Phi-líp 2:1-5
“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Cơ Đốc đã có” .
(câu 5). 

Câu hỏi suy ngẫm: Bạn nhận biết gì về tâm tình phục vụ của Đấng Cơ Đốc? Xin kể lại tâm tình phục vụ của Chúa Giê-xu theo phân đoạn Kinh Thánh này. Có những điểm nào cần xét lại khi bạn phục vụ người khác một mình? Có những điểm nào cần xét lại khi bạn làm việc chung với người khác? Tiêu chuẩn kiểu mẫu của chúng ta là gì?

Sự phục vụ đúng đắn phải luôn luôn có động cơ chính đáng, lý do chính đáng, mục đích chính đáng. Qua phân đoạn Kinh Thánh này Sứ đồ Phao-lô giúp chúng ta xét lại cách phục vụ của mình dù phục vụ với tính cách độc lập, hoặc phục vụ cùng với người khác. Thứ nhất, xét mình trong lãnh vực phục vụ làm một mình chứ không làm chung với người khác: Sự phục vụ của tôi đem lại khích lệ cho người khác khi cái tôi của mình phải hạ xuống; nếu chỉ để khoe mình thì chẳng khuyến khích ai cả, trái lại chỉ gây vấp phạm. Sự phục vụ của tôi đem lại an ủi cho người nhận mà không gây phiền nhiễu khi không mang tinh thần quá khích hay nồng nhiệt không cần thiết. Sự phục vụ của tôi tạo mối thông công thắm thiết với anh chị em mình, khi tôi bằng lòng để Chúa Thánh Linh hướng dẫn công tác phục vụ của mình. Sự phục vụ của tôi thể hiện thái độ dịu dàng, nhu mì và hòa nhã với mọi người, khi tôi có lòng kính trọng đối với người mình đang phục vụ. Sự phục vụ của tôi với lòng thương xót, khi tôi không phân biệt đối tượng mình đang phục vụ là ai. Thứ hai, xét mình trong lãnh vực phục vụ mà chúng ta dự phần chung với nhiều người: Trong thế gian này chín người có mười ý, nhưng trong Chúa mười người chỉ còn một ý, vì ý riêng đã bị xóa bỏ, chỉ còn ý Chúa mà thôi. Dù sinh ra trong những bối cảnh gia đình khác nhau, nhưng chúng ta cùng hưởng một tình yêu của Chúa như nhau, nên chúng ta san xẻ tình yêu đó cho người khác. Vì chúng ta có cùng một Chúa ở giữa nên chỉ có một tâm trí duy nhất. Vì nhận cùng một sứ mệnh, và cùng muốn làm cho Danh Chúa rạng rỡ nên chúng ta có cùng một chí hướng phục vụ. Vì những điều này mà Chúa Giê-xu đã cầu nguyện khẩn thiết cùng Chúa Cha rằng: “Con ở trong họ và Cha ở trong Con, để cho họ toàn vẹn hiệp làm một, và cho thế gian biết chính Cha đã sai Con đến” (Giăng 17:23). Đừng tự phục vụ mình, hãy phục vụ người khác. “Vì Con Người đã đến không phải để người ta phục vụ mình, song để phục vụ người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 9:45). Sự phục vụ đúng ý nghĩa khi mang tính chất vị tha chứ không vị kỷ, vì người chứ không vì mình. Ai có lòng tranh cạnh, hư vinh, kiêu ngạo, khinh dể, tìm lợi ích riêng thì chỉ lo tự phục vụ mình; còn ai có tinh thần hòa đồng, tìm lợi ích chung, khiêm nhường, tôn trọng nhau là hướng sự phục vụ đến người khác vậy. Thứ ba, dù phục vụ riêng hay cùng nhau phục vụ, đều phải bắt chước tâm tình phục vụ của chính Chúa. Từ tâm tình của Cứu Chúa Giê-xu Cơ Đốc, chúng ta tìm thấy kiểu mẫu phục vụ điển hình nhất, rút ra phương cách phục vụ hữu hiệu nhất. Khi bảo chúng ta yêu người lân cận, Chúa Giê-xu phán “Như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy” (Giăng 13:34); cảm nhận tình yêu của Chúa nhiều sẽ giúp chúng ta yêu người khác nhiều, cảm nhận tình yêu của Chúa ít, sẽ khiến chúng ta yêu người khác ít đi. Khi bảo chúng ta tha thứ cho người thù nghịch mình, Lời Chúa dạy “tha thứ như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh chị em trong Đấng Cơ Đốc vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Chúng ta dễ lên án người khác vì chúng ta  không cảm nhận được mức độ Chúa đã tha thứ cho mình. Khi bảo phục vụ người khác, Chúa Giê-xu phán “Nếu Ta là Chúa là Thầy, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng nên rửa chân lẫn cho nhau” (Giăng 13:14); chúng ta có hiểu điều Chúa đã làm cho mình chăng? 

Bạn thấy mình có cần xét lại điều gì trong cách phục vụ giữa Hội Thánh không? Bạn học được điều gì mới trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay? Tiêu chuẩn phục vụ của bạn căn cứ vào đâu? 

Kính thưa Cha Yêu Dấu, xin giúp con phản ánh được tình yêu của Ngài, hình ảnh của Ngài trong cách phục vụ của con hôm nay, để qua sự phục vụ của con, người khác không nhìn thấy con, mà chỉ thấy Cha.

 

Tình Yêu Vô Kỷ

Đọc: Phi-líp 2:20-30


Vì bởi công việc của Đấng Cơ Đốc mà [Ép-ba-phô-đích] suýt chết, liều mạng sống mình. – Phi-líp 2:30


Ngày 4 tháng Mười Hai 2007, một binh lính 19 tuổi phục vụ ở Iraq nhìn thấy một quả lưu đạn rơi xuống từ một mái nhà. Sử dụng súng máy trong phòng canh trên chiếc Humvee, anh cố gắng làm chệch hướng nổ nhưng nó lại rơi vào trong xe của anh. Anh có đủ thời gian để nhảy ra an toàn. Nhưng ngược lại, anh lao mình vào quả lựu đạn trong một hành động vô kỷ gây kinh ngạc, đã cứu được tính mạng của bốn binh lính bạn anh. Hành động hi sinh thân mình hầu như khó giải thích này, có thể giúp chúng ta hiểu vì sao Kinh Thánh cho chúng ta biết có một loại tình yêu còn đáng trọng hơn kiến thức cao xa về đức tin (1 Cô-rinh-tô 13:1-3). Loại tình yêu này có thể khó tìm khiến sứ đồ Phao-lô than rằng nhiều người lo cho bản thân hơn là cho lợi ích của Đấng Cơ Đốc (Phi-líp 2:20-21). Vì vậy mà ông rất biết ơn Ép-ba-phô-đích, một người cùng làm việc, đã “suýt chết, liều mạng sống mình” để phục vụ người khác (c.30). Nếu chúng ta nghĩ mình sẽ không bao giờ bỏ mạng sống mình vì người khác, thì chính Ép-ba-phô-đích đã cho chúng ta thấy bước đầu tiên, bằng gương vô kỷ của anh. Tình yêu như vậy không phải là chuyện bình thường, cũng không phổ biến, và không phát xuất từ chính chúng ta, mà từ Thánh Linh Đức Chúa Trời là Đấng có thể cho chúng ta có ước muốn và khả năng cảm nhận thay cho người khác, chính tình yêu không thể diễn tả được của Đức Chúa Trời, dành cho chúng ta. – Mart De Haan 


Bạn có thể đo lường tình yêu mình đối với Đức Chúa Trời bằng cách bày tỏ yêu thương người khác.


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]