“Nhìn xem Đức Chúa Giê-xu, là cuối cùng và cội rễ của đức tin, tức là Đấng đã vì sự vui mừng đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”(Hê-bơ-rơ 12:2).

Câu hỏi suy ngẫm: Thầy Tế lễ Ê-li-a-síp đã phạm phải những tội lỗi nào? Lãnh đạo mà không gương mẫu thì nảy sinh ra những hậu quả nào? Trong hành trình theo Chúa mỗi ngày, bạn cần hướng về mục tiêu nào?

Trong khoảng thời gian dài, ông Nê-hê-mi không có ở quê nhà, lẽ ra những lãnh đạo người Ít-ra-ên thay mặt ông phải quản lý sát sao hơn tình hình đời sống của dân Chúa về mọi phương diện. Đằng này, Thầy Tế lễ Ê-li-a-síp nhân ông Nê-hê-mi vắng mặt mà ngang nhiên làm những điều trái với luật pháp Chúa. Từ “bà con” trong câu 5 nói đến mối liên hệ thân tình trong gia tộc, vì “một trong các con trai của Giô-gia-đa, cháu Ê-li-a-síp, thầy tế lễ thượng phẩm, là rể của San-ba-lát, người Hô-rôn” (câu 28). Do đó, Thầy Tế lễ Ê-li-a-síp đã lạm quyền, cho phép ông
Tô-bi-gia là bạn của ông San-ba-lát trong nhóm người chống nghịch với dân Chúa, được trú ngụ trong một phòng của khuôn viên đền thờ. Chưa hết, với trách nhiệm trông coi các phòng kho của đền thờ, và một trong những phòng ấy dùng để chứa những của lễ dùng vào việc chu cấp lương thực cho người Lê-vi cùng những người phụ trách công việc thờ phượng Chúa trong đền thờ. Thế nhưng, những người đó lại không được chu cấp lương thực, sự việc tồi tệ đến nỗi họ phải bỏ chức vụ của mình, trở về quê làm ruộng nuôi thân (câu 10). Từ những điều kể trên cho thấy, Thầy Tế lễ Ê-li-sa-síp đã không gương mẫu trong công việc Chúa giao và trong đời sống riêng, lạm quyền và tắc trách. Hậu quả đau buồn hơn là những chương ký thuật sau đó ghi lại một loạt những bê tha của người Ít-ra-ên. Thử hỏi, một người lãnh đạo thuộc linh có trách nhiệm giãi bày Kinh Thánh cho dân Chúa lại phạm tội lỗi nghiêm trọng như thế thì làm sao dân Chúa lại có thể xem trọng Lời Chúa và sống với Lời Ngài.

Bài học về tội lỗi của Thầy Tế lễ Ê-li-a-síp nhắc chúng ta rằng, những người lãnh đạo cũng chỉ là những con người bất toàn, họ không được miễn nhiễm với tội lỗi. Nghĩa là họ cũng có thể mắc phải bất kỳ tội lỗi nào như bao nhiêu người khác. Dĩ nhiên tội lỗi trong Hội Thánh cần phải giải quyết, nhưng trong hành trình theo Chúa, chúng ta cần nhìn xem Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin, hơn là nhìn con người. Con người có thể giúp cho chúng ta được khích lệ, an ủi; nhưng cũng có lúc con người làm cho chúng ta cảm thấy thất vọng vô cùng. Duy chỉ có Chúa Giê-xu Christ, là Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng, thêm sức mạnh thuộc linh để chúng ta vượt qua những thử thách, cám dỗ, vững lòng tiến bước trên linh trình dù hoàn cảnh có ra sao.

Trên linh trình của mình, bạn đang nhìn xem Chúa
Giê-xu để vâng phục hay nhìn xem con người?

Lạy Chúa, xin cho con đừng vì sự vấp phạm của những người chung quanh mà dao động đức tin. Xin cho con chỉ chăm nhìn lên Chúa mà bước đi theo Ngài.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giô-suê 22.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien