một khe hẹp và phải leo nhiều con dốc thẳng đứng. Thứ hai, dân Ê-đôm kiêu ngạo về sự giàu có của họ. Các thương gia quốc tế trong khu vực đều ngược xuôi qua Ê-đôm trên Thông lộ Hoàng Gia. Vì thế dân Ê-đôm kinh doanh phát đạt trong ngành ngân hàng và quán trọ cho lữ hành. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ tước bỏ mọi của cải đó khi Ngài trừng phạt Ê-đôm (câu 5). Sự kiêu hãnh về địa thế và của cải khiến dân Ê-đôm khinh dể kẻ khác (câu 11,12) và ăn nói tự cao (câu 12). Đặt biệt, họ vui mừng khi dân Giu-đa bị hủy diệt và thậm chí họ còn tham gia vào việc bắt bớ dân Giu-đa (câu 12-14). Tội ác của dân Ê-đôm càng ngiêm trọng hơn vì họ là ‘anh em’ của dân Do Thái (câu 12).

II. Bị hạ nhục vì trở thành của cải của người khác. Câu chìa khoá (câu 15) cũng là câu chốt trong cấu trúc của sách, chia sách này ra làm ba phần. “Ngươi đối xư (với người khác) thể nào” mô tả nửa phần của sách. “Người ta sẽ đối xử với ngươi thể ấy” mô tả nửa phần sau của sách. Nửa phần trước chép về tội ác của dân Ê-đôm. Còn nửa phần sau viết về tai ương giáng trên họ. Trong khi nửa phần trước nói với dân Ê-đôm, nửa phần sau nói với các dân tộc chung quanh. Trong phần thứ nhất, dân Ê-đôm tiến công nhà Gia-cốp (tức là dân Giu- đa). Trái lại, trong phần thứ hai, nhà Gia-cốp tiến công lại dân Ê-đôm. Trong phần thứ nhất, dân Ê-đôm coi thường Đức Chúa Trời, trong phần thứ hai, Đức Chúa Trời lên án họ. Như vậy, câu chủ đề của sách Áp-đia là sự công bằng của Đức Chúa Trời được diễn tả bằng văn thơ. Họ đã làm ô uế núi thánh của Đức Chúa Trời bằng những buổi tiệc rượu tại đó thể nào, thì Đức Chúa Trời cũng sẽ khiến họ và các dân tộc khác uống sự hình phạt đắng cay của Ngài thể ấy (câu 16). Họ đã kiêu ngạo về của cải của họ như thế nào thì Đức Chúa Trời cũng sẽ khiến dân Giu-đa chiếm hữu họ và các dân tộc khác như thế ấy (câu 17,19,20). Điều đáng chú ý là sách A-mốt nói về sự bất công của dân Do Thái còn sách Áp-đia nói đến sự hình phạt công bình của Đức Chúa Trời. Chú ý là chủ đề của sách Áp-đia không đơn thuần nói đến sự hình phạt của Đức Chúa Trời mà còn nói đến phương cách Ngài thực hiện sự hình phạt. Câu chìa khoá (câu 15) gói trọn chủ đề: sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Bảng King James Bible dùng một từ rất chuẩn trong phần cuối của câu Kinh Thánh: “phần thưởng của ngươi sẽ đổ trên đầu ngươi”. Ở đây, từ phần thưởng được dùng với ý châm biếm. Các bản dịch khác chuyển ngữ từ câu này như sau: “những việc làm (hoặc cách đối xử) của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi” (NIV và NASB). Nhưng có lẽ sử dụng từ ‘phần thưởng’ là thích hợp nhất. Nếu chúng ta đối xử với người khác như thế nào, hoặc tốt hoặc xấu thì người ta sẽ đối xử với chúng ta như thế đó.

Trọng tâm

Đức Chúa Trời sẽ ‘thưởng’ cho bạn tùy theo cách mà bạn đã ‘thưởng’ người khác.

Thực hành

Có một vài tài sản người ta gọi là ‘vật bảo đảm’. Thật ra chúng chẳng ‘bảo đảm’ chút nào cả. Chúng chỉ khiến bạn cảm thấy bảo đảm mà thôi. Những tài sản đó cũng có thể làm cho người sở hữu trở nên kiêu ngạo. Chẳng mấy ai thừa nhận mình kiêu ngạo. Nhưng càng giàu thâm tâm bạn cảm thấy an tâm, bạn càng có khuynh hướng kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo lộ ra trong cách chúng ta đối xử với người khác, nhất là đối với người thuộc tầng lớp xã hội kém hơn chúng ta. Nếu chúng ta đối xử với họ như thể chúng ta sở hữu họ cho dù họ là con cái, là người dưới quyền của chúng ta, hoặc là người chạy bàn, bán hàng, hoặc bất cứ ai thì sau này Đức Chúa Trời khiến người khác đối xử với chúng ta như vậy (chúng ta sẽ trở thành người sở hữu của người khác). Nếu chúng ta vui mừng trong việc chèn ép , xô đuổi người khác thì Đức Chúa Trời sẽ khiến chúng ta phải chịu đựng sự chèn ép của người khác. Nếu bạn cảm thấy vui thích khi nhìn thấy dân Do Thái hoặc Cơ Đốc Nhân trượt chân té sấp trong cuộc đời thì đừng ngạc nhiên khi đến phiên mặt đất hôn lên má của bạn. Thật đáng buồn khi có người vui mừng vì thấy người khác thất bại, dù họ tin Chúa hoặc chưa tin. Nhưng đáng buồn hơn nếu có người vì kiêu ngạo mà không chịu tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa mình. Nếu ai nghĩ rằng mình không cần đến Đức Chúa Trời vì mình giàu có, an toàn, mạnh mẽ và khôn ngoan thông sáng, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những điều đó để chúng ta nhận biết ân điển của Ngài, chớ không phải để chúng ta độc lập với Ngài. Đức Chúa Trời phán rằng Ngài có thể lấy đi bất cứ điều gì khỏi chúng ta vào bất cứ thời điểm nào mà Ngài muốn.

ÁP-ĐIA

Ý chính: Ê-đôm chịu ĐẠI HỌA

Chủ đề chính: Sự hình phạt

Cụm từ chính: ‘Trong ngày đó’ Câu chính: “Vì ngày của Đức Giê-hô-va đã gần trên hết thảy các nước: bấy giờ người ta sẽ làm cho ngươi như chính mình ngươi đã làm; những việc làm của ngươi sẽ đổ lại trên đầu ngươi!” (ApOv 15)

 Bài học chính: Đức Chúa Trời sẽ ‘thưởng’ bạn tùy theo cách mà bạn đã ‘thưởng’ người khác.

GIÔ-NA

Tác giả: Không rõ (ông Giô-na?) Thời kỳ hình thành sách: Trong thời kỳ vương quốc bị chia đôi. Mục đích: Nhằm dạy dân Do Thái về lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đối với các dân tộc khác. Đối tượng: Thành phần không (thể) tha thừ cho người đã gây thương tổn cho mình.

Tản mạn

 Tôi xin kể một câu chuyện có thật. Hồi Ái Liên (không phải là tên thật của cô ta) còn bé, ‘người bạn thân thiết’ của cha cô đã lừa gạt cha cô một số tiền rất lớn. Sự việc này đã đẩy gia đình cô ngập sâu vào nợ nần đến mức họ phải thay đổi hoàn toàn lối sống của họ. Mỗi người trong gia đình cô Ái Liên đều phải làm việc vất vả để kiếm tiền trang trải nợ nần và phải hi sinh nhiều điều trong nhiều năm. Rồi sức khỏe của cha cô giảm sút và cuộc hôn nhân của cha mẹ cô lâm vào tình trạng đáng lo ngại. Còn bản thân cô thì không thể tiếp tục con đường học vấn vì cô phải tìm việc làm càng sớm càng tốt. Lâu năm về sau, người đã lừa gạt cha cô tin nhận Chúa và trở thành một Cơ Đốc nhân. Nhưng ông không thể nào hoàn lại số tiền cũng như không thể bù đắp mọi nỗi đau khổ mà ông đã gây ra cho gia đình của Ái Liên. Vì giờ đây ông đã vỡ nợ. Cô Ái Liên hỏi một người bạn Cơ Đốc nhân: “Mọi tội lỗi ông ta có được tha không? Chẳng lẽ ông ta không bao giờ đền bù mọi nỗi đau khổ mà ông đã gây ra cho gia đình tôi sao?” Bạn của Ái Liên cảm thấy rất khó trả lời cho câu hỏi này lắm. Tuy vậy chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời trong sách Giô-na. Ông Giô-na cũng gặp phải một vấn đề tương tự như vậy. Ông không hiểu làm sao Đức Chúa Trời có thể thương xót và tha thứ cho kẻ thù độc ác và đáng ghét của dân Do Thái – dân thành Ni-ni-ve. Dân Ni-ni-ve (Ni-ni-ve là thủ đô của đế quốc A-si-ri, tức là nước I-rắc ngày nay) đã thực hiện vô số hành động tàn ác với dân tộc của ông Giô-na – dân Do Thái. Bây giờ Đức Chúa Trời lại sắp tha thứ cho họ sao? Đức Chúa Trời còn muốn ông Giô-na rao truyền sứ điệp của Ngài cho dân thành Ni-ni-ve nữa? Phản ứng của ông Giô-na đối với Đức Chúa Trời là (bạn đoán được chưa?): “Ngài đùa đấy thôi!”

Thâm nhập

Trong con người của mỗi chúng ta đều có một ‘Giô-na’. Đức Chúa Trời bảo chúng ta tha thứ cho người khác. Nhưng chúng ta không (thể) tha thứ được. Hoặc hơn nữa, chúng ta còn tự nhủ là sẽ không bao giờ tha thứ. À, chúng ta có thể tỏ lòng thương xót đối với người ăn mày trên đường phố. Nhưng chúng ta thưa với Chúa rằng: Chúa ơi, xin đừng bảo con thương xót kẻ mà con căm ghét nhất; Ngài biết mà, đó là người hàng xóm đáng ghét ở bên cạnh, người đã giết chết con chó cưng của con!

I. Đức Chúa Trời thương xót thủy thủ đoàn (1) Chủ đề chính của sách Giô-na là lòng thương xót . Chương 1 cho chúng ta thấy lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với thủy thủ đoàn. Ông Giô-na nhận mệnh lệnh rất minh bạch của Đức Chúa Trời là đi đến thành Ni-ni-ve. Nhưng ông đi về một hướng khác hoàn toàn – Ta-rê-si (có lẽ là nước Tây Ban Nha ngày nay). Ông mua vé lên tàu cách bình an vô sự. Nhưng rồi Đức Chúa Trời khiến gió to thổi mạnh tạo nên một trận bão lớn. Các thủy thủ trên tàu đều kinh hoảng. Họ tập họp lại, bốc thăm để tìm xem ai đã làm ‘các thần’ nổi giận đến nỗi thần giáng tai họa này. Ông Giô-na bốc trúng thăm. Thế là ông phải thú nhận tất cả – ông nhận mình là người thờ phượng Đức Giê-hô-va (theo nghĩa đen là ‘người kính sợ’ Đức Giê-hô-va) là Đấng cai trị trên trời, đất và biển (1:9). Ông thú nhận rằng ông lên tàu để chạy trốn Đức Chúa Trời. Rồi ông Giô-na bảo các thủy thủ hãy ném ông xuống biển. Bất đắc dĩ họ buộc phải làm theo lời ông Giô-na dù trong lòng rất sợ Đức Chúa Trời. Họ ăn năn và kêu cầu Đức Chúa Trời cứu mạng sống họ. Khi họ ném ông Giô-na xuống biển thì bão liền ngớt, biển trở nên hiền hòa vô cùng. Ngoài ông Giô-na ra, hầu như mọi người đều ăn năn tội của mình.

II. Đức Chúa Trời thương xót ông Giô-na (2) Khi ông Giô-na từ từ chìm sâu xuống biển, rong biển bao phủ đầy mặt ông, Đức Chúa Trời đưa đẩy một con cá lớn đến chỗ ông. Nó ngoan ngoãn nuốt ông Giô-na vô bụng. Mọi thứ (gió, biển, cá) và mọi người khác trong sách này đều vâng lời Đức Chúa Trời ngoại trừ tiên tri của Ngài là ông Giô-na! Khi nhận biết Đức Chúa Trời đã giải cứu mình, ông Giô-na dâng lời ca ngợi, cảm tạ Ngài (2:9). Nhưng trong bài thi thiên, ông không đá động đến chuyện ông sẽ vâng lời Đức Chúa Trời mà đi đến thành Ni-ni-ve. Dầu ông ngang bướng và bất tuân, nhưng Đức Chúa Trời vẫn thương xót ông. III. Đức Chúa Trời thương xót dân thành Ni-ni-ve (3) Một lần nữa Đức Chúa Trời truyền cho ông Giô-na đi đến thành Ni-ni-ve rao báo sứ điệp của Ngài cho dân thành ấy. Khi đến nơi, ông rao ra một sứ điệp thật ngắn gọn (theo Hi Bá Lai ngữ, sứ điệp này chỉ có 5 từ). Thế nhưng theo nội dung ghi chép trong Kinh Thánh thì sứ điệp này khiến đông đảo người ăn năn nhất. Mọi người trong thành Ni-ni-ve đều ăn năn, ngay cả bầy bò cũng bị quấn bao gai (3:8). Khi Đức Chúa Trời thấy tinh thần ăn năn, thống hối như vậy, Ngài đổi ý và ngưng phẫn nộ đối với họ. IV. Ông Giô-na thiếu lòng thương xót đối với người khác (4) Tuy nhiên, các diễn biến trên làm cho ông Giô-na tức giận. Thật ra ông nổi giận hai lần và ông xin Đức Chúa Trời cho ông chết (4:3,8). Đây là trường hợp một vị tiên tri thất vọng khi thành công trong chức vụ! Ông không muốn Đức Chúa Trời thương xót dân thành Ni-ni-ve. Để dạy dỗ ông Giô-na Đức Chúa Trời cho một cây leo mọc lên rậm rạp nội trong một đêm. Cây leo phủ bóng mát che trên đầu ông và làm giảm bớt nỗi khổ sở của ông dưới ánh nắng. Rồi Đức Chúa Trời sắp xếp cho một con sâu cắn dây leo, cây liền khô héo. Ông Giô-na nổi giận một lần nữa. Nhưng Đức Chúa Trời nhẹ nhàng nhắc nhở ông vì ông thiếu lòng thương xót đối với dân thành Ni-ni-ve mà Ngài đã dựng nên.

Trọng tâm

Hãy bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với những con người đắm chìm trong sự hư mất và tuyệt vọng.

Thực hành

Có người cho rằng ông Giô-na cần đến thành Ni-ni-ve cũng giống như thành Ni-ni-ve cần đến ông Giô-na. Đức Chúa Trời dùng thành Ni-ni-ve để bày tỏ tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài (xem câu chính 4:2). Ông Giô-na cũng không xứng đáng với sự thương xót của Đức Chúa Trời chẳng khác gì dân thành Ni-ni-ve. Khi chúng ta còn là tội nhân và là ‘kẻ thù nghịch’ thì Đức Chúa Trời đã sai Chúa Giê-xu, Con Ngài, chịu chết vì tội chúng ta (RoRm 5:8). Ngay cả người không tin Chúa cũng có thể thương xót những trẻ em đói khát ở các quốc gia chậm phát triển thuộc thế giới thứ ba. Nhưng chỉ có Cơ Đốc nhân, là những người giống Chúa Cứu Thế, mới có thể thương xót những kẻ mà họ căm thù nhất. Trong vương quốc Đức Chúa Trời, không có chỗ nào cho người kỳ thị chủng tộc cách triệt để như ông Giô-na. Chúng ta cần làm việc và cầu nguyện để đem sự cứu rỗi đến với mọi dân tộc, kể cả ‘kẻ thù’ cá nhân và kẻ thù của dân tộc. Nguyện Đức Chúa Trời dạy chúng ta vui mừng, như các thiên sứ trên trời vui mừng về sự cứu rỗi của những người mà chúng ta không ưa nổi. Mong rằng Đức Chúa Trời không cần sai một ‘con sâu’ đến để phá hủy những thứ mà chúng ta vô cùng quí trọng nhằm dạy chúng ta biết yêu thương và thương xót người hư mất, tuyệt vọng trên thế giới này. Còn cô Ái Liên thì sao? Tôi không rõ. Lần cuối mà tôi nghe về cô thì cô vẫn chưa tiếp nhận Chúa Cứu Thế. Nhưng tôi hy vọng rồi đây cô ta sẽ tiếp nhận Ngài. Và tôi cũng hy vọng rằng bạn không phải học tập thương xót người khác một cách đắt giá như ông Giô-na. Trong tuần này, sao bạn không làm một việc tốt nào đó cho ‘kẻ thù’ của bạn? Hoặc tình nguyện coi nhà cho anh ta, hoặc giữ trẻ hộ cho cô ta, được không? Hoặc đãi họ một bữa ăn và tạo cơ hội nói về Chúa Cứu Thế cho họ? Bạn nghĩ sao? Mong rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ cần sai một con cá lớn bơi đuổi theo bạn! GIÔ-NA Ý chính: CÁ (và) KIÊNG ĂN Chủ đề chính: Sự thương xót Cụm từ chính: ‘Không xuống tai vạ’ (2 lần) Câu chính: “Người cầu nguyện Đức Giê-hô-va rằng: Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điềutôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ.” (Gion Gn Gion4:2) Bài học chính: Hãy bày tỏ lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với thế gian hư mất, tuyệt vọng.

MI-CHÊ

Tác giả: Ông Mi-chê. Thời kỳ hình thành sách: Trong thời kỳ vương quốc bị chia đôi, khi thành Sa-ma-ri sụp đổ. Mục đích: Nhằm thúc giục dân sự sống theo chánh đạo để đạt đến sự công bình, chánh trực hằng ngày Đối tượng: những người giàu có cho rằng mình biết Đức Chúa Trời nhưng lòng họ cách xa Ngài.

Tản mạn

Có những điều không thể đi đôi với nhau: Ánh sáng và bóng tối không thể tồn tại cùng một nơi trong cùng một thời điểm. Hai nước I-ran và I-rắc không thể nào chiếm cứ trên cùng một lãnh thổ trong cùng một thời gian. Sự tin kính và giàu có cũng không thể tồn tại song đôi với nhau. Bạn có đồng ý với điểm chót không? Có thể nào sự tin kính lẫn sự giàu có cùng tồn tại trong lòng người không? Có thể, nhưng khó lắm! Dưới hình thức này hoặc hình thức khác, hầu hết mọi người đều bị trần tục chi phối mạnh mẽ. Vì thế cụm từ ‘một triệu phú tin kính’ nghe có vẻ nghịch lý chẳng khác gì một ‘viên kim cương rẻ thối’, một ‘cầu thủ bóng rổ lùn’ hoặc một ‘gã khờ thông minh’. Rất hiếm người giàu có còn tin kính Chúa. Dường như phương cách duy nhất để người giàu có vẫn tiếp tục sống cuộc đời tin kính ấy là của cải không hề xâm chiếm tấm lòng của ông. Đặc biệt, các đối tượng của sách Mi-chê rất giàu có. Chẳng có gì lạ vì họ đều không hết lòng tin kính Chúa. Hằng ngày họ toan tính làm sao cho giàu hơn. Đêm đến họ vẫn thao thức nghĩ đến chuyện làm giàu. Vậy, làm giàu có sai không? Chẳng có gì sai cả, trừ phi giàu lên bằng cách làm cho người khác trở nên nghèo thiếu. Thâm nhập Sách Mi-chê gồm có ba phần. Trong mỗi phần, ông Mi-chê đều nhắc đến của cải hai lần, ông tỏ cho chúng ta biết ảnh hưởng của của cải trên đời sống con người. Có 3 dấu hiệu cảnh báo về việc của cải có thể làm hỏng niềm tin của chúng ta. Ba phần của sách Mi-chê lần lượt cho chúng ta biết về ba dấu hiệu này: I. Của cải khiến bạn kiêu ngạo (1-2) Dấu hiệu cảnh báo thứ nhất là lòng kiêu ngạo (2:8-12). Ông Mi-chê mở đầu phần này bằng lời kêu gọi dân chúng hãy lắng nghe (1:2). Đức Giê-hô-va rất giận dân Ngài. Cơn giận Ngài nổi lên đến nỗi khi Ngài ngự xuống, đạp trên các đỉnh núi cao núi liền tan chảy dưới chân Ngài như sáp gặp lửa (1:4). Kế đến ông kể ra tội lỗi của dân chúng và ông dùng liên từ ‘vậy nên’, ‘vì thế’ để nối liền giữa phần liệt kê tội lỗi của Giu-đa với phần mô tả về tai họa sẽ giáng trên họ (2:3). Ông kết thúc phần một với lời đề cập đến dân Do Thái như bầy của Đức Chúa Trời với ngụ ý rằng Ngài là Người Chăn của dân Do Thái (2:12). Đừng bao giờ lầm tưởng rằng Đức Chúa Trời không nổi giận đối với tội kiêu ngạo. Nhưng cần nhận biết rằng Ngài vô cùng căm ghét tội lỗi ấy. Hai chỗ đầu tiên đề cập đến của cải là 2:1-2 và 2:8-12. Phần thứ nhất nhấn mạnh rằng của cải có thể khiến người ta kiêu ngạo (2:3). Dân chúng trong các thành phố Giu-đa rất kiêu hãnh. Họ đặt tên cho thành phố của họ là Gát: Thành phố ép nho (1:10), và Sa-phi-rơ: thành phố an lạc (1:10-15). Đêm đến họ thao thức vì lo tính kế chiếm đoạt ruộng đất, nhà cửa, sản nghiệp của người khác (2:1-2). Họ thích nghe các tiên tri giả, là người chỉ thích nói tiên tri về chuyện nhảm nhí, hư không (2:11). Vì thế Đức Chúa Trời sẽ hạ nhục họ và khiến họ phải than van khóc lóc (2:3-4).

II. Của cải khiến bạn không công bình (3-5) Dấu hiệu cảnh báo thứ hai là sự bất công. Tác giả trình bày lời cảnh cáo trong phần hai cũng tương tự như cách trình bày trong phần một. Ông Mi-chê kêu gọi các nhà lãnh đạo của Gia-cốp hãy lắng nghe (3:1). Rồi ông nêu ra các tội lỗi của dân Giu-đa (3:2-11). Kế đến, ông dùng liên từ ‘vì thế’ để mô tả về tai họa sẽ giáng trên họ (3:12; 5:3). Cuối cùng, ông ví dân chúng với một bầy chiên (5:8). Hai phân đoạn 3:1-3 và 3:9-11 nói về việc của cải làm cho con người hư hỏng. Ở đây tác giả tập trung vào thực trạng thiếu công bình của dân chúng (3:1,9). Ông so sánh thực trạng nầy với hình ảnh của Chúa, là Đức Chúa Trời công bình (3:8). Chen giữa phần này là lời tiên tri về thành Bết-lê-hem, nơi Đấng Mê-si sắp ra đời (5:2). Trong phần thứ nhất, ông Mi-chê công kích các thành phố kiêu ngạo của xứ Giu-đa (1:10-15). Rồi ông nói đến một làng nhỏ bé của người chăn chiên sẽ là nơi Đấng Cứu Thế giáng sinh. Vì cớ tội lỗi của dân Giu-đa, nên Đức Chúa Trời không chọn thành phố quan trọng, giàu có để thực hiện mục đích của Ngài (5:11; 6:9).

III. Của cải khiến bạn không thương xót (6-7) Lời cảnh cáo thứ ba về niềm tin giả dối là không có lòng thương xót. Chương 6:10-12 và 7:1-6 là hai phân đoạn nói về của cải trong phần này. Ở đây, ông Mi-chê nhấn mạnh của cải có thể khiến con người không có lòng thương xót. Tác giả trình bày lời cảnh cáo trong phần này cũng tương tự như đã trình bày trong phần 1 và 2. Sau lời kêu gọi dân chúng hãy lắng nghe (6:1) và phần mô tả tội lỗi của họ, ông Mi-chê dùng từ ‘vì thế’ để mở đầu lời tiên tri về tai họa giáng trên dân Giu-đa (6:13). Giống như phần 1 và 2, một lần nữa phần này lại kết thúc với cảnh dân chúng là bầy chiên của Đức Chúa Trời (7:14). Như vậy, qua ba phần trên, chúng ta có ba phân đoạn mô tả về các phương diện mà của cải có thể thay đổi con người: của cải có thể khiến con người kiêu ngạo, không công bình và không có lòng thương xót. Câu Kinh Thánh chính của sách này là lời kêu gọi hãy loại bỏ ba điều này khỏi cuộc sống của chúng ta: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (6:8). Cụm từ “bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi” ở đây có nghĩa gì? Cần giải nghĩa đôi điều về từ này. Câu Kinh Thánh tiếp theo giải nghĩa giùm chúng ta rồi (6:9). Người khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời là người chấp nhận cây roi kỷ luật của Đức Chúa Trời trên đời sống mình. Vì Đức Chúa Trời là Người Chăn của chúng ta (5:4), nên Ngài toàn quyền sử dụng cây roi của người chăn trên chúng ta. Nếu chúng ta giàu có, chúng ta phải bảo đảm rằng của cải của mình là từ Đức Chúa Trời mà đến. Chúng ta đừng bao giờ làm cho mình mập mạp bằng cách ‘ăn thịt chiên khác’ (3:2-3;).

Trọng tâm

 Đặc điểm của niềm tin chân chính không phải là sự giàu có mà là cuộc sống công bình, nhân từ và khiêm tốn trước mặt Đức Chúa Trời.

Thực hành

Khi nói đến “Tà đạo”, bạn thường nghĩ về điều gì? Các cuộc thờ phượng phải không? Những người dạy giáo lý sai lệch phải không? Có lẽ hầu hết chúng ta đều nghĩ như vậy. Nhưng Đức Chúa Trời có ý gì khi tiên tri của Ngài nói đến tà giáo? Ngài chủ yếu muốn nói về tôn giáo “tân thời”. Mi-chê là sách công kích loại tôn giáo này. Nhà giải kinh Leslie Allen mô tả niềm tin sai lạc ấy như “Niềm tin căn căn cứ vào hộp lời hứa”. Ông cho rằng “Niềm tin căn căn cứ vào hộp lời hứa” là một cạm bẫy của mọi thời đại. Khi cuộc sống của Cơ Đốc nhân tùy thuộc vào câu Kinh Thánh rút ra từ ‘hộp lời hứa’ mỗi ngày thì chúng ta biến Đức Chúa Trời thành lá số tử vi không hơn không kém. Nếu để cho sự giàu sang lấn chiếm chỗ của tình yêu thương, lòng nhân từ và sự khiêm tốn thì chúng ta bắt đầu theo tín ngưỡng của Cơ Đốc giáo tân thời. Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo “tân thời” đã xuất hiện như thế nào thì Cơ Đốc giáo “tân thời” cũng xuất hiện như thế ấy. Yếu tố quyết định cho dạng Cơ Đốc giáo này là văn hoá chứ không phải là Kinh Thánh. Người ta giải nghĩa, giảng dạy sao cho phù hợp với thị hiếu của giới giàu sang. Nhưng qua tầm nhìn của Đức Chúa Trời, đó chỉ là niềm tin giả dối mà thôi. Đức Chúa Trời chán ngấy những lễ vật mà họ dâng cho Ngài. Nếu chúng ta trở nên giàu có cách bất chính thì tiền mà chúng ta dâng cho hội thánh hoặc các việc nhân đạo không thể giải tội cho chúng ta. Đừng bao giờ dâng hiến và ban cho với chủ ý xoa dịu lương tâm của chúng ta. Những của lễ như thế chỉ là điều gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy thận trọng khi nhận thấy càng ngày mình càng giàu hơn. Có thể chúng ta cho rằng mình chưa giàu có. Nhưng khi nào chúng ta thấy bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của sự kiêu ngạo, bất công và không có lòng thương xót, lúc ấy chúng ta cần xưng những tội đó ra và sửa đổi lại đời sống mình. Trong khi Ê-sai là sách trong Cựu Ước tương ứng với sách Rô-ma, thì sách Mi-chê, cùng thời kỳ với sách Ê-sai, là sách trong Cựu Ước tương ứng với Gia-cơ. Sách Ê-sai nhấn mạnh rằng chúng ta được cứu chỉ bởi đức tin mà thôi. Còn sách Mi-chê tập trung vào vấn đề đức tin cứu người không phải chỉ là tin suông, mà phải kèm theo việc làm thể hiện sự công bình, nhân từ và khiêm tốn nữa.

MI-CHÊ

Ý chính: THÀNH PHỐ của NGƯỜI CHĂN

Chủ đề chính: Niềm tin chân chính

Cụm từ chính: ‘Phần sót lại’ (6 lần) Câu chính: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (MiMk 6:8)

Bài học chính: Đặc điểm của niềm tin chân chính không phải là sự giàu có, mà là cuộc sống công bình, nhân từ và khiêm tốn trước mặt Đức Chúa Trời.

NA-HUM

Tác giả: Ông Na-hum.

Thời kỳ hình thành sách: Sau khi A-si-ri tàn phá Xa-ma-ri.

Mục đích: Nhằm rao báo sự hình phạt sẽ giáng trên dân tộc gian ác đã đàn áp dân Do Thái cách tàn nhẫn độc ác.

Đối tượng: Dân của Đức Chúa Trời đang hoặc sẽ chịu đựng sự bắt bớ khốc liệt.

Tản mạn

Cơn giận của Đức Chúa Trời tương tự như một quả bom lớn thật lớn có ngòi nổ rất dài. Ngòi nổ dài mà cháy thật là chậm. Thật vậy ngòi cháy rất chậm, cháy từ từ trong một thời gian rất dài đến mức một số người quên mất rằng ngòi nổ đang cháy. Còn một số người khác lại quên rằng cuối ngòi nổ là một quả bom lớn vô cùng. Trong thực tế thì kích thước của quả bom rất tương xứng với chiều dài ngòi nổ. Ngòi nổ cháy lâu báo cho chúng ta biết quả bom sắp nổ đó lớn ra sao! Dân Ni-ni-ve là nhóm người quên mất cơn giận đáng kinh sợ của Đức Chúa Trời. Sau khi nghe ông Giô-na giảng, họ ăn năn. Nhưng chẳng bao lâu họ lại rơi vào tình trạng ‘ngựa quen đường cũ’, trở lại lối sống gian ác như trước. Giống như dân Ê-đôm, họ sống dựa trên cảm giác an toàn giả dối của họ. Họ tự hào về các thành lũy kiên cố, vững chắc của mình và tin tưởng là họ dư khả năng đương đầu chống lại mọi cuộc tấn công. Chẳng bao lâu sau, họ nhận ra rằng chẳng một thành trì nào của con người có thể đứng vững trước cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã kiên nhẫn đến mức độ nào thì Ngài cũng sẽ nổi giận đến mức độ ấy. Cơn giận của Đức Chúa Trời luôn tỷ lệ thuận với lòng kiên nhẫn của Ngài.

Thâm nhập

Chủ đề của sách Na-hum là sự báo trả. Đức Chúa Trời sẽ dùng một trận lụt lớn (1:8; 2:6) và ngọn lửa lớn (1:10; 2:13; 3:13,15) để đoán phạt thành Ni-ni-ve.

Cụm từ chính “không còn… nữa” được nhắc đến bốn lần trong sách này (1:12, 14, 15 và 2:13). Vế trước của câu Kinh Thánh chính (1:3): “Đức Giê-hô-va chậm giận và có quyền lớn” mô tả phần nửa trước của sách. Vế sau: “nhưng Ngài chẳng cầm kẻ mắc tội là vô tội” là lời tóm tắt rất phù hợp cho phân nửa sau của sách.

I. Đức Giê-hô-va chậm giận (1) Sách mở đầu bằng lời công bố Đức Chúa Trời là Đấng đoán phạt (trong phần một). Phần hai tiếp tục mô tả sự hình phạt của Đức Chúa Trời. Dầu khi nổi giận Đức Chúa Trời là Đấng đáng khiếp sợ (1:3-6), nhưng Ngài cũng là Đức Chúa Trời tốt lành và Ngài “làm đồn lũy trong ngày hoạn nạn” (1:7). Đối tượng đón nhận lời tiên tri trong phần một này là dân Giu-đa (1:15). Do đó, phần này toát ra giọng an ủi, lòng nhẫn nại. Đức Chúa Trời chỉ là Đấng đáng khiếp sợ đối với kẻ thù nghịch Ngài (1:8-11). Nhưng đối với dân Giu-đa, Đức Chúa Trời sẽ “chẳng còn” làm khổ họ nữa (1:12). Kẻ gian ác sẽ “chẳng còn” quấy nhiễu họ nữa (1:15)

II. Ngài chẳng cầm kẻ mắc tội là vô tội (2-3) Phần thứ nhất mô tả đặc tính của Đức Chúa Trời. Còn phần thứ hai mô tả việc Ngài sẽ thực hiện. Phần thứ nhất viết về đặc tính cùng mối quan tâm của Đức Chúa Trời. Phần thứ hai viết về sứ điệp của Đức Chúa Trời lên án thành Ni-ni-ve. Phần một nhắc đến cơn giận của Đức Chúa Trời nghịch cùng Ni-ni-ve . Phần hai chép lời buộc tội của Đức Chúa Trời chống lại Ni-ni-ve . Trong khi phần thứ nhất gởi cho dân Giu-đa (1:15), phần thứ hai gởi cho Ni-ni-ve (3:18). Chúng ta có thể đặt tựa đề cho nửa phần trước là ‘Tin mừng cho Giu-đa’ và nửa phần sau là ‘Tin dữ cho Ni-ni-ve’ . Phân nửa trước mô tả ngòi nổ dài và cháy chậm của Đức Chúa Trời. Phân nửa sau mô tả kích thước khủng khiếp của quả bom thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Nhưng vì sao Đức Chúa Trời nổi giận kinh khiếp như vậy? Vì cớ sự gian ác và tàn bạo của dân thành Ni-ni-ve (3:19). Ông Robert G. Hamerton – Kelly diễn tả mức tàn ác họ như sau: “Đức Chúa Trời chịu thống khổ bởi hành động tàn bạo của họ và chịu đóng đinh bởi cách đối xử nhẫn tâm của họ.” Vì họ dùng bạo lực mà đối xử với người khác nên Đức Chúa Trời cũng sẽ dùng bạo lực nghịch cùng họ. Địa ngục hiện hữu là chuyện có thật, mặc dù không ai ưa địa ngục cả. Đức Chúa Trời không thể tha bổng cho người gian ác.

Trọng tâm

 Đừng lầm tưởng rằng khi Đức Chúa Trời nhẫn nại là Ngài bất năng.

Thực hành

Giữa vòng Cơ Đốc nhân hiếm khi nghe nói đến tội tàn ác, nhưng như vậy không có nghĩa là tội ấy không phổ biến, mà có nghĩa là Cơ Đốc nhân giấu diếm tội đó quá khéo. Giữa vòng chúng ta có vài người phạm tội dùng bạo lực đối với người khác. Nhưng chúng ta thường phạm tội tàn bạo trong lời nói và tình cảm hơn. Chúng ta có mục đích hẳn hoi và biết phải nhắm vào nhược điểm nào. Hầu hết những người mà chúng ta làm tổn thương thường là các con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời. Tôi xuất thân từ một gia đình mà việc nhục mạ bằng lời nói đã phát huy đến ‘trình độ nghệ thuật’. Đây là một trong những ‘kỹ năng’ không làm cho tôi tự hào gì cả. Tuy nhiên, tôi không thể đổ lỗi cho môi trường gia đình đã hình thành và phát huy ‘nghệ thuật’ đó trong đời sống tôi. Khi tôi làm tổn thương người thuộc về Đức Chúa Trời, thì tôi làm tổn thương Đức Chúa Trời. Không có lý do bào chữa nào cả. Có thể bạn không phạm tội tàn bạo trong lời nói mà có lẽ là trong một việc nào khác. Có thể là lợi dụng quyền lực để điều khiển người khác cách tàn nhẫn hoặc gây áp lực tình cảm trên người khác. Nhưng bất cứ làm việc gì, chúng ta đừng bao giờ để cho lẽ thật “Đức Chúa Trời chậm nóng giận” làm cho chúng ta quên rằng “Ngài chẳng cầm kẻ có tội là vô tội.” Nguyện dòng huyết Chúa Cứu Thế Giê-xu tẩy sạch mọi tội chúng ta để chúng ta có thể nhận được sự tha thứ ở trong Ngài.