TÁC GIẢ
Ông Phao-lô
THỜI KỲ HÌNH THÀNH SÁCH
Năm 63-64 SC, khi những chủ trương sai lạc bắt đầu len lỏi vào Hội Thánh.
MỤC ĐÍCH Nhằm chống lại các giáo sư giả trong Hội Thánh.
ĐỐI TƯỢNG Tất cả các tín hữu muốn đảm bảo là giới lãnh đạo Hội Thánh chỉ dạy giáo lý chân chính thuần tuý.
Tản mạn
Tháng 8 năm 1990, báo chí Tân-gia-ba tường thuật vào cuối phiên toà vị thẩm phán tuyên bố bà Anne Aaron là: “một phụ nữ phi Cơ Đốc, mánh khóe quỷ quyệt, chìm đắm trong ảo tưởng gian tà”. Đối với các thành viên của nhóm tôn giáo tự nhận là “Nhà Y-sơ-ra-ên”, bà Anne Aaron là “Sơ Anne” hoặc “Mẹ Anne”, “người mẹ thuộc linh” của họ. Họ để cho bà kiểm soát những chuyện riêng tư nhất của đời họ, kể cả việc họ nên đi đâu, nên ăn, mặc ra sao, nên làm gì, nên lập gia đình với ai, nên chi tiêu bao nhiêu tiền và nên áp dụng những biện pháp hình phạt nào đối với những việc làm sai trái của họ. Họ hôn tay bà và tin rằng bà có quyền năng chữa lành bệnh cho họ. Giới trưởng thành làm ra tiền đều nộp tiền lương cho bà. Một nhân chứng nhớ là bà khoe rằng: “Đôi tay này tiếp nhận từ 30.000 đến 40.000 đô-la một tháng.” Chuyên gia về tín ngưỡng làm chứng tại phiên toà xử bà Anne Aaron, gọi bà là “Nữ hoàng Anne – một người có uy lực khiến những ai làm trái ý bà đều phải sợ hãi.” Chuyên gia cũng phát biểu rằng: “Muốn xác định một tổ chức có tính cách tín ngưỡng hay không, ta phải thẩm tra cả chủ trương thần học lẫn phương diện xã hội và tâm lý nữa.” Dĩ nhiên quan toà tán thành ý kiến của chuyên gia. Sứ đồ Phao-lô có lẽ cũng đồng ý với chuyên gia đó. Trong bức thư thứ nhất gởi cho ông Ti-mô-thê, ông Phao-lô dặn Ti-mô-thê đề phòng những người lãnh đạo phiếm giáo. Họ dẫn dắt tín hữu vào chỗ lầm đường lạc lối. Chẳng những họ dạy những thuyết thần học đáng nghi ngờ, mà đời sống họ cũng thể hiện những hành vi cực đoan nữa. Trong khi sách Ga-la-ti và 2Phi-e-rơ đề cập đến nhóm người được gọi là tà đạo, sách 1, 2Ti-mô-thê và Giu-đe đề cập đến loại người lãnh đạo được gọi là phiếm giáo. Họ không dạy tà thuyết rõ rệt của tà đạo, và trong cách sống họ cũng không phạm tội cách trắng trợn. Tuy nhiên, Cơ Đốc nhân cần nhận thức rằng cả hai nhóm người này đều nguy hiểm như nhau, đồng thời cần biết cách ngăn chặn ảnh hưởng xấu của họ đối với Hội Thánh. Chung cuộc, hoạt động của cả hai nhóm người này đều dẫn đến hậu quả như nhau – tín hữu bị dẫn dụ “lầm đường lạc lối”, tức là lạc xa khỏi chân lý của Đức Chúa Trời.
Thâm nhập
Ông Ti-mô-thê, mục sư của Hội Thánh Ê-phê-sô phải đối phó với vài trưởng lão dạy dỗ những điều sai lầm (1:3-6). Cầm đầu các trưởng lão này có lẽ là Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ (1:20). Thành phần dễ dàng hưởng ứng lời dạy dỗ của họ nhất là goá phụ, đặc biệt là các góa phụ còn trẻ (3:11-15 cũng xem 3:6-9). Vị mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê có lẽ không biết phải xử trí như thế nào đối với các giáo sư giả này. Do đó, ông Phao-lô nhấn mạnh hai điều trong thư ông gởi cho ông Ti-mô-thê: công cử các giáo sư tin kính (Chương 1-3) và xây dựng sự dạy dỗ chân chính thuần tuý (Chương 4-6) .
I. Ngăn chận những sự dạy dỗ bất kính (1) Chương 1 dẫn nhập vào các chương khác trong bức thư này. Trong phần dẫn nhập, ông Phao-lô giới thiệu bốn chủ đề ông sẽ khai triển trong những chương sau. Chủ đề thứ nhất nói về nhóm người dạy những điều sai (1:3). Ông Phao-lô bàn rộng hơn về vấn đề này trong Chương 2 và 3. Ông bàn rộng hơn về vấn đề này và đưa ra những lời chỉ dẫn về cách chọn các giáo sư chân chính thuần tuý để đối phó nhóm giáo sư giả mạo ấy. Chủ đề thứ hai nói về chính những lời dạy sai của họ. Những lời dạy này phát sinh vào sự suy đoán (1:4) và sự áp dụng sai luật pháp trong Cựu Ước (1:7-10). Điều dạy sai đó dẫn đến cuộc sống bất kính, bất khiết và tội lỗi (1:9). Trong Chương 4 đến Chương 6 ông Phao-lô bàn sâu vào chi tiết về vấn đề này. Chủ đề thứ ba nói về sự dạy dỗ đúng đắn (1:12-17). Những lời dạy đó dựa vào đức tin (1:4-5, 14), và niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu (1:16). Điều đó được bày tỏ qua sự tin kính và dẫn đến tình yêu thương (1:5, 14). Trong suốt sách này ông Phao-lô cứ nhắc nhở ông Ti-mô-thê hoài về đức tin, niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, về sự tin kính và tình yêu thương. Cuối cùng, chủ đề thứ tư mà ông Phao-lô giới thiệu trong Chương 1 là lời khuyến giục ông Ti-mô-thê làm thành tựu lời báo trước về bản thân ông Ti-mô-thê. Lời báo trước này bày tỏ rằng ông Ti-mô-thê sẽ chiến đấu chống lại những lời dạy sai cùng các giáo sư giả bằng cách chăm lo trau dồi ân tứ giảng dạy để dạy dỗ những lời chân thật (1:18-19). Trong phần cuối của thư, ông Phao-lô cũng nhắc lại lời khuyến giục này (4:14). Sau đây là bốn điều mà Hội Thánh cần thực hiện để ngăn chặn những lời dạy sai thâm nhập vào trong Hội Thánh: 1. Thay thế giáo sư bất kính bằng giáo sư tin kính. 2. Triệt phá những lời dạy sai, tức là lời dạy dựa vào sự suy đoán và làm nảy sinh sự bất kính. 3. Xây dựng những lời dạy dỗ chân thật, là lời dạy dựa vào đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. 4. Giao phó nhiệm vụ cho người có ân tứ giảng dạy dạy Kinh Thánh.
II. Lập người nhân đức và thành thật lên làm giáo sư (2-3) Phần thứ hai (Chương 2 và 3) đưa ra những lời chỉ dẫn về cách chọn các giáo sư tin kính trong Hội Thánh. Chương 2, ông Phao-lô nói một cách chung chung về tất cả các Cơ Đốc nhân – nam lẫn nữ. Chương 3, ông nói cụ thể về người lãnh đạo – trưởng lão và chấp sự. Chương 2, ông bảo ông Ti-mô-thê rằng phụ nữ không được dạy dỗ (2:12). Còn Chương 3, ông cho ông Ti-mô-thê biết là tất cả các trưởng lão phải là người khéo dạy dỗ (3:2). Ông bắt đầu phần này bằng cách nói rằng mục đích của chúng ta là sống cuộc đời tin kính (2:2 cũng xem 2:10). Ông kết thúc phần này bằng cách cho chúng ta biết rằng “bí quyết” để sống một cuộc đời tin kính đó là tin nhận các lẽ thật căn bản trong Kinh Thánh về Chúa Cứu Thế Giê-xu (3:16). Mở đầu phần này ông giải thích rằng chính Đức Chúa Trời, Cứu Chúa muốn mọi người đều được cứu rỗi (2:3-4). Cuối phần này ông bày tỏ rằng nhân loại nhận được sự cứu rỗi nhờ tin Đức Chúa Trời (3:16 , xem thêm 3:13). Hãy chọn những người tin kính, tức là người hết lòng tin Chúa Giê-xu, làm giáo sư trong Hội Thánh của bạn. Mở đầu phần này, ông Phao-lô dùng một từ xuất hiện bốn lần trong thư và chỉ xuất hiện trong phần thứ hai thôi – đạo đức đoan chính Chúa ban. Ông giải thích đạo đức đoan chính là dấu hiệu của sự tin kính (2:2 từ “đạo đức đoan chính” trong bản N.A.S.B (New America Standard Bible) được dịch là “thành thật” trong bản K.V.J (King James Version) và dịch là “thánh khiết” trong bản N.I.V (New International Version) ). Trong Chương 2, ông Phao-lô bảo mọi tín hữu phải sống trong “nhân đức và thành thật” (2:2). Trong Chương 3, ông viết rằng con cái của các trưởng lão phải “ngay thật trọn vẹn” (3:4), còn các chấp sự phải là người “nghiêm trang” (3:8) và vợ các chấp sự cũng phải “nghiêm trang” (3:11). Người thiếu lòng nhân đức và thành thật thường có những biểu hiện nào? Thứ nhất là hay cãi cọ, thường dính líu vào những cuộc tranh chấp (3:3 xem thêm 2:8). Thứ hai, là người bỏ bê gia đình và con cái (3:4, 5, 12 xem thêm 2:15). Thứ ba là người tham tiền (3:3, 8). Đừng bao giờ lập các loại người này lên làm giáo sư trong Hội Thánh. Ông Phao-lô viết trong phần thứ hai rằng người phụ nữ “sẽ nhân đẻ con mà được cứu rỗi” (2:15). Câu Kinh Thánh này gây không ít hoang mang, bối rối cho nhiều độc giả. Ở đây, người phụ nữ được cứu khỏi điều gì? Phải chăng họ được cứu khỏi hoả ngục? Không phải thế. Cần chú ý là trong Chương 2 và 3 không có chỗ nào đề cập đến sự hình phạt đời đời cả. Vì thế, ở đây ông Phao-lô không có ý nói được cứu khỏi sự chết tâm linh. Lời giải thích dễ hiểu nhất đối với câu Kinh Thánh này là người phụ nữ được cứu khỏi nếp sống bất kính, bất khiết và tội lỗi. Chúng ta có thể giải thích như vậy vì vế thứ hai của câu Kinh Thánh này ghi rằng: “nếu họ bền đỗ trong đức tin… và sự thánh khiết…” (4:16). Cũng cần ghi nhận chủ đề của phần hai là sự tin kính (2:2, 10, 3:16). “Bí quyết” hoặc “lẽ huyền nhiệm” của sự tin kính là gì (3:9, 16)? Đó là chúng ta phải tin Chúa Cứu Thế Giê-xu (3:16, 1:16).
III. Xây dựng sự dạy dỗ tin kính đúng mức (4-6) Trong phần thứ hai, ông Phao-lô tập trung vào việc lập người tin kính làm giáo sư. Trong phần thứ ba, ông Phao-lô tập trung vào sự xây dựng những lời dạy dỗ đúng đắn. Trong phần thứ hai, ông Phao-lô chi tiết hoá chủ đề sự bất khiết và sự tin kính (được giới thiệu trong 1:9). Trong phần thứ ba, ông Phao-lô bàn chi tiết về những lời dạy sai và đáng nghi ngờ ( được giới thiệu trong 1:4, 7). Những lời dạy sai phát xuất từ sự suy đoán về gia phả của Cựu Ước và việc áp dụng sai luật pháp thời Cựu Ước. Các giáo sư giả trong sách Ga-la-ti dạy rằng tuân theo luật pháp Cựu Ước là điều kiện cần thiết để được cứu rỗi. Còn các giáo sư sai lạc trong sách 1, 2Ti-mô-thê lại dạy rằng tuân theo luật pháp là điều cần thiết cho sự tin kính. Như vậy không có nghĩa là những lời dạy sai trong 1, 2Ti-mô-thê ít nguy hiểm hơn. Ông Phao-lô xác định rằng những lời dạy này đến từ ác quỷ (3:9-7, 4:1). Ông báo trước cho ông Ti-mô-thê là những lời dạy này sẽ làm cho một số người “bỏ đức tin” (4:1), “chối bỏ đức tin” (5:8), “bỏ niềm tin ban đầu” (5:12), và “mất đức tin” (6:10, 21). Ở một mức nào đó, những lời dạy sai được đề cập đến trong 1, 2Ti-mô-thê nguy hiểm hơn lời dạy của các giáo sư giả trong sách Ga-la-ti, nguy hại hơn vì tinh tế hơn. Những người có trách nhiệm giảng dạy phải quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng đúng luật pháp thời Cựu Ước (1:8). Luôn luôn tập trung dạy các giáo lý quan trọng trong Kinh Thánh (như đức tin chẳng hạn) . Đừng suy đoán những vấn đề ít quan trọng trong Kinh Thánh (chẳng hạn như gia phả) . Trong Chương 1, ông Phao-lô bày tỏ rằng lời dạy sai phát sinh từ việc áp dụng sai luật pháp (1:7). Trong phần thứ ba, ông cho chúng ta biết rằng áp dụng sai luật pháp dẫn đến tình trạng Duy luật pháp (Chương 4) , Dâm loạn (Chương 5) và Duy lợi (Chương 6) . Thứ nhất là tình trạng Duy Luật Pháp. Các giáo sư giả đặt ra đủ thứ luật lệ hạn chế tín hữu. Họ cấm kết hôn và bảo kiêng cữ một vài loại thức ăn (4:3). Cần cảnh giác để có thể phát hiện những kiểu hạn chế tương tự do con người đặt ra trong Hội Thánh bạn. Thứ hai là Dâm Loạn. Các giáo sư giả dẫn dụ người khác sống buông lung theo thú vui (5:6, 11). Giờ đây, chắc là bạn thắc mắc làm sao họ có thể giảng dạy cả duy luật pháp lẫn sự dâm loạn vì hai điều ấy có vẻ trái ngược nhau. Có lẽ họ dạy rằng Cơ Đốc nhân được phép thưởng thức những điều mà luật pháp Cựu Ước không dứt khoát cấm. Vì thế, họ vẫn có thể thoả mãn những thèm khát nhục dục mà không vi phạm một luật cấm nào trong luật pháp. Thời nay, một số giáo sư Kinh Thánh cũng dạy rằng Cơ Đốc nhân được phép làm những điều mà Kinh Thánh không cụ thể cấm (như kết hôn với người đồng tính và thủ dâm chẳng hạn) . Chúng ta phải chống lại những lời dạy dỗ tương tự. Thứ ba, áp dụng sai luật pháp dẫn đến Duy lợi (tức là ham tiền) . Các giáo sư lầm lạc nghĩ rằng kết quả của lòng tin kính là sự giàu có (6:5). Họ muốn giàu có (6:9) và ham tiền bạc (6:10 xem thêm 3:3, 8). Ngày nay, thành phần này xuất hiện dưới dạng người rao giảng Phúc Âm, sức khoẻ và sang giàu, tức là người hô hào đòi quyền hưởng những phước lành vật chất của Cựu Ước (với tư cách là Cơ Đốc nhân, chúng ta chỉ có thể đòi quyền hưởng phước lành thuộc linh trong Cựu Ước vì chúng ta không phải là người Do Thái sống dưới Luật Pháp Cựu Ước) . Ông Phao-lô cho ông Ti-mô-thê biết rằng tự thân niềm tin kính là lợi ích (thuộc linh) lớn chớ nó không dẫn đến lợi ích lớn (về tài chính) (6:6). Để chống lại những lời dạy này, ông Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê phải dạy dỗ “những điều đó” là những điều ông Phao-lô đã dạy ông Ti-mô-thê. Cụm từ “những điều đó” xuất hiện bảy lần nội trong phần thứ ba này. Ông Ti-mô-thê phải “ghi nhớ những điều đó” (4:6), “răn bảo và dạy dỗ những điều đó” (4:11), “suy niệm về những điều đó” (4:15), “bền đỗ trong những điều đó” (4:16), “dạy rõ những điều đó” (5:7), “tuân giữ những điều đó” (5:21), và “dạy dỗ, khuyên bảo những điều đó” (6:2). Nhưng “những điều đó” mà mục sư Ti-mô-thê phải dạy là gì?
• Trước tiên, ông phải dạy rằng Đức Chúa Trời là Cứu Chúa của mọi người (4:10).
• Thứ hai, sự cứu rỗi đến từ niềm tin và đức tin (4:3, 10).
• Thứ ba, đời sống đức tin của tín hữu được thể hiện qua lòng tin kính (4:7-8, 6:6, 11) và các việc lành (5:10, 25, 6:18).
• Cuối cùng, đặc điểm của đời sống tin kính Chúa là tình yêu thương (4:12, 6:11). Như vậy, đây là những điều mà ông Phao-lô muốn nói đến qua “đạo lý theo sự tin kính” (6:3).
Trọng tâm
Giáo huấn tốt nhằm đem lại lòng tin kính chứ không phải giàu sang, tiền của. Thực hành Trong sách 1 và 2Tê-sa-lô-ni-ca, các tín hữu có nguy cơ mất niềm hy vọng vì cớ những cơn thử thách, hoạn nạn và khốn khó. Trong sách 1 và 2Ti-mô-thê, các tín hữu có nguy cơ mất đức tin vì các giáo sư giả và giáo huấn sai lầm. Sách này cho chúng ta biết ai nên giảng dạy trong Hội Thánh và họ nên dạy dỗ về điều gì – các giáo sư tin kính Chúa nên dạy đạo lý theo sự tin kính. Nhưng bên nào có trước: giáo sư tin kính hoặc giáo huấn theo sự tin kính? Con gà có trước hoặc quả trứng có trước? Nếu không có đạo lý theo sự tin kính, thì làm sao có những giáo sư tin kính? Và nếu không có các giáo sư tin kính, thì làm sao có thể có giáo huấn theo sự tin kính? Lời giải đáp cho vấn đề này là sự cầu nguyện đến trước cả hai (2:1). Chúng ta phải cầu nguyện với lòng tin chắc chắn, không chút nghi ngờ (2:8). Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể tiến đến bước thứ hai là lập các giáo sư tin kính lên (Chương 3) . Bước thứ ba là xây dựng sự giáo huấn theo sự tin kính (từ Chương 4 đến Chương 6)