THI THIÊN
Tác giả: Ông Đa-vít, ông A-sáp và nhiều người khác.
Thời kỳ hình thành sách: Từ thời ông Môi-se đến sau thời kỳ lưư đày.
Mục đích: Nhằm cung cấp cho dân sự Đức Chúa Trời những bài thánh ca để dùng khi thờ phượng Ngài.
Đối tượng: Dân của Đức Chúa Trời ở khắp nơi trong mọi thời đại, đặt biệt là những người đang từng trải những thăng trầm trong mối tương giao của họ với Đức Chúa Trời
Tản mạn
Nếu bạn vừa đọc xong sách Gióp có thể bạn sẽ cảm thấy còn thiếu điều gì đó. Có thể tâm trí của bạn chấp nhận rằng khi trải qua cảnh khổ đau, chúng ta cần học tập thờ phượng Chúa. Dầu vậy bạn vẫn thắc mắc: “Thờ phượng Đức Chúa Trời thật sự có giá trị gì không?” Vẫn còn thiếu một điều gì đó. Điều còn thiếu chính là sách Thi Thiên . Sách Thi Thiên đáp lời chúng ta cách hùng hồn là: “Đúng vậy!” Sách mở đầu (chương 1-2) và kết thúc (chương 146-150) bằng lời xác nhận rõ ràng rằng cuộc sống thờ phượng là cuộc sống duy nhất có giá trị. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên sách Thi Thiên được đặt sau sách Gióp. Vì thế, sách Gióp (tương tự sách Truyền đạo) coi như chỉ là phần đầu của một bộ sách. Sách Gióp, sách rất dài trong Kinh Thánh , nêu ra vấn nạn về sự khổ đau; sách Thi Thiên sách thi ca dài nhất trong Kinh Thánh, giải quyết vấn nạn. Không nên chỉ căn cứ vào sách Gióp trong khi tìm cách giải toả tất cả thắc mắc chung quanh vấn nạn khổ đau. Cũng không nên chỉ quẩn quanh với sách Truyền đạo để tìm kiếm ý nghĩa của đời sống. Sách Thi Thiên không chỉ giải đáp những thắc mắc thông qua những vấn nạn khổ đau mà thôi. Nhưng sách còn giải đáp mọi vấn đề liên quan đến toàn bộ cuộc sống. Ca ngợi Đức Chúa Trời và kính sợ Ngài trong mọi hoàn cảnh chính là ‘bí quyết’ cho trọn đời sống.
Thâm nhập
Khi đọc về cuộc đời của ông Môi-se, ông Đa-vít và nhiều nhân vật khác trong Kinh Thánh, chúng ta lầm tưởng rằng họ không phải đương đầu với sự giằng co nào trong nội tâm. Thật ra, họ phải đương đầu với nhiều vấn đề trong cuộc sống. Cho nên giờ đây ước gì chúng ta biết họ xử lý các vấn đề đó như thế nào? Vậy đâu là bí quyết của họ? Chẳng lẽ họ không hề ghen tị, không hề nản lòng, không hề thất vọng sao? Chẳng lẽ họ không một lần nào cầu mong cho tất cả thù địch của họ phải chết thê thảm đó sao? Các vị anh hùng trong Cựu Ước đều là những nhân vật nổi danh in trên giấy cứng để quảng cáo hay họ cũng là những người thật như chúng ta? Ước chi chúng ta có một quyển sách ghi lại những tình cảm, những cảm xúc của họ trong khi họ trải qua những thử thách như thế. Tuyệt diệu biết bao nếu chúng ta có thể nhìn thấu tâm can của họ để khám phá ra bí quyết nào khiến họ sống đắc thắng như vậy. Thật ra Thi Thiên chính là quyển sách mà chúng ta ao ước. Dầu hầu hết các Thi Thiên đều do ông Đa-vít viết, tuy vậy cũng có các Thi Thiên do các vị thánh khác viết. Tương tự như tấm thiệp chúc mừng, coi như ít nhất là có một Thi Thiên viết về một cảnh ngộ hoặc một cuộc đấu tranh trong cuộc sống của con người. Một số Thi Thiên dành cho những người cảm thấy chán nản thất vọng. Thí dụ, như Thi Thiên 4 dành cho người mất ngủ. Thi Thiên 7 dành cho những người cảm thấy Đức Chúa Trời không bảo vệ họ khỏi kẻ thù nghịch. Trái lại, các Thi Thiên khác dành cho những người cảm thấy mình đang bay bổng, vui sướng. Thí dụ, như Thi Thiên 23 bộc lộ ý nghĩa và tình cảm của người kinh nghiệm sự bảo vệ, chăm sóc của Chúa. Thi Thiên 92 thích hợp với những người thờ phượng Đức Chúa Trời trong ngày Chúa nhật. Dựa theo hướng nhận xét trên đây chúng ta có thể chia các Thi Thiên thành hai phần chính. Thi Thiên 1-89 chủ yếu mô tả kinh nghiệm của những người từng trải các cuộc phấn đấu trong đời sống họ. Thi Thiên 90 -150 chủ yếu tập trung mô tả niềm vui của người sống vượt lên trên cảnh ngộ. Phần thứ nhất chủ yếu viết về con người cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Phần thứ hai chủ yếu viết về con người ca ngợi Đức Chúa Trời. Phần thứ nhất dành cho người “thành khẩn, cầu xin” Đức Chúa Trời cứu giúp. Còn trong phần hai, tác giả Thi Thiên “tạ ơn” Đức Chúa Trời vì Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của ông. Chi tiết hơn nữa, sách Thi Thiên được chia làm năm quyển riêng biệt (1:1-41:11;42:1-72:20; 73:1-89:51; 90:1-106:48; 107:1-150:6). Một số học giả nhận thấy chủ đề của năm sách này tương ứng chủ đề của năm sách luật pháp (từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký). Nhưng rõ ràng dù tóm tắt hoặc phân loại năm sách Thi-thiên theo hướng nào thì vẫn là có vẻ gượng ép. Vì nội dung của nhiều Thi-thiên không phải là một quyển sách dùng để đọc theo thứ tự bài đầu đến bài cuối như kiểu người ta hát Thánh ca theo thứ tự bài đầu đến bài cuối. Dĩ nhiên, nếu bạn muốn đọc như vậy thì tuỳ ý bạn. Tôi chỉ muốn nói rằng người biên tập không trù liệu cho độc giả hướng đọc Thi Thiên theo cách đó. Vì thế, Thi Thiên sẽ được sử dụng theo một hướng khác hẳn các sách khác trong Cựu Ước. Giờ đây chúng ta cùng nghiên cứu hai Thi Thiên tiêu biểu chuẩn cho hai phần chính của sách. I. Lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời – Thi Thiên 22 (1-89) Thi Thien 22:1-31 ghi lại cảm xúc của ông Đa-vít khi ông trải qua nỗi đau đớn và thống khổ tột độ. Không phải hoàn cảnh (câu 4-13), cũng không phải bịnh tật khiến ông thấy khổ cùng cực (câu 14-18), nhưng vì ông cảm thấy Đức Chúa Trời đã lìa bỏ ông (câu 1-2). Phần thứ hai của Thi Thiên này ghi lại lời ông ca ngợi Đức Chúa Trời (câu 23-31). Ông không chỉ ca ngợi Đức Chúa Trời mà còn khuyên người khác hãy ca ngợi Ngài (câu 23). Khi đọc Thi Thiên này, có thể chúng ta thấy dường như thiếu một điều gì đó chuyển tiếp giữa hai phần. Phải chăng ai đó đã ghép phần đầu và phần cuối Thi Thiên với nhau và bỏ sót phần giữa là phần chép về việc Đức Chúa Trời đáp lời và giải cứu ông Đa-vít. Thật sự có phải như vậy không? Thật ra Thi Thiên chẳng thiếu phần nào cả. Phần giữa vẫn còn đó (câu 19-21). Nhưng không theo như chúng ta mong đợi tức là không nói đến việc Đức Chúa Trời đáp lời ông Đa-vít và cũng chẳng có ý nói là Ngài đã giải cứu ông. Thế nhưng chúng ta có thể tìm thấy trong phần này bí quyết để đương đầu với những thử thách trong cuộc đời. Sau khi trút đổ mọi tâm tư ý tưởng cho Đức Chúa Trời. Ông Đa-vít bắt dầu cầu nguyện với Ngài (câu 19-21). Ông không cho phép cảm xúc điều khiển ông nữa. Dầu ông cảm thấy Đức Chúa Trời không đáp ứng lời ông kêu cầu (câu 2), nhưng ông vẫn biết rằng Ngài có nghe lời kêu cứu của ông (câu 21,24). Dù trong câu 1 ông có hỏi Chúa: “Nhân sao Ngài đứng xa, không giúp đỡ tôi?” trong câu 19, ông vẫn cầu nguyện với Ngài rằng: “Chớ đứng xa tôi… hãy mau mau đến giúp đỡ tôi”. Mới nghe tưởng chừng chẳng có gì khác lạ cả nhưng thật ra có chuyện lạ thường. Cứ tiếp tục cầu nguyện với Đức Chúa Trời mặc dù cảm thấy Đức Chúa Trời đã từ bỏ mình là một việc hoàn toàn khác thường. Ông Đa-vít cứ cầu nguyện với Đức Chúa Trời dầu ông cảm thấy Ngài không lắng nghe lời cầu xin. Tuy nhiên, trong lời cầu nguyện ông không chỉ dẫn Đức Chúa Trời cách cứu ông. Lắm người muốn Đức Chúa Trời cứu giúp họ theo cách của họ. Vì thế họ trình bày phương cách với đầy đủ chi tiết mà Đức Chúa Trời phải áp dụng để giải quyết nan đề của họ. Nhưng tác giả Thi Thiên không làm như vậy, ông chỉ cầu xin những điều cần yếu nhất cho đời sống ông để ông có thể tiếp tục ca ngợi Đức Chúa Trời (câu 22). Khi ông Đa-vít bắt đầu cầu nguyện, nội tâm ông liền có sự thay đổi. Sự cầu nguyện không đưa Đức Chúa Trời đến gần chúng ta hơn nhưng đem chúng ta đến gần Chúa hơn. Quyền năng và sự cứu giúp của Đức Chúa Trời vẫn không thay đổi. Nhưng ông Đa-vít lại tin chắc rằng quyền năng và sự sẵn sàng cứu giúp của Đức Chúa Trời có gia tăng khi ông cầu nguyện. Do đó ông kêu lên: “Tôi sẽ rao truyền danh Chúa cho anh em tôi, và ngợi khen Chúa giữa hội chúng” (câu 22. Xem thêm Heboro 2:12). Quyết tâm ca ngợi Đức Chúa Trời trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh của cuộc sống đã dẫn dắt ông viết tiếp nửa phần sau của Thi Thiên này – ca ngợi Đức Chúa Trời (câu 23-31). Thi Thiên 22 cũng tiên tri về sự chết của Đấng Cứu thế trên thập tự giá. Vì tội lỗi của nhân loại, trong khoảnh khắc ngắn ngủi, Đức Chúa Trời đã quay mặt khỏi Con yêu dấu của Ngài. Bởi đó, chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta không bao giờ bị phân cách khỏi Ngài. Ngay cả khi Chúa Giê-xu khi bị treo trên thập tự giá Ngài cũng phải hỏi: “Vì sao?” (Mathio 27:46). Môi miệng Ngài đã thốt lên câu hỏi của mọi thời đại: “Vì sao con người phải chịu khổ đau?” “Vì cớ tội lỗi”. Tất cả chúng ta đều biết câu trả lời rồi. Nhưng biết như vậy vẫn chưa đủ. Chúng ta còn cần nhận biết Đức Chúa Trời một cách thân thiết và tin cậy Ngài hoàn toàn như con cái tin cậy cha mẹ mình vậy. Trong cuộc sống thực tế, niềm tin cậy của tác giả Thi Thiên từng bị chao đảo dữ dội. Nhưng ông không bao giờ từ bỏ Chúa. Ngay cả khi ông chất vấn Đức Chúa Trời, ông cũng không gào lên: “Đức Chúa Trời ôi, Đức Chúa Trời ôi” nhưng ông thưa rằng: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi…” (câu 1-2). Ông tin chắc Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết (câu 3) và từ sự thánh khiết toả ra các đặc tính khác như quyền năng, yêu thương, công bình và nhân ái. Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta không phải do chúng ta đáng được giải cứu, cũng không phải vì cớ chúng ta cầu xin Ngài. Đức Chúa Trời giải cứu chúng ta vì Ngài là Đức Chúa Trời thánh khiết đáng được ca ngợi. Nhưng cho đến khi kết thúc Thi Thiên này, ông Đa-vít vẫn chưa được nhìn thấy sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Nhờ những sách khác trong Kinh Thánh chúng ta biết Đức Chúa Trời thật sự có giải cứu ông. Tuy thế, ông vẫn ca ngợi Đức Chúa Trời và tìm cách đắc thắng giữa cảnh đời khổ đau.
II. Ca ngợi Đức Chúa Trời -Thi Thiên 145 (90-150) Thế nhưng sau khi được giải cứu, ông Đa-vít làm gì? Có lẽ bạn sẽ nói rằng: “Đương nhiên, ông tiếp tục ca ngợi Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên không thể kết luận cách vội vã như thế. Nhiều người từ bỏ Đức Chúa Trời trong thời vất vả, khó khăn; ngược lại một số người khác lại quên Đức Chúa Trời ngay khi giàu sang, thịnh vượng. Còn một số khác lại sa ngã trong giai đoạn hòa bình, vui sướng. Chúng ta cần học tập ca ngợi Đức Chúa Trời khi gặp thử thách cũng như khi chiến thắng khải hoàn. Có lẽ cả hai bài học này đều khó như nhau. Một số người cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải “khẩn xin” Đức Chúa Trời cứu giúp. Còn một số người khác lạ không bao giờ nhớ “tạ ơn” Đức Chúa Trời. Khác với những con người này, ông Đa-vít không hề cảm thấy khó khăn khi phải “khẩn xin” Đức Chúa Trời cứu giúp. Đồng thời ông luôn nhớ “tạ ơn” Ngài. Sau khi được Đức Chúa Trời giải cứu, ông Đa-vít viết Thi Thiên 145 để tỏ lòng biết ơn Đức Chúa Trời và ca ngợi Ngài (câu 19). Thi Thiên gồm có ba khổ thơ. Sau quyết định tiên khởi là ca ngợi Đức Chúa Trời, ông Đa-vít mở đầu với lời ca ngợi các công trình của Ngài (câu 3-7). Tiếp đến ông ca ngợi vương quốc của Ngài, là vương quốc được thiết lập bởi các bản tính của Ngài (câu 8-13). Rồi ông ca ngợi chính Đức Chúa Trời vì chỉ một mình Ngài có thể làm thỏa mãn sự khát khao sâu kín nhất trong linh hồn nhân loại (câu 14-20). Ông kết thúc Thi Thiên bằng một quyết định ca ngợi Chúa (câu 21). Trong khổ thơ thứ nhất, ông Đa-vít nhớ rằng chính Đức Chúa Trời, chớ không phải ông, đáng được ca ngợi về những việc mà Ngài đã làm. Trong khổ thơ thứ hai, ông tự hạ mình xuống trước vương quyền của Đức Chúa Trời. Trong khổ thơ thứ ba, ông nhìn nhận rằng nếu muốn sống thỏa nguyện, ông phải hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Ông mở đầu Thi Thiên bằng sự quyết tâm ca ngợi Đức Chúa Trời. Và ông kết thúc Thi Thiên với lời khuyên mọi tạo vật hãy ca ngợi Ngài. Ông không chỉ muốn chính ông ca ngợi Đức Chúa Trời mà ông còn muốn mọi tạo vật chúc tụng danh thánh của Ngài mãi mãi (câu 21). Khi lâm cảnh khổ đau tột độ cũng như khi vui sướng tràn dâng, ông Đa-vít đều thưa với Chúa rằng: “Tôi sẽ chúc tụng Chúa” (22:22; 145:2). Ông tập trung toàn bộ cuộc sống vào việc ca ngợi Đức Chúa Trời. Trong lúc phiền não, đau đớn, ông phủ phục trước mặt Đức Chúa Trời (22:29). Trong lúc vui mừng ông nhận biết rằng chính Đức Chúa Trời sẽ nâng những người đã phủ phục trước mặt Ngài (145:14). Cả những người khốn khổ, thấp hèn (22:26) lẫn những người giàu có, cao sang (22:29) đều phải thờ phượng Đức Chúa Trời. Tất cả đều thờ phượng Ngài không phải chỉ vì Ngài giải cứu mà còn vì Ngài là Đấng thánh khiết (22:3; 145:21) và công bình (22:31; 145:17).
Trọng tâm
Người tin kính Chúa luôn luôn ca ngợi Đức Chúa Trời khi bình an, thịnh vượng cũng như khi nghèo nàn hoặc bị bách hại.
Thực hành
Có lẽ bạn không còn cách nào để lý giải cảnh khổ đau của mình (ông Gióp). Cũng có thể bạn không biết lý giải cuộc sống trên đời này ra làm sao (Truyền-đạo). Nhưng bạn luôn luôn có lý do để ca ngợi Đức Chúa Trời (Thi Thiên). Vì khi bạn bắt đầu ca ngợi Đức Chúa Trời, bạn sẽ nhận biết nguyên nhân của mọi nỗi khổ đau trong cuộc sống và cũng nhận biết ý nghĩa của cuộc sống nữa. Nhưng chúng ta phải thận trọng, đừng bao giờ xem việc ca ngợi Đức Chúa Trời như một liệu pháp chữa trị khổ đau hoặc nản lòng thất vọng. Trong thực tế, đúng là ca ngợi Đức Chúa Trời có tác dụng như liệu pháp rất hiệu nghiệm. Nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta ca ngợi Ngài vì Ngài là Đức Chúa Trời đáng được ca ngợi. Tuy nhiên, không phải khi chúng ta bắt đầu ca ngợi Đức Chúa Trời thì lúc ấy Ngài mới trở nên Đấng đáng được ca ngợi. Chúng ta phải ca ngợi Đức Chúa Trời vì Ngài là Đấng đáng tôn vinh thờ phượng. Và thật ra, ca ngợi Đức Chúa Trời không phải là một việc làm theo đề nghị mà là theo mệnh lệnh buộc chúng ta phải tuân theo. Khi sống trong cảnh khốn khó, buồn phiền, chúng ta không muốn ca ngợi Chúa. Nhưng khi sống giàu sang, vui sướng chúng ta lại quên ca ngợi Ngài. Chúng ta phải ca ngợi Đức Chúa Trời mỗi ngày. Chúng ta phải ca ngợi Ngài đời đời, mãi mãi (Thi Thien 145:2). Nếu thật sự bạn cảm thấy không thể nào ca ngợi Chúa, thì hãy đọc một Thi Thiên (xem Epheso 5:19-20).
THI THIÊN
Ý chính: CẦU NGUYỆN (trong) CA NGỢI
Chủ đề chính: Ca ngợi
Cụm từ chính: ‘Ca ngợi Đức Giê-hô-va’ (31 lần)
Câu chính: “ Ha-lê-lu-gia! Tôi sẽ hết lòng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Trong đám người ngay thẳng và tại hội chúng.” (Thi Thien 111:1)
Bài học chính: Người tin kính Đức Chúa Trời luôn ca ngợi Ngài khi bình an, thịnh vượng cũng như khi nghèo nàn hoặc bị bách hại.
CHÂM NGÔN
Tác giả: Ông Sa-lô-môn và nhiều người khác. Thời kỳ hình thành sách: Thời kỳ vương quốc còn thống nhất và đã bị chia đôi. Mục đích: Nhằm chỉ dẫn chúng ta nghệ thuật sống thành công. Đối tượng: Dân của Đức Chúa Trời sống ở mọi nơi trong mọi thời đại cần khôn ngoan để tránh những cạm bẫy trong cuộc đời.
Tản mạn
Điều bí hiểm về bẫy mìn ấy là chúng ta không biết chỗ người ta đặt bẫy cho đến lúc chúng ta đạp trúng mìn. Không ai gài một cái bẫy rồi giương bảng cảnh báo: BẪY ĐẶT NƠI ĐÂY! THẬN TRỌNG! DỪNG LẠI! NGUY HIỂM! Nhưng trong cuộc sống đầy dẫy ‘cạm bẫy’. Một số bẫy có thể làm cho bạn vướng vào nhiều chuyện nghiêm trọng. Một số bẫy khác có thể giáng xuống bạn những đòn chí tử. Làm một Cơ Đốc nhân tốt không có nghĩa là bạn trở thành ngu ngơ như nhiều người nghĩ. Trái lại, phải khôn ngoan mới làm một Cơ Đốc nhân tốt được. Vậy, thế nào là khôn ngoan? Là nhận ra những cạm bẫy trong cuộc sống, đồng thời biết cách tránh bẫy. Thời nay, lắm người không muốn biết việc họ sắp làm là đúng hoặc sai, phải hoặc trái. Họ chỉ muốn biết làm việc đó là khôn ngoan hoặc ngu dại. Thật ra, làm điều đúng luôn là khôn ngoan; còn làm điều sai luôn là ngu dại. Sách Châm ngôn dạy chúng ta phương cách trở nên người đứng đắn và khôn ngoan. Sách Châm ngôn tương tự như một bản sơ đồ vạch rõ cạm bẫy nằm ở những nơi nào. Có người gọi sách này là ‘Phương Cách Đắc Thắng Trong Thế Gian Tội Lỗi’. Phụ đề này rất thích hợp cho sách Châm ngôn.
Thâm nhập
SỰ KHÔN NGOAN rõ ràng không thể nào nhầm lẫn được là chủ đề của sách Châm ngôn. Tác giả là vua Sa-lô-môn, một trong những người khôn ngoan nhất trên đời này (1Vua 4:30). Nhưng khôn ngoan không có nghĩa là chỉ cần biết điều đúng và tốt, mà còn phải biết sống theo những điều đó nữa. Theo triết lý sống của người Hê-bơ-rơ thì khôn ngoan là một điều thực tiễn, tức là ‘nghệ thuật sống’ . Vì thế, khôn ngoan là biết học tập từ sai lầm của người khác, là lắng nghe người khác để không sa vào những cạm bẫy trong cuộc sống. Nhưng phần đông chúng ta không tin vào kinh nghiệm của người khác. Chúng ta muốn chính tay mình sờ vào bếp lò rồi mới chịu tin là lò nóng. Chúng ta biết thế nào là đúng, là phải. Sao chúng ta không làm theo điều đúng, điều phải? Thế thì, đâu là bí quyết để được khôn ngoan?
I. Châm ngôn về sự khôn ngoan (1-9)
Có thể tìm thấy bí quyết của sự khôn ngoan trong lời mở đầu và lời kết của phần một trong sách này: “Kính sợ Đức Giê-hô-va ấy là khởi đầu sự khôn ngoan” (1:7 và 9:10, lập lại trong 15:33). Trong suốt phần một, trái ngược với khôn ngoan là ngu dại. Sự khôn ngoan được nhân cách hoá thành một phụ nữ tin kính, còn sự ngu dại được nhân cách hóa thành một dâm phụ. Sự khôn ngoan đem đến ơn cứu rỗi cho con người (Chương 1-4), còn sự ngu dại chỉ làm cho con người bị lên án (Chương 5). Sự khôn ngoan đem lại sự giàu có (Chương 8), còn sự ngu dại kết thúc trong nghèo nàn (Chương 6). Sự khôn ngoan tìm đến sự sống (Chương 9), nhưng sự ngu dại dẫn đến sự chết (Chương 7). Vì thế, chúng ta cũng có thể đặt đầu đề cho phần này là “Giá Trị Của Sự Khôn Ngoan”.
II. Nguyên tắc của sự khôn ngoan (10-30)
Trong khi phần một trình bày về sự khôn ngoan và ngu dại qua những lời giáo huấn, phần hai mô tả cụ thể và chi tiết các tánh tốt và tánh xấu. Phần một nhấn mạnh lý do khiến chúng ta phải làm theo sự khôn ngoan, còn phần hai nhấn mạnh những điều được xem là khôn ngoan. Phần hai gồm 3 phân đoạn. Hầu như toàn bộ phân đoạn 1 (Chương 10-15) là một bảng liệt kê những câu đối ý nhau. Tác giả dùng từ ‘nhưng’ để mô tả tính cách trái ngược giữa khôn ngoan và ngu dại. Hầu hết phân đoạn 2 (Chương 16-22) gồm các câu châm ngôn với ý tứ tổng hợp. Tác giả dùng từ ‘và’ để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm theo sự khôn ngoan và tránh xa sự ngu dại. (Trong văn thơ Hi-bá-lai, khi từ ‘và’ nối 2 vế trong một câu thì thông thường vế thứ 2 tương tự với vế thứ 1 về mặt cấu trúc và ngữ pháp lẫn về mặt ý nghĩa và nội dung). Trong phân đoạn 3 (Chương 23-30), các câu cách ngôn được gom lại với nhau theo chủ đề. Nhờ đó sự khôn ngoan và sự ngu dại được mô tả cách chi tiết hơn.
III. Những con người khôn ngoan (31)
Nếu phần hai viết về những điều được xem là khôn ngoan, thì phần ba viết về người được xem là khôn ngoan. Sách mở đầu và kết thúc với lời mô tả về người phụ nữ. Mở đầu sách là những lời khôn ngoan của một người cha răn dạy con trai mình (1:8,15), và kết thúc sách là lời khuyên dạy khôn ngoan của một người mẹ tin kính Chúa (31:1). Nhưng làm sao tổng hợp tất cả những châm ngôn và nguyên tắc này nơi cùng một mẫu người? Chương cuối mô tả người phụ nữ tin kính giải tỏa thắc mắc này. Người phụ nữ ấy được mô tả là một người nữ đức hạnh (31:10). Chính cụm từ này được dùng để mô tả bà Ru-tơ (Ru-tơ 3:11). Bà là một người làm mẫu về cách ứng dụng 30 chương đầu của sách Châm ngôn. Vì thế, chương cuối cùng được xem như là phần ỨNG DỤNG của sách. Còn phần thứ nhất dùng làm phần TẢN MẠN. Phần thứ 2 với 3 phân đoạn tạo thành 3 điểm chính cho phần THÂM NHẬP của bài giảng. Thế Trọng tâm là gì?
Trọng tâm
“Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan”.
Thực hành
Làm sao sự kính sợ Đức Giê-hô-va có thể dẫn đến sự khôn ngoan? Mối liên hệ giữa sự kính sợ Chúa với sự khôn ngoan thật là khó hiểu. Mối liên hệ ấy trở nên rõ nghĩa và dễ hiểu khi bạn nghiên cứu định nghĩa dưới đây về ‘sự kính sợ Đức Chúa Trời’. Kính sợ Đức Chúa Trời là triệt để chú trọng đến ý nghĩ và ý kiến của Đức Chúa Trời đối với chúng ta . Một cậu bé yêu thương và kính sợ cha thường sợ làm những điều có thể khiến cha cậu ta bất bình hoặc buồn lòng. Cả hai trạng thái tình cảm yêu thương lẫn kính sợ trong cậu ta bổ sung cho nhau chớ không mâu thuẫn với nhau. Dầu cha có mặt hoặc vắng mặt, cậu bé đều hành xử theo một cung cách làm cha cậu hài lòng (IICorinhto 5:9-11). Vì thế, kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự khôn ngoan. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng đa số chúng ta đều muốn người khác nhận thấy chúng ta là người tốt. Mất mặt là một trong những điều mất mát tồi tệ nhất trong cuộc sống. Muốn được người khác yêu thích tôn trọng, đánh giá cao là một năng lực cơ bản có sức thôi thúc mạnh mẽ trong tất cả mọi người. Sự ham muốn này mạnh đến nỗi có thể khiến chúng ta nói dối, gian lận, trộm cắp và thậm chí giết người nữa. Trong cuộc sống chúng ta không thể nào hoàn toàn vô tình trước cảm nghĩ của người khác đối với chúng ta; tuy nhiên chúng ta có thể bận tâm nhiều hơn đến cảm nghĩ của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Tâm trạng kính sợ Đức Chúa Trời như vậy là khởi đầu của sự khôn ngoan. Phải chăng bạn bận tâm đến cảm nghĩ của người khác đối với bạn nhiều hơn là bận tâm về cảm nghĩ của Đức Chúa Trời đối với bạn? Vua Sau-lơ đã làm như vậy và vua đã thất bại. Dứt khoát vua không phải là một người vô thần. Vua tin Đức Chúa Trời nhưng ông lại sợ người ta. Vì vậy, ông nghe theo tiếng nói của họ (). Trái lại, nếu bạn quan tâm đến cảm nghĩ của Đức Chúa Trời đối với bạn hơn là cảm nghĩ của người khác thì sự cám dỗ sẽ chẳng còn ảnh hưởng hoặc tác dụng gì trên đời sống bạn cả.
CHÂM NGÔN
Ý chính: Đường lối (của sự) khôn ngoan
Chủ đề chính: Sự khôn ngoan
Cụm từ chính: ‘Kính sợ Đức Giê-hô-va’ (17 lần)
Câu chính: “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.” (Cham Ngon 9:10)
Bài học chính: Bí quyết giúp bạn tránh khỏi những cạm bẫy trong cuộc sống là quan tâm đến ý kiến của Đức ChúaTrời đối với bạn thay vì bận tâm với ý kiến của người khác đối với bạn.
TRUYỀN ĐẠO
Tác giả: Vua Sa-lô-môn Thời kỳ hình thành sách: Cuối thời kỳ vương quốc còn thống nhất. Mục đích: Nhằm tìm biết ý nghĩa thật của một cuộc sống có vẻ như rỗng tuếch, vô nghĩa. Đối tượng: Những người tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống.
Tản mạn
“Cuộc đời thật khốn nạn!” Xin lỗi khi phải nói như thế, nhưng đó là cách mà nhiều người tổng kết về cuộc đời. Anh của tôi là một trong những người đó. Anh kể rằng anh vốn là một Cơ Đốc nhân, nhưng khi thấy những điều nghịch lý trong cuộc sống, anh từ bỏ niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Trường hợp của chú chúng tôi là một trường hợp điển hình cho nghịch lý này. Ông vốn là một hiệu trưởng của một trường phổ thông trung học được nhiều người kính mến, là một trưởng lão được kính trọng của một hội thánh địa phương tương đối lớn. Ông là một người cha yêu thương con và là một người kính sợ Đức Chúa Trời. Chỉ một vài tháng trước khi ông nghỉ hưu và nhận lương hưu, ông đột ngột qua đời trong một cơn đau tim. Đúng theo nghĩa đen ông đã làm việc đến chết. Hiện giờ, anh tôi là một người nghiện thuốc lá. Anh tin rằng người không hút thuốc vẫn có khả năng mắc bệnh ung thư và anh cũng thấy một số người hút thuốc nhưng vẫn sống đến độ tuổi từ 90 đến 100, và nếu anh mắc bệnh ung thư, thì có sao đâu? Mọi người đều qua đời không lúc này thì lúc khác, đúng không? Không một Cơ Đốc nhân nào được miễn trừ khỏi những điều vô cùng nghịch lý trong cuộc sống. Lạ thay, có cặp vợ chồng Cơ Đốc nhân tin kính chờ đợi trong nhiều năm mà không có một mụn con nào cả, trong khi đó một số cặp chưa được trang bị đầy đủ để nuôi dạy con thì lại đậu thai ngay trong đêm tân hôn! Có những Cơ Đốc nhân thật thà, trung thực lại bị quên lãng, xếp xó trong những lần xét thăng cấp trong khi đó những người chỉ có khả năng gây ấn tượng tốt với chủ lại được thăng tiến nhanh chóng trước những Cơ Đốc nhân này. Chúng ta phải thừa nhận rằng Cơ Đốc nhân không được miễn trừ khỏi sự chết, bệnh tật, tai họa – và vi-rút máy vi tính! Chỉ một con ruồi là có thể làm hôi thối bình đầy dầu thơm quý giá, đắt tiền. Sự chết, bệnh tật, tai họa là những điều có thật trong cuộc sống của mỗi người. Chỉ một tai họa xảy ra là có thể phá hủy cuộc sống yên bình của toàn bộ một gia đình. Dường như anh tôi có nhiều lý cớ vững chãi để củng cố cho kết luận của anh.