Tác giả:
Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách:
Năm 51 SC vài tháng sau khi ông viết thư ITê-sa-lô-ni-ca.

2Tê-sa-lô-ni-ca
Tác giả: Ông Phao-lô
Thời kỳ hình thành sách: Năm 51 SC vài tháng sau khi ông viết thư ITê-sa-lô-ni-ca.
Mục đích: Nhằm sửa những quan niệm sai về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế.
Đối tượng: Các tín hữu quá lo lắng về sự kiện Chúa tái lâm và về các biến cố xảy ra trong thời kỳ cuối cùng.
Tản mạn
Tháng năm năm 1780, một sự việc khác thường diễn ra ở New England (Mỹ) . Không rõ vì cớ gì, bầu trời bỗng nhiên trở nên tối tăm. Khắp xứ đều náo động hỗn loạn. Dân chúng bỏ hết mọi công việc thế tục, lo cầu nguyện và làm việc thiện vì họ nghĩ rằng Ngày Phán xét cuối cùng đã đến. Họ nghĩ sự tối tăm là dấu hiệu của cơn phẫn nộ của Đức Chúa Trời. Lúc ấy, cơ quan lập pháp của tiểu bang Conneticut, Mỹ đang họp. Khi thấy bầu trời bỗng trở tối giữa ban ngày, mọi người liền yêu cầu ngưng cuộc họp. Duy chỉ có một người trong cơ quan lập pháp phản đối. Ông đứng lên và phát biểu rằng: “Thưa ông chủ toạ, hôm nay hoặc là ngày đại phán xét hoặc không phải. Nếu không phải là ngày phán xét cuối cùng, thì chúng ta không cần phải ngưng họp. Còn nếu đúng là ngày đại phán xét, thì tôi muốn Chúa nhìn thấy tôi đang làm việc khi Ngài đến. Tôi đề nghị thắp nến lên và chúng ta tiếp tục cuộc họp”. Sự tái lâm của Chúa không làm khiếp sợ những người có đèn cháy sáng. Đừng bao giờ để Chúa bắt gặp chúng ta đang lơ là khi Ngài trở lại. (Trích từ “Những chuyện đáng kể” (Tales Worth Telling) của Dr. G.D. James)
Thâm nhập
Bức thư thứ nhất của ông Phao-lô gửi cho tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca làm cho một số tín hữu được an ủi, khích lệ. Nhưng vì cớ tinh thần của một số người khác, ông phải viết bức thư thứ hai cho Hội Thánh này. Trong bức thư thứ hai, ông đã làm ba việc được ghi lại trong ba Chương hoặc ba phần của bức thư.
I. Hãy tỏ ra xứng đáng để chịu khổ trong khi chờ đợi Chúa tái lâm (1) Việc thứ nhất là an ủi, khích lệ các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca hiện còn chịu những cơn bức hại và thử thách. Ông đảm bảo với họ rằng Đức Chúa Trời sẽ cho họ an nghỉ. Đồng thời Ngài sẽ hình phạt những người bức hại họ trong ngày Chúa trở lại (1:6-7). Ông Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng sự gian khổ, đau đớn mà chúng ta chịu vì Chúa Cứu Thế chứng tỏ rằng chúng ta xứng đáng làm công dân Nước Trời và xứng đáng với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời (1:5, 11).
II. Cần nhận biết rằng những việc kỳ lạ sẽ diễn ra trước khi Chúa tái lâm (2) Việc thứ hai là xử trí tình trạng các tín hữu tại Tê-sa-lô-ni-ca hiểu sai về sự tái lâm của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Họ hốt hoảng khi nghe tin đồn dối trá rằng ngày Chúa tái lâm đã đến rồi ( 2:1-2). Ông Phao-lô bảo đảm với họ là ngày Chúa chưa đến vì Con Người Tội Ác (Kẻ nghịch cùng luật pháp) chưa xuất hiện. Con Người Tội Ác là An-ti Christ, tức là kẻ đứng đầu chống nghịch Đấng Cứu Thế, phải xuất hiện đến trước ngày Chúa tái lâm (2:8-9). Con Người Tội Ác đó sẽ làm đủ thứ phép lạ, dấu lạ và việc kỳ lạ để lừa dối mọi người (2:9). Phương cách đối phó với tin đồn này là hãy đứng vững trong giáo lý của chúng ta bằng cách trở về với Kinh Thánh (2:15). Đừng bị dao động bởi những tin tức về các phép lạ và biến cố trên thế giới để rồi nghĩ rằng chúng ta sẽ bị bỏ lại trong ngày Chúa Cứu Thế tái lâm.
III. Cần làm việc trong khi chờ đợi ngày Chúa tái lâm (3) Việc thứ ba là giải quyết tình trạng một số người chỉ “ăn không ngồi rồi” và ưa xen vào chuyện người khác ( 3:11). Chúng ta không rõ vì sao họ không lo mưu sinh. Một số học giả Thánh Kinh tin rằng họ bỏ việc làm vì cớ nghĩ rằng ngày Chúa gần kề đến nỗi họ chẳng cần làm việc để mưu sinh. Ông Phao-lô khuyên bảo nhóm người này làm việc trở lại vì ai không chịu làm việc, cũng đừng nên ăn (3:10). Cần được làm sáng tỏ điểm này. Ông Phao-lô không nói rằng ai không thể làm việc thì đừng nên ăn. Nhưng ông nói ai không chịu làm việc, cũng đừng nên ăn. Điều này có nghĩa là những người không thể làm việc vì bị thôi việc do tình trạng suy thoái kinh tế, hoặc người khuyết tật đều đáng được Hội Thánh và các tín hữu khác giúp đỡ về tài chính. Hội Thánh không nên nuôi dưỡng những người có khả năng làm việc nhưng không chịu làm việc. Trong bức thư thứ nhất, ông Phao-lô đã khuyên tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca những lời tương tự (4:11-12, 5:14). Rõ ràng là giữa vòng họ có vài người không chịu vâng lời ông. Họ cứ tiếp tục biếng nhác, ăn dưng ở rỗi. Ông biết có một số người vẫn không chịu vâng theo lời khuyên của ông. Do đó, ông bảo tín hữu ở Tê-sa-lô-ni-ca tách khỏi (tức là cắt đứt liên lạc) với những người như thế (3:14). Tuy nhiên, đừng coi họ là thù địch nhưng chỉ khiển trách như anh em (3:15). Lời khuyên này cũng rất hữu ích đối với trường hợp không vâng lời trong các lãnh vực khác. Khi một thành viên trong cùng một Hội Thánh không vâng lời Đức Chúa Trời thì chúng ta nên liên hệ với đương sự như thế nào? Đối xử với đương sự như kẻ thù là hành động cực đoan. Còn nếu đối xử với đương sự như bạn thì chúng ta lại rơi vào một thái cực khác. Hành động ôn hoà giữa hai thái cực này là đối xử với đương sự như một anh em lầm lỗi: chúng ta cắt đứt mối thông công với đương sự nhưng khi đương sự thành thật cần chúng ta giúp đỡ, thì chúng ta nên giúp đương sự như anh em.
Trọng tâm
Bạn hãy làm việc để mưu sinh trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại.
Thực hành
Chúng ta đáp ứng ra sao trước sự kiện Chúa Cứu Thế Giê-xu trở lại?
• Được an ủi, khích lệ nhưng không âu lo, sợ hãi.
• Trông mong nhưng không lo lắng.
• Chăm chỉ làm việc chứ không biếng nhác, ăn không ngồi rồi, ăn dưng ở rỗi. Nếu Chúa trở lại hôm nay , Ngài thấy bạn đang làm gì?
2 Tê-sa-lô-ni-ca
Từ chính: SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA CỨU THẾ
Chủ đề chính: Sự tái lâm Cụm từ chính: ‘sự hiện đến của Ngài’ gr 8 (3 lần)
Câu chính: “Nguyền xin chính Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, và Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là Đấng đã yêu thương chúng ta, và đã lấy ân điển Ngài mà ban cho chúng ta sự yên ủi đời đời và sự trông cậy tốt lành, hãy yên ủi lòng anh em, khiến anh em được bền vững trong mọi việc lành cùng mọi lời nói lành!” ( 2:16-17)
Bài học chính: Bạn hãy làm việc để mưu sinh trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại.