Lu-ca 15:11-32
“Nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng” (câu 22, 23).
Câu hỏi suy ngẫm: Người cha đã tỏ lòng rộng lượng thế nào khi đón người con trai hoang đàng trở về? Nếu để người anh cả giải quyết sự việc, anh sẽ xử sự ra sao khi thấy người em trở về? Bạn đã xử sự giống người cha hoặc người anh cả trong những sự việc nào?
Hầu hết con dân Chúa đều biết câu chuyện người con trai hoang đàng. Người cha trong câu chuyện đã đối xử với người con hoang đàng của mình thật rộng lượng. Không những ông tha thứ các lỗi lầm của anh, mà còn ban tặng anh quần áo, giày dép tốt. Ông lại còn đeo nhẫn cho anh, biểu hiệu sự phục hồi địa vị của anh trong gia đình. Chưa hết, ông lại còn cho mở tiệc ăn mừng. Thật là một tấm lòng bao dung, quảng đại. Người cha tượng trưng cho Chúa. Tội lỗi chúng ta thật kinh khủng, ghê tởm đáng để Chúa hình phạt theo lẽ công bằng, nhưng Chúa đã rộng lượng đối với chúng ta khi chúng ta ăn năn tội, quay về với Ngài. Chúa nhận chúng ta làm con cái Ngài, và Ngài vui lòng ban cho chúng ta dư dật mọi phước hạnh thiêng liêng (Ê-phê-sô 1:3-14). Ngược với người cha, người anh cả thấy em về và được đón mừng thì rất bực mình. Chúng ta dễ phê bình người anh cả này, đánh giá anh là hẹp hòi, ích kỷ, nhưng nhiều khi người anh cả lại là hình ảnh thật của chính chúng ta. Chúng ta vui mừng đón nhận sự rộng lượng Chúa dành cho mình, nhưng lại không dễ dàng rộng lượng với người khác. Để biết mình có rộng lượng hay không, xin thử tự kiểm mấy điểm sau đây:
– Bạn thường hay nêu lên những khuyết điểm hay ưu điểm của người khác? – Bạn thường giao tiếp với lòng kính trọng hay khinh thường người khác? – Bạn hay tránh né người ăn xin, hay sẵn sàng bố thí? – Bạn vui thích nhận sự giúp đỡ hay vui thích giúp đỡ người khác? – Bạn vui thích vì được đãi đằng hay vui thích tiếp đãi người khác? – Bạn dành bao nhiêu thì giờ, công sức, tiền bạc để dâng hiến cho Chúa và phục vụ người khác? Chúa đối đãi chúng ta rất hào phóng. Chúa kêu gọi chúng ta sống hào phóng như Ngài. Bạn áp dụng được điều gì qua bài học này vào đời sống mỗi ngày?
Lạy Chúa, thật sự trong con chỉ có sự ích kỷ, xin Chúa tha thứ và ban cho con lòng rộng lượng từ Ngài để mỗi ngày con được giống Ngài hơn.
Bây Giờ Không Phải Là Mãi Mãi
Đọc: Khải Huyền 21:1-5
Sẽ không có sự chết, không có buồn rầu, không có than khóc nữa. Sẽ không còn đau đớn nữa, vì những sự thứ nhất đã qua rồi. – Khải Huyền 21:4
Thời kỳ tôi đang lớn, thường sau mỗi lần bị va chạm nhẹ hoặc trầy sướt, khiến tôi phản ứng bực bội, Ba tôi hay khuyên: “Cứ nghĩ tới hết đau là khỏe thôi.” Lúc ấy thì lời khuyên chẳng giúp ích gì. Tôi không thể tập chú vào điều gì khác hơn là nỗi đau của mình, và lúc ấy dường như chỉ có la hét và khóc lóc như mưa, mới là cách đáp ứng duy nhất thích hợp. Tuy nhiên, qua tháng năm, lời khuyên của Ba tôi đã cứu tôi khỏi một số hoàn cảnh thực sự khốn khổ. Dù là nỗi đau thất vọng hay là nỗi khổ của bịnh tật kéo dài, tôi cũng tự nhủ: Bây giờ không phải là mãi mãi. Niềm tin của Cơ Đốc nhân chúng ta đang có, là Đức Chúa Trời đã dành sẵn điều tốt cho chúng ta. Khổ đau không phải là một phần trong hành động sáng tạo lúc đầu của Ngài, mà chỉ là điều nhắc nhở tạm thời, về tình trạng của một thế giới, trong đó trật tự của Đức Chúa Trời đã bị phá vỡ. Đau khổ cũng thúc giục chúng ta rao truyền về kế hoạch của Đức Chúa Trời, nhằm cứu chuộc thế giới khỏi khổ đau do tội lỗi gây ra. Dù không thể tránh đớn đau thất vọng (Giăng 16:33), nhưng chúng ta biết đó chỉ là tạm thời. Vài buồn đau sẽ được giải tỏa trong cuộc đời này, nhưng mọi buồn đau sẽ được cất hết, khi cuối cùng Đức Chúa Trời sẽ vững chãi thiết lập trời mới đất mới (Khải Huyền 21:1). Bây giờ không phải là mãi mãi. – Julie Ackerman Link
The gains of heaven will more than compensate for the losses of earth.
Lợi lộc trên thiên đàng sẽ bù đắp dồi dào cho mọi thua lỗ dưới đất.
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com