Tác giả:
Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách:
Năm 60 SC khi các tà thuyết vừa khởi phát.

Mục đích:
Nhằm chỉnh sửa lại niềm tin sai lạc về Chúa Cứu Thế.
Đối tượng:
Những người tìm cách tăng trưởng về phần tâm linh bằng cách trau giồi kiến thức “đặc biệt” hoặc tuân thủ nghiêm nhặt các luật lệ.
Tản mạn
Hồi chúng tôi còn nhỏ có một lần anh tôi bày tôi một trò đùa: khi em ở trong một chiếc xe buýt chật ních mà xe qua chỗ có một tai nạn giao thông nghiêm trọng, thì em la lên: “Tôi thấy một cái đầu người! Một cái đầu người!” Thế là tất cả hành khách trên xe tranh nhau đến bên cửa sổ để nhìn xuống đường. Khi chẳng thấy gì cả, họ ngỡ ngàng trở về chỗ ngồi và hỏi em: “Cái đầu người đâu? Chẳng thấy đầu người nào cả?” Lúc ấy em chỉ vào đầu một hành khách nào đó và trả lời: “Đó!” Hằng ngày trong cuộc sống, chúng ta đều nhìn thấy nhiều đầu người, nhưng chúng ta chẳng hề kinh hãi. Lý do rất đơn giản: mỗi đầu người mà chúng ta thấy toàn là những cái đầu còn gắn liền với thân thể của người ta. Chỉ khi nào cái đầu bị đứt rời khỏi thân thể thì mới trở thành một cảnh tượng đáng khiếp sợ! Chúa Cứu Thế là Đầu của Hội Thánh và chúng ta là các chi thể trong thân thể Ngài, tức là Hội Thánh. Khi các chi thể trong thân được liên hiệp cách đúng đắn với Đầu, thì chúng ta mới có thể sống và phát triển đúng mức. Nhưng khi thân thể không còn liên hiệp với Đầu, thì chẳng có một sự phát triển nào cả.
Tản mạn
Một giáo sư (hoặc vài giáo sư) tà giáo, tức là người “chẳng còn liên hiệp gì với Đầu” (2:19 N.I.V) dạy tín hữu tại Cô-lô-se rằng một mình Chúa Cứu Thế không thể đáp ứng thoả đáng hoặc không tạo đủ điều kiện để cứu rỗi họ và làm cho họ tăng trưởng. Muốn cho đời sống thuộc linh tăng trưởng họ phải có thêm kiến thức huyền nhiệm về thiên sứ họ các linh trong thế giới huyền bí. Niềm tin sai lạc này đã dẫn đến hàng loạt những hành vi sai trái. Vì Chúa Cứu Thế (trong sự hiểu biết sai lạc của họ) chưa hội đủ điều kiện cho sự cứu rỗi và tăng trưởng của họ, nên họ phải sống khắc khổ ép xác để đạt đến sự đầy trọn hoặc trọn vẹn trong nếp sống Cơ Đốc (của họ) . Do đó, với bức thư gửi cho tín hữu ở Cô-lô-se ông Phao-lô nhắm vào hai mục tiêu. Trong nửa phần đầu (1:1-2:5), ông chỉnh sửa niềm tin sai lạc của họ về Chúa Cứu Thế. Trong nửa phần sau (2:6 đến 4:18), ông chỉnh sửa hành vi sai trái của họ trong Chúa Cứu Thế.
I. Nhận biết cách đầy đủ về Chúa Cứu Thế (1:1-2:5)
Nửa phần trước bức thư cho biết ông Phao-lô làm ba điều để chỉnh sửa niềm tin sai lạc của họ:
• Ông cầu nguyện cho họ (1:9).
• Ông khuyên dạy họ (1:23) và
• Ông lao khổ vì họ (1:29). Trước tiên, ông cầu nguyện cho họ (1:1-14). Ông xin Đức Chúa Trời ban cho họ hiểu đầy đủ về Chúa Cứu Thế (1:9). Hiểu biết đầy đủ về Chúa Cứu Thế bắt đầu bằng sự hiểu biết về Đức Chúa Cha. Đức Chúa Cha đã làm ba việc cho chúng ta thông qua Con Ngài:
• Ngài “làm cho chúng ta xứng đáng chung hưởng cơ nghiệpvới các thánh đồ” (1:12).
• Ngài “giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của sự tối tăm” (1:13), và
• Qua Con Ngài “chúng ta có sự cứu chuộc nhờ huyết Ngài” (1:14).
Cả ba việc này đều thuộc về thì quá khứ. Như vậy nghĩa là các việc ấy đã hoàn tất và dành sẵn cho chúng ta. Vì thế chúng ta không cần phải làm thêm bất cứ điều gì cả. Thứ hai, ông Phao-lô khuyên họ phải hiểu biết đầy đủ hơn về Chúa Cứu Thế (1:15-24), tức là nhận biết Chúa Cứu Thế Giê-xu là:
• Hoàn toàn là Đức Chúa Trời (1:19), là Đấng sáng tạo vạn vật (1:15-17).
• Hoàn toàn là Đầu của Hội Thánh, là Đấng đã từ kẻ chết sống lại (1:18) và
• Là Con Người toàn hảo, là Đấng đã chịu chết vì chúng ta (1:20-22). Thứ ba, ông Phao-lô lao khổ vì họ (1:25-2:5). Ông nỗ lực làm việc vì sự trưởng thành của họ trong Chúa Cứu Thế. Cần chú ý rằng ông Phao-lô làm việc không phải để họ được đầy đủ hơn trong Chúa Cứu Thế. Họ đã hoàn hảo trong Chúa Cứu Thế rồi (2:10). Ông Phao-lô chịu khổ nhọc vì họ để họ được trưởng thành hơn trong Chúa Cứu Thế (1:28). Một em bé dù đã hoàn hảo, nhưng phải lớn lên để trưởng thành. Cũng vậy, Cơ Đốc nhân đã được hoàn hảo trong Chúa Cứu Thế, nhưng họ vẫn cần lớn lên để trưởng thành trong Chúa Cứu Thế. Đời sống trưởng thành trong Chúa Cứu Thế gồm có ba đặc điểm sau đây:
• Kiên trì trong đức tin (1:23).
• Hy vọng về Phúc Âm (1:23, 27), và
• Hiệp nhất trong tình yêu thương (2:2). Nói cách khác, các tín hữu tại Cô-lô-se phải học tập thể hiện tri thức thành hành động, thể hiện đức tin thành tình yêu thương. Họ phải tiến từ chỗ Học Biết về Chúa Cứu Thế đến chỗ thể hiện nếp sống mới trong Chúa Cứu Thế. Họ cần trưởng thành từ chỗ hiểu biết về Chúa Cứu Thế, là Đầu Hội Thánh, đến chỗ hiệp nhất làm Thân Thể Chúa Cứu Thế. Phần thứ nhất (1:1-2:5), tức là phần tập trung vào sự hiểu biết về Chúa Cứu Thế, được gói ghém với lời cầu nguyện trong 1:9: “xin Đức Chúa Trời ban cho anh em… hiểu biết thiêng liêng”. Phần thứ hai, là phần tập trung vào nếp sống trong Chúa Cứu Thế, được tóm tắt bằng câu Kinh Thánh kế tiếp – “hầu cho anh em ăn ở cách xứng đáng với Chúa, đặng đẹp lòng Ngài mọi đường” (1:10).
II. Cuộc sống hoàn hảo trong Chúa Cứu Thế (2:6-4:18) Phần thứ nhất tập trung vào tri thức và sự hiểu biết (1:9, 2:2). Phần thứ hai tập trung vào cuộc sống và sống (2:6, 20, 3:3, 4, 7, 4:5). Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô khuyên chúng ta hãy hiểu biết đầy đủ (2:2). Trong phần thứ hai, ông khuyên chúng ta phải hoàn hảo trong việc làm (4:7). Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô cầu xin Chúa ban cho anh em tín hữu tại Cô-lô-se “được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn Ngài với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết” (1:9). Trong phần thứ hai, ông nhắc đến lời cầu nguyện của một người bạn đồng công với ông để họ “trở nên toàn vẹn và trọn lòng vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời” (4:12). Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô làm ba việc: ông cầu nguyện, dạy dỗ và lao nhọc để họ hiểu biết đầy đủ trong Chúa Cứu Thế. Trong phần thứ hai, ông cũng làm ba điều. Ông cho họ biết rằng một đời sống liên hệ mật thiết với Chúa Cứu Thế là:
• Không bị người khác xét đoán (2:6-23).
• Chiến thắng tội lỗi (3:1-11) và
• Hiệp nhất với người khác trong tình yêu thương (3:12-4:6). Chúng ta được liên kết chặt chẽ với Chúa Cứu Thế trong những phương diện sau đây:
• Chúng ta đã Tin Nhận Chúa Cứu Thế (2:6) và do đó, chúng ta cũng đã:
• Đâm rễ trong Ngài (2:7)
• Được hoàn hảo trong Ngài ( 2:10 theo nguyên văn: “được đầy dẫy”)
• Chịu cắt bì trong Ngài (2:11)
• Được chôn với Ngài bởi phép báp-tem (2:12 theo nguyên ngữ: “đồng chôn”)
• Được sống lại với Ngài (2:12, 3:1 nguyên ngữ “đồng sống lại”)
• Được làm cho sống lại với Chúa Cứu Thế (2:13 nguyên ngữ “đồng được làm cho sống lại”)
• Cùng chết với Chúa Cứu Thế (2:20, 3:3)
• Được giấu kín với Chúa Cứu Thế (3:3) và sẽ được
• Hiện ra với Ngài (3:4). Một khi bạn thực hiện mục thứ nhất trong số những mục này (tin nhận Chúa Cứu Thế) , tất cả những mục còn lại trong bảng liệt kê sẽ tự động được thực hiện cho bạn. Giờ đây, chúng ta chuyển trọng tâm chú ý sang ba kết quả của sự kiện chúng ta liên kết chặt chẽ với Chúa Cứu Thế. Thứ nhất, mối liên hệ khắng khít với Chúa Cứu Thế làm cho chúng ta khỏi bị người khác xét đoán về món ăn thức uống và việc chúng ta làm trong Ngài thánh (2:16). Vì chúng ta đã được đồng chôn và đồng sống lại với Chúa Cứu Thế (2:12), Chúa Cứu Thế đã huỷ bỏ món nợ tội lỗi của chúng ta (2:13-14). Ai tìm cách tăng trưởng tâm linh bằng sự thờ lạy thiên sứ (2:18) và sống khắc khổ ép xác (2:21) là người dạy một hệ thống tôn giáo đặt cơ sở trên những nguyên tắc của thế gian (2:8). Sống cuộc đời Cơ Đốc theo các luật lệ nghiêm nhặt “dầu bề ngoài có vẻ khôn ngoan, là bởi thờ lạy theo ý riêng, cách khiêm nhượng và khắc khổ thân thể mình; nhưng không ích gì để chống cự lòng dục của xác thịt” (2:23). Khi chúng ta sống trong mối liên hệ khắng khít với Chúa Cứu Thế dẫn đến kết quả thứ nhất là chúng ta được tha tội; còn kết quả thứ hai là chúng ta có thể đắc thắng tội lỗi (3:1-11). Vì Chúa Cứu Thế đã tách rời chúng ta ra khỏi thân thể tội lỗi (2:11), nên chúng ta có thể tiêu diệt các việc (theo nguyên ngữ: “những chi thể”) của thế gian (3:5). Phương cách thực hiện điều này là tập trung tâm trí vào các việc trên trời, chứ không phải các việc thế gian (3:2). Chúng ta không nên khởi đầu bằng cách nỗ lực kềm chế thể xác. Việc này chẳng đem lại kết quả gì. Khi chúng ta tập trung vào việc kềm chế thể xác là chúng ta tập trung tâm trí vào các việc trần gian. Muốn tập trung tâm trí vào việc thiên thượng, chúng ta phải tập trung vào mối liên lạc khắng khít với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta phải thắng trận trong cuộc chiến ở nội tâm trước rồi mới có thể thắng trận trong cuộc chiến thuộc thể. Do đó, nguyên tắc căn bản ở đây là phải tiếp nhận và vận dụng những điều Chúa Cứu Thế đã ban cho chúng ta chứ không phải là tìm tòi và thâu thập thêm kiến thức cùng tu thân ép xác. Thứ ba, mối tương quan mật thiết giữa chúng ta với Chúa Cứu Thế cho phép chúng ta lập mối tương quan với người khác trong tình yêu thương (3:12-4:6). Vì chúng ta đã được mặc lấy “người mới” (3:10), chúng ta có thể mặc lấy những đức hạnh của con người mới trong Chúa Cứu Thế (3:12-14). Chúng ta phải vận dụng những đức hạnh này vào sinh hoạt của chúng ta trong Hội Thánh (3:15-17), trong gia đình (3:18-21), trong việc mưu sinh (3:21-4:1), và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta (4:2-6). Chúa Cứu Thế phải là Đầu (của) Hội Thánh, của gia đình, của công việc, và dĩ nhiên là Đầu của sự cầu nguyện của chúng ta. Bài học chính của bức thư này nhằm nhắc nhở chúng ta duy trì và phát triển, tăng trưởng đời sống tâm linh trong mối tương quan mật thiết với Chúa Cứu Thế, là Đầu chúng ta. Nếu thiếu mối tương quan với Đầu, chúng ta sẽ mất khả năng kiểm soát thể xác và các lãnh vực khác trong đời sống của chúng ta. Trọng tâm Cứ duy trì mối tương quan với Đầu, thì bạn sẽ duy trì được khả năng kiểm soát thể xác của bạn. Thực hành Khi chúng ta đối đầu với tội lỗi, kẻ thù lớn nhất của chúng ta là Bản Ngã của chúng ta. Và để chiến thắng con người cũ, chúng ta phải luôn ghi nhớ ba nguyên tắc căn bản dưới đây:
Nguyên tắc thứ nhất là nguyên tắc của Chúa Cứu Thế: chúng ta chỉ có thể sống một cuộc đời mới trong Chúa Cứu Thế khi chúng ta (tức là người cũ của chúng ta) đã bị đóng đinh với Chúa Cứu Thế.