Tác giả: Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách: Năm 61 SC khi ông Phao-lô ở tù tại La-mã.
Mục đích: Nhằm khích lệ thành phần Cơ Đốc nhân ủng hộ ông Phao-lô để họ không nản lòng về việc ông đang ở tù hoặc do tình trạng xung đột giữa những nhân sự trong Hội Thánh.

 

Đối tượng: Các tín hữu (và các nhân sự) không còn cảm thấy vui vẻ khi phục vụ Chúa trong Hội Thánh.

Tản mạn

Hỏi: Ông Phao-lô thích dầu gội đầu loại nào nhất? Đáp: Rejoice 2 trong 1!

Hỏi: Ai nên dùng dầu gội đầu loại này? Đáp: Tất cả các Cơ Đốc nhân, đặc biệt là nhân sự phục vụ trọn thời gian! Vui mừng là loại dầu gội đầu 2 trong 1 vừa là dầu gội đầu vừa là dầu dưỡng tóc. Vì là dầu gội đầu, nó được pha chế nhằm tẩy sạch chất dơ trên tóc. Vì là dầu dưỡng tóc, nó được pha chế để cung cấp chất dưỡng tóc (Đây không phải là mẫu quảng cáo về dầu gội đầu đâu!) Bức thư của ông Phao-lô gởi cho người Phi-líp cũng tương tự như một loại dầu gội 2 trong 1. Nhưng thay vì tẩy sạch bụi dơ bẩn trên tóc, ông viết thư này nhằm xóa tan những ý nghĩ lo âu trong tâm trí. Và thay vì cung cấp chất dinh dưỡng cho tóc, ông viết bức thư này nhằm đem lại những ý nghĩ vui mừng cho tâm hồn. Một số người làm việc tích cực nhất trong Hội Thánh cũng là những người có ít niềm vui nhất. Thông thường, họ cảm thấy không ai quan tâm đến chức vụ cùng sự phục vụ của họ. Và khi họ có nhu cầu (cần tài chánh, nhân lực, sự giúp đỡ) thì chẳng có một người nào chăm sóc họ cả. Từ đó, họ mất hết niềm vui phục vụ và thậm chí có đôi lúc họ chẳng còn niềm vui sống nữa.

Thâm nhập

Chủ đề của sách Phi-líp là Vui Mừng . Trong bức thư ngắn ngủi gồm bốn chương này, từ ngữ “vui mừng” xuất hiện 16 lần ở dạng động từ hoặc danh từ. Lý do khiến ông Phao-lô liên tục giục giã tín hữu tại Phi-líp vui mừng là rất rõ ràng: họ không vui. Sở dĩ họ không vui vì vị mục sư cũng là nhà truyền giáo của họ, tức là ông Phao-lô, đang ở tù. Họ cũng không vui vì cớ có nhiều sự tranh chấp, cãi lẫy giữa những người cùng làm việc với nhau trong Hội Thánh. Do đó, ông Phao-lô khuyên bảo họ hãy “vui mừng trong Chúa.” Nhưng chúng ta cần chú ý rằng ông Phao-lô không chỉ khuyên bảo họ “vui mừng” nhưng “vui mừng trong Chúa” (3:1,4:4). Vì sao? Giữa “vui mừng” và “vui mừng trong Chúa” có gì khác biệt? Lời khuyên của ông Phao-lô khác hẳn lời khuyên của thế gian: “Hãy vui vẻ, đừng lo lắng” ra sao? Đây là những câu hỏi rất đơn giản. Nhưng nếu chúng ta không tự vấn với mấy câu hỏi này, có nguy cơ chúng ta đến gần, thật gần nhưng vẫn không tìm ra “bí quyết” vui mừng của ông Phao-lô.

I. Gương vui mừng trong Chúa (1-2)

Trong phần thứ nhất của bức thư (Chương 1 và 2) , bốn lần ông Phao-lô đề cập đến niềm vui mừng của chính mình ông (1:4182:217). Sang phần thứ hai (Chương 3 và 4) , ông khuyên các tín hữu tại Phi-líp vui mừng trong Chúa hai lần (3:14:4). Vì thế, chúng ta có thể đặt tựa đề cho phần thứ nhất là Gương vui mừng trong Chúa của ông Phao-lô và phần thứ hai là Lời khuyên vui mừng trong Chúa của ông Phao-lô. Ông Phao-lô mở đầu bức thư với lời cầu nguyện bày tỏ Đối Tượng và Điều làm cho ông vui mừng. Thứ nhất: Đối tượng làm ông Phao-lô vui mừng là anh em tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp (1:4). Thứ hai: Điều khiến ông vui mừng. Ông vui mừng về Phúc Âm, hoặc cụ thể hơn, ông vui mừng vì tín hữu tại Phi-líp đã tích cực góp phần với ông trong công cuộc truyền bá Phúc Âm (1:5). Phúc Âm là chủ đề chính của Chương 1. Nội dung chương này ông nói về Phúc Âm sáu lần (1:571216 và 2 lần trong câu 1:27). Ông vui mừng vì mặc dù ông bị giam cầm vì cớ truyền giảng Phúc Âm, nhưng Phúc Âm cứ tiếp tục lan rộng (1:12). Thật ra, không phải Phúc Âm vẫn lan rộng bất chấp cảnh lao tù của ông, nhưng vì cớ ông bị lao tù mà Phúc Âm ngày càng lan rộng. Khi thấy gương can đảm của ông Phao-lô, anh em tín hữu yêu mến ông bắt đầu thay ông thực hiện công tác truyền giảng Phúc Âm (1:14). Dầu vậy có một số người khác rao giảng vì muốn thành công hơn ông Phao-lô và muốn làm cho ông ghen tị (1:15). Tuy nhiên, ông Phao-lô không bận tâm đến động cơ thúc đẩy họ rao giảng Phúc Âm. Ông vui mừng chỉ vì Phúc Âm của Chúa Cứu Thế được truyền bá (1:18). Nói cách khác, ông Phao-lô vui mừng trong Chúa vì cớ dân của Chúa đang rao giảng về Chúa và đang tăng trưởng trong Chúa (1:25). Sở dĩ ông Phao-lô có thể vui mừng trong Chúa là vì ông cũng tập trung nhắm đến cùng một mục đích như các tín hữu khác – truyền bá Phúc Âm (1:272:2). Chương 2 giải thích làm thế nào có thể vui mừng trong Chúa. Điều ngăn trở chúng ta vui mừng trong Chúa là Bản Ngã. Tôi phải nhắm vào mục đích chung là phổ biến Phúc Âm. Nhưng vì cớ lòng vị kỷ, tôi có khuynh hướng chăm về lợi riêng của tôi (2:4). Ông Phao-lô đưa ra ba tấm gương về cách khắc phục vấn đề này – Chúa Cứu Thế (2:5-11), chính ông Phao-lô (2:12-18), và ông Ti-mô-thê và ông Ê-pháp-ra (2:19-30). Bí quyết ở đây là phải đồng tâm nhất trí với nhau (xem 1:272:2trong bản chuyển ngữ hoặc bản New America Standard Bible. Chúng ta chỉ có thể đồng tâm nhất trí khi tất cả chúng ta đều có tâm tình của Chúa Cứu Thế. Chúa Cứu Thế không khư khư giữ lại quyền bình đẳng với Đức Chúa Cha, nhưng Ngài từ bỏ mọi địa vị, quyền thế, tự hạ mình xuống và cam chịu thân phận người đầy tớ. Không phải Chúa Giê-xu chỉ chịu “nhục nhã” một chút. Nhưng Ngài từ bỏ hết mọi vinh quang đến mức bị sỉ nhục. Ngài đã hạ mình xuống tới đáy thấp nhất. Nói cách khác, hễ chúng ta không thể vui mừng vì cớ lo nghĩ về lợi riêng mình thì chúng ta phải nghĩ đến sự khiêm nhu của Chúa Cứu Thế. Nhờ làm như vậy, ông Phao-lô không còn chú ý đến hoàn cảnh riêng của ông (ông đang ở trong vòng xiềng xích), nhưng ông có thể chú tâm đến đức tin của tín hữu ở Phi-líp (2:17). Ông vui mừng và chia sẻ niềm vui với họ. Bạn không thể vui mừng trong cái tôi của bạn , nhưng bạn có thể vui mừng trong Chúa . Ông Ti-mô-thê cũng đồng một tâm tình đó và ông biểu lộ tâm tình đó qua việc chăm lo cho lợi ích của tín hữu ở Phi-líp chứ không phải lo việc riêng của ông (2:19-21). Ông Ép-ba-phô-đích suýt bỏ mạng vì công việc của Chúa Cứu Thế (2:25-30).

II. Lời khuyên vui mừng trong Chúa (3-4)

Sau khi nêu ra mấy tấm gương vui mừng trong Chúa ở phần thứ nhất, rốt cuộc ông đưa ra lời khuyên Vui mừng trong Chúa ở phần thứ hai (3:1). Trong phần thứ nhất, ông nêu ra những gương tích cực của Chúa Cứu Thế, của chính ông, ông Ti-mô-thê và ông Ép-ba-phô-đích. Trong phần thứ hai, ông mở đầu lời khuyên bằng cách nêu ra gương tiêu cực của “những kẻ làm công gian ác” (3:2), là những người không vui mừng trong Chúa. Trong nửa phần đầu của bức thư, ông Phao-lô cho anh em tín hữu tại Phi-líp biết rằng ông đang nghĩ về họ (nghĩa đen “trông coi họ” – 1:7), và ông bảo họ phải đồng tâm nhất trí với nhau (1:272:2) và có cùng một tâm tình với Chúa Cứu Thế (2:5 , nghĩa đen). Trong nửa phần sau của bức thư, ông bảo họ đừng giống như những “kẻ làm công gian ác” là những kẻ chỉ tập trung tâm trí vào những việc trần tục (3:19). Trái lại, chúng ta phải có một tâm tình trưởng thành (3:16 , nghĩa đen) giống như tâm tình của ông Phao-lô (3:16 , nghĩa đen). “Những kẻ làm công gian ác” tập trung tâm trí vào những việc trần tục bằng cách “đặt lòng tin cậy vào xác thịt” (2:4). Họ tập trung vào quá khứ theo đạo của họ và của tổ tiên họ và “chăm về việc riêng của họ”. Trái lại, ông Phao-lô chỉ tập trung vào mục đích mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông trong Chúa Cứu Thế Giê-xu (3:14). Điều này có nghĩa là bản thân ông kinh nghiệm sự khổ đau, sự chết và quyền năng phục sinh của Chúa Cứu Thế (3:10). Do đó, ông Phao-lô vui mừng giữa cảnh khổ đau không phải vì ông vui thích nỗi đau khổ nhưng vì nỗi khổ đau đó buộc ông từ bỏ lòng tin tưởng vào xác thịt và buộc ông học tập sự khiêm nhu của Người Phục Vụ Chịu Khổ Nạn. Trong Chương cuối, ông Phao-lô tập trung chú ý (của ông) đến các tín hữu đang phục vụ Chúa tại Hội Thánh Phi-líp và khuyên bảo họ một cách rõ ràng, cụ thể: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn” (4:2-4). Sở dĩ họ không vui mừng vì họ không có cùng một tâm tình trong Chúa (4:2, nghĩa đen). Có thể nguyên nhân đưa đến tình trạng này là do họ có nhiều sự lo lắng. Có lẽ một số người không kiếm đủ tiền để sống no đủ nên phải sống trong cảnh nghèo đói trong khi những người khác thì sống đầy đủ, sung túc (tình trạng phổ biến giữa vòng giới người phục vụ Chúa trong Hội Thánh ngày nay) . Phương cách xoá tan những nỗi lo nghĩ đó là tập trung tâm trí vào vấn đề Chúa sắp tái lâm và cầu nguyện trình dâng những nhu cầu cùng những điều lo lắng của chúng ta cho Đức Chúa Trời (4:5-6). Khi chúng ta như vậy, Đức Chúa Trời sẽ dùng sự bình an của Ngài để bảo vệ trí óc và tâm khảm chúng ta trong Chúa Cứu Thế (4:7). Và rồi tâm trí được bảo vệ bởi sự bình an của Chúa, chúng ta có thể tập trung tâm trí vào những điều chân thật và tốt lành (4:8). Khi chính ông Phao-lô thực hiện việc này, ông không chỉ vui mừng trong Chúa (4:10), nhưng ông cũng thoả lòng trong cơn túng ngặt cũng như trong lúc dư dật (4:12).

Trọng tâm

Hãy vui mừng trong Chúa, chứ không phải trong cái tôi của bạn.

Thực hành

Hãy vui mừng về những việc tốt đang xảy đến cho người khác chứ không phải cho chính bạn. Hãy vui mừng khi tài sản thuộc linh của người khác tăng chứ không phải khi tình hình tài chính của bạn được cải thiện. Hãy vui mừng vì cớ có sự bảo đảm của Chúa chứ không phải vì cớ bạn tin nơi chính mình. Bước thứ nhất để vui mừng trong Chúa là đừng xét nét động cơ phục vụ của người khác nữa. Hãy vui mừng, miễn là đằng nào họ cũng phục vụ cho mục tiêu của Phúc Âm. Nếu bạn cứ thắc mắc về động cơ phục vụ của những người cùng làm việc với bạn trong Hội Thánh, thì chắc rằng bạn sẽ mất hết niềm vui (ICorinhto 4:1-5). Bước thứ hai là quan tâm đến chức vụ của người khác, chứ không phải chỉ chú ý đến công việc của bạn. Ngay cả khi chức vụ của bạn gặp trở ngại, cần nhận thức rằng bạn có thể vui mừng về sự tiến triển trong chức vụ của người khác. Một khi mục tiêu tối hậu của họ cũng chính là mục tiêu của bạn (tức là phổ biến Phúc Âm) thì hãy vui mừng. Bước thứ ba là học tập khiêm nhu, hạ mình như chính Chúa Cứu Thế đã khiêm nhu. Điều này có nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn hạ mình chứ không phải chỉ hạ mình đến một mức nào đó. Hãy bằng lòng hạ mình xuống mức thấp nhất vì Đức Chúa Trời sẽ nâng bạn lên cao tột đỉnh. Nếu bạn muốn phục vụ, hãy học tập chịu đối xử như một đầy tớ. Bước thứ tư là đừng trông mong người khác đáp lại sự phục vụ của bạn dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu những người mà bạn phục vụ nhớ đáp ứng nhu cầu của bạn – hãy vui mừng. Nhưng cũng cứ vui mừng nếu họ quên đáp ứng và bỏ mặc bạn sống trong cảnh túng thiếu nghèo khó. Hãy học tập sống trong mọi cảnh ngộ, trong dư dật và trong túng ngặt. Một lần nữa, còn một bí quyết mở để áp dụng thành công sách này đó là tâm trí. Nếu bạn không biết chắc chắn về một vài điều nào đó (như động cơ phục vụ của nó khác chẳng hạn) , không rõ những điều đó có đúng đắn, công bằng, trong sạch hoặc đáng yêu chuộng hay không, thì bạn đừng nghĩ về những điều đó nữa. Nhưng hãy thay thế bằng ý nghĩ về những điều đúng đắn chân thật (Bạn vẫn nhớ dầu gội đầu 2 trong 1 chứ?) Cầu xin Đức Chúa Trời gìn giữ tấm lòng của bạn trong sự bình an, và tâm trí của bạn trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Mong rằng bạn sẽ chẳng hề dính dáng vào chuyện tranh chấp về quyền lợi với người khác trong Hội Thánh vì tất cả các bạn đều quan tâm đến lợi ích cho kẻ khác. Phi-líp

Từ chính: LỰA CHỌN (ĐỂ) VUI MỪNG

Chủ đề chính: Sự vui mừng

Cụm từ chính: ‘vui mừng trong Chúa’ gr 8 (3 lần)

Câu chính: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn. Tôi lại còn nói nữa: hãy vui mừng đi”. (Philip 4:4)

Bài học chính: Hãy vui mừng trong Chúa, chứ không phải trong cái tôi của bạn.