Ê-XƠ-TÊ
Tác giả: Không rõ (Mạc-đô-chê?)
Thời kỳ hình thành sách: Sau thời kỳ lưu đày
Mục đích: Nhằm cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời luôn che chở bảo vệ dân Ngài ngay cả khi họ sống ở nơi xa xăm, hẻo lánh.

Ngay trước và trong cuộc cách mạng ở Mỹ, một nhóm người có vũ trang tuyên thệ luôn luôn ở trong tư thế sẵn sàng nhập ngũ chiến đấu khi có lệnh điều quân khẩn cấp. Họ là những người nông dân bình thường, người chủ cửa hiệu và các cư dân khác trong thành phố. Để có thể làm trọn lời hứa nguyện, họ phải luyện tập cho thành thục, luôn luôn cảnh giác, và lúc nào cũng mang vũ khí bên mình. Do đó, người ta gọi họ là đội quân trừ bị ‘cấp giây’ (giây phút). Ngày nay, ở Mỹ có một loại vũ khí được đặt tên theo tên của đội quân này. Sách Ê-xơ-tê bày tỏ rằng trong lĩnh vực thuộc linh, Đức Chúa Trời cũng cần những nam nữ dân quân trừ bị trong đội quân của Ngài. Ngài cho phép ‘những việc ngẫu nhiên’ xảy ra để đặt dân Ngài vào đúng vị trí và đúng thời điểm. Thườn g thường dân của Đức Chúa Trời không hiểu vì sao Ngài đặt họ vào nơi đó. Năm này qua năm khác, họ sống và làm việc tương tự như láng giềng và đồng nghiệp chưa tin Chúa. Nhưng thình lình Đức Chúa Trời kêu gọi họ bắt tay vào việc. Luyện tập và trang bị đòi hỏi nhiều năm trời. Nhưng khi Đức Chúa Trời kêu gọi bạn phải sẵn sàng vào việc ngay trong thời gian ngắn. Có thể lắm Đức Chúa Trời muốn bạn bắt tay vào việc liền sau khi Ngài kêu gọi bạn.

Thâm nhập

Sách Ê-xơ-tê chép về câu chuyện dân Do Thái sống lưu đày tại đế quốc Ba Tư. Thời nay cũng như thời xưa người Do Thái là thiểu số bị bắt bớ. Tuy vậy một số rất ít người vẫn đạt đến được những vị trí có quyền lực lớn. Họ là dân của Đức Chúa Trời. Nhưng sao họ lại bị bắt bớ? Và họ có thể làm gì để khỏi bị diệt chủng? Sách Ê-xơ-tê sẽ trả lời cho chúng ta.

I. Dân của Đức Chúa Trời bị bức hại (1-5) Năm chương đầu của sách này giải thích nguyên nhân dẫn đến việc tiêu diệt dân của Đức Chúa Trời. Ông Mạc-đô-chê, một người Do Thái tin kính Chúa và là anh họ của bà Ê-xơ-tê, khước từ tiếp nhận văn hoá của người Ba Tư vì điều đó có thể gây tổn hại đến đức tin của ông. Tể tướng Ha-man ra lệnh cho tất cả các quan chức khác trong hoàng cung đều phải cúi mình tỏ lòng tôn kính mình. Nhưng ông Mạc-đô-chê không cúi mình chào kính tể tướng Ha-man. Vì vậy tể tướng Ha-man âm mưu diệt trừ ông Mạc-đô-chê và toàn bộ dân tộc của ông Mạc-đô-chê – tức là dân Do Thái (3:5-6). Dường như đây cũng chính là hình ảnh mô tả cuộc sống của Cơ Đốc nhân. Thường thường là nếu bạn yêu mến Đức Chúa Trời và vâng giữ các điều răn luật lệ của Ngài thì rốt cuộc bạn sẽ bị người ta bức hại (xemMathio 5:112Ti 3:12). Nhưng vì sao Đức Chúa Trời để cho người ta bức hại dân của Ngài? Phải chăng Đức Chúa Trời cho phép điều đó xảy ra để giữ dân Ngài khỏi bị đồng hoá và khỏi mất dân tộc tính? Đức Chúa Trời đặt để chúng ta sống trong thế gian này. Trên nhiều phương diện Ngài đặt chúng ta sống trong lãnh thổ của kẻ thù nghịch. Thế gian này không phải là quê nhà của chúng ta. Nhưng đôi lúc chúng ta quên sự kiện này nên chuốc lấy khó khăn, rắc rối vì mải lo rập theo tiêu chuẩn của thế gian. Nhưng khi nào người ta không chấp nhận những việc làm công chính của chúng ta thì lúc ấy chúng ta biết chắc rằng chúng ta được nhìn nhận là dân của Đức Chúa Trời. Phần thứ nhất của sách không chỉ ghi lại nguyên nhân dẫn đến cuộc mưu sát mà còn ghi lại sự chuẩn bị cho dân sự Đức Chúa Trời. Mặc dầu sách này không nhắc đến danh của Đức Chúa Trời, nhưng rõ ràng có quá nhiều việc ngẫu nhiên xảy ra theo sự sắp đặt của Ngài mà người ta không giải thích được. Bà Ê-xơ-tê trở thành hoàng hậu của đế quốc Ba Tư trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Ông Mạc-đô-chê tình cờ nghe được âm mưu sát hại vua và ông đã có thể chận đứng âm mưu ấy. Rồi có một đêm, vì mất ngủ vua truyền đem sách lịch sử đất nước ra đọc. Nhờ đó vua mới đọc đến lòng can đảm của ông Mạc-đô-chê trong việc ngăn chận âm mưu ám hại vua.

II. Dân của Đức Chúa Trời được bảo toàn (6-10) Nhưng Đức Chúa Trời chuẩn bị ông Mạc-đô-chê và bà Ê-xơ-tê nhằm mục đích gì? Đức Chúa Trời muốn dùng họ để bảo toàn dân Ngài. Phần thứ hai của sách chép rất rõ ràng về điều này. Nhờ cứu vua khỏi bị ám hại nên ông Mạc-đô-chê được vua ban thưởng.Ông Mạc-đô-chê đã chứng tỏ rằng ông là bầy tôi trung thành. Bà Ê-xơ-tê tự tìm cơ hội để yết kiến vua. Đây là một hành động rất nguy hiểm và khác thường, vì theo luật pháp, người ta phải chờ có lệnh vua triệu đến mới được yết kiến vua. Nếu vua không chấp nhận cho bà Ê-xơ-tê yết kiến vua, chắc chắn bà sẽ bị xử tử. Nhưng một lần nữa, có vẻ như tình cờ mà vua chấp nhận lời thỉnh cầu của bà Ê-xơ-tê. Bà bày tỏ cho vua biết rằng tể tướng Ha-man và phe phái của ông mưu toan tàn sát bà và toàn bộ dân tộc của bà, tức là dân Do Thái. Vua ra lệnh treo cổ tể tướng Ha-man rồi ban sắc lệnh cho phép người Do Thái tự vệ khi bị kẻ thù tấn công. Đừng quên là sách còn gói ghém ý mỉa mai nữa. Phân nửa trước của sách trình bày một tình thế có vẻ như một cuộc khủng hoảng thực sự nhưng rốt cuộc biến thành cơ hội cho dân Đức Chúa Trời đắc thắng và ăn mừng. Sang phần sách thứ hai tình thế thay đổi hoàn toàn (9:1). Trong phần thứ nhất vua trao nhẫn cho ông Ha-man (3:10). Sang phần thứ hai, người được vua trao nhẫn là ông Mạc-đô-chê (8:2). Trong phần một ông Mạc-đô-chê khước từ cúi mình xuống trước mặt ông Ha-man (3:2). Trong phần hai, ông Ha-man phủ phục nơi chân hoàng hậu Ê-xơ-tê và cầu khẩn bà cứu mạng (7:8). Trong phần thứ nhất, ông Ha-man kiêu ngạo, khoe khoang về sự giàu có và địa vị của mình (5:11). Sang phần thứ hai, ông Ha-man bị treo cổ trên cây mộc hình mà chính ông cho dựng lên để treo ông Mạc-đô-chê (7:10). Trong phần thứ nhất, tất cả dân Do Thái đều kiêng ăn (4:3,16). Nhưng đến phần thứ hai, dân Do Thái mở tiệc ăn mừng (8:17;9:17-22). Mở đầu sách, người ta gieo súc sắc để định ngày tàn sát dân Do Thái (3:7). Và kết thúc sách, dân Do Thái ấn định ngày lễ kỷ niệm chiến thắng của họ (9:24tt). Ngày lễ này được gọi là “Phu-rim” (số nhiều của từ ‘pur’, có nghĩa là ‘gieo súc sắc’). Vậy qua câu chuyện này chúng ta rút ra bài học rằng dầu sống trong hoàn cảnh đầy tuyệt vọng, nhưng nếu dân Đức Chúa Trời can đảm đứng về phía Ngài thì họ sẽ chiến thắng khải hoàn.

Trọng tâm

Cánh cửa cơ hội để bạn giúp đỡ dân Đức Chúa Trời sẽ không rộng mở cho bạn mãi mãi.

Thực hành

Đúng vậy, chính Đức Chúa Trời sẽ giải cứu dân của Ngài. Nhưng bạn có sẵn sàng dự phần vào chương trình của Ngài không? Đức Chúa Trời đặt chúng ta ở vị trí chiến lược, vào thời điểm chiến lược để chúng ta có thể giúp đỡ dân Ngài. Ngày nay, trên khắp thế giới, dân sự Đức Chúa Trời đang sống trong cuộc khủng hoảng. Nhiều người đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Nông dân bị đe dọa mất đất canh tác. Người thuê nhà bị đe dọa mất nơi an thân. Công nhân lâm cảnh thất nghiệp. Cơ Đốc nhân nào đang ở trong những vị trí có quyền lực hoặc đang công tác với nhau vẫn có thể thực hiện lẽ công bằng. Một số dân của Đức Chúa Trời đang sống trong cuộc khủng hoảng chính trị. Một số người đang sống trong chốn lao tù. Chúng ta cần viết bài giúp người khác quan tâm đến cảnh khốn khó của họ. Còn một số khác sống trong những gia đình bị khủng hoảng. Họ bị hành hạ, bị lạm dụng nhục nhã. Số còn lại, như dân Do Thái lâm cảnh khổ đau bởi sự bức hại về tôn giáo và chủng tộc. Trước thực trạng này, tương tự như dân Do Thái, chúng ta cần làm ba điều. Thứ nhất, chúng ta phải kiêng ăn và cầu nguyện (4:16). Thứ hai, chúng ta cần lên tiếng và tận dụng cơ hội mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta (4:14). Thứ ba, chúng ta phải sẵn sàng hành động để tìm ra một giải pháp cho dù chính mình chúng ta phải trả giá. Khi ông Mạc-đô-chê kêu gọi bà Ê-xơ-tê cứu nguy dân tộc, bà đáp ứng ngay rằng: “Nếu con phải chết thì con chết” (4:16). Chúng ta phải trang bị cho chính mình một tinh thần sẵn sàng hi sinh giống như vậy. Tôi thường tự hỏi rằng vì sao trong bữa ăn cuối cùng, không môn đệ nào tình nguyện rửa chân cho nhau? (Giang 14:1-31) Phải chăng họ không sẵn lòng? Có lẽ vậy. Nhưng tôi nghi rằng họ chờ đợi nhau. Dĩ nhiên, tôi không dám võ đoán về điều này. Nhưng có lẽ ai nấy đều nghĩ rằng: “Tôi sẽ làm điều đó nếu không ai khác sẵn lòng làm”. Và kết quả là họ mất cơ hội phục vụ. Câu Kinh Thánh chính của sách Ê-xơ-tê chép rằng: “Vì nếu con làm thinh trong lúc này đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác, còn con và nhà cha con đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà con được vị hoàng hậu sao?” (Exote 4:14). Sứ đồ Phao-lô cũng có cùng ý tưởng đó: “Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin.” Đức Chúa Trời huấn luyện chúng ta trong nhiều năm để chúng ta sẵn sàng bắt tay vào việc trong giây phút Ngài kêu gọi. Bạn có sẵn sàng đáp ứng tiếng kêu gọi của Đức Chúa Trời không? Bạn có phải là quân nhân trừ bị của Đức Chúa Trời, sẵn sàng tác chiến khi Ngài cần không? Ê-XƠ-TÊ Ý chính: Đế quốc Ba Tư (và) Lễ Phu-rim Chủ đề chính: Dân của Đức Chúa Trời Cụm từ chính: ‘dân Giu-đa’ (51 lần) Câu chính: “Vì nếu con làm thinh trong lúc này đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được tiếp trợ và giải cứu bởi cách khác,còn con và nhà cha con đều sẽ bị hư mất; song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ hội hiện lúc nầy mà con được vị hoàng hậu sao?” (Exote 4:14) Bài học chính: Cánh cửa cơ hội để bạn giúp đỡ dân sự của Đức Chúa Trời không rộng mở mãi mãi.

GIÓP

Tác giả: Không rõ (ông Gióp?) Thời kỳ hình thành sách: Không rõ (thời kỳ các tổ phụ?) Mục đích: Nhằm ban cho chúng ta sự khôn ngoan để hiểu ý nghĩa của những thử thách trong cuộc đời. Đối tượng: Dân Đức Chúa Trời đang lâm cảnh hoạn nạn mà không rõ nguyên do.

Tản mạn

 Hơn 100 năm về trước, bốn người con của ông Horatio Spafford chết đuối trong một vụ đắm tàu ở Đại Tây Dương. Khoảng một tháng sau, chính ông Spafford đi tàu vượt Đại Tây Dương đến Châu Âu để đoàn tụ với vợ ông, là người sống sót sau vụ đắm tàu. Khi tàu đang đi vào một vùng biển nọ, viên thuyền trưởng báo cho ông Spafford biết rằng chiếc tàu chở các con ông bị đắm trong vùng biển này. Ông Spafford không ngủ được suốt đêm đó. Nhờ vậy ông viết bài thánh ca nổi tiếng ‘Tâm linh tôi, yên ninh thay’ . “Khi tôi được bình tịnh dòng sông chảy theo đường đời , Hoặc lắm thống bi như ba đào sôi ; Hoàn cảnh dẫu ra sao , Christ khuyên cứ nói sắt đinh : ‘Linh hồn ôi , ta yên ninh , thật yên ninh’” . Khi lâm cảnh khổ đau hoặc tang tóc, ai ai cũng thắc mắc: Nỗi đau này nhằm mục đích gì? Đức Chúa Trời có công bằng không? Đức Chúa Trời có quan tâm không? Ngài có hiện diện không? Những câu hỏi này ám ảnh chúng ta dù chúng ta đã đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dành trọn một sách để giải đáp những câu hỏi này. Đó là sách Gióp, một trong những sách dài nhất của Kinh Thánh. Như vậy chứng tỏ rằng đây là những câu hỏi quan trọng, phải có lời giải đáp thật rõ ràng, cụ thể chứ không mông lung, đại khái. Hầu hết các tôn giáo đều phải đối diện với nan đề này nhưng không tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Riêng Cơ Đốc giáo có lời giải đáp nào tốt hơn không? Chúng ta hãy tìm câu trả lời trong sách Gióp.

Thâm nhập

Toàn bộ năm phần của sách này cho chúng ta biết con người có thể phản ứng theo một trong năm cách giữa cơn khổ đau. Phần thứ hai, phần dài nhất, viết về cách phản ứng thứ hai và ba – đó là phản ứng của ba bạn của ông Gióp và phản ứng của chính ông Gióp. Phần này ghi lại ba lượt phát biểu của ba bạn và của ông Gióp. Từng người (trong số ba) bạn của ông Gióp lần lượt phát biểu ý kiến. Riêng trong vòng 3, có một người bạn của ông Gióp không phát biểu và ông Gióp đáp lời họ. Nhưng trước khi bàn luận sâu hơn vào phần này, chúng ta cùng xem xét phản ứng thứ nhất đối với nỗi khổ đau. I. Phản ứng thứ nhất (1-2) Trước tiên là phản ứng của bà Gióp. Bà bảo ông hãy “nguyền rủa Đức Chúa Trời rồi chết đi” (Giop  2:9). Đây cũng là hướng quyết định của nhiều thanh niên ngày nay: nếu cuộc đời đau khổ, thà kết thúc cuộc đời cho rồi. Nhưng tự tử chẳng phải là giải pháp đâu. Trước hết, tự tử là giết chính mình, mà giết người là điều sai. Thứ hai, tự tử làm khổ người khác nhiều hơn. Thứ ba, một số người không thể tự giết mình được. Cô Joni Erickson muốn tự tử, nhưng cô ta không thể thực hiện việc đó. Cú nhảy làm cho cô ta liệt từ cổ xuống, hai cánh tay không còn cử động được nữa. Tự tử là phản ứng không thể chấp nhận được khi gặp khổ đau. II. Phản ứng thứ hai (3-31) Ăn năn là cách phản ứng thứ hai trong nỗi khổ đau. Đây là quan điểm của ba bạn của ông Gióp. Đối với họ, mọi khổ đau đều là hậu quả của tội lỗi. Do đó họ nghĩ rằng chắc ông Gióp có phạm tội nên ông mới lâm vào cảnh khổ đau. Chắc chắn hoạn nạn là kết quả của tội lỗi (4:7,88:2011:4-615:620:4-5). Họ khuyên ông Gióp: “Hãy ăn năn đi rồi anh sẽ được phục hồi” (8:5-611:13-1522:21-28). Nhưng ông Gióp thấy là mình không phạm một tội nào cả. Phải chăng ông có lý còn các bạn của ông sai? Đúng vậy, đau khổ thường xảy ra vì cớ tội lỗi; nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Cả ông Gióp lẫn các bạn của ông đều không ngờ có cuộc nói chuyện giữa Đức Chúa Trời với Sa-tan. Các bạn của ông Gióp làm tôi nhớ đến nhóm Cơ Đốc nhân ‘Xác định nhu cầu rồi xin cụ thể’ (‘Name it, claim it’) hiện nay. Họ cho rằng có người triền miên khổ đau vì thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời – và đó là tội lỗi. Khi bạn cần họ nâng đỡ khích lệ nhất thì họ lại là người lên án bạn nhiều nhất. Trong khi phản ứng của bà Gióp là không thể chấp nhận được thì phản ứng của ba bạn của ông Gióp cũng không thể áp dụng được. III. Phản ứng thứ ba (3-31) Phản ứng thứ ba là phản ứng của chính ông Gióp. Ông kết luận rằng Đức Chúa Trời không quan tâm, chăm sóc ông. Trong nhiều khía cạnh ông Gióp suy nghĩ rất giống ông Rabbi Kushna trong quyển sách “Vì sao những điều tồi tệ lại xảy đến cho dân của Đức Chúa Trời” (Why Bad Things Happen to Good people) . Ông Rabbi Kushna giải thích rằng khi lớn khôn rồi trẻ em sẽ nhận ra rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng có thể sửa chữa đồ chơi cho em được dù họ rất muốn. Tương tự, chúng ta phải thông cảm, chấp nhận hoàn cảnh khi Đức Chúa Trời không thể loại bỏ mọi khổ đau khỏi đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời vẫn yêu thương chúng ta. Nhưng quyền năng Ngài có giới hạn, Ngài sẵn sàng loại bỏ khổ đau khỏi cuộc đời chúng ta nhưng không thể. Ngược lại, ông Gióp nghĩ rằng Đức Chúa Trời có quyền năng để loại bỏ khổ đau khỏi đời sống ông nhưng Ngài không sẵn lòng làm điều ấy. Ông gọi Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng (6:4). Ông không nghi ngờ về quyền tể trị cao cả của Đức Chúa Trời nhưng ông nghi ngờ về thái độ sẵn sàng giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Cả hai ông Gióp lẫn ông Rabbi Kushna đều phản ứng sai. Kinh Thánh dạy chúng ta rất rõ ràng rằng Đức Chúa Trời vừa có năng lực vừa sẵn sàng giải thoát chúng ta khỏi nỗi khổ đau . Chương 19:7 tóm tắt lời than vãn của ông Gióp. Giản lược lại thì chúng ta thấy ông than vãn về hai điều: “Đức Chúa Trời ôi, Ngài không quan tâm”, và “Đức Chúa Trời ôi, Ngài không công bằng”. Hàng ngàn năm qua, trên khắp thế giới khi gặp khổ đau, nhiều Cơ Đốc nhân cũng than vãn như vậy với Đức Chúa Trời. Cơ Đốc nhân nào kém cỏi về phần thuộc linh thì lo trấn áp tinh thần để không than vãn như thế. Còn Cơ Đốc nhân nào gần gũi với Đức Chúa Trời hơn thì dám trực diện với nan đề và nói ra những cảm nghĩ sâu xa nhất của họ đối với Đức Chúa Trời. Dầu vậy, ông Gióp có đôi điều đáng được công nhận. Dù ngoài miệng ông than phiền Đức Chúa Trời, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn ông vẫn tin cậy Đức Chúa Trời. Ông nói rằng: “Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài; nhưng ta sẽ binh vực tánh hạnh ta trước mặt Ngài.” (Giop G 13:15). Và “Còn tôi, tôi biết rằng Đấng Cứu chuộc tôi vẫn sống; đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất” (19:25-27). Khi chìm ngập trong nỗi khổ đau, chúng ta thường bị cám dỗ nói quá mấu còn hơn cả ông Gióp: ‘Đức Chúa Trời ôi, Ngài không quan tâm, Ngài không công bằng’; rồi chúng ta còn thêm: ‘Đức Chúa Trời ôi, Ngài không hiện hữu”. Hễ nói như thế tức là đã bước qua lằn ranh chân thành bộc lộ cảm nghĩ của mình và bước vào con đường dẫn xuống nỗi tuyệt vọng cùng cực. Người nào chối bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời thì người đó là kẻ ngu dại (Thi Thien 14:1). Khi hoạn nạn khổ đau có lẽ bạn đâm nghi ngờ về quyền năng của Đức Chúa Trời và nghĩ rằng Ngài không sẵn sàng giải thoát bạn khỏi cảnh ngộ khốn đốn đó. Nhưng đừng bao giờ nghi ngờ về sự hiện hữu hoặc sự cứu rỗi của Ngài. Người lâm cảnh, hoạn nạn khổ đau thường mắc phải cái bẫy cám dỗ thứ hai nữa. Đó là tự xem mình là trung tâm. Ông Gióp đã mắc vào bẫy cám dỗ này. Vì khốn đốn trong cảnh hoạn nạn ông không hề ngước đầu lên để thấy rằng dầu sao các bạn của ông vẫn có chủ ý tốt. Đức Chúa Trời vẫn quan tâm, chăm sóc và vẫn tể trị trên toàn thế giới. Ngược lại có những cảnh thật là đẹp khi mà một số Cơ Đốc nhân dù đang khổ đau vẫn quan tâm chăm sóc và an ủi người khác. Bằng chứng tốt đẹp mà ai nấy cần thấy là sự kiện họ sống gần gũi với Đức Chúa Trời. IV. Phản ứng thứ tư (32-37) Cách phản ứng thứ tư là phản ứng của ông Ê-li-hu. Ông cho rằng Đức Chúa Trời dùng khổ đau để dạy chúng ta những bài học quan trọng về cuộc sống (33:14-1929-30;36:10,15). Hầu hết các mục sư truyền đạo đều chủ trương theo hướng này. Họ nói rằng, sách này cho thấy khổ đau trong đời sống chúng ta nhắm đến ba mục đích sau đây: (1) Làm vinh hiển Danh Đức Chúa Trời. (2) Vô hiệu hoá sự dối trá của Sa-tan. (3) Tinh luyện đức tin của Cơ Đốc nhân. Dầu đúng 100% nhưng giải thích như thế là chưa đủ. Nỗi khổ đau dạy người ta nhiều điều hơn nữa. Nhưng vài tuần lễ là đủ cho họ tiếp thu bài. Vậy sao họ lại phải chịu khổ đau hàng mấy tháng trời, thậm chí suốt nhiều năm dài dằng dặc? V. Phản ứng thứ năm (38-42) Cuối cùng chính Đức Chúa Trời đưa ra lời giải đáp về sự khổ đau. Nhưng lời đáp của Ngài có tính cách rất huyền bí. Đức Chúa Trời nói chuyện trực tiếp với ông Gióp suốt 5 chương của sách. Nhưng Ngài không hề đề cập đến nỗi khổ đau của ông. Đức Chúa Trời không tiết lộ cuộc nói chuyện giữa Ngài với Sa-tan. Ngài cũng không giải thích nguyên nhân hoặc mục đích của nỗi đau khổ mà ông gánh chịu. Đức Chúa Trời cũng không kết luận là ông Gióp đúng hoặc sai. Dù ông Gióp quả quyết rằng mình vô tội thì Đức Chúa Trời vẫn không phán quyết đúng sai gì cả. Trái lại, Ngài ‘dồn dập chất vấn’ ông với khoảng 70 câu hỏi về thiên nhiên và các loài thú. Các câu hỏi này có vẻ như chẳng có liên quan gì đến các câu hỏi của ông. Nhưng thật ra đó là các câu giải đáp mà ông Gióp thật sự cần biết. Ông Gióp than phiền về hai điều chính. Thứ nhất, ông than phiền là Đức Chúa Trời ẩn mặt không đáp lời kêu cầu của ông trong cơn hoạn nạn (13:3,2419:723:3-530:2031:35). Thứ hai, ông than phiền là Đức Chúa Trời không xét lẽ công bình cho ông. Người công chính phải chịu nhiều khổ đau hoạn nạn còn kẻ ác lại được cường thạnh