Tác giả:
Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách:
Năm 51 SC sau khi ông Phao-lô có dịp lưu lại tại thành phố Tê-sa-lô-ni-ca một thời gian ngắn.

Mục đích:
Nhằm an ủi, khích lệ các tín hữu đang thối chí ngã lòng vì gặp hoạn nạn và vì nghe đồn về việc Chúa tái lâm.
Đối tượng:
Giới tín hữu cảm thấy bị bỏ rơi cảm thấy chưa đủ đức tin, chưa đủ lòng yêu thương, chưa có hy vọng lẫn chưa hiểu thấu đáo giáo lý.
Tản mạn
“Sắp sửa tới nhà rồi đấy!” Câu nói này khuấy lên cảm xúc gì trong lòng bạn? Phải chăng đây là:
– Câu bạn nói với gia đình sau một thời gian dài bạn sống ở nước ngoài?
– Câu nói của thân phụ của bạn trong một cuộc điện thoại đường dài?
– Câu nói của vị mục sư lãnh đạo với ngụ ý là: “Tôi sắp tới nhà anh rồi đấy!” Bạn cảm thấy vui hoặc buồn? Có thể vui buồn lẫn lộn. Có thể bạn cảm thấy lòng nặng nề vì cớ khi bạn chưa đi ra nước ngoài bạn có phạm một việc sai trái. Hoặc có lẽ bạn chưa thực hiện việc cha bạn căn dặn. Hoặc có lẽ bạn cảm thấy bạn chưa sống đúng mức mong muốn của vị mục sư lãnh đạo. Các tín hữu trong Hội Thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca nhận biết rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu sẽ tái lâm. Nhưng họ cảm thấy buồn nhiều hơn vui về viễn cảnh đó. Họ cảm thấy buồn chán vì họ nghĩ rằng cuộc sống Cơ Đốc của họ chẳng mấy tốt đẹp. Lúc bấy giờ, họ không có Kinh Thánh Tân Ước và chắc hẳn họ nghĩ rằng sự hiểu biết của họ kém cỏi quá còn đức tin của họ đang bị đe doạ. Sứ đồ Phao-lô chỉ lưu lại với các tín hữu tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca được ba tuần. Sau khi ông rời thành phố, họ chẳng nhận được bức thư nào từ ông cả. Chắc hẳn họ cảm thấy như ông Phao-lô và có thể cả Đức Chúa Trời đã bỏ rơi họ. Ngoài ra, họ còn bị bức hại vì cớ tin Chúa Cứu Thế nữa.
Thâm nhập
Khi bạn hỏi một tín hữu nhiệt thành nào đó rằng: trong đời sống thuộc linh của anh, anh cảm thấy thiếu đức tính gì, có thể anh ta sẽ trả lời là anh thiếu đức tin, hy vọng và tình yêu thương, đặc biệt là thiếu tình yêu thương. Còn khi bạn hỏi rằng: về kiến thức thuộc linh, anh thiếu điều gì, có thể anh ta sẽ đáp là anh cần biết nhiều hơn về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế. Hội Thánh tại Tê-sa-lô-ni-ca có những tín hữu tương tự như thế. Nếu bạn sống trong hoàn cảnh của họ, có thể bạn cũng cảm thấy buồn chán, thất vọng như họ. Yên tâm đi, Đức Chúa Trời không bỏ mặc chúng ta đến nỗi không có được một lời khích lệ nào. Ngài đã bảo tồn bức thư của ông Phao-lô gởi cho tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca nhằm khích lệ tất cả những ai rơi vào tình trạng chán ngán, thất vọng tương tự như họ. Bức thư của ông Phao-lô được chia làm hai phần. Trong nửa phần đầu (Chương 1-3) , ông tập trung bàn ba điều làm cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca buồn chán, thất vọng. Trong nửa phần sau (Chương 4 và 5) , ông trả lời hai câu hỏi và giải đáp hai vấn đề mà tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca đã nêu ra:
I. Thất vọng về sự tái lâm (1-3)
Tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca buồn và thất vọng về ba điều:
• Ông Phao-lô im lặng không viết thư cho họ (1:2-10).
• Ông Phao-lô có vẻ như thất bại trong chức vụ ( 2:1-16).
• Ông Phao-lô không đến thăm họ (2:17-3:13). Trước tiên, họ buồn nản vì cớ ông Phao-lô im lặng, không viết thư cho họ và không khen ngợi đức tin của họ (1:8). Từ đó, họ kết luận rằng hoặc họ thiếu đức tin hoặc thực sự Đức Chúa Trời không chọn họ làm con cái Ngài. Để đáp lại, ông Phao-lô làm hai điều: ông khen ngợi đức tin, hy vọng và tình yêu thương của họ (1:3) đồng thời ông cũng cho họ biết rằng Đức Chúa Trời đã yêu thương và lựa chọn họ (1:4). Ông nhấn mạnh việc họ thành thật trở lại với Chúa là bằng chứng về sự lựa chọn của Đức Chúa Trời (1:5-10). Ông bảo đảm với họ rằng họ sẽ được giải cứu “khỏi cơn đoán phạt hầu đến” trong ngày phán xét (1:10). Khi bạn thất vọng về đức tin bạn, hãy tìm đến những lời này và nghe ông Phao-lô khích lệ bạn. Điều thứ hai làm cho các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca buồn chán, thất vọng là một vài người nhận định rằng ông Phao-lô, một nhà truyền giáo và mục sư yêu dấu của họ, là một mẫu người thất bại (2:1-2). Lúc ấy, ông Phao-lô phải trốn từ thành phố này đến thành phố nọ để thoát khỏi sự bức hại. Đám người cáo buộc đó cũng nghi ngờ về động cơ thúc đẩy ông lập Hội Thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca, họ cho rằng ông làm việc đó vì lợi lộc cá nhân và vì muốn làm hài lòng con người ( 2:3-5). Để đáp lại những lời cáo buộc này, ông Phao-lô nhắc nhở họ ba điều. Trước hết, ông không làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Trái lại, những việc ông làm luôn phát xuất từ lòng mong muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời (2:4). Chính những kẻ buộc tội ông mới là người làm buồn lòng Đức Chúa Trời (2:15-16). Thứ hai, ông nhắc nhở họ về sự hy sinh của ông và các bạn đồng lao với ông vì cớ các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca ( 2:6-12). Thế thì cá nhân ông có thể thu gom lợi lộc gì từ nơi họ? Thứ ba, ông bày tỏ cho họ biết là ông không thất bại vì chính các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca là bằng chứng về sự thành công của ông (2:13-14). Đừng vội nghi ngờ giới lãnh đạo của bạn chỉ vì nghe ai đó phê phán buộc tội họ. Hãy xem xét cuộc sống của họ và nhớ lại sự hy sinh của họ vì cớ bạn. Lý do thứ ba làm tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca nản lòng, thất vọng là: ông Phao-lô không đích thân trở lại viếng thăm họ và họ đang trải qua những cơn thử thách khốc liệt. Cảnh ngộ này khiến họ tin rằng nếu không có sự hiện diện của ông Phao-lô thì đức tin của họ không thể nào vững vàng được (3:3). Có lẽ họ băn khoăn không rõ ông Phao-lô bất mãn về họ trong việc gì và phải chăng chính vì thế mà ông không đến thăm họ. Để giải tỏa thắc mắc này, ông Phao-lô giải thích rằng chính Sa-tan đã ngăn cản ông đến thăm họ (2:18). Vì thế ông cử ông Ti-mô-thê đến khích lệ họ thay vì đích thân ông đến thăm họ. Ông vẫn còn chờ đợi Đức Chúa Trời mở đường cho ông đích thân đi thăm họ (3:11). Ông bảo đảm với họ rằng họ vẫn là niềm hãnh diện về niềm vui của ông (2:19-20). Đừng vội nghi ngờ lòng quan tâm lo lắng của mục sư hoặc giới lãnh đạo dành cho bạn chỉ vì họ không đến thăm bạn trong một thời gian nào đó. Đừng suy đoán về lý do họ không viếng thăm bạn. Có thể chỉ vì họ không có cơ hội mà thôi. Đừng lo sợ là sẽ mất đức tin trong cơn hoạn nạn vì mục sư không đích thân chăm sóc bạn: Chính Đức Chúa Trời sẽ củng cố tinh thần và niềm tin để bạn vững mạnh cho đến ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại (3:13). Cả ba điều làm tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca nản lòng đều phát sinh từ sự hiểu sai về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ hiểu sai về ba điểm sau đây:
• Họ sẽ gánh chịu cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét vì cớ họ thiếu đức tin thật.
• Giới lãnh đạo họ cũng sẽ trải qua cơn đoán phạt của Đức Chúa Trời nếu họ không thành công trong chức vụ, vì sự thất bại của họ trong chức vụ chứng tỏ họ phục vụ vì những động cơ sai trái.
• Họ sẽ không giữ được đức tin cho đến ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại nếu mục sư không đích thân quan tâm chăm sóc họ. Để tháo gỡ sự hiểu lầm này, ông Phao-lô đưa ra ba lời giải thích tương ứng nhằm làm sáng tỏ vấn đề. Đây là lý do khiến ông đề cập đến sự tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu ở phần cuối của cả ba chương:
• Tất cả các Cơ Đốc nhân chứng tỏ họ thực sự trở lại với Chúa bởi đức tin, hy vọng và tình yêu thương đều được thoát khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong ngày phán xét (1:10).
• Trong ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu tái lâm, Đức Chúa Trời chỉ giáng cơn thạnh nộ của Ngài trên những kẻ ngăn trở việc truyền giảng Phúc Âm; chứ Ngài không giáng thạnh nộ trên những người trung tín rao giảng Phúc Âm (2:16).
• Chính Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ lòng họ thánh khiết mười phân vẹn mười cho đến khi Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại (3:13).
II. Nan đề và thắc mắc xung quanh chuyện Chúa tái lâm (4-5) Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô hoá giải ba điều làm các tín hữu tại Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca nản chí. Trong phần thứ hai, ông Phao-lô giải toả hai nan đề và hai thắc mắc mà các tín hữu Hội Thánh Tê-sa-lô-ni-ca nêu ra:
• Vấn đề thứ nhất là sự cám dỗ về tính dục (4:1-8).
• Thắc mắc thứ nhất là thắc mắc về tình huynh đệ (4:9-18).
• Thắc mắc thứ hai là thắc mắc về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế (5:1-11).
• Vấn đề thứ hai là tình trạng thiếu tôn trọng người lãnh đạo (5:12-23). Đối với nan đề thứ nhất, tức là sự gian dâm (4:1-8), ông Phao-lô nhắc nhở họ giữ gìn thân thể cho thánh khiết (4:4, 7). Đối với nan đề thứ hai là tình trạng thiếu tôn trọng người lãnh đạo (5:12-18), ông Phao-lô nhắc họ phải quý trọng những người lãnh đạo của họ trong tình yêu thương (5:13) và hết sức vận dụng mọi cách để giữ mình hoàn thiện toàn mĩ trước mặt Đức Chúa Trời (5:23). Xen giữa nan đề thứ nhất và thứ hai, ông Phao-lô giải đáp hai thắc mắc mà người Tê-sa-lô-ni-ca đã nêu ra. Thắc mắc thứ nhất là làm thế nào để anh em tín hữu yêu thương lẫn nhau (4:9-12). Khi lưu lại tại Tê-sa-lô-ni-ca ba tuần ngắn ngủi, ông Phao-lô không đủ thời gian để dạy dỗ họ về chủ đề đó. Nhưng ông Phao-lô không cần phải làm việc đó vì chính mình Đức Chúa Trời dạy bảo họ làm thế nào để yêu thương lẫn nhau (4:9). Thay vào đó, ông Phao-lô hướng sự chú ý của họ vào vấn đề khác: họ đau buồn vì giữa vòng họ có người qua đời trước ngày Chúa Cứu Thế trở lại. Tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca hiểu sai lầm là tất cả mọi người đều sống để đón ngày Chúa tái lâm. Khi một số thành viên trong Hội Thánh qua đời, họ ban đầu thắc mắc phải chăng vì những người đó có làm điều gì buồn lòng Đức Chúa Trời. Ông Phao-lô chỉnh sửa họ bằng cách bảo đảm rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết và sống lại thể nào, thì những người thân yêu của họ đã qua đời chắc chắn sẽ sống lại trong ngày Chúa tái lâm thể ấy. Rồi tất cả sẽ gặp nhau và sẽ ở với Chúa mãi mãi (4:13-18) (các nhà thần học mệnh danh cho biến cố này là Hoan hỉ trùng phùng ) . Đừng suy đoán rằng Cơ Đốc nhân nào chết yểu là vì phạm tội hoặc xúc phạm đến Đức Chúa Trời. Nhưng hãy tập trung nghĩ đến niềm vui mừng khi bạn gặp lại họ trong ngày Chúa trở lại. Thắc mắc thứ hai của tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca là thắc mắc về Ngài Chúa tái lâm. Ông Phao-lô cho họ biết rằng không ai có thể biết đích xác ngày Chúa trở lại (5:1-3). Ông lái sự chú ý của họ vào vấn đề thiết yếu là phải luôn luôn tỉnh táo cảnh giác. Muốn luôn luôn tỉnh táo cảnh giác thì cứ tiếp tục bước đi trong đức tin, hy vọng và tình yêu thương (5:8). Chúng ta có niềm hy vọng vì Đức Chúa Trời chẳng chọn chúng ta để hình phạt nhưng để cứu chúng ta do công lao Chúa Cứu Thế Giê-xu (5:9). Đừng suy đoán về ngày Chúa trở lại. Nhưng hãy tập trung vào vấn đề tăng trưởng trong đức tin, yêu thương và hy vọng. Để giải toả điểm thắc mắc thứ nhất, ông Phao-lô cho họ biết là ông không cần phải dạy bảo họ về tình huynh đệ (4:9). Để giải tỏa điểm thắc mắc thứ hai, ông Phao-lô bảo rằng ông không cần phải cho họ biết về ngày Chúa trở lại (5:1). Trong lời giải đáp thứ nhất, ông Phao-lô bày tỏ rằng nhân loại còn lại chẳng có hy vọng (4:13). Trong lời giải đáp thứ hai, ông bày tỏ rằng nhân loại còn lại chẳng thể nào tránh thoát sự huỷ diệt (5:3). Ở phần cuối lời giải đáp thứ nhất, ông khuyên họ nên dùng lời của ông mà an ủi nhau (4:18). Ở phần cuối lời giải đáp thứ hai, ông khuyên bảo họ hãy cứ tiếp tục an ủi nhau như họ thường làm (5:11). Trong phần thứ nhất của bức thư này, ông Phao-lô khích lệ đức tin của tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca bằng cách cử ông Ti-mô-thê đến với họ (3:2). Bù lại, ông cũng được an ủi, khích lệ bởi đức tin của họ (3:7). Trong phần thứ hai, ông bảo họ hãy dùng lời nói và việc làm mà an ủi nhau (4:18, 5:11). Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô khen ngợi công việc cùng lòng nhẫn nại của họ, đó là bằng chứng về đức tin, sự yêu thương và niềm hy vọng của họ (1:3). Trong phần thứ hai, ông khuyên bảo họ cứ tiếp tục sống trong đức tin, tình yêu thương và niềm hy vọng; đó là dấu hiệu chứng tỏ họ đang bước đi giữa ban ngày (5:8). Qua phần thứ nhất của bức thư, chúng ta học được rằng khi có đức tin, tình yêu thương và niềm hy vọng chắc chắn chúng ta có thể đối đầu với hoạn nạn, sự hoài nghi về bản thân, sự phê bình chỉ trích của người khác và tình trạng thiếu sự quan tâm chăm sóc của mục sư và người lãnh đạo. Qua phần thứ hai của bức thư, chúng ta học được rằng việc thể hiện đức tin, tình yêu thương và niềm hy vọng ngăn cản chúng ta khỏi rơi vào tình trạng mê ngủ hoặc say sưa khi chúng ta bước đi trên con đường thuộc linh (5:7). Trong phần thứ nhất, ông Phao-lô nêu gương sống thánh khiết toàn thiện toàn mỹ cho chúng ta (2:10). Trong phần thứ hai, ông bảo chúng ta hãy sống thánh khiết (4:4, 7) và toàn thiện toàn mỹ (5:23) trong niềm hy vọng về sự tái lâm của Chúa. Cuối phần thứ nhất, ông cầu chúc rằng chính Đức Chúa Trời làm cho chúng ta vững mạnh, thánh khiết và toàn thiện toàn mỹ trong ngày Chúa Giê-xu chúng ta tái lâm (3:11-13). Cuối phần thứ hai, ông cũng cầu xin Chúa ban cho chúng ta phước lành tương tự, tức là ông cầu xin chính Chúa bảo toàn chúng ta được toàn thiện toàn mỹ cho đến ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại. Đức Chúa Trời là Đấng dạy bảo chúng ta về tình yêu thương anh em và Đức Chúa Trời cũng là Đấng bảo toàn tâm linh, tâm hồn và thân thể chúng ta cho đến ngày Chúa Giê-xu trở lại (5:23). Đây là lời an ủi, khích lệ cho tất cả các Cơ Đốc nhân đang thối chí, ngã lòng vì thiếu đức tin và thiếu hiểu biết về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế: Chính Ngài sẽ làm việc đó! (5:24). Trọng tâm Hãy giữ mình trong sạch vì chính Đức Chúa Trời sẽ bảo toàn bạn. Thực hành Sách này đem lại nhiều sự an ủi, khích lệ cho hai nhóm người:
• Giới mục sư, giáo sĩ và nhân sự chăm sóc bị buộc phải rời xa tân tín hữu đức tin còn rất non kém và chưa được dạy dỗ đầy đủ (3:10).
• Giới tín hữu bị những cơn thử thách, hoạn nạn (ITe1Tx 3:3) làm nao núng niềm tin. Cả hai thành phần này đều nhận được cùng một lời khích lệ: Chính Đức Chúa Trời sẽ làm cho con cái Ngài vững mạnh và bảo toàn chúng ta cho đến ngày Chúa Giê-xu trở lại. Điều thứ nhất chúng ta cần thực hành trong thực tế là cảm thấy được khích lệ, được phấn khởi, nặng tính cách thụ động. Điều thứ hai nặng tính cách chủ động hơn: Sống thánh khiết toàn thiện toàn mỹ. Sống thánh khiết trong lãnh vực tính dục. Đối với giới lãnh đạo thuộc linh, bạn hãy xử sự sao cho toàn thiện toàn mỹ. Trong khi nỗ lực sống thánh khiết, hãy rà soát những điều cám dỗ bạn: khiêu dâm, thủ dâm, thông dâm, gian dâm. Có loại tạp chí, tranh ảnh hoặc băng video nào mà bạn cần vứt bỏ không? Có số điện thoại nào bạn phải xoá bỏ để thôi đừng gọi nữa không? Có thói quen nào bạn phải từ bỏ không? Trong khi nỗ lực sống sao cho toàn thiện toàn mỹ, hãy nghĩ xem bạn có thể ủng hộ thành phần Cơ Đốc nhân đang lãnh đạo bằng cách nào trong tinh thần quý trọng và yêu thương họ. Làm thế nào để bạn có thể ủng hộ thay vì chống đối họ? Làm thế nào bạn có thể lắng nghe lời khuyên bảo của họ chứ không nghĩ rằng họ chưa được huấn luyện đầy đủ, không có đủ ân tứ, không đủ thành công để lãnh đạo bạn? “Cầu xin chính Chúa Hoà bình thánh hoá anh em hoàn toàn. Cầu xin tâm linh, tâm hồn và thân thể anh em được bảo vệ trọn vẹn trong ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại”. 1 Tê-sa-lô-ni-ca