Không phải ai cũng có thể thông giải Kinh Thánh đúng cách. Chân lý trong Kinh Thánh thuộc linh giới, cho nên chỉ những ai có khả năng tâm linh mới có thể hiểu được Lời Thượng Đế dành cho những người biết nghe và chịu lắng nghe.
Mỗi tín hữu Cơ-đốc đều đã có ít nhiều điều kiện cần thiết. Còn một số điều kiện khác có thể thủ đắc. Nếu không có những điều kiện đó họ không có cách gì hiểu Kinh Thánh cho đúng. Chúng ta hãy xem xét những phẩm tính đó.
1. Một tấm lòng mới (ICo1Cr 2:14)
Người thông giải phải được tái sinh. Thông điệp Kinh Thánh nói về Thượng Đế, con người, và những tương quan giữa con người và Thượng Đế. Như vậy, một người đứng ngoài mối tương giao đó sẽ không nghe được nhiều điều Thượng Đế đã phán. Họ có thể thu thập dữ kiện và hiểu được những điểm kỹ thuật của ngôn ngữ. Nếu là học giả, ông ta có thể có một một kiến thức khá cao về Kinh Thánh, về lịch sử của nó, về những con người trong đó, và cũng có thể biết được một số giáo huấn nữa. Song một người chưa nhận được sự sống tâm linh của Thượng Đế thì thiếu hẳn khả năng thiết yếu để hiểu sứ điệp của Kinh Thánh.
2. Một tấm lòng đói khát (IPhi 1Pr 2:2)
Chỉ đọc tùy hứng khi thuận tiện thì không thể nào có kiến thức về Kinh Thánh. Nó không giống như những vỏ sò sặc sỡ nằm dọc bão biển, bạn chỉ cần bỏ ra vài phút để lượm khi nào bạn thích. Đúng ra, nó giống như quặng mỏ quí giá, bạn chỉ có thể tìm được khi nào có quyết tâm. Bạn chỉ có quyết tâm nầy khi nào thiết tha muốn biết Thượng Đế và Lời Ngài.
Có người muốn học Kinh Thánh, nhưng khi đem Kinh Thánh ra đọc thì cảm thấy buồn ngủ nên quay ra tìm đọc những thứ khác vui hơn như sách báo, nghe radio hoặc xem TV. Có người chỉ đọc những đoạn dễ, đến khi thấy khó thì bỏ cuộc. Họ không có sự đói khát để thúc đẩy tiến tới.
3. Một tấm lòng vâng phục (Thi Tv 119:99-100)
Để hiểu Kinh Thánh cho đúng, chúng ta phải sẵn sàng vâng phục thánh ý Thượng Đế khi Ngài chỉ dạy chúng ta. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta hưởng ứng, không phải chỉ phân tích nó. Nếu chúng ta không chịu hành động, chúng ta không thể nào đạt đến chân lý trọn vẹn. Một tấm lòng vâng phục sẽ thấy ý nghĩa Kinh Thánh mở ra cho mình.
Thượng Đế đòi hỏi thái độ của tấm lòng, không phải một bản kê khai hành động. Ngài không đợi cho đến khi chúng ta theo Ngài một thời gian lâu rồi mới bắt đầu dạy chúng ta. Không Ngài nhìn tấm lòng chúng ta và biết rõ. Khi nào lòng chúng ta hưởng ứng thì Ngài bắt đầu dạy chúng ta.
Học hỏi và vâng phục đi với nhau từng bước một. Nếu Thượng Đế dạy tôi một điều gì và tôi vâng phục Ngài, thì tôi có thể mong đợi Ngài dạy cho tôi thêm điều khác nữa. Nếu tôi không chịu vâng phục thì đừng nên mong tiến bộ. Tôi có thể thu nhận được một số dữ kiện nhưng chân lý thiết yếu vẫn bị che khuất. Tôi có thể ăn đầy bụng cơm và cà-ri, nhưng không tiêu hóa được chất Vitamin bổ dưỡng.
4. Một tấm lòng kỷ luật (Mat Mt 7:7)
Một người có tấm lòng kỷ luật bắt đầu làm việc gì thì cứ tiếp tục làm luôn dù gặp khó khăn. Anh ta sẽ cắt bớt việc khác để dành thì giờ cho việc ưu tiên. Dù phải mất thời gian lâu để làm xong việc anh ta cũng không lãng bỏ, vì biết rằng điều đó đúng. Học Kinh Thánh đòi hỏi một tấm lòng như vậy.
Đây là thứ kỷ luật tự giác. Không ai bắt buộc mình phải học Kinh Thánh. Có lúc chúng ta cảm thấy vui thích phấn khởi, nhưng cũng có những ngày không được như vậy. Tuy nhiên chúng ta phải giữ kỷ luật, cứ tiếp tục tiến tới, vì không ai có thể đến đích mau lẹ dễ dàng được. Chúa Giê-xu nói rằng: “Hãy tìm sẽ được, ” không phải “hãy xem cầu may đâu đó thì sẽ được ”.
5. Một tấm lòng cầu tiến (EsIs 50:4)
Một con người cầu tiến, không bao giờ thấy mình học đủ, biết rằng còn rất nhiều điều mình chưa biết, luôn khiêm nhường sẵn sàng tìm kiếm khám phá những chân lý mới.
Người cầu tiến sẵn sàng học hỏi nơi người khác. Có lẽ chúng ta sẵn sàng học nơi Chúa, hoặc tưởng mình như vậy, nhưng chúng ta có bằng lòng học hỏi với các anh chị em khác không, nhất là khi họ nghĩ đúng mà mình sai?
Mỗi người chúng ta đều có ý kiến riêng về kinh Thánh, có những xác tín về những giáo lý và về ý nghĩa của nhiều đoạn Kinh Thánh. Những ý đó ở đâu ra? Hầu hết đều do những bài giảng chúng ta đã nghe, sách chúng ta đã đọc, những ý đó chúng ta thu nhận được từ người khác. Những xác tín chúng ta có thể đúng, có thể sai, hoặc chỉ đúng có một phần. Chúng ta có sẵn sàng nhận rằng, “tôi sai” không? Nếu không, ta chưa thật sự cầu tiến.
Tấm lòng khiêm nhường, cầu tiến sẽ được Chúa bày tỏ chân lý của Ngài.
Muốn hiểu biết Kinh Thánh thì phải có năm đức tính quan trọng trên. Hễ càng có được nhiều thì càng học hỏi được nhiều. Nếu muốn có chúng, chúng ta hãy cầu xin Chúa, và nên bắt đầu học Kinh Thánh ngay khi cầu xin. Nếu chúng ta học hỏi vói tinh thần tìm kiếm, chắc chắn Chúa sẽ dạy chúng ta.