NHÃ CA
Tác giả: Vua Sa-lô-môn
Thời kỳ hình thành sách: Cuối thời kỳ vương quốc còn thống nhất.
Mục đích: Vui mừng đón nhận món quà tình yêu trong hôn nhân.

 

Đối tượng: Những người yêu nhau và tất cả những người cùng đến mừng ngày cưới của họ.

Tản mạn

Có người đặt vấn đề như sau: phụ nữ Cơ Đốc mua nội y gợi tình có phải là sai không? Vì sao? Có lẽ nội y gợi tình là chuyện riêng tư của cá nhân. Nhưng phần đông chúng ta đều nhất trí rằng tình dục là một điều lành mạnh, tốt đẹp mà Đức Chúa Trời đã tạo nên cho các đôi vợ chồng tận hưởng. Đáng tiếc là các Cơ Đốc nhân chúng ta thường ngại đá động đến vấn đề tính dục. Nhưng nếu các Cơ Đốc nhân không dạy về tình yêu và tình dục cho giới thanh thiếu niên một cách lành mạnh thì họ học chuyện đó với ai? Chẳng lẽ học nơi đám thanh thiếu niên chỉ hiểu mơ hồ và lệch lạc về vấn đề này? Thực tế là hội thánh không lên tiếng giáo dục giới tính nên thường thường thanh thiếu niên hiểu rằng tình dục là tội lỗi. Khi sinh hoạt tình dục một cách ích kỷ thì nó biến thành sự ham muốn, hiếp dâm, khiêu dâm. Đừng bao giờ để tình dục chiếm vị trí trung tâm. Phải luôn luôn giữ tình dục ở vị trí phụ mà thôi. Nếu đúng vậy thì đâu là chủ đề chính của sách Nhã Ca?

Thâm nhập

Chủ đề của sách là tình yêu. Trong sách này, từ ‘tình yêu ’ xuất hiện khoảng 60 lần qua những từ ngữ khác nhau. Phần thứ nhất viết về tình yêu giữa chàng Sa-lô-môn và nàng Su-la-mít trước ngày cưới. Phần thứ hai viết về tình yêu của họ trong ngày thành hôn và trong đêm tân hôn. Phần thứ ba chép về tình yêu mà họ dành cho nhau sau ‘tuần trăng mật’.

I. Người yêu tìm hiểu nhau (1:1-3:5)

Có thể xem phần thứ nhất như phiên khúc thứ nhất của một bài ca. Phiên khúc này mô tả hai người yêu nhau. Họ khát khao nhau nhưng trong mối liên hệ của họ còn có một yếu tố chưa được đáp ứng (3:1-4). Họ quan tâm đến tình yêu nhiều hơn quan tâm đến nhau. Từ ‘tình yêu’ được dùng 11 lần trong khi từ ‘người yêu’ chỉ có 9 lần. Lời khuyên dạy xuất hiện ở cuối phần một là: “Chớ làm tỉnh thức ái tình cho đến khi nó (tức là ái tình) muốn” (3:5). Đó là câu Kinh Thánh trong bản chuyển ngữ theo từng từ. Bản New American Standard Bible dịch câu này như sau: “…ngươi chớ kinh động, chớ làm tỉnh thức ái tình của ta cho đến khi nàng muốn.” Câu Kinh Thánh này đề cập đến ái tình của chàng Sa-lô-môn và ước muốn của nàng Su-la-mít. Nhưng theo bản Kinh Thánh nguyên ngữ, câu Kinh Thánh này không có từ ‘của ta’ , còn từ ‘nàng’ thực ra là từ ‘nó’ . Xem ra sự khác nhau giữa các câu Kinh Thánh này là không đáng kể. Tuy nhiên câu Kinh Thánh nguyên ngữ có ý nghĩa rõ ràng hơn: ái tình chẳng khác gì một bông hoa, phải nở đúng thời điểm của nó. Nếu người ta thử vạch cánh hoa cho nụ hoa nở ra, họ sẽ làm hư hại bông hoa ấy.

II. Tình yêu thăng hoa (3:6-5:8) Phần thứ hai gồm có hai phần nhỏ. Phần thứ nhất mô tả ngày cưới của chàng và nàng (3:6-11). Phân đoạn Kinh Thánh này mô tả ngày thành hôn thật rõ ràng (3:11). Phần thứ hai mô tả đêm tân hôn của họ (4:1-5:1). Chúng ta biết đây là đêm tân hôn bởi đầu nàng vẫn đội lúp (4:1-3), chàng vẫn gọi nàng là tân phụ của chàng (6 lần và chỉ nhắc đến trong phần hai này). Đồng thời cũng có sự mô tả kín đáo, tế nhị sinh hoạt tình dục của họ: nàng chỉ mở vườn đóng kín cho riêng chàng (4:12-16). Tình dục chiếm vị trí quan trọng trong phần giữa này. Cả hai từ ‘tình yêu’ và ‘người yêu’ chỉ được dùng hai lần. Tình dục là điều thật sự lành mạnh và do Đức Chúa Trời ban cho, nhưng con người chỉ được thụ hưởng điều đó trong giới hạn của hôn nhân. Lò sưởi đúng là nơi nhóm lửa để sưởi ấm căn phòng. Bằng không thì lò sưởi dùng để làm gì? Chúng ta cần chú ý rằng ở đây không đề cập đến trẻ sơ sinh hoặc con cái. Dường như tác giả không ủng hộ chủ trương tình dục tạo giống nòi (tức là tình dục chỉ nhằm mục đích sinh con đẻ cái). Tình yêu của đôi vợ chồng đề cập đến trong phần hai này là một tình yêu nồng cháy. Nhưng tình yêu của họ không phải chỉ cháy bỏng, nhưng nó còn bị từ chối (5:2-7). Tình yêu, ngay cả tình yêu giữa vợ chồng, nếu chỉ tập trung vào tình dục thì đó là một tình yêu chưa trưởng thành. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tình yêu ấy đưa đôi vợ chồng đến chỗ cãi nhau ngay trong tuần trăng mật. Phần thứ nhất kết thúc bằng một lời khuyên (3:5). Còn phần thứ hai kết thúc bằng một lời kêu gọi. Một lần nữa, nàng nói cùng các cô gái Giê-ru-sa-lem (và các độc giả của sách này) rằng: “Nếu gặp lương nhơn ta, khá nói rằng ta có bệnh vì ái tình” (5:8) Ở đây, nàng Su-la-mít muốn chàng biết rằng nàng rất thương nhớ chàng (nàng bệnh tương tư vì chàng). Đoá hoa tình yêu của nàng đã nở. Không thể nào ép các cánh hoa lại để tạo thành nụ hoa được nữa. Nỗ lực biến bông hoa trở thành nụ hoa chỉ làm hư hại bông hoa mà thôi.

III. Người yêu tìm hiểu nhau (5:9-8:14) Trong phiên khúc thứ ba, tác giả trở lại và lập lại những điều đã được đề cập trong phần thứ nhất. Nàng ví thân thể mình như vườn nho (1:68:2) đã nứt đọt, trổ hoa (2:13;6:117:12). Chàng ngồi dưới gốc cây táo (2:38:5) vì cớ họ khao khát những trái cây ngon ngọt của nhau (2:5;7:8). Nàng cảm thấy yên tâm trong vòng tay của chàng (2:68:3). Chàng chăn bầy mình giữa đám hoa huệ (2:166:2-3). Chàng và nàng khẳng định rằng họ thuộc về nhau (2:166:37:10). Nàng cũng nhắc đến con hoàng dương hoặc con nai đồng nội (2:78:14), nhà mẹ nàng (3:48:2) và người nữ (tức là người yêu) từ sa mạc về kinh đô (3:68:5). Vậy mọi chi tiết này nhằm nói về điều gì? Phải tiếp tục tìm hiểu nhau chứ không nên kết thúc với hôn nhân. Hầu hết các cuộc hôn nhân thường dẫn đến bi kịch vì khi tuần trăng mật kết thúc vợ chồng không còn tìm hiểu nhau nữa. Tuy nhiên, tình yêu thật sự trưởng thành trong phần ba. Giờ đây chàng và nàng quan tâm đến nhau nhiều hơn là quan tâm đến tình yêu. Từ ‘tình yêu’, ‘ái tình’ chỉ được nhắc đến 7 lần trong khi từ ‘người yêu’ hoặc ‘người yêu dấu’ được nhắc đến 18 lần. Tương tự phần thứ nhất, kết thúc phần thứ ba là lời khuyên dành cho các con gái Giê-ru-sa-lem (8:4). Đa số các bản Anh ngữ đều dịch câu Kinh Thánh này tương tự như câu kết của phần một (3:5). Nhưng câu Kinh Thánh trong nguyên ngữ có một sự khác biệt tinh tế so với những câu trong bản Kinh Thánh Anh ngữ. Nếu chuyển ngữ theo từng từ, câu Kinh Thánh này sẽ như sau: “Vì sao ngươi kinh động và làm tỉnh thức ái tình khi nó (đã) muốn (rồi)?” Ở đây câu Kinh Thánh được diễn đạt dưới hình thức câu hỏi. Hoa đã nở rồi. Các cánh hoa đã tàn héo (cãi nhau) để rồi trái có thể lớn lên (tình yêu đạt đến mức trưởng thành). Thông thường cha mẹ và bạn bè luôn luôn dành nhiều thiện chí để giúp đỡ cuộc sống của vợ chồng mới cưới nhưng hoá ra tai hại nhiều hơn là hữu ích. Chúng ta cần thận trọng và bén nhạy đối với các nhu cầu riêng tư của họ. Hãy cứ để cho họ tự giải quyết các vấn đề riêng tư ấy để qua đó tình yêu của họ dần dần lớn lên và trưởng thành. Kết thúc sách là một lời tóm tắt về tình yêu. Hầu như những người học sách này đều đồng ý rằng chúng ta có thể tìm thấy câu Kinh Thánh chính của sách trong lời kết “Nước nhiều không tưới tắt được ái tình; các sông chẳng nhận chìm nó được; nếu người nào đem hết tài sản nhà mình, đặng mua lấy ái tình, ắt người ta sẽ khinh dể nó đến đều.” (8:7). Tình yêu có một sức mạnh mãnh liệt. Tình yêu có tính cách tự nguyện chớ không thể ép buộc. Nếu ép buộc tình yêu, đó là một hành động cưỡng hiếp. Tình yêu rất quý báu. Đó là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta cần phải tôn trọng tình yêu.

Trọng tâm

Tình yêu ví như một bông hoa, nở đúng thời điểm phải nở.

Thực hành

Thấy một người đang yêu ai nấy đều thương. Nhưng đôi khi thương kiểu đó hoá ra là xen vào chuyện thiên hạ. Không nên mai mối một cách nông nổi nhưng phải khéo léo tế nhị và cầu nguyện nhiều. Chỉ khi nào đôi nam nữ cần đến sự ủng hộ, khích lệ thì chúng ta mới ủng hộ, khích lệ. Bằng không hành động của chúng ta gây lúng túng, ngại ngùng, đồng thời có thể bóp nghẹt tình yêu khiến tình yêu không thể nảy nở như chúng ta mong muốn. Về phần các bạn thanh niên (đặc biệt là các bạn trai!) bạn phải thận trọng. Nếu bạn không có ý định hoặc không thể kết hôn với người ta thì đừng bao giờ khơi dậy tình yêu nơi người ta. Một phần trong chúng ta chết khi tình yêu chết trong chúng ta. Một khi tình yêu nở hoa, nó phải kết quả, không thì nó chết. Mỗi thanh niên, mỗi thiếu nữ đều là một nụ hoa sẵn sàng nở. Do đó chúng ta phải đối xử với nhau, tôn trọng nhau như thể nâng niu một nụ hoa mong manh và dễ bị tổn thương vậy. Nhưng sự thể sẽ ra sao khi tình yêu của chàng và nàng phát triển ở tiến độ khác nhau? Chúng ta đừng nên cố gắng thúc đẩy hoặc giảm mức độ tình yêu trong người khác vì điều đó sẽ phá hủy tình yêu. Nhưng chúng ta có thể đều đặn bước đi trên con đường tình yêu để cùng song hành với người bạn đời của mình. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng: một số người trong chúng ta ví như những lò vi-ba nhanh chóng nóng lên và nhanh chóng nguội. Còn một số người khác ví như những bếp than nóng lên rất chậm và giữ được độ nóng trong một thời gian dài. Dù bạn là ai bạn vẫn phải học tập thích ứng với những nhu cần của người bạn đời của bạn – và giữ cho tình yêu của bạn luôn ấm áp. Nếu bạn tôn trọng tình yêu – tình yêu của bạn vẫn ấm áp. Còn nếu bạn bỏ mặc tình yêu – nó sẽ nguội lạnh đi. Cho đến đây, vẫn chưa có chi tiết nào về Chúa Cứu Thế và hội thánh. Có nhiều lý do. Trước tiên, chúng ta không thể nào liên hệ nội dung của một vài phân đoạn (đặc biệt là chương 4 và chương 7) bằng cách đề cập với Chúa Cứu Thế và hội thánh Ngài trong khi bình giải. Rõ ràng là những phân đoạn này chỉ nói đến tình yêu nhục dục giữa nam và nữ mà thôi. Có thể nào bình giải câu Kinh Thánh mô tả chàng trèo lên cây vườn nàng và hái trái (7:7-8) theo nghĩa khác không? Ái chà, có người muốn đề nghị giải nghĩa rằng đó là những trái của Thánh Linh đấy! Thứ hai, sách này không đề cập đến sự thờ phượng, tế lễ, nghi lễ, thầy tế lễ… gì cả. Thật vậy, toàn bộ sách không có hơi hướm thuộc linh gì cả! Lễ cưới mô tả trong sách là một lễ cưới theo thế tục! Sách chỉ nhắc đến danh Đức Chúa Trời một lần mà lại viết tắt trong nguyên ngữ (8:6). Thứ ba, Chúa Giê-xu lẫn các tác giả của Tân Ước đều không nhắc đến sách này. Tân Ước không hề trích dẫn một câu nào của sách này, cũng không hề hàm ý nói về sách này. Nếu đây thực sự là sách chép về Chúa Cứu Thế và hội thánh thì tại sao Kinh Thánh Tân Ước, là bộ sách mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh của Ngài, lại không hề đề cập đến sách đó một lần nào? Như đã nói ở trên, chúng ta cần nhớ rằng chỉ có một cách giải thích Kinh Thánh nhưng có nhiều cách ứng dụng. Dầu chúng ta không thể bình giải rằng sách Nhã Ca nói về Chúa Cứu Thế và hội thánh, nhưng thực sự chúng ta có thể (nếu không nói là nên) ứng dụng sách Nhã Ca vào tình yêu giữa Chúa Cứu Thế và hội thánh của Ngài (Epheso 5:22-23). Chúa Cứu Thế luôn hiểu và biết rõ hội thánh, còn hội thánh (và các Cơ Đốc nhân) cần tiếp tục tìm hiểu và học biết về Ngài. Tình yêu giữa Chúa Cứu Thế và hội thánh được thể hiện qua sự vâng phục, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Không nên gây trở ngại cho tình yêu mạnh mẽ này trái lại phải lo vun quén. Chúng ta phải yêu mến Cứu Chúa chúng ta, không phải theo kiểu lãng mạn, bâng quơ, nhưng một cách sâu đậm, tha thiết. Nếu chúng ta hờ hững lạnh nhạt đối với Chúa Cứu Thế thì tình yêu giữa chúng ta với Ngài sẽ trở nên hâm hẩm (Khai Huyen 3:16) rồi nguội hẳn đi (Mathio 24:12). Tình yêu của bạn đối với Chúa Cứu Thế ở mức độ nào trong khoảng từ 1 đến 10? Nếu bạn đáp: “khoảng 4, 5 hoặc 6” thì bạn đang gặp trục trặc nghiêm trọng. Đọc Khai Huyen 3:16 bạn sẽ rõ Đức Chúa Trời xử lý như thế nào đối với những tín hữu hâm hẩm!

NHÃ CA

Ý chính: Sa-lô-môn và Su-la-mít

Chủ đề chính: Tình yêu

Cụm từ chính: ‘Lương nhân tôi’, ‘Bạn tình ta’ (28 lần)

Câu chính: “Nước nhiều không tưới tắt được ái tình; các sông chẳng nhận chìm nó được; nếu người nào đem hết tài sản nhà mình, đặng mua lấy ái tình, ắt người ta sẽ khinh dể nó đến đều.” (Nha Ca 8:7)

Bài học chính: Tình yêu ví như một bông hoa, nở đúng thời điểm hoa phải nở.

Ê-SAI

Tác giả: Ông Ê-sai.

Thời kỳ hình thành sách: Thời kỳ vương quốc bị chia đôi.

Mục đích: Trước khi Sa-ma-ri thất thủ. Nhằm lên án tội lỗi và kêu gọi dân tộc ăn năn (chương 1-39) Nhằm an ủi dân của Đức Chúa Trời đang gánh chịu sự hình phạt của Ngài và ban cho họ niềm hy vọng về tương lai (chương 40-66)

Đối tượng: Dân của Đức Chúa Trời đang vướng phải những nan đề có vẻ như không thể khắc phục

Tản mạn

Cuộc cải chánh được xây dựng trên nền tảng một từ thật ngắn gọn: CHỈ. Chúng ta được cứu chỉ nhờ ân điển, chỉ bởi đức tin và chỉ có Kinh Thánh là nền tảng, căn bản cho niềm tin chúng ta mà thôi. Tín hữu các giáo hội cải chánh thường lầm tưởng là tín đồ Công Giáo La-mã (CGLM) không tin rằng họ được cứu là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, và bởi đức tin của họ. Thật ra họ có tin như vậy. Họ cũng tin vào thẩm quyền của Kinh Thánh. Nhưng, không phải là chỉ tin chừng nấy. Từ ‘chỉ ’ nhỏ gọn nầy là điểm phân biệt giáo hữu cải chánh với giáo hữu CGLM. Các tín đồ CGLM tin rằng họ được cứu nhờ ân điển và các thánh lễ, nhờ đức tin và nhờ các biện pháp chuộc tội (đền tội). Họ tin vào Kinh Thánh và tin vào giáo hoàng. Thời nay, trong hội thánh Tin Lành của chúng ta, nhiều tín hữu hành đạo theo kiểu CGLM. Về mặt giáo lý và tín điều họ công nhận mọi điểm trong tín lý xưa nay của giáo hội cải chánh. Nhưng trong thực tế, ngoài ân điển của Đức Chúa Trời họ còn trông cậy vào những phương cách khác để được cứu. Qua hành động trong thực tế họ tỏ ra họ tin là họ được cứu bởi đức tin và bởi công đức nữa. Họ vâng theo thẩm quyền của Kinh Thánh và tiếng nói của đời này nữa. Đôi khi người ta gọi ông Ê-sai là vị tiên tri Phúc Âm (Tin Mừng). Có lẽ vì cớ tên của ông có nghĩa là: ‘Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi’. Hoặc có lẽ vì ông nhắc đến từ ‘sự cứu rỗi’ đến 26 lần trong sách. (Trong khi tất cả các sách tiên tri khác dùng từ này chỉ 8 lần thôi!) Hoặc có lẽ vì ông mô tả nhiều về Người Đầy Tớ chịu khổ. Dầu sao chúng ta có thể chắc chắn một điều là ông Ê-sai xác định một cách rõ ràng là chúng ta cần được giải cứu bởi Đức Chúa Trời. Hơn nữa, ông còn nhấn mạnh rằng chỉ một mình Đức Chúa Trời là Đấng giải cứu chúng ta mà thôi.

Thâm nhập

Đôi khi sách Ê-sai được xem là quyển Kinh Thánh thu nhỏ. Sách gồm 66 chương tương ứng với 66 sách trong Kinh Thánh. Kinh Thánh gồm hai phần: phần Cựu Ước có 39 sách và Tân Ước có 27 sách. Tương tự sách Ê-sai cũng có hai phần: 39 chương đầu tập trung rao báo sự lên án của Đức Chúa Trời đối với tuyển dân và 27 chương còn lại nhấn mạnh về sự yên ủi mà Đức Chúa Trời hứa ban cho họ. I. Niềm tin cậy và sự giải cứu (1-39) Thường thường hễ dân Do Thái không vâng lời Đức Chúa Trời họ liền mắc vào tình thế nguy hiểm về mặt chính trị. Rồi khi bí lối thì họ cầu cứu Đức Chúa Trời và các thế lực khác. Nhưng muốn hiểu những diễn biến trong thời ông Ê-sai, trước hết chúng ta cần hiểu tình hình chính trị quốc tế thời bấy giờ. Vào thời ông Ê-sai có ba siêu cường quốc: A-si-ri, Ba Tư và Ai Cập. Tuy nhiên, mãi sau này Ba Tư mới phất lên. Thế là còn lại siêu cường A-si-ri và siêu cường Ai Cập. Tất cả các quốc gia nhỏ bé hơn, yếu thế hơn đều liên kết với một trong hai siêu cường quốc này. Khi quá nhiều quốc gia đứng về phía A-si-ri thì dân Giu-đa quay sang liên kết với Ai Cập để tạo sự cân bằng thế lực. Còn khi Ai Cập quá hùng mạnh, dân Do Thái quay qua cầu cứu A-si-ri. Xưa nay trên chính trường quốc tế, chỉ có người chơi thay đổi. Còn các luật chơi đại khái vẫn không thay đổi gì mấy. Nhưng đúng ra dân I-xơ-ra-ên và dân Giu-đa phải quyết định và hành động theo luật khác. Gặp lúc nguy nan vua của hai nước này không được phép cầu cứu đại vương của các siêu cường quốc. Hai nước này thuộc chế độ thần quyền nằm dưới quyền cai trị của vua và Chúa trên muôn Chúa. Họ phải nhờ cậy một mình Đức Chúa Trời mà thôi. Sứ điệp chính trong phần thứ nhất của sách Ê-sai là chớ nhờ cậy con người nhưng phải nhờ cậy Đức Chúa Trời (2:22). Ai Cập là một cây gậy không đáng tin cậy. Nếu dân Giu-đa nương dựa vào đó, nó sẽ gãy và đâm lủng tay (36:6). Ê-sai chương 7 và 9 là hai chương sách rất quen thuộc, chép việc Đức Chúa Trời cho phép A-cha, vua Giu-đa (xin đừng nhầm với A-háp, vua I-xơ-ra-ên) xin một dấu lạ nhằm chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu Giu-đa khỏi quân thù. Nhưng vua A-cha từ khước với sự khiêm tốn giả tạo. Vì vậy Đức Chúa Trời tự ý ban cho vua một dấu lạ: một trinh nữ sẽ chịu thai, và sinh ra một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên (7:14). Trong chương 8 một bé ra đời là dấu hiệu báo trước rằng lời tiên tri trên đây sẽ được ứng nghiệm (8:3). Trong chương 9, ông Ê-sai nói tiên tri rằng: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta” (9:5). Con trai này là dự ngôn về Chúa Cứu Thế, là dấu lạ mà Đức Chúa Trời ban để bày tỏ rằng Ngài là Đấng quyền năng và Ngài sẽ giải cứu dân Ngài. Nhưng họ phải tin cậy Ngài. Trong toàn bộ Kinh Thánh hai từ ‘giải cứu’ và ‘tin cậy’ xuất hiện bên nhau trong cùng một câu Kinh Thánh, thì sách Ê-sai, nội phần thứ nhất này đã chiếm 4 lần rồi. Đối với vấn đề cứu rỗi, chúng ta phải tin cậy một mình Đức Chúa Trời mà thôi. II. Sự công nghĩa và sự cứu rỗi (40-66) Trong khi phần thứ nhất xác quyết mạnh mẽ là sự giải cứu đến từ Đức Chúa Trời chớ không phải từ con người thì phần thứ hai xác quyết rằng sự giải cứu đến từ Đức Chúa Trời chớ không phải đến từ thần tượng. Ông Ê-sai dành trọn từ chương 40 đến chương 48 để lên án thần tượng. Ông chế nhạo dân chúng nhằm vạch rõ tính cách phi lý lố bịch của thói thờ hình tượng. Họ dùng cùng một khúc gỗ để tạc tượng làm thần, phân nửa còn lại họ làm củi chụm bếp nấu ăn, sưởi ấm và nói rằng: “Hà, hà, ấm áp quá!” (44:16-17). Phần thứ nhất nhấn mạnh niềm tin cậy và sự giải cứu. Còn phần thứ hai nhấn mạnh sự công nghĩa và sự giải cứu. Trong phần thứ hai của sách Ê-sai, từ ‘sự giải cứu’ và ‘sự công nghĩa’ xuất hiện chung với nhau 10 lần trong tổng số 18 lần mà hai từ này xuất hiện chung trong Kinh Thánh. Dầu vậy tác giả nói đến sự công nghĩa của ai? Đó là sự công nghĩa của Đức Chúa Trời chớ không phải của chúng ta