“Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (câu 1b).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa yêu môn đệ Ngài đến mức độ nào? Hành động rửa chân cho các môn đệ, kể cả ông Giu-đa, nói lên tình yêu Chúa tuyệt vời ra sao? Tình yêu tuyệt vời của Chúa cai trị tấm lòng bạn thế nào?
“Yêu cho đến cuối cùng” là cứ yêu mãi, yêu vô hạn, cứ yêu dù phải hy sinh, bởi vì không có thời điểm nào là “cuối cùng” để chấm dứt hay chia rẽ được tình yêu của Chúa Giê-xu dành cho chúng ta (Rô-ma 8:38–39). Hành động rửa chân cho các môn đệ thể hiện tình yêu chân thật, hạ mình và lớn lao của Chúa Giê-xu. Yêu chân thật, hạ mình vì Ngài rửa những bàn chân thật sự nhơ bẩn. Tình yêu Chúa lớn lao vì biết mình sắp chịu khổ nhưng Ngài vẫn lo cho môn đệ, dạy dỗ họ một cách khiêm nhường, hy sinh, gương mẫu. Đối với Chúa, tình yêu là phải phục vụ chứ không chỉ nói suông. Khi Chúa phục vụ môn đệ, Ngài vẫn là thầy, là Chúa của họ chứ không hề hạ thấp giá trị của Ngài như Sứ đồ Phi-e-rơ lầm tưởng (câu 14), ngược lại, điều đó còn tôn Chúa lên cao. Trước đó, Ngài đã dạy họ rằng người lớn nhất trong Nước Ngài là người phục vụ chứ không phải người ngồi ăn (Lu-ca 22:24–30).
Tình yêu Chúa còn lớn lao vì Ngài rửa chân cho cả Sứ đồ Giu-đa, người sẽ phản Ngài. Từ ban đầu Chúa biết ông sẽ phản nhưng Ngài vẫn cho ông nhiều cơ hội, và ba lần cảnh báo ông (Giăng 6:70–71; 13:21–26; Lu-ca 22:48). Thậm chí, Ngài nói thẳng điều này với ông, nhưng trước mặt mọi người Ngài vẫn giữ thể diện cho ông (Giăng 13:27–28). Cho đến lúc bị phản bội, Chúa Giê-xu vẫn nhẹ nhàng gọi ông là “bạn” (Ma-thi-ơ 26:50).
Tình yêu của Chúa thật bao la, đầy ân sủng! Hãy nhớ, chúng ta cũng từng thù nghịch cùng Đức Chúa Trời (Rô-ma 5:10), nhưng Ngài vẫn yêu và chết thay để chúng ta có cơ hội hòa thuận lại với Ngài. Có bao giờ chúng ta thể hiện sự giận dữ đối với người phản bội mình, hại mình bằng cách cắt đứt mọi liên lạc với họ, không thèm nhìn mặt họ trong nhà thờ hay lạnh lùng với họ chăng? Khi có một tín hữu được phát hiện phạm tội nhưng đã ăn năn và thờ phượng Chúa trở lại, chúng ta có thái độ thế nào với họ? Cố tránh họ càng xa càng tốt chăng? Chúa không làm như vậy. Hãy có tình yêu bao dung giống như Chúa! Sứ đồ Phao lô từng khuyên Hội Thánh Cô-rinh-tô tha thứ, bày tỏ tình yêu cho một tín hữu sau khi đã bị quở trách trong Hội Thánh (II Cô-rinh-tô 2:6–8). Nhiệm vụ của chúng ta là hãy hết sức hòa thuận với mọi người, phần còn lại hãy phó thác cho Đức Chúa Trời lo liệu (Rô-ma 12:17–21). Hãy để tình yêu tuyệt vời của Chúa cai trị tấm lòng chúng ta trong mùa kỷ niệm Chúa chịu Thương Khó năm nay.
Bạn có sống với nhau bằng tình yêu như Chúa chưa?
Tạ ơn Chúa đã nhắc nhở con về tình yêu quá cao vời của Chúa trong mùa kỷ niệm Chúa chịu Thương Khó năm nay! Xin tình yêu của Chúa cai trị tấm lòng con để con luôn sống yêu thương tất cả anh chị em con như Chúa đã yêu.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Xuất Ê-díp-tô Ký 33.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=lynq_JILuEo&list=PLy5dD_318r0V9Ry4vMgPXG_M9nEE0E8oE&index=14
Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=sDufMn0sWVM&list=PLy5dD_318r0VdAQRX0oPXaDq2NF_HbZfg&index=34
Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:
Lịch Cầu Nguyện Tháng 3-2024: https://nguonhyvong.com/?p=23021&preview=true
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien