“Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (câu 23).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã cho biết động cơ nào khiến ông từ bỏ mọi quyền lợi của bản thân? “Phần” mà ông nhắc đến trong câu 23 là điều gì? Còn phần của bạn trong Phúc Âm là gì?
Như điều Sứ đồ Phao-lô đã trình bày từ câu 19 đến câu 22 cho thấy ông đã từ bỏ mọi quyền lợi, cả về vật chất lẫn tự do của cá nhân, để hoàn thành mục đích rao giảng Phúc Âm. Và động cơ thôi thúc ông thực hiện những điều đó là để ông cũng được “có phần” trong Tin Lành. Hoàn toàn không mâu thuẫn với những điều ông trình bày ở trên khi ông nói rằng mình chẳng đòi hỏi quyền lợi về vật chất (câu 15), vì cớ “phần” mà ông nói ở đây không phải những quyền lợi về vật chất nhưng chính là việc ông được dự phần phước hạnh trong việc đem Phúc Âm đến mọi nơi và đến với mọi người. Ông vui mừng khi thực hiện trọng trách cao quý này, và vui mừng hơn nữa khi nhìn thấy nhiều người được nghe biết về Phúc Âm và đặt đức tin nơi Đấng Christ. Khi ông làm mọi sự vì Phúc Âm như vậy thì ông cũng được cùng hưởng phước với Phúc Âm.
Sứ đồ Phao-lô đã nói lên phước hạnh này trong thư I Tê-sa-lô-ni-ca 2:19–20: “Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chẳng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Giê-xu chúng ta trong khi Ngài đến sao? Phải, anh em thật là sự vinh hiển và vui mừng của chúng tôi vậy.” Được cùng tương giao chia sẻ niềm vui khi Phúc Âm của Đấng Christ đến với nhiều người là khát khao, là động cơ thôi thúc Sứ đồ Phao-lô vui lòng làm, và sẵn lòng hy sinh mọi sự.
Trái ngược với tinh thần của Sứ đồ Phao-lô là sự thờ ơ của mỗi chúng ta với sứ mệnh truyền bá Phúc Âm, chẳng dự phần mà cũng chẳng quan tâm. Hội Thánh mở cửa tổ chức những chương trình truyền giảng nhưng phần lớn chúng ta cho rằng đó là công việc của mục sư quản nhiệm, ban chấp sự, hay cụ thể là của ban truyền giảng. Vì thế, chúng ta hoàn toàn không quan tâm chương trình thế nào, cũng như không nghĩ đến sẽ mời ai tham dự truyền giảng, và đau lòng hơn khi chúng ta cũng chẳng buồn đến tham dự. Còn nói về dâng hiến cho quỹ truyền giáo là điều không được nhiều người để tâm đến. Chính vì thế mà nguồn tài chánh cho truyền giảng thường cạn kiệt. Học tập tinh thần của Sứ đồ Phao-lô, ước ao chúng ta tận dụng mọi cơ hội để góp phần vào công tác rao truyền Phúc Âm, sẵn sàng làm mọi việc, hy sinh mọi quyền lợi của bản thân “…hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (câu 23).
Trong những tháng ngày qua, bạn đã quan tâm và góp phần trong công tác rao truyền Phúc Âm như thế nào để cũng được có phần trong Phúc Âm?
Kính lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời! Tạ ơn Chúa đã cho con được nghe và tiếp nhận Phúc Âm, xin giúp con tận dụng cơ hội để được góp phần trong sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hầu cho con cũng được dự phần phước hạnh với Phúc Âm.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Công Vụ Các Sứ Đồ 6.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien