Rô-ma 8:18-27
“Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (câu 18). 

Câu hỏi suy ngẫm: Để dự phần vào sự vinh hiển với Chúa Giê-xu chúng ta phải làm gì (câu 17-18)? Muôn vật trông mong điều gì? Vì sao? Đức Thánh Linh giúp gì cho chúng ta trong sự cầu nguyện? Đức Chúa Trời muốn bạn trao phó cho Ngài những điều gì nữa?

Trong phân đoạn này có ba điều khích lệ chúng ta. Thứ nhất, “sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến” (câu 18). Khi ông A-đam từ chối “chịu khổ” bằng cách nhẫn nại vâng lời Đức Chúa Trời thì ánh sáng của sự sống không còn chiếu rọi vào vườn Ê-đen nữa và gương mặt của ông mất đi vẻ rạng ngời. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu đến tìm và cứu con người để phục hồi sự vinh hiển mà con người đã đánh mất. Khi chúng ta chọn vâng theo Lời Đức Chúa Trời thay vì chiều theo đòi hỏi của xác thịt, sự cám dỗ của ma quỷ và dự phần vào những công việc thù địch mà thế gian ưa thích, lúc đó không những chúng ta dự phần vào sự đau khổ với Chúa Giê-xu, mà còn dự phần vào sự vinh hiển với Ngài (câu 17, 18). Lúc chúng ta không chú vào tư lợi, không còn cứng cổ, cứng lòng, tự ái, tự mãn là lúc chúng ta đang chống trả với xác thịt để có được sự tiến bộ trong lãnh vực thuộc linh. Thứ hai, những con người được Đức Chúa Trời chiếu sáng là niềm hy vọng cho mọi tạo vật (câu 19-23). Khi chúng ta trông mong, hy vọng thì mọi tạo vật khác cũng nhìn chúng ta mà trông mong hy vọng. Khi nhân loại là tạo vật mang hình ảnh Đức Chúa Trời được Ngài giải cứu và ban sự vinh hiển, cũng là lúc mọi tạo vật khác sắp được đổi mới. “Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (câu 21). Thứ ba, Đức Thánh Linh cầu khẩn thay cho chúng ta (câu 26). Thật là điều kỳ diệu, khi chúng ta không thể giãi bày hết những sầu khổ trong lòng với Đức Chúa Trời, Đức Thánh Linh sẽ dùng ngôn ngữ của Ngài để thở than và giãi bày với Đức Chúa Cha thay cho chúng ta. 

Hãy suy nghĩ về sự tiến bộ thuộc linh của bản thân. Rồi tự hỏi làm thế nào để mình thoát khỏi tình trạng cứng lòng, tự ái và tư lợi? 

Lạy Chúa, con ước muốn được đầy dẫy Đức Thánh Linh luôn luôn để con không còn sống trong tình trạng cứng lòng, tự ái, tự mãn và tư lợi. 
 

Đúng Hay Sai?

 

Đọc: 2 Ti-mô-thê 3:14-17


Hãy chuyên tâm để được đẹp lòng Đức Chúa Trời. – 2 Ti-mô-thê 2:15


Steve thường làm chứng cho các bạn cùng làm chung. Nhưng khi anh đề cập một điều trực tiếp từ Kinh Thánh, có người thường đáp lại: “Khoan đã! Điều đó do con người viết ra, dẫy đầy lầm lỗi giống như bất kỳ sách nào khác.” Thư sau đây gửi cho chủ bút tờ báo địa phương của chúng tôi, cũng nêu ý kiến tương tự: “Tín nhân nói Lời Đức Chúa Trời là vô ngộ, nhưng tôi chẳng thấy lý do nào rõ ràng, để tin rằng những lời do con người viết trong Thánh Kinh là vô ngộ hơn những lời do con người viết trong một tập san khoa học.” Chúng ta sẽ đáp ứng ra sao, khi Kinh Thánh bị cho chỉ là những lời đầy lầm lỗi do con người viết ra? Đa số chúng ta không phải là học giả Kinh Thánh và có thể không có câu trả lời. Nhưng nếu chịu đọc (2 Ti-mô-thê 2:15), chúng ta sẽ thấy chứng cớ về Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hà hơi (3:16) và vì vậy, đáng tin cậy. Thí dụ, hãy suy nghĩ điều này: Suốt thời gian 1.600 năm, 40 tác giả khác nhau viết ra 66 sách trong Kinh Thánh. Có 400 năm im lặng giữa 39 sách Cựu Ước và 27 sách Tân Ước. Thế nhưng, từ Sáng Thế Ký tới Khải Huyền chỉ kể lại một câu chuyện hợp nhất. Dù chúng ta lấy đức tin chấp nhận Kinh Thánh, nhưng có vô số chứng cớ cho thấy Kinh Thánh chân thật. 

Hãy chăm chỉ nghiên cứu và chia sẻ điều chúng ta học được, với người khác. – Anne Cetas 


Trong một thế giới hoài nghi, bạn có thể tin cậy Lời đáng tin. 

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com