Nói rằng chúng ta hiểu Lời Thượng Đế không có nghĩa là chúng ta hiểu tất cả, giải quyết được mọi nan đề, giải đáp được mọi thắc mắc. Ngay cả những học giả hiểu rành tiếng Hy Lạp và Hê-bơ-rơ, thông thạo lịch sử, văn hóa v.v…vẫn không thể nào giải thích thỏa đáng mọi câu ttrong Kinh Thánh. Chẳng hạn, câu “Vì người chết chịu báp-têm ” (ICo1Cr 15:29) có nhiều cách giải thích, nhưng không một học giả nào biết chắc câu đó có nghĩa gì. Câu “Chúa giảng cho các linh hồn bị tù ” (IPhi 1Pr 3:19) cũng gây nhiều tranh luận giữa các học giả.
Nhưng chúng ta không thể vì thế mà nản chí. Chúng ta có thể hiểu đủ để biết ý Chúa và vâng theo lệnh Ngài. Thượng Đế muốn chúng ta học lời Ngài, Ngài hứa sẽ giúp chúng ta hiểu Lời đó và tương giao với Ngài trong ánh sáng. Nhưng Ngài không bảo rằng sự hiểu biết sẽ đến dễ dàng. Nếu chúng ta thành tâm, thì phước hạnh lớn lao đang chờ đợi chúng ta.
Chân lý do chính chúng ta tự lãnh hội được, không phải từ người khác, sẽ có giá trị gấp bội.
Vậy nếu bạn muốn học Kinh Thánh, hãy đọc tiếp. Sáu chương đầu (Phần I) chỉ dẫn những điều quan trọng ảnh hưởng đến việc học Kinh Thánh. Phần 2 nói về những nguyên tắc tổng quát trong việc giải nghĩa Kinh Thánh, Phần 3 là những chương đặc biệt, và cuối cùng là phần áp dụng.