Vậy chúng ta bắt đầu từ một số xác tín cơ bản làm nền tảng cho việc học hỏi của chúng ta. Tất cả các tín hữu Tin Lành đều đồng ý về những xác tín có liên quan tới nội dung Kinh Thánh. Những xác tín có liên quan đến đường hướng học Kinh Thánh có thể không được mọi người tán thành, nhưng tôi hy vọng chứng tỏ là chúng hợp lý.
1. Kinh Thánh là Lời Thượng Đế (cả Cựu và Tân ước)
Kinh Thánh được Thượng Đế cảm thúc, bởi vậy Kinh Thánh khác với mọi sách khác. Nói vắn tắc, những điều Kinh Thánh nói là do Thượng Đế phán. Muốn hiểu Kinh Thánh cho đúng, bạn cần phải tin rằng đó là Lời Thượng Đế, qua Kinh Thánh Ngài đã phán dạy loài người, trong đó có bạn. Bạn phải xác nhận rằng những lời tuyên bố trong Kinh Thánh có thẩm quyền và đáng tin cậy.
Niềm xác tín nầy là căn bản cho việc học Kinh Thánh của chúng ta và ảnh hưởng toàn thể đường hướng học hỏi của chúng ta, vì việc học Kinh Thánh không phải chỉ là một kỹ thuật. Thái độ tin tưởng rất quan trọng trong việc hiểu biết. Nếu bạn có nghi ngờ gì thì xin làm sáng tỏ trước khi bắt đầu học. Hãy cầu nguyện xin Chúa bày tỏ chân lý và tìm đọc những sách bổ ích về đề tài nầy.
Tuy nhiên chúng ta nên cẩn thận. Thượng Đế có thể không phán những điều mà một số người tưởng là Kinh Thánh đã nói. Không phải vì chúng ta tin Kinh Thánh là Lời Thượng Đế mà những gì chúng ta nghĩ về Kinh Thánh đều đúng cả. Chính vì lý do đó mà chúng ta cần phải thông giải Kinh Thánh cẩn thận.
2. Chúng ta có thể hiểu được Kinh Thánh qua các bản dịch
Một số tín hữu tin rằng chỉ học Kinh Thánh trong tiếng Hy-lạp hay Hê-bơ-rơ thì mới hiểu đúng nghĩa, nhưng hầu hết các tín hữu từ thời Chúa Giê-xu đến nay đều chỉ biết Kinh Thánh qua các bản dịch. Ngay như thời nay cũng chỉ có một thiểu số tín hữu được đọc sách vở của các học giả nghiên cứu Kinh Thánh ở nguyên ngữ. Nhiều thứ tiếng không có sẵn bình giải (commentary) và Thánh Kinh phụ dẫn (concordance), hoặc sách quá đắt khó mua nổi. Phải chăng Thượng Đế sắp đặt để cho đa số tín hữu không hiểu được lời Ngài? Không, các bản dịch đều chuyên chở được ý nhĩa thiết yếu của Kinh Thánh.
Như vậy không có nghĩa là công tác khảo cứu vô bổ. Nó rất quan trọng và có giá trị. Nhờ sự khảo cứu, chúng ta có thêm nhiều kiến thức và những soi sáng có giá trị, nhất là trong việc thông giải những điểm khó hiểu trong Kinh Thánh.
Dĩ nhiên, thứ tiếng nguyên thủy của Kinh Thánh không phải là tiếng mẹ đẻ của nhiều người. Cựu Ước viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ (trừ một vài phần bằng tiếng A-ram), Tân Ước viết bằng tiếng Hi-lạp. Như vậy những bản Kinh Thánh chúng ta dùng đều là những bản dịch dầu đó là bằng tiếng Anh, tiếng Ấn, tiếng Tamil, hay tiếng Việt. Hầu hết các bản dịch là do các học giả Cơ-đốc dịch ra với tinh thần cầu nguyện và cẩn trọng, chúng ta có thể tin tưởng các bản dịch đó. Thí dụ như bản dịch Cựu Ước ra tiếng Hy lạp, thực hiện vào khoảng năm 280 TC, gọi là bản Septuagint (Bản Bảy Mươi). Kinh Tân Ước thường trích từ bản dịch nầy hơn là bản tiếng gốc Hê-bơ-rơ (những bản văn chúng ta có ngày nay), như những câu trích trong Mat Mt 13:14-15, LuLc 3:4-6 và RoRm 15:12.
Tuy nhiên, không phải tất cả các bản dịch đều được thực hiện cẩn thận, một số không do những người tin nơi sự thần cảm của Kinh Thánh dịch. Vì vậy bạn cần biết những bản dịch mình dùng, nhất là bản dịch tiếng Anh, vì tiếng Anh có nhiều bản dịch.
3. Kinh Thánh là nhất quán (unity)
Cựu Ước và Tân Ước không mâu thuẩn nhau trong việc khải minh Thượng Đế. Đúng ra, cả hai bổ túc lẫn nhau: Cựu Ước chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước hoàn thành Cựu Ước.
Tiến trình của sự mặc khải là: Cựu Ước khải minh từng phần và bằng “nhiều cách” còn Tân Ước ghi lại mặc khải tối hậu của Chúa Giê-xu Cơ-Đốc. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu Cơ-Đốc cũng là trung tâm của Cựu Ước, dù chân dung của Ngài chỉ xuất hiện rời rạc từng phần. Chúng ta chỉ hiểu được Kinh Thánh khi chúng ta thấy được cái hoàn thể: Đấng Cứu Thế và kế hoạch cứu rỗi của Thượng Đế qua Ngài.
4. Kinh Thánh tự thông giải chính mình
Nghĩa là, khúc sách nầy soi rọi cho khúc kia. So sánh Kinh Thánh với Kinh Thánh là cơ bản cho việc thông giải Kinh Thánh. Những câu rõ nghĩa giúp giải thích những câu tối nghĩa. Những câu nghĩa đen soi sáng cho những câu nghĩa bóng. Lịch sử và giáo huấn của Tân Ước vén màn bí mật cho những lời tiên tri của Cựu Ước.
Việc so sánh phải cẩn thận, không được một chiều. Ví dụ, có người đọc câu “Ai trong các ngươi không bỏ mọi sự mình có thì không được làm môn đồ ta ” (LuLc 14:33), đem so sánh với lệnh Chúa truyền “Hãy bán hết gia tài phân phát cho kẻ nghèo rối đến đây mà theo ta ” (18:22), rồi ông ta đem của cải ra cho hết, trong khi còn có vợ và 5 con. Sau khi sạch hết của cải rồi, ông ta chẳng còn gì nuôi vợ con nữa đành phải sống và nhờ vào của bố thí của người khác. Người nầy đã so sánh Kinh Thánh cách nông cạn, không để ý tới những câu khác trong ICo1Cr 16:2, ITi1Tm 5:8, 6:17-19.vv..
5. Ngôn ngữ Kinh Thánh là ngôn ngữ thường tình của con người
Có thời người ta cho rằng Kinh Thánh được viết bằng chữ Hi Lạp linh thiêng của Thiên đàng, nhưng về sau người ta tìm thấy rằng ngôn ngữ của Tân Ước là thứ ngôn ngữ thông dụng vào thế kỷ thứ nhất. Ngôn ngữ đó chịu ảnh hưởng của văn hóa Do Thái thời bấy giờ, cho nên Tân Ước có nhiều thành ngữ đặc biệt của người Do Thái. Có một số chữ có nghĩa thông dụng, nhưng trong Kinh Thánh nó lại mang một ý nghĩa đặc biệt của người Do Thái, chẳng hạn như chữ ecclesia (hội thánh) và agapao (yêu thương). Ngôn ngữ tiên tri có những đặc điểm riêng, chẳng hạn dùng thì quá khứ khi nói về tương lai.
Dầu vậy, hầu hết các người viết Kinh Thánh đều dùng ngôn ngữ thông thường với những danh từ, động từ vv… ngay cả những hình ảnh dùng cũng giống chúng ta. Khi Kinh Thánh nói về những cây cối vỗ tay hay núi đồi vui cười, chúng ta thấy không có gì khó hiểu. Chúng ta có thể tìm thấy những yếu tố ngôn ngữ mình đã biết và áp dụng những qui luật thông thường của ngôn ngữ.
6. Sự hiểu biết Kinh Thánh phải đi đôi với sự hưởng ứng thành thật, khôn ngoan và tuân phục
Lời Thượng Đế ban cho chúng ta “Được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành ” (IITi 2Tm 3:17). Không một hiểu biết nào về Kinh Thánh là thuần kỹ thuật và lý thuyết suông. Khi chân lý đã rõ ràng cho tâm trí, thì ý chí phải đáp ứng. Hiểu biết và vâng phục không được tách rời nhau. Chúng ta học để làm, và chúng ta không thật sự học hỏi nếu chưa bắt đầu làm.
7. Sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh là cần thiết để hiểu Kinh Thánh
“Ngài sẽ dẫn ngươi vào mọi lẽ thật ”, Chúa Giê-xu đã phán vậy khi Ngài nói về Đức Thánh Linh (GiGa 16:13). Những sự thuộc về Thánh Linh “phải được xem xét cách thiêng liêng ” (ICo1Cr 2:14). Chân lý của Kinh Thánh vượt quá những sự kiện và tin tức trong đó. Ý nghĩa căn bản của Kinh Thánh thuộc linh giới, nếu ta muốn hiểu phải nhờ Đức Thánh Linh dạy dỗ.
Trên đây là bảy xác tín làm nền tảng cho sự hiểu biết Kinh Thánh. Bây giờ chúng ta sẽ xét đến những dụng cụ cần thiết để bắt tay làm việc.