“Ta muốn ở cùng các con và thay đổi cách nói; vì về việc các con, ta rất là bối rối khó xử” (câu 20).
Câu hỏi suy ngẫm: Những vấn đề các tín hữu Ga-la-ti đang mắc phải là gì? Sứ đồ Phao-lô nói với họ những điều đó theo cách nào và với thái độ ra sao? Ông đối diện với thách thức nào khi nói với họ? Bạn học gì qua tâm tình của Sứ đồ Phao-lô?
Khác với hầu hết các bức thư khác của Sứ đồ Phao-lô, sau lời chào thăm có lời cảm tạ và ngợi khen, trong thư gửi Hội Thánh Ga-la-ti, ông đã trực tiếp khiển trách họ, và cũng nhiều lần dùng những lời rất gay gắt như “hỡi người Ga-la-ti ngu muội kia” hay “sao anh em ngu muội dường ấy” (Ga-la-ti 3:1, 3)… Do đó, nhiều người nghĩ rằng Sứ đồ Phao-lô là người nghiêm khắc, khô khan, và thiếu tình cảm. Tuy nhiên, phân đoạn Kinh Thánh hôm nay cho thấy một giọng văn rất khác của ông. Ông vô cùng tình cảm, chân thành và yêu quý các tín hữu Ga-la-ti. Đặt mình trong vai trò của một người mẹ, “chịu đau đớn của sự sinh nở” (câu 19), ông thật lòng chia sẻ nỗi lo lắng dành cho những tín hữu Dân Ngoại này khi thấy họ học đòi giữ “ngày, tháng, mùa, năm” như người Do Thái (câu 10). Ông cũng băn khoăn khi thấy họ vốn rất sẵn lòng đón tiếp ông, không nhận ra những người theo phái Giu-đa đang sốt sắng với họ “không phải là ý tốt” (câu 17–18). Ông nhớ lại họ đã từng vui mừng đón nhận ông “như một vị thiên sứ,” “như chính mình Đức Chúa Giê-xu Christ” (câu 14), và ông buồn lòng khi đặt câu hỏi sự vui mừng ấy đâu mất rồi (câu 15)! Đặc biệt, ông liên tục gọi họ là “các con” (câu 19–20), và cũng không ngại chia sẻ việc ông đang cảm thấy bối rối khó xử về họ, cùng việc phải nghiêm giọng với họ là điều ông không hề muốn (câu 20).
Mặt khác, dù trăn trở và ý thức việc ông nghiêm khắc khiển trách họ có thể khiến họ không còn yêu quý ông nữa mà quay lưng xem ông là kẻ thù, Sứ đồ Phao-lô vẫn không ngại mà nói sự thật về tình trạng của họ (câu 8–11, 15–17 và các phân đoạn trước). Ông chọn nói sự thật về sai lầm của họ theo cách trực tiếp để gây dựng thay vì im lặng hay nói xấu sau lưng họ.
Có những lúc chúng ta nói thật về những sai trật của anh chị em mình nên bị họ lảng tránh và không còn xem chúng ta là bạn nữa, khiến chúng ta ngại nói thật với người khác. Cũng có khi chúng ta mạnh dạn góp ý thẳng thắn và trực tiếp nhưng cách nói thiếu tình yêu thương nên không mang lại kết quả tốt. Có anh chị em nào chúng ta thấy cần thẳng thắn nói cho họ biết về những sai lầm của họ không? Học theo tâm tình của Sứ đồ Phao-lô, hãy chia sẻ với người cần khiển trách ấy nỗi lo lắng, trăn trở, và khó xử của chúng ta về tình trạng của họ bằng tình yêu thương để gây dựng lẫn nhau.
Bạn có thẳng thắn nói với người thân về sai lầm của họ không?
Lạy Chúa, xin cho con can đảm đón nhận những lời khiển trách đúng đắn và chân tình. Xin Chúa cũng cho con có sự can đảm để thẳng thắn nhắc nhở những người thân yêu của con bằng tình yêu thương khi họ sai trật.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ê-sai 15—16.