“Mỗi một người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dựa trên yếu tố nào khi quyết định gửi trả ông Ô-nê-sim về với chủ (câu 13-14)? Ông nhìn nhận sai phạm trước đây của ông Ô-nê-sim trong quan điểm nào (câu 15-16)? Bạn áp dụng bài học này thế nào cho những hoàn cảnh đang đối diện?

Hơn lúc nào hết, Sứ đồ Phao-lô rất cần người phụ giúp khi đang trong cảnh tù đày, và nếu giữ ông Ô-nê-sim lại thì có thể coi như người nô lệ này thay thế cho ông
Phi-lê-môn chăm lo cho ông vậy (câu 13). Thế nhưng, điều Sứ đồ Phao-lô quan tâm hơn hết không phải là chính ông và nhu cầu của mình nhưng là nhu cầu của ông Phi-lê-môn và ông Ô-nê-sim. Thoạt nhìn, việc Sứ đồ Phao-lô tiếp tục giữ ông Ô-nê-sim bên cạnh rồi viết thư yêu cầu ông Phi-lê-môn tha thứ cho ông Ô-nê-sim và cho phép người ở lại giúp đỡ mình là giải pháp tốt nhất, hơn là buộc ông Ô-nê-sim phải đối mặt với ông chủ Phi-lê-môn. Nhưng Sứ đồ Phao-lô biết rằng việc hai người phải đối diện với nhau là cần thiết. Ông Ô-nê-sim phải học cách chịu trách nhiệm với những sai phạm của mình, và ông Phi-lê-môn cũng phải học cách đối diện với người làm thiệt hại mình; và quyết định tha thứ phải đến từ tình yêu thương và sự tự nguyện chứ không phải từ sức ép của người khác, và bởi đó giúp ông trưởng thành hơn (câu 14).

Trong các tác phẩm của mình, nhà văn Shakespeare thường trích dẫn câu: “Tình yêu là mù quáng.” Thế nhưng, trong đức tin sống động của Cơ Đốc nhân, tình yêu không hề mù quáng, ngược lại chính tình yêu giúp chúng ta trở nên sáng suốt. “Nhưng sự hiểu biết sinh kiêu căng, còn tình yêu thương thì xây dựng” (I Cô-rinh-tô 8:1 BTTHĐ). Tình yêu Cơ Đốc giúp chúng ta quay hướng ra khỏi chính mình để nhìn thấy nhu cầu của người khác và tìm giải pháp tốt nhất để đáp ứng nhu cầu đó.

Hơn thế nữa, trong đôi mắt đức tin, Sứ đồ Phao-lô còn nhìn thấy sự tể trị của Đức Chúa Trời trên mọi việc, ngay cả những mất mát, tổn thương, để “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:28). Việc làm sai trật của ông Ô-nê-sim trong quá khứ là tội lỗi, nhưng trong ân sủng của Đức Chúa Trời, Ngài không những đã cứu ông Ô-nê-sim trong sai trật của ông mà còn đem lại cho ông Phi-lê-môn một món lợi lớn. Ông có thể đã mất một số tài sản, nhưng bây giờ ông được một người anh em trong Chúa (câu 15-16), một người được biến đổi “bây giờ sẽ ích lắm” (câu 11) vì không còn trộm cắp hay làm thiệt hại cho ông Phi-lê-môn nữa. Tình yêu thương không những giúp chúng ta nhìn thấy nhu cầu của người khác, mà còn nhìn thấy sự tể trị và ân sủng lạ lùng của Đức Chúa Trời bày tỏ trên chính chúng ta và người khác. Ha-lê-lu-gia!

Tình yêu giúp bạn nhìn thấy nhu cầu của người khác như thế nào?

Lạy Chúa, xin đem con ra khỏi sự thương hại mình để nhìn thấy nhu cầu của anh chị em con và xin Chúa dùng con để đáp ứng những nhu cầu đó trong tình yêu thương của Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 34.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien