“Dù khi tôi khoe mình khí quá về quyền phép Chúa đã ban cho chúng tôi, để gây dựng anh em, chớ chẳng phải để hủy diệt, thì tôi sẽ không hổ thẹn” (câu 8 BTT).
“Ngay cả khi chúng tôi có tự hào hơi thái quá về uy quyền Chúa ban cho chúng tôi, uy quyền để xây dựng chứ không phải để phá đổ anh em, thì tôi cũng không xấu hổ” (câu 8 BTTHĐ).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đang đối diện với sự chống đối nào? Ông mở đầu lời phân giải của mình với thái độ ra sao? Ông đã dùng vũ khí và uy quyền gì để chiến đấu? Bạn dùng uy quyền nào để chiến đấu trong chiến trận thuộc linh?
Sứ đồ Phao-lô đang đối diện với sự chống đối từ một số tín hữu tại Cô-rinh-tô. Họ cho rằng ông chỉ mạnh mẽ khi viết thư cho họ từ xa nhưng lại rất yếu đuối và nhút nhát khi ở cùng họ (câu 10). Do đó, ngay câu đầu của chương này, Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định cho họ biết rằng ông đến với họ trong tinh thần “nhu mì và nhân từ” vì ông học theo gương của Đấng Cứu Thế. Chính Chúa
Giê-xu đã phán: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường…” (Ma-thi-ơ 11:29a). Khi Sứ đồ Phao-lô đến với các tín hữu Cô-rinh-tô, ông nhẹ nhàng khuyên bảo họ những điều họ cần làm và cần phải thay đổi. Còn khi viết thư, ông dùng uy quyền Chúa ban cho để răn bảo, nhắc nhở họ với mục đích giúp họ tăng trưởng, chứ không có ý đe dọa họ (câu 9).
Trong những lời phân giải của Sứ đồ Phao-lô, ông nhắc nhở mỗi Cơ Đốc nhân phải ý thức một điều là họ đang ở trong chiến trận thuộc linh cho dù vẫn còn sống trong thân xác vật lý (câu 3). Vì thế, chúng ta không thể chiến đấu bằng sức mạnh của xác thịt, hay về vẻ bên ngoài, nhưng phải dùng vũ khí thuộc linh, là năng quyền của Chúa để chiến đấu (câu 4). Quyền năng của Chúa có thể phá đổ các thành lũy giả mạo, đánh bại mọi lý luận, và mọi sự kiêu căng chống lại sự hiểu biết Chúa (câu 4–5). Ông khẳng định cho họ biết ông có uy quyền trên họ nhưng chỉ sử dụng với mục đích gây dựng; và uy quyền đó đến từ Chúa chứ không phải do con người cố tạo ra (câu 8). Cuối cùng, Sứ đồ Phao-lô kết luận không có sự mâu thuẫn giữa việc giảng dạy trực tiếp và các thư tín của ông (câu 11). Ông viết thư cách nghiêm khắc vì điều đó là cần thiết. Nhưng khi ông ở với họ thì ông học theo gương Chúa Giê-xu chăm sóc họ trong tinh thần một đầy tớ khiêm nhu mềm mại.
Hội Thánh Chúa gồm nhiều thành phần khác biệt, Chúa luôn dùng người này gây dựng người khác để cùng nhau tăng trưởng. Điều quan trọng là chúng ta phải giúp nhau, cùng chiến đấu với những điều sai lạc bằng uy quyền thuộc linh chứ không bằng kiến thức hay sức mạnh của xác thịt. Cần nhớ rằng uy quyền thuộc linh luôn là nhu mì, nhân từ của Đấng Christ chứ không phải là kiêu căng hay hùng hổ.
Bạn có đang mặc lấy uy quyền thuộc linh để gây dựng anh chị em mình không?
Lạy Chúa, xin giúp con nhận biết uy quyền Chúa cho để sử dụng cách hữu hiệu trong chiến trận thuộc linh mỗi ngày.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Châm Ngôn 29.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien