A-GHÊ
Tác giả: Ông A-ghê.
Thời kỳ hình thành sách: Sau thời kỳ hồi hương (từ chốn lưu đày.)
Mục đích: nhằm kêu gọi dân Do Thái ưu tiên cho việc hoàn tất công cuộc tái thiết Đền Thờ.

 

Đối tượng: Dân Đức Chúa Trời lầm đường lạc hướng vì cớ theo đuổi lợi ích cá nhân.

Tản mạn

Có bao giờ bạn gặp trường hợp nhà thầu nhận sữa chữa nhà của bạn, nhưng ông ta đập đổ 4 bức tường, phá nền nhà rồi bỏ dở không? Có bao giờ bạn gặp một người thợ máy tháo rời các bộ phận trong xe của bạn rồi bỏ dở và nhận sửa xe của người khác không? Gặp chuyện như vậy chắc bạn nổi giận phải không? Bây giờ bạn thử tưởng tượng xem Đức Chúa Trời cảm thấy như thế nào khi bạn bắt tay làm việc cho Ngài rồi bỏ dở để làm việc khác cho bản thân bạn. Theo bạn Đức Chúa Trời có nổi giận không? Ở đây, ông A-ghê rao giảng cho những người đã khởi công tái thiết Đền Thờ của Đức Chúa Trời sau khi họ từ xứ lưu đày trở về vào năm 536 TC. Nhưng nửa chừng kẻ thù chống đối nỗ lực tái thiết của họ, thế là công trình phải tạm ngưng. Suốt mười sáu năm Đền Thờ nằm trong tình trạng dở dang. Trong lúc đó dân chúng bắt đầu xây dựng nhà riêng cho họ và kết thúc là những ngôi nhà đẹp đẽ, sang trọng đáng được đưa hình lên mặt báo. Đức Chúa Trời cảm thấy như thế nào trước thực trạng đó? Có lẽ Ngài rất đau lòng. Nhưng thay vì quở trách họ, Đức Chúa Trời sai tiên tri A-ghê đem bốn sứ điệp đến an ủi và khích lệ họ.

Thâm nhập

Ông A-ghê giảng bốn bài trong ba ngày khác nhau. Mỗi bài giảng đều mở đầu bằng cụm từ ‘Có lời của Đức Giê-hô-va phán’ kèm theo ngày tháng mà Đức Chúa Trời phán lời ấy (1:32:11020). Tuy nhiên, cả bốn bài giảng đều tập trung vào một chủ đề: sự tái thiết Đền Thờ.

I. Tái thiết với Thực Lực Tự Phát (1:1-15)

Bài giảng thứ nhất được rao truyền vào tháng 9 năm 520 TC. Trong bài giảng này, ông A-ghê tập trung giục giã lòng dân sự tiếp tục chương trình xây dựng. Dân sự nói: “Chưa đến lúc” (1:2). Vì cớ đó công lao làm ăn cực nhọc của họ chỉ là những đồng lương ít ỏi (1:6). Và Đức Chúa Trời phán: “Ta đã gọi cơn hạn hán đến”. Vì trong Cựu Ước hạn hán luôn luôn là dấu hiệu của sự hình phạt của Đức Chúa Trời đối với lòng bất tuân của dân sự.

II. Tái thiết với Tinh Thần Tận Hiến (2:1-9)

Một tháng sau, tức là tháng 10 năm 520 TC, ông A-ghê giảng bài thứ hai. Dân sự đã tiếp tục tái thiết Đền Thờ. Nhưng rõ ràng Đền Thờ mà họ xây dựng không thể nào sánh với vẻ huy hoàng lộng lẫy của Đền Thờ mà vua Sa-lô-môn xây khi xưa. Vì thế nhiều người, đặc biệt là giới lớn tuổi cảm thấy nản lòng khi nhớ đến vẻ đẹp của Đền Thờ khi xưa. Trước tình trạng đó, bài giảng thứ hai của ông A-ghê nhắm vào mục đích dùng lời Chúa khuyên giục dân sự hãy can đảm làm việc vì Đức Chúa Trời có phán cùng họ rằng: “Ta ở cùng các ngươi” (2:4). “Chẳng bao lâu nữa” Đức Chúa Trời sẽ làm rúng động thế giới và làm cho vinh quang Ngài đầy dẫy Đền Thờ (2:6-7).

III. Tái thiết với Tinh Thần Thánh Khiết (2:10-19)

Hai tháng sau (tháng 12 năm 520 TC) bài giảng thứ ba và bốn được rao truyền trong cùng một ngày. Trong bài giảng thứ ba, ông A-ghê thách thức dân sự với một câu hỏi: Làm sao một dân tộc bất khiết có thể xây dựng một Đền Thờ thánh khiết cho Đức Chúa Trời? Rồi ông đưa ra hai hình ảnh minh họa: Thứ nhất, nếu quần áo của một người đụng những vật thánh thì quần áo đó có nên thánh không? Không. Thứ hai, nếu một người đụng vào xác chết thì người đó có bị ô uế không? Người đó bị ô uế. Nói cách khác, khi dân sự khởi công xây dựng một đền thánh, đền thánh đó sẽ không khiến họ được nên thánh. Trái lại, sự bất khiết của họ sẽ làm ô uế Đền Thờ. Đức Chúa Trời hứa ban phước cho họ (2:19) và làm cho nỗ lực tái thiết của họ được vững vàng khi họ lo tái lập cuộc sống thánh khiết. IV. Tái thiết với Tinh Thần Tin Cậy (2:20-23)

Sứ điệp cuối cùng dành cho độc nhất một người: ông Xô-rô-ba-bên vì ông là người lãnh đạo công cuộc tái thiết (do đó, Đền Thờ thứ hai này thường được gọi là Đền Thờ của ông Xô-rô-ba-bên). Đức Chúa Trời hứa cùng ông rằng Ngài sẽ lật đổ ngai các vương quốc, diệt thế lực các nước (2:22), tức là Ngài sẽ loại bỏ mọi trở ngại ngăn cản công cuộc tái thiết Đền Thờ. Ông Xô-rô-ba-bên tái thiết Đền Thờ trong niềm hy vọng vì cớ Đức Chúa Trời đã chọn ông làm dấu ấn, chứng tỏ Ngài hài lòng về toàn bộ công cuộc tái thiết (2:23).

Trọng tâm

Đừng quên đặt công việc Đức Chúa Trời vào hàng ưu tiên và thực hiện cho đến khi hoàn tất.

Thực hành

Nhiều người trong chúng ta khi trả lời cho Chúa thường tránh nói câu: “Không, thưa Chúa”. Thay vào đó chúng ta nói với Ngài rằng: “Xin Chúa chờ một chút”. Khi bạn nhờ ai đó làm giúp bạn một công việc trong hội thánh, họ thường trả lời rằng: “Tôi sẽ làm nếu tôi có thì giờ.” Họ không trả lời “À, được” mà cũng chẳng nói “Không”. Nhưng họ chỉ nói: “Tôi sẽ làm nếu có thì giờ.” Có thể bạn tưởng rằng họ đồng ý giúp nhưng khi bạn trở lại kiểm tra công việc thì chưa ai động tay cả. Thế là bạn tức giận, bao nhiêu bản tính thánh thiện của bạn chợt biến mất rồi bạn trách cứ họ rằng: “Nếu không muốn làm việc đó sao không nói sớm, ít ra tôi còn thì giờ nhờ người khác làm chứ?” Thế là họ trả lời: “Tôi có nhận lời làm việc đó đâu!” Vì sao? Bởi vì họ chỉ nói: “Tôi sẽ làm nếu tôi có thì giờ” mà thôi. Thường thường câu đó có nghĩa là họ không thể hoặc không muốn làm việc đó.

Sách A-ghê dạy chúng ta phải đặt công việc của Đức Chúa Trời vào hàng ưu tiên dù là góp phần vào công tác xây dựng nhà thờ hoặc tham gia ban hát tại hội thánh và cần ghi nhớ rằng phải hoàn tất công việc mà chúng ta đã nhận. Bạn có bỏ rơi hoặc chưa hoàn thành công việc nào của Đức Chúa Trời không? Nếu bạn đang góp phần vào chương trình xây dựng nhà thờ thì hãy tiếp tục cho đến khi hoàn tất. Nếu bạn đang tham gia vào ban hát lễ của hội thánh thì hãy trung tín trong việc ca ngợi Chúa. Nếu có người nhờ bạn làm một công việc nào trong hội thánh, xin bạn đừng trả lời: “Tôi sẽ làm nếu tôi có thì giờ.” Nhưng nên nói: “Được, tôi làm liền”. Nguyện Chúa ban phước cho bạn và đóng ấn của Ngài trên công việc của bạn.

A-GHÊ

Ý chính: NHÀ của SỰ THÁNH KHIẾT

Chủ đề chính: Đền Thờ

Cụm từ chính: ‘Khá xem xét’, ‘Hãy suy nghĩ’ (5 lần)

Câu chính: “Các ngươi trông nhiều mà được ít; các ngươi đem vào nhà, thì ta đã thổi lên trên. Đức Giê-hô-va vạn quân phán: Ấy là tại làm sao? Ấy là tại nhà ta thì hoang vu, mà các ngươi ai nấy lo xây nhà mình.” (Aghe 1:9)

Bài học chính: Đừng quên đặt công việc của Đức Chúa Trời ở hàng ưu tiên và thực hiện cho đến khi hoàn tất.

XA-CHA-RI

Tác giả: Ông Xa-cha-ri

Thời kỳ hình thành sách: Sau thời kỳ hồi hương từ chốn lưu đày.

Mục đích: Nhằm thúc đẩy dân sự hoàn tất công cuộc tái thiết Đền Thờ và sống cuộc đời tin kính trong niềm hy vọng về sự hiện đến của Đấng mê-si của Đức Chúa trời.

Đối tượng: Những người không nhận biết sự kiện Đức Chúa Trời sẵn sàng tha thứ và phục hồi.

Tản mạn

Chúng ta thử tưởng tượng xem điều gì xảy ra nếu chuyện Người Con Trai Hoang Đàng kết thúc theo cách khác: “Vậy, nó mới tỉnh ngộ và thầm nghĩ: ‘Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Nhưng cha ta là người bẳn tính, ưa nổi giận, chẳng bao giờ tha thứ cho ta đâu.’ Rồi nó ra đồng chăn heo và lấy vỏ đậu của heo mà ăn cho no. Còn người cha cứ mòn mỏi đợi chờ con trai mình. Nhưng đứa con chẳng bao giờ trở về nhà.” (So sánh với phần kết thật của chuyện ẩn dụ này trong Luca 15:17-24.) Đau buồn nhất là chuyện một người chẳng bao giờ nhận được sự tha thứ vì anh ta không hề biết rằng người mà anh đã xúc phạm sẵn sàng tha thứ cho anh.

Thâm nhập

Cả hai sách Giê-rê-mi và Xa-cha-ri đều tập trung nói nhiều về vấn đề cần ăn năn. Lời kêu gọi ăn năn của tiên tri Giê-rê-mi đặt cơ sở trên sự cảnh báo của Đức Chúa Trời về biện pháp hình phạt sắp đến. Còn lời kêu gọi của tiên tri Xa-cha-ri đặt cơ sở trên tấm lòng sẵn sàng tha thứ và phục hồi của Đức Chúa Trời. Thời kỳ lưu đày đã kết thúc. Dân sự đã hồi hương. Họ đã chịu hình phạt vì cớ tội lỗi của họ rồi. Nhưng Đền Thờ vẫn nằm trong tình trạng đổ nát. Đức Chúa Trời có ý định phục hồi dân Giu-đa, thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ không? Ông Xa-cha-ri, người đồng thời với ông A-ghê cho họ biết câu trả lời: Có! Nhưng với điều kiện là họ phải trở lại với Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ trở lại với họ. Vì vậy, chủ đề của sách Xa-cha-ri là ‘quay về với Đức Chúa Trời’ .

I. Bảo đảm đối với việc tái thiết (1-6)

Toàn bộ sách này hướng đến mục tiêu bảo đảm và an ủi. Sách chỉ đề cập đến cơn giận và cơn phẫn nộ của Đức Chúa Trời 3 lần và luôn luôn là nhân cơ hội nói về quá khứ (7:128:1410:3). Phần thứ nhất là lời kêu gọi tái thiết Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (1:16) vì Đức Chúa Trời sẽ quay về với Giê-ru-sa-lem với lòng thương xót. Có thể chia phần thứ nhất làm ba phân đoạn: (a) Lời đề nghị về sự phục hồi (1:1-6) (b) Tám khải tượng về sự phục hồi (1:7-6:8); (c) Dấu hiệu của sự phục hồi (6:9-15). Chúng ta có thể thấy lời đề nghị về sự phục hồi ngay trong câu Kinh Thánh chính của sách này: “Hãy trở lại cùng ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi” (1:3). Toàn bộ tám khải tượng của ông Xa-cha-ri đều có liên quan đến sự phục hồi của Đức Chúa Trời. Nhiều độc giả ngại đọc tám khải tượng này. Nhưng thật ra chẳng có gì là bí hiểm lắm đâu. Các phân đoạn Kinh Thánh ghi lại các khải tượng bày tỏ cho chúng ta ý nghĩa thiêng liêng của từng khải tượng ấy.

Tiếp theo sau mỗi khải tượng Kinh Thánh đều ghi lời giải nghĩa mạch lạc: (a) Khải tượng thứ nhất ngụ ý rằng Đức Chúa Trời không hài lòng đối với các dân tộc chung quanh đang sống yên vui và Đức Chúa Trời sẽ trở về cùng Giê-ru-sa-lem (1:15-17). (b) Khải tượng thứ hai bày tỏ rằng Đức Chúa Trời sẽ hình phạt các dân tộc ngoại bang này (1:21). (c) Khải tượng thứ ba là lời hứa Ngài sẽ tái lập thành Giê-ru-sa-lem (2:4). (d) Khải tượng thứ tư mô tả việc thanh tẩy tội lỗi của dân Giu-đa (3:9). (đ) Khải tượng thứ năm bảo đảm rằng ông Xô-rô-ba-bên sẽ hoàn tất công cuộc tái thiết Đền Thờ (4:9). (e) Khải tượng thứ sáu tiên tri về ngày mà Chúa sẽ thực hiện lẽ công bằng đối với dân của Ngài (5:3-4). (g) Khải tượng thứ bảy là lời tiên tri về cách Đức Chúa Trời xua đuổi sự gian ác sang đất Sê-ni-a, tức là Ba-by-lôn (5:8,11). (h) Và trong khải tượng cuối cùng, Đức Chúa Trời sẽ hình phạt Ai Cập và Ba-by-lôn, là hai nước nằm về phía nam (6:6) và phía bắc của lãnh thổ I-xơ-ra-ên và Giu-đa (6:8)#. Phần thứ nhất của sách Xa-cha-ri kết thúc bằng dấu hiệu của sự phục hồi. Đó là sự kiện đội mão miện lên đầu thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-sua. Dấu hiệu này cũng được giải nghĩa rất rõ ràng: dấu hiệu cho biết rằng chắc chắn toàn bộ tám khải tượng sẽ ứng nghiệm (6:15).

II. Bảo đảm đối với việc trở về (7-8)

Bài học chính trong phần thứ nhất là trừ bỏ đường tà ác (1:4). Bài học chính trong phần thứ hai là quay về cùng chân lý (8:3). Từ ‘chân thật’ được nhắc đến năm lần trong phần này (8:381619). Dân sự nêu lên thắc mắc là họ có nên tiếp tục kiêng ăn, khóc lóc bốn lần trong một năm hay không (7:358:19). Họ đã giữ lễ kiêng ăn trong suốt thời kỳ lưu đày tại Ba-by-lôn. Trong chương 7, Đức Chúa Trời trách họ kiêng ăn cách giả dối. Trong chương 8, Ngài kêu gọi họ hãy giữ lễ kiêng ăn cách chân thành. Trong chương 7, Đức Chúa Trời tỏ cho dân sự biết rằng trong quá khứ Ngài phẫn bộ vì họ giả vờ sốt sắng (7:13-14). Trong chương 8, Đức Chúa Trời hứa với họ rằng Ngài sẽ đem những người còn sót lại trở về Giê-ru-sa-lem (8:6-8). Trong chương 7 dân sự hỏi Đức Chúa Trời xem họ có nên kiêng ăn, khóc lóc hay không (7:3). Trong chương 8, Đức Chúa Trời đáp rằng Ngài sẽ đổi những ngày kiêng ăn của họ thành những ngày lễ vui mừng (8:19). Phần thứ nhất của sách Xa-cha-ri là lời kêu gọi tái thiết Đền Thờ. Phần thứ hai, kêu gọi hãy cùng dân Do Thái trở về với Đức Chúa Trời (8:2123). Trong cả hai phần Đức Chúa Trời đều kêu gọi họ hãy trở lại cùng Ngài (1:38:22) đồng thời Ngài cũng hứa với họ rằng chính Ngài sẽ trở về cùng họ và Giê-ru-sa-lem (1:168:3). III. Bảo đảm đối với việc ăn năn (9-14) Trong cả hai phần một và phần hai đều có nhắc đến sự khước từ của dân Đức Chúa Trời trong quá khứ – họ không lắng nghe (1:47:13). Nhưng trong phần ba, nói về sự từ chối trong tương lai – họ sẽ phải lắng nghe (11:3). Phần thứ nhất chép về 8 khải tượng. Phần thứ hai gồm có 4 bài giảng. Phần thứ ba gồm có hai lời tiên tri. Lời tiên tri thứ nhất (Chương 9-11) chủ yếu báo trước sự hiện đến lần thứ nhất của Đấng Mê-si. Lời tiên tri thứ hai (Chương 12-14) liên quan đến sự hiện đến lần thứ hai của Đấng Mê-si. Lời tiên tri thứ nhất hứa rằng hễ ai ăn năn thì sẽ được phục hồi (10:9). Còn lời tiên tri thứ hai cảnh báo rằng những kẻ chống nghịch sẽ bị loại bỏ (13:2). Nói cách khác, Chúa chúng ta hiện đến lần thứ nhất để ban sự tha thứ và phục hồi, và Ngài hiện đến lần thứ hai để thực hiện sự hình phạt. Phần thứ hai tập trung nói về thành Giê-ru-sa-lem. Địa danh ‘Giê-ru-sa-lem’ xuất hiện hai mươi hai lần trong sáu chương cuối của sách Xa-cha-ri. (Trong khi đó, “Giê-ru-sa-lem” cũng được nhắc đến hai mươi hai lần trong tất cả các sách tiểu tiên tri khác gộp chung lại.) Trong phần thứ nhất và thứ hai, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi và quay về với chân lý. Còn trong phần thứ hai, chúng ta sẽ trở về cùng Giê-ru-sa-lem (10:9). Khi Chúa Giê-xu hiện đến lần thứ nhất, Ngài đến cùng Giê-ru-sa-lem (9:9), và trong lần hiện đến thứ hai, Ngài lại cũng đặt chân trên Giê-ru-sa-lem (14:4). Thành Giê-ru-sa-lem tức là ‘Thành phố bình an’ đã bị xâu xé vì những cuộc xung đột trong suốt lịch sử của thành phố. Nhưng rồi đây hoà bình thế giới sẽ phát khởi từ Giê-ru-sa-lem, không phải do con người, mà do Đức Chúa Trời (9:10). Trong sách Sử Ký, chúng ta thấy ba phần ưu tiên trong chương trình của Đức Chúa Trời là Đền Thờ, (mười hai) Chi Tộc và Ngôi Vua (của Đa-vít).