1. Một quyển Kinh Thánh
Dĩ nhiên Kinh Thánh không phải là dụng cụ mà chính là quyển sách để chúng ta học. Nhưng để tiện lợi cho việc học chúng ta nên lựa một quyển Kinh Thánh có thể giúp ta học dễ dàng, chẳng hạn một quyển có in phần chú dẫn các câu tương đương, có lề rộng và giấy dày để ta ghi chú, hoặc nếu không muốn viết vào Kinh Thánh thì phải có sẵn sổ tay.
2. Các bản dịch hoặc diễn ý Kinh Thánh khác để so sánh
Có một hai quyển loại nầy thì tốt nhưng đừng nên nhiều quá. Nhiều quá sẽ làm cho rối trí. Các bản dịch có giống nhau không? Tại sao khác? Khác chỗ nào?
3. Một quyển từ điển
Dù là tiếng mẹ đẻ, nhiều khi có những chữ ta không hiểu, vì vậy cần có một quyển từ điển để tra những chữ khó. Nếu không có từ điển thì ghi những chữ khó ra để tìm từ điển tra sau.
4. Một quyển sổ tay
Nếu không viết ra, bạn sẽ không thể học tới nơi tới chốn. Việc viết nhiều khi rất buồn tẻ, nhưng đừng nhường chỗ cho thói ươn lười vì nhờ viết ra bạn thấy nhiều hơn và nhớ nhiều hơn.
Bạn cần viết gì? Thứ nhất, những dữ kiện. Có khi một dữ kiện lúc đầu có vẻ không quan trọng, cứ ghi. Về sau bạn có thể thấy nó rất có ý nghĩa. Thứ hai, tham khảo những đoạn khác, ghi ra. Thứ ba, những thắc mắc hiện ra trong trí. Đừng dừng lại tìm cách trả lời, nhưng phải ghi lại.
Khi đọc lần đầu, cần ghi lại những ý nảy ra trong trí. Đừng dừng lại, phân tích hay kiểm tra gì cả. Có lẽ phần lớn những ý đó cuối cùng không có gì quan trọng, nhưng lúc đầu bạn không thể biết được ý nào quan trọng, ý nào không. Về sau, bạn có thể duyệt lại những lời bình giải, lựa lọc ra, ghi chú thêm và rút ra kết luận.
NHỮNG DỤNG CỤ KHÁC
Ngoài những dụng cụ chính ở trên, nếu bạn có được những loại sách tham khảo khác thì rất hữu ích.
1. Thánh Kinh Phù Dẫn (Concordance)
Sách phù dẫn là sách liệt kê những câu có dùng một chữ nào đó. Ví dụ, khi tra chữ “cầu nguyện” bạn sẽ thấy nó liệt kê tất cả những câu Kinh Thánh có chữ cầu nguyện. Trong tiếng Anh có hai bộ sách phù dẫn đầy đủ nhất là Young’s Analytical Concordance và Strong’s Exhautive Concordance. Thánh Kinh Phù Dẫn giúp ta tìm biết các từ ngữ nằm ở đâu và được dùng như thế nào trong suốt cả Kinh Thánh.
2. Thánh Kinh từ điển
Quyển Thánh Kinh Từ Điển liệt kê và giải nghĩa những từ và những đề tài có trong Kinh Thánh nhưng không nhất thiết có chỉ dẫn đầy đủ chữ đó nằm ở những chỗ nào trong cả Kinh Thánh (reference). Chẳng hạn, nó cho biết có bao nhiêu người trong Kinh Thánh mang tên Giăng và họ là ai. Nó cho những thông tin về bối cảnh lịch sử và văn hóa. Nó luận giải về một số đề tài, chẳng hạn như khảo cổ học và giáo lý Ba Ngôi, mặc dầu những chữ đó không có trong Kinh Thánh. Thường nó không giải nghĩa từng câu như trong các sách bình giải. Nó có ý kiến riêng của tác giả chứ không phải chỉ cho dữ kiện như trong sách phù dẫn. Quyển từ điển Kinh Thánh tốt nhất trong tiếng Anh là New Bible Dictionary (của Inter-Varsity Press và Eerdmans).
3. Sách bình giải (Commentary)
Mỗi tác giả bình giải có ý kiến riêng về ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh, từng sách một, từng đoạn một, có khi từng câu từng chữ một. Có những quyển rất là đầy đủ, có những quyển rất ngắn, chỉ tóm tắt những đoạn hay những chương. Thường thường có thêm những tài liệu căn bản của mỗi sách như tác giả, thời gian và nơi viết sách, cơ hội viết, cùng với một dàn bài hay tóm tắt nội dung. Nếu có điều kiện thì bạn nên sắm cho tủ sách mình một bộ bình giải của toàn bộ Kinh Thánh. Một trong những bộ tốt nhất là bộ New Bible Commentary (của Inter Varsity Press và Eerdmans).