Ô-SÊ
Tác giả: Ông Ô-sê
Thời kỳ hình thành sách: Thời kỳ vương quốc bị chia đôi, trong thời gian thành Sa-ma-ri còn tồn tại.
Thời kỳ vương quốc bị chia đôi, trong thời gian thành Sa-ma-ri còn tồn tại.
Mục đích: Nhằm nhẹ nhàng thuyết phục dân Do Thái không nên tin cậy vào các “vị cứu nguy” khác, nhưng hãy trung thành với Đức Chúa Trời.
Đối tượng: Dân của Đức Chúa Trời đang sa ngã vì họ đã đánh mất tình yêu với ĐứcChúa Trời.
Tản mạn
“Có bao giờ bạn tính chuyện đi làm gái điếm chưa?” Khiếp quá! Tôi nghĩ rằng tự thân câu hỏi cũng đủ ghê tởm vô cùng rồi. Theo tôi trong cả triệu triệu gái điếm trên khắp thế giới, không có người nào vào thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường lại viết một bài luận văn đại khái là: “Sau này lớn lên tôi muốn làm gái điếm”. Thế nhưng sao cuối cùng họ lại đi làm điếm? Chắc hẳn người nào cũng có lý do riêng, đến nỗi số lý do cũng nhiều như số gái điếm vậy. Nhưng một lý do chung cho tất cả là: không một người nào trù tính cho mình một nếp sống như vậy. Vào năm 1990, bộ phim về một cô gái điếm được nhiều người yêu thích so với tất cả những bộ phim khác. Bộ phim có tựa đề: “Người phụ nữ xinh đẹp” (Pretty woman). Một số người cho rằng đó chỉ là một câu chuyện thần tiên hiện đại. Tuy nhiên dầu thú vị đến đâu bộ phim vẫn ẩn chứa một điểm sai trái nghiêm trọng. Bộ phim mô tả một cô gái điếm xinh đẹp, phúc hậu đáng yêu. Tệ hơn là bộ phim mô tả gái điếm là con người xứng đáng được công nhận. Dầu trong phim ảnh, cuộc sống của gái điếm có vẻ như được con người chấp nhận. Nhưng trong cuộc sống xưa nay điều đó chưa bao giờ, không bao giờ và sẽ không bao giờ đáng được tán dương khâm phục cả. Sách Ô-sê cũng chép về một cô gái điếm. Nàng tên là Gô-me, tiêu biểu cho dân Do Thái. Thay vì chung thủy với chồng, nàng lại làm dâm phụ. Vậy qua sách này bạn thử tìm xem Đức Chúa Trời có khen ngợi mãi dâm, có cho đó là một ngành nghề toả hào quang hoặc không?
Thâm nhập
Sách Ô-sê làm nổi bật tấm lòng của Đức Chúa Trời chứ không phải sự thánh khiết của Ngài. Nếu không có sách Ô-sê biết đâu chúng ta lại có ấn tượng sai lầm cho rằng Đức Chúa Trời là một vị quan toà vô tâm, xét xử người Ngài ghét một cách tàn nhẫn. Nhưng nghĩ như thế là lệch lạc, không đúng với sự thật. Đức Chúa Trời tha thiết mong muốn, thậm chí mòn mỏi trông chờ thiết lập mối tương quan với chúng ta. Nên nhớ đó không chỉ là mối tương quan thông thường mà là mối tương quan hoàn toàn riêng tư và mật thiết như mối tương quan giữa vợ chồng, giữa cha con. Đức Chúa Trời của sách Ô-sê là Đức Chúa Trời như thế nào? Ngài là một Đức Chúa Trời yêu thương. Ngài yêu thương dân Ngài hơn hết. Những ai cho rằng Đức Chúa Trời của Cựu ước chỉ là một Đức Chúa Trời thạnh nộ thì rõ ràng họ bỏ sót sách Ô-sê. I. Đức Chúa Trời ban cho sự hiểu biết (1-3) Phần thứ nhất của sách Ô-sê ghi lại một thảm kịch thật sự diễn ra trong cuộc đời được tác giả dùng để minh họa cho tấm lòng của Đức Chúa Trời. Ngài bảo tiên tri Ô-sê đi cưới một cô gái điếm và có con với nàng. Lần lượt ba người con ra đời và ông Ô-sê đặt tên là: ‘Gít-rê-ên’, ‘Không thương xót’, ‘Không thuộc về ta’. (Thắc mắc làm chi về chuyện các em này đối phó ra sao khi đến trường với những tên như thế!) Gít-rê-ên là nơi Đức Chúa Trời xét đoán dân Ngài tức là dân Do Thái. Còn tên riêng của hai người con kia có nghĩa là Đức Chúa Trời không còn thương xót họ nữa và Ngài không nhìn nhận họ là dân sự của Ngài nữa. Có lẽ ông Ô-sê không phải là cha của hai người con sau vì bà Gô-me, vợ ông, tiếp tục lối sống trụy lạc như trước. Dân của Đức Chúa Trời phạm cả tội tà dâm trong lãnh vực tôn giáo (thờ lạy thần tượng) lẫn tội tà dâm trong lãnh vực chính trị (nhờ các dân ngoại bang cứu giúp). Kết quả là Đức Chúa Trời sẽ vạch trần tội lỗi của họ và làm nhục họ trước mắt các dân tộc khác. Dầu Ngài yêu thương họ nhưng Ngài không thể bỏ qua tội lỗi của họ được. Ngài phải áp dụng kỷ luật đối với họ. Tuy vậy, sau khi gánh chịu sự nhục nhã, Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ ba điều mà họ không có: 1. Lòng nhân ái . 2. Lòng trung thành . 3. Hiểu biết Đức Chúa Trời (2:19-20) Thay vì nơi xét đoán, Gít-rê-ên sẽ trở thành nơi vui mừng phước hạnh (2:22). Đức Chúa Trời sẽ đem dân Do Thái trở về làm vợ Ngài và thương xót họ. Một lần nữa, Ngài lại sẽ gọi họ là ‘dân Ta’ (2:23). Đức Chúa Trời bảo ông Ô-sê thực hiện một việc để minh hoạ cho lời hứa của Ngài, tức là ông đi chuộc nàng Gô-me ở nơi mà nàng đã tự bán mình (3:1-3). Nàng Gô-me tiêu biểu cho dân Do Thái, là dân được nhắc dưới tên riêng Ép-ra-im trong suốt sách này. Ép-ra-im vốn là chi phái đông dân nhất ở Vương Quốc Phía Bắc của nước Do Thái. II. Dân của Đức Chúa Trời không có sự hiểu biết (4-14) Phần thứ hai mở đầu bằng lời buộc tội (Chương 4) và kết thúc bằng lời kêu gọi (Chương 14). Đức Chúa Trời buộc tội dân Do Thái đã thiếu mất ba điều sau đây: 1. Sự chân thật hoặc lòng trung thành . 2. Lòng nhân ái . 3. Sự hiểu biết Đức Chúa Trời ([dc 4:1;) . Thử so sánh ba điều này với ba điều Đức Chúa Trời hứa ban cho họ trong phần thứ nhất (2:19-20). Chủ đề chính của sách này là: ‘không nhìn biết Đức Chúa Trời’ (6:6). Sách này dùng cụm từ: ‘nhìn biết Đức Chúa Trời’ mười một lần và ‘Đức Chúa Trời biết dân Do Thái’ đến ba lần. Trong sách Ê-xê-chi-ên sự nhận biết Đức Chúa Trời có liên quan đến sự thánh khiết của Ngài, còn trong sách Ô-sê nhận biết Đức Chúa Trời là sự hiểu biết riêng tư của cá nhân (tức là kinh nghiệm, từng trải) về lòng yêu thương và thành tín của Đức Chúa Trời. Đan xen những lời buộc tội và kêu gọi (Chương 5-13) là lời Đức Chúa Trời mô tả về chính Ngài trong ba vai trò khác nhau. Thứ nhất, Ngài là Chồng dân I-xơ-ra-ên thông qua Giao ước (6:7). Dân Do Thái là Vợ nhưng ngoại tình. Thứ hai, Đức Chúa Trời là vua dân Do Thái thông qua sự chu cấp, che chở và bảo vệ của Ngài. Dân Do Thái được ví như những thần dân bội nghịch Ngài. Mỉa mai thay, họ lấy nguồn thực phẩm dồi dào mà Đức Chúa Trời ban cho họ để dâng cho thần Ba-anh. Họ lấy vàng bạc mà Đức Chúa Trời ban cho để đúc tượng thần Ba-anh (8:4; so sánh với 2:8). Từ thời đó đến nay, lòng con người cũng chẳng đổi khác, phải không? Các thương gia được Đức Chúa Trời ban phước lại đem tiền đổ vào ‘bảo hiểm’ thay vì nương cậy nơi Ngài. Các bậc phụ huynh được Đức Chúa Trời ban cho những đứa con thông minh và xinh đẹp thì dâng vào tháp ngà học vấn và các tòa nhà chọc trời của nền kinh tế vàng son thay vì ‘phí phạm’ tài năng của con cái vào công tác phục vụ Đức Chúa Trời. Phải chăng họ quên mất rằng họ chỉ là quản gia của vị Vua Vĩ Đại? Thứ ba, Đức Chúa Trời là Cha của dân Do Thái thông qua việc ‘nhận làm con’ và sự cứu chuộc. Trước kia Đức Chúa Trời đã cứu họ ra khỏi Ai-cập như thế nào, thì một lần nữa, Ngài lại cứu họ ra khỏi A-si-ri như thể ấy. Đức Chúa Trời gọi con trai Ngài ra khỏi Ai-cập (11:1) (theo bản gốc ‘Xuất Châu Phi’). Dân Do Thái được ví như con trai hoang đàng của Đức Chúa Trời. Mối liên hệ đầy tính cách mỉa mai nầy lại được nhấn mạnh một lần nữa. Dầu họ sẽ bị hình phạt từ tay Ai-cập (11:5,11), nhưng lòng họ vẫn hướng về ‘Ai-cập’ (12:1;, xem thêm 7:11). Chú ý là trong sách này tác giả đề cập đến Ai-cập và A-si-ri đi cặp với nhau. Dân chúng thiếu mất ba điều: lòng trung thành, tình yêu thương và sự hiểu biết. Đây cũng chính là ba mỹ đức phản ánh mối liên hệ đặc biệt giữa họ và Đức Chúa Trời. Lẽ ra họ phải trung thành với Đức Chúa Trời như vợ đối với chồng. Song họ đã bất trung với Đức Chúa Trời. Lẽ ra họ phải yêu mến Đức Chúa Trời như con trai yêu thương cha. Nhưng họ đã không yêu mến Ngài. Lẽ ra họ phải công nhận Đức Chúa Trời như dân trong một vương quốc công nhận vua của mình. Nhưng họ không có thái độ đó. Dầu vậy Đức Chúa Trời vẫn thành tín, yêu thương và công nhận họ là vợ, là con và là thần dân của Ngài. Câu Kinh Thánh chính, là câu cuối của chương cuối cùng trong sách này: “Ai là người khôn ngoan mà hiểu những sự này? Ai là giỏi giang mà biết những sự đó? Vì các đường lối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng: những kẻ công bình sẽ bước đi trong đó, còn những kẻ phạm phép thì vấp ngã trong đó.”(14:9) Trong sách Đa-ni-ên, người khôn ngoan sẽ hiểu công việc của Đức Chúa Trời. Còn ở đây, trong sách Ô-sê, người khôn sáng sẽ hiểu biết bản tánh của Đức Chúa Trời. Trong sách Đa-ni-ên, dân Đức Chúa Trời phải hiểu cách sống ở giữa thế gian. Còn trong sách Ô-sê, họ phải hiểu cách sống trong mối tương quan với Đức Chúa Trời. Nói cách khác , họ phải sống cuộc đời trung thành, yêu thương và đầu phục Đức Chúa Trời. Thế nhưng họ vẫn tiếp tục chống nghịch Đức Chúa Trời và tiếp tục gian dâm. Rồi họ phải chịu hình phạt vì cớ lối sống của họ. Và họ phải chịu lắm truân chuyên khi kinh nghiệm tình yêu của Chúa.
Trọng tâm
Hãy nhận biết rằng tình yêu của Đức Chúa Trời luôn có kỷ cương.
Thực hành
Trong đêm tân hôn, cô dâu nói với chồng rằng: “Anh yêu, em sẽ luôn tha thứ cho anh dẫu anh có làm gì chăng nữa.” Nhưng cũng có cô dâu khác nói với chồng rằng: “Nếu anh không chung thuỷ với em thì em sẽ bỏ anh”. Trong hai trường hợp trên, ai đúng, ai sai? Điều đó còn tuỳ thuộc vào ý họ muốn nói. Quyển sách của ông James Dobson: “Love must be tough” (“Yêu bằng tình yêu rắn rỏi”) gói trọn lời giải đáp của Đức Chúa Trời. Người vợ cần tha thứ cho người chồng không chung thủy của nàng. Nhưng điều đó không có nghĩa là vẫn tiếp tục sống với người chồng ấy như thể không có điều gì xảy ra cả. Nàng phải đối diện với tội lỗi của anh ta. Vì nếu anh không ăn năn, nàng phải cắt đứt quan hệ với anh ta. Nàng phải ngưng gặp anh ta, nhưng vẫn tiếp tục yêu thương anh. Đây là cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Ngài khi họ phạm tội. Tình yêu của Đức Chúa Trời là tình yêu bền vững nhưng nghiêm minh. Khi chúng ta phạm tội, Đức Chúa Trời thường đưa chúng ta ra khỏi sự hiện diện cùng sự che chở của Ngài. Những người khôn ngoan sẽ ăn năn và trở lại với Đức Chúa Trời. Họ nhận biết rằng dầu Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương nhưng Ngài không thể bỏ qua tội lỗi. Bên cạnh đó cũng có một số người buông mình vào nếp sống gian dâm với đời này. Họ bị lôi cuốn với những cảm giác hạnh phúc, sung sướng, an toàn, hãnh diện và thành đạt giả dối mà thế gian đem lại cho họ. Họ đánh đổi điều thiêng liêng trong mối tương quan duy nhất của họ với Đức Chúa Trời để nhận lấy điều vui sướng tạm thời trong sự tự mãn. Vì sao chúng ta vẫn mơ ước giàu có hoặc nổi tiếng hoặc thậm chí chúng ta thèm thuồng lối sống của giới giàu sang và nổi danh? Một số người trong chúng ta nhận biết Đức Chúa Trời là Cứu Chúa mình. Nhưng chúng ta còn phải biết Ngài là Cha, chồng và vua của chúng ta. Khi nào chúng ta nhận biết Ngài là Cha, là chồng và vua của chúng ta, khi ấy chúng ta thật sự biết Ngài đúng theo ý Ngài? Và bấy giờ chúng ta nhận biết rằng theo quan điểm của Ngài chúng ta thật sự giàu có và nổi tiếng rồi.
Ô-SÊ
Ý chính: GÁI MẠI DÂM
Chủ đề chính: Lòng nhân ái
Cụm từ chính: ‘Không nhìn biết Đức Chúa Trời’ (7 lần)
Câu chính: “Ai là người khôn ngoan mà hiểu những sự này? Ai là giỏi giang mà biết những sự đó? Vì các đường lối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng: những kẻ công bình sẽ bước đi trong đó, còn những kẻ phạm phép thì vấp ngã trong đó.”
Bài học chính: Hãy nhận biết rằng tình yêu của Đức Chúa Trời có kỷ cương
GIÔEN
Tác giả: Ông Giô-ên
Thời kỳ hình thành sách: Không rõ, ngay sau một tai họa.
Mục đích: Nhằm cảnh báo dân Do Thái về sự hình phạt của Đức Chúa Trời sắp giáng trên họ nếu họ không ăn năn dù đã trải qua đợt “kiền khôn” của sự hình phạt rồi.
Đối tượng: Những người vừa mới trải qua một tai họa mà không nhận ra rằng đó là biện pháp kỹ luật của Đức Chúa trời.
Tản mạn
Khi Đức Chúa Trời ra lệnh cho dân Do Thái tiến vào chiếm Đất Hứa thì họ than vãn rằng: “Chúng tôi thấy mình khác nào con cào cào và họ thấy chúng tôi cũng vậy” (Dan So Ky 13:33). Họ không mảy may ngờ là cào cào có thể làm nên chuyện đến cỡ nào! Tai vạ cào cào thực ra là tình trạng cào cào đáp xuống từng đàn. Tai vạ cào cào là một trong những tai họa đáng sợ nhất đối với con người. Chúng có sức tàn phá triệt để đến mức con người đành bó tay bất lực. Dù có trong tay mọi thiết bị kỹ thuật tân tiến, con người cũng chỉ làm được một điều duy nhất là cầu nguyện cho gió đổi hướng mà thôi. Trong sách Giô-ên, Đức Chúa Trời dùng nạn cào cào vừa diễn ra để cảnh báo về sự hủy diệt mà Ngài sẽ giáng trên những người vẫn tiếp tục coi thường các tiên tri của Ngài. Tất cả những ai nghĩ rằng ‘điều đó không thể xảy ra với tôi’ đều cần đọc sách này. Đối với những người đó, Đức Chúa Trời nhắc đến một thiên tai mới diễn ra và bảo họ “Suy nghĩ lại đi”.
Thâm nhập
Chủ đề chính của sách Giô-ên là ‘Ngày của Chúa’. ‘Ngày’là thời điểm mà Đức Chúa Trời sẽ chỉnh đốn lại mọi điều bất công trên thế giới và xét xử con người. Trong quá khứ đã có nhiều ‘Ngày của Chúa’ và trong tương lai, sẽ có nhiều ‘Ngày của Chúa’ hơn nữa. ‘Ngày của Chúa” ở thời Cựu Ước là thời thành Giê-ru-sa-lem thất thủ và dân Do Thái bị lưu đày năm 586 TC. Vào năm 70 SC, thành Giê-ru-sa-lem lại bị phá hủy một lần nữa, đó cũng là ‘ngày của Chúa’. Một số học giả tin rằng ‘Ngày của Chúa’ mà sách Giô-ên nhắm đến chính là sự kiện thành Giê-ru-sa-lem thất thủ năm 586 TC. Còn các học giả khác lại tin rằng những chi tiết mô tả trong sách này (3:2) cho thấy thành Giê-ru-sa-lem đã thất thủ rồi. Có lẽ chúng ta không bao giờ dám quyết đoán về việc này. Nhưng chúng ta có thể biết chắc rằng ngày Đức Chúa Trời xét xử chúng ta sắp đến rồi.
I. Ngày của Chúa vô cùng kinh khiếp (1:1-2:17) Ông Giô-ên dùng nạn cào cào vừa mới diễn ra làm dấu hiệu về sự hình phạt của Đức Chúa Trời giáng trên dân Ngài. Trong bối cảnh ngày nay, dấu hiệu đó có thể là: hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, núi lửa… một trận cuồng phong hoặc bất kỳ ‘thiên tai’ nào khác. Hễ khi nào các tai họa trên xảy ra, chúng ta phải tự xét xem đó có phải là sự hình phạt của Đức Chúa Trời hay không. Còn trường hợp nạn cào cào trong thời ông Giô-ên, chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là hình phạt của Đức Chúa Trời. Nạn cào cào chỉ về điều gì? Sự tàn phá nghiêm trọng và triệt để. “Cái gì sâu keo còn để lại, cào cào ăn; cái gì cào cào còn để lại, sâu lột vỏ ăn; cái gì sâu lột vỏ còn để lại, châu chấu ăn” (1:4). Các đợt cào cào, châu chấu lần lượt tràn tới đã tàn phá toàn bộ đất đai, xứ sở. Khi nào hết tai họa này, đến tai họa khác liên tiếp đổ xuống trên chúng ta, đó là dấu hiệu cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời muốn cảnh báo về tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên, sứ điệp của sách Giô-ên không chỉ có chừng đó. Nạn cào cào chỉ là hình ảnh minh họa cho tai họa lớn hơn sắp xảy ra. Trong chương 2 ông Giô-ên mô tả một đạo quân đông đảo với sức mạnh vô song sẽ đến trong ‘ngày vĩ đại và vô cùng kinh khiếp’ của Chúa (2:11). Rồi ông kết thúc phần thứ nhất bằng lời kêu gọi dân chúng hãy ăn năn (2:12-17). Chỉ nhờ ăn năn mà họ có thể tránh khỏi ngày hình phạt của Đức Chúa Trời trong tương lai mà thôi.
II. Ngày của Chúa đến gần rồi (2:18-3:21) Chốt chuyển hướng của sách nằm giữa 2:17 và 2:18: Khi dân chúng ăn năn (2:17), Đức Chúa Trời sẽ động lòng thương xót họ (2:18). Phần thứ nhất chủ yếu chép về kỷ luật của Đức Chúa Trời đối với dân của Ngài. Phần thứ hai chủ yếu tập trung vào việc Đức Chúa Trời giải cứu dân của Ngài. Trong phần một, Đức Giê-hô-va chiến đấu chống dân của Ngài. Còn trong phần hai, Đức Giê-hô-va chiến đấu cho dân của Ngài. Phần một mô tả ngày của Chúa là ngày kinh khiếp, nhưng phần hai mô tả ấy là ngày hi vọng (2:32; 3:16). ‘Tai vạ’ là từ ngữ chính tóm tắt phần một của sách. Còn từ ngữ ‘lễ ngũ tuần’ tóm tắt phần hai của sách. Câu Kinh Thánh mà ông Phi-e-rơ trưng dẫn trong bài giảng vào ngày Lễ ngũ tuần (Cong Vu 2:16-31) trích từ phần thứ hai của sách này (2:28-32). Vì thế câu Kinh Thánh chính của toàn sách này cũng nằm trong phần hai: “Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến. Bấy giờ ai cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giê-hô-va, thì ở trên núi Si-ôn và trong Giê-ru-sa-lem sẽ có những người trốn khỏi, và trong những người còn sống sót, sẽ có kẻ mà Đức Giê-hô-va kêu gọi.” (Gioen 2:31-32). Khác với hầu hết các tiên tri khác, tiên tri Giô-ên không dành nhiều thời gian mô tả tội lỗi của dân chúng. Vai trò của sách Giô-ên tương tự như của một đèn đỏ chớp liên hồi nhằm cảnh báo dân chúng về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời sắp giáng trên họ nếu họ cứ tiếp tục đi trên con đường dẫn đến sự hủy diệt. Ông kêu gọi dân chúng hãy quay lại và trở về cùng Đức Chúa Trời.
Trọng tâm
Phải chăng Đức Chúa Trời phải lột sạch mọi thứ khỏi bạn rồi bạn mới chịu ăn năn?
Thực hành
Một số Cơ Đốc nhân tương tự như những tay cờ bạc ngoan cố tin rằng họ sắp gặp ‘vận may’. Nhưng trong kế hoạch của Đức Chúa Trời thì chỉ khi nào chúng ta thay đổi thì chúng ta mới gặp ‘vận may’. Trong thời gian gần đây, bệnh tật có liên tiếp hành hạ bạn không? Bạn có liên tiếp chịu đựng những đợt thất bại tổn hại không? Trong những tháng gần đây, bạn có thường gặp ‘tai bay vạ gió’ ở nơi làm việc không? Mới đây, chiếc xe của bạn có thường bị hỏng không? Chẳng phải vì cũ kỹ nhưng vì một vài lý do khó hiểu nào đó. Biết đâu vì bạn đang thực hiện một công việc lớn cho Đức Chúa Trời, Sa-tan cố tìm mọi cách để ngăn trở bạn. Tuy nhiên, cũng có thể Đức Chúa Trời muốn bạn xem xét lại một vài lãnh vực nào đó trong cuộc sống của bạn. Biết đâu vì bạn lạm dụng cơ thể của bạn nên bạn rước bệnh tật vào thân? Phải chăng bạn lo tích lũy của cải một cách ích kỷ nên bạn liên tiếp bị mất mát, thiệt hại? Có phải vì bạn không còn ngay thật ở sở làm mà bạn gặp phải nhiều rắc rối không? Phải chăng vì bạn sử dụng xe trong ý hướng hoàn toàn không làm vinh danh Đức Chúa Trời nên xe của bạn bị hỏng hóc. Vấn nạn thông thường của Cơ Đốc nhân không phải là thiếu hiểu biết, mà không biết liên hệ điều đã đọc trong Kinh Thánh vào hoàn cảnh hiện tại của mình. Chúng ta không biết liên hệ giữa tật lái xe cẩu thả của mình với chuyện chiếc xe bị hỏng mà không rõ nguyên do. Chúng ta không biết liên hệ giữa sự bất bình ở cơ quan với thói xấu của chúng ta là dùng điện thoại của công ty để gọi những cú điện thoại đường dài về việc riêng của chúng ta. Tôi cũng không biết liên hệ chuyện máy vi tính của tôi bị hỏng hóc hoài với chuyện tôi mơ tưởng quyển sách này sẽ đem lại cho tôi nhiều tiền. Tuy nhiên, khi áp dụng cách liên hệ này cách triệt để, chúng ta có thể bị ám ảnh rồi hoang tưởng. Nhưng chúng ta vẫn cần đến sách Giô-ên để nhắc chúng ta tự xét mỗi khi hàng chuỗi tai họa xảy đến cho chúng ta.
GIÔ-ÊN
Ý chính: TAI VẠ (và) LỄ NGŨ TUẦN
Chủ đề chính: Sự đoán phạt Cụm từ chính: ‘ngày của Đức Giê-hô-va’ (5 lần)
Câu chính: “Mặt trời sẽ đổi ra tối tăm, mặt trăng ra máu, trước khi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va chưa đến. Bấy giờ ai cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va thì sẽ được cứu; vì theo lời Đức Giê-hô-va, thì ở trên núi Si-ôn và trong Giê-ru-sa-lem sẽ có những người trốn khỏi, và trong những người còn sống sót, sẽ có ke mà Đức Giê-hô-va kêu gọi.” (Gioen 2:31-32)
Bài học chính: Phải chăng Đức Chúa Trời phải lột sạch mọi thứ khỏi bạn rồi bạn mới chịu ăn năn?
A-MỐT
Tác giả: A-mốt.
Thời kỳ hình thành sách: Thời kỳ hưng thịnh tột độ của vương quốc đã bị chia đôi.
Mục đích: Nhằm bộc lộ cơn giận của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi trắng trợn và tày trời của dân Do Thái.