CA THƯƠNG
Tác giả: Không rõ (ông Giê-rê-mi?)
Thời kỳ hình thành sách: Khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy.
Mục đích: Khóc về tội lỗi của dân Do Thái và thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá.

Đối tượng: Những người đang chịu khổ bởi kỷ luật của Đức chúa Trời.

Tản mạn

Tôi luôn luôn ngạc nhiên khi thấy nhiều thiếu nhi vừa bị cha mẹ đánh đòn xong lại chạy đến với cha mẹ để tìm sự an ủi, vỗ về. Riêng tôi khi bị đòn thì không khóc nhưng thầm quyết định là không bao giờ thèm nói với cha mẹ một câu nào nữa. Nếu bạn có tánh tình bất trị giống như tôi, bạn nên đọc sách này. Sách cho chúng ta một gương mẫu về phản ứng của người tin kính khi bị Đức Chúa Trời sửa dạy.

Thâm nhập

Tác giả (có lẽ là ông Giê-rê-mi) chứng kiến cảnh thành phố Giê-ru-sa-lem bị phá hủy. Ông biết rõ thành phố mà ông yêu quý rơi vào hoàn cảnh đó là do Đức Chúa Trời. Ngài đang hình phạt tội lỗi của dân I-xơ-ra-ên. Nhưng nhận biết nguyên nhân tai họa vẫn không đem lại cho ông một chút an ủi nào cả. Trong nỗi tuyệt vọng và thống khổ cực độ, ông viết ai ca này để bày tỏ nỗi niềm của ông. Một người bạn kia lưu ý tôi là có quá ít bài ca cho người Cơ Đốc hát khi xuống tinh thần. Đây nầy, đây là một sách tỏ cho chúng ta biết đúng là có những lúc người tin kính Chúa cảm thấy chán nản, thất vọng. Chủ đề của 5 chương trong sách này là Than Khóc. Chương 1,2 và 3 đều kết thúc bằng lời cầu nguyện của tác giả với Đức Chúa Trời. Còn toàn bộ chương 5 là lời cầu nguyện tiếp theo chương 4 nên chương 4 gộp với chương 5 thành phần thứ tư của sách này. I. Than vãn vì thiếu người an ủi: (1) Tác giả than vãn vì thiếu người an ủi 5 lần trong chương này (1:2,9,17,21). Nỗi đau khổ của ông càng nặng nề hơn bởi ông phải chịu khổ một mình. Ông thay mặt cho dân tộc bày tỏ nỗi đau của họ. Ông tìm đến người khác nhưng họ không thể nào an ủi ông (1:19). Vì vậy, ông hướng đến Đức Chúa Trời và kêu than với Ngài (1:20-22). II. Than vãn vì thiếu lòng thương xót của Đức Chúa Trời (2) Thế nhưng khi tìm đến Đức Chúa Trời, ông vô cùng khiếp sợ trước phản ứng của Ngài. Đức Chúa Trời không thương xót ông (2:2,17,21). Trong thực tế là Đức Chúa Trời đã trở nên ‘Kẻ Thù’ tồi tệ nhất của ông (2:4,5). Trong chương 1 ông than vãn là không có người an ủi, nhưng vẫn hy vọng Đức Chúa Trời sẽ an ủi ông. Giờ đây, vỡ lẽ ra, ông thấy là không tìm được sự an ủi nào nơi Đức Chúa Trời cả. Trong chương 1 ông xin Đức Chúa Trời đoái xem sự thống khổ, khốn cùng của ông (1:20). Và ông kết thúc chương 2 với lời nài xin Đức Chúa Trời đoái xem dân sự, là kẻ mà Ngài chẳng thương xót (2:20) III. Than vãn vì lời cầu xin chưa được trả lời (3) Nhưng Đức Chúa Trời không đáp lời cầu xin của ông (3:8). Trong cơn tuyệt vọng hầu như ông hết hy vọng trông đợi nơi Đức Chúa Trời (3:18). Tiếp đến là điểm chủ chốt của sách này. Ông nhớ đến đức nhân ái và lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Vì thế, niềm hy vọng lại tràn ngập trong tâm hồn ông (3:19-21). Mặc dầu ông cảm thấy dường như không có người an ủi và Đức Chúa Trời không có lòng thương xót, nhưng ông vẫn nhớ đến đức nhân ái cùng lòng yêu thương của Đức Chúa Trời (3:22-23). Bốn lần ông lặp lại rằng hiện ông đã có niềm hy vọng (3:21242629). Từ đó về sau, ông bắt đầu hiểu nỗi khổ đau theo một tầm nhìn khác. Ông nhận biết rằng chẳng phải Đức Chúa Trời không thương xót. Ông nhận biết rằng Ngài sẽ bày tỏ lòng nhân từ và thương xót của Ngài (3:32). Chẳng phải Ngài muốn gây đau khổ cho dân của Ngài. Giờ đây ông hiểu vì sao Đức Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện của ông (3:44). Một lần nữa, ông lại đến với Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài xem xét những kẻ bắt bớ ông và báo trả họ tùy theo việc họ đã làm (3:5063) IV. Than vãn vì cớ nhiều tội lỗi và gian ác (4-5) Trong phần cuối, tác giả bắt đầu than vãn về tội lỗi. Ông bắt đầu bằng sự than vãn về tội lỗi của những người khác (4:6,13,225:7). Và ông kết thúc bằng việc nhận biết và xưng ra tội lỗi của ông chung với họ (5:16). Đến đây lời cầu nguyện của ông với Đức Chúa Trời rất dài và chiếm toàn bộ chương cuối cùng. Trong ba chương đầu, tác giả cầu xin Đức Chúa Trời đoái xem cảnh khốn cùng của ông, những người chịu khốn khổ và những kẻ bắt bớ họ. Trong phần cuối này, ông cầu xin Đức Chúa Trời quan tâm đến sự sỉ nhục của ông (5:1). Trong ba chương đầu, tác giả cầu xin Đức Chúa Trời quan tâm đến sự khốn cùng của dân chúng (2:20) và báo trả những kẻ bắt hại họ (3:64). Ở đây, trong phần cuối, ông cầu xin Đức Chúa Trời phục hồi và làm mới lại cuộc sống của họ (5:21). Tác giả mở đầu sách này trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng kết thúc sách trong niềm hy vọng. Do đó chúng ta có thể đặt tựa đề cho sách này là: “Làm thế nào hy vọng trong cảnh khổ đau” . Câu Kinh Thánh chính của sách này là: “Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.” (3:26). Niềm hy vọng của chúng ta nằm trong Đức Chúa Trời, là Đấng có vẻ như không an ủi và thương xót chúng ta vì Ngài hình phạt chúng ta. Chúng ta phải trông mong, hy vọng vào chính bản tánh nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời hình phạt tôi, tôi có cảm tưởng như Ngài là kẻ thù tồi tệ nhất của tôi. Tôi muốn quay lưng tránh Ngài, rồi tỏ ra mình mạnh mẽ, đành ‘ngậm đắng nuốt cay’ với quyết tâm là không thưa chuyện với Ngài nữa. Nhưng rõ ràng chúng ta không nên làm như vậy. Nếu không có Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ chìm đắm trong tuyệt vọng. Ngoài Ngài chẳng có niềm hy vọng nào cho chúng ta cả.

Trọng tâm

Khi bị Đức Chúa Trời hình phạt, niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta là tìm đến ‘Kẻ Thù’ của chúng ta.

Thực hành

Bài thánh ca ‘Sự thành tín Chúa rất lớn thay’ không phải là bài ca của một thương gia phát tài ngồi sau tay lái chiếc Mercedes Benz của mình. Trái lại lời của bài ca này được sáng tác bởi một người tị nạn cùng khốn chạy trốn khỏi thành phố đang bị phóng hoả. Ông viết những lời này giữa lúc khốn đốn chớ không phải sau khi nhìn thấy sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Khi bạn bị ‘dồn vào bước đường cùng’ tức là không còn ai khác để bạn nhờ cậy ngoài Đức Chúa Trời, mà lòng bạn lại không muốn nhờ cậy Ngài, thì hãy lo cầu nguyện đi. Ông Giê-rê-mi không hề quên cầu nguyện trong suốt thời gian ông trải qua cảnh khốn cùng, tuyệt vọng. Ngay cả khi ông thấy lời cầu nguyện của ông không thấu đến thiên đàng thì ông vẫn tiếp tục cầu nguyện. Khi cầu nguyện, ông không còn chú tâm đến nỗi khổ đau của mình nữa. Nhưng ông bắt đầu chú tâm vào bản tính của Đức Chúa Trời. Trong lúc cầu nguyện, ông than phiền Chúa rất nhiều điều. Tuy nhiên ông không than van với con người, ông than van với Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay khi gặp khốn đốn khổ đau thường tìm đủ mọi cách để thoát ra mà không lo cầu nguyện. Họ rên siết, than van với mọi người ngoại trừ Đức Chúa Trời. Có lẽ họ e ngại rằng nếu kêu than với Đức Chúa Trời, Ngài sẽ vạch trần tội lỗi của họ và tuyên án rằng họ đáng bị hình phạt. Có lẽ họ muốn tiếp tục sống trong tình cảnh cho phép họ tha hồ than thân trách phận. Hoặc có lẽ họ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi lời giải đáp của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần tự nhắc nhở mình rằng nếu chúng ta không ‘lặng lẽ đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va’ thì chúng ta không thể tránh khỏi tình trạng tuyệt vọng. Khi gặp đau thương, khốn khó, bạn hãy nhớ cầu nguyện. Và tiếp tục cầu nguyện cho đến khi bạn hiểu bản tính của Đức Chúa Trời.

CA THƯƠNG

Ý chính: THAN KHÓC (trước) khi trời sáng.

Chủ đề chính: Sự than khóc

Cụm từ chính: ‘Hình phạt về tội lỗi’ (4 lần)

Câu chính: “Thật tốt cho người trông mong và yên lặng đợi chờ sự cứu rỗi của Đức Giê-hô-va.”  (3:26)

Bài học chính: Khi bị Đức Chúa Trời hình phạt, niềm hy vọng duy nhất cho chúng ta là tìm đến ‘Kẻ Thù’ của chúng ta.

Ê-XÊ-CHI-ÊN

Tác giả: Ông ê-xê-chi-ên

Thời kỳ hình thành sách: Trước và sau sự kiện thành Giê-ru-sa-lem sụp đổ.

Mục đích: nhằm nêu ra những nguyên nhân khiến vinh quang Đức Chúa trời rời khỏi dân Do Thái và nhằm báo trước rằng Đức chúa trời hứa ban vinh quang ấy trở lại.

Đối tượng: Những người cứ ngang bướng bác bỏ lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời.

Tản mạn

Có bao giờ bạn cho chó uống thuốc viên chưa? Nếu là chủ nhân của con chó thì bạn hẳn biết rằng việc này không dễ chút nào. Tôi có nuôi một con Doberman tên là Lickie. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi cho nó uống thuốc, người ta bảo tôi phải đặt viên thuốc vào tận cổ họng nó. Nhưng tôi nghĩ rằng mình có thể dụ nó uống thuốc một cách nhẹ nhàng, lịch sự. Trước tiên, tôi tự tay đút cho nó một ít thức ăn ngon rồi sau đó đặt viên thuốc vào giữa hai miếng thức ăn. Nhưng không có hiệu quả! Kế đến, tôi giấu thuốc trong tô thức ăn của nó. Nó ăn hết thức ăn, nhưng để lại viên thuốc. Tôi xoay cách khác bằng cách đặt viên thuốc vào giữa một miếng thịt. Con chó nhả cả thịt lẫn thuốc ra. Thật là vô ích. Cuối cùng tôi phải banh miệng nó ra rồi đẩy thuốc vào tận cổ họng theo đúng như cách người ta chỉ dẫn. Thâm nhập Viên ‘thuốc’ mà Đức Chúa Trời muốn dân Do Thái uống là nhận biết về chính Ngài. Họ vốn là những người ngang bướng, cứng cỏi. Đức Chúa Trời đã dùng mọi phương cách ‘dễ dàng, nhẹ nhàng’ để khiến họ lắng nghe Ngài. Nhưng họ không chịu nghe. Thật ra Đức Chúa Trời biết trước là họ sẽ chống đối Ngài. Đó là lý do Ngài làm cho trán ông Ê-xê-chi-ên cứng như kim cương, cứng hơn đá lửa (3:7-9). Ông quả là can trường dũng cảm khi tiếp tục chức vụ dù biết ngay từ đầu rằng mình sẽ thất bại (theo tầm nhìn của con người). I. Dân I-xơ-ra-ên sẽ nhận biết Đức Chúa Trời (1-24)

Chủ đề chính của sách Ê-xê-chi-ên là nhận biết Đức Chúa Trời.

Cụm từ chính của sách: ‘Họ sẽ nhận biết rằng Ta là Đức Giê-hô-va’ được dùng gần bảy mươi lần trong sách này. Tuy nhiên muốn dạy tuyển dân nhận biết Ngài, trước tiên Đức Chúa Trời phải bày tỏ Ngài là Đức Giê-hô-va cho tiên tri của Ngài. Chương một mở đầu bằng lời kêu gọi độc đáo của Đức Chúa Trời dành cho ông Ê-xê-chi-ên. Ngài bày tỏ cho ông thấy sự vinh quang của Ngài không phải tại Giê-ru-sa-lem mà tại Ba-by-lôn. Ngài không chỉ là Đức Chúa Trời, và Chúa tối cao tại Giu-đa mà còn là Đức Chúa Trời và Chúa tối cao của toàn thể nhân loại. Nhưng thế nào là nhận biết và công nhận Đức Chúa Trời? Theo sách Ê-xê-chi-ên , đó là nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết (36:23;,38:23;,39:7). Dân Do Thái học biết về sự thánh khiết của Đức Chúa Trời bằng cách nào? Thông qua sự kiện thành Giê-ru-sa-lem bị triệt phá. Cụm từ chính trong phần thứ nhất của sách Ê-xê-chi-ên là: ‘Mắt Ta chẳng đoái tiếc ngươi, Ta chẳng thương xót ngươi đâu’ (7 lần). Ông Ê-xê-chi-ên dàn dựng cảnh thành Giê-ru-sa-lem bị vây một cách đầy kịch tính cho dân chúng xem (chương 4,5). Rồi Đức Chúa Trời đưa ông đến thành Giê-ru-sa-lem để chứng kiến sự vinh quang của Ngài rời bỏ đền thờ (10:18,19). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là rất rõ ràng: dân chúng phạm tội thờ thần tượng rành rành (6:5;,8:3,5-720:30-32). Sau đó Đức Chúa Trời phán dạy dân chúng thông qua mấy chuyện ẩn dụ (Chương 12-14). Vì sao ông Ê-xê-chi-ên phải giảng đạo cho họ bằng ẩn dụ? Vì cớ họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe (12:2). Thái độ của họ cũng tương tự như của ba con khỉ khôn ngoan. Không thấy tội lỗi, không nghe tội lỗi và không nói tội lỗi. Chuyện ẩn dụ bày tỏ sứ điệp của Đức Chúa Trời cho những ai chịu nghe và tiếp nhận. Nhưng đối với những người ngang bướng, không chịu tiếp nhận thì sứ điệp đó coi như bị bưng bít trong ẩn dụ. Các trưởng lão đến cầu hỏi ông Ê-xê-chi-ên về lời của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời vạch trần lòng họ cho thấy tội thờ hình tượng ở nơi họ (14:3,4,5,720:1 tiếp theo). Đúng là họ vẫn thờ Đức Chúa Trời. Nhưng đồng thời họ cũng muốn bám víu các thần tượng. Cần chú ý rằng đây không phải các thần tượng do tay họ làm ra mà là những thần tượng của lòng họ. Bởi sự thờ lạy thần tượng, họ làm ô danh Đức Chúa Trời và làm ô uế đền thánh Ngài. Thế nhưng dân chúng không màng đến lời giảng của tiên tri Ê-xê-chi-ên. Lòng họ chai cứng tận cốt lõi rồi! Vì cớ họ không chịu ăn năn nên họ đã vượt quá giới hạn còn có thể ăn năn để tránh khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chán họ đến mức Ngài bảo họ cứ tiếp tục thờ lạy các thần tượng của họ đi. Vì cớ họ không chịu ngưng thờ thần tượng nên Đức Chúa Trời sẽ phá hủy Đền Thờ của Ngài. Và đưa họ vào chốn lưu đày để họ không còn làm ô uế danh thánh Ngài nữa (20:39).

II. Các dân tộc sẽ nhận biết Đức Chúa Trời (25-32) Nếu phần thứ nhất chép về số phận của dân Giu-đa thì phần hai chép về kẻ thù của Giu-đa. Tương tự các vị đại tiên tri khác, ông Ê-xê-chi-ên cũng dành trọn một phần của sách để lên án các dân tộc láng giềng của Giu-đa. Tuy nhiên ông Ê-xê-chi-ên có một mục đích hơi khác. Ông viết phần này trong thời gian thành Giê-ru-sa-lem bị hủy phá. Vì thế qua phần này, ông muốn đem sự an ủi và niềm hi vọng đến cho dân của Đức Chúa Trời, là những người gánh chịu cơn thạnh nộ của Ngài. Ông biết rằng rồi đây các dân tộc lân bang sẽ không còn ngược đãi và đàn áp họ nữa (28:24-26). Về sau, thông qua sự hình phạt của Đức Chúa Trời, các dân tộc sẽ nhận biết Đức Chúa Trời là Chúa thánh khiết (36:23).

III. Thế giới sẽ nhận biết Đức Chúa Trời (33-48) Tác giả viết về tương lai của Giu-đa trong phần thứ ba. Đức Chúa Trời có còn ban ân huệ cho dân Do Thái không? Có chứ. Ông Ê-xê-chi-ên thấy một khải tượng về vinh quang của Đức Chúa Trời trở lại Đền Thờ. Vinh quang của Chúa từ phương đông mà đến (43:1). Đây là sự kiện rất ý nghĩa. Sau khi từ chốn lưu đày trở về, dân chúng bắt tay vào công tác tái thiết Đền Thờ dưới sự lãnh đạo của ông Xô-rô-ba-bên. Nhưng lúc ấy vinh quang của Đức Chúa Trời không trở về với Đền Thờ nữa. Mãi đến hơn năm trăm năm sau, vào chủ nhật trước khi Chúa Giê-xu phục sinh, từ phương đông, bên sườn núi Ô-li-ve, Ngài cỡi trên lưng lừa con đi vào thành phố Giê-ru-sa-lem ( 21:1). Khi Chúa Giê-xu vào thành, dân chúng đồng thanh tung hô rằng: “Hô-sa-na con vua Đa-vít” ( 29:1). Họ nhận biết lời tiên tri được ứng nghiệm trước mắt họ. Ngay sau khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu tẩy sạch Đền Thờ. Các thầy tế lễ vô cùng tức giận đối với việc này (Mathio 21:15). Khi thấy các thầy tế lễ chống đối, Chúa Giê-xu lại bỏ họ theo hướng đông tiến về phía núi Ô-li-ve mà rời khỏi thành phố (21:17). Vì thế, việc Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem được xem như lần tổng dợt báo trước về việc Ngài sẽ trở lại trong vinh quang (xem thêm Xachari 14:4). Hầu như tác giả dành trọn phần thứ ba của sách để mô tả các chi tiết Đền Thờ đã tái thiết. Nhiều nhà giải kinh đã thử đưa ra hướng bình giải cho các chương này. Nhưng tốt nhất chúng ta nên tìm ý nghĩa mà Đức Chúa Trời gói ghém trong đó. Đức Chúa Trời bày tỏ mục đích của Ngài cho chúng ta cách rất rõ ràng: Đền Thờ bày tỏ sự thánh khiết của Đức Chúa Trời và tội lỗi của dân chúng (43:8,10 -12; so sánh với 5:11). Thông qua sự hình phạt (20:39), dân Do Thái sẽ nhận biết sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Đó là sứ điệp của phần một. Sang phần hai, các dân tộc cũng nhận biết Đức Chúa Trời thánh khiết thông qua sự hình phạt của Ngài (36:23). Nhưng khác với hai phần trên, trong phần cuối này, toàn thế giới sẽ nhận biết Đức Chúa Trời thánh khiết qua sự phục hồi của dân Do Thái. Câu Kinh Thánh chính của phần ba cũng là câu Kinh Thánh chính của sách này: “Ta sẽ tỏ danh thánh ta ra giữa dân I-xơ-ra-ên, và ta không để cho nói phạm đến danh thánh ta nữa. Các dân tộc sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va, là Đấng thánh trong I-xơ-ra-ên.” (39:7; xem thêm 38:16). Trọng tâm Hiện nay đừng để các thần tượng trong đời sống bạn làm ô uế sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Bằng không bạn sẽ phải học tập để nhận biết sự thánh khiết của Ngài thông qua sự hình phạt. Thực hành Sứ điệp sách Ê-xê-chi-ên dành cho những ai ngang bướng và cứng cỏi. Cụm từ ‘nhà phản nghịch’ được dùng để mô tả dân Do Thái mười lăm lần trong sách này. Những người ngang bướng thường nghĩ rằng chính họ là người có niềm tin vững chắc.