“Đức Chúa Giê-xu thấy mẹ mình, và một môn đệ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi! Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đệ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình” (câu 26–27).

Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu đã làm gì khi thấy mẹ Ngài dưới chân thập tự? Lời nói của Chúa mang ý nghĩa gì trong bối cảnh văn hóa thời đó? Chúa đã nêu gương gì cho con dân Chúa ngày nay?

Chúa Giê-xu đang bị treo trên cây thập tự, đau đớn tột cùng từ thể xác tới tinh thần. Ngài nhìn xuống và được an ủi rất nhiều khi thấy những phụ nữ thân thương đang tan nát cõi lòng đứng đó nhìn lên. Nhưng trên những tình cảm quý mến đó, Ngài không quên trách nhiệm của một người con về phần xác đối với mẹ mình. Câu 26a ghi: “Đức Chúa Giê-xu thấy mẹ mình, và một môn đệ Ngài yêu đứng gần người.” Chúa đã bị mất máu nhiều do những thương tích quá nặng, nhưng Ngài vẫn quan sát và “thấy” mẹ Ngài cùng với môn đệ Ngài yêu đang đứng bên cạnh. Chúa nói cùng mẹ mình rằng: “Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi!” Rồi Ngài nói với Sứ đồ Giăng rằng: “Đó là mẹ ngươi!”

Trước hết chúng ta phải hiểu cụm từ “Hỡi đàn bà kia” không phải là một lời bất kính, nhưng trong bối cảnh văn hóa và từ ngữ thời đó thì cụm từ này thường được dùng để gọi phụ nữ với lòng kính mến, lịch sự. Những bản Kinh Thánh khác dịch là “Thưa bà” hay “Thưa mẹ.” Chúng ta thấy Kinh Thánh ghi lại Chúa Giê-xu dùng cụm từ này khi Ngài nói với mẹ Ngài trong tiệc cưới ở Ca-na (Giăng 2:4), khi Ngài nói với phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4:21), và với bà Ma-ri Ma-đơ-len (Giăng 20:15). Thiên sứ cũng dùng cụm từ này khi nói với những người đàn bà đến viếng mộ Chúa (Giăng 20:13).

Trên thập tự giá, Chúa đã gửi gắm và giao trách nhiệm chăm sóc mẹ Ngài cho Sứ đồ Giăng. Ông vừa là người Ngài yêu vừa là cháu của mẹ Ngài nên việc Chúa giao cho ông chăm sóc mẹ Ngài là điều rất hợp tình hợp lẽ, và chúng ta tin rằng ông rất vinh dự khi nhận trách nhiệm cao quý này. Dù Chúa Giê-xu đang thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại, và về phương diện nhân tính, Ngài đang chịu đau đớn tột cùng trong thân xác, nhưng Ngài cũng không quên làm tròn chữ hiếu với mẹ mình trong trách nhiệm làm con về phần xác. Chúa làm tròn trách nhiệm hiếu thảo và trách nhiệm cứu chuộc cách trọn vẹn đã để lại một gương cho chúng ta. Mỗi chúng ta đều đã nhận lãnh những trách nhiệm từ nơi Đức Chúa Trời và Hội Thánh của Ngài, cho dù hoàn cảnh có ra sao, chúng ta cũng phải noi gương Chúa, chu toàn trách nhiệm Chúa giao trong Hội Thánh và trách nhiệm hiếu thảo trong gia đình một cách trọn vẹn.

Bạn thấy mình còn thiếu sót gì trong trách nhiệm hiếu kính cha mẹ không?

Cảm tạ Chúa đã ban cho con mái ấm gia đình để con sống mỗi ngày, cũng như Chúa đã ban cho con Hội Thánh để con sống và phục vụ. Xin cho con noi gương Chúa chu toàn mọi trách nhiệm Chúa giao trong Hội Thánh và trong gia đình.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 7.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien